Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

   

Sự “vần vũ” của định mệnh
Cập nhật: 11:28:00 8/2/2011

Tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” – Giải C Cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam 2006-2009
VanVn.Net - Nhiều tác giả Việt đã từng nói “tiểu thuyết là máy cái của nền văn học”. Hẳn là vậy! Ở Việt Nam đã có những cây bút rất nổi tiếng về truyện ngắn, nhưng chỉ vừa leo lên xới tiểu thuyết họ liền thua trận, bởi lẽ cái gân cốt nhược tiểu lèo tèo của một cơ địa phong thủy đất bùn tiểu nông không thể vượt lên thành một lâu đài đứng sừng sững trên cao nguyên được…

Chính thế , mà bât cứ tiểu thuyết nào chào đời, xã hội cũng thấy một điều gì khá hệ trọng, cho dù có thể nó chưa hay, nhưng người ta buộc phải tỏ thái độ trọng thị nhất định về hình thức lao động của nó. Một lần tôi có nói chuyện với vài nhà văn rằng: Bài thơ là việc của một buổi tối, truyện ngắn là việc của một tuần, kịch là việc của một tháng, còn tiểu thuyết là việc của một một năm hoặc lâu hơn nữa. Như vậy rõ ràng , bạn đọc nếu có bày tỏ tình cảm trọng thị với một cuốn tiểu thuyết về mặt lao động là lẽ đương nhiên. Vì lao động của một năm với tiểu thuyết khác xa với lao động một tối của bài thơ.

Lần đầu tiên, tôi gặp nhà văn Nguyễn Một ở một nhà hàng tranh tối tranh sáng, anh được giới thiệu như một người tham gia công việc kinh doanh khá thành công (Giám đốc truyền thông cho công ty ô tô Trường Hải, một công ty sản xuất xe tư nhân lớn hàng đầu Việt nam). Tôi được nghe giới thiệu về một anh chàng đen đúa trong ánh đèn chập chờn còn viết văn và là nhà văn nữa. Ừ, tôi cứ xếp sang bên cạnh ở trong đầu, với một suy nghĩ lướt qua bâng quơ rằng, giầu liệu có trăn trở được với văn chương không? Chúng tôi có ghi điện thoại của nhau nhưng rồi tôi cũng quên đi!

Nhưng vài tháng sau, nhà văn Sương Nguyệt Minh có hẹn tôi tới cuộc gặp mặt ra mắt cuốn tiểu thuyết “Đất trời vần vũ”của Nguyễn Một. Cái tên của cuốn sách khiến tôi giật mình. Và tôi cũng giật mình luôn về độ dày tương xứng của nó 340 trang , như thế thật xứng đôi vừa lứa với đề tài mà tác giả muốn thông điệp.

Tôi đem về đọc lùi lũi như một bổn phận, bởi qua tiếp xúc lần hai, tôi đã thấy được con người Nguyễn Một, chơi được, đa phức, có độ trầm tĩnh tư duy của người phương Bắc, có sự phóng túng cởi mở hết mình của người phương Nam. Đó không phải vốn tu tập văn hóa mà thành, mà chính là bản tính mang trong dòng máu của anh. Anh sinh ở Quảng Nam, một vùng đất có tất cả tính ưu việt của phong thổ, có núi hùng vĩ để dựa lưng, có cảng biển để mở rộng tầm nhìn và gửi đi những cuộc phiêu lưu của đại dương, có sông nước xanh trong còn mang đậm sương gió u hoài từ phương Bắc gợi cho người ta không thể nào thoát khỏi môi trường của suy tưởng… và Nguyễn Một tiếp tục di cư vào Nam theo dòng chảy của những con sông, và ở đó anh trở thành một công dân Nam Bộ, được tắm trong nắng dàn trải vô biên, gió dàn dạt mênh mang, và những con sông luôn phá tung mọi bến bờ để khao khát trở thành thế giới thuần khiết của nước…

Đó không chỉ là cuộc hành trình tạo ra con người mang bản tính đa phức mà chính đó cũng là cuộc hành trình cho cuốn tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” của anh. Cuốn sách muốn làm “sống lại”, làm sống lại một cách thực sự sinh động, chứ không phải bằng bút pháp kể chuyện hay tường thuật để làm người nghe phải thưởng thức món ăn ở thì “Đã” hay ngày xửa ngày xưa, mà bằng một bút pháp duyên dáng, lung linh, hiện thực ảo, phá biên thời gian, đan xen thời đại, hòa thanh những cung bậc của năm tháng cũ và mới, trộn mầu lên tấm toan niên đại của lịch sử, Nguyễn Một đã muốn dựng lên cuộc hành trình mở đất về phương Nam, Nam Bộ, rồi còn biểu tượng cả về một nước Nam vẫn nằm cuối dãy Hymalaya…

Càng đọc tôi càng thấy, bút pháp của Nguyễn Một rất chững chạc, tự tin, tìm tòi, thành thạo, run rẩy đi tìm cái mới, anh viết như thể mỗi dòng mỗi trang đều là những cuộc hò hẹn đầu tiên của một chàng trai mới lớn đi tới chỗ gặp người yêu. Những chỉ có điều chàng trai đó không đi bộ, là công dân của thế giới hiện đại, anh đi trên một chiếc xe đời mới, có cả hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh, với một tay lái rất thành thạo và sành điệu. Được ít trang, tôi liền mở trang cuối để tìm hiểu về tác giả này. Hóa ra những gì anh đang thể hiện trong bút pháp không hề ngẫu nhiên và cầu may một chút nào. Tác giả đã từng lĩnh nhiều giải thưởng văn học của Đồng nai, và báo Trung ương, nhưng đặt biệt anh đã hai lần lĩnh giải thưởng của tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn, tặng thưởng truyện ngắn hay với truyện “Trước mặt là dòng sông” tháng năm 2002, và “Kẻ vô học” tháng 11 năm 2002…

Ngòi bút của Nguyễn Một rất phóng khoáng dào dạt nhưng cũng đầy chú mục khi muốn tạo điểm nhấn cho ngôn từ. Ta thử nghe anh tả cảnh:

“Buổi chiều, nắng dát vàng những bụi dừa và hàng dứa dại ven sông, buổi chiều rực rỡ trên cánh đồng lúa chín, buổi chiều ngút ngàn gió mang mùi thơm đồng ruộng tràn ngập trên những mái tranh quê mộng mị dưới làn khói bếp mỏng manh. Buổi chiều bị xé toang bằng tiếng gầm rú của trực thăng, của xe bọc thép, của đoàn quân rằn ri súng ống đầy mình, cánh đồng dập nát dưới những gót giầy đinh”.

Sở trường mạnh nhất của thi ca là tính triết lý trực tiếp, cái mà không một môn nghệ thuật nào làm được. Với tiểu thuyết là máy cái của nền văn học, càng không thể không có triết lý, và Nguyễn Một đã không bỏ lỡ tính sở trường của thi ca, khi mang ý thức thường trực đưa triết lý cũng là tính tư tưởng vào tác phẩm. Từ một chuyện mua bán bình thường khi phủi đít đứng dậy của Bảy Tánh, mà tác giả cũng rút ra triết lý cuộc đời:

“Những người nông dân sợ y ( Bảy Tánh) không mua, sẽ phải chở qua sông để bán, chở về thành phố cái nơi mà họ khinh bỉ bởi sự phồn vinh của nó. Sự phồn vinh làm nổi rõ hơn sự nghèo khổ của họ”.

Và:  “Con người phì nhiêu về thể xác và mục ruỗng trí tuệ bởi những dục vọng”.

Tiểu thuyết cần nhất là bố cục, đó là thứ kèo cột để gắn kết cả tác phẩm lại trong một khung sườn . Tiểu thuyết “Đất trời vần vũ”, miêu tả một cuộc di dân xa xôi và đồ sộ của một dòng họ đi từ Tây Tạng xuống, rồi sự kết hợp với người bản địa phương Nam, rồi cuộc dàn ngang thế trận của người Chân Lạp, và cho đến thời hiện đại là cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, sau là cuộc nội chiến Bắc - Nam, tất cả những sự kiện dầy đặc đó đã được Nguyễn Một xử lý rất mạch lạc và tài tình. Anh viết theo một bút pháp cấu trúc cứng - mềm rất rõ ràng và nhất quán. Bút pháp cứng đó là cấu trúc của những cuộc nhập cư, và vận động di cư. Bút pháp mềm là một hiện thực ảo, các nhân vật xuất hiện hư hư thực thực đi xuyên qua cả thực tại lao đến thế giới song song, ở đó không phân chia nổi đâu là thể xác đâu là linh hồn, đâu là vật chất đâu là siêu hình.

