Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Thử điểm lại văn xuôi Nghệ An qua những chặng đường

Đàm Quỳnh Ngọc - 07-11-2011 11:40:38 AM

VanVN.Net - Nghệ An là một tỉnh lớn trong cả nước về diện tích, dân số, tên tuổi các danh nhân và truyền thống yêu nước, phát triển Văn học nghệ thuật…Có lẽ vì thế hiện thực cách mạng đã diễn ra trên mảnh đất anh hùng này thật sôi động, lớn lao và kéo dài hơn những vùng đất khác. Văn xuôi Nghệ An suốt những năm qua( cuối thế kỷ hai mươi và đầu thế kỷ hai mốt) đã đồng hành cùng với các loại hình Văn học Nghệ thuật khác, phản ánh hiện thực đó, cổ vũ, đồng hành nhân dân tỉnh nhà xây dựng cuộc sống mới. Trong bài viết nhỏ này, thử điểm lại văn xuôi phát triển như thế nào để thấy rõ hơn diện mạo của nó.

Nếu tính thời gian hàng chục năm về trước, lúc chưa chia tỉnh với tỉnh Hà Tĩnh, thì khi nhắc đến văn xuôi phải có tên tuổi của các tác giả: Chính Tâm, Đặng văn Ký, Hồng Nhu, Bá Dũng, Đức Ban, Hồ Hữu Nại, Nguyễn Xuân Phầu, Cảnh Nguyên… và một số nhà thơ có uy tín cũng viết văn xuôi, và được tặng thưởng về văn xuôi như: Trần Hữu Thung, Minh Huệ…Hầu hết các tác phẩm chủ yếu là tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký đều tập trung viết về đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội phản ánh cuộc sống ở nhiều khía cạnh. Một số nhà văn có tác phẩm tiêu biểu như: Bá Dũng có: “Chuyện trong khu vườn cấm”, “Ngày phán xét”, “Bí mật trên đồi hổ táng”. Đức Ban có: “Ngôi sao hôm leo lét”, “Đền thờ Thánh Mẫu”. Hồng Nhu có nhiều truyện ngắn có ấn tượng: “Thuyền đi trong mưa ngâu”, “Gió thổi chéo mặt hồ”, “Vịt trời lông tía bay về”. Đặng Văn Ký có: “Đôi bạn tù”, “Bí mật suối Seo cờ”, “Ngổn ngang trần thế”, “Nhà có thuốc thần”. Chính Tâm có tiểu thuyết “Đoàn viên”. Nhà viết sử Chu trọng Huyến cũng đã có hơn chục đầu sách về các danh nhân. Phải nói rằng các tác giả thời điểm ấy đã chịu khó bám sát, nghiên cứu, lăn lộn với cuộc sống trong thực tiễn, say mê sáng tạo văn học nghệ thuật nên đã đem lại một số thành công đáng kể. Một số tác giả trẻ khác chỉ sáng tác được vài tác phẩm mỏng rồi đuối sức, vắng bóng, rơi rụng dần do thiếu vốn sống, học vấn, nguội dần nhiệt huyết với văn chương…

Trong những năm gần đây, trải qua thời gian vừa chia tách tỉnh, đội ngũ văn xuôi của tỉnh nhà có khoảng thời gian bị hẫng hụt, Hồng Nhu chuyển về Huế, nhà văn Đức Ban về Hà Tĩnh, nhà văn Đặng văn Ký, Hồ Hữu Nại, Nguyễn Xuân Phầu, Chính Tâm…đã qua đời. Bồi dưỡng để hình thành đội ngũ viết văn xuôi đâu phải ngày một, ngày hai, có khi phải chờ đợi đến cả vài thế hệ. Dần dà rồi đội ngũ mới cũng đã được hình thành, vững vàng dần lên với đa phong cách, nhà văn Bá Dũng, Chu Trọng Huyến trở thành người cao tuổi trong đội ngũ văn xuôi. Lớp sau có Đàm Quỳnh Ngọc, La Quán Miên, Phan Thế Phiệt, Nguyễn Thị Phước, Nguyễn Ngọc Lợi, Kha Thị Thường, Đinh Thanh Quang, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thế Quang, Hoàng Chỉnh, Hồ Thị Ngọc Hoài, Nguyễn Anh Tuấn, Lang Quốc Khánh, Minh Thư, Hoàng Chỉnh…

