Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Thủ khoa Huân – Một nhà thơ yêu nước

Huỳnh Mẫn Chi - 06-07-2011 07:04:33 AM

VanVN.Net - Nguyễn Hữu Huân làm quan dưới triều đình nhà Nguyễn, với chức Giáo thụ phủ Kiến An. Những lần chiêu mộ nghĩa quân khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm, Nguyễn Hữu Huân bị giặc Pháp bắt và kết án chung thân khổ sai, rồi bị đày ra đảo Cayenne xa xôi thuộc vùng Nam Mỹ… Khi được ân xá, Nguyễn Hữu Huân vẫn tiếp tục chiêu mộ nghĩa quân, dựng cờ khởi nghĩa. Lần bị bắt cuối cùng, giặc Pháp đóng gông đưa ông về quê nhà xử chém. Ngồi trên chiếc ghe bầu ở dòng sông Bảo Định, Nguyễn Hữu Huân đã dõng dạc thốt lên những vần thơ bất hủ trước khi bị hành hình. Để ghi lại công trạng của ông, ngày nay, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Mỹ Tho và những thành phố, những tỉnh thành khác đã có đường phố mang tên Thủ Khoa Huân. Quê hương ông - Chợ Gạo cũng có ngôi trường THPT mang tên Thủ Khoa Huân...

Thủ khoa Huân

I. ANH HÙNG ĐỨNG TRƯỚC THỜI THẾ

       Nguyễn Hữu Huân là con trai của Nguyễn Hữu Cẩm. Ông Nguyễn Hữu Cẩm chính là ông Hương cả của thôn Tịnh Hà - tổng Thạnh Quang (nay là xã Mỹ Tịnh An - huyện Chợ Gạo - tỉnh Tiền Giang). Dù là con trai của quan làng, nhưng cậu bé Nguyễn Hữu Huân vẫn rất ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Đặc điểm nổi bật nhất của Nguyễn Hữu Huân là thông minh, khí phách hơn hẳn những đứa trẻ cùng làng thuở đó. Gia đình thấy Nguyễn Hữu Huân hiếu học, siêng năng nên đã động viên ông chọn con đường học vấn làm sự nghiệp.

Năm Bính thân 1836, khi vừa tròn hai mươi tuổi, Nguyễn Hữu Huân đã từ biệt vùng đất Chợ Gạo – Định Tường để ra Huế tiếp tục con đường học vấn. Những tháng ngày sôi kinh nấu sử trên đất kinh đô Huế, Nguyễn Hữu Huân không nguôi ý chí đỗ đạt.

 Năm Nhâm tý 1852, thời Tự Đức thứ 5, Nguyễn Hữu Huân đã đỗ đầu (thủ khoa) khoa thi Hương, trường thi Gia Định. Từ vinh dự cao quý ấy, Nguyễn Hữu Huân được mọi người gọi là Thủ Khoa Huân. Bởi thời ấy, thí sinh đủ tiêu chuẩn để tham gia khoa thi Hương là một điều không đơn giản. Mặt khác, thi Hương còn là ngưỡng cửa đầu tiên để các anh tài bộc lộ tài năng của mình với triều đình nhà Nguyễn.

      Sau khi đỗ đầu khoa thi Hương, Nguyễn Hữu Huân làm quan dưới triều nhà Nguyễn với chức Giáo thụ ở phủ Kiến An. Cũng miệt mài giống như chuyện thi cử đã đỗ đạt, để tiến đến đường công danh sự nghiệp, Nguyễn Hữu Huân khi đã ngồi trên “chiếc ghế” quan một lòng một dạ với công việc và trách nhiệm, rất mực yêu thương dân lành có cuộc sống lầm than, cơ nhỡ. Ông đã tạo điều kiện cho dân chúng có cơ hội đến trường, đến lớp. Nhưng làm quan được một thời gian, tháng 2 năm Kỷ Mùi 1859, Pháp đưa quân tiến vào Đà Nẵng và cho một chiến hạm đánh chiếm Sài Gòn với ý đồ thiết lập căn cứ hải quân tại đây. Sau những trận chiến quyết liệt với các pháo đài từ Vũng Tàu đến sông Sài Gòn, quân Pháp đã vượt đường sông tiến vào thành Gia Định. Chúng đổ bộ và chiếm được thành Gia Định vào ngày 17 tháng 2 năm 1859. Về phía quân ta, các tướng lĩnh triều đình giữ thành Gia Định đã bỏ chạy tán loạn.

