Ở cấp cơ sở, nếu như ngoài Bắc có đêm thơ xuân Làng Chùa nổi tiếng thì ở miền Trung có đêm thơ xuân xã Hoà Đồng rất đáng tự hào. Năm ngoái, đêm thơ Hoà Đồng là đêm thơ đầu tiên của cả nước bày tỏ tình cảm đối với đại lễ 1000 năm Thăng Long, với sự góp mặt của cả nhà thơ Thanh Tùng- tác giả của Thời hoa đỏ và Phan Hoàng với Bước gió truyền kỳ. Năm nay, thơ tết Hoà Đồng là đêm thơ đầu tiên hướng về kỷ niệm 400 năm thành lập tỉnh Phú Yên, vùng đất một thời trấn biên trên đường cha ông mở cõi hướng về phương Nam.
Không chỉ có thơ nhạc, mà đêm thơ Hoà Đồng còn là dịp quy tụ những người con thành đạt xa quê nhưng lòng luôn hướng về quê cha đất tổ, mong muốn góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh. Từ những tấm lòng đó, xen kẽ giữa tiếng thơ, ban tổ chức đã trao 40 suất quà (mỗi suất trị giá 200.000đ) cho học sinh nghèo hiếu học của địa phương qua sự quyên góp của các mạnh thường quân trước và ngay trong đêm thơ.
Như chúng ta đã biết, Đêm thơ Nguyên tiêu núi Nhạn của tỉnh Phú Yên vốn góp phần quan trọng vào việc thành lập Ngày Thơ Việt Nam. Và vào hội thơ hàng năm, tất cả các huyện và thành phố Tuy Hoà của tỉnh Phú Yên đều tổ chức đêm thơ; nhiều xã phường cũng có đêm thơ hướng về Ngày Thơ Việt Nam. Vì vậy, đêm thơ Hoà Đồng nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo văn hoá các cấp của Phú Yên. Có mặt tại đêm thơ, nhà sử học Phan Đình Phùng, tỉnh uỷ viên, đại diện Sở Văn hoá - thể thao và du lịch phát biểu rằng, đêm thơ xuân mang vẻ đẹp nhân văn của Hoà Đồng là điểm sáng cần được nhân rộng khắp các địa phương, khơi mạch đời sống tinh thần văn hoá và hiếu học đầu xuân. Còn nhạc sĩ Ngọc Quang, chủ tịch Hội VHNT Phú Yên cho rằng đây là sáng kiến độc đáo, đưa thơ vào đời sống nhân dân, biến thơ thành thức ăn tinh thần giá trị và bổ ích, những em học sinh nghèo nhận quà từ đêm thơ nhất định sẽ giữ mãi kỷ niệm đẹp này cho mình.
Ngoài những tên tuổi quen thuộc trên văn đàn cả nước như Ngô Phan Lưu, Phan Hoàng, Nguyễn Tường Văn, Lê Thiếu Nhơn, Đào Đức Tuấn, Trần Hoàng Nhân, Phạm Ngọc Hiền,… thì đêm thơ còn quy tụ nhiều gương mặt thơ chuyên và không chuyên trong tỉnh và ngay tại địa phương như: Phan Thanh Bình, Đắc Hoa, Nguyễn Đắc Tấn, Quang Bình, Kim Khoa, Văn Nhiên, Bùi Tấn Quy, Huyền Mơ,… và cả những lãnh đạo yêu văn học nghệ thuật của xã nhà: Nguyễn Ngọc Sự, Nguyễn Văn Tư, Mai Ne, Cao Trung, … Và đặc biệt là tấm lòng những mạnh thường quân vừa yêu thơ vừa hết lòng ủng hộ quỹ khuyến học, họ là những doanh nhân, nhà giáo, nông dân, công nhân, buôn bán nhỏ, sinh viên, cán bộ hưu trí… hết lòng với thơ, với tương lai con em quê hương mình.
Rất nhiều ấn tượng đáng nhớ tại đêm thơ. Ấy là hình ảnh hồn nhiên vui nhộn của những em bé trong đội múa lân, võ thuật tí hon múa minh hoạ cho thơ. Ấy là hình ảnh xúc động của những học sinh mẫu giáo nghèo lên khệ nệ “ôm” quà tặng. Ấy là nỗi nghẹn ngào của những người con tha hương khi có dịp trở về quê. Và ấy là tấm lòng của những mạnh thường quân “của ít lòng nhiều”, trong đó có cụ bà Huỳnh Thị Kiển gần 80 tuổi vẫn quyên góp 500.000đ, nhà thơ lão thành Nguyễn Đắc Tấn: 500.000đ, cô giáo mê thơ Diễm Phúc chắt chiu ủng hộ 500.000đ, hay nhà giáo - nhà báo Phan Lê Lưu từ TP.HCM gọi điện về ủng hộ 1.000.000đ ngay trong lúc chương trình đang diễn ra…
Đêm thơ xuân Hoà Đồng khép lại nhưng nhiều xúc cảm và trăn trở đã mở ra trong lòng người yêu thơ lẫn những người có trách nhiệm đối với đời sống văn hoá tinh thần không chỉ của Hoà Đồng, của Phú Yên. Cùng với người làng Chùa ở Hà Tây (bây giờ thuộc Hà Nội) thì người nông dân Hoà Đồng xứng đáng là những người yêu thơ nhất Việt Nam.
Tấn Quy