Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Hàn Mặc Tử, Quách Tấn và Bích Khê trong không gian văn hóa Đường thi

Nguyễn Toàn Thắng(*) - 25-07-2011 05:03:34 PM

VanVN.Net - Trước khi bước vào làng Thơ mới, hầu hết các thành viên trong nhóm thơ Bình Định đều thử bút, “gieo trồng” những mùa thơ trên cánh đồng thi ca cổ điển phương Đông. Nhờ say mê xướng họa Đường thi trên báo Phụ nữ tân văn với các bút hiệu “P.T Quy Nhơn” và “Q.T Đà Lạt” mà Hàn Mặc Tử và Quách Tấn trở thành bạn thơ thân thiết. Theo đó, Chế Lan Viên và Yến Lan cũng lần lượt thử bút “làm thơ” Đường luật và đồng cảm về mỹ học Đường thi…

Vào những năm 1932 - 1933, khi cuộc “khẩu chiến” Thơ mới - Thơ cũ diễn ra rầm rộ trên thi đàn cả nước thì các nhà thơ Bình Định lại khá bình thản. Dường như họ không hề bị lôi cuốn vào cuộc tranh luận sôi động có một không hai đó. Hàn Mặc Tử, Quách Tấn từng nổi tiếng trong lĩnh vực Đường thi đều có chung một quan niệm: “Thơ không có mới cũ, chỉ có thơ dở và thơ hay”.

Hãy xem Hàn Mặc Tử so sánh Thơ mới và Thơ cũ bằng hình ảnh hóm hỉnh: “Thơ cũ là một cô gái xưa chít khăn mỏ quạ, mang chiếc nón na, một cô gái không phấn son, nền nếp trâm anh, tuy yêu kiều mà ngượng nghịu, tuy trang nghiêm mà nặng nề; trái lại, Thơ mới là một thiếu nữ tân thời, phấn son tô, y quan sặc sỡ, nhanh nhẹn như con chim buổi sáng đầu xuân, vừa mơ màng vừa kiều diễm ([1])...”

 Với Hàn Mặc Tử, có lẽ thơ vẫn là nàng thơ của hàng ngàn năm lịch sử thi ca, nếu khác chăng thì khác về y phục mỹ học bên ngoài. Thơ cũ, Thơ mới mỗi loại một vẻ, “mười phân vẹn mười”. Quan niệm cho rằng thơ không có cũ mới chỉ có thơ dở hoặc thơ hay của các thi sĩ Bình Định bao hàm ý nghĩa mỹ học riêng, nghiêng về chất lượng nghệ thuật của thi ca và tài thơ của thi nhân. Có thể xem đây là những hạt mầm đầu tiên của quan niệm “văn chương là văn chương” theo hướng nghệ thuật vị nghệ thuật, tôn vinh tột độ “tài thơ” của “loài thi sĩ” (những “trích tiên” bị “đọa đày dưới trần thế” với cái “giá máu” mà thượng đế bắt phải trả) của các thi sĩ Trường thơ Loạn trong nhóm thơ Bình Định sau này (Quan niệm thơ – Hàn Mặc Tử)

Hầu hết các thi sĩ ở Quy Nhơn, Bình Định đều sinh ra và lớn lên từ chiếc nôi văn hoá phương Đông và được nuôi dưỡng bởi “không khí Đường Tống” qua các buổi hầu trà, vịnh thơ, thưởng nguyệt với sự ngưỡng mộ các bậc danh nho. Dường như thơ Đường đã “ngấm” vào huyết quản của các thi sĩ một cách tự nhiên. Thời niên thiếu, Hàn Mặc Tử được anh trai Nguyễn Bá Nhân (tức thi sĩ Mộng Châu) dạy cách “làm thơ” Đường rất công phu bài bản. Bút hiệu Hàn Mặc Tử đã thể hiện không khí văn hoá phương Đông trong tâm hồn người thi sĩ tài hoa Nguyễn Trọng Trí. Nguyễn Bá Tín, người em trai của Hàn Mặc Tử cho biết: “Anh Trí vốn rất ngưỡng mộ triết gia Mặc Địch thời Chiến quốc, nổi tiếng chủ trương thuyết Kiêm Ái, nên anh cũng tự nhận mình thuộc môn phái Mặc Địch, thương yêu hết mọi người. Chữ Mặc Tử khi ghép đôi mới có ý nghĩa là môn đồ Mặc Địch. Chữ Mạc Tử không có ý nghĩa gì. Chữ Hàn Mặc Tử nói lên ý nghĩa một thi sĩ nghèo nàn, nhưng tình thương rộng rãi bao la” ([2]).

