Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Những vần thơ trải lòng

(Nhân đọc tập thơ “Máy bay đang bay và những bài thơ khác” của nhà thơ Nguyễn Hoa, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam - 2011)

Lê Thị Bích Hồng - 14-11-2011 03:43:43 PM

VanVN.Net - Tôi “biết” và “gặp” nhà thơ Nguyễn Hoa khi chuẩn bị bản thảo cho cuốn Tiểu luận phê bình văn học “Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn – 2010). Bài thơ “Tổ quốc tôi” của anh cùng lý lịch trích ngang ngắn gọn đã có mặt trong cuốn sách của tôi.

Ấn tượng đầu với tôi là cái tên khá “kỳ”: Nguyễn Hoa Kỳ, quê Hà Nam. Tham gia quân đội thời chống Mỹ. Từng là phóng viên biên tập chương trình phát thanh Quân đội nhân dân, biên kịch Xưởng phim Quân đội”… Sáng tác từ khi còn binh nghiệp, nhưng cho đến năm 1988, anh mới xuất bản tập thơ đầu tiên “Dưới mặt trời”. Và từ đó - năm 1988, những tập thơ anh, như: Vàng mùa thu (1989), Ngôi sao số phận (1991), Con Tổ quốc (1992), Sấm lành (1993), Sơn Ca (1994), Từ một đến tám (1996), Trở về (1997), Cây trong vườn ông nội (1998), Mùa xuân không bị bỏ quên (2000), Bên con (2002), Nhận (2003), Ánh mắt tươi (2005), Lặng lẽ tôi (2007), Lửa mát (2009)… cùng thế hệ thơ trẻ chống Mỹ đã mang đến cho nền thơ hiện đại Việt Nam một diện mạo mới.

Đọc thơ anh – thơ người lính một thời gắn bó với trận mạc, ngoài chất trữ tình sử thi là đặc trưng cơ bản của văn học thời kỳ này, thơ anh dồn nén nhiều cảm xúc vừa tươi tắn, vừa giàu chất suy tư, chiêm nghiệm. Tôi đã quyết định “nhón” một bài thơ của anh viết trong kháng chiến chống Mỹ mà chưa xin phép. Vả lại khi đó, tôi chưa quen anh nên đã “ngầm” tiến hành theo phương châm “Tiền trảm hậu tấu”, rồi sẽ “xin phép” tác giả sau…

Và bây giờ, tập thơ “Máy bay đang bay và những bài thơ khác” tôi nhận được từ tác giả của nó cùng với lời đề tặng trang trọng (có cả động viên) bằng nét chữ khá đẹp “Tặng nhà lý luận phê bình viết về người lính rất sâu sắc”. Vâng, tôi đã, đang, sẽ và mãi viết về người lính. Đó là một sự lựa chọn. Còn là “nhà lý luận phê bình” thì “chưa dám đâu”.

Đọc những tập thơ trước của anh, tôi đã quen với cách đặt tên tập thơ khá ngắn, khoảng từ 1-4 âm tiết (Nhận, Sấm lành, Sơn Ca, Trở về, Bên con, Lửa mát, Ánh mắt tươi, Lặng lẽ tôi…). Nhưng khi cầm cuốn sách “Máy bay đang bay và những bài thơ khác”, tôi không khỏi ngỡ ngàng vì độ dài “hơi bị… lê thê”, nếu như không nói còn có phần lỏng lẻo, có đến 9 âm tiết (không biết vô tình hay có chủ ý nhà thơ chọn số 9-số sinh cho tập thơ này?).

