1.
Từ cái đận mua đất, tôi đã có không có mấy chút cảm tình với thằng Nhàn. Cầm xấp tiền đầy vẻ khinh khỉnh, cái lưỡi nhọn hoắt của hắn liếm liếm vào đầu ngón tay cáu bẩn rồi thong thả đến sốt ruột đếm đếm. Chậm chậm. Đều đều. “Một triệu! Hai triệu… ” Khi đã kiểm tra đầy đủ số tiền, thằng Nhàn vênh mặt nhìn tôi như ban ơn: “Bán đất cho ông thực ra tôi đếch thích đâu! Con trai con đứa mà đếch biết rượu chè gì cả. Chán bỏ mẹ!” Tôi chỉ biết cười trừ. Trước cuộc gặp, cậu môi giới nhà đất đã dặn kỹ, phải thật mềm mỏng chứ không câu trước câu sau hắn cục tính lên là đổi ý ngay. Mà hắn đã đổi ý rồi thì có trời biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi đã nghe kể rằng có người mua định xin một chút tiền “lấy lộc”, thằng Nhàn đã nổi khùng lên chửi luôn: “Đ. M! Lộc lá cái gì? Bố mày bán giá rẻ rồi còn kỳ kèo nhức đầu! Phắn! Phắn hết!”. Rồi hắn cầm cục tiền vứt thẳng vào mặt người mua. Người ta cự nự lại thì hắn lập tức giở mặt vác điếu cầy vụt khiến cả đám chạy toán loạn. Tính tình thằng Nhàn ương ương dở dở như thế nhưng mọi người vẫn muốn mua đất ở đây vì hắn bán giá rẻ hơn chỗ khác thật. Tại sao hắn lại bán giá rẻ hơn? Chắc tại hắn chẳng có vợ con, gia đình cũng chẳng còn ai. Mà tôi cũng chẳng biết chính xác hắn làm nghề gì!
Có lần xã giao tôi hỏi thằng Nhàn xem hắn làm nghề gì kiếm sống, hắn cười rũ rượi, phun cả rượu vào người tôi: “Làm gì á? Làm vua chứ làm gì”. Tôi thắc mắc: “Làm vua? Nghĩa là thế nào?”. Hắn khục khục trong cổ họng: “Tôi thích làm thì làm, thích chơi thì chơi, chẳng sợ bố con thằng chó nào, chẳng phải lo nghĩ gì. Ông xem thế chẳng phải làm vua thì làm gì?” Rồi hắn khoái chí vỗ đùi: “Đ. M, có khi lại còn sướng hơn cả vua ý chứ”. Kể ra thằng Ngàn nói cũng có phần đúng. Cái bãi đất chó ỉa ở ven xóm Giếng vốn chỉ dành cho cái thứ dân ngụ cư cầu bơ cầu bất thế mà sau cơn vật đổi sao dời lại thành có giá. Con đường liên huyện mở đi qua ngay sát mảnh đất của hắn. Xe cộ cứ đi lại ầm ầm suốt ngày. Nghe nói người ta còn định mở khu công nghiệp ngay trên những thửa ruộng ngày xưa của xóm Giếng. Mà cũng chẳng hiểu tại sao dân thành phố cứ ùn ùn về đây mua đất. Thằng Nhàn chẳng quan tâm. Càng nhiều người hỏi mua đất hắn càng thích. Thích nhất là hắn không phải nghĩ ngợi nhiều. Cái đầu của hắn ngại nghĩ nhiều con số. Cái đầu hắn ngại mặc cả nâng lên đặt xuống. Họ tự trả giá, tự nâng giá, tự tranh cướp nhau từng mét đất. Từ mấy triệu một sào giờ thành mấy triệu một mét. Càng xâu xé nhau hắn càng được lợi. Cứ gọi là mấy chục, mấy trăm triệu dễ như không!