Bích Khê sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống thi phú. Nhờ ảnh hưởng gia đình, Bích Khê biết làm thơ từ lúc 14, 15 tuổi. Đến 17 tuổi, thơ Bích Khê già dặn, nhiều bài làm cho các bậc túc nho thán phục. Thơ Bích Khê có đủ lối: tả cảnh, tả tình, vịnh sử, vịnh vật, túc sự... Ngoài thể thơ Đường luật là thể thơ được dùng, Bích Khê rất thích thể lục bát, song thất lục bát, ca trù, nhất là ca trù. Quách Tấn làm thơ Đường từ lúc còn học trường Collège de Q.N: “Cuối niên khoá 1925 - 1926, tôi (tức là Quách Tấn - NTT) đã thông thạo nguyên tắc đại cương các thể Đường luật, lục bát, song thất lục bát, ca trù và đã làm được năm mười bài đúng niêm luật” ([3]).

Quách Tấn tham gia xướng hoạ với các vị túc nho, được giáo sư Trần Cảnh Hảo ngợi khen. Quách Tấn tìm học cách làm thơ Đường qua sách Thi pháp nhập môn, Tùy viên thi thoại, Đường thi hợp tuyển. Sau khi kết thân với Hàn Mặc Tử qua báo chí, Quách Tấn đã cùng người bạn thơ tri kỷ này ngao du trên Đà Lạt. Thơ của Quách đã được Tản Đà khen ngợi, giảng luận trên An Nam tạp chí cũng như thơ của Hàn được Phan Sào Nam tiên sinh - Mộng Du Thi Xã chủ nhân ngợi ca trên Thực nghiệp dân báo. Cả hai thi sĩ đều nghiền ngẫm và tâm đắc về nghệ thuật làm thơ Đường. Họ cực kỳ đề cao Văn Tâm Điêu Long của Lưu Hiệp để đi đến quan niệm làm thơ là chạm khắc hình ảnh rồng trong tâm hồn: “Cổ nhân dùng chữ điêu trùng để nói về việc làm thơ, lại có sách Văn Tâm Điêu Long bàn về thơ. Như thế nghề làm thơ mà không chạm trổ thế nào mà thành tựu được” ([4]).

Những cuộc đàm đạo về việc làm thơ Đường giữa Quách Tấn và Hàn Mặc Tử cốt mục đích vượt qua cái tư cách “thợ thơ” của nho sĩ. Việc làm thơ theo Quách và Hàn phải hội đủ ba yếu tố : thi cốt, thi họcthi tài. Cái lẽ làm cho bài thơ hay câu thơ hay không phải là ở nơi ý thơ mà chính là từ thi cốt của người làm thơ. Theo Hàn và Quách thì “thi cốt là của quý do trời sinh, nào có phải muốn là được”. Thi cốt ở đây được xem như năng khiếu thiên bẩm của thi sĩ: “Muốn có những câu thơ giai tác thì trong cốt phải có chất thơ trước đã”. Như vậy có thể hiểu thi cốt là tư chất thi sĩ, tâm hồn thi ca của người làm thơ.

Nhà thơ Quách Tấn

Theo Hàn và Quách, sau khi có thi cốt, lại cần phải có thi học. Bàn về vai trò của hai yếu tố này, Quách Tấn tâm sự: “Mình làm thơ ngót tám chín năm trời mà không có một câu thơ thật nên câu thơ chẳng những là vì không có thi học mà còn vì không có thi cốt”. Nhà thơ Xứ Trầm Hương này tâm đắc hai câu thơ của cổ nhân:

Ngâm thơ hảo tợ thành tiên cốt

        Cốt lý vô thi mạc lãng ngâm

Tạm dịch là:

                “Làm thơ được những câu thơ hay thì sung sướng như thành tiên cốt,

Trong cốt không có thơ, chớ làm (thơ)  một cách lãng phí”.

