Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI
   

Chùm truyện ngắn: "Điều bí mật"
Cập nhật: 9:38:00 14/1/2011

VanVn.Net - Xin giới thiệu với quý độc giả chùm truyện ngắn của tác giả trẻ Lưu Quang Minh. Hiện đang là sinh viên ngành Đồ họa - Mỹ thuật công nghiệp sinh năm 1988 nhưng lại là người say mê văn chương. Đã có truyện ngắn đăng trên các báo: Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Văn nghệ quân đội, Lao Động, Tiền Phong, Sài gòn giải phóng, Phụ nữ chủ nhật…

Hiện Lưu Quang Minh là thành viên bút nhóm thiếu nhi Nhiệt Đới. Đã đoạt giải nhì cuộc thi truyện cực ngắn Web Hội ngộ văn chương với truyện “Già trước tuổi”. Đã in: tập truyện ngắn đầu tay Gia tài tuổi 20 (NXB Văn Học – 3/2010). Bạn đọc muốn liên hệ với Lưu Quang Minh xin liên hệ theo địa chỉ: 63/14/4 Lê Văn Sỹ f13 Q. Phú Nhuận TP HCM. SĐT: 0908018518 – 0822110885.

Mail: lqmproduction@gmail.com

Link blog: http://www.facebook.com/luuquangminhwriter

Nick yahoo: luuquangminhpro

Website: www.luuquangminh.com

Điều bí mật

Mỗi lần định bụng thổ lộ với chàng, bên tai nàng lại văng vẳng lời mẹ dặn: đừng bao giờ tiết lộ điều bí mật với ai, con gái nhé! Đừng bao giờ!

“Kể cả… anh ấy sao mẹ?”

Mẹ gật đầu, dứt khoát.

Nhưng nàng yêu chàng. Vì yêu, nàng không muốn giữa tình yêu còn tồn tại vết ngăn - dù rằng nhỏ nhất.

Rồi đây khi cả hai thành vợ thành chồng, mọi chuyện biết sẽ ra sao?

Tổ tiên chúng ta đến từ trên kia, cháu ạ…

Ngày bé, nàng thường cùng ông ngoại ngồi ngắm bầu trời đêm. Mắt ông mông lung, chỉ tay về phía ngôi sao xa xăm nào đó trên bầu trời thăm thẳm trong khi nàng tròn xoe mắt lắng nghe từng lời trôi tuột vào tai.

Họ đã ở đây trước cả khi có dấu chân đầu tiên của Con Người…

 “Em đang nghĩ gì vậy?”

Nàng giật mình, trở về với thực tại. Chàng và nàng đang ngồi đối diện nhau trong một nhà hàng sang trọng. Những ánh nến vàng lay lắt tỏa ánh sáng lung linh mờ ảo trên bàn. Khung cảnh lãng mạn hệt như chuyện cổ tích. Hay là nàng đang mơ?

Nhiều khi nàng thầm nghĩ phải chăng quả thật mình đang mơ. Chàng ngồi đó, chẳng khác nào một bạch mã hoàng tử. Ai cũng bảo chàng và nàng trời sinh một cặp, trai tài gái sắc.

“Không có gì đâu anh…”

Tuổi đời còn rất trẻ, vậy mà chàng đã ra dáng một doanh nhân thành đạt - giám đốc của hàng loạt công ty bất động sản danh tiếng.

“Em ơi, anh thấy mình thật may mắn!”

Không, nàng mới là người may mắn. Được gặp anh và yêu anh, hoàng tử trong mộng của mọi cô gái trên đời, còn điều gì làm nàng hạnh phúc hơn.

“Hôm nay anh muốn nói với em một điều quan trọng…”

Cảnh vật chung quanh đột nhiên khựng lại. Môi nàng trở nên khô khốc, đôi bàn tay run rẩy.   

Con yêu anh ấy, mẹ ơi…

Mẹ biết chứ… Cũng như khi  xưa mẹ yêu bố con, dù ông ấy là một Con Người.

Mẹ đã chọn cách im lặng với bố. Tận đến ngày ông bước sang thế giới bên kia vì bạo bệnh.

 “Em sẽ lấy anh chứ?”

Nàng rùng mình lần nữa.

* * *

            “Bạn tôi ơi, anh tin có người ngoài hành tinh chứ?”

            “Sao lại không. Chúng ta là một điều kỳ diệu của tạo hóa. Tại sao không thể tồn tại điều kỳ diệu thứ hai, thứ ba và hơn nữa?”

            Bạn thân chàng vốn là một nhà khảo cổ học. Dù vậy, bạn rất thích nói về người ngoài hành tinh, nhất là những lúc hàn huyên với rượu tây thế này.

“Thế nếu tôi nói rằng người ngoài hành tinh đã đến Trái đất từ lâu lắm rồi. Thậm chí trước cả khi loài người có mặt nữa, anh nghĩ sao?”

Chắc mẩm cả đống người sẽ lập tức cười ồ và kết luận bạn bị điên. Riêng chàng chỉ tủm tỉm.

“Còn nhiều điều bí ẩn khoa học chưa giải thích được mà, đúng không bạn. Chẳng hạn như cách những người Ai Cập cổ đại xây dựng Kim Tự Tháp…. Không có chuyện gì là không thể xảy ra!”

“Ồ đúng thế! Bạn thân mến, bạn quả luôn là bạn chí cốt! Cạn ly nào!”

Rượu và bạn tốt luôn làm tinh thần người ta phấn chấn. Bạn lại tiếp tục thao thao bất tuyệt. Chàng vừa nghe vừa gật gù, rồi rót thêm rượu, cụng ly “cốp, cốp”.

“Tôi làm khảo cổ tôi biết chứ! Rất nhiều di chỉ của người ngoài hành tinh còn tồn tại đến tận ngày nay. Và những vòng tròn bí ẩn trên cánh đồng nữa, xuất hiện liên tục bạn ạ. Hôm qua vừa thêm hai cái…”

“Ừ…uống đi uống đi, tranh thủ trước khi mình lấy vợ nào!”

“Đúng rồi, chúc mừng bạn!”

Bạn cạn sạch một hơi xong đã đỏ mặt tía tai.

“Với lại người ngoài hành tinh bề ngoài chẳng khác chúng ta đâu, mình cam đoan luôn đấy. Chỉ là bề ngoài thôi nhé…”

Chàng lại tủm tỉm như thường lệ.

* * *

Ai cũng có cho riêng mình một điều bí mật, phải vậy không?

Ngày mốt đã là đám cưới. Nàng ngồi soi mình rất lâu trước tấm gương lớn nơi bàn trang điểm. Chàng và nàng sắp là của nhau rồi. Khuôn mặt phản chiếu trong gương kia thật đẹp, tiếc là…

“Con gái yêu của mẹ…”

Mẹ đứng sau lưng từ lúc nào, đặt tay lên đôi vai thuôn gầy của nàng. Nàng biết mẹ sẽ lại nhắc đi nhắc lại những lời đã nhắn nhủ từ lâu. Có lẽ đó đã luôn là truyền thống dành cho những cô gái sắp sửa về nhà chồng. Những cô gái không bình thường.

“Nếu giả sử anh ấy biết, anh ấy sẽ…bỏ con hả mẹ?”

“Tất cả Con Người đều giống như nhau, con yêu.”

            “Không đâu mẹ. Anh ấy không như người khác. Anh ấy rất yêu con…”

            “Con à. Trong chúng ta biết bao nhiêu người từng mang suy nghĩ như con. Thế rồi, họ phải gánh chịu quá nhiều điều khủng khiếp. Đừng ngây thơ nữa, con gái!”

            Nàng lặng im ngắm nhìn gương mặt xinh đẹp kia trong gương. Nói hay không nói? Nói hay không nói?

            Tự nàng sẽ phải quyết định thôi.

* * *

Khi hai người bạn thân giã rượu, mặt trời cũng lên quá đỉnh đầu. Cả hai đã tâm sự suốt đêm. Nhà khảo cổ trẻ tuổi tài ba luôn gặp khó khăn về tài chính và phương tiện trong các cuộc khai quật. Và chì có chàng luôn là người duy nhất sẵn sàng bỏ tiền tài trợ.

“Bạn ơi, mình mang ơn bạn suốt đời!”

“Xá gì, bạn bè không nói chuyện ơn nghĩa ở đây.”

Chàng có kinh doanh cổ vật không? Một ít. Dẫu sao bạn tin chàng say mê lịch sử hơn tất cả mọi vật chất phù phiếm khác trên đời. Vậy nên họ mới là bạn thân. Nhất định thế rồi!

“Lần này chắc chắn mình sẽ tìm ra…”

Bạn lại bắt đầu đề cập đến chúng: những cổ vật chứng minh sự hiện diện của người ngoài hành tinh. Nhiều khi, chàng chỉ muốn thốt lên như đám đông: bạn tôi ơi, hãy thôi nghĩ tới những chuyện viển vông đó mà chuyên tâm nghiên cứu lịch sử đi. Óc tưởng tượng phong phú cần thiết thật, nhưng sẽ thích hợp hơn nếu bạn là một nhà văn đi theo thể loại viễn tưởng.

Dù vậy, chàng không có can đảm thẳng thừng phủ định những ý tưởng “điên rồ” của bạn. Lịch sử ẩn chứa quá nhiều bí mật còn chờ người ở thời đại này khám phá.

“Mình về nhé, hẹn gặp lại ngày mai.”

Tiễn bạn xong, còn lại chàng trong căn phòng thênh thang sẵn đủ mọi tiện nghi đắt tiền. Đảo mắt một lượt trước những vinh hoa đang hiện hữu, đến lúc này chàng mới thừ người thở dài đánh sượt. Khoác tất cả những thứ này lên mình, có nghĩa lý gì? Không! Không là gì cả, rồi cũng sẽ chẳng là gì cả…

May mà còn nàng để chàng thấy đời có chút ý nghĩa.

Ngày mai, chàng và nàng sẽ là của nhau. Ngày mai nữa thôi.

Bất giác, chàng đưa tay lên vầng trán, vuốt dài xuống mặt.

* * *

Đám cưới diễn ra đẹp hơn cả trong mơ. Nào xe hơi, nhà hàng sang trọng. Quan khách nườm nượp, bàn tiệc đề huề. Cô dâu má thắm môi hồng xúng xính trong bộ xoa-rê lộng lẫy. Thêm nhiều ánh nhìn ghen tỵ nữa về phía cặp đôi hoàn hảo là đủ bộ.

Nàng rạng rỡ sánh vai bên chàng. Hạnh phúc là đây chứ có nào đâu xa xôi. Hạnh phúc thực sự. Chàng nắm lấy tay nàng. Nàng đáp lại, xiết chặt hơn.

“Anh yêu em nhiều lắm!”

“Em cũng yêu anh, rất nhiều…”

Đêm xuống, tiệc tàn. Rồi cũng đến phút giây thiêng liêng nhất. Hơi thở đôi uyên ương ngày một gấp gáp. Chàng và nàng là của nhau, bây giờ và mãi mãi. Đang trao nhau yêu thương nồng nàn, đột nhiên nàng bừng tỉnh.

“Khoan đã… anh ơi!”

“Sao vậy em, có chuyện gì?”

“Anh ơi, anh có yêu em không?”

“Có chứ! Yêu rất nhiều!”

“Thật vậy không, dù em có thế nào?”

“Thật!” - Chàng đáp không chút đắn đo suy nghĩ.

Nhưng chỉ sau đó vài giây, chàng bỗng toát mồ hôi lạnh. Tiếng nàng lại thì thào bên tai.

“Em muốn cho anh biết... một bí mật.”

“Đừng!” - Chàng đẩy nàng ra ngay lập tức.

“Anh… anh ơi…”

“Em đừng nói, anh…”

Nàng chết điếng. Chàng hiểu chuyện gì? Chẳng lẽ chàng đã đoán ra…

            Không khí im lặng đến đáng sợ. Chàng đang nghĩ gì vậy? Chàng đang nghĩ gì vậy?

            Tíc tắc tíc tắc tíc tắc. Tiếng đồng hồ trên tường mỗi lúc rõ mồn một. Anh ơi, nói gì đi - nàng chờ đợi.

            “Píng pong! Píng pong! Píng pong…!”

            Chuông đồng hồ điểm vang. 12 giờ đêm. Nàng run lên bần bật.

            “Anh cũng muốn nói với em một bí mật!”

            Giọng chàng đột nhiên lạc hẳn đi. Nàng quơ tay tìm kiếm gương mặt chàng trong bóng tối.

            Bàng hoàng, nàng nhận ra gương mặt kia đang dần biến đổi. Không hề khó để biết được. Ôi thôi, nàng đã hiểu ra tất cả.

            “Anh không phải là Con Người…”

            Chàng đã biến đổi hoàn toàn. Hình thù này, điều bí mật mọi người thi nhau giấu kín này, chàng cũng như họ tất tần tật khuất lấp…. Riêng với nàng thì không thể.

            Tiếng nấc của nàng bật lên trong đêm tối, át cả tiếng gõ đồng hồ.

            “Em có ghê sợ anh không?”

            Chàng đặt tay nàng lên bộ dạng thực của mình. Trong đêm tối những lởm chởm, xù xì, gai góc, quái dị bừng lên rõ rệt lan truyền nhanh với tất cả mọi xúc giác. Nàng lắc đầu quầy quậy:

            “Không bao giờ anh ạ! Không bao giờ!”

            Nàng ôm chàng chặt hơn. Và bắt đầu biến đổi.

Ai cũng có riêng cho mình một điều bí mật cơ mà.

 

Già trước tuổi

Mỗi lần thấy nó ra chiều đăm chiêu, trán hơi nhăn, hai con ngươi hơi trợn ngược lên là y như rằng má biết nó sắp lên giọng “cụ non” đây. Mọi người nói thằng bé kháu, mà chả biết nó lấy đâu ra mớ triết lý ấy nữa. Nhiều lần má cũng phải ngạc nhiên vì nó. Nó bảo : “Má đừng đi kiếm tiền nữa!”. Má hỏi : “Tại sao? Không kiếm tiền lấy gì nuôi con trai má đây nè!”. Nó lắc đầu quầy quậy : “Không má à. Có tiền chưa chắc đã mua được hạnh phúc đâu.”. Ghê chưa. Mới bây lớn mà đã biết hạnh phúc – khái niệm trừu tượng nhiều người lớn già đầu rồi cũng chưa định nghĩa được cho đầy đủ. Thế mà thằng bé mười tuổi đáp khi má hỏi hạnh phúc là gì thế này : “Là khi cười mà không gượng gạo đó má.”

Trời. Cười mà không gượng gạo. Phải rồi, nó nói đúng ghê. Nhiều người cười mà lòng có muốn đâu. Như khi nhắc đến ba, má đã ráng cười. Cười vì nó. Nó vốn làm gì có ba. Nên má phải vẽ ra ba cho nó. Người đàn ông đó đã bỏ má ngay khi biết tin má đang mang nó trong mình. Má cố cười thật tươi. Vậy mà nó vẫn phát hiện.

Má đạp xe chở nó đi học. Ngồi đằng sau, nó nghĩ ngợi gì đó rồi chợt thốt lên : “Má nè, mốt con lớn sẽ kiếm thiệt nhiều tiền cho má!”. Má cười : “Sao vậy, bữa mới nói má là có tiền chưa chắc có hạnh phúc mà.”. Nó (lại) lắc đầu : “Má hổng hiểu gì hết trơn. Con kiếm được nhiều tiền nghĩa là con giỏi. Con giỏi là không uổng công má nuôi con. Vậy là má sẽ thấy hạnh phúc!”

Ừ đúng rồi. Cả đời má chỉ mong nó nên người. Không hạnh phúc thì là gì đây.

Nó ít khi hỏi má bao giờ ba về. Má chỉ kể cho nó rằng ba đi làm xa, mốt sẽ về đón má con mình đi lên thành phố. Chỗ đó đẹp và rộng hơn căn nhà lụp xụp hai má con ở nhiều. Nó nghe xong không nói gì. Chẳng lẽ đúng là nó “già trước tuổi”?

Cô giáo cho nó bài tập nặn đất sét. Nó về cặm cụi nặn cả ngày, mồ hôi nhễ nhại. Má đang nằm nhổm dậy xem nó : “Sao vậy con?”. Nó chìa ra cho má xem. Nó nặn ba người. Nhưng một không có mặt.

Nó mếu. Tự nhiên má cũng muốn khóc. Nhưng rồi má lại cười : “Để má nặn cho con.”

Chiều hôm sau nó về khoe bài tập thủ công được 8 điểm. Nhìn nó hồn nhiên, má thấy mình cả nghĩ quá. Thế nhưng đến tối nó nói : “Má biết sao con chỉ được 8 điểm không?”. Má lắc. “Tại tụi nó không nhìn nhau đó má!”. Má giật mình.

Thằng người má nặn đứng hờ hững, quay đi hướng khác. Hai tượng còn lại co ro dựa vào nhau, một lớn một nhỏ.

Má nhớ định nghĩa hạnh phúc của nó. ./.

 

Nàng Sứt

Khẽ thôi, kẻo nàng nghe thấy thì thật không hay.

Nàng kìa. Bờ vai nhỏ nhắn, làn da trắng hồng, những đường cong hơ hớ…. Đám con trai nhìn nàng, trầm trồ, một hồi sau lại lắc đầu, tặc lưỡi, ngầm tiếc rẻ. Tiếc nhỉ, chúng mày. Ừ, tiếc ơi là tiếc. Tiếc quá là tiếc.

Thằng Tùng là “nạn nhân” đầu tiên. Nó kể, hôm ấy, nhìn nàng từ đằng sau, vẫn dáng người, mái tóc dài óng ả thơm ngát. Ấy là lần đầu tiên nó thấy nàng, nhằm ngày khai giảng. Sinh viên vừa nhập học, có biết ai vào với ai đâu. Nhưng nàng, chính xác là tấm lưng nàng, có một sức hút hết sức mãnh liệt. Ra về, chạy theo tấm lưng đang dắt xe đạp ra cổng trường, nó tiến lại, gần hơn, gần nữa. Thu hết can đảm bắt chuyện. Đại khái: bạn ơi, cho mình hỏi bạn học lớp… à, vậy là cùng lớp rồi, mình cũng lớp ấy, quê bạn ở nảo ở nao, lên thành phố đã trọ ở đẩu ở đâu rồi…

Thì đại khái là vậy, nó không nhớ chính xác nữa. Nhưng nó sẽ nhớ mãi cái khoảnh khắc ấy, khi nàng quay lại, bỏ khẩu trang ra, nhẹ nhàng trò chuyện với nó. Nó nhớ đã xây xẩm hết cả mặt mày, không thốt nên lời, cũng chẳng đủ vững vàng nghe được nàng đã thỏ thẻ những gì, chỉ vội vàng lủi đi nhanh như lúc đến.

Nàng Sứt đã thổi một luồng gió mát cho đám sinh viên trai tráng rồi lập tức biến tất cả thành sa mạc chỉ trong một cái nhìn như thế.

Ừ thì nàng sứt môi. Nhưng đã được phẫu thuật từ ngày bé rồi. Duy vết thẹo còn sót lại, không mấy thẩm mỹ, dù các bác sĩ đã rất cố gắng. Khoảng một trên sáu trăm trẻ sơ sinh bị mắc chứng này, từ trường hợp nhẹ cho đến rất nặng. Nàng không may rơi vào con số một ấy. Càng không may khi tất cả những gì còn lại thuộc về nàng đều hoàn mỹ, đều tuyệt vời, đều có thể làm ngây ngất bạn khác phái từ cái nhìn đầu tiên.

Cho nên đám chúng nó mới tiếc.

Khẽ thôi, đừng có mà bàn tán nữa, nàng đang đi ngang chúng mình kìa.

Vậy tóm lại là, nếu nàng không phải là Nàng Sứt, chúng mình sẽ thi nhau chết vì nàng?

Tất nhiên! Thằng Tùng la toáng lên. Chúng mày nên nhớ tao là người đầu tiên bắt chuyện với nàng đấy.

Ấy chết. Nó bắt gặp ánh mắt nàng đang nhìn chăm chăm. Chết điếng. Toi, ai bảo chú mày hét cho cố vào, bị chiếu tướng rồi nhé.

Thằng Tùng đứng đó, lặng đi như pho tượng gỗ. Nó sẽ nhớ mãi ánh mắt ấy, như nhớ lần đầu tiên nàng và nó gặp mặt.

Nàng đi rồi. Thằng Tùng ngồi xuống, trầm ngâm, mặc tụi kia ồn ào. Nó thấy vừa buồn bã vừa hụt hẫng vô cùng.

Lẽ nào nó là một thằng tồi?

Nàng học rất giỏi, rất chăm, hết năm nhất còn được nhận học bổng. Chúng nó lại tặc lưỡi, lại tiếc. Sao ông trời ác thế chúng mày? Ừ ác thật. Mà dạo này thằng Tùng lạ lắm chúng mày ạ, cứ làm sao ấy. Làm sao là làm sao? Ai mà biết, đi hỏi nó ấy, như cái thằng mất hồn.

Đám con trai thích bình phẩm tụi con gái, ấy là sự thật. Nhưng thằng Tùng không còn hứng thú tụm năm tụm ba như vậy nữa. Nỗi ân hận giày vò nó. Tại sao ngày ấy nó lại lủi đi mất dạng, để cho Nàng Sứt đứng đó ngẩn ngơ đến ngỡ ngàng.

Nó mất ngủ mười bốn đêm, chẵn hai tuần. Mắt thâm quầng, người gầy rộc đi như con ma đói. Đám bạn nhìn vào, phát sợ. Bị gì thế mày, có nhỡ chích choác hay tầm bậy gì không, khéo chết con ạ!

Lắc đầu. Mấy thằng nhìn nó, lại nhìn nhau, cũng lắc đầu.

Đến ngày thứ mười lăm khuya nó làm bài tập xong, đặt lưng xuống giường là ngủ một mạch. Khi tỉnh dậy cảm thấy gì đó khang khác. Đúng là có gì đó rất khác. Đi ngang đám con trai, thấy chúng nó xì xào rì rào. Xầm xì và rầm rì.

Thằng Tùng nhìn quanh quất không thấy Nàng Sứt đâu cả. Nàng đâu rồi. Nó tìm khắp lượt, mọi nơi, mọi chỗ, trên giảng đường, trong sân trường, các dãy hành lang dài hun hút…

Vậy là nàng nghỉ học. Chưa bao giờ nàng vắng mặt một môn. Ngày nào cũng đến sớm, ngồi bàn đầu, điểm danh đầy đủ. Nó vẫn thường dõi theo tấm lưng ấy trên giảng đường, một cách vô thức.

Những ánh mắt thỉnh thoảng lại nhìn nó rất lạ. Nó ngồi vào chỗ của nàng, giở sách vở ra. Chuông đổ, thầy vào lớp, giờ học bắt đầu.

Một lúc lâu, cảm thấy nhột gáy. Có ai đó đang nhìn nó, ắt hẳn vậy. Nó quay lại, nhìn về phía cuối giảng đường.

Và hết sức kinh hãi khi thấy chính mình ngồi đằng xa đang giương đôi mắt chằm chằm xoáy thẳng vào gương mặt nó.

* * *

Mười năm sau, thỉnh thoảng giấc mơ ấy vẫn lặp lại, ghé thăm Tùng bất chợt. Giật mình, nửa đêm. Vợ anh nằm cạnh bên, vẫn đang say giấc nồng. Bước xuống nhà mở tủ lạnh, tu chai nước một hơi ừng ực.

Mới đó mà giờ tóc đã lấm tấm sợi bạc, đã có vợ và một con. Nhắm mắt lại rồi mở mắt ra, thoáng nhẹ nhàng như cơn mơ vừa khi nãy vậy. Trong bóng tối, anh ngồi thừ xuống bộ xô-pha, với điều khiển, bật ti vi.

Tiếng Anh. Xì xà xì xồ. Chuyển kênh. Xung xoẻng chi chẻng. Lại chuyển kênh. Bóng đá. Thời trang. Ca nhạc. Phim… Hai giờ sáng, mình yên giấc nhưng thế giới vẫn không ngừng vận động.

Anh nhớ đã gặp vợ mình trong một buổi họp lớp đại học. Tốt nghiệp ra trường, mỗi người mỗi cảnh, ngày gặp lại trông ai cũng đều đổi khác. Người ta bảo mọi gương mặt đều là kiệt tác của thời gian. Dẫu xấu đẹp thì cũng từ một tay thời gian. Như vết thẹo trên má này đây. Anh đưa tay khẽ chạm vào, cảm nhận đường thẹo dài chạy dọc từ gò má phải xuống tận cằm. Không mấy thẩm mỹ. Thời gian đã khắc nó lên mặt anh trong một tai nạn giao thông. Kể cũng lạ, người và xe đều không mảy may gì, chỉ vết thẹo là bám riết theo anh. Ngày gặp lại, chúng bạn cũ đặt cho anh biệt danh Chàng Thẹo. Anh vẫn vui vẻ, ngồi ôn lại đủ chuyện, kể nhau nghe bao nhiêu điều tưởng đã quên bẵng từ lâu. Hôm ấy, người sau này là vợ anh chủ động xin số điện thoại. Rồi những buổi gặp gỡ, đi chơi, ăn uống. Và cả hai hẹn hò.

Dù không tin mang một vết thẹo khó coi thế này sẽ tìm được người thương, nàng đã bước vào đời anh như định mệnh đeo đuổi từ lâu. Anh vẫn biết đó là định mệnh.

Em không sợ vết thẹo này sao?

            Không, anh ạ.

            Có đôi lần Tùng bật khóc, chẳng ai rõ lý do.

            Anh tắt ti vi, lên phòng. Khẽ kéo màn, ngồi xuống giường.

            Nàng vẫn đang say ngủ. Ánh trăng len qua song cửa hắt vào tận đầu giường.

Gương mặt nàng phủ một lưới bạc óng ánh dịu dàng. Anh mỉm cười, ngắm nhìn gương mặt ấy thật lâu, rồi khẽ đặt một nụ hôn ngọt ngào lên trán.

Anh yêu em.

Em cũng vậy.

Em sẽ lấy anh chứ?

Buồn ngủ rồi. Anh đặt lưng xuống giường. Lần này có lẽ sẽ không mơ nữa.

Vết thẹo nhỏ nối từ môi trên lên đến hốc mũi nơi gương mặt nàng vẫn ở đó. Mọi người đều thấy. Chỉ mỗi anh là không. ./.

 

Tắc kè

Ngày đầu tiên dọn về, đêm vừa đặt lưng xuống Tú đã nghe tiếng nó đâu đó từ trên trần vọng xuống. “Tắc kè! Tắc kè!” – Rõ mồn một.

            “Sợ hông cưng?” – Nga nằm bên rủ rỉ.

            “Hơi hơi…”

            “Nó biết nhà có người mới, muốn làm quen Tú đó mà!” – Nga cười khì khì.

            Nga kể lâu lâu mới lại nghe tiếng nó kêu, cũng có khi nó chợt kêu bất thần.

            “Hồi Nga mới dọn về đã nghe nó “chào mừng”, rồi tới lượt nhỏ Thy, nó kêu suốt đêm luôn, bữa đó con nhỏ sợ quá chừng…”

            Tú nghe cũng rờn rợn thiệt. Đêm đó cứ vừa thiu thiu lại giật mình nghe “tắc kè”. Trằn trọc, quay bên này, lật người bên kia. Cuối cùng mắt đành thao láo mở to.

            “Chị Thy hay đi vầy lắm hả chị?”

            “Ừa, nó… có bồ mà…”

            Tú gặp Nga sau lần lang thang đọc được mấy dòng “cần nữ ở ghép” trên mạng.

Phòng rộng, nhà đẹp yên tĩnh, giờ giấc tự do, được nấu ăn, để xe miễn phí.

Đọc xong, Tú a-lô số di động kèm theo nhưng chẳng ai bắt máy. Nửa tiếng sau Nga mới gọi lại, thế là chiều chị em hẹn cà-phê.

“Nga thích xưng tên, đừng chị em gì hết nha…”

Nói thì nói vậy, Nga hơn tuổi Tú nhiều, ai dám gọi tên thôi. Nga bảo Nga đang làm nhân viên văn phòng.

“Con nhỏ cùng phòng tối đến toàn đi chơi suốt bỏ chị một mình, nhà lại rộng thênh thang, buồn buồn Nga mới lên mạng kiếm thêm người nữa vào ở cho vui.… Tú học năm mấy rồi?”

“Dạ, năm hai. Năm đầu em ở ký túc xá, thấy cũng bất tiện, rồi năm sau trường cũng không cho ở nữa, nên em tìm chỗ trọ gần trường. Em cũng ở qua mấy nơi rồi…”

Không biết có phải bởi Nga đêm nằm một mình sợ nghe tắc kè kêu hay vì tiếng của nó buồn quá, sầu muộn quá… đến nỗi mỗi lần cất lên cứ muốn lây qua mình, tới cái đà chịu hết nổi phải tìm ngay ai đó về ở tạm kề bên cho dịu bớt cơn thảng thốt trong lòng. Phải vậy không, Tú thầm hỏi. Nói chuyện hồi lâu, hai chị em khá khá tâm đầu ý hợp.

Vậy là gật đầu cái rụp.

 “Tắc kè! Tắc kè! Tắc kè!”

“Chị thấy nó bao giờ chưa?”

“Ai? Con tắc kè đó hả? Nó đẹp lắm đó. Lúc xanh lúc đỏ. Tắc kè đổi màu được mà…”

Tú ngó lên chỗ tiếng kêu vọng xuống, rướn mắt tới những chỗ tối tăm nhất nơi tầm mắt hoàn toàn bị che khuất. Không lẽ tối thui vầy, con tắc kè nó cũng đổi màu đen thui lui?

Lạ nhà cộng thêm sự nhiệt thành quá đỗi của con tắc kè, Tú nhắm mắt để đó một mạch cho tới sáng. Còn Nga – Tú bắt gặp khi trở mình lần nữa – có vẻ những nỗ lực cuối cùng chăm lo cho giấc ngủ đã được đền đáp: thiếp đi rất nhanh, cơ mặt dãn ra nhẹ nhõm. Dẫu trên kia chốc chốc có văng vẳng:

“Tắc kè!”

* * *

Dù Nga đã kể ít nhiều về Thy - người cùng nhà còn lại, Tú vẫn thoáng bất ngờ khi chạm mặt.

“Em chào chị...”

“Tú là em à?”

Thy đẹp thật. Cái đẹp trời cho vốn có, diện thêm quần áo hợp thời trang lại càng toát lên sự sành điệu. Mải ngắm, đầu óc Tú cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ.

“Em mới đi học về à?”

Bừng tỉnh, Tú gật gật:

“Dạ.”

Thy đang sửa soạn, chắc tối nay lại không về. Tú rụt rè:

“Chị ăn cơm rồi đi, em nấu nhanh lắm.”

Đang soi gương tô lại bờ môi, Thy cười nhột nhạt:

“Nấu cho bà Nga với em thôi. Chị thì có khi nào ăn cơm nhà…”

Thoáng trong mắt Thy một nỗi buồn mông lung nào đó. Tú chợt liên tưởng ngay tiếng kêu sầu thảm của con tắc kè mỗi đêm khuya mù mịt.

Tắc kè! Tắc kè!

“Em làm gì đứng như trời trồng vậy. Vào đây.”

Tú lấy trong giỏ xe đạp bọc rau thịt xách vào nhà. Trên đường đi học về Tú tạt qua chợ mua nguyên liệu cho bữa cơm chiều, y nhiệm vụ Nga đã “bàn giao”.

“Mấy bữa nay chị đi đâu không thấy về ạ?”

Thốt xong Tú mới biết mình buột miệng. Thy vẫn soi vào cái gương nhỏ nhắn cầm trên tay.

“Đi du lịch với bồ…”

* * *

Nga về muộn như thường ngày, thấy nhà cửa gọn gàng, trên bàn cơm nước đã sẵn sàng tươm tất, thích lắm.

“Tú ơi!”

“Dạ, em đang giặt đồ…” - giọng Tú trong nhà tắm vọng ra – “Chị đợi em chút, em xong rồi, ra ngay…”

“Lâu ơi là lâu Nga mới biết lại bữa cơm nhà, “yêu” Tú thế!”

Vừa và cơm Nga vừa tấm tắc. Tú lạ gì những bữa cơm ngoài tạm bợ qua loa, cốt cho xong bữa của Nga. Dù “mang tiếng” là con gái cả năm cũng hiếm khi đụng được vào nồi niêu xoong chảo một đôi lần. Cuộc sống thành phố này hối hả vội vàng quá, cuốn trôi hết tất cả. Ai mà chậm lại nổi được vài ba giây. Cái gì cũng phải thật nhanh gọn lẹ làng. Làm đã vậy, nên yêu cũng phải vậy chăng?

Tú đã thấy bồ của Thy, đầu vàng khè, mắt kính đen, đi tay ga bóng loáng đậu lấp ló trước cổng ban chiều. Hắn bấm còi inh ỏi, giục giã, hối thúc. Thy ngoắc tay “bái bai” Tú, ngúng nguẩy bước ra. Chiếc đầm ống ngắn cún cỡn màu hồng nổi bật ôm sát những đường cong “chết người” theo mỗi dáng đi của chủ nhân khiến Tú lại thêm một phen nữa sững sờ.

Ai? Con tắc kè đó hả? Nó đẹp lắm đó. Lúc xanh lúc đỏ. Tắc kè đổi màu được mà…

Trong đầu Tú bỗng văng vẳng câu nói của Nga. Tú giật mình.

“Tắc kè!”

“Hôm nay nó kêu sớm ghê!”

Tú đang ngồi học bài, nghe Nga bảo, ngẩng đầu nhìn lên chỗ tiếng kêu vọng xuống.

“Biết sao không Tú, tại vì nó gọi người yêu tới khan cổ mãi mà chẳng được đoái hoài…”

Con tắc kè vẫn chờ mong hoang hoải một tình yêu, ngày ngày cố cất mấy tiếng gọi thảm sầu. Tú nghĩ tới đó, tưởng tượng thôi đã thấy thương nó kinh khủng. Ở trên đó lâu vầy, cô đơn vầy, chịu sao thấu, tắc kè ơi?

“Đố Tú nó là đực hay cái?”

Chỉ có tắc kè đực mới biết kêu. Tú biết mà. Tắc kè cái không bao giờ kêu hết. Nhưng mà không kêu, đâu có nghĩa nó không biết buồn. Có nhiều nỗi buồn không cất nổi thành tiếng, cứ giấu giếm trong lòng, ngày qua ngày chôn chặt, người ta hiểu làm sao?

Tú biết Nga có những nỗi buồn như vậy. Khi cái tuổi băm chợm đến, đôi mắt của người con gái nhìn về đâu cũng thắp thỏm, xa xăm. Nga kể ngày chân ướt chân ráo lên đây một thân một mình cũng y như Tú bây giờ, có khi còn khờ khạo ngây ngô hơn.

“Ai cũng từ một chốn nào đó mà, phải không Tú?”

Những mẩu chuyện của Nga cứ vụn vặt đứt quãng, rời rạc, lại thường được Nga thêm dấu chấm hỏi vào sau cuối. Cũng chẳng khi nào quá nhất thiết Tú phải trả lời.

“Sao chị không quen ai…?”

Tú dễ hay buột miệng, hệt con tắc kè trên kia. Nga cười:

“Ai bảo Nga không quen ai. Yêu nhiều lắm ấy, muốn “chống lầy” lắm ấy, cuối cùng vẫn cứ phòng không…”

 Tối đến hai chị em nằm ngóng tắc kè kêu, ngóng Thy về. Chẳng bao giờ biết trước khi nào tắc kè sẽ kêu, khi nào Thy về lại. Giờ này ở những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, Thy chắc đã quên hẳn tiếng con tắc kè một thời rướn cổ chào mừng Thy dọn vào ở chung một nhà.

“Nó giống Nga hồi đó…”

Nó? Tắc kè? Thy? Tú yên ắng, vẫn dỏng tai lên phía trên cao kia chờ đợi.

“Đêm nào Nga cũng đi…”

“Tắc kè! Tắc kè! Tắc kè!”

Nó kêu kìa. Tú nhắm tịt mắt lại. Chung quanh tối đen như mực.

“Tắc kè!”

“Rồi có ngày nó sẽ về luôn, không đi nữa…”

“Tắc kè! Tắc kè!”

* * *

Ánh mắt cùng giọng thầm thì buồn bã của Nga theo Tú mãi đến giảng đường. Ngồi  trên lớp không sao tập trung được. Lâu lâu, trong tâm trí lại vang lên những tiếng gọi tê tái nao lòng: “Tắc kè!”

Giờ giải lao, Tú ngồi yên tại hàng ghế trống như thường lệ, mắt dáo dác nhìn quanh quất. Những khuôn mặt bạn học lạ lạ quen quen ra ra vào vào hiện lên đây đó trong giảng đường rộng rãi. Một thời, cảm giác choáng ngợp khi phải bước chân vào giảng đường này đã từng là cơn ám ảnh sợ hãi của cô tân sinh viên xa nhà rất ít khái niệm về “thành phố”. Bây giờ, Tú đã bớt sợ. Đêm về, cô đơn, lạc lõng, nỗi nhớ ba má da diết dần hao hao đi ít nhiều. Tú biết mình đã thay đổi. Dù rất chậm, vẫn cứ là thay đổi. Và từ khi nào, Tú cũng chẳng còn quá tròn mắt ngạc nhiên trước một bộ váy mới của nhỏ bạn từng ở chung ký túc xá. Không thấy lạ lùng khi giọng nói của nhỏ pha thêm những âm vị xa lạ thị thành. Càng bình thản khi biết nhỏ cặp bồ cặp bịch, những buổi học trên lớp mỗi một thưa vắng dần.

“Tắc kè! Tắc kè!”

Tú có nghe lầm không? Trong giảng đường có tiếng tắc kè? Dỏng tai, Tú cố nghe tiếng kêu phát ra từ đâu. Lòng tự hỏi…. Vẫn là con tắc kè ở nhà đêm đêm mắt thao láo dõi xuống hai chị em Tú. Hay lại một con tắc kè khác, ngày ngày ngó xuống, chứng kiến biết bao nhiêu khuôn mặt. Những khuôn mặt mà ngày hôm nay lại khang khác hôm qua đi ít nhiều.

Cho đến một ngày không thể nhận ra nữa.

* * *

Lớp phấn son trên mặt Thy nhòa đi cùng nước mắt. Tú đứng ở cửa, biết rằng một trận cuồng phong vừa mới qua đây. Lúc đạp xe chỗ ngã rẽ vào nhà, Tú xuýt té nhào vì chiếc tay ga đi ngược chiều rú nhanh hết cỡ. Loạng choạng, Tú vẫn kịp nhận ra mái tóc vàng khè cùng gương mặt đỏ ngầu dữ tợn.

 Đêm, ba chị em nằm chờ tắc kè kêu. Tiếng thút thít rất khẽ. Giọng Nga ủi an nhỏ nhẹ. Hơi thở nặng nề. Không gian ngột ngạt.

“Tắc kè!”

Tú thiếp đi. Trong mơ, Tú đã thấy nó - con tắc kè hai màu xanh đỏ tuyệt đẹp. Nhưng không chỉ một mình nó ở đó. Đôi mắt nở to chăm chú nhìn về một hướng. Tú nhìn theo. Rùng mình.

Xa kia, Tú đếm được: một, hai, ba. Là ba con tắc kè khác. Tú tiến lại gần hơn, gần hơn nữa. Con đầu tiên còn khá nhỏ người chỉ độc một màu trắng muốt. Con thứ hai to hơn lòe loẹt đủ màu xanh đỏ tím vàng. Con cuối cùng cũng là con to nhất, phủ trên mình màu đen tuyền lạnh lẽo. Chúng nó bám dính lấy nhau, con nhỏ cắn chặt đuôi con lớn hơn nối tiếp thành một hàng dài.

“Tắc kè! Tắc kè!”

 Nó vẫn đứng đó quan sát, chốc chốc lại cất tiếng kêu buồn thảm, như luôn muốn nói điều gì đó. Đột nhiên, con tắc kè nhỏ nhất quay đầu lại nhìn Tú chằm chằm.

Giấc mơ kỳ lạ ấy còn ghé thăm Tú nhiều lần, trong nhiều năm sau nữa. Mỗi lần như vậy, con tắc kè trắng muốt lại hơi ngả sang vàng, rồi cam, rồi đỏ…

Mỗi lần mơ thấy, Tú lại giật mình hốt hoảng vì rõ rệt bên tai:

“Tắc kè!” ./.

 

Lưu Quang Minh

Tin bài mới

Pre
1
2
3
4
5
6
7
Tin mới