Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Người sẽ đi tận cùng trên con đường thi ca

Nguyễn Phan Quế Mai - 02-05-2011 12:09:47 AM

VanVN.Net - Trong lễ trao giải cuộc thi “Thơ về Hà Nội” do báo Văn nghệ và đài Phát thanh -Truyền hình Hà Nội tổ chức,  nhiều khán giả trầm trồ thú vị khi một cô gái Mỹ xinh đẹp bước lên sân khấu để nhận Tặng thưởng của cuộc thi trong tà áo dài duyên dáng. Bài thơ “Lại được ở giữa lòng Hà Nội” (In Hanoi, Again) của cô – nữ thi sĩ Jennifer Fossenbell đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng những người yêu thơ ngay trong ngày ra mắt đầu tiên của nó tại đêm thơ quốc tế Hạ Long, trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế Giới thiệu Văn học Việt Nam vào tháng 2/2010...

Nhà thơ Jennifer Fossenbell

Không chỉ viết những bài thơ hay về Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, Jennifer Fossenbell (sinh năm 1980) đã và đang có những đóng góp quan trọng cho việc giới thiệu thơ ca Việt Nam với bạn đọc quốc tế. Cô viết lời giới thiệu và là đồng dịch giả của tập thơ “Cánh đồng người” (tuyển thơ Trần Quang Quý, NXB Hội Nhà Văn 2010). Cô cũng là đồng dịch giả của hơn 70 bài thơ của các nhà thơ Việt Nam thuộc nhiều thế hệ. Những bài thơ này bao gồm các bài thơ cổ điển của các tác giả như Từ Đạo Hạnh, Lý Thường Kiệt, Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Trần Nhân Tông, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du… đã được khắc trên 15 bình gốm sứ Bát Tràng khổ lớn, được triển lãm trong Ngày thơ Việt Nam 2010 và hiện đặt tại Bảo tàng Văn học Việt Nam. Với sự giúp đỡ của cô, những bài thơ về chiến tranh của các nhà thơ Việt Nam cũng đang là sứ giả của hòa bình: được cô giúp chuyển ngữ sang tiếng Anh, những bài thơ trong bản thảo tuyển tập “Lời thơ hòa bình từ hai phía” đã được đọc trong buổi giao lưu thơ xúc động giữa các nhà thơ Việt Nam và đoàn nhà thơ, cựu binh Mỹ vào tháng 11/2010 và đang được đọc ở Mỹ trong triển lãm “Hãy nói lời hòa bình” vòng quanh nước Mỹ.

Ít ai biết được rằng Jennifer Fossebell thực hiện công việc dịch văn học Việt Nam một cách tự nguyện, vì tình yêu sâu sắc mà cô dành cho đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Sinh ra ở tiểu bang Colorado, Mỹ, trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật, Jennifer Fossebell bắt đầu làm thơ từ lúc 7 tuổi. Say mê với ngôn ngữ, cô theo học ngành ngôn ngữ học và ngoại ngữ tiếng Nga tại trường Đại học Colorado. Trong thời gian này, bài viết phê bình của cô về thơ Carolyn Forché đã nhận được Giải thưởng phê bình xuất sắc của trường Đại học Colorado State University. Các bài thơ độc đáo của cô cũng giúp cô dành được Học bổng Thơ của trường.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Jennifer đã có thời gian rong ruổi đến các nước để làm việc. Cô đến Việt Nam để dạy tiếng Anh và làm việc cùng báo Vietnam News vào năm 2005. Sau khi trở về Mỹ, những kỷ niệm đẹp về Việt Nam đã thôi thúc cô quay trở lại Hà Nội vào năm 2009. Trong hai năm qua, không chỉ đóng góp cho việc dịch văn học Việt, Jennifer còn là người thành lập và hiện đang điều hành nhóm những cây bút quốc tế tại Hà Nội mang tên"The Hanoi Writers’ Collective"- để tạo diễn đàn và cộng đồng cho những nhà văn nhà thơ đang sống tại Hà Nội.

Tôi gặp Jennifer Fossenbell như một định mệnh: vào tháng 10 năm 2009, với ý nguyện muốn nhờ một nhà thơ bản xứ hiệu đính bản dịch của tập thơ “Cánh đồng người”, tôi “đánh liều” viết thư cho những cá nhân và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ở Hà Nội. Lá thư nói rõ “Tôi cần gấp một nhà thơ người Anh, Mỹ hoặc Úc đang sống ở Hà Nội để giúp hoàn thành bản dịch của một tập thơ. Công việc đòi hỏi nhiều thời gian và không có thù lao”. Những tưởng yêu cầu “quá đáng” của tôi sẽ bị khước từ trong thời buổi “kinh tế thị trường”, không ngờ chỉ sau một ngày, tôi đã có ba ứng cử viên cho nhiệm vụ không lương này.

Trong số ba ứng cử viên ấy, chỉ duy nhất Jennifer Fossenbell có thể gặp tôi ngay, còn hai người nữa thì hẹn vài ngày nữa. Buổi chiều nhạt nắng hôm ấy, một cô gái xinh đẹp tóc vàng, trông thật “bụi” với ba lô trên lưng, cưỡi trên một chiếc xe máy bình dân đến gặp tôi như thể vừa bước ra từ một câu chuyện cổ tích. Chúng tôi ngồi ngay vào bàn làm việc, và tôi nhận ra ngay lập tức đây là người tôi đang tìm kiếm. Cô làm việc cẩn trọng, chăm chú và nghiêm túc. Quan trọng hơn nữa: cô có khả năng ngôn ngữ rất tốt và có nhiều kinh nghiệm trong việc hiệu đính thơ. Chúng tôi đã làm việc miệt mài trong nhiều tháng trời để hoàn thành bản dịch. Cô bước vào những buổi làm việc với tôi từ bầu trời mưa sùi sụt, hoặc nắng chang chang, nhưng nhất thiết phải với một nụ cười và tinh thần hồ hởi. Chúng tôi làm việc ở nhà, ở quán café, có nhiều khi cần sự hiện diện của nhà thơ Trần Quang Quý, để chúng tôi có thể “tra tấn” tác giả bằng những câu hỏi, để hiểu rõ ngọn ngành ý đồ của tác giả và hoàn cảnh xuất xứ của mỗi bài thơ. Sau những buổi làm việc, Jennifer lại có nhiều đêm khuya trầm ngâm một mình bên từng câu chữ, để bản dịch có thể chuyển tải được tốt nhất tinh thần của nguyên tác. Cô cũng viết một bài giới thiệu thật hay và sâu sắc về tập thơ “Cánh đồng người” – một bài giới thiệu mà sau nhiều lần dịch đi dịch lại và nhiều tháng trời hiệu đính, tôi mới có thể tạm bằng lòng với bản dịch tiếng Việt của nó.  

Vì có ba “ứng cử viên” đề nghị được tham gia dịch tập thơ “Cánh đồng người”, tôi đã không muốn chỉ chọn Jennifer Fossenbell bằng linh cảm, vì thế đã nhờ cô chuyển cho tôi xem những bài thơ mà cô đã viết. Một mặt, tôi muốn tìm hiểu con người cô qua thơ, nhưng mặt khác, tôi âm thầm ước muốn có ân huệ được làm công việc dịch thơ với một nhà thơ bản xứ “chính hiệu”, để các bản dịch thực sự là những bài thơ. Đọc chùm thơ mà Jennifer Fossenbell đã viết về Hà Nội, những câu thơ đầu tiên của bài “Lại được ở giữa lòng Hà Nội” hút tôi vào nhịp điệu của nó: The city she opens her fingers to let me reenter the creases of her palm/The city she holds her head in front of the sun, keeping me in the shadow of her heavy hair (Thành phố, Người mở những ngón tay đón tôi vào lại những đường chỉ tay trên bàn tay Người/Thành phố, Người giữ đầu mình trước mặt trời để tôi được ở trong bóng râm mái tóc dày của Người).

Tôi lập tức ngồi dịch ngay bài thơ này trong đêm hôm ấy, nhưng âm thầm gìn giữ và hiệu đính bài thơ đến hơn hai tháng sau mới dám đọc cho cô nghe. Sở dĩ tôi rất cẩn trọng trong bản dịch vì tình yêu của Jennifer dành cho Hà Nội và Việt Nam đặc biệt quá, tôi sẽ có lỗi nếu không chuyển tải được vẻ đẹp của tình yêu ấy. Đọc bài thơ cô viết về Hà Nội, tôi luôn nghẹn lời ở câu cuối: The city she is not my mother but she holds us anyway to her bosom and sings to me songs I can’t understand but can’t ever stop listening to (Thành phố, Người không là mẹ tôi nhưng Người bế tôi vào ngực Người và hát cho tôi nghe những bài hát tôi không thể hiểu nhưng mãi mãi không thể không lắng nghe).

Những câu thơ ấy, tôi đã đọc cùng Jennifer trong ngày thơ Việt Nam 2010, tại sân thơ Văn Miếu, cùng với những cảm xúc vẹn nguyên. Chắc hẳn Jennifer sẽ không quên được cảm giác đứng trên sân thơ chính, trong tà áo dài Việt Nam, đọc vang bài thơ của mình trong ánh mắt dõi theo của hàng ngàn khán giả yêu thơ. Tà áo dài đó cô và tôi đã cùng đi may đo giống hệt kiểu nhau, và được họa sĩ Trần Nhật Thăng giúp khắc họa lên vạt áo những nét họa mạnh mẽ. Đó là chiếc áo dài đầu tiên, duy nhất mà Jennifer sở hữu cho đến nay, và nó đã cùng cô xuất hiện trong buổi đọc thơ thật sang trọng ở bảo tàng Nghệ thuật Kirkland ở Mỹ, vào tháng Tư năm 2010. Chắc hẳn tà áo dài đó cùng với những vần thơ xúc động của cô đã giúp tạo nên ấn tượng đặc biệt trong đêm thơ: ngay sau khi bài thơ “Metamorphosis in Blue” do cô viết về nữ danh họa Mina Conant được đọc trong đêm thơ, gia đình của cố họa sĩ đã đề nghị được mua bản quyền bài thơ với giá trên 10 triệu đồng, để in cùng quyển sách về nữ danh họa.

