Em trai tôi, liệt sĩ Phạm Hữu Tạo, hy sinh đêm ngày 13 rạng sáng ngày 14/6 âm lịch tại mặt trận Vị Xuyên Hà Giang; giấy báo tử ghi hy sinh ngày 12/7/1984 kèm theo giòng chữ: Do tình chất trận chiến đấu ác liệt không lấy được thi hài...Giòng chữ này đã làm mẹ tôi vật vã hàng chục năm trời vì đau đớn và vì thương em...
Đầu năm 1985, tôi đã đánh đường lên tận Hà Giang, tìm đến đơn vị cũ của em trai tôi là Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 để hỏi cụ thể em trai tôi hy sinh trong hoàn cảnh như thế nào?
Hồi đó chiến sự vẫn còn ác liệt, từ Hà Nội tôi bắt xe lên thị xã Hà Giang và đến ở nhờ anh em tại rạp Hạ Long, đơn vị cùng ngành điện ảnh.
Từ rạp Hạ Long-Hà Giang, anh em chở tôi lên tìm đơn vị em trai tôi lúc đó đóng quân phía trên dốc Mã Tin, cách thị xã Hà Giang khoảng 2-3 km. Trên đường đi thỉnh thoảng tôi lại nghe tiếng ùng oàng của pháo Trung Quốc bắn sang. Tôi đến được tận Đại đội của em trai tôi, kịp ăn một bữa cơm trưa với đồng đội của em, hỏi chuyện trận chiến đấu ác liệt mà em trai tôi đã tham gia mà không về.
Tôi không dám nán lại lâu vì theo đồng đội của em trai tôi kể: cách đây một hôm, đại đội này vừa chôn cất 4 liệt sĩ hy sinh khi đang ngồi ăn cơm; pháo Trung Quốc câu sang trúng mâm cơm khiến cho cả 4 đều hy sinh. Đồng đội thu nhặt được thi hài 4 liệt sĩ chỉ còn đủ một bát thịt, chia đều cho 4 mộ liệt sĩ. Nghe câu chuyện này tôi hiểu được chắc em trai tôi cũng nằm trong trường hợp như vậy...
Trận đánh mà em trai tôi tham gia vào ngày 12/7/1984 là trận đánh tấn công lên cao điểm 772, trận quyết chiến nhằm thu hồi lại cao điểm quan trọng này đã bị Trung Quốc đánh chiếm từ năm 1979. Năm 1979 lính Trung Quốc đã sang tới thị xã Hà Giang sau đó rút về nhưng giữu lại 2 cao điểm quan trọng này.
Trận đó ý đồ chiến thuật là định đánh bật sự lấn chiến của Trung Quốc 2 cao điểm chiến lược quan trọng đó là Cao điểm 1509 và Cao điểm 772 nằm tại địa bàn Thanh Thuỷ-Hà Giang: hai con số 1509 và 772 là chỉ độ cao của Cao điểm được đặt tên luôn.
Trận đánh đã thất bại, phía Việt Nam theo đồng đội của em trai tôi kể lại: có 4 sư đoàn tham gia trận đánh này và không thể nào đánh bật được lính Trung Quốc vì chúng chiếm cứ trên cao và hoả lực quá mạnh. Bộ đội ta cuối cùng đành phải lui và chịu nhiều thương vong. Theo thông tin mà tôi nắm được thì đến nay, điểm cao nhất của 2 cao điểm này Trung Quốc vẫn đang giữ; phía ta chỉ giữ phần sườn bên này; ai giữ được cao điểm 1509 và 772 thì khống chế được cả vùng Hà Giang...
Các anh em công tác tại rạp Hạ Long kể với tôi cho biết: trận đánh này kết thúc xong, phải mất 3 đêm liền, người dân Hà Giang vẫn còn thấy xe chạy liên tục để chở các liệt sĩ về an táng tại nghĩa trang Vị Xuyên.
Theo nhiều bạn bè Hà Giang cho biết: hiện vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa thu hồi được còn nằm rải rác trên các sườn núi Hà Giang do mìn địch còn cài lại quá nhiều. Thỉnh thoảng người dân Vị Xuyên đi rừng vẫn tìm thấy những mảnh hài cốt còn nằm phơi sương giãi nắng trên các giải biên cương phía bắc...
