Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Tri âm

22-04-2011 11:50:07 AM

VanVN.Net - Ngày thứ bảy vừa rồi, hai chữ “Tri âm” ám vào mình như ma ám. Mà mọi chuyện xảy ra trong ngày đó lại chẳng có liên quan chi tới tri âm hay bất tri âm chi cả. Đó chỉ là một ngày bình lặng như mọi ngày...

“Phong vận kỳ oan ngã tự cư”(Nguyễn Du)

Trống tiết một, mọi người kéo đi dự giờ thao giảng môn Văn. Lâu lắm rồi không dự giờ Văn, bèn theo luôn. Bài dạy “Độc Tiểu Thanh ký”, quả là một tiết thao giảng công phu và lôi cuốn. Số phận Nguyến Du, Kiều, Tiểu Thanh, Đạm Tiên quyện vào nhau trong giọng ngọt ngào và mượt mà của cô giáo trẻ Phương Thúy.

Sau khi giảng về câu “Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”, cô hỏi học sinh: “Nếu được trả lời câu hỏi này của cụ Nguyễn, em sẽ nói những gì?”, thì các học sinh “Tỏ lòng hiểu nhau” với cụ Tố Như rất lưu loát. Cô và trò thay nhau đọc thơ để bày tỏ tấm lòng “Tri âm tri kỷ” với đại thi hào: “Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân, Bâng khuâng nhớ cụ, thương thân nàng Kiều”. Rồi lại “Thơm như hương nhụy hoa nhài. Sạch như nước suối ban mai giữa rừng”.

Nghĩ cảnh cụ Nguyễn canh khuya thẫn thờ bên trang sách cũ của nàng Tiểu Thanh: "Hồ Tây hoa uyển tẫn thành khư. Độc điếu song tiền nhất chỉ thư", rồi lại hình dung chính cụ, đứng bên mộ nàng, lên giọng dõng dạc đọc to: “Em ơi tháng rộng ngày dài. Mở lòng ra đón ngày mai huy hoàng” mà cảm thấy áy náy không yên. Chợt mấy giáo viên trẻ ngồi cạnh thì thầm với nhau chuyện hè năm ngoái đi thăm Huế, mấy đứa rủ nhau hát đò dọc suốt đêm trên sông Hương “Gái sông Hương giờ ngon lắm hà!”

Có hai học sinh nam không chú ý nghe giảng lắm. Chúng vừa ghi bài vừa chỉ cho nhau chiếc cúc “áo con” mờ mờ qua lớp áo ngoài mỏng dính của cô bạn ngồi phía trước, thỉnh thoảng lại cười với nhau. Thầy hiệu trưởng ngồi ngay phía sau, nhưng không thấy cả cúc “áo con” lẫn trò ma mãnh của hai ông tướng. Ra khỏi lớp, mình còn vẳng nghe tiếng mấy đứa ba lơn: “Ở Xuân Thành gần quê Nguyễn Du lắm Kiều đời mới, mà rẻ lắm bay à!”. Chết thật, chúng đọc thấy, nghe người lớn kể, hay chúng đã đến Xuân Thành rồi mà rành thế không biết.

Ghé vào mạng, thấy comment của Duyên, cô giáo sinh thực tập năm ngoái: “Em chào thầy ạ. Em thực sự rất muốn theo nghề dạy nhưng em đã cố hết sức mà vẫn chưa xin được. Xin đi dạy giống như đang bước vào một cuộc chiến vậy thầy ạ. Thật khó khăn. Em phải rẽ ngang như thế này mà cái đầu lúc nào cũng nặng trĩu. Biết nghề dạy sẽ rất khó khăn nhưng em cũng chỉ thích đi dạy mà thôi. Em chúc thầy luôn khỏe và vui vì em biết thầy là niềm tự hào của học trò Hương Sơn”.

