Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Nhà văn làng đồi

Phạm Ngọc Kiệm - 05-09-2011 02:09:04 PM

VanVN.Net - Nguyễn Hữu Nhàn. Sinh năm 1938. Quê quán: Xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Công tác ở công ty vận tải đường sông Phú Thọ. Trưởng phòng xuất bản Sở Văn hoá - Thường trực Hội Văn nghệ dân gian. Uỷ viên Ban Chấp hành Hội VHNT; Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ…

Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn

Tác phẩm chính đã xuất bản: Chuyện làng Gành (truyện ngắn, 1975); Phố làng (truyện ngắn, 1986); Dốc nắng (tiểu thuyết, 1974); Làng Cói Hạ (tiểu thuyết, 1984); Không cô đơn (tiểu thuyết, 1993); Chớm nắng (tiểu thuyết, 1994); Người quê (truyện ngắn, 2005); Tết ở bản Dèo (truyện ngắn, 2006) và nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết.

Giải thưởng văn học: Giải A Hội VHNT Vĩnh Phú. Giải truyện ngắn hay hàng tháng mở đầu của tuần báo Văn nghệ với tác phẩm Phố làng. Giải tư truyện ngắn báo Văn nghệ 2004. Giải Hùng Vương năm 2005. Giải khuyến khích cuộc thi truyện ngắn của Nxb Giáo dục và Hội  Nhà văn Việt Nam 2004, 2006…

 

Một câu hỏi cứ lơ lửng trong tôi lần đầu tiên gặp ông, trong hội nghị BCH Hội VNDG tỉnh Phú Thọ mở rộng năm 2006: Đã là nhà văn có cỡ thì đi hoạt động văn hoá dân gian làm gì nhỉ? Chỉ mãi sau này khi đã tiếp xúc với ông nhiều, băn khoăn của tôi mới được cởi.

Không gian trong những tác phẩm của ông là làng quê, làng đồi, làng núi. Nhân vật bộc lộ tính cách qua không gian ấy, để chuyển tải đến người đọc ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Nhưng nếu chỉ miêu tả cái khung cảnh nông thôn ấy như nhiều người đã làm, thì có lẽ không có một Nguyễn Hữu Nhàn vạm vỡ như hôm nay. Trong lời nói đầu “Nguyễn Hữu Nhàn tác phẩm chọn lọc” Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã khẳng định: “Các giá trị văn hoá truyền thống đã được hình thành và phát triển ra sao. Những vấn đề khó khăn của khoa học được Nguyễn Hữu Nhàn nghệ thuật hoá trong các hình tượng nghệ thuật, nhờ vậy tác phẩm văn nghệ có thêm chiều sâu tư tưởng…”.

Thế mạnh của ông là vốn am hiểu văn hoá dân tộc, vừa giàu có vừa sâu sắc. Những chuyến đi điền dã Thanh Sơn, Yên Lập, Tam Nông, Thanh Thuỷ, Phù Ninh và nhất là vùng Kinh đô Phong Châu, đã tích luỹ trong ông một sự am hiểu, làm bất cứ nhà nghiên cứu văn hoá dân gian nào cũng ganh tỵ. Chỉ nghe ông phân tích cái câu cửa miệng: làng mình, hay đình mình của người dân nông thôn, rồi ông so sánh với những khái niệm đương đại: khu, hay trụ sở, chưa ai nói trụ sở mình chưa ai gắn cái từ mình rất bản sắc Việt Nam vào cả. Chỉ thế thôi là từ đó tìm ra trong nhân vật của ông, cái bản chất của người nông dân, xây dựng cho nhân vật có tính cách điển hình: sự gắn bó máu thịt với mảnh đất nông nghiệp, tính cộng đồng làng xã và cả cái bảo thủ vừa đáng yêu vừa đáng giận của một anh nhà quê nặng chất tiểu nông.

Trong “phố làng” hẳn không ai quên chi tiết hứng phân bò: “…Lão vội vàng rút trong túi áo vét ra cuộn túi bóng nhựa…”. Một chi tiết nhỏ nhưng thấy ngay bản chất con người lam lũ, tằn tiện, ki cóp nhưng vẫn tỏ ra phong lưu, quyền quý. ở nông thôn, tôi còn nhớ bố tôi, bác tôi có một chiếc áo vét, thường chỉ có tết hoặc cưới hay đi tỉnh mới mặc đến, mà không mấy khi giặt, chỉ chải xăng đem phơi nắng rồi cất, đi Hà Nội cứ thấy ai trên tây dưới ta là đúng ông cụ nhà mình. Vậy mà bây giờ đi chăn bò, cũng mặc áo vét, sang quá! Rồi ngay cả cách gọi, túi đựng các thứ hàng hoá, hiện nay đang trở thành vấn nạn: túi bóng nhựa, nhà văn cẩn thận cho đến tên gọi đúng cách dân dã, nếu là tôi có thể viết nilon rồi, nhưng phải là bóng nhựa, cái văn hoá làng xã thấm đẫm nhân vật ngay cả trong lời kể của tác giả.

