Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

“Kín” - cảm thức về thân phận lạc loài, hoang hoải của Nguyễn Đình Tú.

Lê Quốc Hiếu - 20-06-2011 01:17:07 PM

VanVN.Net - "Kín" là cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn trẻ Nguyễn Đình Tú. Được trang trí với cái bìa màu đỏ khá bắt mắt, trên bìa là hình cánh bướm và con mắt của một người con gái - con mắt sắc sảo, lạnh lùng, đầy ẩn ức. Cuốn tiểu thuyết gần 500 trang, được NXB Văn học ấn hành. Kín kể về câu chuyện của Quỳnh và nhóm bạn bụi đời ở nhà ga Hải Thành...

“Nguyễn Đình Tú gia nhập làng văn bằng truyện ngắn nhưng trụ vững được nhờ tiểu thuyết..” (Theo Văn nghệ quân đội). Nguyễn Đình Tú được biết đến qua các truyện ngắn như: Chuông ngân cửa phủ, Tiếng thở thời gian, Điệu mambo hư ảo, Đoản khúc mùa thu… Nhưng nhà văn trẻ này chỉ thực sự trụ vững và khẳng định “thương hiệu” của mình bằng tiểu thuyết. Sinh năm 1974 tại Kiến An, Hải Phòng, Nguyễn Đình Tú từng là sinh viên trường Đại học Luật, nhưng anh lại rẽ sang địa hạt của văn chương. Nguyễn Đình Tú lần lượt ra mắt các tác phẩm sau: Hồ sơ một tử tù (2002); Bên dòng Sầu Diện (2005); Nháp (2008); Phiên bản (2009) và gần đây nhất là Kín (2010). Sự khởi đầu khá suôn sẻ, mặn mà của anh qua việc “trình làng” một cách đều đặn, đúng hẹn 5 cuốn tiểu thuyết khá dày dặn đã chứng tỏ được phần nào anh là nhà văn sẽ còn “gây được nhiều bất ngờ cho bạn đọc và giới phê bình”. Hiện nay, anh đang giữ chức vụ trưởng ban văn xuôi của Tạp chí văn nghệ quân đội.

Tôi được biết anh qua 3 cuốn tiểu thuyết: Nháp, Phiên bản, Kín… trước hết bởi cái nhan đề của ba cuốn tiểu thuyết này đều rất ngắn, rất tò mò, gây cho tôi sự khó hiểu đến thích thú. Phải chăng xu hướng giản lược hóa nhan đề, là phép lợi thế của nhà văn khi muốn mở ra cho người được những cảm giác lạ… Nếu như ở Nháp, ta thấy nó nồng nặc mùi sex, chuyện sex thì ở Phiên bản lại đề cập chủ yếu đến vấn đề bạo lực. Còn ở Kín, cuốn tiểu thuyết được trình làng gần đây nhất lại “dàn trải” ra nhiều vấn đề đang còn tồn tại một cách bức bối trong giới trẻ đương đại như: sex, quần hôn, bụi đời, lên đồng, chuyện về mẫu Liễu Hạnh… Tuy nhiên, từng đấy vấn đề trong Kín, theo tôi, cũng chỉ nhằm tập trung nổi bật lên vấn đề: thân phận lạc loài, hoang hoải đến hoài nghi vỡ mộng của giới trẻ trong xã hội hiện đại. Nhìn tổng thể cả 3 cuốn tiểu thuyết này đều viết về sex như là một trong những vấn đề tự nhiên, bản năng nhất của con người. Sự phơi trải ấy đã khiến cho không ít lần văn chương anh bị gán cho cái mác rẻ tiền. Nhưng Nguyễn Đình Tú đã có lần thẳng thắn phát biểu: “Thời gian qua tôi đã phải trả lời rất nhiều những câu hỏi liên quan đến sex trong tác phẩm của mình. Ở đây tôi chỉ xin trả lời một cách ngắn gọn như thế này: chỉ khi nào sex không còn tồn tại trong đời sống thì nó sẽ không còn được đề cập trong tác phẩm của tôi nữa.” (Theo Vnexpress.net)

Kín là cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn trẻ Nguyễn Đình Tú. Được trang trí với cái bìa màu đỏ khá bắt mắt, trên bìa là hình cánh bướm và con mắt của một người con gái - con mắt sắc sảo, lạnh lùng, đầy ẩn ức. Cuốn tiểu thuyết dày gần 500 trang, được NXB Văn học ấn hành. Kín kể về câu chuyện của Quỳnh và nhóm bạn bụi đời ở nhà ga Hải Thành. Quỳnh là một cô gái trẻ, vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 20 của mình, trước khi cùng nhóm bạn Hà Thành ăn chơi theo kiểu quần hôn, cô đã quyết định bỏ đi, bỏ mảnh đất cô đang đứng, mà tìm lại những gì mà cô cho là đẹp nhất trong phần đời thơ ấu của cô ở Hải Thành. Đúng vào thời điểm đó, Quỳnh cũng là đối tượng được bố thuê vệ sĩ để bảo vệ vì nghi ngờ đối thủ kinh tế của ông sẽ ra tay hòng gây áp lực. Quỳnh bỏ nhà ra đi, cũng là lúc một thanh niên vừa được ra tù được địch thủ kinh tế của bố cô thuê bám theo, hòng thời cơ đến sẽ bắt cóc cô để uy hiếp.

Rõ ràng ngay từ đầu, cuốn tiểu thuyết này đã gây “hứng” với độc giả bằng những câu hỏi khó hiểu, đôi chút tò mò về nữ nhân vật chính này. Thông qua câu chuyện của Quỳnh, của Bình “cáy” mà tác giả đã khéo léo dựng thành những tuyến truyện khác nhau, cuộc đời của các nhân vật được soi chiếu một cách chân thực đến cảm động.

Trong bài viết này, chúng tôi tập trung 2 vấn đề: nghệ thuật kết cấu của Kín và vai trò của kết cấu này trong việc làm nổi bật thân phận con người trong xã hội đương đại.

“Kết cấu là toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm…Bất cứ tác phẩm văn học nào cũng có một kết cấu nhất định. Kết cấu là phương tiện cơ bản và tất yếu của khái quát nghệ thuật. Kết cấu đảm nhiệm những chức năng rất đa dạng: bộc lộ tốt chủ đề và tư tưởng của tác phẩm, triển khai trình bày hấp dẫn cốt truyện; cấu trúc hợp lý hệ thống tính cách; tổ chức điểm nhìn trần thuật của tác giả, tạo ra tính toàn vẹn của tác phẩm như là một hiện tượng thẩm mỹ”.[2,156]

Như vậy soi rọi kết cấu của tiểu thuyết và nhìn nhận nó như một vấn đề thi pháp, người đọc không khó để nhận ra, ở tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú luôn được xây dựng bằng những kết cấu hết sức phức tạp và sinh động. Điều này được chứng minh rất rõ qua Nháp, Phiên bảnKín.

Phiên bản, đó là 3 điểm nhìn của 3 người kể chuyện hướng về 3 câu chuyện tưởng chừng như không ăn nhập gì với nhau, nhưng lại trong hành trình cùng hướng về một người: Đó là Diệu (biệt danh Hương ga). Trong tiểu thuyết này có 31 khúc được sử dụng ở ba ngôi kể khác nhau, giống như một bản nhạc nhiều bè, khai mở nhiều lối đi, người kể chuyện biến hóa linh hoạt, dẫn dắt người đọc thâm nhập vào thế giới câu chuyện của nhân vật một cách tự nhiên không nhàm chán. Khúc thứ nhất được kể thông qua điểm nhìn của tác giả đặt vào điểm nhìn của nhân vật “Tôi”, nhằm trần thuật những diễn biến sự kiện trong cuộc đời của nữ nhân vật chính. Khúc thứ 2 được kể bằng ngôi “em”, như một trường độc thoại nội tâm của nhân vật. Nhân vật tự kể về mình với vai trò là người kể chuyện, ở khúc đoạn này, giọng điệu có gì đó chân thật hơn, người đọc tin hơn vào những gì được trình bày. Khúc kể còn lại được kể ở ngôi “Ta”, mang tính chất như một cuộc hỏi cung kẻ phạm tội, qua cuộc hỏi cung này những ẩn ức trong cuộc đời của nhân vật cũng được phơi trải đến não nùng.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú

Nghệ thuật kết cấu trong Kín được Nguyễn Đình Tú “nâng cấp” lên một trình độ cao hơn.  Ở Kín, có 31 phần kể, độc giả sẽ có 3 câu chuyện song song cùng tuôn chảy, chúng sẽ gặp nhau và vỡ òa trong một câu chuyện lớn bao trùm. Câu chuyện thứ nhất về cuộc đời của nhân vật chính mang tên một loài hoa chỉ nở rực vào ban đêm, câu chuyện ở thì hiện tài, câu chuyện về một nữ nhân vật đang ở độ tuổi đẹp nhất của con người nhưng lại mang trong mình cái tâm hồn không mấy lành lặn nếu không muốn nói bị thương tổn, chối bỏ thực tại nhộn nhịp của cuộc sống Hà Thành và tìm về ký ức của tuổi thơ ở Hải Thành với những đau thương, dữ dội: “Đã từng có lúc Quỳnh muốn đi đâu đó, xa căn nhà thành phố ven sông, xa những khuôn mặt quen thuộc vẫn hiển hiện hàng ngày…Hà Thành vương vấn trong tâm hồn của những cô gái mới lớn là mùi hương hoa sữa, là tán sấu rợp vỉa hè, là chùm bằng lăng bạc phếch trên đường ra ngoại ô, là dây ti-gôn phơ phất ven hàng rào bách thảo, là bóng sâm cầm hút bóng trên mặt hồ Tây, là màu áo xanh tình nguyện trước các cổng giảng đường lớn, là những cơn gió đầu đông rét buốt phất phơ khăn quàng cổ, là những trưa hè nóng rực ngột khói xăng xe. Còn với Quỳnh, Hà Thành là sự hội nhập đầy khó khăn, vừa hứng khởi vừa nhọc nhằn, vừa như một sự cộng sinh tự nhiên lại vừa như một phản ứng hóa học có thể tạo ra những chất độc chết người. Hà Thành không bù đắp thêm phù sa cho tâm hồn Quỳnh mà ngược lại, sa mạc hóa, truy sát và bức tử nó. Hải Thành có lẽ là nơi cứu rỗi tâm hồn Quỳnh chăng? Điều đó đang nằm ở phía trước, trong sự tìm kiếm đầy ẩn ức của Quỳnh.” [1,11]

Câu chuyện thứ hai là câu chuyện về Mẫu Liễu Hạnh. Đây là tuyến truyện riêng được xây dựng song song với hai tuyến truyện còn lại. Ở tuyến truyện ngày có nhân vật người ông, mà nếu không đọc kỹ thì sẽ không biết được đây chính là ông của Quỳnh và đứa bé mang nhiệm vụ của người kể chuyện từ khi còn nằm trọng bụng mẹ cho đến khi thành cô bé Lửa Cháy…Ở tuyến truyện này, có một nhân vật người ông rất mê đạo Mẫu, trở thành “con nhang đệ tử” của đạo Tứ Phủ, bị cơ đày sau đó đã làm lễ trình đồng mở phủ. Có người cho rằng, tuyến truyện này, chẳng ăn nhập gì với tuyến truyện hay câu chuyện về Quỳnh hết, thậm chí khi Quỳnh được nghe những câu chuyện về Mẫu ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ, nhưng nó vẫn chẳng cứu giúp được gì cho thân phân lạc loài của cô hết. Theo tôi, ngay từ nhan đề của cuốn tiểu thuyết này đã mang, hàm chứa mội cái gì đó kín đáo mà thâm trầm, điều này không khó để nhận ra trong những đoạn viết về Mẫu. Mặt khác, khi viết về Mẫu, Nguyễn Đình Tú không nhằm đi đến lý giải, hay khẳng định một vấn đề gì cả, anh cho rằng đó là công việc của các nhà nghiên cứu dân gian. Câu chuyện về Mẫu trước hết góp phần làm cho cái nhan đề Kín ấy trở nên đúng hơn, câu chuyện của cuộc đời Quỳnh - một cô gái trẻ, giới trẻ, tiếp nhận và đón đợi văn hóa dân gian, truyền thống dân gian như thế nào.

Câu chuyện thứ 3 là câu chuyện được trần thuật ở ngôi thứ nhất, nhân vật Bình “cáy”, một trong những đứa trẻ lạc loài mà thực ra không lạc loài trong nhóm trẻ ở bụi đời ở nhà ga ấy. Với việc trần thuật của ngôi thứ nhất, người kể chuyện ở đây là Bình, thông qua câu chuyện của Bình, người đọc lần lượt được khám phá thế giới các nhân vật trong nhóm trẻ bụi đời: Kiên, cô bé Lửa Cháy, Hoàn, Phương. Nhân vật kể về nhân vật. Điều này khiến cho câu chuyện trở nên khách quan trung thực hơn.

Thông qua kết cấu đa tuyến, Nguyễn Đình Tú đã khai phá những chiều sâu trong thân phận con người từ nhiều góc độ và giác độ khác nhau. Khi bàn đến vấn đề kết cấu của Kín, trước hết cần phải nói về điểm nhìn nghệ thuật mà cụ thể là điểm nhìn không gian và thời gian. Qua sự thể hiện các điểm nhìn này, còn sót lại, đó là thân phận cô đơn, lạc loài hoang hoải của con người trong một xã hội đầy rẫy những thứ không thể bằng lòng, cũng không thể thỏa hiệp.

Trước hết, cần phải “nhìn ngắm” lại không gian, thời gian trong các tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú. Trong cả 5 cuốn tiểu thuyết: Hồ sơ một tử tù, Bên dòng Sầu Diện, Nháp, Phiên bản, Kín, tác giả đều có ý thức “khu biệt hóa” vùng không gian để nhìn ngắm nhân vật của mình.

Trong Hồ sơ một tử tùNháp, nhà văn để cho nhân vật của mình dịch chuyển giữa các vùng không gian khác nhau. Ở Hồ sơ một tử tù, không gian dịch chuyển từ nông thôn ra thành thị, và theo bước chân của nhân vật chính không gian được mở rộng đến tận vùng đào vàng Lũng Sơn …Còn ở Nháp là sự dịch chuyển không gian phố núi đầy mơ mộng trẻ thơ cho đến không gian của đô thị đầy những nguy hiểm, cám dỗ.

Trong Phiên bản, tác giả rất chú ý khi đặt nữ nhân vật giang hồ Hương ga vào khu đất nghịch tặc của vùng ngã 3 sông, nơi có truyền thống sinh ra các nữ tặc, theo đó cuộc đời của Diệu từ khi còn là một cô bé trong sáng hồn nhiên cho đến khi trở thành một siêu anh hùng…Không gian biến chuyển theo điểm nhìn của người kể chuyện, không gian phố đường tàu, không gian đô thị, không gian biển khơi bao la, không gian hiện lên theo bước chân nhân vật vào đất Sài Thành… Nhà nghiên cứu văn học Bùi Việt Thắng trong bài viết “Lối viết nước đôi hay “phép lợi thế” trong Phiên bản của Nguyễn Đình Tú”, đã nhìn Phiên bản dưới góc nhìn liên văn bản (Intertextuality) trong sự đối sánh với Bỉ vỏ của nhà văn Nguyễn Hồng. Nhân vật Diệu có cái gì đó giống với Tám Bính…

Đó là những điểm nhìn không gian được khảo sát ở mức độ cơ bản nhất, còn về điểm nhìn thời gian trong tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú, ta nhận thấy các nhân vật thường được miêu tả trong các chiều kích cỡ thời gian liên tục biến chuyển nhịp nhàng. Quá khứ - Hiện tại – Tương lại, cõi mông lung vô định, tâm thế lạc loài, chao đảo theo cái nhịp thời gian xuất hiện.

Trên đây, là những khái quát điểm nhìn không thời gian nghệ thuật trong các tiểu thuyết trước Kín của Nguyễn Đình Tú. Ở Kín, nhà văn ý thức rõ hơn việc thể hiện con người và cuộc đời trong chiều không thời gian đa tuyến nhiều lúc đến bức bối, ngột ngạt.

Bàn về vấn đề này, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái đã nhận xét: “Kín là một nỗ lực thoát hiểm của Nguyễn Đình Tú, khi người viết cố không sa vào cách kể chuyện tuyến tính, mà để mặc lòng cho các tuyến nhân vật luôn di chuyển đan bện vào nhau, các sự kiện đẩy đưa quá khứ - hiện tại. Các nhân vật chan chát và chạm xung đột, biến chuyển thay hình đổi dạng.”(Theo Vnexpress.net).

Thật vậy, ở Kín, con người đang sống trong hiện tại với một không gian đang chuyển động, nhưng con người lại bị lạc  mất mình, không tìm thấy được cái bản ngã của chính mình. Quỳnh, một cô gái trẻ, đẹp đang căng tròn nhất ở cái tuổi 20 yêu dấu, nhưng lại không bằng lòng thỏa mãn với thực tại ngổn ngang của Hà Thành, cô thực hiện chuyến công du về quá khứ, tìm lại cái con người của mình trong quá khứ, quãng đời tuổi thơ, vất cả đấy, đĩ điếm đấy, nhưng như vậy cô mới là chính cô, mới sống được trọn vẹn bản ngã con người mình. Các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này luôn có ý thức tìm về quá khứ. Quá khứ hiện lên qua những dòng nhật ký của Bình, quá khứ về những đứa trẻ trong nhóm Toa tàu của bảy năm về trước.

Không gian thời gian trong Kín được trải rộng theo bước chân của nhân vật Quỳnh trên con đường trở về Hải Thành, từ Hà Thanh qua Dương Thành. Ở cuốn tiểu thuyết này, ta bắt gặp nhiều dạng thức không gian khác nhau, không gian của quá khứ, hiện tại, không gian của các nơi đã đi qua, không gian của  cõi tâm linh, không gian của nghĩa địa lạc loài mà Quỳnh gọi đó là thành phố của những người chết…Không gian mang tính âm nhiều hơn. Thời gian luôn có sự dịch chuyển về hướng thời gian quá khứ, theo những trang nhật ký của Bình “cáy”, theo những trải nghiệm về tuổi thơ của nhân vật tôi, từ lúc còn là cái thai trong bụng, thích nghe chuyện về Mẫu cho đến khi là một cô bé có cái tên Lửa cháy…

Kết cấu đặc biệt của Kín đó là việc xen kẽ của 3 câu chuyện khác nhau, với 3 giọng điệu khác nhau. Có thể nói đây là một thành công của Nguyễn Đình Tú mà hơn một lần anh đã kể: “Ngay cuốn đầu tiên tôi đã có ý thức về thi pháp, phải viết làm sao cho hấp dẫn người đọc. “Kín” là cuộc thử sức cho 3 điểm nhìn chạy song song xem có đủ sức đến cuối không, đến kết thúc có gặp được nhau không. Tôi khẳng định ở Việt Nam chưa từng có ai làm như thế. Ba điểm nhìn đó phải tạo ra 3 văn phong khác nhau, trợ giúp cho kết cấu cơ bản của cốt truyện, chỉ cần lỏng một tuyến sẽ sụp mất.”. Với cách kết cấu tác phẩm như vậy, cùng với việc trần thuật khéo léo, mạch văn không bị lộ, phô… Nguyễn Đình Tú đã ít nhiều đáp ứng được yêu cầu khó tính của độc giả cũng như giới phê bình văn học.

Những đứa trẻ mang số kiếp lạc loài, là những hình tượng sinh động đến chân thực, cảm động. Câu chuyện được mở đầu bằng thời gian của hiện tại, nhưng trong suốt chiều dài tác phẩm, quá khứ luôn đồng hiện khi thì bằng sự chối bỏ thực tại của nhân vật, khi thì bằng những dòng hồi ký miên man…Kín giúp ta khám phá thân phận của những đứa trẻ trong nhóm Toa tàu do Kiên làm nhóm trưởng phải chiến đấu, phải tìm mọi cách để sinh tồn.

Trước hết là hình ảnh đáng thương của cô bé mang cái tên khá ấn tượng “Lửa cháy”, xuất hiện trong khúc đoạn 6 của tác phẩm. Hình ảnh của một cô bé may mắn sống sót trong một lần cháy chợ, hoang mang hoảng loạn, phải mất 202 ngày sau em mới nhớ ra được mình là ai? Cái hay của câu chuyện về nhân vật này được Nguyễn Đình Tú khéo léo biến hóa. Cô bé Lửa cháy ấy, chính là Quỳnh, cô gái 20 tuổi xuất hiện ngay trong khúc đoạn đầu của tác phẩm và cũng chính là nhân vật tôi, người kể lại câu chuyện về thánh Mẫu, về ông mình xuất hiện trong khúc đoạn thứ 2 của tác phẩm này. “Tôi lạc vào không khí sa man lần đầu tiên khi còn trong bụng mẹ. Vì thế tôi chỉ có thể cảm nhận được mọi điều qua âm thanh chứ không bằng thị giác. Đó là ngày cuối cùng tôi ở lại trong người mẹ.”[1,18]. Chỉ có một nhân vật, nhưng lại được soi chiếu dưới nhiều góc độ khác nhau, cô Quỳnh của cái thời hiện tại ấy được miêu tả trong 3 chiều không thời gian kích cỡ, khi còn trong bụng mẹ, khi ấu thơ và khi đã trưởng thành.

Đó là cuộc đời của nữ nhân vật chính trong Kín, bên cạnh những đứa trẻ trong nhóm Toa tàu, thân phận của Kiên cũng ám ảnh người đọc không kém. Kiên vốn là đứa bé bị bỏ quên trên ghế đá chờ nhà sân ga, được mẹ Lan đem về nuôi, nhưng người mẹ hiền hậu ấy đã sớm lìa bỏ cuộc đời trong một vụ tai nạn khủng khiếp. Kiên vốn dĩ đã mang thân phận mồ côi, nay lại càng mồ côi lạc loài. Qua những trang nhật ký của Bình “cáy”, số phận của Kiên hiện lên thật cảm động. “Mình bắt đầu để ý đến Kiên bởi chính hai từ mồ côi. Mồ côi là gì? Một thằng con trai lớp 6 mồ côi như Kiên thì khác gì một thằng bạn cùng lớp không mồ côi như mình? Kiên không có bố. Điều này sau khi mẹ Kiên chết thì mình mới biết.”[1,34]. Sau này khi đã thành vệ sĩ của một công ty bảo vệ nổi tiếng, những trang viết về nhân vật này, luôn đặt trong sự cảm nhận, điểm nhìn của một nhân vật khác, những trang viết trải lòng về quá khứ, một quá khứ cay đăng, mới có ít tuổi đầu, đã phải chiến đấu, chiến đấu để sinh tồn như một lẽ tự nhiên vậy!

Số phận của Hoàn và Phương cũng thật cay đắng qua những trang viết đắng đót của nhân vật Bình “cáy”. Phương nương tựa vào Hoàn, một đứa trẻ đánh giày hay ngủ vật vờ trước cửa nhà cô. “Cô bé ấy nhìn thấy Hoàn nằm co quắp ngay trước cửa nhà mình. Cô thoáng một chút ái ngại rồi đưa mắt quan sát khắp người Hoàn. Có vẻ như cô đoán định được ra tuổi của Hoàn, đoán định ra cái thân phận vất vưởng này từ đâu trôi dạt đến và một niềm thương xót trỗi dậy.”[1,115]. Hoàn chính là chỗ dựa cho Phương trong những tháng ngày đen tối của cô, khi bị bố dượng hãm hiếp.

Tất cả những thân phận cô đơn, lạc loài ấy không hẹn mà gặp, chúng như những vòng tròn bị phân rã trong hiện thực, đồng nhất trong quá khứ, rồi lại trên hành trình gắn kết đến chặt chẽ.

Qua từng câu chuyện, số phận của những đứa trẻ dần được sáng tỏ. Cuốn tiểu thuyết mang tựa đề là “Kín”, nhưng ngược lại không khép kín bao giờ. Hiện thực mà Kín hiện lên đầy ăm ắp, đó không phải là hiện thực nên thơ mà là hiện thực đầy đau đớn, khắc khoải tranh giành địa phận sống.

Phải nhận thấy, bằng một kết cấu đa tuyến, nhiều chiều, Kín hiện lên nhiều vấn đề nhân sinh khắc khoải. Ở Kín, nếu như không kiên trì, người đọc sẽ “bỏ rơi” tác phẩm chỉ trong vài khúc đoạn đầu. Kết cấu phức tạp của Kín đã hơn một lần được Nguyễn Đình Tú giải thích: “Bạn đọc sợ sự đơn giản của văn chương, chứ không sơ sự phức tạp nếu đó là một dụng ý nghệ thuật của người kể chuyện. Nhà văn tài năng là người kể chuyện giỏi. Người kể chuyện giỏi thì thường chọn những câu chuyện khó kể nhất để hớp hồn bạn đọc. Tôi không có ý định nhận mình là nhà văn tài năng nhưng tôi thích kể  những câu chuyện mà không phải ai cũng kể được”.

-------------------------

Danh mục tham khảo.

  1. Nguyễn Đình Tú (2010), Kín, NXB Văn học.
  2. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Công chức Nga thời nào tốt hơn

VanVN.Net - Nhà văn I. M. Poliakov, Tổng biên tập Văn báo, ủy viên ủy ban Văn hóa phủ Tổng thống, ủy viên Đoàn chủ tịch Hội nhà báo Matxcơva, tác giả nhiều tiểu thuyết chống quan liêu như Tình trạng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...

Nhà văn đọc sách  

"Mùa mưa ở Singapore" - đọc như thấm một cơn mưa

VanVN.Net - Sau cuốn sách đầu tiên: “Không khóc ở Kualalumpur” ra đời cùng thời điểm này năm 2010, tác giả trẻ Linh Lê tiếp tục gửi tới bạn đọc cuốn tiểu thuyết thứ hai: “Mùa mưa ở Singapore” cũng trong ...