Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Nguyễn Trọng Chân - Người thầy của chúng tôi

Vũ Duy Thông - 02-05-2011 12:09:58 AM

VanVN.Net - Khi nhắc đến trường Phổ thông cấp III, bây giờ là Trung học Phổ thông Trần Phú ở thành phố Vĩnh Yên tỉnh Vĩnh Phúc - trường được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới, nơi đã đào tạo rất nhiều nhà chính trị, nhà bác học, nhà quản lý, các tướng lĩnh và anh hùng lực lượng vũ trang nổi tiếng…- không hiểu sao, điều đầu tiên nhiều người nhớ đến lại là từ mái trường này đã có rất nhiều nhà thơ ra đời…

Đúng thế! chỉ các nhà văn nhà thơ đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ thế hệ chúng tôi trở về trước thôi đã có thể kể đến Hữu Thỉnh, Thái Vượng, Vũ Đình Minh, Ngân Vịnh, Ngô Văn Phú, Hà Đình Cẩn, Nguyễn Văn Dân, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Hữu Hà, Đăng Bẩy, Nguyễn Đăng Sâm, Nguyễn Hòa Bình... (phải tạm lấy tiêu chí Hội viên Hội Nhà văn dù tiêu chí đó chưa phải đã thoả đáng nhất vì nếu không tạm có một tiêu chí thì chỉ riêng nhà thơ, trường đã có hàng trăm, không sao kể hết, chưa nói đến các nhà văn và nhiều người mà nếu họ có mặt trong Hội sẽ hoàn toàn xứng đáng như Kim Ngọc Diệu, Nguyễn Cảnh Tuấn, Bùi Đăng Sinh, Nguyễn Bách, Trần Danh Lân, v.v…)

Một ngôi trường từng nghèo trên đồi sỏi trung du. Một ngôi trường không phải trên đất nổi tiếng khoa bảng, học hành. Học sinh của trường phần nhiều là con em nông dân, học đèn dầu cơm chan canh tương, chân đất nẻ toác đến trường. Một ngôi trường thầy trò ngồi học giữa vạt sắn chống đói tự mình trồng quanh lớp, vì sao lại sản sinh ra nhiều con người thành đạt, nhất là thành đạt trong văn chương đến vậy? Nếu  gặp câu hỏi ấy thì có lẽ câu trả lời chung của chúng tôi sẽ là nhờ có những thầy giáo, cô giáo rất đáng quí dìu dắt.

Đã gần nửa thế kỷ rồi, thế hệ học sinh chúng tôi còn nhớ không sót một thầy cô nào trong giàn thầy giáo ấy. Họ là những thanh niên còn rất trẻ, tuổi chưa quá 30 vừa tốt nghiệp đại học sư phạm hai năm ra. Họ quê ở nhiều nơi, nhiều nhất là Hà Nội, nghe theo tiếng gọi đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần để phát triển văn hoá. Họ là những người sống nhà tập thể, nằm giường cá nhân, đêm ngày cặm cụi vì học sinh, lứa đàn em của mình. Trong phạm vi một bài báo, không có điều kiện để kể tên tất cả các thầy, cô giáo đó, xin được thứ lỗi, nhưng không thể không kể đến thầy dạy văn như thầy Nguyễn Trọng Chân - một người thầy lớn, một người anh lớn của chúng tôi trong văn nghiệp, các cô dạy sử như cô Hoàng Dung, cô Tạ Chí Dân; cô dạy địa như cô Chúc. Và xin được nói kỹ hơn về thầy Nguyễn Trọng Chân, một người thầy, đàn anh của các thầy cô giáo, một tấm gương mẫu mực mà qua thầy có thể hình dung được cả đội ngũ thầy cô giáo trường Trần Phú, những người đã dìu dắt chúng tôi nên người. Không chỉ thế, thầy Chân còn gợi đến hình ảnh của lớp trí thức trẻ Hà Nội hăm hở đi theo cách mạng, sống thuỷ chung với đất nước, với cách mạng suốt đời. Chính từ những phẩm chất ấy của các thầy cô giáo và một trong những tấm gương tiêu biểu là thầy Nguyễn Trọng Chân, chúng tôi đến với văn chương, một nghề nghiệp cần đến trước tiên là lòng nhân ái, yêu thương con người…