Tập thơ dày hơn 100 trang, có 20 bài thơ trải đều trong khoảng thời gian từ kháng chiến chống Mỹ đến niềm vui hòa bình và cùng từng chặng đường của đất nước…Và rất “lạ” (so với những tập thơ trước đó của anh) nhiều bài thơ có kết cấu chặt chẽ, được đặt thành đề mục A, B, C (Dưới mặt trời, Mùa xuân về, Lời người pháo thủ Điện Biên, Con Tổ quốc); phần A, phần B (Thơ gửi những người cha nước Mỹ); phần I, II, III (Bạn của đất đai); chương I, II, III, IV, V (Bài thơ cây cầu); 1, 2, 3,4 (Thành phố đêm pháo hoa)…thậm chí còn có tiểu mục trong đề mục như phần nhiều những trường ca nở rộ trong khoảng những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Có thể lý giải được khi thơ anh mở rộng dung lượng phản ánh, gia tăng chất tự sự. Sẽ không lạ khi hàng loạt bài thơ có quy mô lớn xuất hiện. Những trường ca ra đời trong thời điểm đó được coi là một hiện tượng đặc biệt của văn học Việt Nam hiện đại, thậm chí thể loại thơ dài đã được tôn vinh “Nhà thơ không trường ca khác nào nhà vua không vương miện[1].

Thơ cần sự cô đúc. Làm thơ đã nhiều năm, chắc chắn nhà thơ rõ hơn điều này. Nhưng dung lượng một số bài thơ trong tập “Máy bay đang bay và những bài thơ khác”được kéo dài ra, thậm chí có chương, có khúc thì ắt hẳn phải có lý do của nó. Rất có thể- với anh- những bài thơ ngắn, súc tích, cô đọng không thể dung chứa nổi cảm xúc dồn nén như muốn được “bung phá”.

Đọc từng bài, tuy có “hơi bị...dài”, nhưng trên hết, thấm đượm trong đó là chất trữ tình và sự trải lòng mình từ trong mỗi vần thơ.

Ngay bài thơ đầu tiên có nhan đề “Dưới mặt trời”, nhà thơ đã đưa ra một khái niệm về nỗi nhớ “không mùa”, “không thời gian” đan cài trong cảm xúc hồi tưởng: “Bắt đầu từ nỗi nhớ-Nỗi nhớ không sợ thời gian...” cùng cách diễn đạt giàu tính tự sự “Buổi sớm ấy cách đây vừa tròn mười năm-Tôi chia tay đứa con gái vừa sinh...Những đồng đội của tôi-Không thể nào quên-Tuổi mười tám, đôi mươi nằm xuống…”.

Thơ anh trải lòng đến từng vật vô tri. Đất đai, sông suối, hạt lúa, củ khoai... vào thơ anh một cách tự nhiên như thấm đượm tâm hồn con người không hết những trăn trở, lo âu. Ở nhiều bài thơ, anh nói với đất đai như với con người. Khi nhà thơ cất tiếng gọi “Đất đai ơi!”, thì đồng thời nó chẳng khác nào người bạn tri âm, tri kỷ “Chúng tôi ngồi tâm sự với đất đai” cùng đó là sự khẳng định “Người là bạn thật của đất đai”. Cũng có khi nhà thơ bộc lộ sự sám hối chân thành “Với đất nâu tôi có lỗi nhiều” (Đất nâu). Khi là lòng biết ơn “Tôi ăn hạt gạo của đất chiu chắt-ngọt thơm có nắng mưa dài”. Dẫu có đổi màu, có bạc đất, nhưng trong Nguyễn Hoa, đất đai đồng nghĩa với sự vô cùng, là tương lai, là ngày mai tươi sáng “Đất đai sẽ xanh lúa xanh khoai”, “sẽ mọc làng, mọc phố”, là “ấm nồng hương đất” (Những người đi về phía mặt trời).

