Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Cần thận trọng khi dùng từ Hán Việt

Đỗ Tiến Bảng - 04-01-2014 10:22:45 AM

- “Đại đăng khoa” là đám hỏi?

Trong cuốn tiểu thuyết Giàn thiêu của Võ Thị Hảo (giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2003-2004), có đặt tiêu đề Đại đăng khoa (chương bốn) và Tiểu đăng khoa (chương bảy); với nội dung mô tả đám hỏi và đám cưới công tử Lý Câu với Nhuệ Anh. Việc dùng từ “Đại đăng khoa” chỉ đám hỏi được nhà văn chú dẫn: “Hôn lễ của người Việt xưa phân làm sáu lễ: Vấn danh (hay lễ cầu hôn). Sơ vấn (lễ dạm hỏi). Đại đăng khoa (đám hỏi). Sỉ lời (hỏi thăm nhà gái định lễ vật tiền nong). Lễ nạp tài và thăm cô dâu. Tiểu đăng khoa (lễ cưới). Theo sách Tục lệ cưới gả, tang ma của người Việt xưa. Phan Thuận Thảo sưu tầm, biên soạn, nxb Văn hóa Thông tin, 1996” (Nxb Phụ nữ, 2005, trang 106).  

Lâu nay, trong các sách Từ điển tin cậy, “Đại đăng khoa” đều mang hàm nghĩa “thi đỗ”, trong quan hệ với “tiểu đăng khoa” là “cưới vợ”, thường hàm ý đùa vui (xem Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ, Nxb Đà Nẵng, 2006, tr 279; Hán Việt từ điển, Đào Duy Anh, Nxb KHXH, 1992, tr 235). Nếu nói là “người xưa” dùng từ này, thì tôi lại thấy trong vở chèo cổ Lưu Bình- Dương Lễ, đoạn Lưu Bình từ biệt Châu Long đi thi, có khúc ca: “Ba năm nay những riêng chăn gối / Sự giăng hoa anh chẳng dám ngỏ lời/ Nàng mở cửa ra cho anh từ biệt một đôi lời/ Trước tiểu đăng khoa sau đại đăng khoa/ Trước ứng điềm bẻ quế thăm hoa/ Sau bõ thủa tấm lòng thương nhớ” (Chèo cổ tuyển tập, Nxb Văn hóa, 1976, tr 132). Hay trong Truyện Lục Vân Tiên, lời đáp của Tiên với nhạc phụ họ Võ: “Công rằng: “Ngãi tế mới sang/ Muốn lo việc nước hãy toan việc nhà/ Tiên rằng: “Nhờ lượng nhạc gia/ Đại khoa dầu đặng tiểu khoa lo gì”(Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1976, tr 155-156). Như vậy cả trong Từ điển và văn cảnh, “đại đăng khoa” chỉ việc thi đỗ, “tiểu đăng khoa” là cưới vợ.   

Không rõ soạn giả Phan Thuận Thảo căn cứ vào tư liệu nào để gán nghĩa cho từ “đại đăng khoa” là “đám hỏi”? Nếu có vùng nào đó dùng, thì chỉ mang tính địa phương. Đáng tiếc là nhà văn Võ Thị Hảo dựa vào một nguồn tư liệu chưa chắc chắn mà lấy đại…đăng khoa, làm đề mục!

 

- “Tả thanh thiên” hay “Tả thiên thanh”?  

Cuốn “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” của tác giả Nguyễn Văn Uẩn viết về Tháp Bút trước đền Ngọc Sơn: “thân tháp tạc ba chữ lớn “Tả Thiên Thanh”… “Tả Thiên Thanh là viết lên trời xanh” (Nxb Hà Nội, tập 2, tr 350), “thiên thanh” là “màu xanh da trời”, “thanh thiên” mới là “trời xanh”. Viết như tác giả Nguyễn Văn Uẩn “Tả Thiên Thanh” phải hiểu là “viết màu xanh da trời”? Như vậy là chép sai. Đúng phải là “Tả thanh thiên” (Viết lên trời xanh).

 

- Nêu và hiểu sai “Tự”, “Hiệu”

 Tác giả Trần Mạnh Linh (TML) , trong bài “ Danh tính trong quan niệm nhân sinh của người phương Đông” (Tạp chí Văn hóa nghệ thuật , số 345, tháng 3- 2013, tr 81) đã viết:  “Ví dụ như cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585), tự là Hạnh Phủ, sau khi từ quan, ông về quê nhà tự lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ. Hạnh là đức hạnh, liên hệ đến Khiêm là nhún nhường, còn chữ Phủ thêm vào để tỏ vẻ tôn kính. Bạch Vân nghĩa là áng mây màu trắng, chỉ sự trong sáng của tâm hồn con người…sống an nhiên tự tại như áng mây trời”. Chính vì tác giả TML chưa thấy hết cách cấu tạo “tự”, đọc sai “tên tự”, chưa hiểu hết “tên hiệu” của Nguyễn Bỉnh Khiêm nên mới có cách cắt nghĩa không khỏi chung chung và sai lầm.  Nguyễn Bỉnh Khiêm tự là Hanh Phủ - “Hanh”, chứ không phải “Hạnh”. Ở đây, chữ “hanh” được trích từ Kinh Dịch, quẻ Khiêm, “lời kinh” nói rằng: “Khiêm hanh, quân tử hữu chung” (dịch nghĩa: “Quẻ Khiêm: hanh thông, quân tử có sau chót”). Như vậy, là lấy ra chữ “Hanh”, có liên hệ với “Khiêm” là tên , kết hợp với chữ “ phủ” làm thành tự: Hanh Phủ. “Hanh” là “Hanh thông”, có nghĩa : hiển đạt, học vấn rộng; thanh thản, trôi chảy. Từ đây có thể dễ dàng suy ra ý nghĩa tên tự của Nguyễn Bỉnh Khiêm.  Nêu và giải thích tên hiệu của Nguyễn Bỉnh Khiêm - Bạch Vân cư sĩ - chưa đầy đủ. Hiểu Bạch Vân chỉ là “áng mây màu trắng chỉ sự trong sáng tâm hồn con người” e rằng nông quá! Nguyễn Bỉnh Khiêm lấy tên Am Bạch Vân để đặt hiệu. Theo cắt nghĩa của Gs Bùi Văn Nguyên, tên này là tên có sẵn, trong dòng Thiền phương Bắc có chi phái Bạch Vân động, người tu thiền dựng Bạch Vân am. Đời Trần, sư Pháp Loa và Huyền Quang dựng Bạch Vân am ở Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương), rồi Trần Nguyên Đán và Nguyễn Trãi đều ở đó (cả thiền sư, hiền sĩ ). Nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải người tu thiền ẩn dật, trong hai chữ Bạch Vân, thì “bạch” là chính. “Bạch” màu trắng thuộc quẻ “tốn” (Bát quái) tượng gió; gió thổi mới sạch bụi, thì đời mới trắng và sáng ra. Bạch Vân am chính là Bạch ốc- Nhà trắng, nơi Chu Công Đán phụ chính Thành Vương từng ở. Chu biết dùng Bạch đạo, tức Minh đạo mà thành công. Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn thâu tóm nhiều ý trong đặt tên am, để lấy tên hiệu cho mình. Bạch Vân am là nơi ở để lánh việc triều đình, làm nghề dạy học, đem đạo sáng tỏa khắp cho đời, giúp vua trị nước yên dân (Nguyễn Bỉnh Khiêm , Nxb Hải Phòng, 1986)

 

Tôi xin chỉ ra vài trường hợp dùng và hiểu sai từ Hán Việt, để tìm một cách hiểu đúng. Phần bình luận xin dành cho người đọc.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Người đi về phía ánh trăng

VanVN.Net - Nhà thơ Lò Ngân Sủn là một thi nhân Việt Nam xuất sắc, tác giả của 14 tập thơ, 2 tập truyện ký, 10 tiểu luận nổi tiếng và hàng loạt bài thơ được phổ nhạc rộng rãi. Mãi ...