Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Giặc bên Ngô - Vũ Thị Huyền Trang

Văn Giá - 05-07-2011 03:47:39 PM

VanVN.Net - Khi mới cầm tập bản thảo của Vũ Thị Huyền Trang trên tay, tôi vội lướt qua. Có những truyện tôi đã đọc từ hồi Trang đang còn theo học ở trường Viết văn. Có những truyện mới, hình như một số đã đăng đây đó. Đọc riêng từng cái chưa nói được gì nhiều. Đọc cả tập, đã thấy chụm lại những dáng nét đáng yêu của cây bút truyện ngắn nhiều triển vọng...

Viên sỏi vùng đồi tự sáng(*)

Trong mấy năm trở lại đây, tôi thường hay nghĩ về một vấn đề rằng tại sao đề tài làng quê ngày càng ít được giới văn nghệ quan tâm, nhất là các nghệ sĩ trẻ. Xét riêng trong lĩnh vực văn chương, có thể nói, hiện các cây bút trẻ tha thiết viết về làng quê chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bảo là một số cây bút gốc gác xuất thân tại môi trường đô thị ít quan tâm đã đành, nhưng ngay cả những cây bút vốn sinh ra lớn lên ở nông thôn, sau này học hành rồi sinh sống ở đô thị cũng quay lưng lại với nơi chốn mà mình từ đó ra đi. Người ta có thể đưa ra rất nhiều lý do cắt nghĩa cho câu chuyện đó, nhưng có một lý do rất thật, không khó nhận ra đó là họ đã hết tha thiết, hết gắn bó với làng quê. Biết làm sao được. Đây là câu chuyện của tấm lòng. Họ đã nhạt lòng. Làm sao có thể bắt lòng người ta yêu hay không yêu được…

Trong một bối cảnh như vậy, mới thấy thật đáng trân trọng trước một người con gái bé bỏng, sinh ra lớn lên trong rơm rạ đồng đất trung du Phú Thọ, đó chính là Vũ Thị Huyền Trang. Chị đã dành hầu hết những trang viết thật tinh khôi đầu đời cho làng quê, nơi Trang thấy mình chịu ơn chịu nghĩa, và hơn cả ơn nghĩa, đó là lòng yêu đất yêu người làng quê thuần hậu. Sau khi tốt nghiệp ngành viết văn, Trang cũng như bao bạn cùng lứa, cũng ném mình vào môi trường đô thị, tìm kiếm cơ may việc làm, sinh sống. Trong cuộc ném mình khốc liệt này, như viên sỏi thia lia, có viên chìm sớm, có viên chìm muộn, tuy rốt cuộc đằng nào cũng bị chìm, không cách này thì cách khác. Có những viên sỏi bị khuất dạng vô tăm tích. Có những viên sỏi tuy chìm xuống lòng sâu, nhưng lại biết sống đời của sỏi, hô ứng với nước, với ánh sáng, với rong rêu trở nên lấp lánh…

Vũ Thị Huyền Trang khởi đầu văn nghiệp của mình bằng các trang viết rút ruột từ đời sống làng quê, có cái đào ra từ kỷ niệm, có cái đang hàng ngày hàng giờ sống trong nó, có cái quan sát cảm thụ, chiêm nghiệm mà thành. Toàn là những tâm tình của người nhà quê, những người thân gần ruột thịt. Chuyện ông bà nội ngoại, chuyện anh chị em trong nhà ngoài ngõ, chuyện của chính nhân vật xưng tôi với những ai ai đó trong cái cộng đồng dân cư chòm xóm hôm nay. Có cảm tưởng, Vũ Thị Huyền Trang lấy chính những câu chuyện của bản thân mình, của nhà mình ra mà kể với đời. Cũng là một bản lĩnh. Thế nên, mỗi trang văn của Trang bao giờ cũng có được cái thật mộc, dung dị, thân gần, và rất giàu cảm xúc. Trang đã chọn cách đi đúng. Với những người trẻ mới cầm bút, phải bắt đầu trước nhất từ chuyện của mình đã, rồi sau đó dần dần mới có khả năng với ra những chuyện ngoài mình. Tôi vẫn thường nói với các sinh viên viết văn như thế.

Đọc Trang tôi rất yên tâm ở chỗ người viết đã có được một tấm lòng nhân hậu đằm thắm làm nền tảng vững chãi cho trang viết. Không bắt đầu đi từ điểm này, văn chương chỉ còn xác chữ. Đọc Trang thấy trong mỗi câu chữ thật nhiều yêu thương và trân trọng.

Có phải Vũ Thị Huyền Trang là một viên sỏi trung du, đang tự mài mình để sáng? Và trong chốn chữ nghĩa phù du này, viên sỏi khiêm nhường ấy đã khiến không ít người để ý và hy vọng.

---

Tháng Ba Hà Nội 2011

(*)Lời Bạt cho tập truyện ngắn Giặc bên Ngô của Vũ Thị Huyền Trang do NXB Văn hoá-Văn nghệ TP.HCM xuất bản, 2011

(Nguồn vietvan.vn)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Vi Thuỳ Linh – Tôi hẳn nhiên thừa nữ tính!

VanVN.Net - Chúng tôi bắt đầu cuộc phỏng vấn với một thoả thuận nho nhỏ: sẽ chỉ nói chuyện về Linh - Đàn bà, còn nhà thơ Vi Thuỳ Linh - đừng "động" đến cô ấy! Nhưng khi vào chuyện, cuối ...

Nhà văn đọc sách  

Cảnh Trà – đôi dép vẹt mòn thời xuôi ngược

VanVN.Net - Bây giờ nhà thơ Cảnh Trà có lẽ không còn “xuôi ngược” được nữa, bởi tuổi cao (nhà thơ sinh năm 1937 tại làng Ngang, Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An) và căn bệnh thấp khớp làm tê liệt ...

Tư liệu  

Việt Nam với chiến lược biển (1)

VanVN.Net - (Trích phát biểu của ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam 2011 - Nha Trang ngày 08 tháng 6 năm 2011)…