Thơ Nguyễn Hoa viết nhiều về mẹ. Ngoài bài thơ có nhan đề là “Mẹ”, thì ở nhiều bài thơ khác, người mẹ luôn mang đến cho người đọc cảm xúc lớn lao. Mẹ trở thành một biểu tượng thiêng liêng. Hình ảnh chiếc áo nâu màu đất luôn gắn bó quen thuộc với mẹ: ‘Mẹ mặc áo tứ thân…Mẹ mặc áo nâu sồng thêm trẻ…Áo nâu ngày ấy” (Mẹ). Nhìn mầu áo mẹ, nhà thơ cảm nhận đến tận cùng giọt mồ hôi muối mặn làm bạc vai áo mẹ: “Nước mắt ngấm vào vai áo mẹ tôi-Ngấm vào đất” (Đất nâu). Màu nâu của đất trong trường liên tưởng kỳ diệu. Đó là màu nâu bạc màu áo mẹ, là chiếc áo nâu mẹ nhuộm cho con và có một sự hoán đổi màu sắc đặc biệt: “Áo mẹ bạc màu-Đất nâu sẫm lại”, để “mang màu áo xanh cây lúa”, “màu xanh cho đất”. Đôi bàn tay, đôi vai người mẹ trở đi trở lại trong nhiều bài thơ của anh tạo nên những dư âm ám ảnh. Khi là bàn tay mẹ được ví như “Có mặt trời lửa xuống đậu”, “Có trời sao khuya khoắt xuống đậu”. Bàn tay mẹ mang đến sự kỳ diệu “Bàn tay mẹ nuôn lớn cuộc đời tôi”. Đôi vai người mẹ trở thành một biểu tượng giàu tính khái quát “Ruộng đồng mẹ gánh trên vai”. Chưa hết, sự vĩ đại đó được Nguyễn Hoa nâng tầm khái quát “Mẹ gánh trên vai tất cả”. Hình ảnh mẹ chân thực và hết sức bay bổng, lãng mạn trong tâm tưởng những đứa con “Tóc mẹ bay trắng một khoảng trời”.

Viết về mẹ, thơ Nguyễn Hoa cũng như thế hệ thơ trẻ chống Mỹ cùng điểm chung là tấm lòng tri ân. Hình ảnh và cách diễn đạt về người mẹ trong chiến tranh luôn có sự đương đồng: “Mẹ một mình tần tảo sớm khuya-Thời gian chuốt mòn hai đầu đòn gánh” (Chiều sân ga-Lê Văn Vọng), “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ” (Đất nước-Tạ Hữu Yên), “Ngày mai con trai mẹ lên đường-Không bao giờ mẹ khóc trước mặt con-Cho chúng tôi đi khỏi vấp” (Chiều sâu Tổ quốc-Vũ Đình Minh)...Không nằm ngoài cảm xúc sử thi ấy, anh đã chọn một cách thể hiện thấm thía và cảm động về người mẹ Việt Nam yêu con, yêu nước, biết hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân “Mẹ tôi...biết cầm nước mắt tiễn con đi dưới trời lửa đạn”. Cảm nhận được bao nỗi gian nan vất vả, khi “Ngày lại ngày mẹ đồng chiêm áo lấm-Tiếng súng, tiếng bom cứ cồn lên như sóng-Vỗ vào giấc ngủ hiếm hoi tuổi già”. Kể cả khi “Năm chia ly xa cách-Mẹ sống bằng nỗi nhớ–Không thể nào hoá đá”  (Gửi năm tôi 53 tuổi – năm 2000). Nỗi lo, nỗi nhớ cứ choán đầy tâm can mẹ và người lính thấu hiểu hơn ai hết “Con đi đánh giặc cùng cha-Nhớ thương để trên đầu mẹ”, “Con đi đánh giặc-Mẹ khấn thầm ước ao-Giá mẹ đỡ đần con được” (Mẹ), “Chúng con sẽ trở về-Điều mẹ ước ao lớn nhất”. Người mẹ của đời thường dung dị đã trở thành người mẹ Tổ quốc qua câu thơ giàu tính khái quát “Sau MẸ là con NHÂN DÂN là con Tổ quốc” (Con Tổ quốc).

Trong sâu thẳm thơ Nguyễn Hoa là nỗi niềm, sự trăn trở, đan xen hoài niệm với hiện tại và điều dự cảm cho tương lai chỉ có được ở trái tim nghệ sĩ luôn nhất mực khắc khoải về con người trong kiếp sống nhân sinh. Cái đẹp cứu rỗi tâm hồn con người. Nhà thơ đi tìm chủ thuyết cho cái đẹp: “Cái đẹp chúng ta sáng tạo ra-Cái đẹp có cánh”. Cái đẹp giúp cho “Con người bay…”. Nhưng bằng cách nào để có “cái đẹp vĩnh viễn”, khi “Cái ác lẩn không nhìn thấy trong nhà kính pha lê”. Cái ác “ngụy trang” rất khéo “trên cái pít và các bài toán”. Thơ anh thầm lặng một nỗi đau khó diễn tả trong chiều sâu khôn cùng “Tôi muốn đi từ phía đau này-Phía đau của những người cực tốt-Đến cứu nỗi đau của những con người” (Như thế, bắt đầu từ mùa khô 79). Nhà thơ đã “giải mã” cho cái xấu, sự ích kỷ ấy không đâu khác chính là sự hoàn thiện CON NGƯỜI (viết hoa) ở bất cứ khi nào, với bất cứ ai “Tôi” hay “Chúng ta”: “Tôi đang hoàn thiện”, “Chúng ta đang hoàn thiện” và “Con người có hơn hai triệu năm hoàn thiện”. Bởi nếu không tích cực hoàn thiện, không ngừng hoàn thiện, tiêu diệt cái ác thì “Cái xấu làm trống rỗng tâm hồn” (Dự cảm).

Hoài niệm chiến trường, đồng đội luôn đau đáu trong tâm can người lính Nguyễn Hoa. Chiến tranh đã lùi xa “Cuộc chiến tranh với giặc trời đi qua rồi(Bài thơ cây cầu), nhưng sống giữa hiện tại mà nhà thơ cứ “lầm lẫn” ý niệm thời gian, khiến cho “Máy bay đang bay-Ở độ cao trên bão” là “Các đài An Lộc, Pleiku, Đà Nẵng, Gia Lâm…Đang giữ cho máy bay đúng hướng-Và cả những đồng đội nằm lại Trường Sơn-Đang giữ cho máy bay đúng hướng” (Máy bay đang bay). Nhà thơ không quên được những năm tháng trận mạc, có đồng đội “Tuổi mười tám, đôi mươi nằm xuống”. Những câu hỏi của người lính hôm nay cứ sâu xoáy, ám ảnh tâm can người đang sống “Những bông hoa của đảo nở rộ tươi-Còn bao đồng đội tôi không thêm tuổi nữa rồi?”.

Nguyễn Hoa khéo dụng công để có nhiều câu thơ xuất thần như cây cọ trong tay họa sĩ “Cầm liềm như mảnh trăng gầy mùa gặt-Đập lúa giữa nắng vàng mật ong” (Đất nâu), hay “Mảnh liềm trăng bỏ không trên cánh đồng không gặt” (Bạn của đất đai), hay “Quấn thành xe là những dải mây” (Xe ta đi ban ngày)… Cách sử dụng động từ khá tài tình qua câu thơ “Hạt gạo tôi ăn biết lăn mình qua lửa” (Đất nâu). Hay cách nhà thơ chọn từ cũng rất lạ. Ví dụ từ “sốt ruột” trong câu thơ sau đây “Chúng tôi nói đến mùa màng từng sốt ruột”, dù dịch giả có giỏi đến mấy, chắc cũng sẽ phải “bó tay”.

Nhà thơ đã viết bằng sự trải nghiệm của chính mình Thơ mang những tâm sự, độc thoại, kể, bình luận, khái quát, tổng hợp; kết hợp với giọng điệu căm giận, suy tư, trầm lắng; cùng những cảm hứng hào hùng, lãng mạn, hiện thực. Thể thơ thơ tự do, thơ văn xuôi được Nguyễn Hoa phát huy tối đa như một dấu hiệu phong cách. Cái tôi nhà thơ được trực tiếp bộc lộ, nhịp điệu thơ phong phú, dung lượng thơ mở rộng đến không cùng, giọng điệu thơ chuyển đổi nhiều màu sắc .

