Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Những điều ít biết về đạo diễn Phạm Văn Khoa và Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Nguyễn Huy Thắng - 02-05-2011 12:09:50 AM

VanVN.Net - Những ngày sau Cách mạng tháng Tám, Hà Nội rợp bóng đỏ của cờ và khẩu hiệu. Bấy giờ ta đang chuẩn bị đón quân Đồng minh vào giải giáp vũ khí của quân Nhật đã đầu hàng. Trên nhiều đường phố của thủ đô, có những khẩu hiệu được viết bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga trên băng đỏ, chữ vàng: Nước Việt Nam của người Việt Nam, Độc lập hay là chết!, Hoan hô những người giải phóng cho chúng ta… Một hôm, có hai người tuổi ngoài ba mươi đi trên hè phố, vừa đi vừa hân hoan ngắm nhìn cảnh tượng phố xá tưng bừng như trong buổi mới. Chợt một người chỉ lên một tấm biểu ngữ chăng ngang nói với người kia: “Khoa này, những khẩu hiệu và cờ như choàng cho thủ đô chiếc áo ngày cưới”…

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Người vừa nói đó là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, còn người tên Khoa chính là đạo diễn điện ảnh tương lai Phạm Văn Khoa. Hai ông được Hội Văn hóa cứu quốc giao trách nhiệm treo các khẩu hiệu thể hiện ý chí của dân tộc Việt Nam khi quân Đồng minh vào Hà Nội. Công việc được thực hiện, hai ông đi kiểm tra một lượt, đồng thời cũng để tận hưởng niềm vui chiêm ngưỡng thành quả của mình…

Không ngờ, tối hôm ấy, các ông được biết Hồ Chủ tịch chỉ thị phải dỡ bỏ ngay khẩu hiệu Hoan hô những người giải phóng cho chúng ta. Bác nói Cách mạng tháng Tám là do Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh gian khổ với thực dân Pháp và phát xít Nhật để giành độc lập tự do cho Tổ quốc, chứ có ai đến giải phóng cho ta đâu mà phải hoan hô họ?! Thế là, ngay lúc đêm hôm, Nguyễn Huy Tưởng và Phạm Văn Khoa mượn xe cam nhông của Tòa thị chính đi các phố gỡ các khẩu hiệu non yếu về chính trị kia…

Câu chuyện này được đạo diễn Phạm Văn Khoa kể trong bài Những lời Bác dạy khi được tin Bác mất. Bài viết thể hiện nỗi tiếc thương vô hạn của tác giả đối với lãnh tụ. Đồng thời cũng là một kỷ niệm có nhiều ý nghĩa về hoạt động của Hội Văn hóa cứu quốc những ngày đầu mà bác Phạm Văn Khoa và cha tôi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là hai trong số những thành viên nòng cốt.

Đạo diễn Phạm Khoa

Riêng với tôi, câu chuyện mà bác Phạm Văn Khoa kể đã bổ khuyết rất nhiều cho những gì tôi được biết về bác, gián tiếp qua những ghi chép trong nhật ký của cha tôi hoặc trực tiếp qua những lần được gặp bác. Thực ra, cha tôi ghi nhật ký về bác Phạm Văn Khoa không nhiều, nhưng mỗi lần hình ảnh bác được tái hiện qua ngòi bút ghi nhanh của cha tôi đều để lại những ấn tượng đặc biệt. Tháng 3 năm 1960, cha tôi ghi lại một sự việc mà ông cho là “khá thảm”. Họa sĩ Nguyễn Sáng có một bức sơn mài “Hà Nội trong đêm”  được treo ở Câu lạc bộ quốc tế. Do cái tên tranh, người phụ trách câu lạc bộ cho là một đề tài lạc hậu, nên quyết định hạ xuống. Người ta gỡ tranh ra, giữ lại cái khung, còn bức tranh vứt vào một xó. Rồi gọi bán. Đạo diễn Phạm Văn Khoa tình cờ đi qua, hỏi giá, thấy nói khoảng 100 đồng thì mừng quá. Ông vội về nhà bán chiếc xe đạp và một số thứ khác nữa cho đủ số tiền. (Bấy giờ 100 đồng là rất to, cỡ ba, bốn chỉ vàng.) Nhưng đến lúc ấy thì cũng đã nhiều người biết chuyện, các vị ngoại giao đoàn và chuyên gia quốc tế nhao nhao hỏi mua. Một người Rumani đã trả tới 700 đồng. Người phụ trách câu lạc bộ thấy thế, đoán bức tranh có giá trị, bèn không bán nữa.

