Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Ảo ảnh tuổi học trò - Sacha Sperling

17-05-2011 04:04:18 PM

VanVN.Net - Nhắc đến tuổi mới lớn, văn chương thường xoay quanh sự hồn nhiên vô tư, những giận hờn trong sáng hay nhớ thương vụng dại, nhưng tác phẩm đầu tay của Sacha Sperling lại khoan sâu xuống vực xoáy đầy giông bão của những tâm hồn non tơ…

Ảo ảnh tuổi học trò

Tên sách: Ảo ảnh tuổi học trò

Tác giả: Sacha Sperling

Dịch giả: Thúy Liễu

NXB Hội Nhà văn

Một trong nhiều băn khoăn muôn thuở của nhân loại là nỗi băn khoăn về tồn tại. Càng ở những người trẻ, càng trong điều kiện vật chất đầy đủ, nỗi băn khoăn càng thêm nhiễu loạn và hoang mang, bởi khi ấy bản lĩnh chưa hình thành, mục tiêu tương lai chưa rõ rệt, song ý thức về bản thân đã manh nha. Trông ra đường đời trải xa tít tắp mà không biết đi thế nào, chuẩn bị hành trang gì hay gọi bạn đồng hành ở đâu, người ta dễ rơi vào trạng thái cô đơn, mất phương hướng và sẵn sàng bấu víu vào bất kỳ bàn tay nào chìa tới trước mặt. Sacha Winter, nhân vật chính trong Ảo ảnh tuổi học trò là một trường hợp như thế.

Như tấm màn nhoè nhoẹt của một ký ức ảm đạm, mưa buồn buồn tuôn xuống phần mở đầu câu chuyện. Sacha quen Augustine trên một chuyến xe lửa liên tỉnh. Thằng con trai này dường như hội đủ tất cả những đặc điểm nó từng ao ước: phong trần, bụi bặm, táo gan, bất cần, ưa mạo hiểm, ngay một điều rất nhỏ nhặt là có thể nhìn chằm chằm thật lâu vào mắt người khác mà không cần chớp mi cũng đủ gây ấn tượng cho Sacha. Bọn chúng mau chóng trở thành bạn bè. Augustine lấp đầy khoảng thời gian trống vắng mà Sacha từng chịu đựng giữa những cuộc gặp gỡ hiếm hoi với hai bậc sinh thành. Augustine không tẻ nhạt kiểu cách như đám con nhà giàu Sacha phải tiếp xúc mỗi lần theo cha đi dự tiệc hoặc bàn chuyện làm ăn. Augustine sẵn sàng chơi lại trò chơi cảm giác mạnh mặc dù đã nôn thốc nôn tháo vì nó trước đó. Augustine là loại con trai khiến người ta hồi hộp vì cứ uể oải bỏ lửng câu nói giữa chừng. Augustine không chấp nhận bất kỳ giới hạn nào cả. Tóm lại, Augustine thuộc một dạng khác hẳn, đáng ham muốn hơn hẳn một Sacha suốt ngày phải chịu gò bó: tức tối mà không dám nói, tò mò mà không dám thử, khao khát mà không dám thoả mãn.

Ý nghĩa của sự tồn tại là chủ đề chính trong Ảo ảnh tuổi học trò, cũng là nỗi băn khoăn thường trực của Sacha Winter. Là chân dung điển hình của một đứa con trong gia đình tan vỡ, ít được săn sóc và hỏi han, ở Sacha có sự khép kín và ngập ngừng rất rõ rệt. Nó không hoà hợp được với trường học, với bạn đồng môn, chán ghét kỷ luật, hình thức và nghi thức. Đôi khi thấy sợ hãi vì phải đối diện với nỗi cô đơn, nó thử tìm ai đó để giao lưu, rụt rè trong những đụng chạm xác thịt để cảm nhận sự tiếp xúc. Song tất cả chỉ dừng ở đó. Sacha được giáo dục đủ chính quy để giữ mình không đi quá giới hạn. Đến khi gặp Augustine, mong muốn khám phá ý nghĩa cuộc sống từ từ châm ngòi cho sự nổi loạn vẫn ẩn sâu dưới bề ngoài lặng lẽ của Sacha. Nó bắt đầu kiếm tìm lạc thú trong rượu, thuốc lá và các chất gây nghiện khác, nếm trải cảm giác kích thích bằng cách ăn trộm đồ ở siêu thị, trốn tránh sự cô độc bằng cách kéo dài những cuộc tụ bạ thâu đêm suốt sáng ở các câu lạc bộ.

Đỉnh điểm của sự buông thả này là quan hệ xác thịt nguy hiểm với Augustine. Ngày qua ngày, hai thằng con trai mê mẩn bám chặt lấy nhau trong nỗ lực lãng quên sự quạnh hiu của tâm hồn. Song càng chiều chuộng bản thân, Sacha càng thấy ngán ngẩm. Nó dần nhận ra mọi thú vui hiện tại đều tạm bợ, dễ dãi và chóng vánh, đều khiến người ta mục ruỗng tàn tạ, còn chính nó cứ mãi không có chỗ đứng nào trên đời, không hiện diện trong suy nghĩ của ai cả. Trái đất vẫn quay, đây đó vẫn có người chết, cha mẹ vẫn triền miên với công việc của mình. Có lần muốn tạo cơ hội để biểu lộ ít nhiều phản ứng, Sacha hút một điếu thuốc ngay trước mặt mẹ. Thay vì cấm đoán, hoặc tốt hơn là khuyên răn, mẹ nó chỉ nói: “Hút thuốc trước mặt mẹ như thế là không tốt. Nếu con hút trộm, con sẽ hút ít hơn.” Lại có lần đi nghỉ ở nước ngoài, ngày nào Sacha cũng gọi hai, ba chai rượu uống dù chưa đến tuổi thành niên, mẹ nó biết nhưng không một lời ngăn cản.

Khó khăn của Sacha là khó khăn mà những người trẻ gặp phải trong đời khi thiếu sự định hướng chỉ dẫn, khi những no đủ của một nền kinh tế phát triển đòi hỏi người lớn phải tập trung không ngừng vào công việc, đồng thời dụ dỗ và cưng nựng quá mức các ham muốn của thanh thiếu niên.

Không hẳn phức tạp về tình tiết, nhưng câu chuyện khá gây sốc và giàu xúc cảm bởi giải phẫu được nhiều vấn đề hết sức thiết thân với cuộc đời như dục vọng, tình yêu, sống chết, sự trưởng thành... đồng thời éo le đến độ người ta phải bứt rứt phỏng đoán xem nhân vật sẽ thu dọn vai diễn của mình như thế nào. Nói cách khác, Ảo ảnh tuổi học trò là một tác phẩm chân thành, có khả năng gây xúc động đến tận tâm can, phải chăng vì được viết ra bởi trải nghiệm thực tế hoàn toàn tươi mới của một người vừa chạm ngưỡng thành niên? Ảo ảnh tuổi học trò xuất bản lần đầu tại Pháp năm 2009, cũng là năm Sacha Sperling bước sang tuổi 19.

(Nguồn: Evan)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Nhà văn đọc sách  

Giao hưởng – gió Đỗ Quyên

VanVN.Net - Chỉ bấm tính, như trồng cây, để có được tập trường ca này, phải cần nửa đời người. Các tác giả trường ca trước Đỗ Quyên (ĐQ), đều vậy, hoặc hơn. Chưa kể, những trường ca của các bộ ...