 

II. BA LẦN NỔI DẬY PHẤT CỜ KHỞI NGHĨA CHỐNG GIẶC NGOẠI XÂM

        Trước cảnh ngổn ngang khi quê hương đất nước rơi vào tay giặc, các chí sĩ yêu nước, các tướng lĩnh tài ba không thể đứng xuôi tay làm ngơ. Trong số những người yêu nước ấy có Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân. Ông đã đứng lên kêu gọi nhân dân chống giặc. Cùng với các phong trào Trần Thiện Chánh, Lê Huy đứng ra chiêu mộ được 5.800 nông dân Hóc Môn kéo về Sài Gòn chặn giặc, Nguyễn Hữu Huân cũng d?ng lên chiêu mộ nghĩa quân phất cờ khởi nghĩa. Một mặt, triều đình nhà Nguyễn cũng cử Tôn Thất Cáp làm Thống đốc Quân vụ vào Nam đánh Pháp. Sau đó, triều đình cử Nguyễn Duy làm Tán lý Quân vụ. Nhưng so với địch, những chỉ huy ấy của triều đình chẳng giải quyết được gì. Cho nên, triều đình đã tiếp tục đưa Phạm Hoằng Đạt, Nguyễn Thông… vào Gia Định tiếp sức cho các cuộc chiến. Quân lính lúc ấy của các phong trào nghĩa quân ở các nơi mỗi ngày một nhiều. Nhưng đến tháng 3 năm 1859, quân Pháp đánh vào gò Cây Mai, quân triều đình nhà Nguyễn đại bại nên phải rút lui. Rất may trong thời điểm ấy, Trương Định đã đưa nghĩa quân từ Tân Hòa - Gò Công lên Gia Định để chống trả với giặc Pháp. Nhờ có cuộc khởi nghĩa của Trương Định, giặc Pháp ít nhiều bị chậm đường tiến quân. Nhân dân Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường đã nhiệt tình quyên góp tiền bạc, lương thực để nuôi quân.

 Tháng 5 năm 1859, Nguyễn Hữu Huân từ giã chức Giáo thụ phủ Kiến An, ông chính thức chiêu mộ nghĩa quân đứng lên chống Pháp, đã được các phong trào yêu nước phong chức Phó Quản đạo. Chẳng mấy chốc, nghĩa quân khắp nơi về với ông, cuộc khởi nghĩa được chuẩn bị sẵn sàng để quyết đấu.

      Đến năm 1864, Nguyễn Hữu Huân cùng với Võ Duy Dương tiến hành chiêu mộ nghĩa quân người Việt, người Khmer ở ba tỉnh miền Tây Nam kỳ để chuẩn bị cuộc chiến. Nhưng rất khó khăn, vì những người yêu nước nơi đây đã bị quan triều đình nhà Nguyễn gây nhiều trở ngại, họ gần như không dám nuôi nghĩa quân, một số người còn xa lánh nghĩa quân. Chính vì vậy đến tháng 4 năm 1864, Hồ Huấn Nghiệp đã bị thực dân Pháp bắt. Cũng như những tướng lĩnh yêu nước khác, Hồ Huấn Nghiệp hiên ngang chịu chết chứ không đầu hàng, không cúi đầu làm nô lệ.

        Nhiều lần quân Pháp mua chuộc nhân dân ta nghe theo lời chúng, về với chúng, nhưng nhân dân ta đã một mực phản đối. Trước tình hình như vậy, quân Pháp đã buộc các quan bù nhìn của triều đình nhà Nguyễn tại An Giang phải bắt bằng được Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương giao nộp cho chúng. Vâng lời giặc Pháp, các quan triều đình lùng sục bắt hai vị tướng giỏi của các phong trào từ phía nhân dân để giao cho Pháp. Khi chúng chưa kịp ra tay thì Võ Duy Dương đã nhanh chóng về Định Tường rồi xây dựng căn cứ Đồng Tháp Mười. Nguyễn Hữu Huân vẫn ở lại với các kế hoạch mới. Thế là quan lính triều đình nhà Nguyễn ở An Giang dã có cơ hội, chúng vây bắt Nguyễn Hữu Huân và giao nộp ông cho Pháp. Bọn thực dân Pháp giải ông về Sài Gòn.

