Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: "Cái nhìn" - Đức Hậu

01-02-2014 01:09:20 PM

Trưa mồng một Tết tôi sang thăm một người bạn. Anh vốn là một kỹ sư tài hoa đã có những công trình nghiên cứu được giới thiệu trên tạp chí chuyên ngành. Thời trai trẻ anh là một tay chơi đàn guitar có tiếng, mà chơi solo nhạc cổ điển chứ không phải chơi tài tử. Anh có một tủ sách khá lớn toàn sách quý mua chọn lọc qua nhiều năm. Anh đọc nhiều, đi nhiều, giao du rộng, sống phóng khoáng và lịch lãm. Thế mà mới nghỉ hưu vài năm, anh đã hoàn toàn thay đổi. Anh đóng cửa không đi đâu, không gặp ai. Việc cưới xin, ma chay anh gửi quà mừng và lễ phúng viếng. Anh bỏ cả thói quen đọc sách, chơi đàn, hàng ngày quanh quẩn với mấy cái lồng chim và những chậu cây cảnh. Một số bạn bè lui tới nhà anh một thời gian rồi chán không quay lại nữa. Anh cũng không lấy thế làm buồn. Có vẻ như anh không màng gì  đến thế sự nhân tình, điều mà trước đây anh luôn mê đắm bằng cả nhiệt huyết. Bạn bè xa lánh anh, nhưng tôi thì không. Vì tôi  quý anh, yêu tủ sách và tấm lòng trong sáng của anh. Hơn nữa tôi cũng muốn biết điều gì đang xảy ra với anh. Tôi biết anh nghỉ hưu sớm vì một cú sốc sau thất bại về đường công danh. Nhưng như thế chưa thể quật ngã được một con người tài trí như anh. Vậy thì điều gì đã làm anh thay đổi? Tôi sang thăm anh đúng ngày tết cũng vì vậy. Cổng không khóa, nhà tối om và vắng lặng. Anh đang ngồi ăn trưa một mình trong phòng khách. Tôi bật điện và khẽ kêu lên: “Anh ăn Tết thế này sao?”. Trước mặt anh chỉ một bát cơm nếp và đĩa vừng đen. Anh cười: “Ừ, ăn thế cho sạch ruột. Mình nhiều bệnh lắm”. Anh vốn thích ăn nhậu và là một tay sành rượu cơ đấy. Trong nhà anh có hai bàn thờ, một bàn thờ Tổ tiên và bàn thờ Chúa. Bàn thờ Chúa có tượng Đức mẹ và ngọn nến sáng lung linh. Bàn thờ Tổ tiên thì hương lạnh khói tàn. Tôi thắp ba nén hương trên bàn thờ Tổ và quay lại hỏi anh: “Chị và các cháu đâu anh?”. Anh đáp dửng dưng: “Đi nhà thờ rồi”. Vợ chồng đứa con trai đi du học bên Úc về theo đạo Tin Lành. Không biết chúng làm thế nào mà vợ anh cũng theo chúng, lập bàn thờ Đức Chúa trong nhà. Người chồng thì thờ cúng Tổ Tiên, hương khói ngày Rằm mồng một. Người vợ và vợ chồng đứa con chỉ hàng ngày cầu Kinh trước bàn thờ Đức Chúa, không quan tâm đến giỗ chạp, cúng bái tổ tiên nữa. Đã có cái nhìn khác nhau của những người cùng gia đình, huyết thống về tín ngưỡng, về gốc gác Tổ Tiên. Người con gái anh yêu đẹp như mộng thuở nào giờ trở thành người đàn bà hững hờ xa lạ sống cùng một mái nhà với anh. Tôi nói đùa: “Đức tin nhà anh hơi đa hệ đấy nhỉ!”. “Đức tin là do cách nhìn, thay đổi đức tin cũng có nghĩa là thay đổi cách nhìn cậu ạ”, anh nói. Tôi nói “Như vậy cũng có nghĩa là thay đổi bản thân”. “Không đúng, anh nói. Thực ra là thay đổi nhận thức, thay đổi hệ quy chiếu tự dưng thấy sự đời khác hẳn. Có những cái hôm qua mình thấy rất quan trọng, nó dằn vặt mình, làm mình mất ăn mất ngủ, thì nay thấy thật vô nghĩa. Giờ nhìn những anh hăm hở, hăng hái, mặt mày hơn hớn thấy thật đáng thương. Ôi cái sự phù du của kiếp người!”. Tôi nói: “Anh mắc bệnh yếm thế rồi. Có lẽ chuyện không vui trong gia đình hay bệnh tật làm anh thay đổi phải không?”. Anh nói: “Cậu biết mình đâu phải người yếu đuối. Chẳng qua là tự nhiên thấy đời chán phèo thôi. Đi đâu cũng chán. Hôm trước tết về quê, từ ngày các cụ mất mới ngủ lại một đêm. Cậu có biết cái làng truyền thống mà cậu say mê viết hết bài này bài khác là cái nôi của văn hóa Việt, nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa của cha ông giờ thế nào không? Làng mình giờ có năm quán karaoke, bọn thanh niên đi làm ăn xa về hát hò suốt đêm, gái điếm làng, điếm gọi hoạt động công khai. Nhà nào có máu mặt là vênh vang khoe của rởm. Hỏng hết rồi”. Tôi nói: “Tôi biết những chuyện ấy, nhưng đó là mặt trái của làng thời mở cửa sau hàng ngàn năm khép kín. Tầng sâu văn hóa vẫn còn nguyên và có nhiều thứ đang được phục hưng, nâng cao. Vấn đề là tâm thế của anh hiện nay chỉ nhìn thấy mặt trái thôi”. “Có lẽ thế. Nhưng mình thấy chán đời quá cậu ạ”. Đây là lần đầu tiên anh thổ lộ nỗi lòng với tôi. Vì là chỗ thân tình không ngại anh giận, tôi thấy phải gây một liệu pháp sốc với anh: “Anh đang có hội chứng bệnh trầm uất rồi. Mà đó là một dạng của cái chết đấy. Một người có văn hóa cao như anh không đáng kết thúc cuộc đời như vậy. Hãy thay đổi cách nhìn để lấy lại niềm tin vào chính mình, anh ạ”. Anh im lặng nhìn tôi bằng ánh mắt khác lạ. Tôi bèn kể cho anh nghe một câu chuyện sống sót nhờ niềm tin.

Thời bao cấp tôi được sống với một người để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Ông từ một cơ quan trung ương được điều về làm cơ quan tôi. Dạo ấy đời sống rất khó khăn, ngày hai bữa cơm tem phiếu ăn không đủ no, bữa sáng thường nhịn suông, nhưng ông luôn luôn giữ thói quen tập thể dục và tắm nước lạnh buổi sáng, dù mùa đông hay mùa hè. Sinh hoạt và rèn luyện đều độ, nên thân thể ông săn chắc và hồng hào. Tôi rất khâm phục lối sống của ông, tưởng như con người ấy không bao giờ đau yếu. Một hôm ông nói với tôi: “Cậu biết không, lẽ ra tớ chết năm ba mươi nhăm tuổi, nhờ niềm tin mà sống được đến ngày hôm nay. Cũng vì thế tớ hiểu được sức mạnh của niềm tin và biết quý những năm tháng đời sống của mình”. Ông kể rằng lần ấy ông bị sốt kéo dài, đi khám bác sĩ không tìm ra bệnh. Khó khăn lắm ông mới xin được cho chụp X quang. Mấy hôm sau, bác sĩ mời ông đến hội chẩn và kết luận ông bị lao phổi nặng. Vết đen ở phổi ông rất đậm. Ông choáng váng như nghe tuyên án tử hình. Lúc đó đang chiến tranh, điều kiện y tế quá lạc hậu, thuốc men khan hiếm, mà chưa có thuốc đặc trị chữa lao như bay giờ. Các cụ ngày xưa nói phong, lao, cổ, lại, là tứ chứng nan y mà, ai mắc phải chỉ có chết. Từ hôm ấy biểu hiện bệnh lao của ông ngày càng rõ, chiều nào cũng hu hi sốt, miệng đắng ngắt, ăn không ngon. Sau sáu tháng, ông sút năm cân, người gầy rộc, tai ù mắt hoa, luôn hâm hấp nóng và  mệt rã rời. Ông đã nghĩ đến cái chết và tuyệt vọng chờ chết. Một hôm có người bạn đưa ông đến gặp một bác sĩ già học thời Pháp. Bác sĩ đọc phim của ông rất kỹ rồi hỏi: “Hồi nhỏ anh có bị viêm phổi lần nào không?”. Ông thưa rằng lúc mười tuổi có bị viêm phổi suýt chết, phải chữa chạy ba tháng mới khỏi. Bác sĩ cười bảo: “Anh không bệnh tật gì đâu. Vết đen này là cái sẹo lần viêm phổi ấy đấy”. Từ nhà bác sĩ ra, ông thấy người khác hẳn, không còn váng vất mệt mỏi nữa. Ông chợt ngửi thấy mùi hoa thơm và nghe thấy tiếng chim hót trên những vòm cây trên hè phố. Người bạn rủ ông đi ăn bát phở đêm mừng tai qua nạn khỏi. Đó là bát phở ngon nhất trong đời ông. Đêm đó ông ngủ ngon sau nửa năm sống những đêm dài  đầy ác mộng. Sáng ra tỉnh dậy thấy khỏe mạnh như chưa từng ốm đau gì. Hóa ra căn bệnh của ông là bệnh tưởng, ông đã suýt tự giết mình.

Cách đây khoảng một tuần, tôi đang ngồi viết, bỗng anh kỹ sư sang chơi, không đợi ở phòng khách mà xộc thẳng lên gác. Anh sôi nổi: “Mình vừa về xây mộ cho các cụ ở quê. Mất mấy tháng đấy cậu ạ”. Tôi cười: “Sao hôm nay anh hăm hở thế?”. Anh cười: “Sang mình uống rượu đi. Nay có món nhậu”. Tôi vui vẻ bỏ dở công việc đi theo anh. Trước khi ngồi vào mâm, anh lấy đàn guitar ra dạo rồi hát cho tôi nghe bài hát anh mới sáng tác. Anh bảo: “Đài tỉnh nó thu rồi, sẽ phát dịp tết Tây đấy”. Thấy tôi nhìn anh vừa ngạc nhiên vừa thích thú, anh bỏ đàn: “Uống rượu đã”. Sau khi nâng cốc, anh ngồi sát vào tôi, nói: “Này, cái ông bệnh lao của cậu đã cứu mình đấy. Cậu có biết mình bắt đầu thế nào không? Bằng việc đến thăm một tay đểu nhất. Hắn ta quá bất ngờ, rồi sau thì cảm động. Hóa ra hắn cũng đầy bất hạnh, mà hiểu ra thì hắn cũng không đến nỗi nào. Quả là thay đổi cách nhìn thấy đời khác hẳn cậu ạ. Mà này, bệnh tật cũng đi đâu tiệt cậu ạ”. Tôi không biết bình luận gì thêm, chỉ thấy lạ vì một người từng trải và trí thức như anh mà vẫn còn bài học mới ở cuộc đời.

Ôi, cái nhìn và đức tin. Con người  nhìn sự vật bằng mắt và qua ánh sáng. Rắn lục nhìn mọi vật qua một cơ quan phát tia hồng ngoại, thu hình ảnh các vật sống bằng  bức xạ nhiệt. Những gì con người nhìn bằng ánh sáng thì rắn lục không nhìn thấy. Những gì rắn lục nhìn thấy trong bóng tối, con người mù tịt. Qua cái nhìn của Người và Rắn lục, thế giới đã là hai thế giới khác nhau. Con người  nghiên cứu cách nhìn của rắn lục để làm ra kính hồng ngoại nhìn xuyên đêm. Lại học rắn lục để chế tạo ra kính thiên văn điện tử  phóng lên quỹ đạo, thu hình ảnh bức xạ nhiệt của Vũ Trụ, đã có những phát hiện  vô cùng to lớn, nhìn thấy những ngôi sao ở các Thiên Hà  cách Trái Đất hàng chục tỉ năm ánh sáng.

Thay đổi cách nhìn có thể nhìn thấy một thế giới mới. Hay thay đổi cách nhìn có thể thấy thế giới quanh ta thay đổi hoàn toàn, thậm chí có thể thay đổi cả số phận của chính chúng ta. Phải chăng bí mật của thế giới nằm ngay trong cách nhìn của chúng ta?

 

(Nguồn: Văn nghệ số 4-5-6/2014)

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Người đi về phía ánh trăng

VanVN.Net - Nhà thơ Lò Ngân Sủn là một thi nhân Việt Nam xuất sắc, tác giả của 14 tập thơ, 2 tập truyện ký, 10 tiểu luận nổi tiếng và hàng loạt bài thơ được phổ nhạc rộng rãi. Mãi ...