Đầu xuân năm mới chúc BÌNH AN/ Chúc luôn TUỔI TRẺ chúc AN KHANG /Chúc sang năm mới nhiều TÀI LỘC/ Công thành danh toại chúc VINH QUANG…
Gửi thư    Bản in

Tọa đàm tiểu thuyết “Vùng lõm” của nhà văn Nguyễn Quang Hà

PV - 24-10-2011 01:52:21 PM

VanVN.Net - Buổi tọa đàm diễn ra gọn nhẹ giữa các chuyên gia vào sáng 24 – 10 - 2011 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh.

Nhà thơ Hữu Thỉnh trong lời đề dẫn nhấn mạnh: Tọa đàm các tác phẩm văn học sau khi đoạt Giải thưởng của Hội là việc làm mới, là việc mà BCH khóa này sẽ làm thường xuyên; khắc phục một thực tế đáng buồn là nhiều tác phẩm được giải bị rơi vào quên lãng, nó chứng tỏ công tác phê bình của chúng ta còn chưa bắt kịp với sáng tác. Đây là cuốn tiểu thuyết đạt giải Nhì cuộc thi tiểu thuyết 2006 – 2010 của Hội Nhà văn. Hôm nay chúng ta tọa đàm về Vùng lõm, một tiểu thuyết viết về cuộc chiến tranh đã lùi sâu vào dĩ vãng gần 40 năm qua. Mong các giáo sư, các nhà phê bình làm rõ những đóng góp của Vùng lõm về mảng đề tài chiến tranh cách mạng, về những đóng góp mới trong tư duy tiểu thuyết.

 

Lê Thành Nghị: Vùng lõm viết về một đội du kích của một làng Mai Trung, vào thời ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Khi đó chiến thắng còn xa mờ mịt, lực lượng địch còn mạnh, có thể càn quét bằng bộ binh bằng không quân. Các chiến sĩ ta mỏng, ở trong hoàn cảnh hết sức thắt ngặt. Thành công của cuốn sách là nhân vật Nguyễn Văn Dư, một cán bộ học ở miền Bắc, đã vừa tuyên truyền vận động quần chúng vừa tổ chức chỉ đạo trận đánh sân bay trực thăng. Trong lúc bọn địch dùng đàn áp dân chúng làm con tin, ép Dư ra trình diện, nếu không mỗi ngày chúng sẽ bắn một người. Dư đã cân nhắc, đã ra trình diện để cứu đồng bào và nhận cái chết. Lần đầu tiên văn học ta có hình ảnh một người tự đứng lên nhận cái chết cao đẹp. Bố cục giản dị, chặt chẽ và hấp dẫn qua mối tình tay ba Hòa, Tô và Dư. Có những nhược điểm, ví dụ đem lời ca sáng tác 1986 đặt vào miệng nhân vật hồi 1972, lời nhân vật phát ngôn thay nhà văn. Chất ký nhiều, văn chưa hay.

 

GS Phong Lê: Không đâu như ở nước ta, chiến tranh là một đề tài có trữ lượng, đặc biệt dài tới 40 năm, di hại còn lâu. Vì vậy, nhà văn ta cũng đặc biệt, có tới 4 – 5 thế hệ viết về chiến tranh. Như Tô Hoài nhận mình là chứng nhân, là thư ký thời đại. Vùng lõm tiếp tục và phát triển đề tài văn học này, đi từ bi kịch của cái chung đến những hy sinh, những nỗi đau cá nhân. Tôi không lấy Chiến tranh và Hòa bình để so sánh, nhưng cần trở lại với nghệ thuật tiểu thuyết, cái mà chúng ta từng hy sinh trong sáng tác thời chiến. Tôi chỉ xin phát biểu về cái đường biên của tiểu thuyết như vậy, chứ không dám đi vào tung thâm.

Nhà văn Văn Chinh: Dư ra trình diện, thản nhiên nhận cái chết để cứu dân Mai Trung sở dĩ nó hay vì nó nhuần nhị và có sức thuyết phục, không lên gân, nhiều người khen Vùng lõm bố cục chặt, chi tiết chụm là vì vậy; chứ nó không mới, cứu con tin là hình ảnh phim chiếu hằng đêm, văn học cổ Trung Quốc cũng nhiều. Tôi không cho là văn nó hay, những nhược điểm của nhân vật không nói đúng lời của nó, chỉ là phát ngôn hộ nhà văn. Đã 40 năm trôi qua rồi, không thể “hy sinh” nghệ thuật như hồi còn chiến tranh theo cách nói của GS Phong Lê, cần phải so văn học ta với tác phẩm ưu tú nhất của nhân loại, chứ nếu nhà văn – người lính viết văn, người cựu chiến binh đọc văn ấy, cảm động bởi ký ức rồi khen nhau thì người ngoài người ta dễ chê là cánh hẩu.

Nhà văn Trần Hiệp: Tôi có thể đọc lại từng đoạn, từng chương những cuốn sách về chiến tranh, Vùng lõm cũng vậy, tôi đọc say mê. Nhân vật đậm Huế. Bố cục chặt, viết công phu, đặc biệt đáng khích lệ là anh Hà viết nó giữa hai lần lên bàn mổ.

 

Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên:  Tôi đọc nhiều sách của anh Hà, nhiều ký sự, nghiêng về hiện thực đời sống nhiều hơn, đến gần đây có chuyển bút pháp, Vùng lõm hay. (Xin đọc toàn văn tham luận tại giáo diện này)

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Đọc tiểu thuyết chiến tranh ở nước ngoài nó viết nhân văn, khách quan, dễ bị thuyết phục. Văn học phải giúp con người vượt qua, vượt lên thù hận. Vùng lõm đã giúp tôi nhận thức kỹ hơn về cuộc chiến, tôi xin cảm ơn nhưng xin thú thực, ngôn ngữ các nhân vật chưa chuẩn xác.

 

Nhà văn Tô Đức Chiêu: Đọc tham luận.

Nhà thơ Ngô Thế Oanh: Nhân vật Dư là hình tượng đạo đức. Chúng ta không so sánh nó với Chiến tranh và Hòa bình, nhưng có thể so với văn học Nga xô - viết viết về chiến tranh.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân: Tôi nghe ý kiến giả định của anh Nghị, là liệu tiểu thuyết có sẽ kết bằng việc kẻ thù giết Dư xong sẽ giết cả dân làng mà rùng mình; liệu có cần phải cực đoan như thế không? Có sợ nó khiên cưỡng không?

Nhà thơ Đặng Hiển: Những tác phẩm được giải thì Hội cần in lại, phát hành rộng rãi; chứ mãi gần đây tôi mới được anh Hữu Phương cho cái Chân trời mùa hạ (Giải Nhì) đọc chỉ hai đêm là hết; hay lắm. Tôi làm lý luận phê bình ở Tạp chí Tản Viên Sơn nên đến nghe để viết bài chứ đã được đọc Vùng lõm đâu, tiếc lắm.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Anh Hà người Kinh Bắc, làm rể Huế thôi mà anh hiểu Huế quá chừng. Tôi là dân Huế thực, mà mỗi lần về Huế lại được anh Hà dẫn đi thăm chỗ này chỗ khác, anh viết về chiến trường Huế thật kỹ lưỡng, có thể coi là dư địa chí của vùng địa văn hóa này.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Văn học về chiến tranh hồi trước bị tác động bởi tuyên truyền, ta tốt địch ác, ta thắng địch thua; anh Hà tránh được nhược điểm này. Vùng lõm tiếp cận được tính chân thực của chiến tranh, có thể coi nó là bộ sử thi về Huế. Nhưng do hiệu quả nghệ thuật, nó còn cho chúng ta biết tới vùng lõm của từng con người.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Tiếc quá hôm nay không có thành viên nào của Hội đồng Văn xuôi.

Không phải trong chiến tranh cần hy sinh nghệ thuật, nói vậy chỉ là trên lý thuyết thôi chứ nhà văn nào chả muốn viết hay để nổi tiếng. Con hổ khi vần một quả bóng vẫn cần trương lực bằng khi nó vồ một con bò tót, chỉ không hay được thì phải chịu mà thôi. Đó là câu chuyện của tài năng. Tôi được nghe một câu chuyện của chúa ngục của Ngụy, hỏi một tù binh Việt cộng người Bắc: Em vào Nam bằng đường nào? Đồng chí chiến sĩ trẻ nói: Ông  muốn bắn cứ bắn, muốn giết cứ giết. Chứ đất nước của tôi, tôi muốn vào bằng đường nào mà chả được. Viên chúa ngục kia rụng rời, đành cho qua cuộc thẩm vấn. Vâng, tính lý tưởng của cuộc chiến là vẫn còn nguyên giá trị.

Cống hiến của Vùng lõm, anh Hà đồng thời viết hai cuộc chiên tranh: Của du kích chiến đấu để bảo vệ dân tộc, của những thanh lọc tâm hồn nhằm bật lên các tính cách cao đẹp. Một tác phẩm đầy vốn sống, diện mạo chiến tranh nhân dân đan cài, sinh động và phong phú. Vùng lõm có cái bi tráng, đọc cuốn hút, tốc độ nhanh; là bước chuyển động của tiểu thuyết. Có nhược điểm là săn sóc văn phong chưa được kỹ, phong vị Huế chưa đậm lắm.

Nhà văn Nguyễn Quang Hà: Tôi cảm ơn các anh đã đọc nó rất kỹ, nhất là anh Nghị. Những ý kiến khen chê đều rất đáng nghĩ ngợi, xin ghi nhận và nếu có dịp sẽ sửa chữa để tái bản. Một lần nữa, xin cảm ơn!

Các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà lý luận phê bình chụp ảnh lưu niệm

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn