Cần một sự trải nghiệm dài hơn
- Từng đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn Nghệ, cho đến giờ niềm vui ấy còn lại gì trong anh?
- Tôi tin rằng mỗi người viết văn khi giành được một giải thưởng nào đó, niềm vui ấy sẽ còn đọng lại trong ký ức của họ, có thể suốt cuộc đời. Giải thưởng ấy cũng là một một cái ngưỡng, một nấc thang để nếu còn viết nữa, họ sẽ ngoảnh lại nhìn nó để mà nỗ lực hơn, nếu không làm hay hơn được thì cũng cố gắng để không quá tệ so với nó. Nếu sau này đọc lại, họ tự thấy cái tác phẩm được giải ấy của mình cũng thường thôi, thì khi ấy lại càng vui, vì chứng tỏ họ đã đi xa hơn nữa.
- Phạm Duy Nghĩa "đi đâu" sau giải thưởng 6 năm trước?
- Hẳn là bất cứ ai nhận giải rồi im hơi lặng tiếng trong một thời gian dài đều bị giục giã như vậy. Tốt thì họ bảo: nhà văn ơi, nhà văn sản xuất nữa đi, sản xuất nhiều vào, để tôi còn đọc với chứ. Tệ hơn thì họ nói với nhau: này, cái thằng cha ấy/ cái mụ ấy… chết hẳn rồi nhé, không viết được nữa đâu. Họ cứ làm như nếu anh/ chị không viết, thì nền văn học nước này lụn bại đến nơi. Sự quan tâm hơi quá ấy, kể cũng đáng yêu thôi, nhưng tôi thấy chẳng nên đòi hỏi người viết như vậy. Viết ra có hay không mới là quan trọng, chứ viết nhiều mà xoàng xĩnh chỉ làm mất thời gian của bạn đọc thôi. Mình chưa nghĩ được cái gì hay thì phải tạm thời gác bút chứ. Anh Lại Văn Long, giải Nhất truyện ngắn Báo Văn nghệ năm 1991, lặn một hơi dài đến 19 năm sau lại mới xuất hiện. Tôi mới ngừng viết 4 năm thôi, chưa đáng bị “mắng mỏ” nhiều đâu.
- Cuộc “di cư” của anh từ một giảng viên sư phạm ở miền núi về làm báo văn nghệ tại thủ đô có gây ra biến động gì lớn?
- Những người chuyển môi trường sống, làm việc từ một miền đất khác về thủ đô thường cảm thấy khó viết hơn trước. Tôi cũng vậy. Không có biến động gì lớn, cũng không hẳn do công việc bận rộn, mà còn bởi vốn sống về miền đất cũ cũng như môi trường mới chưa có đủ thời gian để bồi đắp, do tâm thế của mình nữa... Một sự tĩnh tại trong tâm hồn đôi khi cũng cần cho người viết, nhất là một người đã quen sống thanh thản ở miền núi. Tôi cũng muốn viết về đô thị, nhưng cần một sự trải nghiệm nhiều hơn. Một nhà văn lớn đã nói rằng “Sống rồi hãy viết”. Trong thực tế có nhà văn chỉ ở trong bốn bức tường vẫn viết được, nhưng xét đến cùng, dù anh sáng tác theo khuynh hướng nghệ thuật nào vẫn phải bắt nguồn, bám rễ vào hiện thực đời sống, vẫn cần vốn sống. Nếu tác phẩm của anh không đi ra ngoài quỹ đạo của chủ nghĩa hiện thực truyền thống, càng đòi hỏi như vậy.
- Nhiều độc giả vốn mê mải một không gian miền núi đậm chất thơ trong những truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa. Về phố rồi, mạch sáng tác này của anh sẽ ra sao?
- Tôi không có ý định chỉ chung thủy với đề tài miền núi. Mình sống ở thủ đô, nếu có thể thì vẫn “dan díu với kinh thành” được chứ. Vấn đề là mình có viết được về nó hay không, khi mình chưa thật hiểu nó và chưa thật yêu nó. Tôi thấy phần lớn các nhà văn từ vùng miền khác về sống ở thủ đô vẫn thường viết về cố hương, hiếm khi viết được và viết hay về Hà Nội. Dễ hiểu thôi, khi thân ở đây mà hồn ở nơi khác. Ngoài vốn sống, cũng cần trái tim. Tôi thấy viết về Hà Nội là một thách thức, nhiều người viết cũng thừa nhận nhìn vào không gian phố xá chen chúc, khó lòng tìm thấy chất thơ. Các nhà văn Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp viết hay cả về miền núi và Hà Nội, bởi Hà Nội là quê hương của họ. Và còn bởi đây là những tài năng lớn.
- Khi một nhà văn không công bố những sáng tác mới trong một khoảng thời gian nhất định không có nghĩa là anh ta không lao động. Bạn đọc có thể hiểu Phạm Duy Nghĩa đang dành lao động ấy cho công việc gì?
- Quả thực là ai cũng đang lao động, chẳng mấy ai ngồi chơi ở thời buổi này. Mấy năm về Hà Nội, thời gian của tôi dành cho việc làm luận án tiến sĩ. Với những người đi học sau đại học chỉ nhằm mục đích lấy cái bằng, thì có thể qua quýt cho xong, họ có thể vừa làm luận án vừa đi buôn, nhưng với những người “làm thật” thì đó là cả một cuộc hành trình khổ ải. Đọc một cuốn tài liệu, có khi chỉ để viết một dòng. Nhìn lại thời gian công sức bỏ ra cũng chẳng nuối tiếc gì, vì dù ít dù nhiều, với khoa học mình cũng có đóng góp. Nhiều người không ở trong cuộc nhưng sẵn sàng coi mọi thạc sĩ, tiến sĩ là giả, coi việc làm luận án luận văn đầy nước mắt mồ hôi của họ như làm một bài kiểm tra điều kiện, như vậy là vơ đũa cả nắm, là oan cho người ta.
Với nhà văn, sáng tác hay nghiên cứu cũng là hoạt động văn học. Và trong cả những thời gian họ chẳng viết gì, thì việc đọc, đi hay ngồi yên suy ngẫm, cũng có nghĩa là họ đang lao động.
Có thể một lúc nào đó sẽ viết tiểu thuyết
- Là một trong những “nạn nhân” [1] của vụ đạo văn đình đám vừa qua, giờ vụ việc cũng đã lắng xuống, anh nhìn nhận chuyện này thế nào?
- Được gọi là “nạn nhân” tôi thấy nghiêm trọng quá, thực ra tôi không quan tâm lắm đến chuyện này. Đạo văn tất nhiên là xấu rồi, nhưng trong trường hợp này, đạo văn chỉ gây tai tiếng cho người đi “đạo”, còn các tác giả bị “đạo” nói chung chẳng sứt mẻ gì. Trường hợp nhà văn chưa công bố tác phẩm mà bị mất bản thảo, bị kẻ khác chiếm dụng làm của mình, thì mới nguy hiểm cho nhà văn, chứ một khi tác phẩm của anh đã in trên sách báo lâu rồi thì dễ gì cướp trắng của anh được. Nói như vậy không có nghĩa là tôi muốn xuê xoa cho việc làm dại dột của cái cô nhà báo ở Đăk Nông, mà chỉ nghĩ rằng các tác giả “nạn nhân” không nên quá gay gắt với cô ấy. Cô ấy bị dư luận chỉ trích, cũng khổ sở lắm, bài học như vậy là đủ rồi. Nếu pháp luật mình có quy định chặt chẽ về lĩnh vực này thì chuyện đó sẽ khó xảy ra thôi.
- Từng đoạt giải cao nhất về truyện ngắn tại một tờ báo văn chương uy tín và ít nhiều thành công với thể loại này, anh có nghĩ sẽ chỉ trung thành với nó?
- Tôi không có ý định chỉ chung thủy với một đề tài hay một thể loại nào. Có thể một lúc nào đó tôi sẽ viết tiểu thuyết, nếu tự tin rằng nó sẽ là một cuốn sách đọc được, chứ không viết theo kiểu cố kéo dài cho đủ số trang, đem in và khoe rằng mình cũng có tiểu thuyết. Thời này in sách khó gì, vấn đề là viết thế nào. Tôi thích những cuốn tiểu thuyết có độ dày vừa phải thôi, văn không loãng, không độn, cô đặc và dụng công về chi tiết, ngôn từ như truyện ngắn. Mặt khác, nhà văn chẳng nên a dua về mặt thể loại - anh hãy cứ suốt đời chỉ viết truyện ngắn, hoặc tiểu thuyết, nếu anh có tài ở lĩnh vực đó hơn. Độc canh mà năng suất thì vẫn được hoan nghênh. Nguyễn Tuân, Thạch Lam hay Nguyễn Huy Thiệp, đó là những minh chứng.
- Là tác giả dường như “quay lưng” với thị trường, anh nghĩ sao về việc người viết văn thời nay cũng cần có phương thức tiếp cận độc giả để tác phẩm của mình đến với đông đảo bạn đọc hơn?
