Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Dạo chơi cùng thơ Nguyễn Xuân Hồng

Nhà thơ Anh Vũ - 19-07-2011 10:16:32 AM

VanVN.Net - Nhà thơ, nhà báo, đạo diễn, nhà biên kịch Nguyễn Xuân Hồng sinh ra, lớn lên và gắn bó cả một đời lao động sáng tạo với quê hương Bắc Giang. Nhưng những tác phẩm thơ, sân khấu, điện ảnh của anh được bạn bè khắp cả nước đón đợi và yêu mến. Chỉ tiếc, anh đã rời xa bạn bè, người thân tròn 1 năm nay. Vì cảm mến, vì trân trọng một tài năng đã sớm dừng bước rong chơi chốn trần gian, bạn bè văn chương và báo chí đã tổ chức một đêm thơ kỉ niệm 1 năm ngày mất và cũng là đêm ra mắt tập thơ mới nhất của anh... VanVN.Net xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của nhà thơ Anh Vũ - một bạn văn thân thiết của Nguyễn Xuân Hồng.

 

Sinh thời, nhà thơ Nguyễn Xuân Hồng từng có phen Dạo chơi cùng bóng tối. Tôi không thừa can đảm như Hồng. Kể ra, thích thì thích đấy, vẫn mong đứng né một bên, cố tránh lực hút của cái khoảng không đêm hôm ma mị kia, xa xa được tí nào quý tí đó.

Ấy là với bóng tối. Còn khoản dạo chơi, chưa cần mời tôi đã có mặt ngay. Chẳng phải thơ cũng là một thứ chơi, một cách chơi tao nhã sang trọng đó sao…..Vậy nên, bài viết sơ sài này, chỉ có thể gọi là Dạo chơi cùng thơ Nguyễn Xuân Hồng mà thôi. Đã thật chơi, dù dạo chơi vu vơ nữa, cần gì quá cẩn thận, đo trước đếm sau cho nhạt vị, phí hoài cả nhã hứng trời cho. Đâu phải trên đời này, lúc nào cũng có được chút nhã hứng thong dong. Cho mình với mình, cho mình với nhau….

Quả thực tôi mừng lắm. Nếu không ngại mang tiếng khách sáo, tôi đã xin được ngỏ lòng mình, trân trọng cúi đầu cảm tạ những người bạn Nguyễn Xuân Hồng, cũng là những người bạn tôi, những người bạn vô tư nhất của nghệ thuật thi ca muôn thuở? Trong cuộc bạn bầu, chắc chắn sẽ ngày càng dài lâu này, vô tình Nguyễn Xuân Hồng đã thành một chất kết dính, một nút lạt đỏ bó bện. Từ Nguyễn Xuân Hồng, các anh các chị đã có dịp quen biết, hiểu nhau, thân thiết nhau, đã cùng tự nguyện, vô tư, góp cả tâm, cả tài, cả lực với nhau để làm nên kỳ tích: Đêm thơ Xuân Hồng – Bây giờ cơm nắm, thật hoành tráng, ấn tượng, mà ngay cả thịnh thời các bậc thi nhân nữ sĩ tiền bối Anh Thơ, Bàng Bá Lân tiêu biểu salông văn chương mang tên Sông Thương rạng danh thị xã Phủ Lạng Thương cũng chưa từng có cuộc chơi nào tổ chức được tầm cỡ đến vậy.

Mà đó mới chỉ cuộc tập dượt, thử sức đầu tiên, để tiếp tục, thêm cuộc lễ long trọng. Ra mắt thơ “Nguyễn Xuân Hồng – Góp nhặt thời gian” này nữa.

Nhà thơ Anh Vũ

Tôi làm sao kể hết bao công sức, tiền của góp gom lặng thầm, để lo hoàn chỉnh bản thảo, lo thủ tục xuất bản, lo in ấn, lo cuộc gặp mặt thân mật trang trọng này, rồi mai đây còn lo phát hành, sao cho tập sách đến được tận tay bao người yêu thơ Nguyễn Xuân Hồng trong tỉnh, ngoài tỉnh.

Chỉ tính riêng việc tìm cho tập thơ một cái tên đã khó. Tôi rất mừng thấy những người bạn Xuân Hồng đã khéo lựa chọn, tìm được chữ của Xuân Hồng trả lại cho Xuân Hồng.

Lấy ngay chữ trong bài câu thơ mới, nháp trong tờ lịch cũ để nhặt thành tựa đề cho thi phẩm mới này là Góp nhặt thời gian. Đúng là cái tên có vẻ đẹp của sự chính xác nhiều mặt. Chính xác vì lượng thơ gom tụ đủ chiều dài ngót bốn chục năm nhà thơ mê mải con đường thi ca. Chính xác vì nét khiêm tốn, dung dị, lại tỏ ra chí thú dài lâu, vốn là phía sâu kín của tính cách Nguyễn Xuân Hồng.

Tôi chắc ở cõi bên kia, nhà thơ của chúng ta có nhận được tập thơ, thấy tựa đề mới này sẽ mừng lắm, cảm động lắm. Nguyễn Xuân Hồng tuy rất tự tin, lại cẩn trọng khó tính chi li từng cái dấu, từng con chữ, nhưng luôn biết phải trái để lắng nghe ý kiến bạn bè.

Quả thực, ngay từ tên các tập thơ trước đây của Nguyễn Xuân Hồng, những “Nước mắt đòng đong”, rồi “Bây giờ cơm nắm” đã có người rỉ rách, sang tai nhau, rằng đọc lên cứ thấy sái sái thế nào đó. Đến bản thảo tập hợp lúc đang nằm bệnh lại gở mồm gọi trước là “Dạo chơi cùng bóng tối”, có vẻ khác lạ, ấn tượng mạnh đấy, nhưng rõ ràng sái sẩm quá. Tất nhiên bây giờ tác giả nằm xuống rồi chả còn đâu mà sợ sái nữa. Nhưng còn người đọc chúng ta thì sao…?

Vẫn biết, không thể chắp thêm chân cho rắn, và chặt bớt cẳng con cò đi cho đỡ lênh khênh quá khổ, mà còn bận không nén nổi mình, tôi đã chỉ từng câu thơ rờn rợn của Hồng cho Hồng thấy. Tôi nhớ lần nào người bạn trẻ của tôi không cười xòa gật đầu ra chiều biết lỗi, thì lại ngồi thừ ra, xòe cả hai bàn tay bưng lấy mặt mình, mãi mới mở ra, phút giây già đi trông thấy. Hồng ngập ngừng nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng khàn đi như tự độc thoại. Làm thế nào được hả anh, em không biết khéo, cũng không thích khéo. Anh bảo thì em nhận, còn câu thơ nó kéo, nó đẩy em đi…

Khổ lắm, tôi nào dám trách gì Hồng. Đến với thơ, xưa nay đã đủ nẻo đủ đường. Người coi thơ là nghề. Người coi thơ là nghiệp. Lũ chúng tôi ra vẻ bất cần, làm như thơ là trò chơi chơi, nhưng vẫn luôn nhắc khẽ nhau rằng nghề chơi cũng lắm công phu, phải cố gắng tận tâm tận lực mồ hôi nước mắt cả đời, may ra còn lại lấy vài ba câu thơ trời cho nhớ được là mừng.

Riêng với Nguyễn Xuân Hồng, thơ thường ứng tác bất chợt, trong môi trường có bạn bè thân thiết gợi cảm gợi hứng thơ đột xuất thất thường này thường tránh được những đề tài mòn sáo, cách thơ tự nhiên, nhịp thơ mạnh mẽ phóng khoáng, điệu thơ nhất mạch nhất khí. Loại thơ nghiêng về phía tâm thức tâm hình này, thường là tác giả khó giấu được mình. Có lẽ chính vì lý do này mà thơ Nguyễn Xuân Hồng thường vương vất đây đó những nét gờn gợn, rờn rợn những nét chúng ta cố tránh vì cho rằng nó báo điềm không may mắn chăng?

Nhưng có sao đâu, đã là quý mến nhau, dạo chơi cùng thơ Nguyễn Xuân Hồng, tôi muốn được dạo chơi cùng chính đôi nét sáng tối nhập nhòa đầy mê lực, bí ẩn đó. Tôi đã đọc ra cái sái trong thơ Nguyễn Xuân Hồng ngay từ bài “Tự hỏi” viết ở Cao Thượng năm 1976, cách đây hơn 30 năm: Ai im ỉm cõi người cô lặng thế/ Run rẩy trước loài cỏ dại bơ vơ/ Thương cỏ thương cây trích thương vặt vãnh/ Để nén hương cụt khói đỉnh ban thờ. Chữ cụt khói cho nén hương thật dữ dội, thật xót xa. Nén hương đã thành một sinh thể, một thân phận có kết cuộc thật bi ai. Hình ảnh quen mà là lạ này, sao chàng trai đương độ yêu đời, yêu cuộc sống phải nghĩ đến?

Nói tới nông nổi mỏng manh nhỏ bé của kiếp người thường người ta ví mình như cọng cỏ ngoài bờ bãi thiên nhiên. Nguyễn Xuân Hồng thấy mình còn bé mọn hơn, chỉ còn là từng sợi tóc, lúc nào cũng phải mang trên đầu. Bài thơ “Đêm không đêm” có đoạn về sợi tóc như thế: Một sợi tóc khẳng khiu mệt mỏi/ Khô tan trước gió đại ngàn/ Một sợi tóc không chân không ngọn/ Trôi vèo tan giữa không gian.

Ngược lại sợi tóc gió bay là hòn đá, tảng đá, hoặc chất chồng như núi đá chăng nữa, cũng chỉ là một kiếp xác nặng nề. Bài “Câu thơ mới, nháp trong tờ lịch cũ” Nguyễn Xuân Hồng dằn dọc một nỗi niềm nham thạch quái thạch tự dưng cồn như sóng: Đành rằng đá nặng sông sâu/ Bông lan gọi đá rủ nhau phất cờ/ Nỗi đau thành núi bao giờ/ Mà trơ trơ đá trơ trơ người/ Giữa trời trơ lại là tôi/ Thong dong thơ chỉ dăm nhời trơ trơ/ Mà tôi hóa đá bao giờ/ Từ câu thơ nháp trong tờ lịch rơi… Chính tôi đã chứng kiến phút sinh nở bài thơ này trong một quán nghẹt người dưới bóng núi đá sừng sững thành phố Ninh Bình. Tự lúc nào, Nguyễn Xuân Hồng đã thượng cả hai chân lên ghế, co thu lu lại, tay ôm lấy đầu gối, muốn gục xuống, giá không có tay kia đưa bút lia lịa mê mẩn, sẽ có thể bảo là nhà thơ thực sự hóa đá rồi…

Những tập thơ của Nguyễn Xuân Hồng

Dạo chơi cùng thơ Nguyễn Xuân Hồng, tôi đã như con chim sẻ trong cổ tích Tấm Cám, tỉ mẩn nhặt ra cả loạt câu thơ, đoạn thơ, ai đọc cũng nhận ra sự sái sẩm nhà thơ không cưỡng được.

Trong bài “Tứ hành ca” Nguyễn Xuân Hồng kể lại cái bóng của mình: Ta ngồi nhóm lửa hong nhau/ Người đau thì bóng cũng đau chập chờn/ Lửa tàn bóng nhạt nhòa hơn/ Lắt lay cơn của nguồn cơn bốn người/ Lửa khô than héo mất rồi/ Bóng mình tan giữa không lời bóng nhau.

Với nhà thơ năng động, chưa xong việc này đã bập việc khác, lúc nào cũng hừng hực hào hứng, mang cả cuộc đời đo tầm nhiệt năng nhiệt tình, nên hình tượng lửa than hay hiện ra: Một mình một bếp miên man/ Nồi cơm chưa chín hòn than vạc dần.

Ngoài những cảnh dở dang tức tưởi thế, Nguyễn Xuân Hồng còn ghi được những cảnh lịm tắt đau xót khác. Bài “Vườn xưa”, kể về một cây bưởi: Đã có một đêm/ Lá bưởi giận buồn/ Rụng non vườn tối/ Hăng hăng lá non về cội/ Lá già ứa nhựa cay cay. Lại có một ngày/ Lũ lụt tan nát vườn/ Bưởi non nẫu cùi thâm ngầu đất ướt/ Anh theo bùn ra vườn. Lá vàng rơm rớm nước mắt/ Cay xè đất/ Cay xè bùn/ Cay xè hoa bưởi non/ Cây xè quả bòng tí ti héo cuống.

Hình ảnh lá vàng, lá xanh tự nhiên, hình ảnh tuổi trẻ tuổi già con người, luôn luôn trở lại trong thơ Nguyễn Xuân Hồng. Bài “Dấu hỏi” viết ở Tuyên Quang tròn hai mươi năm trước: Cây khô héo giọt nước đầy/ Bây giờ mưa xuống sao cây vẫn buồn/ Lá vàng lật ngọn gió tuôn/ Rớt về với cội với nguồn đó thôi/ Chim rừng thong thả mồ côi/ Còn tôi với một mình tôi hỏi rằng…

Rạch ròi, mạnh mẽ hơn nữa, Nguyễn Xuân Hồng xé toang những cây lá che chắn, ném bỏ hết những đá suối ngụy trang, để trần mình ra thực chất với đời như của Nguyễn Du Trăm năm trong cõi người ta/ Mua vui cũng được một và trống canh, như Nguyễn Gia Thiều nhìn thẳng vào lẽ hư vô Trăm năm còn có gì đâu/ Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì. Nguyễn Xuân Hồng cũng nhìn trực diện vào cái chết không tránh khỏi của mình, không tránh khỏi của bất cứ ai ai, để sinh ra trên cõi đời này, sao thoát được một lần về với Đất mẹ muôn đời.

Bài thơ “Lặng lẽ”, Nguyễn Xuân Hồng viết đúng lúc đang háo hức chuyển về công việc hội hè bạn bè khát vọng một đời: Không thể ngờ rằng những câu thơ đương độ vui lại thành lời cuối một di chúc: Tríu bầm tím dập câu thơ/ Nay đây mai đó kẻ ngờ người thương/ Vợ này con nọ vương vương/ Kiếp nào cũng chẳng thoát đường tằm tơ/ Bây giờ thác giữa gia cư/ Bấy lâu hồn vía đã từ từ bay/ Thân bằng cố hữu ai hay/ Trước giờ chuyển cữu thơ này đọc lên

Biết trước cái kết cục tất yếu, Nguyễn Xuân Hồng không bi lụy, mà thanh thản chấp nhận để níu từng giây phút, từng nhịp thở cuộc sống vô giá: Sống là sống gửi mà như/ Gửi đôi hạt chát nấu nhừ hạt chua/ Âm dương như thể hai mùa/ Biết là mòn mỏi vẫn chưa muốn dừng. Nguyễn Xuân Hồng có câu thơ, tôi cho là khoái lắm. Đó là câu ở trong bài “Vô Cảm”: Bàn chân dẫu bấm/ Vẫn sạch hơn đường. Đó cũng là câu thơ trong bài “Tuổi đồng chiều”: Sau lận đận nuôi mẩy tròn hạt thóc/ Ra nằm chờ ai mang lửa đến hun… Thành những nấm mồ âm thầm/ Tự mình khói hương vĩnh biệt mình kiếp rạ…

Trước khi nén hương cụt khói là sái, bây giờ hun khói ngút lên xác rạ cũng là sái. Vậy sái ấy là gì, nếu không phải là mối đồng cảm, là tình yêu cuộc sống, nếu cứ lưng chừng, chung chung sao nói được gì, sao nói đủ. Nguyễn Xuân Hồng có được những người bạn chân tình hôm nay, chẳng phải vì để thơ đèm đẹp nửa đời nửa đoạn, mà dám đẩy thẳng lên tới cực độ, tới đỉnh núi chênh vênh liền kề vực thẳm muôn trùng...

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Nhà văn đọc sách  

Dạo chơi cùng thơ Nguyễn Xuân Hồng

VanVN.Net - Nhà thơ, nhà báo, đạo diễn, nhà biên kịch Nguyễn Xuân Hồng sinh ra, lớn lên và gắn bó cả một đời lao động sáng tạo với quê hương Bắc Giang. Nhưng những tác phẩm thơ, sân khấu, điện ...

Tư liệu  

Việt Nam với chiến lược biển (1)

VanVN.Net - (Trích phát biểu của ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam 2011 - Nha Trang ngày 08 tháng 6 năm 2011)…