Chiến tranh và hòa bình là hai mặt vừa hiện thực vừa siêu thực, bao phủ lên các hiện tượng của đời sống. Nó không chỉ phản ánh bản chất của sinh tồn, của tự nhiên, của xã hội; sâu thẳm hơn, nó phản ánh đúng bản chất của tâm lý con người: Phản kháng và điều hòa. Trong đó, chiến tranh có thể xem như là phạm trù chiếm lĩnh toàn bộ thế sinh. Trong lĩnh vực chính trị xã hội, chiến tranh là “công cụ” để giải quyết mâu thuẫn, đồng thời là “động lực” của tiến hóa xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế - văn hóa, chiến tranh thuộc phạm trù quyết định luận, ảnh hưởng đến sự tồn vong của một đất nước, trong một giai đoạn xã hội cụ thể. Ở lĩnh vực nghệ thuật, chiến tranh là phạm trù thẩm mỹ, quy định những giá trị tinh thần của con người trong những khoảng khắc nhạy cảm và sâu lắng của tâm hồn. Nó khái quát một cách đầy đủ và đa diện những vấn đề của tồn tại, giúp diễn giả phát hiện và làm đầy về ý nghĩa của văn bản, đem đến cách nhận thức và đánh giá đúng về chiến tranh. Ngoài mặt trái phi - nhân bản, chiến tranh cũng phác họa và khái quát đầy đủ giá trị tinh thần của con người trong chiến tranh – một thế giới hoàn toàn đối lập với thế giới hiện tại, nhiều chết chóc và đổ nát. Thế giới bên kia của nỗi đau thân xác là thế giới sâu thẳm, nằm ở tầng trên của ý thức. Đó là thế giới của những tranh đấu tự phản tỉnh. Cuộc chiến vô hình nhưng cũng không kém khốc liệt. Nó tái hiện những tranh chấp nội tại trong tư tưởng mỗi người lính, không phân biệt bên tả hay bên hữu. Đó là xung đột giữa lý tưởng dân tộc với thói tự mãn của kẻ đi xâm lược, giữa cái ác và cái thiện, giữa nhân bản và phi- nhân, giữa tình yêu trong sáng và sự rẻ rúng hẹp hòi nhiều toan tính cướp đoạt. Trong những xung đột mâu thuẫn ấy, sự tồn tại của tư tưởng bên này làm nền để dung nạp nhận thức bên kia và nhận thức phía bên kia trước sự tỏa sáng của tư tưởng bên này, mà tự vấn lương tâm, dọn chỗ cho sự trở về với chính mình và đồng loại của mình. Đó là biện chứng của chiến tranh.
Với tiểu thuyết Vùng lõm, Nguyễn Quang Hà đã tái hiện lại diện mạo lịch sử trong những giây phút đấu chí giữa những người lính Cộng Sản và những người lính Cộng Hòa ở vùng tạm chiếm Hiền Mai. Vượt qua các lớp bên ngoài của hiện thực, tác phẩm đi sâu vào giải quyết những vấn đề tâm lý các nhân vật, phát hiện trong đó vẻ đẹp nhân bản đích thực của con người.
Biện chứng của những xung đột lý tưởng
Nguyễn Văn Dư và đồng đội đã đi vào trận chiến bằng thái độ nghiêm cẩn. Anh lấy bốn chữ: Hiếu, Chí, Lễ, Dũng, Tín[2] làm mục đích và mục tiêu ứng xử trong mọi hoàn cảnh sống. Trận địa chiến của Hiền Mai giống như chảo lửa với những mâu thuẫn trái chiều, giữa một bên mạnh hỏa lực và một bên mạnh về ý chí chiến đấu, giữa một bên điên cuồng, khát máu với một bên lấy chữ “nhân” của tập thể làm trọng; giữa một bên là địa thế hầm hố về quân sự và một bên là sự thận trọng, bí mật của những hầm ngầm. Sự đối lập ấy đã nói lên đầy đủ những gian khổ của người lính nằm vùng, trong đó, bản thân mỗi người lính tự xác định rõ cho mình tâm thế và lập trường chính trị, lập trường dân tộc. Có thể nói, lập trường dân tộc là vũ khí đảm bảo sự thắng lợi trong cuộc chiến ấy, hơn nữa, đây lại là cuộc chiến giữa “hai người con” trong “cùng một mẹ”. Tinh thần dân tộc xuất hiện giữa không khí nóng bỏng của trận chiến, chính là sức mạnh đích thực khó một vũ khí hay hỏa lực nào có thể lấn át. Lấy huyền thoại ấy làm mục đích “tâm công”, Nguyễn Văn Dư và đồng đội đã chiến đấu chống lại sự điên cuồng, thịnh nộ của kẻ thù, mà chỉ nghe cái tên của đội quân tham chiến cũng gợi lên những ám ảnh sợ hãi: Trung đoàn Trâu Điên. Trong cuộc chiến đó, người đứng đầu của đội quân hung hãn “không gì có thể cản bước” ấy đã phải dừng bước trước chân lý giản đơn: “mỗi chúng ta dẫu ở Bắc hay Nam đều là dân Việt cả. Vì vậy, mọi suy nghĩ của chúng ta đều có một mẫu số chung là tổ quốc…Đó là mã số đúng đắn. Đụng vào con số bí mật này là sẽ giải mã được. Đúng, tổ quốc là cái mã số ấy”[3].
Lý lẽ cho minh chứng đó hiển nhiên đã rõ, văn bản trở thành nhân chứng rõ rệt cho những kết luận xuôi dòng tâm thức nhà văn. Sự thất bại của Trung đoàn Trâu Điên là sự thất bại giữa cái ồn ào vô mục đích của bên tham chiến trước chân lý gọn gàng của “mẫu số chung”, lẩn khuất trong mỗi con người của dân tộc. Trong những khoảnh khắc quan yếu của lịch sử, những ý hệ vô thức của dân tộc lại được khơi dậy đúng lúc, nó khai sáng và đánh thức phẩm tính tốt đẹp của con người. Trung đoàn Trâu Điên thất bại bởi vì “cái đầu” hung hãn của con trâu ấy đã thức tỉnh trong giây phút tự vấn: “chúng ta mới lớn lên, đã như bị một dòng lũ ào ạt cuốn đi chứ đã kịp suy nghĩ gì đâu”[4], nguyên nhân do “chiến tranh lâu dài đã biến con người thành dã thú” [5]. Thất bại ở đây chưa hẳn là sự thất bại về sức mạnh quân sự, nhưng dư âm của nó lại ám ảnh, làm suy sụp cái hung hãn lớn gấp trăm, gấp nghìn lần sức mạnh ấy. Đó là sự thất bại của lý chí, là sự thất bại của cái gọi là tham vọng bá chủ: “đây là giây phút điên cuồng của những kẻ bất lực”[6].
Nguyễn Quang Hà đã đứng ở trung giới của cuộc chiến, đặt ra những vấn đề từ hai phía một cách khách quan. Ông nhìn họ bằng cái nhìn của một người lính, với những trăn trở và suy tính khi giáp mặt với kẻ thù. Hiển nhiên, điều ấy đã làm minh bạch những ý nghĩa sâu thẳm của văn bản. Vùng lõm không biện minh hay phê phán bất cứ lý tưởng chính trị nào, nó ca ngợi và mổ xẻ những nghi vấn của mỗi cá nhân trong chiến đấu. Đó là mã giải cho lý tưởng chân chính: Lý tưởng vì con người. Không thể nói Dư cảm hóa những con người ở bên kia chiến tuyến bằng lý tưởng Cộng Sản, lại càng không thể khẳng định, anh chiến thắng họ bằng sức mạnh từ lý tưởng ấy. Bởi, trong cuộc chiến khốc liệt này, hỏa lực mới chính là cái bề nổi giải mã những vinh- nhục trong chiến tranh. Hẳn rằng, trong sự đối kháng ấy, nếu chỉ dựa vào sức mạnh hỏa lực, chắc rằng, Dư và đồng đội của anh khó có thể thắng được kẻ thù, làm nên tinh thần huyền thoại trong lòng nhân dân Hiền Mai. Dư đã thấy trong tâm thế của những người bên kia chiến tuyến sự bấn loạn và lo sợ - một sự lo sợ sâu thẳm, không phải là cái chết, mà là lương tâm. Những con người ấy cầm súng chống lại quê hương mình, xét đến cùng cũng là bất đắc dĩ, do bị cưỡng chế từ những đám mây đen được dệt nên bởi lòng thù hận và khát máu của kẻ thoán quyền. Những người lính Cộng Hòa, hay những nhóm dân vệ, ở họ, phía con người dân tộc chưa kịp nghĩ gì, thì bão táp của cuộc chiến đã đổ ập bóng tham vọng lên cái bóng ấu thời trong mình. Họ cứ lớn dần trong cái lạnh lẽo phi nhân, trong sự khát máu, với ảo mộng muốn làm bá chủ loài người của đế quốc Mỹ. Chính điều ấy đã biến họ trở thành những con người bị vong thể về tinh thần. Kết quả từ sự trượt dài vô mục đích của cái bóng vong thể trong lý tưởng của họ, biến họ trở thành những “con trâu điên” hung hãn, cầm vũ khí chống lại đồng loại, quê hương mình. Tuy nhiên, ở họ, nhân tính chưa phải là đã mất hẳn. Cái chính là: “Dân mình ai cũng khát độc lập, tự do cả. Con em họ cầm súng cho địch chẳng qua là bị lừa. Đánh thức được ý thức dân tộc trong họ thì họ là người mình cả”[7]. Phan Lộc, Lại Văn Sỏi hay Trịnh Văn Lộ cùng ban dân vệ là minh chứng rõ nét cho quá trình tìm lại chính mình, tìm lại hồn thiêng dân tộc mà một thời họ lãng quên trong ảo vọng, cùng nhân tính bị hủy hoại từ những cuộc hoan say quên tháng ngày. Lý lẽ ấy nằm trong suy nghĩ thường trực của những lính Cộng Hòa: “cảm ơn các anh đã cho chúng tôi sống và cho chúng tôi làm người”[8], duy chỉ có điều, người đánh thức và khơi dậy cái tinh thể từng vong thân ấy của họ lại là một chiến sĩ Cộng Sản nằm vùng “ăn không đủ no, mặc không đủ ấm”. Chiến thắng của Nguyễn Văn Dư và đồng đội không thuộc về phía Cộng Sản hay bất cứ một lý tưởng chính trị nào, sâu hơn, đó là chiến thắng của nhân tính và của tình đồng loại với chính đồng loại của mình: “ Khôi khen anh lấy lòng nhân ái để chinh phục kẻ thù”[9], mà cơ sở khẳng định điều ấy nằm ngay trong câu nói của Dư: “Nói cho cùng mỗi người Việt Nam tính thiện đều trội lên trên hết”[10].
Chiến tranh dễ đưa con người vào sự tha hóa, và lùi sâu vào phi - nhân, nhưng cũng chính chiến tranh là tấm gương để soi chiếu hình ảnh dân tộc và nhân bản trong mỗi cá nhân tham chiến, thức tỉnh và đưa họ từ ảo ảnh trở về hiện thực. Vậy, ở phía những người Cộng Sản, họ nhìn thấy gì từ chiến tranh? Hẳn rằng, lý tưởng chính trị không phải là giải đáp toàn diện cho những ý nghĩ thiết thực, phải chăng, họ đã nhìn chiến tranh một cách người hơn và nghệ thuật hơn? Nếu không nhìn chiến tranh bằng con mắt nhân bản, chắc rằng, Nguyễn Văn Dư và đồng đội của anh khó có thể có được chiến thắng vẻ vang ở trận địa Mai Trung. Và, nếu Nguyễn Quang Hà không nhìn chiến tranh bằng con mắt nhân văn, với cái nhìn vọng từ phía bên kia của cái ác[11], thì hiển nhiên sẽ không thể có một huyền thoại mang tên Nguyễn Văn Dư, đang lẩn khuất như những bóng ma tinh anh của tinh thần nhân bản, hàng ngày vẫn ám ảnh những người sống và chiến đấu cho chính cuộc sống của mình. Đó là tính biện chứng giản đơn của chiến tranh, của những xung đột lý tưởng.
Biện chứng của những xung đột thẩm mỹ
Chiến tranh là nơi mà cái đẹp bị chôn vùi, nhưng chiến tranh cũng là nơi để thử thách chính cái đẹp. Đó là hai mặt của một vấn đề, vừa mâu thuẫn vừa hòa hợp. Mẫu thuẫn vì, chiến tranh là mặt bên này của cái đẹp, là hiện thực hủy diệt, và có nguy cơ đi đến phủ nhận cái đẹp. Hòa hợp vì, cái đẹp nhờ chiến tranh và thông qua chiến tranh mà làm rực sáng hơn bản chất nhân văn và tinh thần cách mạng của nó; đó là cái đẹp của “vàng thử lửa”, của “tiếng hát át tiếng bom”, của tình yêu vượt thoát khỏi hiện thực đau thương và chết chóc. Cái đẹp trong Vũng lõm là cái đẹp của tình yêu dân tộc, là cái đẹp của “người với người sống để yêu nhau”.
Dư đi vào cuộc chiến không chỉ với lý tưởng cách mạng chân chính. Ở anh có một thứ tình cảm còn rộng lớn hơn cả lý tưởng chính trị, đó là lý tưởng nhân văn, trong đó, anh đặt tình đồng loại cao hơn tình đồng chí. Lý lẽ cho nhận định ấy nằm ở chính văn bản và tính gợi mở tự thân của nó. Chứng kiến đồng đội của mình hy sinh, Dư đau như có cảm giác chính mình đang bị địch hành xác. Con người ấy đau cho nỗi đau của đồng đội, nhưng cũng là đau cho nỗi đau của đồng loại. Chứng kiến sự suy sụp của bà mẹ và cái chết của người thân trong gia đình trung úy Phan Lộc, Dư không ngừng suy tư cho những lý lẽ khó cắt nghĩa, làm rối tâm trí anh: “bắn ngay vào đồng bào của mình, thật không nghĩ ra cụ ạ”[12]. Đó là nỗi đau của con người không phân biệt bên kia hay bên này, bên chính hay bên tà, một nỗi đau hiển hiện, mà khó định danh. Bức thư mà Dư nhận được từ phía mẹ Phan Lộc đã nói lên tất cả, nó là mã giải cho những lý lẽ hợp luân lý. Hóa ra, tình yêu có thể cứu dỗi ngay cả những con người một thời lấy chiến tranh làm lẽ sống, đắm mình trong những hả hê tội lỗi. Phan Lộc mở hướng bí mật cho Dư và đồng đội của anh, không phải là để biện minh cho sự cáo chung của lý tưởng chính trị, lại càng không thể khẳng định, đó là sự thất bại và đổ vỡ về lý chí của những kẻ đối đầu với cách mạng. Đúng hơn, đó là sự thất bại của cái man rợ trước sự bao dung và xẻ chia của tình người; đó là sự quy hàng của cái ác và sự khát máu trước cái thánh thiện, cao nhã của tình thương đồng loại. Kẻ thù đã quy sụp trước cái đẹp, trước những giá trị nhân văn giàu tính người. Lại Văn Sỏi và nhóm dân vệ là minh chứng cho luận điểm đó. Bằng chiến tranh, kẻ thù muốn lấy sự hung bạo và phi - nhân để vùi chôn cái đẹp, nuôi tham vọng đẩy cái đẹp vào bi kịch của hủy diệt, nhưng, cũng chính chiến tranh là nơi cái đẹp được thăng hoa và tỏa sáng trong bản chất thánh thiện của nó. Phải chăng, đó là biện chứng của nhân tính, là logic của xúc cảm?
Dư và Hoài đi vào trận chiến với tình yêu được dựng lên bằng máu và nước bắt, bằng súng và hoa. Cho nên, tình yêu ấy cũng mỏng manh và dễ vỡ trước sức dội của bom và súng đạn, nếu như tình yêu ấy không được gìn giữ và chiến đấu bằng nghị lực, bằng sự kiên định vượt hoàn cảnh, lấy tiếng hát thay cho tiếng bom cùng xướng lên khúc đàn muôn điệu của hạnh phúc. Huỳnh Thế Tô đã đến với Hoài bằng tình yêu mà anh tự tạo để ngụy trang cho những ham muốn ích kỷ, nhỏ bé của mình. Tô đã lấy quyền lực, lòng thù hận làm phương tiện để chiếm đoạt tình yêu. Hoàn cảnh chiến tranh như chiếc lưới, sàng lọc những hạt sạn của sự giả tạo và nhiều mục đích, trả lại cho tình yêu giá trị nguyên sơ và trinh trắng của nó. Vì đến với Hoài nhằm mục đích thỏa mãn dục tính nhầy nhụa của mình, nên Tô đã bị chính hoàn cảnh gạt ra ngoài kênh thẩm mỹ mà chúng ta gọi là tình yêu. Giây phút Tô chiếm lĩnh trinh tiết của Hoài, cũng là giây phút mà anh tự thú và bộc lộ đầy đủ bản chất dã thú trong mình. Như một tất yếu, chính hoàn cảnh chiến tranh sẽ đào thải dứt khoát những con người như Tô. Kể từ giây phút thỏa mãn sự đam mê ích kỷ ấy, Tô đã tuyên cáo về sự thất bại của mình trước tình yêu của Hoài và Dư. Trái ngược với Tô, Dư đã đến với tình yêu của Hoài bằng sự chân thành. Họ chọn hoàn cảnh để thử thách tình yêu, tô vẽ lên tình yêu ấy những sắc màu tươi sáng, được kết tinh từ gian khổ. Dư hy sinh, đó không phải là bi kịch của người chiến sĩ, lại càng không thể xem đó như là bi kịch của tình yêu. Ngược lại, đó là giây phút mà tình yêu nhỏ nơi anh bắt gặp và dung hòa với tình yêu lớn của dân tộc: “bó hương của đội du kích vừa thắp bỗng cháy bùng lên như Dư đã chấp nhận tình cảm này”[13]. Vậy còn Hoài thì sao? Cô đau đớn nhưng không ngã quỵ, vì Hoài đã nhận ra một chân lý: Dư không chết, ngược lại anh đã ngã vào lòng dân tộc, ngã vào tiềm thức sâu thẳm nơi cô về một tình yêu đã hóa thành huyền thoại, về một tình yêu sẽ trở thành ngọn lửa soi đường cho cô và đồng đội của cô tiếp tục đi hết cuộc chiến bảo vệ quê hương, đất nước. Hẳn Hoài đã nhận ra rằng, tình yêu chỉ có thể đi đến cái đích hạnh phúc của nó, khi hạnh phúc ấy gặp gỡ với hạnh phúc của muôn người ngoài kia, của sự gặp gỡ thống nhất từ muôn triệu trái tim trên đất nước hình chữ S nhỏ bé này.
Chiến tranh đã hủy diệt và làm nghèo con người bằng lợi ích vật chất trong những suy tư bé nhỏ. Nhưng chiến tranh cũng là tấm gương phản chiếu sức mạnh tinh thần tiềm ẩn của con người và ca tụng cho sự thăng hoa của tình yêu chân chính; khi những con người trong cuộc chiến ấy biết lấy gian khổ làm trường tôi luyện cho lý chí và làm giàu trái tim mình. Chiến tranh vốn tàn nhẫn là thế, nhưng cũng rất công bằng, nếu những con người trong cuộc chiến ấy biết biến hoàn cảnh thành sức mạnh vượt gian khó, thử thách những giá trị nhân bản và lòng dũng cảm. Đó là biện chứng của chiến tranh. Cuốn tiểu thuyết dài 450 trang, với nhiều tình tiết, sự kiện nhưng xét đến cùng cũng là để ca ngợi cho giá trị nhân văn, nhân bản của con người trong chiến đấu. Tác phẩm kết thúc không phải bằng những dòng tổng kết, mà bằng những dữ kiện mở, với đa chiều liên tưởng trong tư duy bạn đọc. Tác phẩm mở ra nhiều văn bản tiềm ẩn, dự tính cho những diễn giải kế tiếp, lý thú và sâu sắc hơn.
---------------------------
Friedrich Nietzsche (2006), Buổi hoàng hôn của những thần tượng, NXB Văn học, H. tr.15.
2 Nguyễn Quang Hà (2008), Vùng Lõm, NXB Quân đội nhân dân, H, Tr. 87.
3 Nguyễn Quang Hà (2008), Vùng Lõm, Sđd, Tr. 148
4 Nguyễn Quang Hà (2008), Vùng Lõm, Sđd,Tr. 240
5 Nguyễn Quang Hà (2008), Vùng Lõm, Sđd, Tr. 260
6 Nguyễn Quang Hà (2008), Vùng Lõm, Sđd,Tr. 268
7 Nguyễn Quang Hà (2008), Vùng Lõm, Sđd,Tr. 272.
8 Nguyễn Quang Hà (2008), Vùng Lõm, Sđd,Tr. 302
9 Nguyễn Quang Hà (2008), Vùng Lõm, Sđd,Tr. 263.
10 Nguyễn Quang Hà (2008), Vùng Lõm, Sđd,Tr. 261.
11 Cái nhìn vọng từ phía bên kia của cái ác: Đây là lối nói ngược của F. Nietzsche về cái thiện phía bên này (xin xem thêm F. Nietzsche (2008), Bên kia thiện ác, NXB Văn hóa thông tin, H)
12 Nguyễn Quang Hà (2008), Vùng Lõm, Sđd, Tr. 198.
13 Nguyễn Quang Hà (2008), Vùng Lõm, Sđd,Tr. 454.
Ngô Hương Giang