Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Phóng viên nơi đầu sóng: Trường Sa không xa

21-06-2011 10:07:41 AM

VanVN.Net - Trong nhiều năm qua, rất nhiều lượt phóng viên đã tới quần đảo Trường Sa và những nơi tiền tiêu của Tổ quốc để viết bài, phản ánh đời sống của quân dân, góp phần vào công cuộc dựng xây và bảo vệ chủ quyền đất nước. Dưới đây là những tâm sự, ký ức của họ về vùng lãnh thổ thiêng liêng đó…

Trường Sa Lớn (ảnh: Đỗ Hùng)

Phóng viên Tấn Tú: 9 lần ra đảo


Với tôi, 9 lần công tác ở Trường Sa là những chuyến đi không thể nào quên. Trong đó có 6 lần đi bằng tàu, những lần còn lại đi bằng máy bay. 

Thông thường mỗi chuyến đi công tác ở Trường Sa không dưới 10 ngày đêm lênh đênh trên biển, còn đi bằng máy bay chỉ không quá 7 tiếng đồng hồ cả đi lẫn về. Lần đầu tôi đến với quần đảo Trường Sa cách đây hơn 10 năm trời. Cuộc sống của những người lính đảo khi ấy còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn, hầu hết các đảo chỉ có mấy dãy nhà thấp lè tè, cây xanh rất hiếm vì không sống nổi với bão tố, phong ba.

Những lần sau này, mỗi lần có dịp ra Trường Sa là mỗi lần tôi lại ngạc nhiên, Trường Sa thân yêu thay da đổi thịt nhanh đến không ngờ. Ngày trước, những người lính đảo thường mong được nghe tiếng nói, tiếng cười của những người phụ nữ thì bây giờ họ còn được nghe tiếng bi bô học bài, tiếng cười đùa giòn tan của những em bé ra từ đất liền và cả những trẻ được sinh ra ngay trên đảo. Trên đảo có cả khách sạn, chùa chiền, khu vui chơi...

Thời gian gần đây, tôi có dịp đi bằng trực thăng ra đảo. Những chuyến bay ấy đã khiến Trường Sa không còn xa nữa.

Phóng viên Trần Duy: Nén hương trên đảo Sơn Ca


Trên tàu HQ 936 ra thăm 6 đảo phía bắc thuộc quần đảo Trường Sa (Song Tử Tây, Đá Nam, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông) từ ngày 3 đến 12.6.2011, bác Phạm Văn Thuật (xã Phú Thành, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) có một niềm mong mỏi, đó là được một lần đặt chân lên đảo thắp hương cho con, liệt sĩ Phạm Văn Thế, hy sinh năm 2006 khi đang trực gác trên đảo Sơn Ca.

Đứng trước phần mộ con nằm bình yên dưới ngọn hải đăng, xung quanh là tán lá rộng của cây phong ba, bàng vuông trên đảo Sơn Ca, ông Thuật thắp nén hương, đặt lên mộ hai quả bưởi quê nhà. “Lúc còn sống, Thế rất thích ăn bưởi”, ông trầm ngâm.

Giữa những thay đổi đáng kinh ngạc trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, những ngôi mộ liệt sĩ hy sinh trong thời bình nằm lại trên các đảo Sơn Ca, Nam Yết...  như nhắc nhở chúng ta: trong thời bình, các chiến sĩ vẫn đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ bình yên cho biển đảo quê hương.

Phóng viên Tiến Trình: Khâm phục tinh thần Trường Sa

Chúng tôi gọi những người trấn giữ vùng biên hải này là những người ưu tú nhất. Ở mỗi con người nơi đây là một biểu tượng về sức sống mãnh liệt để đương đầu với thiên nhiên khốc liệt. Mà sự đe dọa không chỉ đến từ thiên nhiên. Chỉ huy ở các đảo nói rằng, thỉnh thoảng các anh lại phải dùng thuyền chuyên dụng để đuổi tàu nước ngoài cố tình mon men lại gần đảo. Thỉnh thoảng lại có máy bay nước ngoài vo ve trên đầu. Các anh biết rõ chúng đến từ hướng nào và luôn bình tĩnh, sẵn sàng cho mọi tình huống. Chúng tôi gọi đó là “tinh thần Trường Sa”.

Phóng viên Phan Hậu: Màu xanh Phan Vinh

Trong Hành trình vì biển đảo quê hương năm 2010, cuộc đổ bộ lên đảo Phan Vinh để lại cho các thành viên trong đoàn nhiều cảm xúc.

Phóng tầm mắt từ mạn tàu, đảo Phan Vinh lọt thỏm giữa trùng khơi nhưng nổi bật đầy kiêu hãnh với màu diệp lục đan kết từ tán bàng vuông, phong ba, bão táp... Khoảng 6 giờ sáng ngày 2.5, hai chiếc xuồng máy được thả xuống biển để vào đảo. Khi xuồng cập bờ, hàng chục chiến sĩ nhảy ào ra biển, dùng sức người ghì chặt xuồng không để sóng đánh ra xa. Đoàn thủy thủ và những người lính đảo vật lộn với sóng biển gần 1 giờ để đưa người lên đảo.

Đảo Phan Vinh chào đón khách bằng những khoảng không gian xanh mát. Theo lời kể của cán bộ chiến sĩ, khoảng hơn chục năm trước đây, đảo trơ trụi. Quyết tâm chinh phục thiên nhiên, nhiều thế hệ cán bộ chiến sĩ dày công vun trồng, chăm sóc nâng niu từng mầm xanh trên đảo. Chẳng phụ công người, cây xanh cứ thế lớn lên, kiên cường như ý chí của người lính biển.

Phóng viên Ngọc Minh: Sóng gió ở Len Đao


Chúng tôi tới đảo chìm Len Đao giữa lúc biển động. Chiếc tàu HQ-957 bị nhồi lắc dữ dội, khiến hầu hết những thành viên trong đoàn công tác đều phải nằm bẹp xuống sàn tàu. Sau khi hội ý, thủ trưởng đoàn công tác quyết định chỉ bố trí một chuyến xuồng cứu hộ với khoảng hơn 10 người được phép vào đảo.

Đảo Len Đao như một pháo đài kiên cố, được xây dựng trên một dải san hô dài, khi thủy triều rút, cả bãi cát nhô lên khỏi mặt nước. Mỗi lần ra công tác, thăm và kiểm tra ở quần đảo Trường Sa, các đoàn công tác đều dừng lại để thả vòng hoa xuống biển, tưởng niệm những người con kiên dũng đã xả thân vì chủ quyền Tổ quốc.

Phóng viên Minh Ngọc: Kỷ niệm chiếc áo thủy thủ


Tôi tới đảo Sơn Ca vào một buổi sáng tháng 5, trời nắng như đổ lửa. Sóng táp mạnh vào chiếc ca-nô khiến người tôi ướt sũng.

Sơn Ca thật đẹp. Đảo xanh mướt với những ruộng rau muống biển, những cây phong ba, bão táp... Vừa trông thấy tôi, một chiến sĩ trẻ chạy tới: “Chị ướt thế này dễ bị cảm lắm. Em tặng chị chiếc áo thủy thủ!”. Tôi chưa kịp nói gì, người chiến sĩ ấy đã vội đi lo công việc. Sau đó, tôi mới biết tên anh qua dòng chữ in trên áo: Nguyễn Nhật Thành. Tạm biệt Sơn Ca, tôi mang theo mình chiếc áo thủy thủ vẫn còn đó những giọt mồ hôi mặn chát sau những buổi tập luyện mệt nhoài ngoài thao trường, những buổi canh gác, làm nhiệm vụ bất kể ngày đêm.

Phóng viên Minh Nam: Đọc bài thơ thần ở Đá Tây

Tôi cùng đoàn đại biểu TP.HCM ra thăm quần đảo Trường Sa vào năm 2006. Sự xuất hiện của những vị khách đến từ thành phố mang tên Bác vào một buổi sáng đầy nắng và gió khiến đảo Đá Tây nhộn nhịp hẳn lên. Những lính trẻ tíu tít đón khách, chia thư, báo cho nhau đọc, chủ, khách quây quần trò chuyện... Bỗng một sĩ quan trẻ vỗ vai tôi: “Anh nhớ bài Nam Quốc sơn hà không?”. Tôi đáp: “Có chứ”. Người sĩ quan trẻ chỉ tay về phía dãy nhà kho: “Anh đi qua đó khắc hiểu được mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc là như thế nào”. Khu đất mà người sĩ quan chỉ là Khu dịch vụ hậu cần nghề cá thuộc Tổng công ty hải sản Biển Đông.

Sau khi bước qua những bậc thang để lên điểm cao nhất của khu hậu cần nghề cá, tôi bắt gặp am thờ cùng tấm bia đá khắc bài thơ thần bất hủ Nam Quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt. Bệ bia có khắc hình trống đồng. Sau khi thắp nén hương tưởng nhớ công đức của tổ tiên và hương hồn các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, tôi đã đọc to bài thơ thần với sự xúc động tột độ: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Phóng viên Káp Thành Long: Bất ngờ


Trái với hình dung của tôi về Trường Sa với toàn bê tông cốt thép khô cằn, trong chuyến đi 21 ngày cuối năm 2007, với tôi có nhiều điều bất ngờ: Trước hết, đảo Trường Sa lớn và nhiều đảo nổi khác đẹp như khu nghỉ mát với cây xanh, cát trắng. Trường Sa có nhiều bãi tắm cực đẹp, rất sạch. Thứ hai là những chú chó săn cá. Một trong những đặc sản ở Trường Sa là cá bò. Khi lính hải quân lặn bắt cá bò thì một trong những trợ thủ không thể thiếu là những chú chó.

Chó tại đảo cực kỳ nhanh nhẹn, bơi lặn giỏi và nhiều chú đã trở thành sát thủ của cá. Thứ ba, ngoài chuyện tác nghiệp, ăn ở cùng chiến sĩ, đi công tác Trường Sa với tôi cũng là một chuyến du lịch lý thú mà mất tiền không thể đi được. Thú nhất trong 21 ngày lênh đênh trên biển là những chuyến câu cá, lặn biển. Có những chuyến câu được tới 20-30 con (loại 2-3 kg/con). Một ngạc nhiên nữa ở Trường Sa là những chú heo. Heo trên đảo đa phần cũng là giống heo trắng như trong đất liền nhưng nhiều con to như con bê. Theo một số chiến sĩ trên đảo Trường Sa lớn, có con nặng tới hơn 300 kg !

Phóng viên Đình Phú: Mong ngày trở lại

Cùng đoàn đại biểu 54 dân tộc Việt Nam ra thăm Trường Sa vào giữa tháng 4 vừa qua là chuyến công tác đặc biệt nhất trong những năm tôi làm phóng viên Thanh Niên. Những món quà tặng của Trường Sa dẫu chỉ là một vài trái bàng vuông, cục san hô nhỏ nhưng ai cũng trân quý xem như là kỷ vật thiêng liêng.

Trường Sa là nơi có gần một nửa số ngày trong năm vật lộn với bão giông, nơi có những rẻo cát san hô nung bỏng chân trần mà con người thì luôn trụ vững hiên ngang với sức sống vô biên. Bộ Tư lệnh hải quân thời gian gần đây đã dành tặng Huy hiệu chiến sĩ Trường Sa cho thành viên các đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo. Là một trong số những phóng viên được tặng, tôi háo hức gắn lên ngực áo mình để tự nhắc nhớ và ngưỡng phục hơn tinh thần Trường Sa mà lớp lớp cán bộ, chiến sĩ hải quân và dân đảo đã thể hiện trong công cuộc dựng xây, bảo vệ miền biên hải của Tổ quốc. Với Trường Sa, tôi ước nguyện đặt chân đến không chỉ có một lần.

Phóng viên Bảo Thiên: Tiếng gà gáy sáng thanh bình

Bảo Thiên (áo đỏ)

Sau hành trình 13 ngày đi thăm 9 điểm đảo, tàu HQ 957 đưa đoàn chúng tôi đến thủ phủ của quần đảo Trường Sa, đó là đảo Trường Sa Lớn. Nhìn từ ngoài, đảo như một thành phố du lịch hiện đại với những dãy nhà mái ngói đỏ tươi, được bao bọc bởi biển xanh, cát trắng, những hàng quạt gió tạo năng lượng cao lêu nghêu, hệ thống pin năng lượng mặt trời nằm hiên ngang hứng nắng. Đặc biệt, giữa muôn trùng biển mặn, gió gào thế nhưng đảo vẫn được phủ một  màu xanh thăm thẳm.

Đêm đầu tiên ngủ lại đảo, tâm trạng tôi nao nao khó tả. Chúng tôi dạo một vòng qua các đơn vị để giao lưu, nghêu ngao mấy câu hát làm quà tặng nhau, mãi đến 3 giờ sáng mới trở về phòng tại Nhà khách Thủ Đô ngay trên đảo để tranh thủ chợp mắt. Đang chìm trong giấc ngủ tôi bỗng bị đánh thức bởi tiếng gà gáy sáng. Xa miền quê thân yêu đã hơn 20 năm và sống tại thành phố nhộn nhịp, chẳng bao giờ tôi nghe được một tiếng gà gáy sáng. Vậy mà sáng đó, giữa Trường Sa, tôi lại được tiếng gà gáy đánh thức. Tôi có cảm giác như mình đang sống nơi làng quê yên bình.

Phóng viên Thục Minh: Trên mặt trận không tiếng súng


Gần 4 năm là phóng viên thường trú tại Singapore, tôi chỉ có một khao khát: Ngày nào đó lãnh đạo ta công du sang đây sẽ tổ chức cuộc gặp gỡ với phóng viên quốc tế. Và điều đó đã trở thành sự thật tại diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương (Đối thoại Shangri-La, SLD) thường niên ở Singapore từ ngày 3-5.6.2011.

Lúc 12 giờ 5 phút ngày 5.6, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng rời phòng hội nghị để tới phòng họp báo. Không khí ở đó thật ấn tượng: nhiều phóng viên phải đứng vì không đủ ghế ngồi, những câu hỏi thẳng thắn và đầy thách thức liên tục được đặt ra... Tướng Vịnh với phong thái từ tốn, lời lẽ ôn hòa nhưng mạnh mẽ, lần lượt trả lời trơn tru từng câu hỏi, mà không ít câu có thể liệt vào dạng bí mật quân sự.

Ông nhẹ nhàng khẳng định chính nghĩa và chủ trương hòa bình của VN trong vấn đề biển Đông, đồng thời nêu rõ thái độ không khoan nhượng trong bảo vệ chủ quyền. Ra ngoài phòng họp báo, ông tiếp tục bị vây quanh với những câu hỏi mà tôi, một phóng viên không chuyên về mảng quân sự và quốc phòng, chẳng bao giờ tưởng tượng nổi.

Tôi chỉ có thể ghi nhận thành công của cuộc gặp gỡ này bằng câu nói của một phóng viên quốc tế ngay khi trở lại phòng báo chí: “I like it. Look! Spratlys belong to Vietnam, indisbutable!” (Tôi rất thích những gì ông ấy nói. Nhìn đi! Trường Sa là của VN, không thể tranh cãi!).

Suốt quãng đường 6 năm làm báo của mình, chưa bao giờ tôi có được những cảm giác tuyệt vời như trong ngày 5.6.2011. Cảm giác nghẹn ngào, trào nước mắt khi nghe đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định trong bài phát biểu: “Là một quốc gia biển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chúng tôi thấu hiểu giá trị của hòa bình và ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước”.

(Nguồn Thanhnien.com.vn)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Công chức Nga thời nào tốt hơn

VanVN.Net - Nhà văn I. M. Poliakov, Tổng biên tập Văn báo, ủy viên ủy ban Văn hóa phủ Tổng thống, ủy viên Đoàn chủ tịch Hội nhà báo Matxcơva, tác giả nhiều tiểu thuyết chống quan liêu như Tình trạng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...

Nhà văn đọc sách  

"Mùa mưa ở Singapore" - đọc như thấm một cơn mưa

VanVN.Net - Sau cuốn sách đầu tiên: “Không khóc ở Kualalumpur” ra đời cùng thời điểm này năm 2010, tác giả trẻ Linh Lê tiếp tục gửi tới bạn đọc cuốn tiểu thuyết thứ hai: “Mùa mưa ở Singapore” cũng trong ...