Tiểu thuyết bắt đầu từ một nhà thơ tên Miên Trường, đi theo tiếng gọi của vô thức, tìm đến một người yêu của kiếp trước, giờ đang mở quán cà phê bên dòng sông tên là Lụa. Nhà thơ đã xuất hiện như một nhân chứng lãng mạn của lịch sử, anh đến không chỉ để ghi chép, mà còn chứng nghiệm, hơn thế còn sống để hít thở mầu sắc mênh mông dạt dào của một phương Nam đầy ắp nước và gió. Mảnh đất có tên là cù lao Dao, nó mầu mỡ, sung túc và đẹp như một huyền thoại, nhưng cũng là một nơi định mệnh đầy tranh chấp, giết chóc và tội lỗi. Tác giả viết:

“Không ngờ khi lưỡi dao vừa ném xuống, đất rùng rùng chuyển động và hiện lên doi đất hình lưỡi dao tách dòng sông làm đôi, đó chính là cù lao Dao. Mới đó mà ngàn năm trôi qua, con dao trở lại trần gian, nó nằm trong phiến đá mà phụ thân của thiếp đã tạc ra con sư tử này đây. Vì lưỡi dao được rèn trong máu của một ngàn trinh nữ nên tảng đá bao quanh nó chỉ mềm khi có máu của trinh nữ thấm vào”.

Bị định mệnh của lưỡi dao trù yểm, nên mảnh đất xảy ra biết bao tai họa nhân quả, nào anh em giết chóc, đồng đội hãm hại nhau, nào vượt biên không còn gì ăn phải ăn thịt nhau rồi bị quả báo. Xuyên suốt bi kịch lớn là nhân vật Tư Ngồng, thanh toán đồng đội, ruồng rẫy vợ, nhốt con vì mắc chứng điên do chất độc màu da cam… Cuối cùng Tư Ngồng đã cầm chính con dao của định mệnh muốn giết chết cô bồ tên Diễm là gái ca ve mua về, khi trông thấy cô bỏ hắn để chạy theo tiếng gọi của trái tim tình yêu, anh tên Phong. Nhưng lưỡi dao đó dường như đã chán sứ mệnh hằn thù của nó, cũng như tính người trong Tư Ngồng đã trỗi dậy để sám hối, vì thế mũi dao quay vào tìm đúng tim Tư Ngồng. Y chết trong sự hân hoan của sự giải thoát. Tác giả ca tụng tình yêu đã chiến thắng lưỡi dao như sau:

“Nó (lưỡi dao) có thể hủy diệt tất cả, trừ tình yêu hay chính xác hơn là những người phụ nữ biết yêu. Tình yêu là một quyền lực cao hơn mọi quyền lực khác”.

Cuốn sách , bằng bút pháp rất ý thức và trải luyện của tác giả đã trở thành một tác phẩm khá đồ sộ và hoàn chỉnh về một chủ đề mà tác giả rất yêu mến và chú mục: sự di dân và tạo thành một vùng đất Nam Bộ. Xin chúc mừng và ngả mũ chào tác giả . còn đôi điều để nói rằng, những đối thoại trực tiếp còn hơi ít, khung cảnh ảo đã đưa người ta có  vẻ ra ngoài lề của những hoàn cảnh khắc nghiệt xa lạ với thực tại, cái có thể tiếp cận chân lý hơn. Nhưng tôi biêt đây không phải điểm yếu của tác giả, bởi vì có vẻ anh rất cố ý khi lựa chọn cách viết tế nhị cho đề tài khúc khuỷu gay cấn của mình. Dù sao ý kiến của tôi mới chỉ đại diện cho tôi, mong bạn đọc hãy đọc và tìm ra những gì bất cập của tác giả.

Cuối cùng, một lần nữa xin chúc mừng tiểu thuyết gia Nguyễn Một đã viết ra một cuốn sách khá rõ ràng là được sản xuất từ máy cái, chứ không phải một ngòi bút tiểu thủ công sinh ra từ tre nứa.

Nguyễn Hoàng Đức

1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
Tin mới