Ông bảo chính văn hoá dân gian giúp cho công việc viết văn, thuận lợi hơn nhiều. Trong những tác phẩm của ông, không gian truyện là cái phông để trên đó nhân vật thoả mái bộc lộ mình, những tính cách nhân vật, ẩn mình trong phong tục làng, tập tục dòng họ, những thói quen trở thành nếp làng khó bỏ, vì đã ăn sâu vào tiềm thức con người. Nhà văn đã tinh nhạy phát hiện. ở lão Tất hôm nay vẫn mang cái tính toán tiểu nông ngày nào, nhưng tư duy của lão nhanh, nắm bắt thời cuộc nhạy hơn. Cái cách lão cho trẻ con thuê trò chơi điện tử là một chi tiết đắt giá. Nếu nói diện mạo của người nông dân trong thời buổi đô thị hoá, thì chính là đây. Ruộng đất canh tác thu hẹp lại. Cấy lúa không đủ cho đầu tư ban đầu, nghề nghiệp không có, chăn nuôi bò thịt rồi sẽ là một ngành phát triển của phố làng, làng phố. Người ta sẽ làm gì để sống nếu không nuôi bò thịt như lão

 Đọc kĩ dù tiểu thuyết hay truyện ngắn của ông, đều thấy không gian nghệ thuật  phảng phất phong vị dân gian. Trong suy nghĩ về nghề văn (Nhà văn Việt Nam hiện đại) ông tự bạch: “Tự học để trở thành người sưu tầm nghiên cứu văn hoá dân gian với mục đích tích luỹ văn hoá để viết văn là chính”. Sự quyết tâm với lòng kiên trì đã khiến ông có trình độ hiểu biết sâu sắc về văn hoá, nhất là văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam. Những khảo cứu về làng Việt cùng những vấn đề thời Hùng vương, những công trình nghiên cứu về văn hoá Mường, văn hoá Dao tiền Phú Thọ. Là những tài liệu gốc giúp rất nhiều cho sinh viên, nghiên cứu sinh bộ môn Việt Nam học.

Đứa cháu tôi làm luận án về dân tộc học đã mừng hú lên, khi tôi đưa cho tập tài liệu  photo những bài khảo cứu văn hoá dân gian của ông, hắn còn đùa: Đứng trước núi thái sơn mà không biết, cứ đi tìm ở đâu. Đa tạ! đa tạ thúc thúc. 

Vốn văn hoá dân gian giàu có đã làm cho ngòi bút ông tung hoành trên nhiều lĩnh vực văn chương học thuật. Tập truyện ngắn “Gió thổi qua rừng” ra đời năm 2007 rồi tiểu thuyết “Rừng cười” năm 2008, hai tác phẩm gần đây nhất có thể coi là những tiểu thuyết phong tục. Một thể loại còn hiếm hoi trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại.

Cũng qua những truyện ngắn, tiểu thuyết của ông, mà bạn đọc mọi miền đất nước hiểu biết được con người và văn hoá Mường, Dao Phú Thọ, vô hình dung Nguyễn Hữu Nhàn đã trở thành sứ giả văn hoá cho các dân tộc anh em. Những điều ông làm ấy, hẳn ông không nghĩ nó lại có tác dụng với người khác nhiều đến thế.

 Thông thường người khác hay giấu những gì mình sưu tầm được, riêng ông tôi thấy, có cái gì mới, là ông phô ngay, cùng chia sẻ với mọi người. Hội Nhà văn Việt Nam mời ông đi giảng cho các khoá bồi dưỡng viết văn, có lẽ cũng với mục đích để ông truyền lại kinh nghiệm viết văn trên nền văn hoá đa dạng, kinh nghiệm tích luỹ văn hoá để phục vụ cho viết văn.

Với số những công trình ấy, tập hợp lại như ông nói và tôi có trong tay mà đem in, cũng ngót nghét nửa ngàn trang. Chất lượng khoa học, đã được đóng dấu bằng giải thưởng của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam. Thật là tiếc, do phạm vi truyền bá của những tri thức này chưa rộng. Nếu nó trở thành giáo trình cho môn Việt Nam học, thì sẽ đem lại lợi ích cho bao thế hệ.

Giá như chúng ta không mắc căn bệnh sính bằng cấp, mà chú trọng chất lượng khoa học, hiệu quả công việc thì tốt biết bao, lúc đó những công trình khảo cứu của ông chắc sẽ đắc dụng với nhiều ngành và nhiều người.

Trong một bài viết đăng trên báo Người Hà Nội gần đây, từ những hiểu biết về dân tộc học, ông rút ra nhận xét về con người, dân tộc Việt Nam là dân tộc luôn quý trọng sự sống, không coi trọng giáo lí tôn giáo lắm. Một dân tộc luôn yêu chuộng hoà bình và hữu nghị với các dân tộc, rồi ông đưa ra kết luận: Một dân tộc như vậy, không thể có khủng bố, không thể có những kẻ đánh bom tự sát - rất hiện đại và thời sự. Một kết luận được rút ra từ sự am hiểu sâu sắc dân tộc mình, cả chiều rộng lẫn chiều sâu, cũng là một sự lí giải cho việc, tại sao khi sang Hà Nội thủ tướng úc - mấy năm trước, rồi Tổng thống Nga - vừa qua, có thể đi bộ thể dục mỗi sáng, và đi bộ từ đền Ngọc Sơn về khách sạn, như những người dân Hà Nội bình thường.

Gần ông thấy sự chan hòa chân chất. Một sự chân thật không cường điệu giả dối, một sự thẳng thắn không kẻ cả khoe mẽ như nhiều người tôi đã gặp. Ông đọc bạn văn nhiều, góp ý chân thành, hay, dở phân miêng rạch ròi, qua ông tôi học được nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, nhất là viết truyện ngắn, khảo cứu những vấn đề văn hóa dân gian Việt, các dân tộc ít người Việt Nam, cách biến không gian văn hóa làng quê thành không gian nghệ thuật, để chuyên chở những vấn đề muốn san sẻ với người đọc. Mỗi lần gặp ông nói chuyện, là có được một bài học nghề nghiệp, cho những người mới tập tọng cầm bút.

Một lần tôi nghe ông và nhà văn Nguyễn Văn Lạc, trao đổi với nhau về văn của Nguyễn Tham Thiện Kế. Cả hai ông đều khen nhiều, Nguyễn Hữu Nhàn khẳng định đợt trao giải thưởng Hùng Vương tới, không có ai xứng hơn. Sau này tác phẩm “Tiếng kêu của ngôi nhà thủng mái” đã được trao giải thưởng Hùng Vương năm 2010, mới thấy điều ông nói là chính xác.

Không chỉ tinh nhạy khi nhận xét về văn xuôi là địa hạt của mình mới vậy. Mà sự thẩm thơ ở Nguyễn Hữu Nhàn cũng đáng nể. Khi tập thơ “Khúc đồng dao” của nhà văn Xuân Thu mới xuất bản. Ông khen hay, và nhận định dứt khoát sẽ chiếm giải. Một thời gian sau, tập thơ được trao giải của Uỷ ban Toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam. Ông bảo tôi: Khi nhận xét tác phẩm của người khác, phải biết tự vượt chính mình, đừng bao giờ mang định kiến cá nhân, mới thấy hết được cái hay cái đẹp của nó.

Tôi nhắc lại chuyện này, cũng là tự nhắc mình trong cuộc sống, không được tự lấy mình làm khuôn, để áp đặt người khác. Không tự thỏa mãn với bản thân. Người viết khi thấy văn mình hay, cũng như một người chỉ nhắc về quá khứ, ấy là lúc anh đã hết năng lượng sáng tạo rồi. Tôi chưa nghe ông tự khen văn mình bao giờ. Chắc chắn đời văn của ông sẽ còn dồi dào, còn dài.

Bản thảo của những tác giả đưa cho ông, nhờ ông đọc, tôi thấy ông xem rất cẩn thận kĩ càng, trân trọng từng câu từng chữ dùng của người viết. Đức tính này ở người biên tập không phải ai cũng có được. Ông là bà đỡ mát tay cho nhiều tác phẩm các tác giả trẻ. Giúp cho họ có đủ tự tin, tiếp tục cầm bút. Bồi đắp cho họ lòng yêu nghề - cái nghề đã trở thành nghiệp chướng cho không biết bao người. Ông là người đã mở toang cánh cửa của lâu đài văn chương cho không ít nhà văn.

Trong hội thảo về ông và nhà văn Ngô Ngọc Bội. Các bản tham luận đều đã nói đã viết rất hay về văn hai ông, về sự đóng góp của các ông về mảng đề tài nông dân – nông thôn – nông nghiệp, tôi chỉ dám nói chút ít về đời, về tính cách của ông, những gì tôi đã trực tiếp được nghe được thấy. Không biết những người khác có cảm nhận về nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn như thế không?

Phương Xá tháng 11 năm 2010

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...