Ghi lại sự việc ấy, cha tôi không có ý định tả chân ai, mà ông chỉ thổ lộ một nỗi “buồn cho nghệ thuật”. Vô hình trung, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã tô đậm thêm rất nhiều tính hài hước trớ trêu của câu chuyện. Bấy giờ, xe đạp còn là của quí hiếm. Chỉ một số ít người mới có được. Với một người đi làm Nhà nước như bác Khoa, chiếc xe đạp là vật không thể thiếu, để đạp đi làm, đi họp, đi liên hệ công tác… Không có nó, có thể nói, chẳng khác nào như bị chặt chân. Thế mà ông đã dám bán chiếc xe đi, mà là bán vội bán vàng, những mong đổi lấy một nghệ phẩm bị người ta cho là “đề tài lạc hậu”!

Ai đấy có thể cho đó là một cơn bốc đồng nghệ thuật. Song như những gì người viết bài này được biết, điều đó chỉ chứng tỏ lòng nhiệt tình, sốt sắng của đạo diễn Phạm Văn Khoa với mọi việc, mọi sự, nhất là khi những “việc”, những “sự” ấy liên quan đến nghệ thuật. Tác giả Trung Sơn trong bài Đạo diễn Phạm Văn Khoa và mùa thu Hà Nội có kể rằng, năm 1953, ngành điện ảnh quốc gia được thành lập ở chiến khu Việt Bắc. Ông Phạm Văn Khoa ngay từ khi đó đã mơ mộng “rồi ta có xtuy-đi-ô, nào đường ray quay tra-ven-linh, còn đèn pha lóa sáng cả núi rừng...” Và mặc dù đang còn phải lo gây dựng cơ quan với tranh, tre, nứa, lá, ông đã nghĩ tới việc làm phim truyện, nên cho khênh ở đâu về chiếc piano cũ kỹ, để chuẩn bị âm nhạc cho các bộ phim tương lai. Thế là, phim chưa biết bao giờ mới làm, nhưng tiếng đàn đã được cất lên trong rừng khuya, nghe thánh thót, sang trọng…

***

Tết năm Canh Tý 1960 là cái tết cuối cùng trong cuộc đời cha tôi. Thế nào mà cả mấy ngày tết ấy, ông đều dành cho bạn bè, những người thuộc các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Buổi tất niên, ông không ăn liên hoan ở Hội Nhà văn mà đến ăn nhà họa sĩ Nguyễn Sáng. Người nghệ sĩ độc thân không chỉ đãi bạn bằng các món ngon ngày tết, mà còn chuẩn bị một khẩu hiệu được viết bằng nét chữ tài hoa bày trên bàn tiệc: Mời các bạn thật say… Đêm ba mươi, ông ăn giao thừa nhà đạo diễn Phạm Văn Khoa. Bấy giờ đạo diễn vừa lập gia đình với người vợ trẻ, nữ nghệ sĩ sân khấu Bích Châu. Hai vợ chồng mới có con nhỏ. Bận bịu về con, song ông Khoa vẫn cố gắng làm sao cho không khí bữa tiệc thật vui. Đạo diễn đòi vợ chơi đàn dương cầm đãi khách, lại đòi cả đi mượn máy hát về nghe. Tất cả sự tất bật của chủ nhà khiến cha tôi phải ghi nhận một thực tế: Bạn mình không còn cái vẻ hào hoa ngày trước, nhưng tấm lòng của bạn thì vẫn vậy. Vẫn là cái tính quí bạn, “muốn bạn ở lại thật lâu, cho đến giao thừa”… Tiếp đến đêm mồng một, cha tôi đến ăn ở nhà họa sĩ Dương Bích Liên. Hôm ấy, các ông vừa uống rượu tây, vừa vặn máy hát nghe những đĩa cô đầu, sống lại những kỷ niệm về ngày hội mùa, cảnh đình đám khi xưa… Tựu trung, cha tôi đã có “ba đêm liền rất vui”, như ông đã ghi lại trong nhật ký.

Cha tôi mất nửa năm sau đó, để lại một truyện phim còn ở dạng kịch bản văn học: Lũy Hoa. Tác phẩm tái hiện cuộc kháng chiến của quân dân Thủ đô hồi tháng Chạp năm 1946, mà theo chữ dùng của nhà văn Nguyễn Tuân thì đó là “một bức phù điêu dựng lên những mảng lớn có nhiều lửa nhiều khói”. Không biết lúc sinh thời, cha tôi có tâm sự, gửi gắm gì đạo diễn Phạm Văn Khoa về truyện phim của mình không. Song sau khi ông qua đời, chúng tôi – vợ và con ông – luôn trông mong kịch bản của chồng và cha mình sẽ được dựng thành phim, và người làm việc này, không ai khác là bác Phạm Văn Khoa, đạo diễn của những bộ phim nhựa nổi tiếng Lửa trung tuyến, Chị Dậu, Làng Vũ Đại ngày ấy… Nhưng càng với thời gian, hi vọng càng trở nên mong manh, do chúng tôi cũng biết rằng, việc làm một bộ phim kiểu như Lũy Hoa gần như là không tưởng, do hiện trường Hà Nội đã có quá nhiều thay đổi so với bối cảnh cuộc kháng chiến năm xưa, mà việc dựng một trường quay riêng để thực hiện những cảnh lớn của “Hà Nội sáu mươi ngày khói lửa” là quá tốn kém! Vì thế nên đạo diễn Phạm Văn Khoa dù có nhiệt tình với tác phẩm của cha tôi đến mấy cũng chẳng thể làm gì hơn được. Thực tế này càng khiến chúng tôi trân trọng tấm lòng trước sau như một của bác Khoa dành cho cha tôi và cả gia đình ông sau này.

Sau khi cha tôi qua đời, mẹ tôi có gì khó khăn đều là đến gặp các bạn của chồng mình nhờ giúp đỡ: nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà văn Tô Hoài…, và tất nhiên, bác Phạm Văn Khoa. Mỗi khi nhờ bác Khoa điều gì, mẹ tôi thường là yên tâm vì hai nhẽ: thứ nhất, bác vốn tháo vát, lại quen biết nhiều người và được nhiều người quí mến, nên thường là nhờ giúp được; thứ hai, bao giờ bác cũng trả lời cho biết kết quả, dù giúp được hay không cũng vậy…

Nhớ ơn đạo diễn Phạm Văn Khoa, tết năm 1979, tết đầu tiên tôi đi học nước ngoài về, mẹ tôi đưa tôi đến thăm bác. Trong lúc bác lúi húi pha trà, bóc bánh mời khách, tôi tranh thủ ngắm nhìn xung quanh. Khắp bốn bức tường trong phòng bác đều có treo tranh, những bức tranh mà tôi biết là rất quí vì bác vốn là người sành hội họa. Nhưng tôi cũng biết những bức tranh ấy phần lớn là của bạn bè tặng, chứ dễ gì lần nào bác cũng có thể bán xe đạp mà mua cho được! Rót nước mời mẹ con tôi, bác bắt đầu hỏi chuyện. Nào con Thục dạo này ra sao? Con Khánh thế nào? – Thục, Khánh là hai chị gái của tôi đã được bác Khoa giúp rất nhiều hồi xin đi làm, đi học… Tất nhiên, bác cũng không quên hỏi chuyện tôi đi học Rumani giờ về nước ra sao. Rồi bác hỏi đến mẹ tôi về hưu cuộc sống thế nào. Và như có sự liên tưởng, bác chợt nói: Hôm nọ anh Nguyễn Hữu Đang có đến chơi tôi… Ông Nguyễn Hữu Đang từng cùng hoạt động Truyền bá quốc ngữ và Văn hóa cứu quốc với cha tôi thời kỳ bí mật trước 45. Những ngày sau Cách mạng tháng Tám, nếu như bác Khoa và cha tôi được phân công treo các khẩu hiệu như ở đầu bài đã nói, thì ông Đang chính là người được giao nhiệm vụ dựng lễ đài cho lễ Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945. Về sau, do vụ việc “Nhân văn Giai phẩm”, ông bị đưa đi xa. Mãi đến sau năm 1975 ông mới được trở về với cuộc sống bình thường, được phục hồi một số chế độ (như được cấp lại lương với mức lương tương đương thứ trưởng). Ngay khi có thể lên Hà Nội, ông đã đi thăm lại bạn bè, những người cùng hoạt động văn hóa cứu quốc như đạo diễn Phạm Văn Khoa. (Ông cũng có đến thắp hương cho cha tôi mà khi khấn, ông dùng chữ “tưởng niệm một con người lương thiện”)… Về các chuyện xảy ra với ông Nguyễn Hữu Đang, tôi cũng đã được biết láng máng, nên nghe có phần lơ đãng. Nhưng rồi đạo diễn Phạm Văn Khoa hạ giọng kể tiếp câu chuyện, đoạn kết mà tôi còn nhớ mãi, cho đến bây giờ. “Sau từng ấy thăng trầm – tôi hỏi anh Đang – giờ mày đã thấy dại chưa?” Anh Đang gật đầu bảo: “Đúng là tao dại thật. Nhưng suy cho cùng, tao vẫn đúng!”…

Ôi lại chuyện đúng sai, chuyện của các bậc cha chú! Kẻ hậu bối này ít nhiều cũng biết rằng giữa các ông trước kia đã có khá nhiều chuyện “phức tạp”. Nhưng suy cho cùng, đúng sai còn là chuyện của mỗi thời. Duy có tình bạn của các ông dành cho nhau là không bao giờ thay đổi. Ít nhất đó cũng là suy nghĩ của tôi mỗi khi nhớ tới cha mình và những người bạn của ông – bác Phạm Văn Khoa, bác Nguyễn Hữu Đang và nhiều người khác nữa…

(Nguồn: Văn hóa Nghệ An)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...