Tiền bán đất thằng Nhàn chỉ dùng để đi ăn nhậu. Buổi sáng hắn ngủ múp mắt, tỉnh dậy chỉ việc với tay lấy chai rượu rồi cắp đít ra hiên nhà ngồi khật khừ uống rượu nhìn mọi người qua lại. Mái nhà gianh thủa nào vẫn lụp xụp y nguyên, hắn mặc kệ. Nhiều người nói thì hắn lý luận: “Xây nhà á? Chỉ tổ phí tiền. Ngày nào cũng đi ăn nhậu, uống rượu, về đến nhà là say bét nhè rồi, nằm đâu chả ngủ được. Thử hỏi thế thì cần chó gì nhà đẹp?” Có người khuyên hắn nên tu chí làm ăn, hắn gạt phắt: “Tu chí làm ăn cái đếch gì?”. Người ta hỏi: “Không sợ đói, không sợ hết tiền à?” Hắn lại phẩy tay: “Lúc nào hết tiền ông lại bán đất, có mà ăn nhậu đến mút mùa cũng không hết!” Nghe nói cũng có người cố gắng gán ghép mai mối hắn với mấy cô nhưng không ai chịu nổi cái tính hay rượu và cộc cằn của hắn nên đều một đi không trở lại…
*
2.
Ngay buổi đầu tiên làm hàng xóm với thằng Nhàn, tôi đã thấy hắn dẫn một ả cave mắt xanh mỏ đỏ ăn mặc hở hang về. Thấy tôi ngây người ra nhìn, hắn cười khăng khắc vỗ mông ả gái nháy mắt với tôi: “Tiền bán đất đấy! Ngon không?” Rồi hai đứa chui tọt vào nhà. Một lúc sau là tiếng cười lả lơi của ả cave. Rồi chỉ thấy tiếng huỳnh huỵch, tiếng thằng Nhàn tru lên như chó sói gào thét với tiếng rên ư ử của đứa con gái. Nửa đêm thì hai đứa lại xoay ra cãi nhau. Thằng Nhàn chửi ả cave té tát. Ả cũng không phải tay vừa, lu loa chửi lại tay đôi. Rồi thấy thằng Nhàn suỳnh suỳnh hò hét đuổi ả cave ra khỏi nhà đóng sầm cửa lại.
Sáng hôm sau thằng Nhàn phờ phạc qua nhà tôi gõ gõ cửa: “Ê, hàng xóm mới, có ăn thịt chó không?” Dẫu sao tôi cũng muốn “bán anh em xa mua láng giềng gần” nên bảo thằng Nhàn chờ chút để mặc quần áo rồi cùng đi. Thằng Nhàn trợn mắt: “Đi đâu?”. “Thì đi ra quán thịt chó” – tôi trả lời. Hắn cười hề hề: “Mấy cái hàng thịt chó bây giờ toàn chó bệnh, ăn kinh bỏ mẹ”. Tôi ngạc nhiên: “Thế ăn ở đâu?” Thằng Nhàn lừ đừ bảo tôi sang nhà nó. Tôi còn đang ngơ ngác thì nó đã quay ngoắt lại lấy sợi dây tóm con chó vàng ươm đang ngủ trước hiên nhà rồi siết cổ mạnh. Con chó đang ngủ giờ bị thít họng dớt dãi chảy tong tỏng tru lên đau đớn. Thằng Nhàn chậm rãi xoa đầu con chó nói thủ thỉ: “Đừng có mà oán trách tao. Vì lũ chúng mày mà bọn nó đánh em tao đến chết!” Nói đoạn hắn cầm cái chày gỗ lên nhằm thẳng đầu con chó vụt cật lực. “Bốp! Bốp!” Con khuyển chỉ kịp kêu “Oẳng! Oẳng!” rồi mắt trợn ngược nằm vật ra mềm oặt. Hắn chậm rãi vun vun rơm lại thành đùn rồi châm lửa bắt đầu thui chó. Hắn làm thịt chó rất thành thạo. Nhoáng cái đã xong. Tôi bị ấn tượng cảnh hắn đập chết con chó nên dù đĩa thịt nướng thơm nức bốc lên mũi nhưng tôi cũng không thể nào nuốt trôi qua cổ họng. Thằng Nhàn ăn nhồm nhoàm, nốc rượu tỳ tỳ, cười nói luyên huyên: “Ông biết tại sao hôm qua tôi đánh con cave đấy không? Đ. M, chưa gì nó đã đòi tiền! Đ. M, thằng này coi tiền là chuyện nhỏ, nhá! Đ. M, thích thì chơi tới bến còn không thích thì cút luôn, nhá!” Cứ nói một câu là hắn lại đệm một câu chửi. Mặt hắn găng lên đỏ đòng đọc. Mắt hắn trợn ngược vằn máu nhìn trừng trừng như đang chửi thẳng vào mặt người đối diện. Một lúc sau hắn đã say nhũn cả người.
Giữa đêm đen tối thui như mực, bỗng có tiếng khóc rú lên như bị người ta bóp cổ. Thằng Nhàn. Chính là cái thằng trời đánh đấy. Sau bữa rượu sáng nay, hắn nằm say vật vã chắc giờ mới tỉnh. Không biết hắn lại giở trò gì đây. Tôi mệt mỏi ngó qua cửa sổ. Ở góc vườn lập lòe mấy nén nhang màu đỏ. Thằng Nhàn đang ôm mặt khóc rưng rức như một bóng ma đơn độc. Sáng hôm sau, tôi tò mò nhìn sang chỗ góc vườn um tùm nhà thằng Nhàn xem đêm qua hắn làm gì ở đấy. Bỗng tôi dựng hết cả tóc gáy. Mấy cái chân hương vẫn đang nằm chơ vơ trên một mô đất nhỏ nhỏ. Đó là một nấm mộ con con thấp tè tè. Tôi tìm đến nhà ông trưởng thôn phàn nàn: “Ai lại cho nó chôn người trong vườn nhà hả bác? Sau xóm làng không bảo thằng Nhàn dời ngôi mộ đó ra nghĩa địa?”. Ông trầm giọng: “Chả ăn thua gì đâu”. Hóa ra đã bao nhiêu lần rồi người ta vận động thằng Nhàn chuyển cái ngôi mộ đó ra nghĩa địa, hắn đều nhảy dựng lên chửi bới loạn xạ: “Trên đất nhà ông ông thích chôn gì kệ mẹ ông, dính dáng gì đến lũ chúng mày?” Có người dọa cưỡng chế di dời mộ, mắt hắn long lên sòng sọc: “Thằng nào bước chân vào đây ông đâm chết”. Tôi hỏi: “Thế đó là mộ của ai?”. Ông trưởng thôn ầm ừ: “Mộ của thằng Nhã, em nó đấy”. Tôi ngạc nhiên: “Hóa ra hồi trước thằng Nhàn có em à? Thế bố mẹ nó đâu?” Ông trưởng thôn thở dài: “Hai anh em nó mồ côi từ nhỏ, nương tựa vào nhau sống vạ vật. Giờ chỉ còn mỗi nó sống một mình”. Tôi thất vọng đi về nhà. Dần dần mới biết thêm một điều từ người dân xóm Giếng nhận xét về em thằng Nhàn: “Tại sao cái thằng trời đánh đấy lại chết á? Nó chết là đáng kiếp!”
*
3.
Đáng kiếp? Có lẽ bởi anh em thằng Nhàn trước đây là dân chuyên ăn trộm chó. Trình độ bắt trộm chó của anh em hắn thuộc dạng siêu đẳng. Đồ nghề cực kỳ gọn nhẹ. Một chiếc thòng lọng. Một đoạn dây phanh. Một cái bao tải. Cứ đêm xuống là anh em hắn đi dạo quanh mấy xóm. Thằng Nhàn chuyên phóng xe đánh hơi quan sát mục tiêu và chạy trốn. Thằng Nhã ngồi đằng sau chuyên nhiệm vụ bắt chó.
Nhìn anh em hắn bắt chó thì đến những tay cao bồi Viễn Tây cũng phải nể phục. Thấy mục tiêu từ xa, thằng Nhàn lập tức hất đầu với thằng Nhã và cho xe tiến lại gần. “Véo!” Thằng Nhã quăng dây. Cứ phải gọi là “bách phát bách trúng”. Chó đang vếch mõm sủa, chó đang chạy lang thang, chó đang ngồi vểnh râu, chó đang sủa ăng ẳng cảnh giác, tất cả đều không thoát khỏi chiếc thòng lọng dây phanh của thằng Nhã. “A lê hấp!” Một cái giật mạnh là con chó bị thít chặt cổ họng. “Réo!” Thằng Nhàn rít ga. “Oẳng!” Con chó xấu số chỉ kịp kêu lên một tiếng là đã bay theo xe. Thằng Nhã sau đó chỉ việc thu dây, tóm lấy con chó lúc đấy đã mềm oặt, bỏ vào bao tải rồi cả hai lướt đi êm ru. Một đêm tóm được bốn năm con đem bán cho hàng thịt chó là đủ cho anh em thằng Nhàn no say được mấy ngày.
*
4.
Đêm hôm đó anh em thằng Nhàn tình cờ qua rình bắt chó ở xóm Đình. Anh em hắn không biết rằng chỉ mấy hôm trước xảy ra chuyện của cái Tí.
Cái Tí là ai, trông mặt mũi nó như thế nào, bọn trẻ con xóm Đình bây giờ có khi chẳng mấy đứa biết. Thế nhưng chuyện cái Tí thì đứa nào cũng thuộc nằm lòng.
Bữa đó cái Tí mới chỉ bốn tuổi. Chiều thu. Nắng vàng óng như rải mật. Làng quê thanh bình. Hồi xưa làm gì có nhà trẻ. Lũ trẻ con cứ tự lúi húi chơi đùa với nhau. Thế mà có nhiều trò hay ra phết. Nào là đánh khăng, nào là đánh đáo, nào là ô ăn quan, nào là pháo đất sét. Nhưng vui nhất vẫn là chơi trốn tìm. Một đứa úp mặt vào tường đọc to: “Năm, mười, mười lăm, hai mươi, hai lăm, ba mươi... ” Bọn trẻ chạy túa đi khắp nơi như ong vỡ tổ. Có đứa lỳ lợm đứng lại xem thử đứa đang đếm có “ti hí” mắt hay không. “…chín lăm, một trăm, mở mắt đi tìm”. Cả cái xóm Đình bao nhiêu ngóc ngách đều được bọn trẻ tận dụng làm chỗ trốn. Cái Tí chạy vội vã ra tận đầu làng chui vào đống rơm phủ mình kín mít. Được một lúc, nó thấy tiếng khịt mũi “Sịt! Sịt!”. Đó là con chó Cún. Chắc con chó đánh hơi thấy mùi người ở trong đống rơm liền lấy chân cào cào. Cái Tí xùy xùy đuổi con chó. Con Cún lại càng lăn lộn lao vào hít ngửi đào bới đống rơm. Cái Tí thò cổ khỏi đống rơm, đẩy mõm con chó ra. Bỗng nó thấy có hai người phóng xe trờ tới như bóng ma. “Réo!” Tiếng dây thép mảnh tang xé gió. Cái Tí thấy cổ mát mát. Một cái vòng bằng dây phanh cuốn đã quanh cổ nó. Con Cún quay lại phía hai người thanh niên sủa dữ dội.
Có tiếng người hô to: “Bớ làng xóm, trộm chooó!” Hai gã thanh niên khiếp đảm không kịp suy nghĩ lập tức rồ ga phóng bạt mạng. Cái Tí bị kéo văng ra khỏi đụn rơm, rơi lê lệt xệt dọc trên đường làng mấp mô. Con chó Cún đuổi theo cái Tí sủa ăng ẳng. Gã lái xe máy quát lên với đứa ngồi sau: “Đ. M. Mày quăng nhầm trúng vào đứa bé rồi!” Dân làng đuổi theo rầm rập tri hô. Thằng trộm chó ngồi sau vội quăng lại bộ cần câu chó. Hai đứa bọn chúng chạy biến mất tăm.
Cái Tí nằm lượt thượt trên đường làng.
Cổ họng cái Tí đã bị siết đứt.
Mộ cái Tí nằm đầu tiên lối đi vào nghĩa địa xóm.
*
5.
Anh em thằng Nhàn thực ra cũng không biết cái Tí là ai. Anh em hắn cũng không biết rằng mấy hôm trước người dân xóm Đình vừa làm đám ma cho cái Tí. Cái đêm đi bắt trộm chó ở xóm Đình, anh em hắn lại càng không biết xóm Đình mấy ngày hôm sau có đám cưới.
Đám cưới ngày hôm sau thì mọi thứ đã phải chuẩn bị tươm tất mọi thứ từ đêm hôm trước. Mỗi khi có đám cưới, người dân xóm Đình bao giờ cũng tụ tập lại với chủ nhà. Đám cưới trăm công nghìn việc nhưng mỗi người giúp một tay thì chả mấy mà xong. Cộng đồng làng xóm ai cũng biết ai, việc riêng cưới hỏi giỗ chạp cũng thành việc chung của cả xóm. Đó âu cũng là dịp để mọi người thể hiện sự gắn kết thắt chặt lại quan hệ cộng đồng với nhau. Thế là người thì giúp dựng rạp, người thì giúp làm cỗ đãi khách, gọi nhau ơi ới, vui đáo để. Đám thanh niên bao giờ cũng lấy cớ để đêm hôm tụ tập, đám thì mở video hát karaoke ông ổng, đám thì chè chén, đám thì tụ tập đánh tá lả xóc đĩa rộn cả xóm. Đêm nay cũng chẳng khác là mấy.
Bỗng xa xa có tiếng chó kêu ăng ẳng. Mọi người lắng nghe: “Chó nhà ai sủa như chó dại ý nhể”. Rồi tiếng xe máy rồ ga vẳng lại. Đám thanh niên nghe ngóng. Một đứa vứt toẹt bộ bài xuống: “Hình như có bọn ăn trộm chó. Đúng là ăn trộm chó rồi anh em ạ”. Bố cái Tí đang ngồi uống rượu gần đấy lập tức đập tan tành cái chén đứng phắt lên mắt rưng rưng đỏngầu giọng ngấn nước: “Có khi lại là mấy thằng ăn trộm chó hôm trước quen mui đến đấy! Tí ơi! Con ơi là con!” Mọi người sùng sục phẫn nộ. Đang có men say, một người khác lên tiếng: “Đ. M! Phải cho mấy thằng khốn nạn này một bài học!” Lập tức đám thanh niên tụ lại bàn tính: “Bọn này kiểu gì cũng phải đi qua đường cái ở đầu làng. Anh em mình ra sẵn đầu làng chờ, kiểu gì cũng sẽ bắt được mấy thằng trộm chó khốn nạn”.
*
6.
Thằng Nhàn phóng xe bạt mạng. Góc thổi thốc vào mặt mát lộng nhưng người hắn nóng bừng bừng vui sướng nói với thằng em: “Hôm nay son quá, con nào con nấy béo núc ních”. Thằng Nhã ghì chặt con chó đút vào bao tải cười to: “Bao tải đầy rồi! Về nghỉ thôi”. Anh em hắn vọt khỏi đường làng lao ra đường cái. Con đường hun hút. Trăng lơi lờ mờ.
Bỗng thằng Nhàn hơi gợn gợn. Hình như phía trước có ánh đèn pin loang loáng. Có cả bóng người lố nhố hai bên vệ đường. Xe chạy lại càng gần thằng Nhàn em càng nhìn rõ. Đúng là có người. Hắn kêu lên với em: “Bỏ mẹ rồi! Có người chặn đằng trước, tính sao bây giờ?”. Thằng Nhã dưới giục: “Kệ mẹ bọn nó. Anh cứ phóng đại vào! Thằng nào cản cứ chẹt chết bỏ mẹ chúng nó đi”. Thằng Nhàn rồ ga. Ánh đèn pha chiếu thẳng vào đám thanh niên đang lố nhố đứng chờ sẵn. Mắt đám thanh niên phản chiếu ánh đèn bỗng trở nên đỏ rực và sáng quắc như mắt chó sói. Chiếc xe lao vun vút. Gậy vụt tới tấp vào anh em hắn. Thằng Nhã ngồi đằng sau chửi to và cầm gậy vụt lại điên dại. Bỗng thằng Nhàn giật mình vì thấy có sợi dây căng ngang đường. Đám thanh niên đã lấy dây dù cột rạp đám cưới đem căng ra ngang đường làm bẫy. Hắn hét to: “Bọn nó căng dây!” rồi cúi đầu xuống tránh. “Pưng!”. Thằng Nhã vướng vào dây ngã lộn ngửa ra đằng sau. Chiếc xe máy loạng choạng. Thằng Nhàn quay lại nhìn em. Đám thanh niên vác gậy gộc đòn gánh nhảy ồ ra, chỉ mặt thằng Nhàn hét to. Hắn kinh hoàng rú ga chạy thục mạng. Tiếng chân người vẫn dồn dập đuổi đằng sau.
Thằng Nhã nằm bệt dưới đường bụi bẩn. Cái cần bắt chó và bao tải chó văng ra một bên. Đám người còn lại từ từ quây quanh thằng Nhã. Đấm. Đạp. Phang. Đập. Gậy. Đòn gánh. Gạch. Đá. Thằng Nhã ban đầu còn chửi bới, rồi sau chỉ còn tiếng rên rỉ vì đau đớn, cuối cùng người ta chỉ còn nghe thấy tiếng hò hét điên loạn của đám thanh niên xóm Đình.
Thằng Nhã bị đánh chết.
Đám thanh niên xóm Đình vứt xác hắn ngay sát mộ cái Tí.
Hôm sau thằng Nhàn quay lại xóm Đình. Hắn thấy thằng em nằm èo uột bê bết bụi bẩn bùn đất, mặt mũi méo xẹo biến dạng, máu me loang lổ. Dân xóm Đình đổ ra xem. Mọi người đều đoán hắn chính là thằng trộm chó đã chạy thoát nhưng chẳng ai làm khó dễ gì. Có lẽ sau cơn say máu, mọi người đều chùng lại. Thằng Nhàn uất hận nhìn mặt dân xóm Đình hét lên như xé họng: “Đ. M lũ chúng mày, tao sẽ trả thù!” Mọi người im lặng. Bỗng có người gạt đám đông đứng trước thằng Nhàn: “Bọn trộm chó mất dậy chúng mày giết chết con gái tao. Tao chưa trả thù mày thì thôi, mày thích gì?” Chính là bố cái Tí. Ông nhìn thẳng vào mặt thằng Nhàn, mắt vằn tia máu. Dân xóm Đình rộ lên: “Đúng là hai thằng này hôm nọ đã thắt đứt cổ cái Tí đấy! Đánh chết mẹ nốt thằng oắt này đi. ” Mẹ cái Tí nhảy xổ ra tóc tai xõa sợi tốc quần chỉ tay vào mặt thằng Nhàn xỉa xói chửi rủa thậm tệ. Mọi người ào lên giận dữ. Nếu không có công an thì hẳn đã xảy ra xô xát. Thằng Nhàn nhìn ngôi mộ nhỏ bé vẫn đang còn phủ đầy hoa trắng của cái Tí cúi đầu. Công an bắt hắn về đồn hỏi xem anh em hắn có liên quan đến cái chết của cái Tí không. Còn với cái chết của thằng Nhã, công an chẳng bắt ai. Bắt ai? Bắt ai khi chẳng ai nhận mình có liên quan nhưng hình như ai cũng dự phần.
Đến khi được công an thả, thằng Nhàn vác xác em về chôn ở góc vườn.
Không còn thằng Nhã, thằng Nhàn cũng bỏ luôn nghề trộm chó.
*
7.
Sau khi giết con chó vàng, mấy hôm sau tôi lại thấy thằng Nhàn nuôi một con chó khác. Rồi lại đến một hôm hắn nổi hứng lên vác chày ra đập con chó chết tươi. Sau đó hắn lại lấy rơm vun thui. Mùi thịt chó thơm nức khắp xóm làng. Ai cũng phải thừa nhận thằng Nhàn khéo làm thịt chó. Thỉnh thoảng khi có cỗ bàn cần làm thịt chó, người ta cũng nhờ hắn đến giúp một tay. Ai nói đến chuyện trả công, hắn đều chửi cho té tát: “Ông đây thích thì làm, đếch cần tiền nhá!” Biết tính thằng Nhàn như thế nên thường thì bao giờ xong việc, người ta đều biếu hắn mấy đĩa thịt chó mang về. Lần nào hắn cũng dọn riêng ra một đĩa thịt chó thật ngon rồi lụi cụi mang ra đặt ở mộ thằng em.
Con Đốm là đời chó thứ tư kể từ khi tôi về làm hàng xóm với thằng Nhàn. Hắn nuôi chó nhưng rất ghét chó. Cứ nhìn cách hắn đối xử với con Đốm là biết. Hôm trước thằng Nhàn vỗ vai gọi tôi ra: “Ông có biết không, người ta cứ bảo “Chó không ăn thịt chó”? Bố láo bố toét hết”. Tôi ngần ngừ: “Lần trước ông cho ăn, nó có ăn đâu?” Hắn cười hềnh hệch: “Lần trước là lần trước! Còn lần này thử xem nó có làm kiêu được không?”