Những bài thơ viết sau chiến tranh có cái nhìn trầm tĩnh, chiêm nghiệm, chất giọng nghiêng về triết lý, đối thoại, bình luận. Những suy cảm của người trong cuộc trở nên chân thực hơn. Trữ tình và triết luận được quan tâm, nhưng tự sự vẫn giữa vai trò quan trọng. Thơ anh tổng hợp nhiều yếu tố tự sự, trữ tình và chính luận. Mở rộng biên độ vượt khỏi thơ luật vốn nghiêm ngặt, gò gượng trong câu thơ cùng một nhịp đều đều bằng những câu thơ tự do dài, ngắn không đều, ít vần và thậm chí không vần. Trước hết, dòng thơ được giãn nở hết sức linh hoạt. Có nhiều trường hợp một câu thơ bao gồm nhiều dòng thơ:

          - Và làm sao chúng tôi không có lúc nghiêng mình nuốt lệ

          trước anh em nằm vắt trên rào, trước cửa mở xung phong…

          Và đêm nay thật lòng

          tôi cứ nghĩ là tôi chưa làm trọn

          lời hứa về thăm người vợ, người con của

          đồng đội tôi ở giây phút cuối cùng

          giữa đêm mưa tầm tã…

                               (Lời người pháo thủ Điện Biên)

          - Chúng tôi thực hiểu từ nay

          về nhu cầu tồn tại

          ở ăn và mặc

          để sống và nảy sinh

          về nhu cầu nhận thức được mình

                               (Con Tổ quốc)

Thơ Nguyễn Hoa một mặt kế thừa thể thơ truyền thống, mặt khác không ngừng sáng tạo trên cơ sở các thể thơ vốn được định hình. Các thể thơ quen thuộc chứa 5, 6, 7, 8 tiếng không đủ sức tải cho lượng thông tin và cảm xúc lớn. Dòng thơ bị phá vỡ về số lượng âm tiết. Mạch suy nghĩ được tách rời thành những phát ngôn dài, ngắn tuỳ hứng. Độ dài câu thơ được giãn ra đáng kể. Số âm tiết trong mỗi dòng linh hoạt từ 1-10 âm tiết. Số âm tiết trong mỗi câu giãn nở tới mức tối đa (đến 35 âm tiết). Một câu thơ bao gồm nhiều dòng thơ. Việc mở rộng dung lượng chữ đến mức làm mất hình thức của dòng thơ. Tuy vậy, tác giả hầu như vẫn trung thành với khái niệm dòng, vẫn duy trì hệ thống đầu dòng một cách đều đặn:

“-Đáng lẽ nó được ngủ ngon trong những ngôi nhà Việt Nam sau khi đã liên hoan phá cỗ cùng trăng (20 âm tiết)

-Đáng lẽ nó được tắm trên các dòng sông mát rượi của vùng nhiệt đới (15 âm tiết)

-Đáng lẽ…” (Thơ gửi những người cha nước Mỹ)

Sự bứt phá câu thơ, dòng thơ như một nhu cầu thể hiện nội dung, tư tưởng phong phú, đa dạng, chuyển tải được nội dung hiện thực lớn, cảm xúc đa dạng mà thể thơ khác ít nhiều còn hạn chế. Mặt khác, việc giãn nở, bứt phá câu chữ ra đời do nhu cầu diễn tả chân thực những rung động cảm xúc tư tưởng của người làm thơ. Thơ Nguyễn Hoa xuất hiện từ đòi hỏi thơ đi sát cuộc sống, phản ánh được những trạng thái đa dạng của tình cảm, cảm xúc, thể hiện cách nhìn nghệ thuật mới của nhà thơ.

 


[1] Mã giang Lân-Tiến trình thơ Việt Nam hiện đại. H. 2000

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn