Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Tadeusz Rozewicz - Nhà thơ lớn Ba Lan thế kỷ XX

24-08-2011 08:21:47 AM

VanVN.Net - Tadeusz Rozewicz sinh ngày 9 tháng 10 năm 1921 tại Radomsko, Ba Lan, tốt nghiệp khoa sử tại trường Đại học Jagielonski thành phố Krakow. Trong Chiến tranh thế giới thứ II, ông tham gia quân du kích, chiến đấu ở trong rừng. Cũng chính trong thời gian đó tác phẩm đầu tay của ông “Tiếng vọng của rừng” đã được trình làng

 

Trước ngày chiến tranh kết thúc, kẻ thù đã giết hại người anh ruột của ông cũng là một nhà thơ và chiến sĩ du kích. Đối với ông, những gì xẩy ra ở trại giam Oswiecim là một cú sốc mạnh, là tội ác tầy trời, là mối thù muôn đời muôn kiếp không tan. Ông cho rằng những sự kiện đau thương ở Oswiecim không thể không tác động tới diện mạo của thi đàn Ba Lan. Thơ sau Oswiecim phải lớn tiếng nói lên thảm hoạ của người đã bị giết hại, của người còn sống và phải mang phong cách mới. Để trả lời câu hỏi: “Liệu có còn thơ sau các vụ giết người hàng loạt ở Oswiecim?”, ông nói:

Một nhiệm vụ đang chờ tôi:

Xây dựng một nền thơ sau Oswiecim

Dưới tác động của những đau thương mất mát do chiến tranh gây ra, Rozewicz đã lao vào cuộc cách tân thơ, một cuộc cách mạng tổng hợp trên thi đàn Ba Lan sau chiến tranh. Ông chủ xướng thơ mới - thơ tự do, thơ không vần dựa trên nền tảng của cái gọi là sự tích tụ, thể thơ như vậy chứa đựng và chuyển tải được nhiều nội dung hơn thơ theo lối cũ. Hai tập thơ liên tiếp của ông Không bình yên (1947) và Chiếc găng tay đỏ (1948) là hai tập thơ đã thực hiện một cuộc cách tân thực sự, là những thể nghiệm thành công của ông. Những tập thơ đầu của ông thực chất là những tập hồi ký bằng thơ về thế hệ của ông, về nỗi đau mà ông từng nếm trải do đất nước bị chiếm đóng. Rozewicz đã tạo được cho mình một phong cách riêng, một ngôn ngữ riêng và thực tế cho thấy bạn đọc đã thực sự mến mộ phong cách và ngôn ngữ ông dùng. Cuộc cách tân mà ông chủ xướng đã làm thay đổi ít nhất là hai lĩnh vực văn học ở Ba Lan sau chiến tranh: thơ và kịch. Làn gió thơ mới đã thổi vào thi đàn Ba Lan, đem lại cho thi ca luồng sinh khí mới. Các nhà thơ Przybos, Staff và Milosz là những người ngay từ buổi đầu đã thấu hiểu mục tiêu cách tân thơ mà Rozewicz theo đuổi. Staff công nhận rằng, ông đã chịu ảnh hưởng của Rozewicz và càng quý trọng ông. Dẫu rằng giữa Czeslaw Milosz và T. Rozewicz còn nhiều điểm bất đồng, nhưng bằng phong cách của mình, chính Rozewicz đã thực hiện một trong những yêu cầu cốt yếu mà Milosz đòi hỏi - đó là dạng thức dung lượng lớn trong thơ cũng như trong trường ca. Trong một bài thơ của mình gửi Tadesz Rozewicz nhà thơ được giải Nobel này đã viết:

May mắn thay một dân tộc có nhà thơ

Không bước đi lặng lẽ trong khốn khó của mình.

Giờ đây, chăm lo cho sự phát triển của nền thi ca Ba Lan, ông đặc biệt quan tâm tới các nhà thơ trẻ. Ông kêu gọi họ phải tôn trọng sự thật, không nên viển vông xa lạ, phải bám sát cuộc sống đời thường. Ông nói: Để thơ có thể là thứ thiệt thì người làm thơ phải bắt đầu từmiêu tả bộ mặt của chính mìnhvà những sự việc tưởng như chẳng có gì ghê gớm nhưng lại tác động tới hình thái của cuộc sống con người. Theo ông, nền thi ca đương đại Ba Lan chưa thật sự ăn nhập với cuộc sống, chưa mạnh dạn nhìn vào thực tế. Cần xác định một điều là, nhà thơ phải có trách nhiệm với mình và với dân tộc.

Trong gia sản quý giá gồm hàng chục tác phẩm văn xuôi, thơ và kịch của Tadeusz Rozewicz chúng ta phải kể đến các tác phẩm sau đây: “Không bình yên” (1945-1946), “Chiếc găng tay đỏ” (1947-1948), “Những nụ cười” (1945-1956), “Thời gian đang trôi” (1950), “Thơ và những bức tranh” (1951-1952), “Bình nguyên” (1953-1954), “Bông lúa bạc” (1954-1955), “Trường ca mở” (1955-1957), “Trò chuyện với thái tử” (1960), “Bông hồng xanh” (1961), “Bộ mặt thứ ba” (1968), “Regio” (1969), “Thơ” (1971-1976), “Văn xuôi” (1973), “Bề ngoài và bên trong trường ca” (1983), “Tranh điêu khắc” (1991) v.v... Đặc biệt, với tác phẩm rất xuất sắc “Mẹ ra đi” viết về người mẹ đã quá cố của mình, ông đã được tặng Giải thưởng văn học NIKE (Nữ thần Chiến thắng) năm 2000, giải thưởng văn học hàng năm lớn nhất của Ba Lan.

 

CHÙM THƠ CỦA TADEUSZ ROZEWICZ

Lê Bá Thự dịch và giới thiệu

 

 

Nhà thơ về hưu

Tặng Czeslaw Milosz

 

Ngồi xuống ghế

cởi mục kỉnh

nhắm hai mắt

 

lau mục kỉnh

giở tờ báo nhìn quanh thế giới

gập báo và đứng dậy

 

loạng choạng

chống ba-toong

đọc dòng chữ

trên thành ghế

 

chân bước, miệng lẩm nhẩm

 

lão trò chuyện với các nhà thơ

dưới mồ

 

hai người đàn bà

bước lại hỏi nhà thơ

ngài có đọc thánh kinh

có tin địa ngục

chấm dứt thiên đường trên mặt đất

 

nhà thơ lắc đầu, cười

về già lão ưa

trò chuyện với những người

im lặng

 

lão bước tiếp

ngồi xuống ghế

ngắm mây trời

 

một con quạ

bay tới

xuyên chiếc lông đen

qua miệng nhà thơ

khép lại

rồi bay đi.

 

Con chim hổ phách

 

Mùa thu

con chim hổ phách

suốt trong

chuyền cành

mang giọt vàng

 

Mùa thu

con chim rubi

long lanh

chuyền cành

mang giọt máu

 

Mùa thu

con chim xanh

lìa đời

hạt mưa rơi

chuyền cành.

 

 

Sống

 

Sống

trong cửa quay

tôi viết

truyện và

kịch

 

và đây là một trong “những bí mật”

của vở kịch của tôi

 

trước khi ý tưởng vào

bên trong cửa với “nhân vật chính”

nó đã ở ngoài cửa

với nhà phê bình

 

tác phẩm tôi bắt đầu viết

ở trang này là lời

ở trang kia tôi kết

không lời

 

cái bóng đã đi theo tôi

giờ đang vượt trước tôi

một đoạn dài bằng cái lưỡi.

 


Mầu mắt và những câu hỏi

 

Có phải người yêu của tôi

có đôi mắt xanh

ánh bạc

Không.

 

Có phải người yêu của tôi

có đôi mắt nâu

ánh vàng

Không.

 

Có phải người yêu của tôi

có đôi mắt huyền

hiền dịu

Không.

 

Người yêu của tôi có đôi mắt

rơi vào tôi

như mưa thu

u buồn.

 


Những bông hồng xanh của nhà thơ

 

Tôi đã thấy nhà thơ

gieo gió

anh ta làm rất đạt

như bông hoa

vãi hạt

 

Ra về

nhà thơ không gặt bão

ôm một bó hoa hồng

Những bông hồng mầu xanh.

 

 

Bài tập về nhà

 

Bài tập về nhà

cho nhà thơ trẻ

 

Đừng miêu tả Paris

Lvov hay Cracov

 

Hãy miêu tả mặt mình

từ trí nhớ

chớ có dùng gương

 

trong gương bạn dễ nhầm

thật và ảo

 

Khỏi miêu tả thiên thần

hãy miêu tả con người

hôm qua bị bạn bỏ rơi

 

hãy miêu tả mặt mình

và chia sẻ cùng tôi

những nét đầy tính cách

 

tôi chưa hề đọc

chân dung tự hoạ đẹp

trong làng thơ Ba Lan. 

 

 

Sợi tóc nhà thơ

 

Nhà thơ hẳn là ai đó

Xin lắng nghe tiếng nói nhà thơ

Cho dù giọng nói này

Mảnh mai như sợi tóc

Như sợi tóc của Julieta

 

Sợi tóc này mà đứt

thì quả cầu buồn tẻ của chúng ta

sẽ rơi vào bóng tối bao la

Hoặc có khi

lạc lối trong mây mù

 

Các vị có ghe nói

Đôi khi có gì đó treo

Treo trên sợi tóc

Tiếng nói của nhà thơ là sợi tóc này

Các vị có nghe nói

 

Có ai ở đàng kia nghe nói.

 

 

Nhà ảo thuật

 

Lôi ra từ ống tay áo

Hoặc tai người xem

bông hồng bằng giấy

 

“Hệt như hoa thật...”

Còn hơn thế

Bởi sặc sỡ vô cùng

 

Nhưng chẳng thấy ong mật vo ve

chẳng thấy hạt sương thầm lặng

đậu trên hoa hồng

 

Chỉ bụi bám

năm này sang năm khác

trên những cánh hoa tàn

của đài hoa.

1953

 

 

 

Tàn sát trẻ con

 

Những đứa trẻ thét vang: “Mẹ ơi!

Con vẫn ngoan cơ mà!”

Tối lắm mẹ ơi! Tối lắm!

 

Các bạn thấy Chúng đang chìm xuống đáy

Các bạn thấy những bàn chân nhỏ

Chúng đã chìm xuống đáy

Bạn có thấy chăng vết tích này

Những cái chân nhỏ xíu ngổn ngang

 

Trong túi chúng vẫn còn đầy

Những sợi dây và những viên sỏi

Cả những chú ngựa tí hon tết bằng sợi vải

 

Một vùng đất bằng kín mít

Như một cái hình hình học

Và một cái cây bằng khói đen ngòm

Sừng sững

Cây chết chóc

Chẳng có sao trên ngọn.

 

Bảo tàngtrại giam

Oswiecim 1948

 

 

Quan sát

 

Mây trôi trên ngôi nhà

Nơi đời tôi đang trôi

 

Mây đen lồng lộn

trên cao

mây trắng lướt nhanh

như không hề có

 

Lớn lên trên đường đời

tôi lưu tâm quan sát kĩ mây trời

và tôi càng yêu hơn mặt đất

nơi in đầy dấu chân người.

 

 

Cây

 

Các nhà thơ ngày trước

là những người mắn phước

Thế giới như một cây

còn họ là trẻ nhỏ

 

Biết treo cho em cái gì đây

trên cành của một cây

đã từng hứng chịu

những trận mưa sắt gang

 

Các nhà thơ ngày trước

là những người mắn phước

nhẩy múa quanh gốc cây

như một bầy trẻ nhỏ

 

Biết treo cho em cái gì đây

trên cành của một cây

đã cháy trụi

chẳng còn hát còn vui

 

Các nhà thơ ngày trước

là những người mắn phước

dưới tán lá cây sồi

hát hò như trẻ nhỏ

 

Còn cây của ta bây giờ

đêm khuya kẽo kẹt

trên cây lửng lơ treo

xác quân đê tiện.

 

 

Đốt thơ

 

Tôi xin kể chuyện này

hay thì chẳng phải hay

 

cuộc đốt thơ

diễn ra trong lặng lẽ

một buổi lễ

chẳng có gì

trọng thể

 

cuộc đốt thơ diễn ra

trong trang trí nôm na

một chiếc bàn và ba chiếc ghế

một tủ sách đầy

 

giấy cháy

lửa bập bùng

khói bốc lên không trung

 

Khi ngôn từ tuôn ra

lão hét

bây giờ lão lặng im.

 

 

Núi vàng

 

Lần đầu

tôi thấy núi

khi hai sáu

tuổi đầu

 

Tôi không cười

Tôi không hét

khi nhìn thấy núi

miệng lầm nhầm

 

Lúc về nhà

tôi muốn kể

cho mẹ tôi

núi nom thế nào

 

Chuyện mới khó làm sao

trong đêm

mọi thứ khác ban ngày

cả núi non, cả lời người

 

Mẹ lặng im

chừng như đã thiếp đi

mệt mỏi

 

Trong mây

mặt trăng hiện ra

núi vàng

của người nghèo.

1955

 

 

Người cha

 

Đi qua con tim tôi

người cha già

Sống không tằn tiện

không tích cóp

chẳng tậu nhà

chẳng sắm đồng hồ vàng

chẳng của nả gì

 

Người sống tựa con chim

hát ca

ngày này sang ngày khác

song

một viên chức quèn

chịu sống mãi như vậy sao

 

Đi qua con tim tôi

người cha

chiếc mũ cũ trên đầu

miệng huýt sáo

bài hát vui

Và cụ tin như đinh đóng cột

mai kia cụ lên thiên đường.

1954

 

 

Nhà thơ là ai

 

Nhà thơ là người làm thơ

và là kẻ chẳng làm thơ bao giờ

 

nhà thơ là người không ưa ràng buộc

và là kẻ tự buộc dây vào mình

 

nhà thơ là người cả tin

và là kẻ chẳng chịu tin bao giờ

 

nhà thơ là người lừa dối

và là kẻ bị dối lừa

 

nhà thơ là người gục ngã

và là kẻ tự đứng dậy

 

nhà thơ là kẻ ra đi

và là kẻ một li chẳng rời.

 

 

Giữa bộn bề công việc

 

Giữa bộn bề công việc

Vô cùng cấp bách

tôi quên khuấy một điều

rằng mình cũng cần phải chết

 

vô tâm

tôi lơ là bổn phận của mình

hoặc làm

hời hợt

 

từ mai

mọi chuyện phải khác

Tôi sẽ bắt đầu gắng chết

Thông minh và lạc quan

Không phí phạm thì giờ.

 

 

 

Tôi thấy những người điên

 

Tôi thấy những người điên đi trên biển

họ tin đến tận cùng và chìm xuống đáy sâu

 

bây giờ đây họ lại đang xô đẩy

con thuyền tôi nào vững chắc gì đâu

 

Tôi cố xua những bàn tay ấy

những bàn tay như những nhánh cây khô

 

Thật tàn bạo tôi đang xua đuổi

suốt tháng năm không dừng lại bao giờ.

 

(Lâm Quang Mỹ dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan)

 

 

May mắn sao

 

May mắn sao là tôi có thể

Được vào rừng và hái những quả ngon,

Vì trước đó thâm tâm tôi cứ nghĩ

Không có rừng và quả cũng đâu còn!

 

May mắn sao là tôi có thể

Được nằm dài dưới bóng những hàng cây,

Vì trước đó thâm tâm tôi cứ nghĩ

Cây không còn cho bóng mát nơi đây!

 

May mắn sao là tôi với bạn

Vẫn còn cùng một nhịp đập trái tim,

Vì trước đó thâm tâm tôi cứ nghĩ

Trên đời này người tâm huyết khó tìm!

 

(Lâm Quang Mỹ dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan)

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...

Nhà văn đọc sách  

Có một cánh buồm đang trở về bến thơ

VanVN.Net - Năm 1973, khi đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, chúng tôi đã nghe và ngưỡng mộ thơ của Trịnh Công Lộc. Lúc đó anh cùng khoa Văn, trước chúng tôi hai khóa, đã ...