Khi tôi đến gặp đồng đội cũ của em trai tôi, tại ngay cái trung đội cũ, đồng đội cũ của em trai tôi chứng kiến cảnh em trai tôi hy sinh chỉ còn lại vài ba người...Theo đồng đội em tôi kể lại thì đêm đó, em trai tôi chỉ huy một trung đội đã bò lên chỉ cách địch khoảng vài trăm mét thì địch đã phát hiện và bị pháo địch bắn chặn. Hoả lực mà phía Trung Quôc là loại súng ĐK, mỗi quả đạn là một quả bom dài khoảng 1,2 m... Tại các cao điềm này, phía Trung Quốc bố trí lực lượng phòng thủ theo thế ỷ dốc: tức là từ cao điểm này câu pháo sang yểm trợ và bào vệ cho cac cao điểm bên cạnh nên khá hiệu quả.
Thấy trung đội 1 đi đầu tiến chậm vì hoả lực địch quá mạnh, em trai tôi chỉ huy Trung đội 2 bò lên để tìm nguyên nhân thì bị trúng cả một quả ĐK.
Theo một đồng đội cũ lúc đó thuộc phiên chế Trung đội 3 kể thì: nghe tiếng ĐK nổ đúng vị trí em trai tôi bò lên, khói súng tan, đồng đội không còn thấy em trai tôi nữa mà chỉ thấy báng của khẩu AK bị tan ra, một chiếc thắt lưng và chiếc mũ cối.
Có thể nói là cả Đại đội em trai tôi nằm chết dí cách cao điểm đóng quân của Trung Quốc khoảng vài trăm mét, dưới làn pháo Trung Quốc nã liên tục và không thể nào triển khai trận đánh...Suốt ngày hôm sau ngày 13/7 phía địch vẫn bắn phá dữ dội; còn quân ta thì thấy không thể nào tiến lên được nữa đành phải tìm cách rút lui. Thuần cậu lính đồng hương với em trai tôi, người cùng huyện Tân Kỳ, lúc đó là Trung đội trưởng Trung đội 1 còn nán lại tới tối hôm sau khi đồng đội lui hết mới bò xuồng. Thuần kể với tôi: Cả ngày hôm đó Thuần nằm dưới hố đạn tránh pháo, Thuần quan sát nơi em trai tôi trúng ĐK, chỉ thấy còn lại mấy thứ mà tôi đã kể ở trên...
Câu chuyện đau thương của gia đình tôi trước sự hy sinh của em trai tôi cứ găm vào lòng hết thảy mọi người, nhức nhối không thể nguôi ngoai, nhất là đối với mẹ tôi. Cho đến năm 1996, báo chí đưa tin rầm rộ về khả năng ngoại cảm, tìm mộ của Phan Thị Bích Hằng. Tôi chợt nghĩ tới việc tìm phần hài cốt còn sót lại của em trai tôi: biết đâu lúc đó em trai tôi bị vùi lấp vào đâu đó, nên đồng đội đã không tìm thấy để đưa về. Tôi và bố tôi đã tìm đến nhà Bích Hằng, lúc đó còn ở C 9 Kim Liên.
Số người tìm đến Bích Hăng đông nườm nượp, phải sắp hàng lâu vì mỗi ngày Hằng chỉ có thể giúp được 9-10 người. Theo Hằng dặn, tôi mang đến một tấm ảnh của em trai tôi đã được vẽ truyền thần, Hằng hẹn 1 tháng sau sẽ cho biết kết quả.
Đúng một tháng sau, vợ chồng tôi đến gặp Bích Hằng, Hằng gọi tôi bằng chú, và cho biết: Đã tìm được em trai tôi, hài cốt không còn, hiện linh hồn em trai tôi đang tá túc tại ngã ba sông Lô-sông Miên; em trai tôi rất mong gia đình lên đưa linh hồn em trai tôi về...
Nghe Hằng nói vậy, tôi cảm ơn và trong lòng còn bán tín bán nghi ? Nếu linh hồn em trai tôi còn thì không nhẽ không nhớ được đường về quê sao; người chết thường vẫn có nhiều quyền năng siêu nhiên hơn người sống cơ mà.