Cô cựu học sinh trường chuyên Phan Bội Châu đang phải kiếm sống trong một công ty buôn bán sữa bò. Tấm bằng đại học loại giỏi với tấm lòng yêu trẻ trong veo, chẳng giúp được cho em một suất biên chế. Gia đình chắc cũng vất vả lắm mới nuôi nổi em ăn học, và em cũng cần một công việc để giúp đỡ gia đình. Cuộc chiến vì lòng yêu nghề yêu trẻ của em thật mịt mờ. Ngay một suất dạy hợp đồng trường dân lập, cũng không đến phần em. Mà giáo viên hợp đồng thì cũng chỉ là "Kẻ dự bị" trong nghề dạy học. Mà "Dự bị" thì bị "Chấm dứt hợp đồng", thành kẻ thất nghiệp khi nào không hay. Tôi tin, khi em có cơ hội đứng trên bục giảng, những bài giảng đẫm nước mắt của em về Kiều, về Tiểu Thanh sẽ đau tận đáy lòng người nghe.

Cô Sơn H. giáo viên trường này đang cố xin nghỉ dạy theo chế độ 132. Chồng cô vừa mua thêm một chung cư hơn hai tỷ ngoài Hà Nội, cô muốn hưu trước tuổi, để có thời gian ra đó sắm sanh vật dụng và tu sử lại nhà cửa. Hai cô giáo văn, người thì thiếu yếu tố đầu tiên để có thể đứng trên bục giảng, người lại dư thừa tiền bạc, muốn nghỉ dạy sớm, thế mà hai người chẳng ai có cách gì "bù trừ" cho nhau. Đúng là: "Cổ kim hận sự nan thiên vấn", với "Oan này có một kêu trời, nhưng xa!"

Lê VănVỵ gọi điện báo, bố của thầy Nguyễn Sỹ Hồ mất, hẹn cùng đi viếng. Cậu bạn phóng viên báo kiêm nhà thơ này cũng hay lo chuyện bao đồng y như mình. Hai đứa cùng quen thầy Nguyễn Sĩ Hồ trên mạng. Đó là người lập trang web “Tìm mộ liệt sỹ” đã đưa thông tin về 90.000 liệt sỹ, giúp rất nhiều gia đình tìm lại mộ người thân. Báo xin nghỉ dạy buổi chiều xong, mình cùng nhà báo Lê Văn Vỵ lên xe đi ngay.

Lại tỏ băn khoăn với Lê Văn Vỵ về số người tri âm của cụ Nguyễn Du, nay sao nhiều quá. Vỵ bảo: “Muốn tri âm, thì phải biết về Nguyễn Du đã, hỏi có ai biết về cụ đầy đủ chưa?”. Vỵ bình thêm: “Nguyễn Du khóc Tiểu Thanh tức là khóc cho chính người mẹ của mình, mẹ cụ Nguyễn và Tiểu Thanh cùng cảnh lẽ mọn, cùng cảnh tài hoa bạc mệnh như nhau”. Quả thật mình cũng chưa biết về điều này. Mà có thật là phải hiểu kỹ rồi mới là tri âm không nhỉ? Cậu ta kể, có lần thầy giáo nổi tiếng Trần Quốc Nghệ truy hỏi cậu ấy: “Em hiểu tại sao cụ Nguyễn phải sang tận Tàu để tìm người tri kỉ không? Rồi tại sao không tìm tri âm trong đám người còn sống, lại phải tìm trong những người chết rồi?”

Chợt anh bạn cùng lớp, phó giám đốc sở GD tỉnh bạn gọi điện. Kể chuyện họp ở Bộ về thi cử. Cậu ta đã đọc bài báo phản đối thi trắc nghiệm của mình đăng trên báo. Cậu ta kể trong cuộc họp vừa rồi, đại biểu của các Sở GD ai cũng thấy thi trắc nghiệm là sai lầm, nhưng nể nang nên không ai nói. Chỉ có đại biểu ở các trường Đại học là thẳng thắn phản đối, họ đưa ra kết luận “Môn nào thi vào bằng hình thức trắc nghiệm, là sinh viên học yếu ngay môn đó”. Do Cục Khảo thí không trực tiếp quản lý các trường ĐH, nên họ không cần “tri âm” với ai cả. Khi nào Cục lại muốn bỏ thi trắc nghiệm, tất nhiên các Sở lại là người "tri kỷ". Họ sẽ là những người tiên phong có ý kiến phản đối thi trắc nghiệm.

Nhớ lại chuyện kì thi tốt nghiệp vừa rồi. Chủ tịch hội đồng thi TP là Trần H., không biết “Tiếp thu thiên ý” thế nào mà lại đi từng phòng thi căn dặn thí sinh: “Các em cứ bình tĩnh, tự nhiên, tự nhiên làm bài nhé”. Lượt một, thí sinh vẫn không hiểu, chủ tịch đành đi lượt hai: “Chỉ cần sạch sẽ là được, nhớ nhé, sạch sẽ nhé”. Khi đó thí sinh mới “tri âm” thiện ý của chủ tịch. Cậu giám thị Nguyễn Duy C. thấy học sinh làm lộ liễu quá, vội vàng thu hết "phao thi". Chủ tịch nghe báo, đến uốn nắn ngay. Cậu ta thanh minh : "Em mới vào nghề, xin thầy cho em giữ cái cần câu cơm!". Không biết có "thỉnh thị" ai không, nhưng tất các buổi sau thấy chủ tịch ưu tiên cho mấy giáo viên "hay lo xa" làm giám thị hành lang hết.

Ngày xưa, Bá Nha gẩy khúc Cao sơn, Tử Kì nói: "Vời vợi như núi cao". Bá Nha gẩy khúc Lưu thủy, Tử Kì bảo: "Cuồn cuộn như nước chảy". Khi Tử Kì chết, Bá Nha đập vỡ cây đàn quý, tạ người tri âm: "Tử Kì di hậu thân tiêu khứ. Bá Nha suất cầm tạ tri âm". Ngày nay, chỉ cần cấp trên cau mày, cấp dưới biết phải căng toàn thân. Cấp trên mỉm cười, là cấp dưới thả lỏng cơ mặt. Hễ trên "Nhất hô" thì dưới "Bách ứng", nên kì thi nào cũng "Thắng lợi trọn vẹn". Các "Chỉ số thắng lợi" nhảy nhót từ chín mươi chín phần trăm, về vài chục phần trăm rồi lại quay về chín chín phẩy là chuyện thường niên. Cũng chưa thấy ai phải đập cây đàn nào vì thiếu người tri âm cả. Ngày nay có ai lại đi than thở: "Dục mịch tri âm, nan thượng nan" đâu!

Nhà cũ thầy Nguyễn Sỹ Hồ ở cuối huyện Hương Khê, gần đập Hố Hô. Thắp hương cho người quá cố xong, chỉ kịp chuyện trò dăm ba câu chuyện. Thầy Hồ kể, tìm mộ người em trai liệt sĩ thật gian nan. Mấy tháng trời lang thang từ nghĩa trang này sang nghĩa địa khác. Khi tìm được mộ, hai vợ chồng khóc mãi bên nấm mồ người em. Đến chết rồi, mà nắm xương tàn vẫn còn lưu lạc, may mắn là cuối cùng vẫn còn trở về được trong lòng người thân. Thấu nỗi đau của các gia đình liệt sĩ, xót xa cho cả những người đã khuất, thầy Hồ nảy ra ý định lập trang web để giúp họ. Suốt ba năm qua, hễ rỗi là thầy lại đến các nghĩa trang chụp ảnh, thu thập thông tin đưa lên mạng. Dạy tại Bình Phước mà thầy đã đến hầu hết nghĩa trang khắp miền Đông Nam bộ. Cũng được nhiều người "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" góp sức, nên trang mạng ngày càng phát triển. Giờ việc đi xác định lại thân phận cho các ngôi mộ liệt sĩ vô danh trở thành vận kiếp ám vào thầy. Khi khóc cùng các thân nhân bên nấm mồ vô chủ mới được định danh, thầy như tìm được một người tri âm biệt tích trở về.

Hết một ngày với hai chữ "Tri âm", mà vẫn cứ băn khoăn mãi về câu hỏi của cụ Tú Nghệ. Thầy Nghệ cũng đã người thiên cổ như cụ Nguyễn, mà sao nỗi day dứt của thầy vẫn làm xót xa lòng hậu nhân đến thế. Phải chăng, chính cụ Nguyễn đã tự trả lời trong tuyệt vọng: "Thiên hạ hà nhân!", chẳng người nào dưới gầm trời thấu nỗi đau Tố Như này. Đến "Thiên" còn "nan vấn", thì tìm: "hà nhân?" trong "Thiên hạ" được chăng?. Lại nhớ đến đoạn giảng văn ban sáng:

"Chi phấn hữu thần liên tử hậu. Văn chương vô mệnh lụy phần dư. Cổ kim hận sự nan thiên vấn. Phong vận kỳ oan ngã tự cư. Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như!"

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn