Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Truyện ngắn: “Soirée trắng không dành cho búp bê hư” – Tuệ An

14-10-2011 03:28:14 PM

Tôi ngồi nhìn cô gái ấy dựa hẳn vào góc nhà, lặng lẽ. ánh mắt sâu lắng chất chứa nỗi buồn thẳm được khéo léo phủ mờ bằng nụ cười kín đáo rất nhẹ. Bàn tay tôi ôm lấy vùng eo cô, mân mê những đường viền đăng ten. Đôi môi cong dường như hơi bối rối. Những gam màu uyển chuyển từ phơn phớt trắng ngà nơi chiếc cần cổ cao tới ửng hồng trên đôi gò má. Người đối diện phải thật lắng yên mà ngắm nhìn vì sợ chỉ một cử động nhẹ cũng làm tan mất làn hơi phập phồng trên cánh mũi thanh tú của cô.

Đáng ra phải vui lên chứ? Dáng mình mảnh mai trong những tầng soirée trắng. Tán mũ rộng hơi rũ xuống. Soirée trắng, soirée trắng, trên tà voan mỏng những giọt đọng lấp lánh tựa như kim sa. Tôi rùng mình, tin chắc đó là nước mắt. Chành chạnh.

Tôi ném mạnh cô vào bức tường, tấm voan rộng kéo theo bình hoa trên quỹ đạo bay của nó. Tiếng những mảnh gốm vỡ loảng xoảng. Những vết cứa xước làm dập nát cánh Rain Lily mỏng mảnh. Tôi cúi xuống nhặt những cành hoa phớt hồng mềm mại như nước với những vết nhựa ứa rồi tiện tay thả vào sọt rác. Tôi không cần nữa. Muộn rồi.

*

Tôi leo lên bậu cửa sổ ngồi nhìn ra biển. Đêm đen mịt mù, chỉ nghe tiếng sóng động. Tự dưng tôi nghĩ tới nàng công chúa út tội nghiệp của biển và thèm tan được thành bọt nước.

Mười năm trước tôi đã phải dứt hẳn những nét cười trong veo của tuổi thơ bé dại như thế. Đêm là khi căn nhà tôi thức. Những giấc ngủ không bao giờ trọn vẹn, tôi như kẻ mộng du lang thang và lặng lẽ khóc. Mẹ hai nghỉ làm nhưng lại nhận thêm việc ở nhà. Những bản thảo dịch dang dở đặt trên bàn và ánh đèn vàng ấm len trong cái lạnh lẽo ngột ngạt của ngôi nhà lớn. Tôi không hiểu mẹ hai ngủ vào lúc nào.

Rồi bố tôi cũng tự tử được – sau bao lần không thành. Trước đó, tôi có nghe tiếng ông gắt ra. Cuộc sống thế là quá đủ rồi. Quá đủ, vâng, quá đủ. Mẹ hai nhấn nhá lại từng chữ. Họ không biết tôi đang lắng nghe và vụn vỡ từng mảng ký ức của mình. Ngột ngạt. Tôi thấy ngột ngạt vì không đủ, tôi thèm khát bao nhiêu thứ. Một con búp bê do chính bố tôi mua cho mà cả tuổi thơ dài tôi túng thiếu.

*

Anh ghé môi tựa như nói nhỏ mà cố tình cắn nhẹ tai tôi vờ mắng:

- Lớn rồi còn hay đòi mua búp bê. Em hư quá. Anh đâu phải bố của em?

Tôi tự dưng im lặng trước câu nói đùa của anh. Dù biết anh chỉ trêu chọc cho tôi cự nự chứ bao giờ anh cũng chiều những đòi hỏi của tôi. Và mỗi khi đi công tác ở đâu, anh vẫn nhớ kiếm mua món quà mà tôi đã qua lứa tuổi đáng được phép chơi. Búp bê nằm, ngồi, đứng trong những ngăn kệ xinh xắn của chiếc tủ gỗ pơ mu mà anh thuê người về đóng và cả trên giường, ghế salon. Anh gọi căn hộ của tôi là ngôi nhà búp bê.

Anh chở tôi về đến tận cầu thang chung cư. Bàn tay anh luồn vào sau gáy ve vuốt mớ tóc xoăn mềm từng lọn của tôi. Mắt tôi phụng phịu. Anh ôm gọn lấy tôi mà hôn. Môi anh dày, ấm nóng với hơi thở gấp gáp, ẩm ướt đang chảy tràn trên khuôn mặt tôi. Khẽ đẩy anh ra, nhưng giữ khoảng cách vừa đủ nửa tầm tay để ánh mắt được nhìn thẳng vào nhau. Tôi bảo:

- Em mong cứ mãi có anh thế này. Em cần người để ôm chặt lấy, dựa dẫm vào.

Anh im lặng không trả lời tôi. Những ngón tay măng dài như cánh hoa ngậm sữa của tôi lần tìm vết chai trên bàn tay thô ráp của anh. Mồ hôi rìn rịn mải miết như nắn chặt hơn miền da thịt cho tôi hiểu rằng có điều gì đó bất an đang diễn ra. Nhưng không gian ướp đượm hương  gỗ đỏ từ cơ thể anh lại nhấn chìm và đánh lừa tôi lần nữa, bởi đó là thứ mùi luôn đem lại cho tôi cảm giác ấm áp và tin cậy.

Tôi lại lần nữa bị nhấn chìm. Không rơi chạm đáy. Tựa như cơ thể mình bồng bềnh trôi. Lưng chừng, lưng chừng.

*

Tôi kể cho anh về người nghệ nhân có những nét chân chim rằn rịt trên gương mặt. Đôi mắt ông sáng, hơi nét khắc khổ. Ông thường đứng bên cạnh bể lắng, kiểm tra thứ đất sét trắng nhão đã thành hồ. Gia đình ông mười mấy đời gắn với nghề gốm sứ. Không cam chịu chỉ ôm lấy chừng đó vốn kiến thức tay nghề truyền lại của cha chú mình, ông dành thời trai trẻ bôn ba tứ xứ học nghề, muốn tạo được nhiều dáng hình hài tinh tế hơn việc đơn thuần “vuốt tay, be chạch” trên bàn xoay. Sau khi tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Huế, ông sang Nhật, gắn bó chừng mười năm rồi sang Nga vẫn nặng tình với gốm sứ. Trong một cuộc triển lãm tại Pháp, như cơ duyên, một người bạn đã giữ chân ông lại với việc chế tác búp bê mô phỏng. Hồn gốm sứ từ dòng máu sinh ra đã quyến luyến với những nét vẽ mỏng khi chế tác những con búp bê gỗ Kokeshi ở Nhật hay Matryoska ở Nga. Những cô búp bê sứ ông tạo ra đẹp tinh tế như tình yêu của đất trời, mang cả hồn gốm mong manh.

Ông như chim trời, không ai buộc chân được. Kể cả người đàn bà đi biển một mình để sinh hạ cho ông đứa con gái nhỏ luôn thèm khát búp bê. Mẹ tôi giữ lấy lời hẹn ước tấm áo soirée trắng và giọt máu của ông mà chờ đợi. Tôi thành đứa mồ côi. Mồ côi đúng nghĩa khi mẹ tôi nửa đêm mộng du chạy ra sông, nơi bến trăng mà ngày trước cha mẹ tôi vẫn thường hò hẹn. Từ đó bà không về được nữa.

Dù sao thì bố tôi cũng đã trở về, bằng xương bằng thịt chứ không phải từ những ảo vọng của riêng tôi. Ông trở về để rồi ra đi mãi mãi.

Tôi thầm cảm ơn cái chết đã đưa mẹ tôi đi. Nếu bà còn sống, chắc hẳn là bà phải đau đớn lắm. Vì thế bà đã không phải biết rằng bố tôi trở về cùng mẹ hai, một người đàn bà đẹp, hiện đại, rất am hiểu lĩnh vực nghệ thuật của ông. Và cái may mắn cho tôi là mẹ hai tôi cũng hiểu đời. 

Tai nạn đến với bố tôi. Ông không chấp nhận được điều đó, cuộc đời phóng túng và mải mê bay của chim trời giờ gói lại trong một cái lồng chật hẹp. Mẹ hai thành người phục vụ và cũng thành người kiếm tiền chính trong nhà. Thi thoảng đêm khuya bà bất chợt đi ra và gặp tôi đang lang thang mộng du. Bà ôm lấy tôi thật chặt, tôi mơ hồ cảm nhận được hơi ấm thịt da của một ai đó và những giọt nước mắt mặn ngắt của linh hồn mẹ tôi. Tôi không biết tại sao mình lại khóc nức nở như thế, tôi không biết ai đang khóc, nước mắt ướt đẫm gương mặt trắng như đá cẩm thạch của mẹ tôi ngày nào. Rõ ràng cảm giác tủi thân và bất an đang xâm chiếm lấy mình, nhưng tôi không hiểu điều gì đang diễn ra khiến tôi hành động như vậy. Cuối cùng mẹ hai cũng dỗ dành được tôi về giường ngủ, bà cẩn thận khóa trái cửa lại. Bà sợ. Chẳng phải là mẹ tôi đã chết vì một cơn mộng du giữa đêm đó sao?

Bố tôi luôn là người tỉnh táo nhất. Thế gian này vốn dĩ đã vậy, sự tỉnh táo và tư duy logic luôn vượt trội ở người đàn ông, dù họ có là người làm nghệ thuật đi nữa, biết rạch ròi từng thứ và coi tình yêu là một phần nào đó nên có trong những bước đi mà cuộc đời họ đã vạch định sẵn. Còn đàn bà, như mẹ tôi, như má hai, họ đẹp, họ thông minh, họ sâu sắc,… thì họ cũng chỉ đến độ cái cơi đựng trầu mà thôi. Họ nông cạn và khờ dại biết bao nhiêu, nên mới lấy con tim mà thay trí óc và coi tình yêu là tất cả những gì họ có, nhận rõ được những hành động đốn mạt của người đàn ông vô trách nhiệm đó, vậy mà vẫn có thể lao theo được như những cánh thiêu thân.

Cũng bởi tỉnh táo mà bố tôi hiểu rõ hơn ai hết cái tàn phế của mình. Ông lựa chọn cái chết. Những con búp bê của ông mới thực bắt đầu bước ra cuộc sống.

*

Mẹ hai thương tôi. Thực ra có thể nói chúng tôi cùng một thế hệ và chung một nỗi buồn. Bà hơn tôi mười hai tuổi. Những con mèo tội nghiệp lạc lõng và cô độc nhưng lại có thể vờ như dửng dưng với tất cả bởi lòng kiêu hãnh ẩn sâu.

Tôi rời khỏi ngôi nhà nhìn ra phía biển mà mình đã lớn lên. Thôi nhé, những ngày đi đón mặt trời. Dọn vào trung tâm thành phố có khi lại là điều hay với tôi, ít ra nơi đó tôi đã bắt đầu đến với anh.

Tôi yêu những cử chỉ tận tâm của anh. Và quen thuộc đến ám ảnh mãi sau này, khi tôi đã xa rời anh, là hình ảnh lần đầu tiên hẹn hò đó, anh đứng chờ tôi nơi góc ngã tư Đề Thám – Trần Hưng Đạo. Hôm đó, ánh đèn vàng rải rắc trên phố và những trái dầu con rái xoay xoay bay trong gió vào cả giấc mơ tôi.

Cứ ngỡ là mãi mãi bền lâu, nhưng cõi đời này, những gì đẹp đẽ thường mong manh dễ nát như cánh Rain Lily hay dễ vỡ vụn như gốm. Tôi chỉ thấy buồn bã khi chia tay với anh, tuyệt nhiên không hằn thù hay bực tức, dù sao tôi cũng là người nói lời cuối cùng.

“Tình yêu là kiên nhẫn, mọi thứ khác chỉ là nóng vội.”

Em luôn tự nói với mình bằng câu nói đó của Osho.

Kiên nhẫn.

Kiên nhẫn không phải để giữ tình yêu. Kiên nhẫn không phải để chờ đợi một điều gì.

Nhưng có lẽ sự kiên nhẫn ở em không đủ lớn, bởi em không muốn hy vọng ở những điều có hy vọng cũng chẳng bao giờ có thể thành…

Tôi viết cho anh như thế. Anh hiểu. Tôi cần tấm áo soirée trắng. Tôi cần sự thực chứng hình thức cho tình yêu. Có phải vì tôi sinh ra trong nỗi bất an và cơ thể cấu thành từ những giọt nước mắt nên luôn muốn đòi hỏi những điều chắc chắn. Còn anh thì không.

Tình yêu của tuổi trẻ đến rồi đi. Lòng chỉ hơi se sắt buồn mỗi khi nghĩ tới, nhưng qua rồi là thôi. Tôi nghĩ mình lý trí hơn người mẹ đã khuất của tôi biết bao nhiêu. Tôi thương mẹ và yêu mình cũng vì lẽ đó.

Nhưng… nếu như người đến sau là người khác, thì cô búp bê sứ đã không bị tôi ném vỡ nát tan cả những cánh hồng phấn mỏng Rain Lily. Có phải bởi thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu, tại sao lại để tôi rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như thế này? Trên danh nghĩa, tôi có còn là gì với anh nữa đâu. Và cũng trên danh nghĩa, má hai cũng đâu là gì với tôi đâu. Ba chúng tôi là người dưng xa lạ, không huyết thống họ hàng. Vậy mà sao tôi lại ấm ức với mùi hương gỗ đỏ còn vương vất trên làn da của má hai? Tôi từng thương yêu hai người dưng ấy biết bao nhiêu, và trước đến sau, họ vẫn là người rất quan trọng trong cuộc đời tôi.

Má hai đôi lúc đến thăm tôi, gặp họ, tôi cười nhã nhặn, vờ như nồng hậu. Nhưng đêm về hỏi Thụy, người bạn thân của tôi, rằng một người đàn ông có thể cưới một người đàn bà hơn anh ấy tám tuổi và đã có một đứa con với người đàn ông trước hay không? Thụy bảo, đời này có điều gì là không thể đâu. Tôi buột miệng, ừ, em còn ở gần họ nhiều mà, rồi sẽ được chứng kiến họ đi đến đâu thôi. Thụy gắt tôi, chị không thích em như thế, hằn học quá, rõ ràng là trong sâu thẳm lòng em không chúc phúc cho mối quan hệ này. Tôi im lặng.

*

Tôi trở về ngôi nhà ven biển. Nhớ những nước mắt tủi thân trong cơn mộng du được má hai ôm chặt lấy dỗ dành. Tiếng sóng vỗ tha thiết não nùng một cách bền bỉ. Những đợi chờ bến bờ biết bao giờ mới khép lại cho những chuyến đi phiêu lưu mải miết của người không giữ trọn hẹn thề hở mẹ? Có phải mẹ và con đều sinh ra dưới một vì sao chiếu mệnh hay không? Sao thèm một tấm áo soirée quá đỗi mà không thể.

Tôi dọn dẹp lại căn phòng nhỏ của bố, mùi ẩm ướt lưu cữu vì căn phòng chẳng bao giờ mở cửa. Những đồ vật cuối cùng hiện diện trong cuộc đời ông, giờ tôi mới tò mò quan sát. Bức hình của mẹ tôi, mỉm cười, được đặt trên bàn gỗ. Cạnh đó, cô gái sứ - có lẽ là cô búp bê mô phỏng cuối cùng mà ông làm, gương mặt của mẹ tôi như đang thở dài buồn bã. áo soirée trắng cho ai khi người quá vãng đã ngủ yên dưới lòng sông mãi mãi. Và tôi thấy cô lặng lẽ ngồi đó, nửa chừng như chờ đợi một điều gì.

Tôi tưởng chừng lòng mình cũng yêu quý và nâng niu cô.

Đêm lại đến với cơn mộng du mà tôi không thể nào kiểm soát được. Sáng dậy, thấy gương mặt mình lem nhem nước mắt. Và cô búp bê tội nghiệp nằm trỏng trơ góc nhà, những mảnh sứ vỡ vụn.

Những cánh Rain Lily nát tan đã vội héo hắt bám bết trên nền nhà. Nước từ bình hoa thấm cả vào bức ảnh phía trong khung hình. Mẹ tôi vẫn mỉm cười, dù những mảng màu vỡ ố nước không đẹp như màu soirée trắng.

Rain Lily: một loài hoa nhỏ có cánh dài và mảnh, họ Huệ, có các màu như hồng, vàng, trắng, ở Việt Nam thường có màu hồng.

Soirée: áo cưới.

Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu: một câu trong Đạo Đức Kinh (chương 5) của Lão Tử, có nghĩa là trời đất không có lòng nhân, coi mọi vật như chó rơm.

(Nguồn Văn Nghệ)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...