Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

   

Chùm truyện ngắn của Nguyễn Trọng Văn
Cập nhật: 10:59:00 10/2/2011

Nhà văn trẻ Nguyễn Trọng Văn
VanVn.Net - Nguyễn Trọng Văn công tác tại Đài truyền hình Hà Nội. Lâu nay người ta biết đến tên anh với tư cách là một Nhà thơ, một người làm truyền hình trẻ. Gần đây Nguyễn Trọng Văn xuất hiện trên văn đàn với thể loại truyện ngắn. Chưa thể nói anh đã thành công trong thể loại văn học này, nhưng dù sao thay đổi và tìm tòi cũng là điều rất đáng khuyến khích đối với các Nhà văn trẻ...

ĐỘC THÂN

Gã đã chọn được gốc cây đúng như ý muốn. Đặt gói hành lý xuống, gã thong thả rút ra một tấm chăn đơn cũ. "Mình sẽ ngồi ở đây và sẽ chết ở đây" - kéo tấm chăn phủ kín người gã thầm nhủ như vậy và nghĩ "Sao đời mình chán bỏ mẹ". Bên gốc cây già nua là cái đống lụp xụp như một nấm đất, gã bắt đầu công việc của gã.

Gã quyết định dời nhà ra đi sau bao đêm ngày mỏi mệt. Khi gã bầy tỏ quyết tâm của mình, vợ gã nhìn gã nghi ngờ "Rõ đồ dở hơi. Đang đâu lại lên cơn". Căn nhà của gã với bà vợ trắng phốp pháp và 5 đứa con làm gã không chịu nổi. Căn nhà ấy gã được bố mẹ làm cho 17 năm trước khi gã mặt đỏ bừng và lúng búng thưa với bố mẹ gã là gã sắp có con. Bố mẹ gã hoảng quá và tin ngay lời gã vì cái bụng to tướng của "cô con dâu". Một đám cưới vội vã. Sau đó vợ chồng gã có được căn nhà.

Quê gã có một con sông nhỏ chảy bọc lấy bìa làng. Hồi còn bé, gã cùng bầy bạn cứ hở ra là tót xuống sông. Bọn gã đập nước ầm ĩ và thi xem đứa nào lặn một hơi tới được bên kia bờ. Lần nào gã cũng thắng. Gã sớm có mẹo vặt để lừa lũ bạn. Gã cũng ngụp xuống cùng lũ bạn sau tiếng hô "hai, ba!", thụp xuống rồi gã vọt lên bơi hối hả vượt qua hai phần ba khúc sông, tới đó gã lại lặn và thích thú húc đầu vào bờ làm như mình còn có đủ hơi để lặn tiếp nếu như con sông không bé đến thế. Gã thắng và bọn bạn tin sái cổ.

Quê gã còn có một khu vườn hoang gọi là "vườn Cô Tèo". Thực ra khu vườn ấy vẫn có một bà già hàng ngày qua lại quét lá. Gia chủ của khu vườn đã di cư từ năm 1954. Hồi đó gã chưa được mẹ gã đẻ ra nên gã cũng chẳng cần biết về người chủ. Gã chỉ biết khu vườn là thiên đường đối với gã và bọn bạn. Bọn gã dễ dàng qua mắt bà cụ quét lá để trèo lên cây hái trộm quả. Gã được nghe dân làng kể, bà chủ của khu vườn này là một cô gái còn trẻ. Cô là vợ bé của ông chủ, ông chủ tậu cho cô vợ bé trẻ tuổi của mình khu vườn để làm nơi ông chủ lẻn bà vợ cả ở Hà Nội về hú hí. Bà vợ cả dần dà cũng biết chuyện, bà đến trình đồn Tây (hồi đó quê gã còn bị Tây chiếm). Đồn Tây cử hai lính da đen cùng bà cả vào vườn. Hôm ấy ông chủ không về. Hai anh lính da đen được bà cả đồng ý ngầm đã thi nhau hãm hiếp cô gái - Bà cả đã sửa cho cô gái tội tranh chồng - Cô gái ấy tên là Tèo. Chín tháng sau, cô Tèo đẻ ra một đứa con da đen chẳng rõ là của anh nào trong hai anh lính da đen hãm hiếp cô hôm ấy. Ông chủ biết chuyện về thuê người đem chôn sống đứa bé trong khu vườn, còn cô gái, ông không nỡ hành hạ, vì cô lại đẹp hơn. Ông bỏ bà cả lôi tuốt cô Tèo chạy vào Nam. Khu vườn trở nên hoang vắng và nhiều đồn đại ma quỉ. Bọn gã không sợ, đã có lần gã cùng vài đứa bạn ngồi rình trên cây cả ngày trời để xem con rắn trắng có mào chui từ trong mộ đứa bé lai đen ra như lời đồn. Hôm ấy gã bị ngã gãy tay vì ngủ gật. Bọn bạn cõng gã về nhà, gã không dám khóc nhưng từ đó khu vườn cô Tèo lại có thêm đồn đại: Đứa bé lai đen bị chôn sống bẻ tay bẻ chân ai vào vườn. Bọn gã đâm sợ, chỉ tiếc khu vườn nhiều hoa quả quá.

Gã lớn lên với cái làng quê có nhiều chuyện thầm thì và dòng sông bé xíu cùng khu vườn hoang ma quỷ. Hồi học trường làng, gã thường bị xếp ngồi ở cuối lớp vì gã sớm cao hơn lũ bạn. Ngồi học mà mắt gã mơ màng nhìn qua cửa sổ. Gã mường tượng trông xa hút cánh đồng và cứ mong buổi học sắp kết thúc. Ở vào cái tuổi của gã lúc bấy giờ bọn con trai đánh quay còn bọn con gái túm năm tụm bẩy đan đan móc móc. Gã không biết đánh quay, chơi bi gã cũng không biết. Còn cái lối "luồn kim xe chỉ" của bọn con gái, gã tức ra mặt. Bọn con trai trong lớp rất khoái trò nhẩy sổ vào đám con gái giật tung mấy sợ len đem buộc rối lại rồi vứt trả do gã bày đặt. Bọn con gái hễ trông thấy gã là bảo nhau đi chỗ khác. Nói chung là gã ít bạn. Vào năm cuối cấp II gã cảm thấy trong người khang khác, tự dưng gã thấy thích thú khi nhìn qua cửa sổ phát hiện có đứa con gái xin ra ngoài. Có cái gì đấy cựa quậy làm gã đôi lúc thấy đỏ mặt. Gã thích nhìn vào bọn con gái nhiều hơn. Mấy người lớn thì nghe cái giọng ồm ồm cùng vài mụn cá trắng li li trên cái mặt biết xấu hổ của gã bảo: gã đang thành anh đàn ông.

Vẫn cái trò chơi trêu trọc bọn con gái như xưa. Một hôm khi nhảy sổ vào cướp len cướp chỉ của lũ bạn gái, bàn tay gã vô tình chạm bộ ngực nhu nhú của một đứa con gái. Gã thấy là lạ. Tò mò gã để tay ở đó lâu hơn. Đứa con gái bị gã chộm được kêu ré lên. Gã bị mang tiếng hư hỏng. Gã cũng thấy thích, ban đêm khi nằm kín trong màn gã đưa tay ra nắn nắn vào khoảng không... Gã đang trở thành đàn ông.

Gã bỏ học năm 16 tuổi, bố mẹ gã mắng thế nào mặt gã cứ nhơn nhơn ra. Gã bắt đầu thu nhặt tranh ảnh phụ nữ in trong các quyển hoạ báo và rấp nước vào tay lên vuốt đầu. Đi đứng của gã - gã cũng để ý đến nhiều hơn. Có những đêm gã giật mình tỉnh dậy sờ tay gặp đống nhầy nhầy dưới chiếu. Gã mò dậy tu nước ừng ực. Gã khát lạ.

Con sông nhỏ xíu bọc lấy bìa làng với gã bây giờ chẳng thấm vào đâu. Từ khi bỏ học gã thường ra sông một mình vào ban trưa. Trưa hè thật vắng vẻ, oang oác tiếng gà mái đẻ vọng trên sông. Gã đã phát hiện ra cứ tầm trưa có một người con gái từ trong xóm Dí ở bờ bên kia xuống bến giặt giũ. Người con gái ấy gã không lạ - ấy là Thơm. Thơm hơn gã 8 tuổi và có tiếng cả làng là lẳng lơ. Gã lặn một hơi dài rồi bất ngờ nổi lên nhẹ nhàng nấp bên lùm cây vối mọc sát mép nước. Gã rình xem chị Thơm - như gã vẫn gọi - giặt. Ở quê gã, con gái bằng tuổi Thơm mà chưa có chồng coi như là ế. Thực ra Thơm rất đẹp, mình thon lẳn, tóc đen dài. Khi giặt Thơm vo quần cao tận bẹn để lộ cặp đùi trắng phơi phơi. Cả cặp mắt nữa, lâu lâu chừng mỏi lưng Thơm ưỡn thẳng người vặn vẹo, hai con mắt đong đưa. Dân làng này bảo Thơm lẳng. Mà Thơm lẳng thật. Đã có mấy anh trong làng hơn gã nhiều tuổi ngồi bô kê kể "cái của con Thơm trắng lắm" từ khi gã còn chưa biết gì. Thơm không có ai hỏi lấy về làm vợ. Thế là Thơm ế.

