Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: "Khôn ngoan cũng thể đàn bà" - Ma Văn Kháng

20-08-2011 12:32:06 PM

VanVN.Net - Nhan sắc là vốn liếng của đàn bà. Cũng như cái tài là giá trị căn bản của anh đàn ông, nên mới có câu thành ngữ trai tài gái sắc. Tôi nhận ra điều đó trước hết từ cái sự hay chăm chút tỉa tót trang điểm của Nhàng vợ tôi. Nhàng hay chăm chút sửa sang nhan sắc của mình lắm. Nàng vốn có sắc đẹp hơn người. Gái quê ra thành phố đã hơn chục năm nên ở nàng có cả sự tinh khôn của phố phường lẫn vẻ chất phác chân thật của làng quê, nên ở nàng có sự hài hoà giữa nét thanh nhã lịch sự nơi đô thị văn minh và vẻ hồng nhuận hồn nhiên của chốn thôn làng.

 

Đã đẹp nàng lại càng ra sức làm cho mình đẹp thêm. Cũng giống như đối với đồng tiền. Đã có chín trăm rồi, người ta lại muốn có một nghìn, nên lại tìm đủ mọi cách làm cho dấn vốn mình sinh nở thêm ra. Điều này khác hẳn với anh nghèo kiết, loại móc tui bẩy ngày không thấy một đồng xu kẽm như cách nói ngoa ngoắt quen thuộc của Nhàng. Nghèo kiết rồi, biết là có dành dụm cũng chẳng mọc mũi sủi tăm được. nên anh ta kiếm được đồng nào là vắt mũi bỏ miệng sạch trơn đồng ấy ngay thôi.

Nhàng của tôi đẹp nên nàng càng có ý thức nhân nhan sắc của mình lên bội phần. Đối tượng được nàng quan tâm đầu tiên là đôi chân. Chà, đôi chân nàng giờ ở tuổi ba mươi lăm mà vẫn cứ trắng hồng như chân con trẻ. Vì có ngày nào mà nàng chẳng đem chúng ra sát xà phòng kỳ cọ vài ba lần! Những ngón tay nàng thì còn được nàng coi sóc kỹ lưỡng hơn. Nàng lau rửa, cắt tỉa chúng, rồi ngắm nghía chúng như ngắm nghía những đồ chân bảo. Và  tiếp đó thi thoảng nàng lại đưa chúng cho tôi xem: “Người ta bảo da mu bàn tay phụ nữ là chóng già nhất. Anh trông, có thấy nó nhăn nheo, sần sùi chưa?”

Thế còn gương mặt tròn như trăng rằm của Nhàng? Nhàng yêu mê mải mỗi chi tiết trên gương mặt mình. Hai cái vòi lông mày làm mất thì giờ của nàng nhiều nhất. Còn niềm tự hào của nàng lại tập trung vào cả cái nốt ruồi duyên ở chếch bên khoé miệng nàng, trong khi cặp mắt hai mí đã to và ướt lóng lánh của nàng luôn luôn làm ngẩn ngơ chính nàng.

Ít ai yêu mình đến kỹ càng, tỉ mẩn như Nhàng. Và điều đó nhất quán với tính tình nàng. Nàng rất thích đồ đạc, tiền bạc, tư trang của mình. Nghỉ ở nhà ngày thứ bẩy, chủ nhật thì đến phần nửa thời gian nàng đem những đồ vật quý giá như bình pha lê, đĩa bạc, tượng đồng đen, chuỗi ngọc trai, vòng kiềng vàng ra lau chùi ngắm nghía. Nàng rất thích đếm tiền và xem đi xem lại không biết chán mấy cuốn sổ tiết kiệm. Tiền, vàng, các đồ bảo vật đều là của hồi môn, cha mẹ nàng để lại cho nàng. Cùng với nhan sắc chúng hợp lại thành vốn liếng, tài sản của nàng, chúng trở thành niềm kiêu hãnh của nàng, không ngưng nghỉ ngắm nhìn chúng, rà soát lại chúng, nàng làm như chúng mỗi lúc lại biến hoá thần thông, sinh sôi nẩy nở thêm ra vậy.

Kiêu hãnh vì mình đẹp, vì mình giàu! Nhàng của tôi là thế đấy. Nhưng, như thế có gì là sai nhỉ? Người ta chỉ kiêu hãnh, thậm chí kiêu ngạo một khi người ta có cái để người ta kiêu hãnh kiêu ngạo thôi!

 

Tiếc cái, niềm kiêu hãnh về nhan sắc, của cải của Nhàng hơi quá dư thừa. Nhàng không chỉ là kẻ kiêu ngạo, nàng còn có chanh chua, đáo để, có tật đố kỵ ganh ghét với kẻ ngang mình và nhất là bỉ bai, giễu cợt, khinh miệt những kẻ xấu xí, nghèo túng hơn mình. Tính kiêu ngạo, kiêu căng, hợm hĩnh của nàng biến đổi cả vóc dáng, khuôn mặt, ngôn ngữ của nàng.

Nàng ăn nói rất phũ miệng. Nàng quái ác trong nói năng, nhận xét người đời. Thằng cha chân tươi chân héo. Đó là biệt danh Nhàng đặt cho ông Đằng, thương binh cụt chân bán vé số ở chợ phường. Con ỏng tọ bung. Đó là tên nàng gọi bà Luân trưởng phòng Công ty, cấp trên trực tiếp của nàng. Nàng chê ông giám đốc Thăng là kẻ độn khẩu. Nàng bảo Liêu trưởng phòng kinh doanh, kẻ hoạt khẩu miệng lem lém như ngựa ăn bánh rán. Nàng gọi Tâm bạn nàng, người có tính ngồi lê đôi mách là con mẹ buôn dưa lê.

Nàng luôn luôn đứng ở cái thế kẻ cả, bề trên, trịch thượng với người khác. Ai đối với nàng cũng là kẻ đần ngu, kém cỏi, xấu xí. Nhất là đần ngu, vụng dại vậy. Nàng luôn tự coi mình  là kẻ thông minh hơn, khôn ngoan hơn người.

 

Trước hết, trong gia đình Nhàng là kẻ coi thường tôi ra mặt về sự khôn ngoan. Chẳng ngày nào nàng không có chuyện để chê bai tôi là đần dại.

- Gửi xe vào Bưu điện Thành phố bỏ thư, anh có biết lấy tích kê ở trong đó ra đưa cho con mẹ giữ xe không? Không! Rõ người đời chưa! Bưu điện Thành phố có giao hẹn là sẽ trả phí giữ xe cho khách hàng như thế, hiểu chưa! Thế là mất toi nghìn bạc!

- Ai bảo anh khoe với bà Lân trong ngõ là sắp đi Sài Gòn? Vì sao, hả? Đúng là ngu lâu khó cải tạo chưa! Bà ấy có cả một đống con ở trong đó. Thế ngộ bà ấy gửi anh cho mỗi đứa một cân nhãn, một cân vải, thì anh là thân ngựa thồ không công à!

Đầu năm nay tôi bị hai lần Nhàng trách cứ nặng nề. Nhận được một giải thưởng văn học dân gian và năm ngàn đô la từ Mỹ, tôi đem gửi tuốt vào Ngân hàng Ngoại thương. “Sao, gửi tất cả vào một sổ? Chưa biết là ngu ở chỗ nào, hở? Nghe kinh nghiệm đây. Gặp trường hợp khó khăn trong thanh toán với khách hàng, thì ngân hàng bao giờ nó cũng chiếu cố tới những sổ gửi vài trăm đô trước hết đã. Còn giàu có như ông ấy à, hãy đợi đấy!”

Lần thứ hai nặng nề hơn. Cạnh nhà chúng tôi có mảnh đất hai chục mét. Chủ đất bán giá một mét vuông hai chỉ. Tôi gàn. Nhàng không mua. Một tháng sau, cũng vẫn mảnh đất ấy, giá tăng vọt lên hai cây một mét vuông, tức gấp mười lần.

- Trời ơi! Mất đứt đi ba mươi sáu cây vàng, mà năm triệu một cây có phải là một trăm tám mươi triệu không? Có đúng là muốn khôn đi với người tài, chơi cùng kẻ ngốc tàn đời mà thôi không, hử!

Tôi nghe Nhàng trách mà im thin thít. Im thin thít vì không bắt bẻ được Nhàng. Nhàng hiếu thắng, Nhàng tranh khôn, Nhàng lại có cách nói áp đảo đối phương, đành là vậy, nhưng cũng phải công nhận rằng Nhàng có cái trí khôn của con người hiện đại thực lợi, biết tính toán. Thì Nhàng xinh đẹp của tôi chẳng là nhân viên kế toán cao cấp của một công ty kinh doanh là gì! Chịu thua Nhàng, tôi chỉ còn biết chống chế lí nhí rằng: Từ cha sinh mẹ đẻ, tính tôi vẫn cứ lơ mơ lờ mờ thế, không sửa được. Nhưng góc gách, nghiệt ngã, chi li quá là đại bệnh đấy. Ở đời, lắm khi cũng phải biết thua, chứ lúc nào cũng đòi thắng là không công bằng đâu, Nhàng à. Tất nhiên là vì câu nói này, tôi đã nhận được một cái bĩu mỏ rất bai bỉ của Nhàng: “Không sửa được! Không sửa được thì chịu thua thiệt suốt đời à!”

 

Đúng là con người ta tính khí thế nào thì nó cứ là thế mãi, không sửa được. Tôi là vậy. Nhàng của tôi cũng thế. 30 tết vừa rồi, cái tính đành hanh luôn muốn tỏ ra là khôn ngoan, giỏi giang tốt đẹp hơn người, biểu hiện thành thói đa sự, đã gây ra cuộc cãi cọ rất vô nghĩa và rắc rối giữa nàng và một đứa con gái chỉ đáng tuổi con nàng.

Chiều ấy, Nhàng đang đứng chọn hoa hồng Đà Lạt ở một hàng hoa trên vỉa hè phố Lê Duẩn thì bỗng dưng có một con nhỏ chừng mười hai mười ba tuổi dừng xe máy sát lề đường cạnh nơi Nhàng đứng, hất hàm chỏng lỏn một câu hỏi: “Hoa hồng bao nhiêu đấy?” Như người khác thì bỏ qua, hoặc lườm con bé ấy một cái rồi quên đi, bây giờ bọn trẻ ranh vô giáo dục ăn nói xấc xược, vô lễ độ thiếu gì, hơi đâu mà dây vào với chúng. Đằng này Nhàng của tôi vốn tính hiếu thắng, liền trừng mắt hoạnh lại nó: “Mày hỏi ai đấy?” Con bé hoá ra là đứa chẳng vừa. Nghe Nhàng hoạnh, nó liền vênh cái mặt lên, xưng xỉa: “Tôi không hỏi bà!” Rắc rối rồi. Tất nhiên, lửa mới nhóm, có thể dập tắt ngay được. Nhưng, Nhàng là kẻ xưa nay có chịu thua kém ai. Thế là nàng vằn mắt, cự lại nó, rằng, nếu mày không hỏi tao, mà hỏi con bé bán hoa thì mày cũng phải nói cho có đầu có cuối, chẳng hạn: “Này con kia, hoa bán bao nhiêu đấy, hử! Hoặc là mày hỏi cái cột điện thì mày cũng phải gọi đích danh nó ra chứ!” Con nhỏ quả là đứa chẳng vừa thật. Vứt tạch mấy cành hoa từ trên tay xuống, nó nhếch mép rất sành sỏi: “A! Bà dậy khôn tôi đấy à?” Tất nhiên lời đáp trả ngay lập tức của Nhàng đã là: “Đúng, tao dạy khôn mày đấy. Tao chả gì cũng đáng tuổi mẹ mày!” To chuyện rồi, cái sảy nảy cái ung. Kẻ cắp gặp bà già. Con nhỏ chanh chua, tợn tạo ghê người. Nó lu loa ầm ĩ rằng Nhàng là kẻ gây sự, rồi túm lấy áo Nhàng. Dĩ nhiên là Nhàng phải dùng sức để tự vệ. Đôi bên co kéo, xô đẩy, chửi bới nhau không tiếc lời. Nhàng thì dẫu sao cũng là người lớn, còn giữ ý. Chứ nó thì có bao nhiêu lời rủa xả tục tĩu nhất nó xổ ra bằng hết. Đến mức, người đến can, đẩy nó đi, nó còn quay lại nhổ bọt, chửi Nhàng là con đượi, hẹn sẽ ăn thua đủ với Nhàng.

Người hiếu thắng như Nhàng chẳng quên một điều gì. Suốt một tuần lễ gặp ai ở trong ngõ nàng cũng kể lại chuyện này, không bỏ sót một chi tiết và công bố quyết tâm tìm bằng được gia đình con nhỏ để đến bảo bố mẹ nó dạy cho nó một bài học về sự lễ độ.

Oe con mà láo! Câu nọ như một điệp khúc Nhàng lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần trong một ngày. Còn ở nhà, cơn giận, nỗi bực của Nhàng làm biến đổi cả không khí sinh hoạt gia đình. Vì cái sự không thể đừng, tôi phải đành dùng lời lẽ khuyên can nàng, khuyên can một cách rất gia đình và thực dụng. Rằng, bây giờ trẻ con nó đổ đốn như thế đấy. Đôi co với nó không giải quyết được gì. Thậm chí có khi còn dại mặt, còn là mang rơm buộc mình. Chi bằng, quay mặt đi, coi như điếc. Coi nó như gốc cây, tảng đá chẳng có quan hệ gì. Đó là nói trong phạm vi hẹp, ở sự việc này. Còn nói rộng ra, thì Nhàng nên nhớ, con người ta còn nhiều việc lớn phải làm lắm, đừng nên phí sức vào việc nhỏ mọn, vặt vãnh. Vả lại, được thua một chuyện con con này đã là cái gì. Mà suy rộng ra thì cũng chưa chắc đã là thua thật, thiệt thật.

Im im nghe tôi nói, cứ nghĩ Nhàng chấp nhận, nào ngờ, tôi vừa dứt, nàng đã chồm lên, nguýt tôi một nhát sắc lẻm:

- Rõ lý sự lẩn thẩn cám hấp. Thẳng ruột ngựa tôi cứ nói thật: Tôi là tôi không có chịu kém cạnh đứa nào hết!

 

Nhàng của tôi không kém cạnh ai hết. Nhàng nói câu nọ với vẻ đắc chí không che giấu. Đắc chí như giờ đây, buổi sáng một ngày chủ nhật mùa thu đẹp trời, nàng ùa vào phòng khi tôi đang viết cùng một túi đồ hàng căng phồng và giọng nói hổn hển vui mừng không thể kìm nén. Tiết thu heo heo lạnh hoá thân vào nàng, biến đổi nàng. Dịu dàng như mùa thu, nàng còn gây ra ảo giác mơ màng cho tôi. Vẻ đắc chí hợm hĩnh chốc lát đã tiêu tan, giờ đây trên gương mặt tươi đẹp của nàng, chỉ còn lại những nét thuỳ mị, một vẻ đẹp trầm lắng, sâu sa.

- Anh ơi, nhà mình hôm nay có lộc!

Vừa dứt lời, Nhàng đã dốc ngược cái túi vải, đổ ra sàn nhà một đống đồ vật lủng củng hoa cả mắt. Dụi mắt, tôi nhận ra, đó là năm hộp sampoo nước gội đầu, ba đôi bít tất và một chiếc đồng hồ nam đeo tay ánh vàng.

- Đây là chiếc Longil em tặng anh.

- Trời! Đồng hồ Longil. Thật hay mơ đây?

- Thật trăm phần trăm đấy!

- Nhưng mà em lấy nó ở đâu ra?

- Thì anh cứ đeo vào tay đi đã. Rồi em kể. Em bắt được đấy.

- Bắt được?

- Thì cứ coi là như thế!

Nhàng nói, hai con mắt đẹp lấp láy đầy bí ẩn. Bí ẩn như bản chất cuộc sông luôn mơ hồ, không lý giải và vô tư. Bí ẩn như số mệnh, vận hội mỗi con người hiển hiện mập mờ trên diện mạo. Chính là một gã xích lô đi cùng chiều với nàng sáng qua đã chỉ mặt nàng, thông báo rành rọt rằng, nàng sắp có nguồn lộc và trò đùa nhảm nhí, xằng xịt vẫn thường gặp nọ hoá ra là một lời tiên tri. Sáng nay, tức cách đây có hơn một giờ đồng hồ thôi, có hai con bé nữ sinh viên đeo băng nhân viên tiếp thị của nhà hàng K đến mời nàng mua nước gội đầu và bít tất. Nàng nói: Tao có đầy rồi. Chúng cười, vậy cô cứ bắt thăm thử một lần xem sao! Nàng hỏi: Bắt thăm thế nào? Chúng nói: Cô bật thử những cái nắp hộp Sampoo này xem. Trời! Không thể hiểu nổi. Có gì xui khiến mà nàng bật năm cái nắp hộp thì cả năm cái đều trúng thưởng. Bấy giờ thì nàng như kẻ nhập đồng, như rơi vào cơn mê lú của cơn phấn hứng thăng hoa. Cả đến bây giờ nữa. Nàng hào hển thở và thông báo cho tôi biết rằng, nàng chỉ mất có hai trăm ngàn đồng mà được bao nhiêu thứ, trong đó có chiếc Longil ngoài cửa hàng đồng hồ chuyên dụng giá bán những năm trăm ngàn đồng.

- Kìa, sao anh nhìn em thế?

Đang thao thao hớn hở, Nhàng bỗng ngừng phắt. Cặp mắt thâm trầm của tôi đã nói điều gì với nàng vậy, ngoài niềm vui hưởng ứng? Nó thấp thoáng vẻ giễu cợt, nỗi nghi ngại hay sao? Ôi, cái cuộc đời ẩn chứa bao điều khó hiểu, kể cả thói đùa bỡn, trêu ngươi! Và nàng, đang từ trong sâu thẳm mịt mùng của niềm vui sướng mê man hỗn độn, bỗng như một kẻ thức tỉnh trong bàng hoàng vì ngộ ra một điều chưa từng biết. Cuộc đời, hàm chứa trong nó cả sự trái khoáy nữa đấy, cô mình yêu quý ơi! Người khôn nhất thế nào cũng có lúc hớ hênh, sơ hở. Đi đêm mãi thế nào cũng có ngày gặp ma quỷ. Con người có bao giờ là toàn thức? Con người không phải lúc nào cũng gặp may mắn đâu, em ơi.

- Thôi chết em rồi!

Kết thúc của giây phút phản tỉnh, Nhàng kêu thất thanh. Và nàng, bỏ lại tôi với đống đồ vật lủng củng toàn là đồ rởm ở dưới sàn nhà, phóng vụt ra cửa, với điệu bộ của nhân viên công an đi truy lùng bọn gian manh chuyên đi lừa lọc người lương thiện.

 

Chuyện Nhàng khôn ngoan thế mà bị hai con yêu nữ trẻ ranh lừa, mất toi 200 ngàn để thu về năm lọ nước gội đầu giả, một chiếc đồng hồ giả và ba đôi bít tất nội rởm, khiến nàng dịu bớt thói đáo để, cậy đẹp, cậy giầu, thích lấn át người. Khôn ngoan cũng thể đàn bà! Thế nên đàn bà mới cần có người đàn ông. Nhắc lại chuyện nọ, Nhàng nói vậy. Rồi hỏi tôi: “Em có đáng trách không? Anh còn yêu em không?” Ôi, Nhàng của tôi. Sao Nhàng lại đặt ra một câu hỏi thừa như thế? Thử hỏi, nếu cuộc đời không có Nhàng, chứ đừng nói là tôi không được yêu Nhàng, thì sự thể sẽ làm sao. Sẽ bình bình, đều đều, sẽ phẳng bẹt, sẽ buồn tẻ, sẽ chán chết. Chứ có đâu cuộc sống trở nên đa tạp, đa sắc, lắm mùi vị, lý thú đến như thế!

Tuy nhiên trước khi đi vào việc tìm hiểu cái dại, cái khôn của Nhàng, của con người ta nói chung, phải hiểu thế nào là dại, thế nào là khôn cái đã. Là bởi vì, có cái dại là dại - khôn, có cái khôn  là khôn - dại. Thế cho nên  Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mới có câu thơ mang mùi vị lỡm cợt sau đây: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn xôn xao (Xin mở cái ngoặc để Nhàng dễ hiểu: Chốn lao xao ở trong văn cảnh này là chốn cờ bạc đó). Còn bây giờ, thì cứ cho là Nhàng dại thật trong cái vụ bị mấy cái đứa tiếp thị nó lừa đi. Thì phải thấy điều này: Con người là thế, phải ngu ngơ, hồ đồ, ngây dại, sơ sểnh mắc lừa một tí mới là con người thật. Ấy thế!  Cho nên chẳng nên góc gách nghiệt ngã tính toán chi li làm gì. Tục ngữ Tày – Nùng có câu: Chưa quên cái dại đã già. Tục ngữ Việt thì nói: Học khôn học đến già. Nghĩa rằng là, ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần ở đời cái khôn và cái dại là một cặp bài trùng, chúng đi liền với nhau. Và con người ta ai mà chẳng có lúc dại, có lúc khôn. Đang khôn có khi lại dại. Mà đang dại có khi lại trở nên khôn. Chứ có ai suốt đời chỉ rặt khôn là khôn. Những người cả đời không bao giờ dại, là kẻ lõi đời, là kẻ khôn ăn người. Gặp cái loại người khôn đến quắt cả người, sống với loại người ấy, chắc chắn là không sung sướng gì !Vì lúc nào cũng phải đề phòng, lơ tơ mơ là họ ăn thịt mình luôn đấy. Sống với người quá khôn thật là sợ lắm! Còn Nhàng ơi, cái lúc Nhàng mắc vòng dại dột ấy mà, trông Nhàng ngây thơ ngơ ngác, đáng yêu lắm, Nhàng à. Thêm nữa, Nhàng cũng nên nhớ. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Khôn ngoan cũng chẳng lọt qua vành ông Tạo. Được làm người, được yêu thương nhau là phúc lớn rồi. Được làm người, được yêu Nhàng và được Nhàng yêu là hạnh phúc lớn lắm rồi, Nhàng ơi!      

 

(Nguồn Tạp chí Văn nghệ quân đội)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...