Thời trẻ, thầy Chân chưa có khái niệm gì về mảnh đất trung du quê tôi. Ông quê gốc ở làng Yên Thái ven hồ Tây, mịt mù khói toả cành sương - Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ. Dịp tết vừa rồi, tôi và nhà thơ Hữu Thỉnh đến thăm thầy, cả hai đều kinh ngạc khi nghe thầy kể rất thông thạo về nghề xeo giấy dó của làng. Chắc hẳn thầy cũng đã từng làm giấy phụ giúp gia đình. Nghe thầy kể mới biết, thì ra nghề xeo giấy cũng không hề đơn giản. Mỗi tờ giấy thấm mồ hôi của bao nhiêu người. Ngồi nghe mà cứ vẩn vơ. Có lẽ Bảo tàng Văn học Hội Nhà văn đang xây dựng cũng nên có một phần về nghề làm giấy dó chứ nhỉ? Từ cổ tới giờ, bao nhiêu chữ nghĩa, bao nhiêu văn chương đều nhờ giấy mà có, nhờ giấy mà lưu truyền đến ngày nay.

Cuộc đời chàng thanh niên Hà Nội, con một vị cử nhân Nho học lẽ ra cũng bình lặng. Từ nhỏ theo học trường Pháp, bốn năm theo học trường tư thục Thăng Long trong đó 3 năm học trực tiếp: thầy Võ Nguyên Giáp - môn sử, thầy Đặng Thai Mai, thầy Nguyễn Mạnh Tường - văn chương và ngôn ngữ Pháp, thầy Hoàng Xuân Hãn - môn toán… Tốt nghiệp trường Bưởi và đang theo học năm thứ hai trường cao đẳng Khoa học Đông Dương (tương đương Đại học Bách khoa ngày nay), cái đích sẽ tới với thầy ít nhất sẽ là một vai công chức lương cao bổng hậu nào đó đang chờ sẵn… Nhưng cách mạng tới. Nhật đảo chính Pháp. Chính quyền Việt Minh được thành lập. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Rồi ngày 19-12-1946, cả Hà Nội rền vang tiếng đạn pháo hiệu lệnh từ pháo đài Láng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Cách mạng như những đợt sóng khổng lồ cuốn phăng mọi trở lực, đẩy người trí thức trẻ Hà thành về hẳn phía nhân dân, những người cùng khổ, đói ăn đói chữ nhưng tràn ngập quyết tâm đổi đời. Mới 25 tuổi đời, ông cùng vợ mới cưới (cô Thu, vợ thầy, xuất thân lá ngọc cành vàng, con một tri phủ ở Thanh Hóa) nghe theo lời kêu gọi kháng chiến, tản cư về “vùng tự do” huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc. Tận mắt thấy nhu cầu được học hành của dân lại ấp ủ từ lâu ước vọng được theo gương các thầy Mai, thầy Hãn, thầy Giáp mang trí thức của mình truyền dạy cho người khác, thầy mở trường ở nơi tản cư, tự mình vừa làm hiệu trưởng, giáo viên kiêm… người chạy giấy. Cũng thời điểm ấy, thầy Phạm Hữu Ninh - hiệu trưởng trường tiểu học Thăng Long - cũng tản cư ra “vùng tự do”, đứng ra mở trường Nguyễn Thái Học, trường cấp II công lập đầu tiên của tỉnh, vừa làm kế sinh nhai vừa mở mang dân trí, phục vụ kháng chiến. Khi thầy Nguyễn Trọng Chân viết thư lên Việt Bắc cho thầy Nguyễn Lân - lúc này là giám đốc Sở Giáo dục Việt Bắc – đề nghị cấp phép chính thức cho trường tư thục của mình thì nhận được phúc đáp, thầy Nguyễn Lân khuyên: kháng chiến cần sự góp sức của những người như anh. Theo tôi, anh nên nhận dạy trường công lập hơn là tự mở trường tư thục. Thế là từ Yên Lạc, thầy Chân tạm biệt vợ con, lên Tam Dương rồi Lập Thạch, gắn bó với trường Nguyễn Thái Học, năm 1950 được bổ nhiệm hiệu trưởng của trường cho mãi đến năm 1960 mới lên làm Phó Trưởng Ty Giáo dục Tỉnh.

Cuộc kháng chiến và chủ trương chiêu nạp hiền tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh có một sức hút rất lớn đối với nhiều trí thức hồi ấy. Cùng với những thầy giáo khác, thầy Chân của chúng tôi vừa trồng sắn, cấy lúa nuôi  gia đình vừa say sưa với việc trồng người. Trường Nguyễn Thái Học lúc đó là mấy lớp học tranh nứa nằm lọt trong rừng, học sinh ở trọ tản mát trong nhà dân. Bàn là những miếng gỗ xẻ ra không được bào nhẵn; bảng là những miếng gỗ ghép lại hở hoác, được “sơn” bằng củ nâu non cho rõ chữ; phấn là đất sét trắng cắt thành những thanh nhỏ, phơi khô; vở học bằng giấy được sản xuất trong kháng chiến, mặt giấy sần sùi, dòng kẻ xiên xẹo. Cả thầy và trò, không mấy bữa được ăn no. Thầy dạy toán, đôi khi dạy vật lý và từ khi là Phó Trưởng Ty Giáo dục Tỉnh thầy không trực tiếp dạy nữa nhưng tấm lòng thầy Chân, phong cách nhà giáo Nguyễn Trọng Chân luôn luôn bao trùm không khí dạy và học của trường Trần Phú (sau năm 1954, trường Nguyễn Thái Học chuyển về Vĩnh Yên và đổi tên thành trường Trần Phú cho đến ngày nay). Đó là  một tấm lòng bao dung, thương người; lối sống chan hoà, cởi mở, đồng thời chừng mực, nghiêm khắc trong việc dạy dỗ học trò. Đức tính giản dị, liêm khiết ở thầy luôn khiến chúng tôi nể phục. Nhà đông con, kinh tế eo hẹp, mùa đông một chiếc áo bông sờn bạc, mùa hè quần ca-ki, áo sơ-mi cũng sờn bạc nhưng thầy sẵn sàng chia sẻ với người khác, không bao giờ than nghèo và rất dị ứng trước những quà cáp ẩn giấu ý đồ không minh bạch… Ngay với những danh hiệu cao quí trong nghề giáo, những chế độ đãi ngộ như nhà cửa, xe cộ… đáng ra được hưởng sau hơn nửa thế kỷ làm nghề, thầy cũng không phàn nàn. Khi về hưu, thầy còn tiếp tục dạy tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha cho các thế hệ học trò. Mãi đến tuổi 80, mắt không còn tinh, chân không còn nhanh nữa thầy mới chịu nghỉ.

Thỉnh thoảng, thu xếp được chút thời gian rảnh rỗi, chúng tôi thường đến thăm thầy. Thấy thầy còn minh mẫn, anh em mừng lắm. Riêng nhiệt tình với cuộc sống, niềm lạc quan về tương lai đất nước thì vẫn vẹn nguyên như cách đây 50 năm, khi thầy còn ở xóm Mới Vĩnh Yên, ngày ngày đạp xe đến trường. Thầy dồn dập hỏi chúng tôi hết thời sự quốc tế lại thời sự văn chương, vừa nghe vừa bình luận, ý kiến nhiều khi sắc sảo đến không ngờ. Thầy ơi, tuổi 90 rồi, nhưng tấm lòng của thầy, gương của thầy trong cuộc sống sẽ còn mãi trong nhiều thế hệ học trò, lặn vào trang viết của chúng con bởi suy cho cùng, văn chương có gì khác ngoài việc để cho người ta sống tốt hơn, yêu cuộc đời hơn.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...