Thành thói quen. Ngày nào gã cũng ra sông vào ban trưa, lặn một hơi dài rồi nấp xem Thơm giặt. Thơm giặt khá lâu khiến gã sốt ruột. Gã đợi xem Thơm rửa mặt. Mỗi lần rửa mặt Thơm lại luồn khăn lau kỹ càng cái cổ cao trắng. Ngực áo Thơm he hé, lộ thập thò hai núm vú. Gã cố vươn đầu để nhìn, song gã nấp xa mà lại nhìn ngang nên không rõ. Gã tức lắm. Đến gần hơn thì gã sợ. Bất chợt gã nghe Thơm gọi sẽ:

- Có thích không? Lại đây nào.

Gã hoài nghi nép vào thân cây vối, nhìn trước nhìn sau xem Thơm nói với ai. Thơm bỗng cười khanh khách:

- Sợ hả? Sợ mà hôm nào cũng rình thế?

Thơm hất hất nước về phía gã rồi vừa nguýt vừa bê chậu quần áo đi lên bờ. Gã bơi vòng ra giữa sông nhìn Thơm "Hoá ra chị ấy có biết".

Trưa hôm sau. Rồi trưa hôm sau nữa. Gã không còn phải nấp bên cây vối nhìn trộm bộ ngực của Thơm. Và Thơm lại rửa mặt, lau cái cổ trắng lâu hơn. Thơm bảo gã:

- Chú em vào "Vườn cô Tèo" chơi chứ?

- Sợ lắm! - Gã trả lời, không biết là sợ chị Thơm hay gã sợ con ma lai đen - Nhưng chơi gì cơ? Thơm buông thõng tay cố ý làm lộ hai bầu vú căng tròn nhún nhẩy theo tiếng cười. Gã cảm thấy như có luồng điện chạy suốt từ đầu xuống lưng, miệng lắp bắp. Gã lạc giọng nói:

- Ừ thì sợ gì. Vào "Vườn cô Tèo" chơi.

- Cấm không được kể cho ai đấy! Thơm dí tay vào mặt gã, kéo tay gã. Hai đứa chạy vào khu vườn hoang.

- Ngồi xuống nào - Thơm bảo gã - Vào đây thì tha hồ chả có ai nhìn thấy.

Gã nhắm tịt hai mắt để mặc cho Thơm ôm ghì lấy. Người gã nóng như có sốt. Thơm hôn túi bụi vào mặt vào mồm gã. Dường như có bao nhiêu sức vóc Thơm dồn hết lên người gã. Gã run rẩy trong vòng tay của Thơm.

- Con khỉ! Đây này! - Thơm nắm tay gã ấn vào ngực mình. Gã đã chạm được vào cái mà bao trưa len lén nhìn qua đám lá vối - Chúng mình yêu nhau nhá, chú em? Anh! Anh!... - Thơm rít lên, rồi hai đứa quấn chặt vào nhau thở hổn hển.

Suốt cả mùa hè năm đó. Gã và Thơm trưa nào cũng đi vào "Vườn cô Tèo". Gã thấy nhớ mặt Thơm cồn cào, gã không còn thấy sợ nữa. Thơm nói lý nhí vào tai gã:

- Em yêu anh. Em yêu anh.

Gã khoái vì thấy mình là người lớn. Gã tự hào vì có được một người con gái hơn tuổi mình yêu và chiều chuộng. Nhưng gã xưng hô với Thơm trống không, hai từ "anh" "em" gã còn lạ lẫm. Có bận gã nói vu vơ:

- Có chửa không.

- Không biết - Thơm hờ hững đáp.

- Em... à sợ lắm. Có chửa không khéo lại đẻ con lai đen thì sao?

- Con khỉ ạ - Thơm tát yêu gã - Thế em có chửa thì chúng mình lấy nhau chứ?

Thơm và gã nhìn nhau. Không ngờ chuyện ấy thành thật. Khi gã tròn 17 tuổi, Thơm bảo gã:

- Em có thai rồi anh ạ.

Gã run bắn người lo âu sờ sờ vào bụng Thơm. Bụng Thơm căng và cưng cứng. Gã sắp có con.

Rồi gã dẫn Thơm mang cái bụng sùm sụp về thưa với bố mẹ. Bố mẹ gã chỉ thở dài thườn thượt và đồng ý. May cho gã là gia đình gã theo đạo Phật, đạo Phật kiêng sát sinh. Vả lại chuyện đã rồi cũng chả giấu được - gã và Thơm thành vợ thành chồng và lần lượt 5 đứa con ra đời. Thơm sau mỗi lần đẻ lại béo thêm ra còn gã quắt lại, trông già đi trước tuổi.

*

*     *

"Sao mãi mà mình chưa chết nhỉ?" - Gã tự hỏi và cảm thấy lạnh. Sống lưng đau nhừ, còn hai chân tê dại đi - "Có lẽ hai chân chết trước". Rồi gã đói, đói cồn cào. Từ khi ngồi  đây gã có ăn gì đâu, đói lắm. "Nhưng không ăn thì mới chết được". Ngoài đường phố tiếng xe thưa hẳn "Chắc phải đêm rồi", thỉnh thoảng chợt rú lên tiếng xe máy của một tay nào đấy về muộn phóng ầm ĩ. Gã bỗng nhớ 5 đứa con. Đêm hôm qua gã nói với vợ:

- Mình ạ, tôi muốn chết lắm.

- Đồ khỉ. Dở hơi rồi à? - Vợ gã véo vào sườn gã rồi bế thốc gã lên bụng. Lần này thì gã chịu. Lâu rồi gã chịu mỗi khi nằm trên bụng vợ. Gã không sao làm gì được nữa. Vợ gã hất gã xuống bên cạnh nói ấm ức:

- Hèn, hèn. Hèn cái mặt đàn ông.

Gã đã nhanh chóng làm đàn ông từ khi còn chưa thành đàn ông. Vợ gã đã lấy hết sinh lực ở gã. Bên giường ngoài, trên hai cái giường tre ọp ẹp 5 đứa con của gã với Thơm đang ngủ. Thơm cũng đã ngủ, gã nhổm dậy với điếu cày rít một hơi khe khẽ rồi nằm xuống nhả khói vào vách. Cái nhà cùng đám vợ con với gã trở nên xa lạ. Gã chưa một lần biết yêu chứ đừng nói là yêu vợ. Gã nhớ lại khuôn ngực nhu nhú của cô bạn cùng lớp và tiếng kêu ré lên của cô bạn ấy. Gã buồn.

Bỗng có cái gì đập mạnh vào người. Gã dứt ra khỏi dòng suy nghĩ. "Sao lại ngồi ngủ ở đây thế này? Dậy đi". Gã co người lại tảng lờ như không nghe thấy. Tiếng hỏi đi xa dần cùng tiếng chổi khua lẹt xẹt.

Gã thu người ngồi ép hơn vào thân cây. Gớm sao cái hốc cây này bây giờ sù sì thế, gã vặn vẹo về phía nào cũng bị những mấu là mấu thúc vào lưng đau nhoi nhói. Rồi gã thấy sờ sợ - Đêm trở nên vắng đến ghê người. Lại có tiếng con gì kêu ríc ríc ngay sát chỗ gã ngồi. Hình như trước đó gã đã chợp đi được một lúc "Mình đã tới âm phủ rồi sao?" - Gã tự hỏi và tự cho là thế. Đầu óc gã lộn xộn những hình hài mà gã rặn ra cũng không nhớ nổi đó là những khuôn mặt ai. ở quê gã mấy năm nay thưa thớt hẳn. Phần vì người đi làm ăn xa cũng lắm. Phần vì gã có thời gian đâu mà giao du rộng hẹp. Khu vườn hoang gã cũng không hay lui tới nữa. Cái chính là "Vườn cô Tèo" đã có chủ nhân mới. Chẳng biết từ đâu có đám người lạ hoắc xưng là con của ông chủ với bà cả về cắm cắm chia chia. Họ nói thầm với mấy bà hay ngồi lê mách lẻo trong làng "Bọn tôi v ở trên đất của ông cha". Hừ. Gã nhổ toẹt vào câu nói thầm ấy. Chính mẹ gã kể với gã từ hồi gã bé tí "Khu vườn ấy ông chủ bắt le bắt lẹt đám dân làng cùng đinh để mua với giá ông chủ trừ vào nợ của đám dân ấy từ hồi nảo hồi nào. Gã cạch mặt hẳn và không thèm lui qua lui lại khu vườn ấy. Nói thực - gã vẫn nhớ những gì diễn ra ở đó.

Ngày Thơm đẻ đứa con đầu lòng gã lóng ngóng để mẹ gã sai "tác" lại làm ra "tộ" - Khổ, gã còn trẻ con mà. Tối tối, gã soi ngọn đèn "Hoa Kỳ" xuống gần sát mặt đứa bé. Gã xem nó có lai da đen không. Thơm mắng yêu gã "Có cái của bố mày lai đen thì có. Chứ con bà trắng nõn nà ấy". Đứa bé trắng thật và giống Thơm như đúc. Giống Thơm quá gã lại ngại. Có lần gã được đám đàn anh bảo: "Mày xem con bé có giống mày hay giống thằng nào trong bọn tao". Gã lại soi đèn nhìn con. Gã chỉ thấy giống Thơm. Gã nhìn kỹ từng ngón chân của con bé và nắn nắn mười ngón chân mình. Ngón chân gã và ngón chân con bé chả giống gì nhau. Chân gã dài ngoẵng và đen còn ngón chân con bé xinh xắn. Thế là gã buồn. Gã buồn tiếp đến đứa thứ hai, thứ ba, thứ tư và thứ năm. Đứa nào cũng giống Thơm kể cả hai thằng con trai. "Có phải con của mình không nhỉ?" - Gã hỏi gã và hỏi luôn cả Thơm. Thơm bảo lại: "Tôi ngủ với con rắn trắng có mào chắc". Gã thấy tịt mít nhưng buồn suốt lượt cả năm đứa. Của đáng tội, cả năm đứa cứ thi nhau lớn chẳng đứa nào sài đẹn gì hết. Dân làng gã bảo: "Con của đực tơ có khác". Gã buồn nhưng tự hào ra mặt - Ông bố trẻ đêm đêm lại lẽo đẽo leo lên giường vợ và cho ra đời năm đứa con chưa biết đến ốm đau.

Mười bảy năm gã làm chồng, làm bố và cũng mười bảy năm gã tuyệt nhiên không đi đâu ra khỏi làng chỉ trừ hàng ngày gã đi ra ruộng. Thơm bảo gã "Bố mày lớ ngớ thế nào ấy đi đâu người ta lừa cho lại khổ". Thế là Thơm giật lấy việc đi công to việc lớn cho cái gia đình mà gã là trụ cột. Và vì gã là trụ cột nên gã phải lo miếng ăn cho cả nhà. Được cái gã hăng nên việc đồng áng gã làm tất. Mấy năm gần đây lũ con có giúp gã vài việc như tát nước nhổ cỏ. Gã nói chung là ít sai con vào việc, gã nói: "Phải cho chúng nó học hành đến nơi đến chốn". Điểm tốt của gã là ở chỗ đó - Hình như gã suy từ cái thân gã ra. Nhà gã thành ra có nếp - Thơm chạy chợ - Gã làm ruộng - Con đi học đều đặn. Nhưng sức dài vai rộng đến đâu cũng có chỗ cùng. Gã ốm, hôm đó gã vác cuốc đi thăm lúa về ngang miếu cây si ở đầu rộc Ngà gã thấy kê bát hương có hòn gạch đẹp, lạ thế hòn gạch cứ đỏ au. Gã quẳng cái bát hương đi và bê hòn gạch về nhà làm chỗ kê cái điếu bát. Gã phởn chí rít liên tục mấy mồi thuốc. Đầu tiên gã say, tiếp theo gã thấy đầu óc quay cuồng. Gã nằm vật xuống chiếu và lên cơn sốt. Trong mê sảng gã có cảm tưởng như có ai đó nắm lấy tay gã, kéo gã đứng dậy và rủ gã đi chơi. Gã đi mơ mơ ra khỏi làng, đi mãi, đi mãi. Gã thấy nhiều thứ lạ quá nhiều thứ có lẽ đời gã chưa hề được biết. Bàn tay vô hình cứ lặng lẽ kéo gã đi. Gã không thấy mỏi, gã thấy vui vui "Ừ nhỉ. Sao trước kia mình không biết nhỉ". Gã thích thú tự nhủ và cho là mình đã dại suốt bao nhiêu năm". "Dại quá! Dại quá!" - Gã kêu lên và choàng dậy. Thơm và lũ con sợ hãi xúm xít lay gọi gã, gã ngơ ngác nhìn: mặt Thơm và mặt lũ con trông lạ thế. Những cặp mắt to như cái "thông phong" cúi xuống nhìn như xoáy vào gã. Gã rú lên, gã xỉu.

Sau một tuần thì gã tỉnh, gã đã hết ốm nhưng hay nhìn trộm và thở sườn sượt. Gã ngồi trên giường và lẩm nhẩm nói cái gì đó. Thơm hỏi, gã ứ hự. Hỏi mãi gã gắt um lên, gã đòi đi đến những nơi mà gã đã mơ thấy. Thơm bảo với các con "Bố mày điên rồi hay sao ấy". Bọn trẻ sợ lắm, chúng ít khi ở nhà hoặc nếu ở nhà thì đứa nào đứa ấy im thin thít. Gã thấy khó chịu vô cùng. Gã thấy chân tay nhấp nhổm. Thơm dỗ dành gã mãi cũng chán. Vả lại gã ngồi đấy lại là mối lo. Bọn trẻ phải ra đồng nhiều hơn. Thơm bận túi bụi việc chợ búa và lo cắt thuốc cho gã. Gã thành người thừa trong nhà. Có chiều gã tha thẩn đến cái miếu nhỏ giữa đồng. Khi gã ngó vào thấy sực nức mùi hương và tiếng nói ồn ã. Gã dụi dụi mắt nhìn lại. Cái miếu mốc sì sì. Nhưng từ đó gã vẫn nghĩ đến cái chết.

Gã chán thật sự cuộc sống hiện tại của gã. Năm đứa con thi nhau ra đời và bà vợ mỗi ngày một béo ra. Vợ gã còn dư sức lắm. Gã nhớ dòng sông bé xíu bọc lấy bìa làng và bộ ngực he hé của chị Thơm mỗi lần chị lau cổ. Gã thấy tiếc và tự rủa sao hồi đó gã rình xem Thơm rửa mặt. Vợ gã đã kịp làm cái điều mà trước khi gặp gã Thơm không làm được. Gã lại trách cái thân xác của gã hồi đó sao không như lũ bạn. Gã phát triển sớm ắt lụi sớm.

Tiếng chổi lại lẹt xẹt khua gần tới chỗ gã ngồi. Gã vẫn chưa chết. Cơn đói lại rộ lên dữ dội. Chưa khi nào gã thèm ăn như vậy. Tiếng hỏi như đập vào tai gã:

- Cái nhà ông này có ngủ thì lại dưới mái hiên nhà kia mà ngủ. Ngồi đây cho chết rét à? Có đói dậy ăn bánh mì của tôi đây này - Rõ ràng là tiếng đàn bà. Gã đâm sợ cái giọng đàn bà đến thế. Ôi ngày ấy, khi Thơm nói như thở vào tai "Em có thai rồi anh ạ". Sao ngày đó gã dại dột đến thế. Gã thấy lạc lõng với vợ với con. Bao năm qua gã sống có vợ có con chỉ để dốc hết sức lực, chỉ để sau một ngày cặm cụi tối về leo lên bụng vợ và ngủ và cho ra đời những đứa con mà gã không muốn. Chả hiểu đêm nay vợ gã làm gì, Thơm chẳng tin là gã "đi chết đây".

Vậy thì... gã uể oải đứng dậy cầm chiếc bánh mì của người quét rác đưa cho và ôm chăn tiến lại mái hiên của một ngôi nhà trên phố.

Đêm âm thầm trôi đi qua gã./.

NHÌN DƯỚI SÔNG, NƯỚC CHẢY

Tròn hai mươi năm sau, vào năm 2017 nhà văn Đỗ Thân - tác giả cuốn tiểu thuyết "Phận tôi" - và những nguyên mẫu tình cờ gặp nhau. Khi ấy là cuối thu, về chiều se se lạnh, bầu trời đùng đục mầu sương và nói chung là không gian tĩnh lặng.