Nói cách khác: khi làm thơ, điều quan trọng là phẩm chất thi cốtcốt tiên hay không. Ngâm thơ, theo Quách Tấn không phải là ngâm nga, mà là quá trình tiếp tục sáng tạo thơ:

Khổ ngâm tăng nhập định

Đắc cú tưởng thành công

Làm thơ phải khổ công, câu thơ phải đắc vị mới được coi là thành công. Thơ mà đã ngâm lên được tức là thơ đã làm. Phân tích mối quan hệ giữa thi cốt, thi họcthi tài, Hàn Mặc Tử lý giải: Có thi cốt tự nhiên có thi tài. Thi học chỉ cần cho những người không có thi cốt, bởi nhờ sở học, người có công tập luyện cũng thành tài. Thi cốt là cao trọng nhất quyết định tất cả.

Quách Tấn nói rõ thêm: Thi tài là do thi học cọ xát và thi cốt mà sanh ra... Có thi cốt mà không có thi học thì chẳng khác một khóm hường không phân nước. Nếu nhờ mưa mà sinh hoa thì hoa kia cũng không nhiều và sắc hương cũng không thắm đượm cho lắm. Còn có thi học mà không có thi cốt thì dù kỹ thuật có tinh xảo đến đâu cũng chỉ sản xuất được những con rồng con phụng của các ông thợ vôi lành nghề đắp nơi vách đình vách miếu mà thôi.

Như vậy ba yếu tố thi cốt (chất thơ, năng khiếu thi ca), thi học (kỹ năng làm thơ) và thi tài (tài năng thi ca, sự thành đạt trong thi ca) quan hệ gắn bó chặt chẽ trong việc “làm thơ” của thi nhân.

 Hàn Mặc Tử và Quách Tấn tâm đắc quan niệm trong Tuỳ viên thi thoại: “Thơ cảnh dễ thơ tình khó”. Quá trình làm thơ phải luyện cho đến khi “trí thơ điều khiển được bút pháp, không để bút pháp làm chướng ngại cho trí thơ”. Tức là phải nung nấu ý thơ, tứ thơ đến mức nhuần nhuyễn. Quách Tấn viết: “Mỗi lần hứng đến, tôi đã để hứng tác động đến cõi lòng cho phỉ sức và để cõi lòng rung cảm cho đến đã nư rồi mới nghĩ đến việc làm thơ. Bắt đầu lập ý đến cấu tứ, bố cục rồi mới cất bút hành văn...” ([5]).

 Hàn Mặc Tử và Quách Tấn đã mượn những cảnh thiên nhiên Đà Lạt làm đề tài luyện thơ. Chỉ có điều, bài Đà Lạt trăng mờ của Hàn Mặc Tử đột nhiên trổ ra những ánh sáng khác thường của một thi cốt sau này sẽ bay theo một quỹ đạo riêng. Còn lại, các bài Cảnh Đà Lạt, Cảnh Cam Ly, Cảnh hồ Đà Lạt của Quách Tấn vẫn thuần tuý chất men Đường thi theo chuẩn mực của một bậc túc nho cuối mùa.

Hàn Mặc Tử và Quách Tấn đều muốn vượt qua cái ngưỡng “thợ thơ” để bước vào vương quốc nghệ thuật của “nàng thơ”. Nghĩa là cần phải có cả ba yếu tố thi cốt, thi học và thi tài. Thi cốt là cơ sở, thi học là khổ luyện, thi tài là sự thành danh về thi ca. Trong thi tài ẩn chứa thi cốtthi học.

Nhà thơ Xứ Trầm Hương quan niệm: “Cổ nhân dạy làm thơ rất nghiệm: trước khi làm thơ phải uẩn nhưỡng tâm tư. Uẩn nhưỡng là nấu rượu. Nấu rượu cho khỏi khê thì phải giữ lửa cho đều... Con người nhà thơ  phải lo hàm dưỡng chuyên cần và thận trọng như người nấu rượu. Thi tình, thi tứ phải nuôi dưỡng, phải dần dần gây thành trước. Tâm tư phải nung nấu cho thật chín rồi mới nghĩ đến việc làm thành thơ” ([6]).

Cũng theo Quách Tấn, trong khi làm thơ phải khắc hoạch tâm tư. Khắc hoạch là chạm trổ những gì mình nghĩ trong lòng cho rõ từng nét, cho bén từng cạnh. Phải chạm trổ cho văn tâm của mình đẹp đẽ cho sống động như người thợ chạm rồng, hễ có bút thần điểm nhãn thì rồng bay mây... Muốn phô diễn tâm tư chu đáo, nhà thơ cần vận dụng âm nhạc và hội hoạ, tức là âm điệu và màu sắc, người xưa gọi là từ điệu. Từ gồm có hình ảnh màu sắc. Điệu là âm thanh nhạc điệu. “Trong khi khắc hoạch tâm tư nhà thơ còn phải “thôi, xao từ điệu”, và khi văn tâm đã chạm thành long rồi còn phải “thôi xao” một đôi lần nữa xem lời đã nói hết ý, ý có thật đúng như lời chăng”. Qua đây đủ thấy việc làm thơ Đường công phu biết chừng nào! Để có thể “nhả ngọc, phun châu” nhà thơ phải khổ luyện kỳ công bởi châu ngọc ấy phải được kết tinh lâu ngày trong tâm hồn, khi gặp cơ duyên, lập tức hình thành và xuất hiện rực rỡ.

Bài Đêm thu nghe tiếng quạ kêu của Quách Tấn được “khắc hoạch tâm tư” và “thôi xao từ điệu” suốt gần 12 năm trời (1927 - 1939) và “thành hình trong nửa đêm” ([7]). Nửa đêm cộng với một giáp tròn là thời kỳ thai nghén cho thi phẩm này. Mặc dù khá uyên thâm trong quan niệm làm thơ Đường luật nhưng đến những năm cuối đời, Quách Tấn cũng chỉ tự nhận rằng ông mới chỉ có “thi cách, thi điệu” mà chưa có thi diệu, là vì:

- Thứ nhất, thơ Đường giống như sử thi và bi kịch Hy Lạp là “mẫu mực đẹp không thể bắt chước được của một thời gian đã qua không thể trở lại” (Mác).

- Thứ hai, ở một phương diện nào đó, thơ Đường có quy luật giống như thơ Thiền mà chỉ có những bậc thiền sư như Basho và Vương Duy (được coi là thi Phật) làm mới thành công. Còn những người lòng lụy đời, nhìn sự vật qua trí tính, chưa đạt tới “vật dĩ quan vật” (Tan vào sự vật để nhìn sự vật) thì không làm nổi lối thơ ấy. Nếu vứt bỏ lý trí thì dễ sa vào duy tâm, siêu hình.

Như vậy đạt được thi cách, thi điệu để vươn tới thi diệu là những nấc thang quan niệm dần lên cao của Quách Tấn - người đại diện cho khuynh hướng làm thơ Đường luật trong nhóm thơ Bình Định.

Thi cốt, thi học, thi tài” và thi cách, thi điệu, thi diệu là những phẩm cách, những tiêu chí, những cấp độ về thơ và nhà thơ thấm đẫm sắc màu mỹ học Đường thi cổ điển. Quan niệm này bao hàm sự nhìn nhận khá toàn diện về mối quan hệ giữa thi nhân và thi phẩm.

Về sau Hàn Mặc Tử khẳng định: “Người thơ phong vận như thơ ấy” (Xuân đầu tiên). Thơ tức là người, qua thơ hiểu được con người thi nhân. Hàn Mặc Tử và Quách Tấn, Bích Khê đã từng bước vào chốn “cung vàng điện ngọc” khuôn thước nghiêm ngặt của thơ Đường luật. Hàn Mặc Tử có Lệ Thanh thi tập. Quách Tấn có Mùa cổ điểnMột tấm lòng. Năm 1935, hai người định ra tập thơ Bó hoa rừng nhờ Phan Bội Châu đề tựa trong đó có lời khen là “hai ngòi bút có lực và hai mảnh hồn thắm thiết nghĩa non sông”. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân mà tập thơ này chưa xuất bản, được giữ làm gia bảo (có 50 bài bát cú, một nửa của Hàn, một nửa của Quách).

Quách Tấn khẳng định rõ ràng về tài Đường thi của Hàn Mặc Tử: “Thơ Đường luật, Tử làm gần đủ các lối thủ vĩ ngâm, thuận nghịch độc, song thanh song điệp... lối nào cũng luyện” ([8]).

 Đặc biệt Hàn Mặc Tử có hai bài thơ có sáu cách đọc là Cửa sổ đêm khuyaĐi thuyền được cho là ngang hàng với bài Vô đề của vua Tự Đức.

Dưới đây là bài Cửa sổ đêm khuya:

Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương,

Lạ cảnh buồn thêm nỗi vấn vương.

Tha thiết liễu in hồ gợn bóng,

Hững hờ mai thoảng gió đưa hương.

