“Cưỡng cơn gió bấc” – bước đột phá quyết liệt trong nghệ thuật cách tân hình thức tiểu thuyết
Cập nhật: 10:11:00 26/4/2011

VanVn.Net - Dấn thân vào con đường tìm kiếm những mối liên hệ giữa con người với con người trong thế giới hiện đại, nhà văn Áo Daniel Glattauer đã bàng hoàng nhận thế giới hiện thực đang bị bào mòn bởi sức mạnh đầy ma lực từ một thế giới ảo: thế giới internet. Cuốn tiểu thuyết “Cưỡng cơn gió bấc” của ông gây chấn động dư luận không chỉ văn đàn Áo mà tại văn đàn của bất cứ một quốc gia nào có “cơn bão” internet tràn qua. “Cưỡng cơn gió bấc” vừa là bản tường trình về sự hiện diện của một thế giới ma mị nào đó cho con người hiện đại, đồng thời lại là tiếng thở dài đầy lo lắng của nhà văn cho sự tồn tại của con người hiện đại

Không bạo lực, không sex, thậm chí không có cả một hiện thực rõ ràng, thế nhưng nhà văn Daniel Glattauer đã khiến lượng đọc giả khổng lồ của ông phải mê đắm với từng trang tiểu thuyết, phải đau đớn cho nhân vật và phải lo lắng cho số phận của chính mình.

Tiểu thuyết: Cưỡng con gió bấc

Tác giả: Daniel Glattauer

Dịch giả: Lê Quang

Giá bìa: 52.000 đ

Sách do NXB Phụ Nữ ấn hành

Hai con người bất kỳ tồn tại trên thế giới, chưa từng gặp nhau, chưa từng biết bất cứ một thông tin gì về nhau và lại càng chưa bao giờ có ý tưởng sẽ làm quen với nhau đột nhiên trở thành hai nhân vật của Daniel Glattauer vào một ngày lễ giáng sinh nào đó chỉ bởi lẽ họ đã gửi nhầm một email vào hòm thư của nhau. Hai nhân vật chính trong “Cưỡng cơn gió bấc”: Emmi Rothner – một phụ nữ yêu chồng và tự nguyện chăm sóc hai con riêng của chồng, tự nhận thấy rằng mình có một cuộc sống yên ấm và anh chàng Leo Leike vừa chia tay người yêu, hiện đang độc thân. Điều đặc biệt mà nhà văn Daniel Glattauer đã làm được là “cách li” thành công hai nhân vật của mình ra khỏi thế giới hiện thực. Nhà văn đưa họ đến thế giới ảo qua email. Những câu chuyện của họ liên tục bị ngắt quãng trong khuôn khổ của những dòng email thông thường mà hàng triệu triệu người vẫn sử dụng hàng ngày. Tưởng rằng câu chuyện vu vơ ấy sẽ chẳng bao giờ đi đến đâu với những dòng email:

“3 phút sau:

Trả lời:

Anh có mặc Pyjama không? Chúc ngủ ngon.E.

2 phút sau:

Trả lời:

Chị khỏa thân đi ngủ thật sao? Chúc ngủ ngon. L.”

Thế nhưng, nhà văn Daniel Glattauer đã kinh hãi nhận ra sự cô đơn thường trực ở một góc khuất nào đó trong con người hiện đại. Nhà văn bàng hoàng nhận thấy nhân vật của mình từng chút một vượt ra khỏi vòng kiểm soát của chính ông. Hai nhân vật trong “Cưỡng cơn gió bấc” đã thoát ra khỏi bàn tay nhà văn để tiến về nhau, tìm đến nhau. Nghệ thuật triển khai cảm xúc và xử lý các trạng thái tâm lý nhận vật của Daniel Glattauer đã đạt đến đỉnh cao. Những đoạn hội thoại của hai nhân vật mang dáng dấp của những email hết sức thông thường khiến người đọc không hề có một chút cảm giác gượng ép. Từng bước một, nhà văn phát lộ ra trước mắt người đọc một thế giới ảo vô hình với sức mạnh khủng khiếp, bất cứ lúc nào cũng có thể dụ dỗ con người hiện thực bước chân qua ranh giới mỏng manh để đến với thế giới ảo.

Trong cái thế giới ảo ma mị và kỳ quái ấy, Emmi và Leo đã yêu nhau say đắm. Họ tự hình dung ra nhau và làm tình với nhau qua sự tưởng tượng. Họ ôm giữ vào lòng hình ảnh tưởng tượng của nhau. Họ không dám gặp gỡ nhau vì sợ hãi hiện thực sẽ làm họ thất vọng. Hai nhân vật chìm dần vào sự im lặng. Họ sống với những email, đau khổ và tuyệt vọng với những email. Thiên tiểu thuyết “Cưỡng cơn gió bấc” kết thúc với sự biến mất đột ngột của Leo, hay nói đúng hơn là sự biến mất đột ngột của một người đàn ông tên Leo nào đó với email: woerter@leike.com và sự ngã gục của Emmi. Cuộc tình cháy bỏng giữa hai con người thực qua thứ sóng điện tử giữa thế giới ảo đi qua đã để lại những khoảng trống không bao giờ khỏa lấp được trong tâm hồn họ.

Sử dụng toàn bộ hình thức email để sáng tạo ra thiên tiểu thuyết “Cưỡng cơn gió bấc”, nhà văn Daniel Glattauer đã ảo hóa triệt để tác phẩm của mình. Với thủ pháp độc đáo ấy, nhà văn dễ dàng thoát ra khỏi tất cả những yêu cầu hiện thực hóa tác phẩm. “Cưỡng cơn gió bấc” vừa mang tính thể nghiệm của nhà văn nhưng đồng thời cũng là cái giật mình của một người viết mang nhiều dự cảm về sự tồn tại của con người trong thế giới hiện đại.

Nguyễn Anh Thế

1
2
3
4
5
6
7
8
9
Tin mới