Nhà văn Đỗ Thân khó nhọc leo từng bậc đá để lên chùa Cổ Vân. So với 20 năm trước, ông già đi nhiều, ở vào cái tuổi 74 - khi ông một thân một mình tới vùng cận sông gần biển này quả là khó tin. Chùa Cổ Vân nhỏ và heo hắt nằm chênh vênh bên bìa đá. Cửa chính diện của chùa hướng ra mặt sông Vân. Con sông nổi tiếng thơ mộng, đoạn chảy ngang chùa đột nhiên gợn sóng và rộng ra mênh mang, chỉ một đoạn ngắn là tới cửa biển. Gió từ biển thổi tới dội vào vách đá đã tạo nên vẻ hư ảo cho chùa Cổ Vân. Muốn lên tới chùa chỉ duy nhất một lối, đó là từng bậc đá xếp nối với nhau. Cả thẩy gồm 365 bậc. Đã có lời đồn đại rằng mỗi bậc đá là một ngày. 365 ngày thành một năm. Không hiểu lời đồn kia từ đâu ra nhưng dường như mỗi bậc đá ta lại có một cảm giác lạ. Còn một điều này nữa, những người thiết kế bậc đá đã khéo léo xếp đặt để không thể một ai có thể bước mỗi bước một bậc. Ai cũng vậy, lên từng bậc đá đều phải đặt đủ hai bàn chân, đứng yên vài giây định hình, lấy đà cho bước tiếp theo. Nhà văn Đỗ Thân khó nhọc leo từng bậc, từng bậc. Ông đã sắp tới đích. Càng lên cao gió đưa tới càng mạnh. Từng cơn gió nối nhau như cố tình thử sức người. Nhà văn Đỗ Thân gắng gượng để khỏi bị ngã, ông đưa mắt ngước lên - Chùa Cổ Vân gần như là với được, đã nghe rõ tiếng mõ thủng thẳng, đều đều vọng ra. Đã ngửi thấy mùi thơm của hương trầm. Đã chạm tay vào vệt mây mỏng giăng ngang. Nhà văn Đỗ Thân tự nhủ "Lên chùa nghỉ một thể", ông vịn tay vào vách đá để chuẩn bị cho bước lên tiếp theo.

Cuối cùng nhà văn Đỗ Thân cũng đã tới đích. Khoảng sân chùa lát đá có cảm giác như ấm hẳn lên. Tuy không rộng lắm nhưng sân chùa Cổ Vân cũng đủ tạo nên vẻ đầy đặn cho ngôi chùa. Khác hẳn khi ngước từ chân núi lên. Chùa Cổ Vân không còn chon von nữa, tầm nhìn khá xa và rộng. Nếu nhìn về bên trái bạn sẽ thấy những thửa ruộng trông đẹp như bàn cờ; cái bàn cờ ấy như đổi mầu trong ngày. Buổi sáng - xanh mơn mởn. Tầm trưa - anh ánh vàng. Và về chiều - sâm sẫm xanh đen. Nhìn chính diện, bạn sẽ gặp dãy Thiên Trường xa xa; lúc mờ, lúc rõ - chập chờn như con trăn khổng lồ phập phồng nằm thở. Còn nhìn về bên phải, bạn thấy điệp trùng của biển với đường chân trời thẳng ngang như phân vạch Trời - Nước một cách phũ phàng. Nhà văn Đỗ Thân đảo mắt nhìn, tầm này không còn cho phép nữa - bóng tối gần như đã bưng bọc quanh chùa. Cái nhìn của nhà văn Đỗ Thân chợt gặp dòng chữ Cổ Vân Tự khi ông xoay người nhìn vào chùa. Dòng chữ sáng kỳ lạ và kỳ ảo - nó lung linh giữa bóng tối vây quanh. Nhà văn Đỗ Thân kinh ngạc về điều này và ông đã cho rằng nếu ai đó cách xa cả 10 kim cũng thấy dòng chữ đó. Điểm này nghe có vẻ có lý, bởi từ rất lâu người dân ở tận sát dẫy Thiên Trường về đêm cũng thấy một vệt sáng trên đỉnh núi Cổ Vân. Một đồn mười, mười đồn năm mươi... chùa Cổ Vân bỗng chốc trở nên huyền bí. Và chính 365 bậc đá đã gây ấn tượng mạnh cho sự cứu rỗi. ở đây ranh giới Thiên - Mệnh gần như không có. Cứ qua từng bậc đá và rồi khi lên tới sân chùa bạn sẽ thấy như mình vừa rũ bỏ được một điều gì đấy. Lòng thanh thản lạ, nhà văn Đỗ Thân chậm rãi đặt chân vào tiền sảnh cửa tam quan chùa. Ông hít một hơi thở dài và sâu, cửa chùa chợt mở ra lung linh những ngọn nến đang cháy. Không thấy thắp hương nhưng mùi thơm cứ quanh quẩn đâu đây. Nhà văn Đỗ Thân sau một hồi im lặng, đứng hơi khom người, hai bàn tay ông chắp vào nhau "Bạch thầy. Xin lỗi thầy cho quả nhân được hỏi". Tiếng mõ đang đều đều rồi ngập ngừng dừng lại. Ni cô bình thản nói "Nam mô" và từ tốn đứng dậy. Trời đã tối hẳn, gian chùa bừng sáng và ấm một cách dễ chịu.

*

*     *

Lý do để nhà văn Đỗ Thân tìm đến chùa Cổ Vân bắt đầu từ buổi sáng cách đây vừa đúng ba hôm. Hôm ấy, trời mới sáng, thứ ánh sáng cuối thu của buổi đầu ngày nhờn nhợt và dường như hết sức khi xuyên qua lớp sương sớm. Nhà văn Đỗ Thân đang thong thả tưới đám cây hoa trước cửa nhà thì nhà có khách. Hình như ông ta đứng đợi ở đó đã khá lâu. Vừa hay lúc nhà văn Đỗ Thân vẩy những giọt nước cuối cùng, người khách lạ lên tiếng:

- Chào ông. Thưa, ông là nhà văn Đỗ Thân.

Thoáng ngập ngừng và hơi chút bất ngờ, nhà văn Đỗ Thân ngờ vực trả lời:

- Vâng. Ông là...

- Thưa. Tôi mới ở tù ra sáng nay. Tôi tới thẳng đây tìm ông. Hy vọng ông...

Người khách dừng lời. Nhà văn Đỗ Thân tròn mắt kinh ngạc, gần như cả đời ông ông có quen thân ai bị tù tội. Ông ta là ai, và tìm đến có việc gì? Lòng đầy phân vân, nhà văn Đỗ Thân luống cuống đẩy cánh cổng sắt.

- Mời ông vào nhà. Có gì ta cùng trao đổi - Nhà văn Đỗ Thân đã bình tĩnh lại, vả lại người khách kia tuy xưng là kẻ ra tù song bộ dạng không có vẻ gì hại người khác. Cả hai im lặng và khó hiểu bước vào phòng khách. Họ đưa mắt nhìn nhau và đều tự giác ngồi xuống ghế. Sau hồi đắn đo chính người khách lên tiếng trước:

- Tôi ngồi tù chẵn 20 năm. Hai mươi năm tôi ngẫm ra nhiều điều... Vâng, tôi muốn tìm lại vợ tôi. Xin lỗi, tôi cho rằng ông giúp được.

- Tôi già rồi - Nhà văn Đỗ Thân rào đón - Trí nhớ dạo này tồi tệ quá. Ông vui lòng cho biết quý danh.

- Phúc Thiện đây - Người khách cao giọng - Cả đến Phúc Thiện ông cũng không còn nhớ sao?

Nhà văn Đỗ Thân "à" lên một tiếng. Ông vỗ vỗ tay vào trán và ngả mình vào thành ghế. Trong đầu ông những hình ảnh hoá thân từ cuốn tiểu thuyết "Phận tôi" lần lượt hiện ra. Và một trong những con người ấy bằng xương bằng thịt im lặng theo dõi thái độ của nhà văn Đỗ Thân.

- Thời thế nó lạ lắm, thưa ông. Nhưng tôi, tôi không tin là thời gian đen bạc - Giọng đầy vẻ triết lý của người khách đã kéo nhà văn Đỗ Thân về hiện tại. Nhà văn cúi đầu nói:

- Đâu phải vì cuốn tiểu thuyết của tôi.

- Vâng. Không phải thế. Mặc dù khi cuốn tiểu thuyết ra đời. Nó quá gần với sự thực và thế là pháp luật đã ra tay - Người khách xua tay nói tiếp - Thưa ông, ngày tôi bước chân vào tù cũng là ngày vợ tôi bế đứa con của cô ấy đi đâu biệt tăm. Hai mươi năm tôi ở tù, cô ấy là người duy nhất nói tới chuyện thăm nuôi. Cũng suốt hai mươi năm qua, cô ấy luôn cầu mong tìm được đứa con của mình - Thoáng một vẻ thiếu tin cậy, người khách chậm rãi tiếp - Tôi nghĩ, may ra ông tìm được vợ tôi và con của cô ấy.

Nhà văn Đỗ Thân cảm thấy ân hận. Cuốn tiểu thuyết "Phận tôi" ra đời gây xôn xao dư luận một hồi bằng chính sự chân xác của nó. Những nguyên mẫu mà ông đưa vào trong sách dần dần chìm vào lớp thời gian như chính cuốn sách. Có điều, ngoài đời những nguyên mẫu ấy vẫn tồn tại - thứ tồn tại lãng quên. Ông ân hận bởi lẽ khi đã đưa ra họ rồi bỏ quên luôn họ. Lần đầu tiên trong cuộc đời cầm bút của mình ông nhận ra ở một chừng mực nào đó giữa nhà văn và nhân vật còn có một mối liên hệ. Và hôm nay sợi dây liên hệ đó đã đánh thức ở ông một ý thức mới mà ông chưa hề được biết. Run run tay, nhà văn Đỗ Thân nâng chén nước. Đáy chén vẩn chút cấn chè. Lại người khách nói trước:

- Chuyện cũ mà, thưa ông. Chính sáng sớm nay lúc từ biệt tôi ở cổng trại, cô ấy vừa khóc vừa đề nghị tôi tìm lại cho cô ấy đứa con đã hai mươi năm bị người ta làm ly biệt. Thưa ông, tôi tìm đến ông vì ngỡ rằng ông biết vợ tôi đã mang đứa con người khác đi đâu.

Lại một cái huých nữa vào lòng nhà văn Đỗ Thân. Người đời lạ thế đấy khi họ cho rằng mọi nhà văn đều tường tận tất cả các nhân vật của mình. Có điều là các nhân vật của "Phận tôi" lại chính là cái bóng của đời thực. Từ chối ư? Không được. Nhận lời ư? Biết làm sao bây giờ. Nhà văn Đỗ Thân đã hình dung ra gương mặt méo đi vì đau khổ của Thơm - người mẹ của đứa con lưu lạc - người làm công trong nhà Phúc Thiện của hai mươi năm trước - người bao năm thăm nuôi Phúc Thiện trong tù với hy vọng ở người cha bất đắc dĩ kia tìm lại con cho mình. Gương mặt ấy của Thơm đang nhìn nhà văn Đỗ Thân - ánh mắt van lơn tội nghiệp.

*

*       *

Chùa Cổ Vân tối nay tuyệt nhiên vắng vẻ. Do vậy nhà văn Đỗ Thân tự dưng trở thành người khách duy nhất. Màn đêm đã trùm qua núi, không gian tịch mịch, thâm u, tiếng gió vi vu tạo nên giai điệu dễ gần. Thong thả châm thêm một cây nến, Ni cô lặng lẽ cắm khay đồng đặt trên mặt bàn. Ánh sáng làm Ni cô giật mình khi bắt gặp cái nhìn của nhà văn Đỗ Thân. Ni cô ngồi xuống lấy khăn quệt nhẹ lên trán. Gương mặt của người đàn bà tuy đôi chút chân chim song vẫn còn lộ rõ những nét đẹp của thời con gái. Đầu tiên là cái nhìn sắc lẹm. Tiếp đó là hai gò má hơi nhô. Nhà văn Đỗ Thân cảm thấy kho khó vào chuyện, ông nhìn Ni cô. Đâu rồi nữ nhà báo Thanh Thanh nổi tiếng nhan sắc một thời? Đâu rồi người đàn bà có dạo lắm trò nhiều mẹo? Ngồi trước ông bây giờ là một Ni cô mai danh ẩn tích. Người đó ông đã may mắn tìm được qua câu chuyện của bà hàng xóm vẫn hàng ngày giúp ông chuyện chợ búa. Bà hàng xóm đã nhắc tới chùa Cổ Vân huyền bí. Chính sự linh cảm sau khi nhận lời với người khách lạ đã giúp nhà văn Đỗ Thân có mặt tối nay. Ông nhìn Ni cô rồi mạnh dạn đặt vấn đề:

- Thưa... - Ông ngập ngừng chọn cách xưng hô.

- Ông cứ gọi tôi là Thanh Thanh. Cô Thanh Thanh của tiểu thuyết - Thật đúng là một người đàn bà lạnh lùng. Tự dưng nhà văn Đỗ Thân cảm thấy sẽ khó khăn khi nêu yêu cầu. Nhưng rồi ông cũng khôn khéo vào chuyện:

- Vậy là cô về chùa này đã hai mươi năm. Ngần bấy năm gặp lại, cô không khác là mấy.

- Đâu có anh - Bây giờ Ni cô chuyển sang gọi nhà văn Đỗ Thân là anh - Hồi còn ở Toà báo, mỗi khi nói chuyện anh có rào đón như bây giờ đâu. Nói thật chứ trông anh còn khỏe lắm, tôi nói thật lòng đấy. Mọi sự thì cũng đã xong rồi. Tôi cũng đã tìm cho mình được một nơi thích hợp. Mà anh đến hẳn có chuyện rồi.

Nhà văn Đỗ Thân thấy nhẹ hẳn người. Sự chủ động của Ni cô sẽ là gợi ý cho một diễn biến thuận lợi. Sau vài giây đắn đo nhà văn Đỗ Thân vào chuyện:

- Con bé. Ấy tôi quên mất tên nó. Con bé chắc lớn lắm rồi?

- Nó là con của tôi. Con của tôi - Ni cô nói vẻ cương quyết - Vậy là ông đến... người ta nhờ ông đến để đòi con bé à. Tôi nói thật nhé các người đừng có mơ hồ.

Không ngờ sự việc lại trái với dự kiến, nhà văn Đỗ Thân luống cuống ra mặt. Ông lo ngại ngay chính bản thân mình, những dằn vặt pha chút ân hận từ buổi nói chuyện cùng người khách lạ lại dội về thúc vào ông.

Đưa mắt nhìn cây nến cháy dở trên bàn, nhà văn Đỗ Thân lặng lẽ châm một điếu thuốc lá. Ông lại lặng lẽ thả khói. Đám khói thuốc loang nhẹ, màn khói trắng và mỏng mảnh. Lẫn trong màn khói ẩn khuất những hình ảnh của hai mươi năm trước. Lúc đó Ni cô là một nữ nhà báo. Nàng có khuôn mặt trái xoan, nước da trắng hồng. Tóm lại là nàng đẹp. Chính sự đẹp đó đã giúp nàng nhanh chóng khẳng định vị trí của mình trong làng báo hồi đó. Cũng hồi đó, nhà văn Đỗ Thân và nàng là những cộng sự khá tường tận về nhau. Sau này khi bắt tay vào viết tiểu thuyết "Phận tôi", nhà văn Đỗ Thân đã đưa toàn bộ những gì diễn ra quanh đời sống của nàng - nữ nhà báo Thanh Thanh vào sách. ở đời thường là thế - Lên cao thì ngã đau - Vụ án "Trần Thành" chấn động dư luận xã hội và báo giới đã đưa chồng nàng - tức Phúc Thiện vào nhà đá. Nữ nhà báo Thanh Thanh biệt vô âm tín, một dạo ngắn lao xao bàn tán. Thời gian đã xoá đi bao việc...

Một làn gió chợt ùa vào cửa. Đêm se lạnh. Nhà văn Đỗ Thân sực tỉnh, ông nhìn Ni cô - Nàng đã 60 tuổi song dáng vẻ còn nhiều nét vàng son. Ni cô nhìn nhà văn Đỗ Thân. Bốn mắt họ nhìn nhau, ánh mắt từ ngờ vực dần chuyển sang thân thiện và cuối cùng là hiểu biết. Nhưng hình như thời gian đã xóa đi mọi cách trở. Ni cô điềm đạm nói một thôi dài:

- Tôi gặp Thơm trong một lần về K... cùng đoàn từ thiện của thành phố. Thơm năm đó độ 14 - 15 tuổi. Con bé có vẻ nhút nhát, nó ngồi trong góc phòng nhìn mọi người phân phát quà bánh. Tới lượt nó thì hết. Con bé tủi thân ôm mặt khóc, tôi lại gần hòng an ủi nó. Nó chợt nhìn tôi và nói: "Cô cho cháu đi theo với". Tôi nhận lời ngay lập tức. Sau chuyến viếng thăm của đoàn từ thiện, Thơm theo tôi về nhà. Chắc anh còn nhớ, những năm mở cửa đó chứ? Vâng, thời mở cửa đã xuất hiện trở lại một dạng lao động giúp việc trong các gia đình. Những năm đó mọi người đều gọi chung là "Ô sin". Thơm ở cùng chúng tôi 3 năm.

Nhà văn Đỗ Thân châm tiếp một điếu thuốc lá. Ông khúng khắng ho. Đã lâu rồi ông không hút thuốc. Nhưng cũng có thể do lạnh. Nhận thấy tính chất "căng thẳng" của công việc mà trước khi lên chùa Cổ Vân nhà văn Đỗ Thân đã chuẩn bị một bao thuốc lá, ông hiểu sẽ phải dùng tới nó mỗi khi cảm thấy khó. Thực tình là khó thật. Ni cô bình thản đến phát sợ. Hai mươi năm trước, vợ chồng nhà báo Thanh Thanh nổi tiếng bởi hoạt động từ thiện. Chính điều đó đã ra đời cái tên Phúc Thiện. Ban đầu công việc của vợ chồng Thanh - Thiện khá tốt đẹp. Nhưng đời là thế đấy - có ai chịu bằng lòng với mình bao giờ. Những cảm tình của thiên hạ với vợ chồng Thanh - Thiện đã tạo cho họ một cái vẻ tin cậy. Nhưng cũng có thể tại lòng tham... Và điều gì đến cũng đã xảy ra...

- Anh đến vì chuyện đứa con của Thơm? - Ni cô chợt hỏi cắt ngang dòng hồi tưởng của nhà văn Đỗ Thân - Xin nói luôn để anh yên tâm: con bé đang học đại học. Tôi cho nó theo nghề sư phạm - Ni cô bỗng cao giọng - Nó là con của tôi. Nó chưa bao giờ và chẳng bao giờ là con của Phúc Thiện. Còn với Thơm ư?...

Họ lại im lặng. Nhà văn Đỗ Thân ngồi cúi đầu hình dung hình ảnh Thơm ngày này tiếp ngày khác trong suốt 20 năm thăm nuôi Phúc Thiện trong tù. Ông lén nhìn Ni cô và thầm trách "sự bội bạc" người đàn bà một thời khả ái. Cũng thật lạ, hôm nói chuyện cùng Phúc Thiện, Phúc Thiện không hề oán trách Thanh Thanh. Cũng không hề nói tới việc vợ chồng đoàn tụ. Như vậy, vấn đề đứa con của Thơm mà Thanh Thanh mang đi là điều quan tâm duy nhất. Nhà văn Đỗ Thân nói:

- Ở toà báo mọi người đều biết cha của đứa bé là Phúc Thiện.

- Nhầm - Ni cô nói luôn - Thơm ở nhà tôi phổng phao ra trông thấy. Nó được ăn, được mặc và ít nhất là được có nơi ngủ tử tế. Thứ gái quê chợt mơn mởn trong nhà thì dị nghị là cái chắc - Ni cô nói nhỏ nhẹ hơn, vẻ như là thầm thì - Anh Phúc không có khả năng có con.

- Vậy Thơm có con với ai?

- Chuyện thì dài lắm. Chỉ có thể nói gọn lại như thế này: Coi như Thơm đẻ hộ con cho vợ chồng em...

Cuộc sống là vậy đấy. Nó luôn phức tạp và cũng luôn luôn ngờ vực. Nhà văn Đỗ Thân thấy vai trò của mình dường như đã hết. Ông lơ đễnh nhìn ra cửa chùa - Đã hơi hơi sáng. Ngoài kia không gian lờ mờ đầy vẻ khó hiểu: chẳng ra mây và cũng chẳng ra sương. Hình như không có gió. Từ mặt đất se sẽ toả lên hơi lạnh. Ông quay lại nhìn Ni cô. Ni cô đã đứng dậy. Những ngón tay thon mềm đang thong thả dùng khăn lau ban thờ. Nhìn Ni cô làm ta có cảm tưởng trên thế gian này mọi sự hầu như không có, chẳng điều gì xảy ra sất. Nhà văn Đỗ Thân cũng đứng dậy. Sau vài giây lưỡng lự, ông bước ra sân chùa. Ra ngoài này không khí đã quang hơn. Dưới chân núi cảnh vật hiện ra mờ tỏ. Tiếng sóng biển xa xa thoảng lên ầm ì, ầm ì. Nhà văn Đỗ Thân khẽ đưa tay dụi mắt. Một đêm trắng đã đi qua. Biết bao mảnh đời đã đi qua. Ông cúi đầu nhìn xuống - dòng sông Vân đang hoà với biển./.

ÁO NẮNG MIỀN NAM

Chúng tôi cùng ngồi xuống vệ cỏ, anh Dần ra hiệu bảo tôi im lặng. Chưa tới trưa nhưng trời đã chang chang nắng, thứ nắng đầu hè trắng sáng và mênh mang lạ. Không gian dường như cao vút lên, mấy đám mây trắng trôi bồng bềnh bồng bềnh. Chỗ chúng tôi ngồi ở sát mép một cái ao nhỏ, mặt ao loi thoi mấy chú bọ nước, làm gợn lên một chút xao động vẻ buồn buồn. Anh Dần chụm tay lên tiếng gọi. Anh gọi vừa đủ nghe. Tôi có cảm tưởng như cái âm thanh "u oa" kia như một làn gió thổi nhẹ - nó luồn lách len lỏi vào đám sậy mọc lúp xúp quanh ao. Dứt ba lần "u oa" từ trong đám sậy xuất hiện một con thuyền nhỏ. Anh Dần với vẻ tập trung cao độ, từ từ kéo dây manh. Con thuyền nhỏ được ghép hết sức công phu bằng các ống sậy cũng từ từ tiến lại phía chúng tôi ngồi. Không nhìn tôi, vẫn nhìn về con thuyền, anh Dần thầm thì: "Cô ấy đến đấy". Tôi cũng không nhìn anh, tôi như căng hết cả mắt, thì thầm hỏi lại: "Chị ấy có đẹp không hả anh?". "Đẹp - Anh Dần đáp nhỏ - Rất đẹp là đằng khác". Tôi cất cái nhìn của mình xoay người qua bên anh, tôi hỏi: "Anh nhớ chị ấy à?" Anh Dần không đáp, con thuyền đã được kéo lại gần hơn. Trên thuyền là hình nộm một người con gái trong tư thế đứng chèo. Anh Dần đột ngột ra lệnh: "Nhắm mắt lại! - Và anh dịu giọng xuống - Có hình dung ra được gì không?". Tôi lắc đầu nhưng cố hỏi thêm: "Chị ấy có nhớ anh không?". "Cô ấy hy sinh rồi" - Anh Dần nói rất nhỏ. Trên vòm trời, đám mây toả ra trôi tản mát, phiêu dạt.

Bấy giờ là cuối tháng tư năm 1972, quê tôi dường như cũng bị cuốn vào không khí của trận mạc. Cái thị trấn nhỏ với hai dãy phố thấp, nằm ôm lấy đường 5 chợt bừng lên sau hồi thiêm thiếp ngắn. Những đợt bom B52 rải thảm đã làm mọi người sôi lên đau đớn. Những tin tức thiệt hại cứ lan truyền từ tai người này qua tai người khác. Sợ hãi có và nói là không sợ hãi cũng có. Bọn choai choai chúng tôi lại sướng ra mặt. Mắt hướng về phía Hải Phòng, chân nhảy cẫng lên, miệng hét ầm ĩ: "Cháy rồi! Cháy rồi!". Xa xa, trên nền trời vô tận thi thoảng có vài đám khói trắng bốc lên. Anh Dần mắt ngó trân trân, hồi lâu mới lên tiếng rủa khẽ: "Quân chó má. Ông sẽ cho chúng mày biết tay". Rủa xong anh Dần lủi thủi bỏ đi để mặc lũ chúng tôi chạy ào lại chỗ giấu cặp sách. Đứa nào đứa nấy vơ quàng vơ vội rồi cắm đầu cắm cổ chạy đến lớp. Tiếng hò hét dài thành chuỗi.

Bấy giờ đang là mùa hoa sấu nở. Thoắt thế thôi dãy phố nhỏ choàng một chiếc áo màu trắng. Những cánh hoa sấu nhỏ li ti, li ti nở ken vào nhau. Nở chồng lên nhau chi chít và dậy một mùi hương thơm nhè nhẹ. Nếu có cơn gió nào chợt qua, từng cánh hoa nhỏ rơi xuống lất phất hệ như mưa phùn tháng giêng. Cứ để nguyên cho những cánh hoa rụng lên tóc, anh Dần đi bộ dọc dãy phố. Anh đi chậm, rất chậm. Bàn tay phải vuốt rờ rờ vào thành những chiếc xe tải quân sự nằm im. Dưới gầm xe, hoặc giữa khoảng cách hai xe, các anh bộ đội lái xe đang ngủ say. Có anh nằm võng. Có anh trải ni-lông dưới nền đường. Cứ mỗi lần gặp một anh bộ đội nào đó đang ngủ thì anh Dần lại dừng lại. Anh nói khẽ: "Các đồng chí ngủ đi. Tối nay sẽ hành quân". Anh Dần kiên nhẫn đi dọc rồi đi ngược dãy phố có đoàn xe. Một ngày của chiến tranh yên lặng và bình thản trôi.

Đó là những chiếc xe vận tải quân sự sơn màu rêu. Trên thùng xe, những ống đường kính 15cm được xếp hết sức chặt chẽ. Nằm im lìm và hình như đang chờ đợi cái gì đấy hệ trọng lắm. Anh Dần lại gần tốp các anh bộ đội đang sửa soạn bữa ăn. Anh Dần hỏi thân mật: "Mình vào trong hả?". "Ừ vào trong - Các anh bộ đội trả lời - Ông về làng lâu chưa?". Anh Dần đáp "Cũng chưa lâu. Của khỉ gì trên xe đấy?" - Mấy anh bộ đội cười ồ lên: "Bí mật quân sự". Anh Dần không hỏi thêm nữa, tay anh xoa xít vào mấy ống sắt câm lặng. Xoa mãi, xoa mãi. Hết xoa tay thì anh Dần nghiêng ngó nhìn ngắm. Cuối cùng hoặc như đã đoán ra hoặc vẫn chưa hiểu, anh Dần nói: "Chào. Vào trong nện oách vào đấy nhé". Các anh bộ đội hùa theo: "Oách chứ lỵ". Cả anh Dần, cả mấy anh cùng cười vui vẻ.

Trong họ, anh Dần là con bác, còn tôi là con cô. Nhưng thực tình là họ xa, nói ra thì vòng vèo lắm. Để bù lại khoảng cách "họ hàng bắn ca nông" ấy là một mối quan hệ khác - anh là học trò của bố tôi. Mà thực ra anh Dần cũng không học bố tôi một ngày nào. Nói chính xác thì anh Dần học trường cấp III do bố tôi làm hiệu trưởng. Ngôi trường ấy được xây dựng ở cuối phố. Nó là một trong vài ba trường cấp III hiếm hoi của tỉnh Hưng Yên được xây dựng trong thời kỳ năm năm lần thứ nhất - Thời của những năm 60. Ngôi trường là niềm tự hào bởi nó hiện diện tại một thị trấn cũ kỹ đang quê trở lại. Cũng chẳng sao - một trường "cỡ" như vậy cũng đủ cho cả vùng quê gồm mấy huyện phía Bắc tỉnh trông chờ. Anh Dần đi bộ đội sau tết Mậu Thân, năm đó anh đang học lớp 10. Anh đến nhà tôi, nói trang nghiêm: "Chào thầy con đi". Bố tôi vỗ vào vai anh: "Cháu đi... Em đi mạnh khoẻ". Tôi lúc đó mới 11 tuổi.

Những năm đó, năm nào cũng có các đợt học sinh của trường lên đường. Các lớp học vãn hẳn đi. Bố tôi những lúc rỗi ngồi đọc sách thường chép miệng: "Chúng nó toàn những thằng học được. Chỉ tiếc...". Tôi còn bé, mải chạy rông nên không để ý lắm. Cũng những năm đó, lâu lâu lại có tin đưa về. Quê tôi tổ chức lễ truy điệu ngay tại sân đình cho các liệt sĩ có giấy báo tử. Trời nhem nhem tối, đèn đóm không được dùng. Anh Dần cũng có một lần được quê hương tiến hành như thế. Tôi ngơ ngác nhìn mọi người đang khóc sụt sùi. Không có tiếng khóc to. "Khóc to là không dũng cảm" - Bố tôi có lần bảo với tôi như vậy.

Cuối năm 1971, anh Dần đột ngột đeo ba lô về làng. Anh cười chảy cả nước mắt "Bị thương thôi. Lạc đơn vị. Chúng mày biết không? Tao chết thế quái nào được". Bọn trẻ con chúng tôi phục lắm. Phục thực sự và lại càng phục hơn khi biết anh Dần là đặc công nước. Anh bảo: "Tao đánh nhau ở rừng Sác. Sướng phải biết, vận độc xà lỏn thôi".

Hoá ra anh Dần không chết. Anh bị thương và được đưa ra Bắc an dưỡng. Đợt này anh về quê nghỉ ít ngày. Bọn choai rồng rắn đi theo anh. Anh Dần hỏi: "Tao phải đến chào thầy đã". Anh đến nhà tôi, hỏi bố tôi: "An dưỡng xong thầy có cho em học lại không?". "Học chứ - Bố tôi nói - Nhất định các em trở về đều được trường nhận vào học". Anh Dần vui lắm. Không ngờ đấy lại như câu chuyện đùa. Vết thương vùng đầu ngấm dần, ngấm dần. Anh Dần chỉ tỉnh táo vào mùa trời mát. Ở nơi an dưỡng anh được chăm sóc chu đáo. Bố tôi đọc báo rồi nói: "Chỗ anh Dần là trại thương binh tâm thần". Tôi áy náy hỏi lại: "Tâm thần là thế nào?" "Là người lẩn thẩn mất trí ấy mà". Tôi không hỏi nữa nhưng suy nghĩ trẻ thơ: "Anh Dần mà lại bị thế à?".

Mọi sự lại đâu vào đấy. Mọi người đã quá quen với những điều chẳng hề muốn. Chiến tranh vẫn cứ ầm ĩ lúc xa lúc gần. Lại những đợt thanh niên lên đường. Lại những tin báo tử. Lại có những anh thương binh vác ba lô về làng. Tôi vẫn còn trẻ con, vẫn ăn vô tư ngủ vô tư và leo lên những cây sấu mọc xanh um ngoài phố. Lá sấu xanh và dày đặc tạo nên những chỗ ẩn cho những trò tinh quái của trẻ con. Thứ nhất là vào mùa sấu chín, mỗi thằng một con dao díp nhỏ tự tạo ngồi vắt vẻo trên cây thoải mái bứt quả chín gọt ăn rồi thả hột xuống đường. Ăn chán thì tụt xuống, một lũ a dua nhảy "tùm tùm" trên mặt sông nhỏ chảy cắt sau dãy phố. Trẻ con vẫn cứ là trẻ con.

Đến mùa hoa sấu nở sau, anh Dần từ trại an dưỡng ở Ninh Bình trở về. Người đen và béo. Mái tóc cắt cua của anh trông ngồ ngộ. Anh về tay không, nghĩa là ngoài bộ quần áo bộ đội đã dung dúc mặc trên người ra anh Dần không mang theo một thứ gì. Anh đi từ đầu phố lại, vừa đi vừa ngó nghiêng vẻ tìm kiếm. Thoạt đầu không ai nhận ra. Vả lại dãy phố đang tầm trưa vắng vẻ. Tôi vốc một vốc hoa sấu rụng từ chỗ vun trên mặt đường hất tung hê lên trời. Cánh tay tôi bị giữ lại. "Mày là thằng Trường hả?". Tôi giật mình ngơ ngác nhìn, cánh tay đang giữ tay tôi nhả ra. Gương mặt người ấy nhìn tôi chờ đợi. Tôi kêu "Á" lên rồi vùng chạy miệng hét to: "Anh Dần đã về! Anh Dần đã về!". Những cánh hoa sấu nhỏ li ti, li ti rụng xuống rào rào, phủ trắng quanh nơi anh Dần đang đứng. Anh cười không thành tiếng.

Mấy ngày đầu anh Dần còn tỉnh táo. Anh ghé vào tai tôi nói nhỏ: "Tao thích ngửi mùi hoa sấu. Tao trốn về đây". Đúng là anh Dần trốn trại an dưỡng về thật. Hàng ngày anh cứ đi đi lại lại trong cái dãy phố chỉ đảo mươi bước chân là hết. Anh đi im lặng, miệng luôn cười. Tháng Tư, trời cao, nắng trắng. Cho dù bận tíu tít cuối năm học nhưng cứ hở ra là bọn chúng tôi đòi anh Dần kể chuyện. Anh chỉ tay vào tôi bảo: "Thằng Trường mày trắng quá. Trong bộ đội tất cả mọi người không ai được trắng. Trắng như vậy là không biết đánh nhau". Không biết đánh nhau nghĩa là thua, tôi nghĩ vậy bèn hỏi riêng anh: "Muốn đen thì làm thế nào hả anh?". "Dễ ợt - Anh Dần nói - Mày phải nhuộm đen". Tôi hỏi lại: "Nhuộm bằng cách nào?". "Ái cái thằng này đụt quá. Nghe tao bảo này".

Thế là từ hôm đó sau bữa ăn trưa tôi và mấy thằng bạn nữa mình trần, chân đất, mặc quần đùi đi "chu du" ngoài nắng. Cái thứ da học trò nửa quê nửa tỉnh gặp nắng đỏ rực lên và tím dần. Nhưng chỉ được dăm hôm thì lớp da được "nhuộm" ấy thâm lại và bóc ra được. Nói gọn, trắng vẫn hoàn trắng. Tất nhiên cả bọn đều lên cơn sốt. Bố tôi biết chuyện, ông cười bảo: "Rèn luyện là tốt. Nhưng rèn luyện phải có chừng mực và làm quen dần". Anh Dần đứng thập thò ngoài cửa nói vọng vào, giọng tồi tội: "Em xin lỗi".

Nhưng ác nhất là anh Dần bắt đầu tái phát bệnh. Ban đầu anh vừa đi vừa nói lảm nhảm những câu mà không ai hiểu. Bệnh tăng dần, nhất là hôm nắng to. Bộ quần áo bộ đội được anh Dần vận chỉnh tề, dép cao su đi đủ bốn quai, đầu không mũ nón, anh Dần chạy huỳnh huỵch và gào ầm ĩ. Dãy phố chạy tán loạn, họ bảo nhau: "Thằng điên. Thằng điên". Tôi đứng bên một gốc sấu mắt nhìn theo mọi cử chỉ của anh Dần và thái độ của mọi người. Trong nhìn nhận của mọi người thì anh Dần là một "thằng điên" đang hò hét và thuận tay là phá phách. Dãy phố nhỏ có các cánh cửa cọt kẹt khép lại trước khi anh Dần tới và he hé mở ra khi giọng hò hét của anh Dần xa xa. Trời nắng chang chang, tiếng ve kêu sốt cả ruột. Bố tôi kéo tôi vào lòng: "Anh Dần tội quá. Chỉ thương bác Đậu".

Liên tiếp cả tuần anh Dần lên cơn. Tuần ấy dường như anh không ăn uống gì cả. Suốt ngày và suốt tối chỉ thấy một mình anh vừa chạy vừa gào trên phố. Giọng anh khô dần rồi đặc lại. Chỉ còn nghe tiếng khò khè mệt mỏi. Anh ngồi bệt xuống đường, hai mắt vô hồn mở to, người gầy đét lại, mái tóc cắt cua trở nên lởm chởm. Bố con tôi lại gần anh. Bố tôi gọi nhỏ: "Anh Dần. Anh Dần. Thầy Bình đây. Em về nhà đi. Em tự về hay để thầy đưa em về". Anh Dần ngước mắt lên nhìn bố con tôi. Nhìn lâu lắm, có lẽ anh đã nhận ra nên từ tốn đứng dậy, miệng khè khè và lảo đảo đi về nhà. Sau khi được tiêm mấy ống trợ lực, anh Dần ngủ mê mệt. Hôm sau anh có vẻ tỉnh táo hơn; cặp mắt nhầu nhĩ, áo quần rách mướp. Mọi người đã kịp đưa anh về Trại.

Những ấn tượng về anh Dần nhạt dần theo năm tháng. Vả lại thời gian đã làm cơ thể tôi thay đổi, từ một cậu bé con giờ đây trông tôi đã ra dáng thanh niên. Tình hình chiến sự đem lại nhiều háo hức, năm 1975 đến và kéo theo một không khí tưng bừng. Sau Tết, tôi có lệnh gọi nhập ngũ. Buổi tối hôm trước ngày tập trung, anh Dần đột ngột xuất hiện. Anh già đi nhiều so với tuổi. Đã ba năm "cái thằng điên" lại hiện diện. Cả nhà tôi thoáng một chút sững sờ. Bố tôi nhanh hơn, ông gọi: "Dần về đấy à? Vào đây em". Anh chẳng chào hỏi ai, anh đến bên tôi. "Được tin mày đi bộ đội, tao về cho mày cái này". Tôi nhìn anh: "Anh uống chén nước đã". Tay xua rối rít, anh Dần nói: "Đi theo tao. Đi theo tao".

Chúng tôi đứng cạnh một mảng tường cũ, anh Dần đưa cho tôi một gói giấy nhỏ. Tôi hỏi: "Anh cho em cái gì đấy?". Anh Dần với giọng quan trọng thầm thì: "Cho mày cái bùa hộ mệnh". Tôi run run đỡ gói giấy và nhìn anh dò xét, anh Dần gật gật đầu tỏ ý bảo tôi mở ra xem.

Gói giấy được mở ra, qua ánh sáng của ánh đèn nhà ai đó hắt vào tôi nhận thấy đó là một chiếc áo bà ba nữ màu mận chín. Anh Dần kéo tôi ngồi xuống: "Mày còn nhớ cô ấy không?". Tôi lại hỏi: "Cô nào cơ?". Anh Dần không nói gì, đầu cúi trầm ngâm. Trông anh lúc này không có vẻ gì của một người điên. Im lặng kéo dài. Chợt tôi cảm thấy cay cay nơi mũi. Thì ra anh Dần đã tranh thủ khoảng thời gian thần kinh ổn định để kịp về tiễn tôi lên đường. Thì ra anh Dần không quên điều gì cả. Bảy năm trước, cũng hệt như hoàn cảnh tôi lúc này, anh Dần đi đánh giặc. Tôi nhìn anh biết ơn và lúc này mới nhớ ra câu chuyện về một người con gái Nam Bộ - về chị ấy như anh đã kể cho tôi nghe bữa bên bờ ao có những cây sậy mọc lúp xúp ven bờ.

*

*     *

Bây giờ, nếu như nhắm mắt lại là xuất hiện trong tôi hình ảnh một dòng kênh Nam Bộ. Dòng kênh trong và xanh, hai bên bờ xanh rì lá cây dừa nước. Tiếng chèo khua dàn dạt. Trên con đò nhỏ có bóng dáng một người con gái miền Nam đang đứng chèo đò. Chiếc nón trắng quàng sau lưng, để mái tóc mặc cho gió thổi. Nắng miền Nam bao la làm khúc kênh ánh lên muôn vàn tia lấp lánh. Người con gái ấy đầu ngẩng cao, toàn thân vươn về phía trước, chiếc áo bà ba màu mận chín có hai vạt áo xoà bay.

Bây giờ, nếu như nhắm mắt lại là xuất hiện trong tôi hình ảnh những chiến sĩ đặc công rừng Sác ngâm mình trong nước. Những chiến sĩ đặc công ấy mặt nhám nắng. Chỉ đôi mắt mở căng, chăm chú hướng cái nhìn về phía mục tiêu. Các anh ẩn khuất sau những tán lá dừa nước.

Bây giờ, nếu như nhắm mắt lại là xuất hiện trong tôi hình ảnh người con gái miền Nam với gương mặt ẩn dưới vành nón khoai thai. Con đò nhỏ lặng lẽ trườn đi. Nếu tinh ý một chút xuôi về hai sóng nước rẽ phía đuôi thuyền, thấp thoáng bóng các anh đặc công rừng Sác. Con đò vẫn trườn đi, luồn lách dưới tán lá của các cây dừa nước. Đến một khoảng trống, chợt trên trời xuất hiện một chiếc trực thăng. Trong nháy mắt nó đã phát hiện ra con đò, sau khi lượn thấy nghi ngờ chiếc trực thăng xoay quanh mục tiêu. Giây phút ấy vang lên một tiếng hô: "Các anh nấp đi, đừng lo cho em". Và con đò bỗng tăng tốc độ lướt khỏi đội hình đang bí mật của các anh bộ đội rừng Sác. Loạt đạn đầu tiên bắn xuống làm dựng lên những cột nước nhỏ. Rồi liên tiếp các cột nước. Con đò chìm trong các cột nước ấy rồi mất hẳn...

Có lần tôi hỏi anh Dần: "Làm thế nào anh có được chiếc áo?". Anh Dần đượm buồn, mãi mới trả lời: "Có khi phải lớn thì mày mới hiểu"./.

 


1
2
3
4
5
6
7
Tin mới