Được mời đọc thơ ở Mỹ và được nhận thù lao cho các buổi đọc đó, nhưng Jennifer không bao giờ nề hà với những buổi đọc thơ giao lưu với các tác giả và độc giả Việt Nam. Cô luôn xúng xính tự trầm trồ khi được khoác lên mình những bộ áo dài Việt Nam mà tôi mượn từ bạn bè cho cô mặc. Tôi biết rằng cô rất muốn may thêm những bộ áo dài khác, nhưng với khả năng tài chính eo hẹp (lương viết báo, hiệu đính, dịch thuật và dạy tiếng Anh của cô hiện nay chỉ đủ để trang trải cuộc sống), cô chỉ có thể trở thành cô gái Việt Nam trong phút chốc trong những bộ áo dài của người khác. Mặc dù thế, cô luôn luôn niềm nở, ân cần và hết mình trong những buổi biểu diễn và đọc thơ.

Tôi luôn nhớ lời Jennifer tâm sự cùng tôi “văn học Việt Nam là một kho báu chưa được khai phá của văn học thế giới. Tôi dịch thơ vì muốn nhiều người Mỹ và bạn đọc quốc tế hiểu thêm về vẻ đẹp của ngôn ngữ, chiều dày lịch sử, văn hóa Việt Nam”.

Chính vì mong muốn giúp độc giả thế giới khám phá về “kho báu văn học Việt” mà Jennifer luôn trăn trở và cẩn trọng cùng với các bản dịch. Trong bài giới thiệu “Hồn Việt và những giá trị nhân bản trong thơ Trần Quang Quý”, cô đã viết: “Người đời đã châm biếm rằng địa ngục đầy rẫy những kẻ dịch thơ. Nhưng những người yêu thơ biết rõ nhu cầu cần phải chuyển ngữ thơ, và việc chuyển ngữ này là một sự nỗ lực không hoàn mỹ”. Để cố gắng vượt qua sự không hoàn mỹ đó, Jennifer đang cố gắng học thật giỏi tiếng Việt để có thể tự mình dịch cách tác phẩm, để tiếp tục cộng tác cùng với các dịch giả Việt Nam trong việc “đưa những tác phẩm của các nhà văn trẻ, có cách viết sáng tạo chưa hẳn được chấp nhận ở Việt Nam đến được với công chúng Mỹ”.

Mùa hè năm nay, Jennifer sẽ rời Hà Nội để trở về Mỹ. Cô sẽ theo học khóa học thạc sĩ về thơ ca. Dù biết rằng không thể sống được bằng nghề làm thơ, nhưng Jennifer tâm sự “thơ ca đã cho tôi rất nhiều thứ quan trọng hơn vật chất. Bình thường, tôi phải đóng nhiều vai trong cuộc sống: vai người vợ, vai người con, vai cô giáo. Chỉ trong thơ, tôi mới sống thật với chính mình. Thơ ca giúp tôi lý giải tại sao con người đang sống, đang tồn tại”.

Ngày thơ Việt Nam năm 2011, có nhiều bạn yêu thơ khi gặp tôi đã hỏi tại sao Jennifer không có mặt. Dù biết cô bận công việc không thể đến, họ vẫn hào hứng nhắc lại bài thơ của cô, tiết mục đọc thơ của cô. Có người còn cho tôi nghe giọng đọc của Jennifer trên máy ghi âm điện thoại mà chị còn lưu từ ngày thơ Việt Nam năm ngoái. Sau này, khi tôi kể cho Jennifer nghe chuyện ấy, những giọt lệ thay nhau tuôn trào từ đôi mắt của cô. Jennifer nói rằng, thật không ngờ một người con gái đến từ nước Mỹ, một đất nước từng là kẻ thù của Việt Nam, mà lại được người Việt Nam yêu thương và đón nhận đến thế.

Còn tôi, trong những ngày này, sau mỗi lần gặp Jennifer, lòng tôi lại se sắt buồn. Định mệnh và cuộc sống sắp kéo chúng tôi về hai ngả. Không biết bao giờ chúng tôi sẽ lại gặp nhau, cùng đọc thơ, cùng sống trong không khí văn chương ấm áp của Hà Nội. Trong tâm tưởng của tôi, Hà Nội sẽ vắng hơn khi không còn một cô gái Mỹ rong ruổi khắp mọi nẻo đường, mở lòng tiếp nhận tất cả để có thể viết được những bài thơ hay, hào sảng về Hà Nội như “Chợ thịt chó”, “Mô tô”, “Viết dưới mái hiên Hà Nội”, “Sông đầy”, “Lại được ở giữa lòng Hà Nội”… Nhưng tôi tin rằng, dù ở nơi đâu, Jennifer Fossenbell cũng hướng về thi ca, con người, và đất nước Việt Nam vì đó mãi là một phần tâm hồn và cuộc sống của cô.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...