Phải nói rằng, đội ngũ văn xuôi tỉnh nhà được hình thành trong những năm thời kỳ đổi mới, chủ yếu các tác giả còn trẻ, nhưng chịu khó học hỏi, tiếp cận với thực tiễn nhanh, đổi mới văn phong, phản ánh cuộc sống mới. Tác giả còn rất trẻ như: Hồ thị Ngọc Hoài đã đạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của tuần báo Văn nghệ với truyện: “Thung lam” năm 2007. Đàm Quỳnh Ngọc đạt giải thưởng dành cho tuổi trẻ của Hội liên hiệp VHNT toàn quốc với tập truyện ngắn: “Chuyện tình cuối thế kỷ” và Tiểu thuyết: “Miền đất cô đơn” đạt giải B cuộc thi Văn học giành cho tuổi trẻ của Nhà xuất bản Thanh niên. Kha Thị Thường cũng đã được giải thưởng tập truyện ngắn: “Lũ núi” của Hội văn học Nghệ thuật Dân tộc và Miền núi. Nhà văn Bá Dũng với kịch bản văn học: “Một thời và mãi mãi” đã đạt giải B của Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật toàn quốc năm 2005. Các tác giả Phan Thế Phiệt, Nguyễn Ngọc Lợi, Nguyễn Trung Thành, Đinh Thanh Quang… đã được giải thưởng của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch kết hợp với Hội Nhà văn và Hội Liên hiệp VHNT toàn quốc trao tặng. Tác giả Thế Quang mới xuất hiện với tiểu thuyết: “Nguyễn Du” được phát hành rộng rãi trong cả nước, có nhiều bài  viết trên các báo chí và chương trình giới thiệu tác phẩm mới của VTV1 đánh giá cao. Trong hội đồng giải thưởng Hồ Xuân Hương lần thứ 4 với 14 tác giả được vào chung khảo thì tiểu thuyết “Nguyễn Du” cũng được sự đồng thuận cho điểm cao tác phẩm này. Tác giả Bùi Đình Sâm trước đây chủ yếu viết báo, nhưng thời gian gần đây có viết truyện ngắn, tuy tác phẩm chưa phải là nhiều nhưng cũng đem lại kỳ vọng cho bạn đọc chờ đợi ở những tác phẩm mới của tác giả này.

Và cũng thật đáng mừng là từ những năm có chính sách đầu tư tác phẩm chất lượng cao thì hầu hết các tác giả văn xuôi đều đăng ký viết truyện vừa, chuyện dài, và đều viết được. Đáng kể đến là những tác phẩm đã hoàn thiện nhưng chưa in ấn, phát hành, vì chưa có… bà đỡ. Đó là: Tiểu thuyết: “Hồng nhan” của Phan Thế Phiệt, “ Đooc Mạy hoa vàng” của Nguyễn Ngọc Lợi, Truyện vừa “Người Mường Xủng” của Vi Hợi, đều viết về đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội, nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Xuân Chuẩn, Thái Tâm thì viết về đề tài lịch sử “Tiếng thét Tồng Lôi” “Người anh hùng làng Yên”, Hoàng Chỉnh viết Truyện ký về một doanh nhân: “ Than hồng nhen nên lửa”… Từ những thực tế đó chúng ta nhận thấy chỗ mạnh, sung sức của từng tác giả, nhận rõ bước đường sắp tới của từng tác giả nói riêng, và con đường văn học (văn xuôi) nói chung của của tỉnh nhà.

Điểm qua vài nét về một số tác giả, và tác phẩm trên đây để nhận rõ hơn diện mạo của văn xuôi. Một số tác giả dần dần trở thành chuyên nghiệp, nhanh chóng thay đổi cách viết, tiếp thu cái mới từ cuộc sống, nâng cao học vấn, và đã đạt được những thành quả nhất định. Một số tác giả khác vẫn còn say mê sáng tạo về văn học, nhưng cách viết đã cũ, chậm đổi mới, hạn chế về vốn sống và học vấn, ngại chưa lao thẳng vào mũi nhọn của cuộc sống, nên vẫn rơi vào con đường mòn trong sáng tác, kiến thức đọc được vẫn còn đơn giản, sự trình bày hệ thống sự kiện lấn át diễn biến tâm lý nhân vật. Hiện tượng nhân vật trong tiểu thuyết thường tròn trĩnh, thiếu chiều sâu nội tâm, chưa có đời sống riêng, quên hẳn nhân cách sống của con người là lệ thuộc nhiều vào môi trường, vận động phát triển không ngừng, hoặc có người đã tự lặp lại mình, sút phong cách sáng tác một cách dễ dàng.

Có một hạn chế nữa của văn xuôi cũng cần phải nói ra, có số lượng tác phẩm văn xuôi kể trên như thế cũng là nhiều, nhưng ít có tác phẩm tạo ra bản sắc riêng của vùng đất Nghệ An. Nói như thế không có nghĩa là văn xuôi chưa làm tròn bổn phận, chức năng, vai trò của mình? Mà ít nhiều tác phẩm đã có bản sắc riêng nhưng chưa thật là đa dạng, kể cả tính cách, ngôn ngữ.

Nhà văn phải thật sự tâm huyết với vùng đất mình đang sống, hoà máu thịt với nhân dân, mới hy vọng văn xuôi có chiều sâu, có những trang có nét riêng khó lẫn vào văn chương ở vùng đất khác. Trước những yêu cầu đặt ra cho văn xuôi trong thời gian tới, các tác giả cần phải đầu tư thời gian nhiều hơn nữa cho đề tài quan trọng đang theo đuổi, cần “tắm mình” vào cuộc sống với nhân dân, làm giàu phong phú vốn sống, tạo nên chiều sâu của học vấn, nhận thức và tình cảm. Từ cơ sở đó, hy vọng sẽ có những tác phẩm Văn học đặc sắc, độc đáo, thể hiện bản sắc riêng của Nghệ An mới có được.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn