Sen nở như không biết người âu sầu/ Hay sen cũng âu sầu mà người không biết/ Cùng sắc trắng trong, cùng đượm hương từ ngàn đời/ Chỉ khác em lên tiếng mà ta lặng im. (Liên bút từ sen - Nguyễn Lương Ngọc)
Gửi thư    Bản in

Chùm truyện ngắn của ba gương mặt trẻ: Lê Mạnh Thường, Thụy Anh, Lục Mạnh Cường

08-05-2012 02:17:12 PM

VanVN.Net – Cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2011 – 2013 đang ở giai đoạn sôi nổi nhất. Bên cạnh những tác giả đã có ít nhiều thành tích văn học là những gương mặt lần đầu tiên thử sức ở thể loại truyện ngắn. Chính vì vậy, diện mạo cuộc thi ngày càng thêm phần phong phú, đa dạng; điều này vừa là thử thách nhưng cũng kích thích sự hứng khởi của các cây viết trên chặng đường “về đích”. VanVN.Net xin trân trọng giới thiệu 3 trong số những tác giả trẻ gần đây đang gây được sự chú ý và chờ đợi của bạn đọc: Lê Mạnh Thường, Thụy Anh và Lục Mạnh Cường.

Mộ gió

 

Lê Mạnh Thường

 

 Chiều muộn. Mặt trời như đĩa than sắp tàn đang dần chìm xuống làn nước thầm thẫm ngoài kia. Hoàng hôn nhuênh nhuếnh phủ bầm cả một góc biển. Những chiếc ghe lớn đang ậm ịch hướng ra khơi để thức đêm cùng sóng. Mấy mảnh ghe câu nhỏ xíu thì loi choi chạy vào bờ như đám trẻ con đang nháo nhác tìm mẹ. Màn đêm từ từ kéo chiếc áo choàng lên trùm kín lấy cái xóm đảo heo hút nằm bên hốc núi này.

Bãi Thương- tên của xóm đảo, được quây ba bề bởi bãi cát trắng lốp. Sau lưng là núi đá. Những tảng đá xám xịt, trơ lì bao đời nay như thách thức với nắng gió nơi đây. Nước ngọt được trông chờ vào lòng thương của ông Trời cho nên nhà nào cũng xây sẵn bể hứng nước mưa to tổ chảng nằm chình ình giữa mảnh sân nhỏ nhà mình. Một vài dây muống biển loe ngoe bò trên mấy cái cọc sắt làm hàng rào luôn phải oặt mình vì gió. Xóm không lúc nào là không ngớt gió. Gió cứ nhằng nhẵng như mụ đàn bà lắm lời, than vãn suốt cả ngày mà vẫn không thèm ngơi nghỉ. Ban đêm, gió từ ngoài xa ập vào hốc núi phát ra âm thanh u u đến rợn người.

Lão Tám nhiều lúc phát bực mình vì cái món đặc sản gió hào phóng quá mức ở đây.

Gian nhà nhỏ gió lùa thông thênh. Ắng lặng. Thi thoảng có tiếng mấy mảnh tôn trên mái bị gió nhổ lên đập xuống nghe loạch xoạch như đứa trẻ con đang nghịch trò gõ ống bơ. Chiếc nón lưỡi trai cáu bẩn ngoắc trên chiếc đinh đóng vào gốc phong ba khô đặt giữa nhà cũng bị gió lay làm đung đưa như chiếc quả lắc đồng hồ trông ngồ ngộ.

Ngồi bên xị rượu sắp cạn và mấy mảnh khô mực cứng quèo, lão Tám nhướn mắt nhìn ra xa. Cữ này, ngoài đó anh em bạn bắt đầu thả thúng. Họ lại phiêu dạt mỗi người một phương để bắt đầu đêm làm việc mới. Lạ thật, lần nào cũng vậy, hễ ngồi trong thúng câu là ai nấy đều phải đối mặt với những âu lo và căng thẳng rập rình. Thủy thần, hà bá có thể bắt đi bất cứ lúc nào giữa màn đêm hoang lạnh. Chỉ đến khi trời sáng, được đoàn tụ với tàu mẹ thì cái tâm trạng đó mới tạm qua đi. Cầu cho sóng lặng, biển yên để anh em còn có dịp trở về với vợ con, chòm xóm. Cái nghề bạc chi mà bạc rứa nờ! Lão Tám đưa ly rượu lên môi tợp một phát đánh ực rồi thở dài.

Lão thừ người nhớ lại, có phải xa ngái chi đâu, mới hơn dăm tháng trước đây thôi, Năm Đại, một bạn câu trên tàu của lão cũng bị sóng nuốt mất xác. Không ai ngờ, biển lại cướp mất cái thằng luôn khiến dân bãi Thương phải kiêng nể vì đã có thừa kinh nghiệm với gần hai mươi năm lăn lộn cùng nghề câu mực. Đến giờ, lão vẫn không thể nào lý giải được nỗi oan nghiệt ập đến với con tàu của mình một cách hết sức khó hiểu như vậy. Nhanh thiệt, nhanh như trở bàn tay! Lão lẩm bẩm. Chuyến đó, tàu lão đi câu ngoài khu vực đảo Kiều Ngựa, chóp ngoài quần đảo Trường Sa.

Biển Trường Sa bữa đó rất yên bình. Lặng sóng. Thúng đã thả được hơn tiếng đồng hồ. Lão ngồi ngậm thuốc rê trên ca bin. Vừa ngước mắt nhìn trời, nhìn biển vừa nghe anh em bạn câu ở các thúng í ới gọi Icom qua lại trao đổi tình hình với nhau rôm rả. Năm Đại hồ hởi khoe câu được rất nhiều mực. Nó vui lắm. Lão cũng mừng và lẩm nhẩm tính, cứ đà như bữa nay thì chuyến đi này sẽ vô mánh. Anh em bạn câu sẽ có tấm có miếng đưa về cho vợ con. Vậy mà, vừa quá nửa đêm thì gió tới, rồi mất liên lạc với Năm Đại luôn. Chết mẹ rồi! Lão Tám chột dạ. Lão liên tục gọi Icom cho Năm Đại nhưng không có tín hiệu trả lời. Anh em bạn câu nháo nhác. Lão gọi cho mấy thúng câu gần vị trí của Năm Đại chèo đến xem tình hình ra sao. Ai cũng nghĩ là không có chuyện gì xảy ra, chỉ bị trục trặc bộ đàm chút xíu thôi, cái này thường gặp mà.

Khoảng ba giờ sáng, một cơn dông bất ngờ ập đến. Sóng xô thúng trôi tứ phía. Mưa ràn rạt như roi quất vào mặt. Lão Tám nổ máy tàu mẹ sấp ngửa lao đi tìm từng thúng câu. Vần vũ một hồi lâu, lão đã thu được hai mươi chín thúng. Còn chiếc thúng cuối cùng của Năm Đại biến mất hoàn toàn. Ròng rã ba ngày trời, lão cho tàu quần thảo khắp khu vực để tìm kiếm nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng Năm Đại đâu. Biết là vô vọng nên lão đã gọi đàm vào bờ báo hung tin cho gia đình biết để lập bàn thờ gọi hồn. Lão chết lặng. Chờ cho anh em rắc gạo xuống biển tạ từ, lão ra lệnh cho tàu về bờ làm lễ tang cho Năm Đại.

Từ khi biết tin bị nạn, dân bãi Thương có hai mốt ngày để ngóng chờ. Đó là những ngày sầu thảm nhất đời của những thân nhân người gặp nạn trên biển. Tội nghiệp thằng Năm Đại. Nó chết đi bỏ lại con vợ quanh năm ốm yếu và hai đứa con còn tuổi ăn tuổi học. Mấy mẹ con chúng nó biết làm chi để sống đây? Lão Tám quặn lòng.

Sau hai mốt ngày ngóng chờ trong tuyệt vọng, bà con trong xóm mỗi người một tay xúm vào lo việc cho Năm Đại. Lão Tám sai đám thanh niên lên núi moi đất sét về nhào trộn kỹ. Đích thân lão đi mời ông Tư Suyền thầy cúng về nặn hình nhân. Tư Suyền căn cứ vào hình dáng của Năm Đại rồi vắt đất nặn ra một bức tượng như người thật. Xương cốt được làm từ cành dâu, ruột bằng lòng đỏ trứng gà, lòng trắng trứng rải khắp tượng thay cho huyết tương của Năm Đại. Ở làng biển này, việc làm hình nhân đã trở thành niềm an ủi rất lớn đối với cha mẹ, vợ con, gia đình có ngư dân chết mất xác trong những chuyến ra khơi. Nghi lễ linh thiêng này đã có tự ngày xưa.