Lại nói về chuyện thằng Nhàn luyện chó ăn thịt chó. Hắn nhất quyết cho rằng cái lũ chó thực ra rất ngu, cũng ăn thịt đồng loại. Hắn chứng minh lý thuyết “chó ăn thịt chó” trên chính con Đốm của hắn. Thế nhưng mấy lần hắn thử rồi mà không được. Có lần hắn nhét thịt chó vào mồm con Đốm, nó nhất quyết lè ra không chịu nuốt. Hắn trộn miếng thịt chó vào trong cục cơm ném cho nó. Con chó trợn trạo nuốt miếng cơm nhưng rồi lập tức khạc ra, chỉ nhằn ăn phần cơm mà bỏ lại nguyên phần thịt. Cứ mỗi lần con Đốm không chịu ăn thịt chó là thằng Nhàn lại vác gậy ra: “Tổ sư mày! Không ăn à? Không ăn à?” Cứ mỗi câu “Không ăn à!” là mỗi lần chiếc gậy vụt không thương tiếc. Con Đốm trước cơn giận điên cuồng của chủ chỉ biết lồng lộn chịu đòn kêu oăng oẳng từng hồi đau đớn.
Lần này thằng Nhàn dựng sẵn cái gậy ra. Con Đốm len lét nhìn hắn, mắt đầy e sợ. Thằng Nhàn nhấc miếng thịt chó nướng thơm phưng phức lên dử dử con Đốm. Con Đốm hích hích mũi ngửi miếng thịt chó, gục gặc ngần ngừ. Hắn lập tức vớ lấy cái gậy, dứ dứ lên đầu con chó, giọng đe dọa: “Con khốn nạn này, có ăn không thì bảo? Bố mày đập cho một phát chết tươi bây giờ!” Con Đốm rúm người lại sợ sệt. Hắn liền tóm lấy đầu con chó rồi nhét miếng thịt vào mồm nó. Con Đốm thở hắt ra thườn thượt rồi nuốt chửng miếng thịt chó đánh ực. Thằng Nhàn đắc chí nhìn tôi cười tít mắt: “Ông thấy chưa? Tay tôi mà đã rèn thì bắt ăn đất nó cũng phải ăn” Tôi ngạc nhiên: “Sao mấy lần trước nó không ăn mà lần này nó lại ăn?” Hắn cười sằng sặc: “Đ. M, không ăn thì chỉ có chết đói. Tôi bỏ đói nó gần một tuần rồi”. Rồi bỗng hắn xoa cằm ngẩn người ra như một triết gia và nói một câu triết lý: “Ở đời này sĩ thế đéo nào được. Đói lên người còn ăn thịt nhau nữa là chó!” Nói đoạn hắn nhấc chai rượu lên tu ừng ực, mặt đầy vẻ mãn nguyện. Rồi hắn loạng choạng ngồi dựa vào cửa nhà, đầu nghẹo sang một bên ngáy khò khò.
Con Đốm lết đến bên thằng Nhàn ngửi hít. Rồi bỗng nhiên nó trợn ngược mắt. Người nó co lại như một cái lò xo. “Hộc!” Con chó nôn thốc nôn tháo miếng thịt nó vừa nuốt ra ngoài rồi nằm bệt xuống mệt mỏi. Cái bụng lép kẹp dính vào xương của nó phập phồng. Thấy thế tôi liền chạy về nhà lấy một ít cơm nguội ra cho con Đốm. Nó uể oải nhai, hai mắt ri rỉ nước. Ăn xong, con chó nhìn tôi, đuôi phe phẩy như cám ơn. Tôi đưa tay xoa đầu nó. Nó lim dim sung sướng. Tôi về sân nhà mình. Con Đốm nhìn theo mắt lóng lánh. Tôi vẫy vẫy gọi nó sang. Con chó chỉ nhìn rồi cúi đầu quay về bên cạnh chủ quay quay một vòng rồi rúc ngồi bên cạnh đầy tin cậy.
Mưa dông. Quầng mây đen đang tụ thành một khối bỗng tỏa ra như một cái rẻ quạt khổng lồ xám xịt trời đất. Gió mát lộng lộng rười rượi. Thỉnh thoảng có tiếng sấm gầm gào như một viên đá khổng lồ đang lăn rầm rầm ngay trên đỉnh đầu. Trời mưa sầm sập. Bỗng thấy con Đốm chạy sang. Nó lao vào cắn mạnh vào ống quần tôi giật giật. Tôi quay lại. Con chó nhìn thẳng vào tôi sủa ăng ẳng. Tôi ngạc nhiên không hiểu chuyện gì. Nó lại càm vào chân tôi giật giật rồi chạy đi, đầu vẫn ngoái lại nhìn như ra hiệu. Tôi hiểu ývội bước theo nó. Mưa sầm trời đen kịt. Con Đốm lao đến bên cạnh chủ sủa điên cuồng. Thằng Nhàn đang nằm sõng sượi, người ướt nhẹp nước mưa, nồng nặc hơi rượu, máu mũi máu miệng ộc ra một đống. Tôi vội xốc nách hắn lên gọi hàng xóm rồi lấy xe đèo hắn vào bệnh viện.