        Đến tháng 8 năm 1864, Trương Định bị tên phản bội Huỳnh Văn Tấn theo dõi và bao vây ở Khiểng Phước - Gò Công. Chỉ có 25 nghĩa quân cùng với vũ khí thô sơ, Trương Định không phá được vòng vây của tên phản bội nên đã bị bắt. Cùng thời điểm ấy, Nguyễn Hữu Huân bị giặc Pháp kết án khổ sai chung thân, đày đi biệt xứ đến Cayenne thuộc vùng Nam Mỹ.

       Ngày 14 tháng 2 năm 1869, Nguyễn Hữu Huân được ân xá. Vừa về đến Gia Định, thực dân Pháp đã sai tên việt gian Đỗ Hữu Phương ra đón  ông với ý đồ mua chuộc, bởi Đỗ Hữu Phương chính là bạn học của Nguyễn Hữu Huân thuở trước.

Tượng thủ khoa Huân

Thực ra, thực dân Pháp không muốn giết Nguyễn Hữu Huân bởi vì thấy ông tài giỏi, thông minh, khí phách hơn người. Chúng rất tự tin nghĩ rằng trước sau, Nguyễn Hữu Huân cũng mềm lòng xuôi dạ như Đỗ Hữu Phương chạy về phía chúng. Đỗ Hữu Phương đã đưa Nguyễn Hữu Huân về nhà riêng của mình ở Chợ Lớn, chăm sóc ân cần. Với thái độ tận tình của Đỗ Hữu Phương, Nguyễn Hữu Huân rất cảm động. Nhưng trước những lời ngọt ngào mang tính chiêu dụ của Đỗ Hữu Phương, Nguyễn Hữu Huân không một chút lung lay. Có lẽ đến lúc hơn ai hết, Nguyễn Hữu Huân đã hiểu rất rõ Đỗ Hữu Phương đưa mình về nhà riêng là có mục đích, vừa tiện bề giám sát vừa dễ dàng chiêu dụ. Nguyễn Hữu Huân chán chường khi ngày nào cũng phải nghe những lời mật ngọt của Đỗ Hữu Phương, với hứa hẹn địa vị do giặc ngoại xâm mang đến. Mọi hứa hẹn luôn ở bên tai Nguyễn Hữu Huân nào là vinh quang nào là bạc vàng châu báu của Đỗ Hữu Phương như càng thúc đẩy Nguyễn Hữu Huân tìm đến nghĩa quân.

Nhân cơ hội thực dân Pháp giao cho Nguyễn Hữu Huân chức Giáo thụ ở Chợ Lớn, ông nhận ngay. Không những vậy, Nguyễn Hữu Huân còn ra vẻ kính phục bọn chúng. Ông luôn tạo uy tín nơi bọn quan Pháp, tỏ thái độ là một người trí thức biết phục tùng mọi quyền hành của một chính quyền ngoại bang cai trị.

       Khi ổn định vị trí, công việc thuận lợi, Nguyễn Hữu Huân đã bí mật tìm cách liên lạc với những người yêu nước ở Chợ Lớn. Trong đó có người Hoa, người Minh Hương cũng đứng về phía Nguyễn Hữu Huân để hoạt động bí mật. Khi lực lượng nòng cốt của mình vững vàng, Nguyễn Hữu Huân trốn khỏi nhà Đỗ Hữu Phương trở về vùng đất Mỹ Tho và Tân An. Ở quê nhà, những phong trào yêu nước luôn trong tư thế sẵn sàng  nên Nguyễn Hữu Huân đã cùng với Âu Dương Lân và một số người Minh Hương bước vào giai đoạn chuẩn bị. Họ bắt tay ngay vào cuộc khởi nghĩa lần ba.

Đó là năm 1873, phong trào Nguyễn Hữu Huân lan khắp vùng đất Mỹ Tho, Tân An, Chợ Lớn. Không riêng gì các tướng lĩnh đang cùng mình xông ra trận, Nguyễn Hữu Huân được sự hưởng ứng của các thủ lĩnh địa phương nồng nhiệt và chân tình. Nguyễn Hữu Huân đã gặp thuận tiện trong việc tiến hành xây dựng hệ thống chính quyền kháng chiến cấp thôn xã. Đặc biệt vùng đất mà ông chú trọng nhất chính là Mỹ Tho và Tân An. Bởi nơi đó là vùng đất mà ông định phất cờ khởi nghĩa trước đây nhưng chưa nắm được thời cơ.

       Nhưng tiếc thay, ngày 15 tháng 3 năm 1874, Sứ bộ Lê Tuấn, Nguyễn Văn Tường đã thay mặt triều đình nhà Nguyễn ký Hiệp ước "Hòa bình và liên minh" tại Sài Gòn với đại diện của Pháp. Theo Hòa ước đó, triều đình nhà Nguyễn thừa nhận chủ quyền của Pháp trên phần đất mà Pháp đã chiếm. Tức là từ phần đất từ phía Nam Bình Thuận trở vào Nam, Pháp sẽ làm chủ và nắm mọi quyền hành. Khi nghe tin này, người dân, các chí sĩ yêu nước đều cảm thấy tủi nhục và căm uất. Song, tinh thần yêu nước của Nguyễn Hữu Huân và của các phong trào nghĩa quân khác vẫn sôi sục, bền chí, quyết liệt. Thế nhưng do súng đạn và phương tiện thiếu thốn, nghĩa quân Nguyễn Hữu Huân dần dần lâm vào cảnh bế tắc, suy yếu.

      Cuối năm 1874, quân Pháp sai Trần Bá Lộc, Đỗ Hữu Phương tấn công vào căn cứ Bình Cách, nơi nghĩa quân Nguyễn Hữu Huân đang đóng. Nghĩa quân tan vỡ, Nguyễn Hữu Huân thoát về Chợ Lớn. Ông vẫn nuôi ý định cương quyết chống trả thực dân Pháp. Ông đã trở về lại Tân An quyên góp tiền bạc của các nhà giàu, những người yêu nước để mua vũ khí. Trong khi đứng ra thu thập các toán nghĩa quân tản mát lại, Nguyễn Hữu Huân lại bị bắt vì những kẻ phản bội chỉ điểm cho bọn thực dân Pháp.

       Bao lần thất bại, Nguyễn Hữu Huân vẫn kiên trì chống giặc ngoại xâm đến cùng. Bất chấp những hòa nghị của triều đình, bất chấp tù tội và cái chết, Nguyễn Hữu Huân đi thẳng theo mục đích và con đường mình đã chọn. Ông đã từng phát biểu với nghĩa quân của mình: "Chính tôi cũng không ưa nổi bọn nhà giàu, bọn vi phú bất nhân, huống chi các chú, nhất là ngày nay, tụi chúng lại vô số kẻ rước voi giày mả, cõng rắn cắn gà nhà. Nhưng các chú lầm to, các chú hành động kiểu này, chẳng bao giờ hết bọn nhà giàu đâu, thằng này chết, thằng khác mọc lên, các chú liệu sống đời, giết hết bọn chúng được hay không? Sao các chú không nghe lời hịch đi cứu nước diệt thù, có phải vừa trừ được tụi nó vừa để tiếng thơm muôn đời không? Các chú tự khoe là dũng, nhưng kiến nghĩa bất vi, làm sao mà gọi là dũng được"1.   

       Khi bị bắt và sống trong nhà Đỗ Hữu Phương được đối đãi rất ân cần, Nguyễn Hữu Huân vẫn âm thầm nuôi chí khí phất cờ khởi nghĩa lần ba. Nửa đêm, Nguyễn Hữu Huân thức dậy làm bài thơ để lại cho Đỗ Hữu Phương rồi trốn ra khỏi nhà xuống An Giang. Sau đó, Nguyễn Hữu Huân quay về quê ở Chợ Gạo, bán hết ruộng đất, huy động nhân dân yêu nước để mưu tính khởi nghĩa lần ba. Nghe tin, nhân dân khắp nơi đã theo tiếng gọi của Nguyễn Hữu Huân lên đến hàng mấy vạn người. Người góp công, người góp của, khi quyên góp được của cải từ nhân dân, Nguyễn Hữu Huân mua vũ khí, quyết tâm chống trả quân thù.

       Bỗng dưng lúc ấy xuất hiện một người đàn ông tên Trường Phát, xưng là dư đảng quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc (nhà Thanh – Trung Quốc) tình nguyện xin cầm số tiền ấy sang Trung Quốc mua súng đạn. Nguyễn Hữu Huân nóng lòng cho cuộc chiến nên bằng lòng ngay. Trường Phát hứa ngày mùng 9 tháng 9 năm đó (1874) sẽ giao nộp vũ khí súng đạn cho Nguyễn Hữu Huân.

       Nguyễn Hữu Huân tập hợp các tướng lĩnh lại bàn bạc việc binh nhung. Ông đưa ra nhiều phương hướng để tấn công địch. Cánh quân thứ nhất giao cho Trường Phát chỉ huy, chuyển vũ khí súng đạn và mưu chiếm Gia Định. Cánh quân thứ hai do chính Nguyễn Hữu Huân đảm nhiệm và tự xưng là Nam Hà Tổng thống, trấn thủ trung ương, quyết dùng mưu kế đánh chiếm Định Tường. Cánh quân thứ ba giao cho Lãnh binh Tham đang ở Vĩnh Long sẽ chiếm giữ Châu Đốc, Hà Tiên.

       Mọi chuyện đã bàn tính xong, nhưng vũ khí và súng đạn không thấy đâu cả. Nguyễn Hữu Huân không biết Trường Phát đã bỏ trốn ở phương trời nào? Ông và nghĩa quân trông đợi hàng tháng trời, Trường Phát vẫn biệt tăm. Khi biết Trường Phát đã lừa mình, Nguyễn Hữu Huân rất ân hận. Không còn cách nào khác, Nguyễn Hữu Huân phải mật truyền cho các tướng lĩnh bãi binh, ông trở về Gia Định với ý đồ làm lại đại sự.

       Ngày 15 tháng 11 năm 1874, Nguyễn Hữu Huân chiếm giữ Bình Cách (Mỹ Tho). Nhân thắng lợi ấy, ông đã chiêu mộ nhân dân, tập hợp nghĩa quân để rửa thù xưa.

       Lần thứ ba giao chiến với Pháp, quân Nguyễn Hữu Huân ít hơn nên không chống nổi, đã thất bại. Đốc binh Hương đã bảo vệ Nguyễn Hữu Huân thoát khỏi Bình Cách  đưa ông về Chợ Gạo. Trong thời gian ở Chợ Gạo, Nguyễn Hữu Huân trông đợi thuyền buôn đi ngang để quá giang ra Huế, xin vua Tự Đức viện trợ binh lính. Nhưng ở Chợ Gạo được ba tháng, Đốc binh Hương đã đưa Tổng đốc Trần Bá Lộc đến mai phục bắt Nguyễn Hữu Huân giải về Mỹ Tho. Cũng có tài liệu ghi rằng, Nguyễn Hữu Huân bị quân thù bắt là do bà Lê Thị Năm chỉ điểm. Bà là vợ của Trần Văn Thuông, ông này từng tham gia kháng chiến chống Pháp và đang bị bắt giam. Cho nên, bà Lê Thị Năm tình nguyện chỉ địa điểm Nguyễn Hữu Huân đang ở để thực dân Pháp tha mạng cho chồng[1].

       Thực dân Pháp nhận ra Nguyễn Hữu Huân là người có tài, dũng khí, yêu nước thương dân, chúng dụ dỗ ban chức tước nhưng ông đã từ chối, cam chịu chết.     

       Ngày 19 tháng 5 năm 1875, thực dân Pháp đóng gông Nguyễn Hữu Huân trên chiếc ghe bầu, áp tải bằng đường sông Bảo Định (Chợ Gạo) về Mỹ Tho để xử chém. Trước cái chết, Nguyễn Hữu Huân vẫn bất khuất kiên trung như một anh hùng ngoài trận chiến, ngẩng cao đầu với  vinh quang của người chiến thắng.

      Ngày nay bên dòng sông Bảo Định, người đời vẫn còn lưu mãi những câu nói và những vần thơ bất hủ của Nguyễn Hữu Huân. Hình ảnh Nguyễn Hữu Huân trước cái chết đã đi vào huyền thoại, được người dân nơi đây lưu truyền kể mãi cho bao thế hệ sau nghe. Hình ảnh Nguyễn Hữu Huân còn là tấm gương chói lọi cho bao anh hùng, chiến sĩ khác noi theo trong thời kỳ đất nước bị ngoại bang Pháp – Mỹ xâm chiếm sau này.  Hăøng năm, vào ngày giỗ của Nguyễn Hữu Huân, người dân của những xã: Phú Kiết, Mỹ Tịnh An, Hòa Tịnh… thuộc huyện Chợ Gạo hội tụ về ngôi nhà nơi thờ ông rất đông đủ, họ cùng cúi đầu thành kính, dâng hương để tưởng nhớ người anh hùng của mảnh đất quê hương một lòng một dạ trung kiên với dân tộc, với Tổ quốc.

 

III. NHỮNG TRANG THƠ VĂN YÊU NƯỚC

       Nhìn chung, văn học Nam bộ trong thời kỳ năm 1860 có rất nhiều đổi mới về phong cách cũng như về tâm lý sáng tác. Đặc biệt là những nhà văn, nhà thơ yêu nước trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ nước ta. Họ luôn dùng ngòi bút vạch trần tội ác của bọn áp bức ngoại xâm. Trong số những người yêu nước thời ấy, Nguyễn Hữu Huân là một trong những người cầm bút đã dùng văn thơ của mình đóng góp vào phong trào.

Văn thơ của Nguyễn Hữu Huân sáng tác chủ yếu bằng chữ Nôm. Cùng với những tác giả yêu nước cùng thời, Nguyễn Hữu Huân đã dùng văn thơ yêu nước tác động đến quần chúng nhân dân một cách quyết liệt và mạnh mẽ. Thế nhưng về tư tưởng, đề tài, nội dung trong tác phẩm văn thơ yêu nước của Nguyễn Hữu Huân có phần khác biệt so với những nhà văn, nhà thơ cùng thời. Tác phẩm của Nguyễn Hữu Huân không giống như Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc  của Nguyễn Đình Chiểu, cũng không phải như Tự thuật của Phan Văn Trị, hay như Chiêu Quân cống Hồ của Huỳnh Mẫn Đạt… Tác phẩm của Nguyễn Hữu Huân là một nỗi đau, một sự bộc bạch của chính ông. Người đọc có cảm giác Nguyễn Hữu Huân bước vào lĩnh vực văn chương bằng sự thôi thúc của con tim, bằng nỗi đau của người mất nước, bằng những nỗi trăn trở suy tư của một trí thức yêu nước.

      Mặc dù Nguyễn Hữu Huân làm thơ và viết văn rất nhiều, nhưng cho đến nay vẫn không có thi tập chính thức nào của ông còn được truyền cho hậu thế, so với những người yêu nước cùng thời như Nguyễn Thông, Trần Thiện Chánh… Ngay lúc còn sống, tác phẩm của Nguyễn Hữu Huân cũng không phổ biến rộng rãi như của Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị…

Cho đến ngày nay, những công trình nghiên cứu đã tìm thấy và xác định trên dưới mười tác phẩm của Nguyễn Hữu Huân. Phần lớn là thơ, Nguyễn Hữu Huân sáng tác thơ thường theo thể Đường luật, chữ Nôm. Song, những bài thơ của Nguyễn Hữu Huân hiện nay, do sao chép lại nên đã có khá nhiều dị bản. Vì vậy, việc giới thiệu thơ văn của Nguyễn Hữu Huân cần phải thận trọng và có trách nhiệm. Là người cầm bút viết về Nguyễn Hữu Huân, tác giả đã trải qua một thời gian dài trăn trở về vấn đề này.

       Dưới đây là bài Văn tế chó, một trong những tác phẩm hiếm hoi của Nguyễn Hữu Huân được chép trong tập bút ký bằng chữ Nôm của ông Trần Hữu Thường. Ông Trần Hữu Thường là người đỗ tú tài và sống cùng thời với Nguyễn Hữu Huân. Theo lời dẫn trong tập bút ký, bài này Nguyễn Hữu Huân sáng tác tại chỗ theo yêu cầu của bạn bè nhân một buổi họp mặt uống rượu với thịt chó.

 

VĂN TẾ CHÓ

      Bày vóc mình thoạt đã nằm trơ, bặt tăm tiếng sao không dậy sủa?

      Hỡi ôi!

      Hồi tưởng ba ơn1, đã về một ngõ

      Nhớ chó xưa: tánh khí vốn ngừ nghè, nết na hay cử cỏ

     Ở trời Nghiêu an phận, đem thân thờ người Chích chẳng dời.

Nằm đất Thục khoanh đuôi, giật mình sủa vầng hồng đương ló1.

      Nguyễn Hữu Huân đã mượn hình ảnh, số phận của con vật để nói lên số phận bề tôi đối với bề trên, phận tôi tớ đối của kẻ tay sai với quan thầy. Đôi lúc vì bề trên, vì chủ, người ta có thể nhắm mắt bịt tai trước những điều chướng tai gai mắt.

      Nguyễn Hữu Huân bị quan triều đình nhà Nguyễn ở tỉnh An Giang bắt nộp cho thực dân Pháp, vợ ông đã lặn lội đi thăm chồng. Không chịu được cảnh chồng tù đày, bà đã đưa đơn xin quan Pháp tha tội cho chồng. Được tin, Nguyễn Hữu Huân xúc động xen lẫn hờn trách nên đã thốt lên những vần thơ tận đáy lòng. Những vần thơ ấy đã tạo thành hai bài thơ ngay trong ngục giam Nguyễn Hữu Huân ở Sài Gòn.

 

 

                                                       TẶNG VỢ

    I

Xem qua thư gởi [2] rất kinh hoàng

Nhi nữ chà chà cũng lớn gan

Đơn bẩm cúi lòn loài bạch quỷ [3]

Sân quỳ vất vả phận hồng nhan

Bán mình đâu nệ phiền lòng sắt

Chuộc tội thà xin trọn nghĩa vàng

Tiết khí dưới trần coi ít mặt

Cang thường [4] càng chuộng gánh giang san.

 

         

                               II

Đã sanh làm gái vẹn theo chồng5

Hóa đá1 kìa ai cũng đứng trông

Vận rốt2 kể gì cơn gió bụi

Đạo hằng3 hãy trọn với non sông

Cửa gai4 hiu hắt sương in mặt

Trướng vải lôi thôi nguyệt tỏ lòng

Tan hợp dẫu rằng cơ tạo hóa

Liễu bồ[5] ướm thử lúc trời đông.

       Hình ảnh người vợ trong thơ của Nguyễn Hữu Huân không chỉ trọn vẹn về mặt ý nghĩa vợ chồng, ông còn gửi gắm nỗi trăn trở của một đấng mày râu trước cảnh nước mất nhà tan, trước hình ảnh mềm yếu của vợ. Trước mưu đồ của bọn thực dân, hình ảnh nhỏ bé đáng yêu của người vợ không hề làm Nguyễn Hữu Huân xiêu lòng, buông tay. Ông vẫn giữ vững và nuôi ý chí bảo vệ đất nước.

       Trước lúc trốn khỏi tư gia của Đỗ Hữu Phương về An Giang, bài thơ ông để lại nhà Đỗ Hữu Phương như một lời tạ ơn, nhưng cũng là một lời trách móc, cảnh báo.

                                                GỞI ĐỖ HỮU PHƯƠNG

Khúc vạy[6] lòng toan muốn chặt ba

Văng vỏ[7] bao nhiêu ôm để đó

Chờ khi nấu nước sẽ đem ra

Khó gọi thâm nghiêm cửa chín trùng 

Ngày nào cha mẹ[8] cứu con cùng

Bốn mùa man mác tình nhà cửa

Trăm dặm đau buồn cảnh núi sông

Mây trắng đã giăng trời Bến Nghé9

Nắng chiều dường cháy Gò Công1

Ngọn cờ phá lỗ2 bao giờ thấy

Thiên hạ người đều ngóng cổ trông. 

       Những lời bộc bạch này của Nguyễn Hữu Huân như đã báo trước với Đỗ Hữu Phương cuộc khởi nghĩa lần ba của mình sắp diễn ra. Đó là cá tính của Nguyễn Hữu Huân, luôn hiên ngang trước gian truân và hiểm nguy, luôn ngẩng cao đầu và chẳng sợ kẻ nào dù đó là giặc.

 

       Ngay cả lúc sắp bị chém, Nguyễn Hữu Huân vẫn một mực không đầu hàng, không chịu làm nô lệ. Cho nên bài thơ Mang gông nổi tiếng như một truyền thuyết trước cái chết của Nguyễn Hữu Huân trên dòng sông Bảo Định. Đến ngày nay, người đời còn truyền tụng bài thơ này, nhắc đến Nguyễn Hữu Huân, những người sinh sống bên dòng sông Bảo Định nhớ ngay những vần thơ này. Có lẽ đây là một bài thơ hay nhất, xúc động nhất vì ra đời trước lúc Nguyễn Hữu Huân bị hành quyết. 

 

MANG GÔNG

Hai bên thiên hạ thấy hay không

Một gánh cang thường há phải gông

Oằn oại đôi vai quân tử trúc3

Long lay một cổ trượng phu tòng 

Thác về đất Bắc danh còn rạng

Sống ở thành Nam tiếng bỏ không

Thắng bại dinh hư 4 trời khiến chịu

"Phản thần"5  đ. hỏa6 đứa cười ông.

        Từ cuộc hành trình trong văn thơ của Nguyễn Hữu Huân, chúng ta phải thừa nhận rằng ông luôn bước đi trong “thế giới” tinh thần của những người yêu nước.

        Khác với nhiều anh hùng trong phong trào đấu tranh chống Pháp ở Nam kỳ thời ấy, cuộc đời chiến đấu Nguyễn Hữu Huân rất đặc biệt. Ông không mang dáng vẻ oai hùng như Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định, không thống lĩnh toàn bộ lực lượng yêu nước tiến hành chống Pháp trên toàn vùng nhượng địa, cũng không có nét kiêu hùng như nghĩa sĩ dân chài Nguyễn Trung Trực với những chiến công lẫy lừng. Ở Nguyễn Hữu Huân là tinh thần, ý chí, tài năng đã góp lại thành tấm gương sáng, bất khuất kiên cường. Từ một ông quan dạy học trở thành vị lãnh tụ chống Pháp.

       Nguyễn Hữu Huân phải trải qua nhiều gian nan, cơ cực. Tinh thần yêu nước và ý chí chiến đấu của Nguyễn Hữu Huân đời đời lưu danh sử sách.Dường như đối với Nguyễn Hữu Huân, thơ là nỗi trăn trở gào thét của một con người bị mất tự do và quyết tâm giành lại độc lập cho dân tộc.

 


1. Trích từ tài liệu Nguyễn Hữu Huân – Nhà yêu nước kiên trung – Nhà thơ bất khuất –  NXB Trẻ, 2000.

[1] . Dựa theo tài liệu Nguyễn Hữu Huân-Nhà yêu nước kiên cường-Nhà thơ bất khuất Nhà xuất bản Trẻ – Năm 2000.

1 Ba ơn: ba nết tốt của chó là biết giữ nhà, dám liều mình vì chủ, không quên chủ cũ.

1 Nằm đất Thục, sủa vầng hồng là lấy từ ý từ câu “Thục khuyển phệ nhật” (Chó đất Thục sủa mặt trời). Đất Thục ở vùng Tứ Xuyên – Trung Quốc là vùng núi non hiểm trở, mưa nhiều nắng ít, nên mỗi khi mặt trời mọc là có tiếng chó sủa.

[2] Thơ gởi: đơn của vợ Nguyễn Hữu Huân viết xin tha tội chồng đã chuyển đến ông với âm mưu dùng tình cảm gia đình để lung lạc nhà yêu nước.

[3] Bạch quỷ: quỷ trắng ám chỉ quân xâm lược Pháp.

[4] Cang thường: tức “tam cương” (vua tôi, cha con, vợ chồng), “ngũ thường” (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín)  chỉ chung những mối quan hệ xã hội mẫu mực theo quan niệm Nho giáo.

5 Theo chồng: “tòng phu” là một trong những tiêu chuẩn đạo đức của người phụ nữ theo quan điểm Nho giáo

1 Hóa đá: Thủy chung. 

2 Dịch từ “mạt vận”. Người xưa quan niệm lịch sử phát triển theo chu kỳ thịnh – suy nối tiếp nhau, mỗi chu kỳ là một vận hội. “Mạt vận” là giai đoạn cuối của một vận hội, thường có tai biến, loạn ly.

3 Đạo hằng: Đạo lý mà mọi người phải thừa nhận và làm theo.

4 Cửa gai “sài môn” hoặc “kinh môn”, ý nói nhà nghèo.

[5] Liễu bồ: cây liễu và cây bồ, hai thứ cây yếu ớt, thường ví với đàn bà con gái.

[6] Vạy: cong.

[7] Văng vỏ: vỏ cây văng ra trong lúc bửa củi. Ở đây tác giả chơi chữ trên cơ sở ngữ âm địa phương, nên “văng vỏ” còn có nghĩa là văn võ. Câu thơ này và câu thơ cuối còn có nghĩa bóng là chờ dịp khởi nghĩa cứu nước.

[8] Cha mẹ: ý từ câu “quan chi phụ mẫu”, chỉ vua quan nói chung. Câu này và câu trên ý nói không thể trông đợi vào vua quan nhà Nguyễn để chống Pháp.

9 Bến Nghé: chỉ chung vùng đất bị thực dân Pháp chiếm đóng.

1 Gò Công: căn cứ kháng chiến của Trương Định sau Hòa ước 1862.

2 Phá lỗ: phá trận địa của giặc.

3 Người quân tử ngay thẳng thường được ví như cây trúc, ý từ câu “Trúc xưng quân tử, tùng hiệu trượng phu” (Người quân tử ngay thẳng ví như cây trúc, bậc trượng phu khí tiết sánh với cây tùng).

4 Dinh hư: đầy vơi.

5 Phản thần: bề tôi phản nghịch.

6 Đ. hỏa: tiếng chửi thề của miền Nam.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...