Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Bút kí: "An toàn cho thợ mỏ Cao Sơn"

Thiên Sơn - 20-06-2011 01:00:02 PM

VanVN.Net - Đỉnh 436, cái chóp cao nhất của vùng núi Cao Sơn đã bị những người công nhân cần cù, dũng cảm chinh phục. Moong trung tâm có độ sâu  trên 70m (so với mực nước biển) phơi ra giữa mênh mông…

Moong trung tâm Cao Sơn

Từ quốc lộ 18, con đường rẽ lên Cao Sơn phải qua mỏ Cọc 6, Đèo Nai với dốc núi dựng ngược, vòng vèo, tấp nập những đoàn xe vận tải đủ chủng loại như ô tô Benlaz, xe HD91 và ấn tượng nhất là xe CAT 777D với trọng tải lên đến 96 tấn. Thỉnh thoảng lại gặp những chiếc xe phun nước làm dịu cái nắng gắt và bụi than từ những công trường.

Thực hùng vĩ thay sức mạnh con người…

Nơi đây đã từng là một vùng núi non bao la, sừng sững. Giấu trong từng thớ đá những vỉa than đen bóng, quý giá được mệnh danh là “vàng đen”.

Trong chuyến đi thực tế do Hội nhà văn Việt Nam phối hợp với Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam tổ chức, chúng tôi đã đến khai trường Cao Sơn một ngày nắng lửa cuối tháng 5 năm 2011.

Thật khó để không ngỡ ngàng khi chứng kiến sự đổi thay kỳ lạ cùng sức lực vô hạn của con người trên hành trình chinh phục và làm chủ thiên nhiên. Chúng tôi đã cố để hiểu, để đồng cảm, không bỏ qua một khắc thời gian, một chi tiết nhỏ nào, hòa vào cái không khí lao động náo nhiệt trên khai trường của hàng ngàn lao động đủ mọi lứa tuổi…

Lãnh đạo CTCP Than Cao Sơn làm việc với đoàn nhà văn

“Cao Sơn - núi cao - cáo lui!” Câu nói (vui) đó không chỉ vang lên một lần, hai lần mà hàng ngàn, hàng vạn lần. Đến nỗi nó đã trở thành một thành ngữ quen thuộc đối với những cán bộ địa chất và công nhân khai mỏ một thời. Địa hình hiểm trở, các vỉa than ở độ sâu từ 8 đến 15 mét, độ cứng của đất đá rất lớn, từng là thách thức đã một thời không thể vượt qua. Bao nhiêu đoàn khảo sát, bao nhiêu cán bộ kỹ thuật đến Cao Sơn rồi lại quay về. Biết là than quý giá, công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước rất cần đến nguồn năng lượng thiên nhiên này, nhưng suốt gần ba mươi năm sau cách mạng tháng tám, chúng ta đành để nguồn “vàng đen” ở Cao Sơn yên ngủ.

Ngày 6 - 6 năm 1974, mỏ than Cao Sơn chính thức được thành lập với sự thiết kế và giúp đỡ tận tình của các chuyên gia Liên Xô. Sau 6 năm nghiên cứu, xây dựng cơ sở hạ tầng với các yêu cầu kỹ thuật hết sức kỹ càng và chính xác đảm bảo độ an toàn cao và áp dụng những tiến bộ khoa học tiên tiến nâng cao dần năng suất, ngày 19 tháng 5 năm 1980, dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhật Bác Hồ, tấn than đầu tiên của Cao Sơn chính thức được khai thác trong niềm hân hoan vô hạn.

Từ đó đến nay, gần 40 triệu tấn than đã được khai thác, chuyển đến mọi miền đất nước và xuất khẩu ở nước ngoài. Để có từng ấy tấn than, gần 310 triệu m3 đất đá đã phải bốc đi. Việc vận chuyển suốt ngày đêm. Các bãi thải đã nhích dần lên độ cao 320m. Hàng chục con đường, với vô vàn nhánh nhỏ tỏa ra như một mạng lưới khổng lồ trải dọc ngang trên các triền núi mênh mông, phơi ra dưới bầu trời lồng lộng.

Có một điều mà các thế hệ lãnh đạo ở công ty cổ phần than Cao Sơn  cho là chí lý: “Muốn chinh phục được thiên nhiên, muốn bắt thiên nhiên phục vụ con người, đưa công cuộc khai thác than ngày một phát triển thì trước hết phải bảo vệ được con người trước cái hà khắc, trước công việc nguy hiểm trong cuộc quyết chiến trường kỳ với thiên nhiên.” Vì thế, công tác đảm bảo an toàn lao động, chăm sóc sức khỏe công nhân, an toàn cháy nổ đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ khi mới thành lập và duy trì đến tận hôm nay, trở thành một truyền thống quý báu của công ty.

Từ khi Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam được thành lập, Công ty cổ phần Than Cao Sơn (đơn vị được phân công khai thác mỏ Cao Sơn) trở thành một thành viên năng động, sáng tạo sánh cùng các đơn vị bạn trong tập đoàn và hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Năng suất lao động liên tục được nâng cao, các tiến bộ kỹ thuật luôn được áp dụng, yêu cầu về công tác đảm bảo an toàn lao động cũng được nâng lên.

Sàn tuyển than

Từ khu vực moong trung tâm có thể nhìn thấy văn phòng 2 của công ty cổ phần Than Cao Sơn. Đó là một tòa nhà rộng dài, kiên cố, thách thức nắng mưa, bụi đất. Nơi đây hàng ngày có sự phân công trực tiếp điều hành sát sao của các đồng chí cán bộ cốt cán phụ trách tại hiện trường nhằm xử lý kịp thời mọi vấn đề phát sinh của một bộ máy hoạt động với khoảng 3.600 công nhân trong các khai trường, các trung tâm vận tải, các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa cơ khí và cung ứng điện năng.

Đồng chí Vương Văn Biên, phó giám đốc đặc trách công tác an toàn vệ sinh lao động cho biết: “Để đảm bảo công tác an toàn lao động, Công ty cổ phần Than Cao Sơn lập Hội đồng bảo hộ lao động với sự có mặt của nhiều đồng chí cán bộ chủ chốt. Một đồng chí phó giám đốc trực tiếp phụ trách lĩnh vực này. Bên dưới Hội đồng bảo hộ lao động là hệ thống giám sát vừa bao trùm toàn bộ công ty, vừa sâu sát xuống các phân xưởng, các tổ sản xuất. Hệ thống này lên đến 344 người nhằm phát hiện nguy cơ mất an toàn lao động, giám sát, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các quy định và quy trình lao động.”  

Phương án khai thác trên từng địa bàn cụ thể bao giờ cũng được Phòng kỹ thuật khai thác tính toán cẩn thận nhằm đảm bảo an toàn. Trên cơ sở đó mà chọn lựa các thiết bị, máy móc phù hợp, đảm bảo cung cấp điện trong điều kiện thời tiết xấu. Lãnh đạo thường nhắc nhở anh em công nhân tuân thủ nghiêm kỷ luật lao động. Những ai vi phạm quy định chung về an toàn vệ sinh lao động đều bị nhắc nhở hoặc cho đi học tập, và muốn trở lại công tác ở vị trí cũ phải cam kết thực hiện nghiêm nội quy được công ty quy định. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ có hình thức kỷ luật tương xứng (có trường hợp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động).

Khâu đầu tiên của quá trình khai thác than ở Cao Sơn là nổ mìn.

Mỗi ngày ở đây tiêu thụ lên đến khoảng 20 tấn thuốc nổ. Sau khi nghiên cứu kỹ càng địa hình, các công nhân mỏ sử dụng máy khoan thủy lực khoan xuống độ sâu từ 8m đến 15m. Mìn được đặt vào các hố khoan và tiến hành cho nổ theo đúng những quy trình kỹ thuật đặc biệt. Hàng chuỗi âm thanh liên hoàn phát ra từ trong ruột núi làm vang động cả một vùng, bung vỡ từng mảng lớn đất đá, để lộ ra những vỉa than đen nhánh. Ai chứng kiến cảnh đó sẽ không khỏi tự hào về sức mạnh và mưu trí của con người. Tựa như một cuộc tiến công của con người vào thành trì kiên cố, huyền bí đã triệu năm của thiên nhiên, và kết quả là con người nhỏ bé đã chiến thắng cả cái hoang sơ hùng vĩ của tự nhiên, để lấy ra từ đó những gì là quý giá, chưng cất trong đằng đẵng thời gian, phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của mình.

Các đồng chí cán bộ điều hành các phân xưởng cho biết: Thông thường, việc nổ mìn do các cán bộ thuộc Tổng công ty hóa chất mỏ phái xuống thực hiện. Bộ phận điều hành, giám sát an toàn lao động phải báo cho công nhân và có kế hoạch sản xuất ở những vị trí an toàn tránh xa khu vực nguy hiểm. Khi nổ mìn xong, các cán bộ chuyên môn kiểm tra lại tất cả những vị trí nổ mìn để rà soát những quả mìn câm. Khi xét thấy an toàn tuyệt đối thì mới bắt đầu tiến hành xúc bóc đất đá và khai thác than.

Việc xúc than, sàng than, tuyển than và vận chuyển được phối hợp nhịp nhàng theo một quy trình chặt chẽ, bố trí theo ca kíp để tránh lãng phí và đảm bảo an toàn. Ngày nắng, trên xe có lắp điều hòa nhiệt độ. Ngày mưa, các đoạn đường dễ trơn trượt hoặc khu vực có sạt lở đều được cảnh báo và nghiêm cấm người cùng các phương tiện hoạt động.

Công nhân nam có sức khỏe tốt bố trí khai thác ở các mom. Phụ nữ thường làm công việc nhẹ hơn ở các sàn tuyển than, sàng than.

Những ngày hè nóng nực, bụi nhiều, việc phun nước chống bụi và hạ nhiệt độ được đẩy mạnh. Trung bình mỗi ngày nắng nóng ở đây 120 ngàn lít nước được phun tưới trên các cung đường của khai trường Cao Sơn. Sắp tới, theo kế hoạch đang triển khai, những máy phun nước hiện đại sẽ được đưa vào sử dụng nâng công suất lên khoảng 200.000 lít mỗi ngày.

Ông Vương Văn Biên, PGĐ CTCP Than Cao Son

Công nhân làm việc trong các khai trường, trong các trung tâm điều độ, các trạm bảo dưỡng sửa chữa cơ khí đều phải mặc bảo hộ lao động. Do điều kiện làm việc trong khói bụi, cán bộ và công nhân không tránh khỏi một số căn bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là bệnh về phổi. Vì thế, lãnh đạo công ty thường xuyên tổ chức khám định kỳ 3 đến 6 tháng một lần cho anh em. Nếu xét thấy có cán bộ, công nhân nào bị bệnh do nghề nghiệp, lãnh đạo Công ty cổ phần Than Cao Sơn sẽ tiến hành thủ tục phụ cấp thêm cho anh em để bồi dưỡng sức khỏe. Nếu ai sức khỏe sút kém, muốn được nghỉ ngơi thì căn cứ vào điều kiện thực tế, lãnh đạo tiến hành xem xét giải quyết.

Tại các khai trường Cao Sơn có 2 trạm y tế, 1 bệnh xá, với 28 y bác sỹ  luôn túc trực ngày đêm, kịp thời cấp cứu khi xảy ra tai nạn hoặc có người bị đau ốm. Ở các đơn vị sản xuất đều có các điểm cứu thương để đáp ứng các yêu cầu phát sinh bất ngờ.

Trong số các khai trường thì khu vực Bắc Cao Sơn có nhiều nguy cơ sạt lở, ngập lụt, mất điện khi có mưa to gió lớn. Độ dốc ở đây lại cao, vận chuyển khó khăn. Việc đảm bảo an toàn khi khai thác tại khu vực này đặc biệt được chú trọng.

Nhờ những nỗ lực trên, trong nhiều năm liền ở Cao Sơn không có tai nạn nghiêm trọng gây tử vong. Sức khỏe công nhân được bảo vệ. Đời sống từng bước được nâng cao.

Công ty cổ phần Than Cao Sơn cũng tiến hành xây dựng khu tập thể cho cán bộ công nhân viên, xây dựng Công viên văn hóa Cao Sơn làm điểm tựa tâm linh và nơi vui chơi giải trí cho cán bộ, công nhân và nhân dân trong vùng.

Người công nhân ngày càng yêu nghề và yên tâm công tác. Một cán bộ lái máy xúc, anh Nguyễn Thừa Ngạn đã nói với chúng tôi, anh đã công tác ở đây hơn 30 năm. “Tôi yêu chiếc máy xúc như một phần cơ thể mình. Mỗi ngày nghỉ là tôi thấy nhớ chiếc máy”.

 

Ông Phạm Hồng Lương - Bí thư Đảng ủy CTCP Than Cao Sơn

Tôi nhớ câu nói chân tình trong buổi chia tay các nhà văn của đồng chí Phạm Hồng Lương, bí thư Đảng Ủy công ty cổ phần Than Cao Sơn: “Tôi cũng xuất thân từ công nhân với 14 năm lái máy xúc. Tôi hiểu những người công nhân ở đây. Tôi gắn bó với họ. Lãnh đạo chúng tôi không nhìn lên trời, chúng tôi hướng đến người công nhân và làm tất cả để góp phần vào sự nghiệp chung, đồng thời chăm lo cho đời sống của họ”.

Đó quả thực là một điều cảm động… Một điều không thể và không nên quên! Sau biết bao nhọc nhằn vất vả, người công nhân nay đã phần nào được ấm no và cần được ấm no hơn; đã an toàn và cần được an toàn hơn!... Trong điều kiện khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển mạnh mẽ, sự đầu tư thích đáng các phương tiện tiên tiến, giảm dần sự cực nhọc của người lao động, tăng cường các quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo an toàn lao động nhằm bảo vệ cuộc sống của người công nhân là xu thế cần được chú trọng hơn nữa.

Chúng tôi chia tay Cao Sơn, giữ mãi những nụ cười hân hoan, những ánh nhìn đằm thắm của người thợ mỏ. Những ngày ngắn ngủi ấy giờ đã trở thành kỷ niệm khó phai trong mùa hè dữ dội này…

 

                                                                           Hà Nội 15-6-2011

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhà văn đọc sách  

Ấm áp Ngọn Lửa thơ

Trong đội ngũ đông đảo các nhà thơ đương đại, Trương Minh Phố xuất hiện trong làng văn chương nói chung và Thơ nói riêng, khá muộn. Mãi đến năm 2005 anh mới có một số bài được đăng trên các ...

Tư liệu  

Việt Nam với chiến lược biển (1)

VanVN.Net - (Trích phát biểu của ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam 2011 - Nha Trang ngày 08 tháng 6 năm 2011)…