Tôi gọi điện hỏi anh chị em ở Sở Văn hoá-Thông tin Hà Tuyên ( lúc đó chưa tách tỉnh); anh em cho biết: Ngã ba Sông Lô-Sông Miện nằm ở ngay thị xã Hà Giang; thời Pháp gọi là Sông Miên, hiện bây giờ dân địa phương gọi là Sông Miện. Bích Hằng chỉ cho tôi biết linh hồn em trai tôi tá túc tại ngã ba sông Lô-sông Miên, hỏi địa điểm này ở đâu thì Hằng không biết...
Nghe anh chị em thông tin như vậy tôi càng bán tín bán nghi vì tôi biết từ thị xã Hà Giang lên Thanh Thuỷ, nơi em trai tôi hy sinh khoảng trên 20 km. Do đó tôi cũng không thực hiện điều Hằng khuyên và coi thông tin của Hằng chỉ để tham khảo vậy thôi. Tôi nhớ dạo đó là vào khoảng tháng 7 năm 1996; sau khi gặp Bích Hằng gia đình tôi gần như không làm gì.
Thế rối một sự cố đến với vợ tôi: từ tháng 8 vợ tôi bị một căn bệnh kỳ lạ. Người tự nhiên kém ăn, khó ngủ, đến khám các bệnh việc, chụp đo đủ kiểu mà không chẩn đoán ra bệnh gì. Người cứ nẫu ra như chuối chín. Trước đó, tức là trước khi gặp Bích Hẳng, vợ tôi vẫn thỉnh thoảng kể với tôi đêm vẫn mơ thấy một người giống tôi về ngồi ở góc giường; tỉnh lại không thấy gì. Vợ tôi nằm mơ thấy rất nhiều lần.
Còn lần này vợ tôi ốm từ tháng 8 cho đến tháng 10, tôi tìm hết thầy hết thuốc mà không chẩn ra bệnh.
Vào một buổi đêm, vợ tôi đánh thức tôi dậy báo cho tôi một giấc mơ lạ. Vợ tôi mơ thấy một người giống tôi nằm lăn khóc ở chợ, trong mơ vợ tôi nghe có tiếng ai đó vọng về: Chú Tạo, chú Tao...
Nghe vợ tôi kể tôi giật mình: đúng rồi, "mạng" đã kết nối mà mình không biết nên chú Tạo nhắc và trách. Hôm sau tôi lại tìm đến nhà Bích Hằng, tôi không kể giấc mơ và tình trạng sức khoẻ của vợ tôi mà chỉ nói với Hằng về trường hợp hy sinh của em tôi. Tôi đề nghị Hằng xem lại lần nữa xem sao vì tôi đã hỏi kỹ địa danh ngã ba sông Lô-sông Miên cách nơi em trai tôi hy sinh hơn 20 km...Hằng hẹn tôi ba ngày sau sẽ cho biết kết quả.
Ba ngày sau tôi quay lại, Hằng cho biết: Linh hồn chú Tạo vẫn tha thiết muốn về quê, gia đình nên lên đón về. Tôi hỏi cách thức, thủ tục. Hằng khuyên lên tại cái ngã ba sông Lô-sông Miên, chú lấy 7 nắm đất, ( bảy vía) đem về. Ở nhà chuẩn bị các thứ như đón hài cốt một liệt sĩ...
Tôi cùng cậu em ở quê tìm lên Hà Giang theo lời khuyên của Bích Hằng. Chúng tôi tìm đến ngã ba sông Lô-sông Miên; ngã ba này nằm kế cạnh chợ Hà Giang. Có thể đây là nơi hàng tuần mồng một ngày rằm bà con thường thắp hương nên các liệt sĩ về đây để tìm hưởng những nén nhang, chút lễ tế chăng trong tình cảnh bơ vơ chưa có được gia đình đón về thờ cúng ?
Trước khi làm lễ để để đón linh hồn em trai tôi vể, tôi đã đi đến các nghĩa trang của Hà Giang, nơi yên nghỉ của các liệt sĩ trong cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Tôi đã thắp hương nhờ các liệt sĩ thông tin hộ về việc tôi lên tìm em trai tôi là liệt sĩ Phạm Hữu Tạo, liệt sĩ nào biết, nhờ thông tin hộ để em trai tôi có thể theo tôi về. Ngoài đến chỗ nghĩa trang, tôi và em trai tôi, cậu út còn quyết định lên Thanh Thuỷ, tìm đến Cao Điểm 772 để thắp hương và để tìm đón linh hồn em tôi. Từ đồn biên phòng Thanh Thuỷ, theo chỉ dẫn của bộ đội biên phòng, chúng tôi men theo đường mòn để tìm đến cao điểm 772 nơi em trai tôi hy sinh.