Xa người nhớ cảnh tình lai láng,

Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng.,

Qua lại yến ngàn dâu rủ lá,

Hòa đàn sẵn có dế bên tường.

Bài này có thể đọc sáu cách: xuôi; ngược; bỏ hai chữ trước đọc xuôi, đọc ngược; bỏ hai chữ sau đọc xuôi, đọc ngược.

 Quách Tấn còn khen rằng bài Buồn thu của Tử rất sành niêm luật đăng đối: “Thơ Đường như bài này là đã nhập điệu”. Nghĩa là đã đạt Thi điệu và đáng được truyền tụng trong làng Thơ cũ. Trước sau, Quách Tấn chỉ nguyện làm “sứ giả Đường - Tống”, không chịu rẽ sang con đường Thơ mới. Đây là lời của Quách: “Tôi ở nhà lo việc ruộng nương của cha ông để lại (ý là chỉ làm thơ Đường luật - NTT). Tử ra ngoài mua hàng bốn bể đem về (nghĩa là tiếp nhận tinh hoa thơ tượng trưng siêu thực Pháp và phương Tây - NTT). Ai lo phận nấy cho hết lòng thì nàng thơ mới vững bền và giàu có” ([9]).

 

Nhà thơ Bích Khê

Là thành viên của “Trường thơ Loạn”, Bích Khê cũng có một thời tha thiết với Đường thi. Khê có được tập Mấy dòng thơ cũ (khoảng trên 100 bài tập hợp lại năm 1935) được độc giả hoan nghênh trên báo Tiếng DânPhụ nữ Tân văn.

Đầu xuân Tân Tỵ (1941), sau khi đọc xong bản thảo Mùa cổ điển Bích Khê nhận xét: chỉ bài Đêm thu nghe tiếng quạ kêu cũng đã dành cho anh một địa vị xứng đáng trong làng thơ đất Việt, huống hồ Mùa cổ điển còn bao “kỳ cú, cao tình”.

Bích Khê quả quyết rằng: “Từ nay không làm thơ Đường nữa vì đã có anh rồi”. Âu cũng là một cách đánh giá rất cao về tài Đường thi của Quách Tấn. Yến Lan cảm khái bình thơ Đường của Quách Tấn: “Tình tuôn ra lệ, lệ đọng thành châu, từng hàng từng hàng trên mặt nhung tuyết trải”. Điều đó đủ thấy sự tri ngộ hiếm có của người am hiểu Đường thi. Quách Tấn đã “cảm được được người đàn bà khó chiều kia” - là nàng Thơ cũ (theo cách nói của tác giả Thi nhân Việt Nam) và đã tạo ra được một bầu không khí Đường - Tống trong hai tập thơ Mùa cổ điểnMột tấm lòng.

 


* TS. Viện văn hoá và phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh

1 Hàn Mặc Tử - Không nên có luật thơ mới, in trong Hàn Mặc Tử phê bình và tưởng niệm - NXB Giáo dục, Hà Nội, 1993, trang 123.

[2] Nguyễn Bá Tín - Hàn Mặc Tử anh tôi - NXB Tin, Paris, 1990, trang 49.

[3] xem trong Quách Tấn, Bóng ngày qua, NXB Hội Nhà văn, năm 1999, trang 129, Quách Giao (sưu tầm biên soạn).

[4] xem trong Quách Tấn, Bóng ngày qua, NXB Hội Nhà văn, năm 1999, trang 172, Quách Giao (sưu tầm biên soạn).

[5] xem trong Quách Tấn, Bóng ngày qua, NXB Hội Nhà văn, năm 1999, trang 177, Quách Giao (sưu tầm biên soạn).

[6] xem trong Quách Tấn, Bóng ngày qua, NXB Hội Nhà văn, năm 1999, trang 178, Quách Giao (sưu tầm biên soạn).

[7] xem trong Quách Tấn, Bóng ngày qua, NXB Hội Nhà văn, năm 1999, trang 181, Quách Giao (sưu tầm biên soạn).

[8] xem trong Quách Tấn, Bóng ngày qua, NXB Hội Nhà văn, năm 1999, trang 188, Quách Giao (sưu tầm biên soạn).

[9] xem trong Quách Tấn, Bóng ngày qua, NXB Hội Nhà văn, năm 1999, trang 191, Quách Giao (sưu tầm biên soạn).

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn