Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Mấy ai đã đến tận cùng chiều sâu của biển

(Đọc Sau rừng là biển, tiểu thuyết của Đỗ Kim Cuông, Nxb Lao động, 2011)

Nguyễn Khắc Phê - 16-08-2011 10:24:02 AM

VanVN.Net - Đỗ Kim Cuông vừa cho xuất bản “Sau rừng là biển” - cuốn tiểu thuyết thứ 12. Đọc những trang đầu, tưởng chỉ là một câu chuyện đơn giản và quen thuộc: ba người lính quê một tỉnh đồng bằng Bắc bộ, từng sống chết bên nhau ở Trị Thiên, gặp lại nhau sau chiến tranh, những hồi ức xen lẫn với bao vất vả trong cuộc mưu sinh hiện tại. Ba người lính không thuộc loại có nhiều “sao vạch”, thời hậu chiến cũng không có công tích gì đặc biệt - Thái, nhân vật xưng “tôi” rời chiến trận về dạy học; Huynh về làng quê; Hùng may mắn hơn, trở thành sĩ quan, được đi học Liên Xô, nhưng rồi hư hỏng phải vào tù.

Vậy nhưng chính nhờ tác giả đưa nhân vật vào các “địa hạt” bình thường ấy - giáo dục và nông thôn - mà tác phẩm đã chạm đến những vấn đề xã hội và triết lý sâu sắc. Đây không phải là “dưới đáy” xã hội hay “mũi nhọn cuộc sống” như lâu nay khi bàn đến đề tài trong sáng tác văn học nghệ thuật, nhưng với cách lựa chọn đó, tác giả đã tiếp cận cuộc sống thật của nhân dân với bao nỗi lo cơm áo hằng ngày và vô vàn những phi lý, bất công.

Mặt khác, tuy tác giả chưa có những đổi mới rõ rệt về mặt nghệ thuật nhưng lại tránh được nhược điểm của không ít tiểu thuyết Việt Nam là lệ thuộc vào sự kiện (như kể cho xong một chiến dịch, một công trình…) và cuộc sống được thể hiện bằng nhiều điểm nhìn, giọng điệu - khi là “tôi”, lúc là lời kể của Huynh, lúc khác lại là ngôn ngữ bốp chát của Nụ (người vợ đã li dị của Hùng), rồi những trang nhật ký của Kha (thầy hiệu trưởng nơi Thái dạy học) …

“Giáo lý và cuộc sống… Chao ôi! Một khoảng cách quá lớn. Cái nhân cách và phi nhân cách của ông thầy chỉ trong gang tấc. Lẽ nào lại là một kẻ dối trá trước những đôi mắt ngây thơ, trong veo kia. Chỉ một điều đơn giản thôi: Lý tưởng và đạo đức. Mi có hàng trang dẫn chứng cho học trò trong buổi lên lớp giờ chính trị, đạo đức. Nhưng mi lại bất lực trước những câu hỏi của những đứa trẻ 15-16 tuổi.”...

 Chỉ một đoạn nhật ký của thầy Kha đã nói lên bao cảnh đời trớ trêu của xã hội không chỉ lay động lương tâm người thầy. Với Thái, ngay bên cạnh hồi ức êm dịu về mối tình đầu với một cô gái Huế là sự đổ vỡ vì những ngộ nhận và ấu trĩ một thời:

“…Tại sao tôi không có quyền cảm mến một cô gái Huế dễ thương. … Phải ít lâu nữa, tôi mới hiểu cái nguyên cớ chính yếu gây cho Liên và tôi biết bao phiền muộn, đau khổ chính là sự mặc cảm của một chế độ này với một chế độ khác, giữa ta và địch, phía bên này và phía bên kia, rằng không thể có sự dung hòa…”

Trong chuyện kể của Huynh thì còn nhiều xót xa hơn nữa. Từ chiến trường về, mặc dù cô Mến - vợ anh - có con với chủ tịch xã, anh vẫn nén lòng giữ cho gia đình không đổ vỡ, góp sức xây dựng hợp tác xã. Nhưng anh đã hai lần bị khai trừ khỏi Đảng vì đấu tranh với tệ ăn cắp và bè phái ở làng xã, đến mức phải bỏ quê đi lập nghiệp ở phía Nam… Cuộc đời không ít những số phận cay đắng như thế, nhưng tiểu thuyết của Đỗ Kim Cuông khiến độc giả sau khi gấp sách lại, phải suy ngẫm nhiều chính là nhờ tác giả đã thể hiện chúng với giọng điệu “tự vấn”.

Chỉ có CON NGƯờI mới biết tự vấn. Tự vấn cũng là thức tỉnh. Những người lính tưởng là vượt qua chiến trận khốc liệt, sẽ trở về  cuộc sống bình yên nhưng “đấu tranh chống đói nghèo, chống cái xấu xem ra cũng cay đắng, gian khổ…”; cũng như vượt qua cánh rừng lắm gai góc, bí hiểm, thấy mặt biển bao la êm ả nhưng hóa ra nó sâu thẳm sóng gió khôn lường…

Có phải chính vì vậy mà kết cục của tiểu thuyết như là lơ lửng, chẳng biết các nhân vật sẽ đi tới đâu. Cũng như mấy ai đã đi đến tận cùng chiều sâu thăm thẳm của biển? Và chính tác giả cũng đã viết ở phần cuối cuốn sách: “…Có lẽ, cụ Ăngghen vĩ đại đã nói đúng. Đừng bao giờ tự huyền hoặc, lý tưởng hóa cuộc sống. ở đâu trên trái đất này còn ngang trái bất công, còn sự giàu nghèo, còn cả người chăm chỉ và kẻ lười biếng, còn cái cao cả xen lẫn với cái thấp hèn còn phải đấu tranh…”.

(Nguồn Văn nghệ)

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...