- Làm thế nào để người đọc biết đến tác phẩm của mình hơn, đó là lẽ thường và nguyện vọng chính đáng, bởi văn chương cũng là hàng hoá mà. Một nữ nhà thơ trẻ nổi tiếng có nói rằng: “Đã qua lâu rồi cái thời hữu xạ tự nhiên hương”, tôi cũng có cùng suy nghĩ ấy. Thời nay quá nhiều người viết, hoa cỏ lẫn lộn, nếu viết hay mà không biết cách quảng bá sẽ trở thành “áo gấm đi đêm”. Tôi không dị ứng với PR, nhưng tôi thấy đó không phải là sự lựa chọn của mọi người viết. Có lẽ nó phù hợp hơn với những cây bút đi theo dòng văn học thị trường. Với cá nhân mình, tôi không quan tâm đến điều này, bởi hai lẽ: thu nhập từ văn chương chẳng làm ta giàu được (số đông người viết đều như vậy); để được nổi tiếng hơn, cũng không phải điều tôi thiết tha cho lắm. Tóm lại, vấn đề này tùy thuộc vào ý thích của từng người, chẳng nên nhận xét nhà văn này thức thời, nhà văn kia lạc hậu.
Tôi bị phụ bạc trong tình yêu
- Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, tình yêu trong rất nhiều truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa đều rất đẹp nhưng thường bế tắc hoặc chẳng đi đến đâu, tại sao vậy?
- Chắc nó bắt nguồn từ cuộc sống của tôi. Ở ngoài đời, tôi yêu chân thành tha thiết lắm, nhưng người ta giả dối phụ bạc tôi thì nhiều. Tôi cũng không muốn đẩy những mối quan hệ ấy trong truyện ngắn của mình đi đến tận cùng, vì những cái viên mãn, tròn đầy đôi khi lại là dấu chấm hết cho tư tưởng và thẩm mỹ của một tác phẩm văn học.
- Tác giả của những trang văn đẹp đẽ và toàn bích vẫn còn độc thân, có bao nhiêu phần trăm cơ hội cho những độc giả nữ yêu văn Phạm Duy Nghĩa?
- Thì cánh cửa đời tôi lúc nào cũng mở rộng đấy, có ai thèm bước chân vào hay không thôi. Độc giả nữ yêu văn thì ở tận những đâu, còn những người tôi gặp chỉ làm tôi đau khổ. Vì bất mãn, tôi từng lên án phụ nữ trong tác phẩm của mình, nào là giống cái bạc tình, nào là loài tráo trở… Một nữ nhà thơ đã nổi tiếng lại xinh đẹp, vốn ghét tôi, sau khi đọc truyện của tôi đã nổi cơn thịnh nộ. Trời, nghĩ lại mà kinh hãi, cứ như bão tố qua điện thoại. Quát mắng rủa xả tôi hết lời. Cô ấy chẳng hiểu cho rằng, tôi yêu phụ nữ lắm lắm, yêu quá hoá giận nên mới vậy thôi…
- Điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống của anh?
- Tôi luôn thích sự hài hoà, không xem nhẹ cũng không coi điều gì là quan trọng nhất. Muốn làm một người tốt, có ích, còn lại thì bình thường như mọi người khác. Tôi không thích văn nghệ sĩ sống lập dị. Khác thường hay phi thường trong nghệ thuật là điều tốt, nhưng trong cuộc sống nên là người bình thường.
Tiến sĩ, nhà văn Phạm Duy Nghĩa hiện là Trưởng ban Lý luận phê bình - Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trước khi về Hà Nội công tác anh là giảng viên Trường Cao đẳng sư phạm Lào Cai. Là tác giả của các tập truyện ngắn: Tiếng gọi lưng chừng dốc (NXB Văn học, 2002); Cơn mưa hoa mận trắng (NXB Thanh niên, 2006); Đường về xa lắm (NXB Công an nhân dân, 2007); 12 truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa (NXB Lao Động, 2010); Truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa (NXB Văn học, 2010); Vệt sáng trên ban công (NXB Quân đội nhân dân, 2010). Anh cũng đã cho xuất bản tập tiểu luận “Nhà văn Nguyễn Minh Châu và cảm hứng nhân văn” (NXB Hội nhà văn, 2006).
|
-------
* Chú thích:
[1] Tháng 4-2011, các báo đã phanh phui vụ việc tác giả Lê Thuỷ hiện công tác tại tạp chí Nâm Nung - Hội Văn học nghệ thuật Đắc Nông “đạo” một loạt truyện ngắn của các tác giả trong nước để in trên tạp chí này dưới tên mình, trong đó có truyện ngắn “Tiếng gọi lưng chừng dốc” của Phạm Duy Nghĩa.
Dương Tử Thành
(Evan)