Thằng Nhàn bị cảm nhập tâm.
*
8.
Thằng Nhàn thoát chết nhưng yếu đi nhiều. Mấy hôm hắn nằm trong viện, ngày nào tôi cũng để phần con Đốm một ít cơm thừa. Con chó bao giờ cũng ăn vội vàng rồi lại chạy về cái lều rách ghếch mõm chờ đợi chủ.
Hôm nay thằng Nhàn ra viện. Tôi đi làm về, thấy hắn đang ngồi ở hiên nhà, con Đốm ngồi thu lu bên cạnh. Tôi hỏi thăm: “Ông khỏe hẳn chưa? May mà thoát nhé, phải khao mừng thôi!” Hắn trả lời: “Tôi đang định thịt con Đốm này ăn mừng mình thoát chết đấy, ông thấy thế nào?” Tôi khựng người không biết trả lời ra sao. Hắn nhìn con Đốm rồi nói: “Mày cũng lớn rồi, đến lúc phải vào nồi rồi!” Con Đốm tưởng chủ nói chuyện với mình, lập tức xun xue nhổm lên liếm liếm tay thằng Nhàn. Hắn vuốt vuốt đầu con chó. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong cuộc đời hắn làm như vậy. Đây cũng là lần đầu tiên con Đốm được chủ vuốt ve. Cu cậu vừa liếm tay chủ, vừa rên i ỉ nhè nhẹ bày tỏ tình cảm. Hắn gằn giọng: “Không phải nịnh. Rồi ông cũng thịt mày sớm thôi”. Tôi nhìn thằng Nhàn nhỏ nhẹ: “Thịt nó làm gì? Con chó này khôn đấy, nó lại vừa cứu mạng ông! Ai lại nỡ làm thịt nó?” Hắn vỗ vỗ lên đầu con Đốm, nhìn tôi cười cười: “Nói đùa thôi! Mà ông không thích ăn khao thịt chó thì chỉ có rượu suông thôi. Tối nay uống với tôi nhá!” Tôi tần ngần gật đầu …
*
9.
Buổi tối, thằng Nhàn cầm chai rượu sang nhà tôi cảm ơn. Con Đốm lẽo đẽo xoắn xuýt theo sau. Hắn sùy sùy: “Cút ra chỗ khác, bẩn hết nhà của người ta!” Tôi mời thằng Nhàn ngồi rồi quay đi lấy mấy cái chén rót rượu. Con Đốm ngồi chồm hỗm ngoài cổng cửa nhòm vào nhà nhìn chủ lưỡi thè lè.
Bỗng “Oẳng!” Con Đốm tru lên thê thiết. Tiếng xe máy rú lên điên loạn. “Bỏ mẹ rồi! Trộm chó!” - Thằng Nhàn nhảy dựng kêu lên thảng thốt rồi lao vội ra ngoài cổng. Tôi cũng chạy ra theo. Con Đốm đang bị kéo lệt xệt sau cái xe. Nó cố trì lại một cách vô vọng. Đôi mắt con chó trợn ngược nhìn chủ cầu cứu. Nhoắng một cái, thằng trộm chó ngồi sau giật mạnh. Chiếc xe rồ ga. Con Đốm bay cả người lên không rồi rơi bịch xuống đất. Thằng trộm chó nhanh như cắt đút con Đốm vào cái bao tải. Thằng Nhàn và tôi cố đuổi theo. Chỉ thấy bóng chiếc xe mờ dần mờ dần.
Thằng Nhàn ngồi bệt xuống đất, đầu tóc rũ rượi. Tôi thẫn thờ nhìn. Con đường dài ngoằn ngèo như một con rắn hun hút đen ngòm. “Thế là bọn nó bắt con Đốm mất rồi!” – tôi nhìn thằng Nhàn. Bỗng hắn ôm mặt khóc tru lên. Tôi ngồi xuống bên cạnh, muốn an ủi hắn mà chả biết nói gì.
Thằng Nhàn lắp bắp trong tiếng nấc: “Đốm ơi…”
(*) Trích câu tục ngữ: Làm người thì khó, làm chó thì dễ