Từ đồn biên phòng lên đến Cao Điềm này mất 6-7 km; trên đường đi thỉnh thoảng lại gặp một vài chàng trai Mông xách dao quắm, tôi và em trai tôi lạnh người: họ mà giơ giao bảo anh em mình đưa máy ảnh cho họ, chắc không thể từ chối. Vừa đi vừa hỏi người gặp trên đường đi về Cao Điểm 772. Cuối cùng thì anh em tôi cũng tìm tới đến gần chân cao điểm này chứ không còn đủ sức leo lên. Dọc đường, dấu vết chiến hào xưa vẫn còn nguyên. Tôi thắp hương bái vọng và khấn bày tỏ nguyện vọng tìm được linh hồn em trai tôi để đưa về quê hương khói...
Năm 1985, còn nhớ khi từ Hà Giang về, ra ở bến xe tôi có khấn rằng tôi đã lên tìm em trai tôi, liệt sĩ Phạm Hữu Tạo, sau đó quay về Hà Nội. Có lẽ vợ tôi thường nằm mơ thấy em tôi do em tôi chỉ biết đường về tới nhà tôi, hồi đó tôi còn ở Ngã Tư Sở...
Sau khi thắp hương nhiều nơi bái vọng, tôi và chú út quay về ngã ba sông Lô-sông Miên làm thủ tục để đón linh hồn em tôi về sau hơn 10 năm bơ vơ, gia đình vẫn hương khói nhưng không được hưởng. Tôi đưa thẳng 7 nắm đất lấy ở ngã ba sông Lô-sông Miên gói ghém cẩn thận và đưa thằng về quê.
Điểm giao nhau của 2 con sông này: một con sông đục đó là sông Lô, còn sông Miên lại trong, thành ra nhìn rõ điểm hợp lưu hai giòng trong đục của 2 con sông...
Một điều hơi lạ là khi tôi thắp hương để báo tin việc đón linh hồn em tôi thì thấy tự nhiên có chiếc thuyền máy chạy qua, thấy cảnh cúng giữa sông, những người trên thuyền dừng lại xem. Tôi đã chụp ảnh lại.
Tôi đưa 7 nắm đất lấy ở ngã ba sông Lô-sông Miện về nhà tại Tân Kỳ-Nghệ An, ở nhà bố mẹ tôi đã chuẩn bị tiểu sành, quả dừa, ít hom dâu cho vào và liệm như liệm hài cốt để chuẩn bị đưa ra nghĩa trang của huyện.
Đêm hôm đó độ 10 giờ mẹ tôi chợt đề nghị: Đưa em tôi về thì phải làm lễ cầu hồn xem chú có về được không hay lạc ở đâu. Mọi người tán thành. Vì ngoài họ hàng anh em còn có hàng xóm láng giềng đến khá đông. Thế là một lễ cầu hồn cho em trai tôi được tổ chức.
Người đứng ra làm chủ tế là ông dượng và ông bố vợ tôi có biết ít chút kinh kệ và không phải là thầy cúng chuyên nghiệp. Còn tôi thì vì đi đường mệt, tôi đi thẳng từ Hà Giang về tận Tân Kỳ, tôi cáo vào nhà ngủ để mẹ tôi và bà con hàng xóm tổ chức lễ cầu hồn cho em trai tôi. Người ngồi đồng là anh trai tôi. Mọi người lấy tấm vải đỏ trùm lên mặt, còn ông dượng và bố vợ tôi thay nhau đọc kinh...
Lễ tổ chức tới gần 1 giờ sáng mà vẫn không thấy gì. Chợt ai đó nói: Có khi phải ông Đào ngồi đồng thì hồn mới nhập, ông Đào đưa về lại anh ruột, còn anh trai là anh cùng cha khác mẹ. Mẹ tôi liền vào đánh thức tôi dậy. Ngủ được 1 giấc, người tôi cũng có phần đỡ mệt. Chiều mẹ tôi, tôi ra ngồi đồng thử xem sao. Tôi nhớ lúc tôi ngồi khoảng 1 giờ 30 phút gì đó. Tôi ngồi khoảng độ nửa giờ, thấy mẹ tôi cứ thảm thiết đi quanh chiếc tiểu sành: nếu con về con phải cho mẹ biết hay con còn lạc đi đâu. Lúc đó tôi cũng thấy mủi lòng định làm một động tác gì đấy giả như em tôi về để mẹ tôi đỡ tủi...
Tôi đang miên man như vậy, trong khi đó ông dượng tôi đang cúng bằng bài Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, tôi nhớ khi đó dượng tôi đọc tới câu:" Quỷ không đầu ngồi khóc đêm mưa; Mỗi khi thay đổi sơn hà..."
Tôi chợt nghe tiếng huỵch, mọi người ngơ ngác thì ra ông chú tôi từ rất lâu mọi người thấy cứ gật gật, lắc lắc ở trên thềm như ngài ngủ. Tự nhiên ông bật mình như lò xo từ trên thềm ra tới giữa sân. Tôi gỡ mảnh vải đỏ ra thấy ông xoay tít trông rất dẻo; cái điệu xoay này giống như các vở chèo các diễn viên thường biểu diễn trên sân khấu. Chú tôi ở quê chưa xem chèo bao giờ.
Các diễn viên chèo khi thể hiện việc nhập đồng dù tài nghệ đến đâu cái sự xoay này vẫn gường gượng. Còn chú tôi lúc đó đã gần 70 tuổi, xoay rất tít và rất dẻo, xoay gần sát đất như con quay. Vừa xoay vừa khóc kể bấy lâu nay đói khát, quần áo cháy hết, nghĩa là rất khổ. Chú cảm ơn anh chị đã đưa được chú về. Mặc dù sau ngày em trai tôi hy sinh gia đình vẫn làm giỗ và thắp hương nhưng hồn không về được. Lúc đó vợ tôi nhanh trí hỏi được mấy câu, em tôi trả lời rất đúng giọng. Hồn em tôi đã nhập vào ông chú tôi, mặc dù người ngồi đồng là tôi. Lúc đó có khoảng vài chục người chứng kiến...
Hồn nhập vào khoảng 2,3 phút, theo kinh nghiệm nhiều người là liên tiếp hỏi thì sẽ giữ được hồn lại, nhưng mọi người không ai hỏi và cứ chờ em tôi tự kể nên hồn chỉ dừng lại vài phút rồi thăng.Theo lời em trai tôi thì cùng về với em trai tôi có rất nhiều đồng đội theo về. Có nghĩa là vẫn còn rất nhiều linh hồn hiện còn bơ vơ tại Hà Giang chưa có người thân đón về để hương khói. Khi chưa đón được về thì mọi sự cúng tế đều không hiệu quả...
Sau khi đem được linh hồn em trai tôi về, vợ tôi khỏi hoàn toàn bệnh tật và không còn mơ thấy gì nữa. Gia đình tôi từ khi rước được linh hồn em tôi về nghĩa trang huyện Tân Kỳ mọi việc riêng tư đều cảm thấy hanh thông, nhiều tai ương đều được hạn chế ở mức thấp nhất..
Tôi kể chuyện này hoàn toàn do chính tôi chứng kiến và xin coi là một nén tâm nhang nhân ngày 27/7: Ngày thương binh liệt sĩ giành cho em trai tôi và những linh hồn của biết bao người lính hiện còn bơ vơ chưa được người thân đưa về nơi bản quán để phụng thờ hương khói.
Những anh hùng liệt sĩ của đất nước này thể xác của họ có thể bị vùi lấp, trở về với cát bụi nhưng linh hồn của họ vẫn còn song hành với chúng ta; họ không bao giờ mất nên không một ai được phép quên họ...Ai cố tình quên họ chắc chắn khó tránh khỏi tai ương. Đó là điều mà tôi chiêm nghiệm qua chuyện gia đình tôi.
Kỳ sau tôi sẽ kể những chuyện tai ương mà tôi và vợ tôi đã tránh được một cách kỳ lạ hình như có ai đó đỡ đần phù trợ...
P.V.Đ
Phạm Viết Đào