Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Tâm tư Nhà văn trẻ trước ngày khai mạc Hội nghị VIII

Phong Lan (thực hiện) - 20-08-2011 10:56:40 AM

VanVN.Net - Trước ngày khai mạc Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần VIII, vanvn.net có cuộc trò chuyện với các tác giả hiện đang sống, viết và hoạt động ở nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực khác nhau để phần nào hiểu thêm những trăn trở, băn khoăn của người viết trẻ trước đời sống và tương lai văn học nước nhà…

 

1. Theo quan điểm của anh/ chị, thế nào là “nhà văn trẻ”?

Tác giả Nguyễn Phú

- Nguyễn Phú – Giảng viên Học viện Biên phòng (Sơn Tây – Hà Nội): Vấn đề định ra tiêu chí để xếp cây bút A, người viết B…vào đội ngũ nhà văn trẻ đã gây ra nhiều tranh cãi trong giới văn chương, nhất là trước thềm các Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc. Người cho rằng: nhà văn trẻ là trẻ ở tuổi nghề. Người lại bảo: nghệ sĩ “không có tuổi” nên trẻ ở đây là trẻ về phong cách viết. Người thì khẳng định: nhà văn trẻ thì tuổi phải trẻ! Tôi thấy tiêu chí cuối cùng rõ ràng, rạch ròi nhất, sẽ ít gây ra các cuộc tranh cãi tùm lum, vô bổ.

- Miên Di – Làm kinh doanh (Gia Lai): Là nhà văn chưa thấy mình… già.

- Uông Triều – BTV Tạp chí Văn nghệ quân đội: Một vài người có vẻ không hài lòng khi bị gọi là “nhà văn trẻ”, tôi thì khoái điều này, trẻ là trẻ trung tươi mới, hăm hở và nhiệt huyết. Già thì có gì mà hay, người ta phải mất bao nhiêu tiền bạc và công sức để làm cho cho trẻ, sao ta lại từ chối nó. Trẻ không có nghĩa là non, tôi không nghĩ rằng người ta ngây thơ khi suy nghĩ như vậy.

- Nie Thanh Mai – Phó Chủ tịch Hội VHNT Đăk Lăk (Đăk Lăk): Tôi nghĩ cụm từ “ Nhà văn trẻ” không chỉ khoanh vùng ở độ tuổi (chẳng hạn con số dưới 35 như yêu cầu của Hội Nhà văn đặt ra cho tiêu chí những người viết văn tham gia Hội nghị lần thứ 8 này) mà trẻ cả ở “tuổi văn chương”, trẻ trong suy nghĩ, cách nhìn nhận cuộc sống, tư duy trong sáng tác. Cũng có nghĩa là có những cách thể hiện thực sự mới, sáng tạo và có sự bứt phá của bản thân mình.

- Ngô Hương Giang – Học Thạc sỹ văn học tại Đại học sư phạm Huế (TP Huế): Theo quan niệm của cá nhân tôi, nhà văn trẻ là người cầm bút đang lớn về tư tưởng và phong cách. Nói như vậy có nghĩa, tuổi nghề và tuổi đời cũng đồng thuận cùng với quá trình “đang lớn ấy”.

 

2. Trong số các nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, có không ít nhà văn thành danh ngay từ khi còn rất ít tuổi như: Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Huy Cận, Hàn Mặc Tử… Theo anh/ chị, tài năng có phụ thuộc vào độ tuổi không?

    - Nguyễn Phú: Theo tôi, tài năng văn chương không tỉ lệ thuận với tuổi đời. Sống lâu, viết nhiều… nhà văn có kinh nghiệm, có thể viết chắc tay… Nhưng không có nghĩa càng viết càng hay. Trừ trường hợp thần đồng, còn phần lớn đỉnh cao trong nghiệp viết của các nhà văn là ở quãng đời mà trí lực dồi dào nhất, từ 20 - 50 tuổi.

    Tác giả Miên Di

    - Miên Di: Theo tôi, tài năng văn chương phụ thuộc vào thiên tư, và mức độ hàm chứa bi kịch tại thời kỳ xã hội mà anh/ chị ta sống. Khi một nhà văn bằng tác phẩm của mình đi vào lịch sử, thì đó là một Kẻ Được Chọn, để nói thay cho cả xã hội, để lấy mũi nhọn thiên tư của mình điêu khắc lịch sử. Độ tuổi chỉ tạo nên hiện tượng chứ không tạo nên một sự nghiệp nhà văn. Cái tạo nên nhà văn là chất liệu sống mà anh/ chị ta gặt hái, thu lượm được trong một thời kỳ xã hội. Rồi bằng cả một cuộc đời văn chương của mình đã nói giúp cho xã hội được những gì, đã điêu khắc vào lịch sử được những dấu ấn gì.

    - Uông Triều: Tất nhiên là không rồi, như chị liệt kê đấy thôi. Cho nên không dại gì mà lại nhận là không trẻ. Cũng có những thứ phải già, phải kĩ mới tốt nhưng tôi cho rằng văn chương nghệ thuật nằm ngoài quy luật đó.

    - Nie Thanh Mai: Đã gọi là tài năng thì trời phú. Trời cho thì không cần độ tuổi. Chỉ có điều là mức độ cao hay thấp, thật sự hay ảo giác thôi chị ạ.

    - Ngô Hương Giang: Theo tôi, tài năng không phải tự nhiên mà có, dù muốn hay không thì khả năng thiên bẩm phải được mài rũa bởi thời gian, vì thời gian cho họ kinh nghiệm cũng như độ chín trong nhận thức. Những trường hợp như Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Huy Cận, Hàn Mặc Tử… họ thành danh ở độ tuổi rất trẻ không phải vì khả năng thiên bẩm của họ quy định họ là thiên tài, mà là do họ đã “giác ngộ” hoặc biết- tìm- ra đường đi khá sớm. Tất nhiên, bên cạnh quá trình tự tìm kiếm phong cách và quan niệm sáng tác như trên tôi đã đề cập, thì không loại trừ môi trường bên ngoài  (môi trường giáo dục, môi trường xã hội, môi sinh văn học…) cũng có vai trò nhất định trong việc hình thành tài năng ở họ. Nhưng dù thế nào đi nữa, thì các tác gia trên đều là những “phu chữ” không mệt mỏi ngay từ khi họ ý thức được người-thơ, người-văn có trong mình.

     

    3. Anh/ chị đều đã có khoảng thời gian viết văn, làm thơ không ngắn, với sự quan sát và trải nghiệm của người đang cầm bút, anh/ chị đánh giá về phong trào sáng tác trẻ hiện nay ra sao? Cụ thể tại địa phương anh/ chị đang sống và hoạt động văn chương?

    Tác giả Nie Thanh Mai

    - Nie Thanh Mai: Tôi thấy chưa bao giờ cái sự viết văn làm thơ lại được người ta ngày nay yêu thích đến thế. Đôi khi danh xưng “nhà văn” được sử dụng một cách tràn lan và dễ dãi như bây giờ. Người người viết văn, nhà nhà làm thơ. Đó là điều mà những người thích và được cầm bút cũng thích - mà cũng có khi rất thích vì văn chương được xem trọng thì có nghĩa người cầm bút cũng nâng lên một nấc cao hơn chăng. Nhưng có điều buồn – hoang mang – thậm chí hoảng hốt cũng không ít vì đôi lúc thấy mình xếp cùng với những văn chương nửa mùa.

    Nói vậy, nhưng tôi không dám gọi cuộc trò chuyện này là việc đánh giá phong trào sáng tác trẻ hiện nay đâu chị ạ. Bởi nghe nó to tát quá. Tôi không thể đánh giá nếu tôi không đứng trên cao thật cao để nhìn tất cả mọi điều một cách bao quát bởi bây giờ tôi đang lọt giữa mê cung ấy cơ mà.

    Mà cũng chính lọt giữa – quanh quẩn mà tôi nhìn thấy cũng khá rõ về hiện thực của tình hình sáng tác trẻ của Tây nguyên nói chung, Đak Lak nói riêng. Lặng lẽ, chưa có nhiều bứt phá và nhất là người viết trẻ tại Tây Nguyên dường như không có mối liên lạc gì với nhau, mà hình như cũng không mấy khi đọc tác phẩm của nhau.  Điều đó cũng không quan trọng lắm bằng việc sáng tác của họ dấu ấn vùng đất không rõ ràng, vùng đất Tây Nguyên trong tác phẩm của các cây viết trẻ ở đây dường như bỏ ngỏ.

    Đak Lak của tôi tìm sự khả quan ở lực lượng trẻ cũng có hy vọng ở những cái tên cũng mới như H Trem Khul, và mới hơn là H Phila, H Wera (Khoa viết văn - trường ĐH nghệ thuật quân đội), H Xíu H mok (Khoa báo chí - Trường KH XH và nhân văn TP HCM), H Siêu Bya (Trường Đại học Tây Nguyên) vừa được kết nạp vào hội VHNT Đak Lak và một lực lượng rất trẻ từ trường DTNT Tỉnh và các lứa sáng tác Hạ Xanh dành cho thiếu nhi mỗi năm. Nhưng sự khởi động còn yêu yếu, tình yêu văn chương cũng không dữ dội và mãnh liệt để tạo sự khởi sắc cho văn học tỉnh nhà, văn học Tây Nguyên thì còn phải bàn nhiều hơn nữa.

    - Nguyễn Phú: Nhiều người kêu than văn đàn im ắng, văn trẻ đang…ngủ, văn trẻ mờ nhạt…v.v. Tôi không hoàn toàn đồng tình với những lời than vãn đó. Văn trẻ những năm qua, cùng với sự trợ lực của các phương tiện truyền thông đang trở thành một phong trào rất rộng, sôi nổi. Nhiều hướng đi, nhiều thử nghiệm mới. Chúng ta cũng có thể vui mừng nhận thấy nhiều người viết trẻ đã dám vượt lên sự đè níu, cào xé của gánh nặng cơm áo gạo tiền để sống chết với văn chương. Nhưng phải sòng phẳng với nhau rằng: Văn trẻ thời gian qua thiếu những đỉnh cao, thiếu những phong cách thực sự độc đáo, ưu tú. Phong cách đám đông hay cách tân ma trận, mù tịt, lai căng… cũng dễ gặp trong sáng tác của không ít cây bút trẻ.

       Tôi đang ở Hà Nội, nhưng chỉ xin nói vài suy nghĩ về văn trẻ Quân đội, bởi tôi là một người lính. Văn chương Quân đội thời hoàng kim về đội ngũ và tác phẩm đã qua lâu rồi. Những người viết trẻ trong Quân đội hiện nay thì tôi chỉ thấy yên tâm về đội ngũ các nhà văn thuộc thế hệ 7X, phần lớn họ đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội. Nhưng cứ theo tiêu chí mà tôi vừa nói ở trên thì họ cũng không còn trẻ nữa, đều trên dưới 40 tuổi. Các cây bút 8X, 9X của Quân đội, họ ở đâu, họ là ai? Chỉ có thể điểm ra vài gương mặt. Tôi thực sự lo lắng trước sự thiếu vắng các cây bút trẻ Quân đội. Ngay như ở Hội nghị VIII sắp tới, Quân đội cũng chỉ dăm bảy đại biểu tham gia mà vẫn phải “vớt” trường hợp quá tuổi, rồi có đến một nửa số đại biểu là các tác giả dân sự mới đầu quân cho Quân đội.

    - Miên Di: Giai đoạn văn học hiện nay là một thời kỳ văn chương quá độ, đây là lúc các hệ giá trị cũ, hệ mỹ học cũ đang tan rã, trong khi các “hệ hình mới” (chữ của Inrasara) chưa kịp hình thành. Điều đó dẫn đến một thực trạng tất yếu là nghệ thuật sáng tạo và nghệ thuật cảm thụ chưa hiểu nhau, chưa tìm thấy được nhịp điệu chung để có thể đồng cảm với nhau.

    Trong giai đoạn này, những người viết văn trẻ cần phải nỗ lực hơn nữa, cần trăn trở hơn nữa. Bởi chính những người trẻ là những người đang mang cảm thức đương đại đậm nét nhất. Để cùng chung sức xác lập nên một dung mạo nghệ thuật mới nồng nàn hơi thở đương đại. Nhìn chung, phong trào sáng tác trẻ đã sinh ra được nhiều cái mới, nhưng những cái mới ấy chưa vừa vặn lắm với văn hóa cảm thụ và tâm hồn người Việt đương đại. Và, chưa rủ rê được khuynh hướng cảm thụ của cộng đồng theo kịp những thay đổi. Thay đổi là tất yếu, nhưng sự thay dổi của văn chương trẻ hiện nay có thể ví von là: mới chỉ đang dò nhưng chưa thấy sóng.

    Đối với phong trào sáng tác tại địa phương thì cũng không nằm ngoài bối cảnh chung vừa nêu trên đây. Nên dù phong trào sáng tác địa phương có cố gắng thì mới chỉ thấy chiều rộng hiện ra, chứ tầm cao thì chưa thể có ngay được.

    - Uông Triều: Tôi thấy mọi người cứ phóng đại quá về những người trẻ rằng phải thế này, thế kia. Nhưng cứ nhìn mà xem, người trẻ làm được khối việc. Chúng tôi tự hào về một thế hệ trẻ trung, văn chương cũng theo quy luật khách quan, tự nó sẽ điều chỉnh, không cần dạy dỗ nó phải như thế nào. Tôi cho rằng người trẻ đang làm tốt cả ở địa phương hay trung ương.

    Ngô Hương Giang

    - Ngô Hương Giang: Theo tôi, phong trào sáng tác trẻ hiện nay không đồng đều giữa các địa phương trong cả nước. Cũng dễ hiểu, một phần vì sự biến động của xã hội toàn cầu, nhưng quan trọng hơn là thiếu - đam mê trong nghề viết ở giới trẻ. Điểm đầu tiên thì đã rõ. Tôi muốn nhấn mạnh hơn đến điểm thứ hai. Phần nhiều, ngoại trừ những tác giả đã thành danh thì những người mới bước chân vào nghề viết, việc tìm kiếm sự đam mê, phải quên ăn quên ngủ, thức trắng đêm để trăn trở cho đường viết không phải phổ biến như trước. Trước đây, không nói xa xôi, ngay Huế là nơi có thể xem như một trong những địa phương có truyền thống thơ văn của cả nước, những thế hệ như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Thùy Mai, Hồ Thế Hà, Trần Huyền Sâm… đều là những người: sống - để - viết. Lối viết của họ đã định hình thành các khuynh hướng thơ văn rõ rệt. Nói điều ấy không có nghĩa là đam mê sáng tác hôm nay ở Huế không còn nữa, mà, nó đã chuyển sang hướng khác: thực dụng và ít thi vị hơn. Tôi nghĩ, viết văn phải có đam mê. Vì đam mê sản sinh ra trầm tư và cô đơn, mà sáng tác văn chương sẽ mờ nhạt nếu nó thiếu đi hai đặc trưng then chốt trên.

    4. Anh/ chị nhận thấy tác phẩm của mình được độc giả đón nhận như thế nào? Theo cảm nhận của anh/ chị, bạn đọc đang cần nhất điều gì ở lực lượng sáng tác trẻ?

      - Nguyễn Phú: Nhiều người khen và không ít người thờ ơ. Nhưng đó cũng chỉ là một kênh thông tin tác động phần nào đến quá trình viết của tôi. Còn viết gì, viết như thế nào quyết định là ở chính người cầm bút.

      Tôi nghĩ bạn đọc đang mong chờ những tác phẩm (dù viết về vấn đề gì: cái tôi cá nhân, hay dân tộc, thời đại…v.v) phải có phong cách mới, thử nghiệm mới, song nó phải dựa trên nền văn hóa lâu đời của dân tộc, trong sự trong sáng, giàu có của tiếng Việt.

      - Miên Di: Như đã nói, giai đoạn văn học này là thời kỳ văn chương quá độ. Chúng tôi – những người viết trẻ không thể nuông chiều lối cảm thụ cũ của độc giả mà từ bỏ sáng tạo, từ bỏ trách nhiệm đi trước quán tính xã hội của văn chương. Vì thế, tác phẩm của chúng tôi khi tiếp cận độc giả đã gặp rất nhiều sự dị ứng, bởi độc giả hiện nay phần lớn vẫn còn rung động theo những nhịp cảm xúc cũ. Để thay đổi tập tính cảm thụ của độc giả đã thâm canh trong những cánh đồng văn chương kinh điển, không phải việc có thể làm được trong một sớm một chiều. Chúng tôi ý thức được việc ấy, nên sẵn sàng đón nhận mọi sự phán xét của độc giả, và xem đó như một kênh tham khảo để hoàn thiện mình hơn.

      Nói thêm rằng, ở thời điểm này, rất cần sự kiên trì không chỉ ở người viết, mà ở cả người đọc. Văn chương không phải như một bữa ăn, muốn thịnh soạn chỉ cần… nhóm bếp và ra chợ. Nó phải đợi sự chín tới của lịch sử, và sự vật vã để trưởng thành của người viết.

      Chúng tôi - những người viết trẻ vẫn tự nhủ rằng: mọi hình thức sáng tạo nên phát triển theo hướng làm đẹp thêm một căn đế nghệ thuật bất biến là yếu tố nhân văn và nhân bản. Theo tôi, đây là điều độc giả đang cần nhất ở lực lượng sáng tác trẻ. Và xin độc giả thông cảm trong lúc chờ đợi chúng tôi.

      Tác giả Uông Triều

      - Uông Triều: Một vài người thích tôi, một vài người không thích, một số khác không nói gì. Mỗi người có quyền và thẩm mỹ riêng, tôi không đau khổ hay phát cuồng khi được khen hoặc chê. Bạn đọc trông chờ gì người trẻ chúng tôi à, (cả những người già nữa chứ) hai chữ thôi: mới và hay.

      - Nie Thanh Mai: Tôi viết về Tây Nguyên theo cách riêng của mình. Có người bảo hiện đại. Có người bảo nửa mùa vì tôi không duy trì cách viết truyền thống của nhà sàn, bếp lửa, con voi con gà con bò… Trong khi cuộc sống của Tây nguyên bây giờ thay đổi nhiều đến mức kinh ngạc, người đồng bào ở nhà xây - nhà sàn bằng bê tông, đi xe máy không đi Dream mà lên Air Blade, Lead… từ lâu rồi.

      Tôi muốn viết về Tây Nguyên bằng cái nhìn của người trẻ. Bởi tôi nghĩ đó là điều mà người đọc cần nhất ở một nhà văn trẻ tại Tây Nguyên.

      - Ngô Hương Giang: Ở vế thứ nhất của câu hỏi, tôi xin phép không trả lời vì điều ấy nằm ở phía bạn đọc. Ở vế thứ hai của câu hỏi, theo tôi với vị trí của người đọc những tác phẩm của các nhà văn khác, thì bạn đọc cần ở lực lượng sáng tác trẻ hai điều chính: thứ nhất là đam mê sáng tác và thứ hai, là cá tính sáng tạo ở họ. Hai điểm này có quan hệ biện chứng với nhau và cùng hướng đến khoái cảm văn bản nơi bạn đọc. Niềm đam mê thì như tôi đã nói ở trên. Nhưng đam mê thôi thì chưa đủ, một nhà văn trẻ cần thiết phải là người có cá tính sáng tạo. Họ cần chấp nhận búa rìu dư luận xung quanh để đổi lấy sự thật, phải biết chấp nhận sống trong cô đơn và viết trong cô độc. Thông qua cá tính sáng tạo, bạn đọc sẽ nhận thấy ở họ đặc trưng phong cách cũng như tư tưởng cá biệt mà tôi đã đề cập đến trong câu hỏi đầu tiên.

       

      5. Anh/ chị suy nghĩ gì về trách nhiệm của người cầm bút đối với văn học nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung?

        - Nguyễn Phú: Người cầm bút cần nghiêm túc với công việc của mình, có trách nhiệm với những gì mình sẽ viết ra. Đó là cách thể trách nhiệm nhà văn với sự phát triển văn học; trách nhiệm công dân trước sự phát triển văn hóa nói riêng, sự thịnh vượng của dân tộc nói chung một cách lặng lẽ mà đáng trân trọng nhất.

        - Miên Di: Đây là câu hỏi lớn, không thể trả lời vắn vỏi trong vài dòng mà hết được. Mời bạn đón đọc tham luận của tôi trong Đại hội Những người viết văn trẻ lần này.

        - Uông Triều: Mỗi người có một nghề và hãy làm cho tốt: Ông thầy dạy học, thợ xây xây nhà, lao công quét sạch đường, công an bắt đúng tội phạm, cầu thủ ghi bàn thắng và nhà văn thì viết tác phẩm. Trách nhiệm hiểu đơn giản là trách nhiệm nghề nghiệp và nghĩa vụ công dân, đừng nên to tát làm gì. Văn chương là một nghề.

        - Nie Thanh Mai: Thú thật tôi rất sợ những câu hỏi như thế này cũng như sợ phải nói những điều to lớn. Chỉ đơn giản thấy nợ nần với vùng đất sinh ra, chăm bẵm đã nuôi dưỡng mình. Tôi viết để người không ở Tây nguyên đọc tôi cũng  yêu Tây nguyên như tôi thôi.

        - Ngô Hương Giang: Một người cầm bút, theo tôi cần thiết phải là người nuôi ý tưởng làm thay đổi những yếu tố cũ không còn phù hợp với đất nước. Tôi nói là thay đổi chứ không phải là gạt bỏ, nói đúng ra là tạm gác lại và để những yếu tố cũ- không còn phù hợp ấy trong “ngoặc đơn” của nhận thức. Một đất nước có nền văn hóa- văn học mạnh, bên cạnh bản sắc dân tộc còn cần tri thức khoa học tiến bộ. Thiếu đi tri thức khoa học tiến bộ, chúng ta nghiễm nhiên khép mình vào số những “người ăn mày dĩ vãng”. Tất nhiên, tri thức khoa học tiến bộ phải phù hợp, nghĩa là có chọn lọc. Nhưng cốt yếu nhất là phải làm thay đổi nhận thức của người sáng tác. Đổi mới trong phong cách sáng tạo thì không khó, nhưng đổi mới trong nhận thức sáng tạo thì rất khó. Và nhiệm vụ của các nhà văn nói chung, trong đó có các nhà văn trẻ là phải làm được điều đó.

          

        6. Nếu được chọn làm đại biểu tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần VIII, anh/ chị có cảm nghĩ gì?

          - Nguyễn Phú: Tôi thấy vui. Đây là cuộc hội ngộ rất ý nghĩa của các cây bút trẻ cả nước. Là cuộc điểm danh thế hệ nhà văn mới. Không phải ai trong cuộc đời cầm bút cũng có được vinh dự này. Tôi tin mình sẽ có một chuyến đi thú vị.

          - Miên Di: Tôi chợt nhớ lại tuổi thơ, lúc đi học về hớn hở khoe mẹ điểm Mười, rồi được mẹ… hôn vào má.

          - Uông Triều: Tôi sẽ gặp được một số người tôi muốn gặp và lắng nghe họ nói. Một cơ hội để xốc lại đội hình và điểm quân, cũng có thể thêm cảm hứng để viết. Không phải bao giờ cũng có cơ hội như vậy.

          - Nie Thanh Mai: Cách đây 5 năm, tôi cũng được hỏi câu này. Lúc đó tôi trả lời là rất hạnh phúc, rất sung sướng. Nhưng sau khi dự Hội nghị lần đó về tôi khá sốc. Phải lâu thật lâu sau đó mới bình tâm viết lách trở lại. Có lẽ tại tôi quen sống ở núi, xa thành phố nên những cuộc này cuộc kia tôi là người quá lạc hậu nên vậy chăng? Nhưng cũng nhờ lần hội nghị thứ VI tôi đã cố gắng bứt phá với chính bản thân mình khá nhiều. Tại vì tôi sợ mình không ai biết, chỉ có điều không thay đổi được cục diện bao nhiêu.

          Với Hội nghị lần này, tôi không trả lời rằng mình rất hạnh phúc, rất sung sướng nữa dù cảm giác cũ vẫn còn. Tôi trông chờ nhiều điều ở Hội nghị lần thứ VIII này quá đi. 

          - Ngô Hương Giang: Tôi thấy vinh dự kèm lẫn lo âu. Là đại biểu tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần VIII, với tôi, đó là vinh dự lớn, nhưng kèm với vinh dự bao giờ cũng là trách nhiệm: trách nhiệm với mình và trách nhiệm với mọi người.

          Xin cảm ơn các anh/ chị đã dành thời gian trò chuyện. Xin chúc anh/ chị dồi dào sức khỏe và sáng tạo.

            Lên đầu trang

            Tiêu đề

            Hiện tại không có bình luận nào.

            Viết bình luận của bạn


            Thư giãn  

            Câu đối trúng tâm tư

            VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

            Nhà văn đọc sách  

            Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

            VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

            Tư liệu  

            Hoài Thanh với văn chương và hành động

            VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...