Bên bàn thờ được lập trên bãi biển, Tư Suyền và gia đình Năm Đại quỳ gối rì rầm khấn nguyện. Tư Suyền ngồi đọc hết mấy cuốn sách cúng trong khói nhang nghi ngút. Vẫn cái giọng khê nồng đặc trưng, di chứng của việc uống rượu cúng triền miên tháng này qua năm khác, Tư Suyền gọi hồn đầy ma mị: “...Cõi u minh khó lòng tưởng tượng/ Chất trong chất đục phong hóa từ đầu/ Ngoảnh sang Đông, ngóng về Tây/ Hướng đi mơ màng dễ lạc bến/ Ôi sắc nước hương trời xa đôi nẻo, lòng dễ mến yêu/ Thủy phủ khiến sức nước ngưng/ Buổi sáng trong veo như trang điểm/ Cho hồn các vị tựa hàng tiên/ Tiếng sóng động đông đài/ Tưởng niệm dấu thần phương nao mờ mịt/ Ngóng hồn thiêng xa vời vợi mong được hàm ơn…”.

Sau khi Tư Suyền gieo hai đồng tiền xin keo, con Thắm gào vọng ra biển: “Chư thần chiếu thả chồng con về không? Năm Đại ơi, anh ở mô? Về với mẹ con em đi, anh ơi!”. Vẫn chỉ có tiếng sóng xé lòng vọng lại. Nhoài người lên bàn thờ, người đàn bà tóc tai rũ rượi, hai hốc mắt thâm quầng ôm lấy linh vị chồng lảo đảo quay về nhà đặt lên chiếc quan tài đã liệm tượng. Đám tang với hình nhân đất sét của Năm Đại được cả làng đến tiễn đưa trong nước mắt. Đau đớn rứa là cùng!

Lão Tám phải cắn chặt răng để khỏi bật lên tiếng nấc xót thương. Lão không muốn mọi người nhìn lão với hình ảnh yếu mềm, ủy mị. Nếu sợ biển thì ai sẽ là người dám ra biển đây? Không ra biển thì biết lấy cái chi mà ăn, mà sống? Lão cần phải cứng rắn, phải đối đầu với sóng dữ. Lão nuốt giọt rượu đắng ngắt vào ngực. Lão không thể bỏ biển được. Mặc cho nghề câu mực biển xa bạc như rứa, cực như rứa nhưng hễ xa biển một ngày là lão lại nhớ quay quắt. Một ngày không ra khơi là lão cứ bồn chồn, bần thần như mắc bệnh. Lão như bị say đất, chẳng làm được chi ra hồn. Biển đã ở trong máu của lão.

 Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp này là lão phải nghỉ vài ngày để đi thăm thằng Tiến. Lão tính, ngày mai xong việc rồi lão sẽ đi nhờ tàu thằng Tư Thạnh để ra con tàu của mình đang câu ngoài đó. Anh em bạn câu đang rất cần lão bởi lão là linh hồn trong mỗi chuyến ra khơi. Họ cần bản lĩnh, kinh nghiệm đã được đánh đổi bằng cả một đời sống chết cùng biển của lão.

 

*

 

Đêm khuya. Gió vẫn lẽo nhẽo kêu than. Nằm trên chiếc giường xiêu vẹo gần bằng tuổi mình, mỗi lần lão Tám trở mình thì chiếc vạc giường lại rên lên tiếng khọt khà khọt khẹt nghe ghét đui. Quái lạ, hôm nay xương cốt lão đau nhức lạ thường. Giấc ngủ đến với lão cứ chập chà chập chờn trong mùi tanh nồng của gió biển. Bỗng lão cảm thấy người mình rung rung, rồi nhẹ bẫng. Toàn thân lão như bị một cơn gió lạ nhấc bổng lên rồi đưa ra khỏi ngôi nhà bé tin hin của mình. Lão cứ bung biêng, chới với giữa không trung. Lão muốn kêu lên mà không tài nào mở miệng ra được. Thôi kệ, đến đâu thì đến, chết bỏ. Lão dần buông xuôi cái ý định chống cự của mình.

Cơn gió đưa lão ra với khu nghĩa địa của bãi Thương. Trong ánh sáng nhập nhòe ma quái, những ngôi mộ gió nằm bên nhau câm lặng. Phía sau là những ngôi mộ thật, cũ có, mới có đan xen nhau. Tất cả quây quần lại thành một xóm âm phủ bên mép biển. Bầy lân tinh cứ trêu ngươi trước mặt lão. Hễ lão lại gần thì chúng lại vụt bay ra xa hơn.

Lão bước chậm rãi qua từng ngôi mộ gió đã bị bay gần hết cát. Chúng giờ chỉ còn là những núm cát lùm lùm nằm chơ vơ trong bóng đêm hoang lạnh. Trên từng phần mộ còn trơ lại những chân nhang bạc phếch như đời ngư phủ. Từng đám dây muống biển bò lên thân mộ. Những chiếc lá xanh thơ dại khẽ rung rinh như hòa nhịp vào khúc oán ca của gió. Lão vừa đi vừa cúi khom người để sờ tay lên từng ngôi mộ. Miệng lão lẩm bẩm:

- “Đây là thằng Tèo Anh này. Mày bị gió thổi úp thúng!”.

- “Đây là thằng Bảy “cù léc” này. Mày ngủ gục bị rớt xuống biển. Thương mày quá Bảy ạ. Mới mười sáu tuổi đầu mà đã phải bỏ ba má, bỏ các em mày mà đi!”.

- “Đây là thằng Mẫn này. Mày bị tàu lạ đâm nát thúng, mất tiêu. Tàu lạ là tàu mô hả Mẫn? Mày nói với tao rằng con đi chuyến này về xong là cưới vợ. Ông Tám nhớ hôm đó ở nhà dự đám cưới con nghe! Tao nhớ lắm Mẫn ạ, chỉ tiếc là mày đã không thực hiện được cái dự định đời người kia của mày, Mẫn ơi!”.

- “Đây là lão Hinh này, Nguyễn Hinh, bằng tuổi mình. Tưởng một đời lênh đênh biển giả rồi về chết trên trảng cát nhà mình, ai ngờ, số ông cũng như mấy thằng con, thằng cháu kia cả mà thôi ông Hinh ơi!”.

Lão ngậm ngùi đi tiếp.

- “Năm Đại! Mày có lạnh không? Nhanh thiệt! Mới hôm nào tao, mày và anh em bạn còn nhậu với nhau. Giờ lại ra nông nỗi này hả mày, Năm Đại?”.

Lão ngồi xuống cạnh Năm Đại. Nước mắt ứa ra khuôn mặt chai sần của lão. Lão khóc. Tiếng khóc ban đầu chỉ thút thít, rồi lão khóc tu tu như đứa trẻ. Năm Đại là người để lại cho lão nhiều tình cảm nhất vì lão là người dang tay đón nó về con tàu của mình làm bạn câu, đến nay đã mười lăm năm rồi. Năm Đại mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mấy anh em nó đi làm thuê khắp xóm để kiếm cái bỏ bụng. Lão đã đứng ra lo liệu cho nó và con Thắm thành vợ thành chồng. Hai đứa chúng nó coi lão như người cha của mình. Khi chúng nó có con, hễ tàu về bến là hai đứa trẻ chạy xuống vừa gọi ba vừa cúi đầu, vòng tay chào ông nội. Lão Tám cười khà khà, khen con Thắm giỏi. Chồng đi biền biệt quanh năm, ở nhà biết rèn dạy con cái lễ phép. Được!

Chừng ấy năm cùng nhau bươn bả trên biển, lão Tám và Năm Đại có quá nhiều phen cận kề cái chết. Cứ qua mỗi lần hiểm nguy lại trui rèn thêm cho lão và Năm Đại bản lĩnh của mình. Lão Tám đưa cánh tay sần sùi lên lau nước mắt. Lão không thể nhớ hết được những đận lão và Năm Đại đã phải trải qua trong cái nghiệp mưu sinh của mình.

Cái lần đó, lão và Năm Đại ngồi thúng câu gần nhau, nửa đêm bỗng có con cá to như gốc cổ thụ nổi lên quật đuôi vào thúng, vậy là cả hai bổ nhào xuống nước. Hai người rướn hết sức, vừa sải tay bơi thật nhanh vừa đảo mắt tìm thúng. May mà cuối cùng cũng vồ được chiếc thúng nửa nổi nửa chìm đang dập dềnh trên sóng. Bò được lên thúng lại phải ra tay tát nước cật lực để thúng nổi. Mệt đứt hơi nhưng lão và Năm Đại đều thở phào vì mạng sống vậy là còn giữ được.

Có lần đang câu thì đột nhiên xuất hiện một bầy bốn năm con cá mập lù lù vây xung quanh thúng. Chúng cứ lượn lờ như bóng ma. Lão Tám và Năm Đại người cứng ngắc như tượng đất sét. Nếu chỉ cần một cử động nhỏ là sẽ tiêu đời ngay tức khắc. Lão Tám vừa liếc nhìn bầy cá mập đang uy hiếp thúng câu vừa lẩm nhẩm khấn thầm: “Tội mà, tôi làm ăn, các ông đi đi cho tôi nhờ”. Quả thật, lời khấn của lão Tám thật linh nghiệm. Một lúc sau, bầy cá từ từ bỏ đi. Thiệt là hú vía.

Lão lại nhớ, hai năm trước, khi chuyến biển về cập bến an toàn, Năm Đại mới rủ rỉ kể cho lão nghe chuyện hôm nó đang câu mực cách thúng bạn khá xa.

- “Hôm đó, biển tối đen như hũ nút. Trên thúng của con chỉ le lói chiếc đèn dầu và âm thanh khọt khẹt của chiếc máy Icom. Vừa rít xong hơi thuốc và đang cắm cúi câu bỗng nhiên con nghe đâu đó có âm thanh phát ra. Cái tiếng gì đó ban đầu rất nhẹ nhàng, mơ hồ rồi bỗng trỗi dậy như một cơn cuồng phong. Trong màn đêm đen kịt, sóng dựng lên một bức tường nước mờ mờ ảo ảo. Chiếc thúng của con bị một con sóng đưa lên thiệt cao rồi lại dìm xuống biển nhiều lần. Con cứ tưởng mình xuống tận âm ti địa ngục rồi. Hồn vía không còn nữa. Trong cơn hoảng loạn, con vừa ngụp lặn vừa buột miệng cầu khấn trời đất, ông bà xin tha mạng. Con cũng không hiểu nổi, vừa dứt lời thì bỗng nhiên con sóng quái lạ kia cũng chịu rút luôn. Hú hồn!”.

- “Mày có xạo không Năm?”.

- “Trời đất, từ hồi nào đến giờ con có biết nói xạo là gì đâu. Con mà nói xạo thì không dám ở tàu chú Tám nữa!”.

- “Ừa, hỏi vậy thôi chứ tao tin mày. Nhưng mà sao giờ mày mới nói?”.

- “Dạ... con không dám kể ngay lúc đó vì sợ anh em bạn câu mất tinh thần”- Năm Đại giải thích.

- “Cái thằng... được!”- Lão Tám vỗ đánh “bốp” vào vai Năm Đại cười khoái chí...

“Chú Tám ơi..!”. Có tiếng gọi văng vẳng bên tai lão. Lão giật mình nhìn quanh. Đúng là tiếng của nó rồi, thằng Năm Đại. Xung quanh cát vẫn trắng rợn người. Dưới ánh lân tinh nhập nhòe, dãy mộ gió vẫn nằm câm lặng.

- “Tao đây, Tám “cô đơn” đây. Năm Đại, mày đâu rồi?”.

- “Con đây, con đang nằm cạnh chú Tám đây nè. Chú không nhìn thấy con đâu. Con lạnh lắm chú Tám ơi!”.

Lão chống tay lên ngôi mộ. Mắt cay xè.

- “Chú Tám!”.

- “Tao đây, Năm Đại!”.

- “Chú có nhớ cái chuyến tàu mình đi câu biển Hoàng Sa không?”.

- “Trời, mày hỏi chi lạ rứa Năm Đại? Cả đời tao đi biết bao nhiêu chuyến ngoài đó mà kể. Nhớ răng hết được!”.

- “Chuyến gặp bão đó, chú Tám!”.

- “À, tao nhớ, nhớ chứ, mày!”.

- “Con phục chú Tám lắm, thiệt đó!”.

Câu chuyện của lão Tám và Năm Đại có phần rôm rả hơn chút đỉnh. Rặt chuyện ngoài biển. Nghe Năm Đại nhắc tới chuyến gặp bão ở Hoàng Sa, lão Tám nhớ ngay liền. Chuyến đó, tàu lão phải chạy vào gần đảo Bạch Quy để tránh gió. Cơn bão lao đến như con quái thú. Sóng to, gió lớn liên tiếp ập tới như muốn bổ đôi, nhấn chìm chiếc tàu mỏng lét xuống đáy biển. Lão Tám cùng anh em phải nổ máy chạy hết tốc lực ngược với hướng gió để tránh cho tàu khỏi bị lật. Cái chết đến thật cận kề. Mọi người đã cùng nhau dè sẻn từng nhúm gạo sống, ăn cháo cầm hơi suốt ba ngày liên tục để chống chọi với tử thần. Thật hên, cuối cùng thì bão cũng tan. Phút giây hãi hùng đã qua, ai nấy đều rũ rượi. Chiếc tàu xác xơ, trụi thùi lụi trông thật thảm hại.

Trưa hôm sau, khi chuẩn bị quay về bờ, lão ra lệnh thả thúng để vào đảo. Anh em bạn câu nhiều người ngăn cản lão vì sức lực đã tàn. Vả lại, cái quan trọng hơn là vào khu vực đó rất nguy hiểm. Sự ám ảnh của lần bị tàu tuần tra bắt được, bị chúng nó thu hết đồ nghề và đòi tiền chuộc mấy năm về trước vẫn chưa thể phai nhòa trong tâm trí họ. Không chết thì cũng no đòn. Vừa mang tật vào thân vừa mất hết của cải!

Lão lừ mắt:

- “Thôi, tụi bay khỏi bàn lùi. Năm Đại, theo tao!”.

Nói là làm, lão cầm theo bó nhang, xị rượu và cái bao tải rồi cùng Năm Đại nhảy xuống thúng chèo vào đảo.

Đứng trên bãi cát vàng rực uốn lượn hình chữ S, đôi mắt lão Tám sáng lên. Trong khóe mắt nhăn  nheo ấy có giọt nước rưng rưng đang dần rịn ra trên khuôn mặt cháy đen vì nắng gió. Lão lập cập đặt xị rượu và cắm bó nhang nghi ngút khói xuống trảng cát mênh mang. Cả hai quỳ xuống sì sụp khấn vái thổ địa, hương linh ông bà, các thế hệ cha anh ngày xưa đã nằm lại quần đảo này để trấn giữ một vùng cương thổ địa đầu Tổ quốc.

Tiếng lão ngân lên uất nghẹn trong gió: “...Tế nhơn độ vật, gởi ích quần lê, anh minh mạc trạng, công đức vô cùng, hữu cầu tất ứng...”(*). Rồi lão đứng dậy nhìn ra xa. Lão khoát tay chỉ cho Năm Đại biết: “Hướng này là đảo Ông Già này. Xa kia là đảo Trụ Cẩu nghe mày. Tít mờ kia là Phú Lâm..!”. Lão gọi to những cái tên thân thương ấy bằng cả nỗi xót xa, ai oán khôn cùng.

Lúc sắp tàn nhang, lão chắp tay lầm rầm xin phép rồi ra hiệu cho Năm Đại xúc đầy một bao tải cát vàng hoe. “Đây là đất đai hương hỏa của ông bà mình, mình phải đem về thờ cúng!”. Lão giải thích với Năm Đại.

Trước khi ra về, lão không quên nhặt thêm mấy vỏ ốc, một ít trứng rùa vương vãi và vài mảnh san hô dưới mép biển làm kỷ niệm.

Năm Đại vừa vác bao cát ra thúng vừa cười nhăn nhở: “Con phục chú Tám lắm, thiệt đó!”. Lão Tám nheo mắt nhìn Năm Đại rồi tủm tỉm buông câu chửi: “Thằng cha mầy, không phải nịnh tao!”. Cả hai bỗng cười vang. Tiếng cười sảng khoái vút cao giữa mây nước Hoàng Sa mênh mang vô tận...

Số cát vàng đó, lão chia cho anh em bạn mỗi người một ít đem về đổ vào bát nhang đặt ngoài bàn thiên để thường xuyên nhang khói.

Nghĩ lại, lão thấy lòng thanh thản lạ lùng...

 

*

 

Lão Tám chống tay lên mộ Năm Đại rồi uể oải đứng dậy vẫy tay chào nó. Lão lảo đảo đi theo đám ma trơi dẫn đường. Gió lạnh găm vào từng múi thịt nhão ẩn sau manh áo mặn chát vị muối. Lão vẫn len lỏi bước đi trong tiếng sóng đơn côi.

Đây rồi, lão khựng lại rồi mừng rỡ reo lên như đứa trẻ vừa tìm được mẹ:

- “Út Dịu ơi, tôi đây mà!”.

Lão quỳ xuống úp mặt lên cát. Hai cánh tay lão dang rộng sải theo chiều dài ngôi mộ. Chắc giờ này Út Dịu đang ngủ say dưới lớp cát sâu toèn hoen này.

Lão nhắm mắt lại. Đôi vai rung lên. Tiếng nấc nghẹn bật ra từ đôi môi khô khốc: “Tôi khổ lắm Út Dịu ơi! Bà có biết không, Út Dịu?”.

Câm lặng. Giọt nước mắt của lão thấm vào mặt mộ làm mấy hạt cát bé xíu quện lại với nhau. Mới đó mà đã bốn mươi hai năm rồi. Nhanh thiệt...

Ngày ấy, cứ mỗi chuyến biển trở về, Út Dịu lại bế con chạy xuống bến đón lão. Út Dịu nhìn lão bằng gương mặt rạng ngời nhưng ngân ngấn nước. Lão vừa xoa xoa đầu thằng cu Tiến vừa cười xuề xòa: “Người ta mới đi có hơn tháng chứ mấy mà đã lo!”. Út Dịu tức tối đấm vào ngực lão thùm thụp bắt đền. Lão thương Út Dịu vô cùng.

Lão Tám và Út Dịu đều lớn lên ở bãi Thương. Cái xứ khốn khó cơ cực này đã đưa hai con người bất hạnh đến với nhau. Cha và anh trai lão đã bỏ mạng ngoài khơi trong một chuyến đi lưới chuồn. Con tàu đã không chạy về bờ kịp khi cơn bão bất ngờ ập đến. Lúc đó lão mới mười lăm tuổi. Còn cha Út Dịu cũng bị sóng nhấn chìm cùng con tàu  câu cá ngừ. Mấy năm sau, em trai Út Dịu lại bị tai nạn khi lặn biển. Hai chân bị liệt nằm một chỗ, tiền bạc cứ thế đội nón ra đi mà vẫn không biến chuyển được gì. Sống mà như chết.

 Những tháng ngày sống bên nhau, lão Tám cảm thấy hạnh phúc nhất đời. Lão thầm cảm ơn cuộc đời, cảm ơn cái xóm đảo heo hút này đã ban tặng Út Dịu cho lão. Út Dịu quả là một người vợ chịu thương chịu khó và yêu lão hết mực.

Nhớ hồi còn mang thai thằng Tiến, bụng mang dạ chửa như vậy mà cứ đến hai giờ sáng là Út Dịu đã dậy xắn quần quá gối lội cát xuống bến lấy cá tôm gánh ra chợ bán. Có nhiều hôm tất tả gánh cá đi còn bị miểng hàu, miểng điệp bén như lưỡi dao cắt đứt chân tứa máu làm lão nhói hết ruột gan. Ngày này qua tháng khác, Út Dịu không lúc nào ngơi nghỉ để chăm chút cho cái gia đình nhỏ bé của mình. Lão Tám rất an tâm. Út Dịu và thằng Tiến là chỗ dựa, là điểm tựa vững chắc nhất cho lão trong những chuỗi ngày rong ruổi giữa đại dương mênh mông.

Cái năm đó, sau chuyến biển dài ngày trở về, lão choáng váng rồi ngã khuỵu khi biết Út Dịu đã bỏ cha con lão mà đi sau một cơn cảm lạnh đột ngột. Lão như điên như dại chạy ra mộ Út Dịu mà gào mà thét cho nhẹ bớt nỗi đau đời.

Lão đã mấy lần định bỏ nghề biển vì nỗi đau ập đến quá lớn, khó nguôi ngoai. Nhưng rồi mãi mà chẳng thực hiện được, lão lại phải ra biển. Lão không thể để thằng Tiến đói cơm được. Nó phải lớn lên, phải học hành và đi khỏi nơi đây, cái nơi đã đem đến cho lão biết bao đau thương, xa xót. Lão đã quyết định như vậy trong một đêm thức trắng ôm con.

Thằng Tiến cứ thế lớn lên bằng tình thương của lão và sự cưu mang của bà con bãi Thương. Sống trong cảnh mẹ mất, cha ở miết ngoài biển nên thằng Tiến tự lập rất cao. Mỗi lần về bến, nghe Tiến khoe được cô giáo cho điểm cao là lão Tám mừng quýnh. Lão ôm con vào lòng âu yếm nó, vuốt ve nó để bù lại những ngày nó phải vắng cha. Lão tuyệt đối không bao giờ cho thằng Tiến bước chân xuống tàu. Lão không muốn đời nó phải trói với con tàu như lão, như những người đàn ông ở cái bãi Thương này. Cái quyết định của lão sắp thành hiện thực rồi. Thằng Tiến của lão sắp được đi khỏi bãi Thương rồi. Càng nghĩ lão càng phấn chấn lạ thường.

Vậy mà, thằng Tiến con lão đã hơn hai mươi năm nay chưa một lần trở về thăm lão, thăm bà con bãi Thương. Cái nơi đã nuôi nấng nó, chăm bẵm nó trong những tháng ngày nó mất mẹ, cha nó còn ở tít ngoài khơi.

Cái thằng, tệ thiệt!

 

*

 

Tang tảng sáng. Mặt trời từ dưới biển đang dần ngoi lên. Gió mát rượi. Lão Tám khoác chiếc túi vải trên vai, đầu đội mũ lưỡi trai bước ra khỏi cổng. Lão rảo bước nhanh đi xuống bến cá. Hôm nay thằng cháu chạy ghe chở lão vào bờ.

Xuống gần đến bến, lão bắt gặp mấy đứa con gái đang gánh cá đi ngược lên. Thấy lão, chúng ngơ ngác nhìn một lúc rồi nhao nhao:

- “Ôi, ông Tám! Ông Tám! Hôm nay nhìn ông Tám ngộ ghê, thiệt đó!”.

- “Ơ cái tụi này! Ngộ cái chi?”- Lão gắt vui.

- “Thì nhìn ông Tám ngồ ngộ, thiệt mà!”.

- “Ông Tám ơi, hay là bữa nay ông vô bờ hỏi vợ hả ông Tám?”

- “Ông Tám bữa nay đẹp “chai” quá đi thôi!”.

- “Đẹp “chai”? Đẹp “chai” cái thằng cha mầy!”- Lão phì cười quát lại tụi trẻ.

Chúng nó vừa bước đi vừa cười hư nắc nẻ sau câu chửi yêu của lão.

Bước xuống ghe, lão giục thằng cháu chạy nhanh vào bờ để kịp bắt xe đò lên thành phố. Bây giờ, lão mới cúi xuống nhìn lại. Chắc là tụi nó ngạc nhiên vì hôm nay lão vận đồ lịch sự ấy mà. Nhưng mà chúng mày không hiểu được đâu, mấy đứa trẻ ạ. Lão lặng im. Chiếc áo trắng cộc tay này lão phải mất mấy hôm vừa cắt cắt, may may mới thành được đó. Lão đã dỡ tung bộ quân phục của thằng Tiến mà đồng đội nó gửi về hồi xưa để may lại thành chiếc áo cho mình. Lão muốn thằng Tiến lúc nào cũng luôn ở bên mình. Chiếc gốc phong ba khô để giữa nhà lão cũng đem từ ngoài đó về để coi như nó đang ở trong ngôi nhà của nó.

Lão ngồi bên con trai. Xung quanh, những ngôi mộ đều tăm tắp được ốp đá granito nơi nghĩa trang thành phố sáng bừng trong nắng sớm. Bảy ngôi mộ gió quây quần bên nhau dưới gốc bàng trước mặt tượng đài. Có một vài vòng hoa tươi dựng cạnh. Chắc là của các cơ quan, đoàn thể đến viếng. Lão đoán vậy.

Hôm nay là ngày giỗ của mấy đứa.

Lão Tám thắp nén nhang thơm lên ngôi mộ gió của con. Tay lão run run vuốt ve tấm bia ghi dòng chữ “Liệt sĩ Phan Tiến. Quê quán:... Sinh 1960. Hi sinh: 14- 3-1988 tại đảo Gạc Ma- Quần đảo Trường Sa”.

Bên cạnh lão, những mái đầu bạc trắng cũng đang lụi cụi thắp nhang khấn vái những ngôi mộ gió linh thiêng của những đứa con...

 

13/4/2012

-----------

(*): Trích “Văn tế lính Hoàng Sa”- Bản văn tế cổ mới phát hiện được tại gia đình ông Diệp Công Thang, thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

 

Chậu gỗ Ngọc Am

Thụy Anh

 

1. Một nhúm lá bạc hà. Một nắm muối hột. Một vài lát gừng nhạt màu. Nước sôi thật sôi. Hương bốc dậy lên khắp nhà. Không phải mùi hương thanh thanh của bạc hà, không cay cay của gừng, không nồng nồng của nước sôi. Là mùi hương của gỗ Ngọc Am. Trầm như những tán lá mục của rừng già, thơm đến tận cùng ký ức.

 

Đã qua tuổi 90, ngày nào bà cũng ngâm chân trong cái chậu gỗ ấy. Nóng sực lên. Lơ mơ ngồi trước màn hình tivi. Và bà ngủ. Cứ sục hai chân trong chậu, cái chăn chiên màu đỏ thẫm bắt ngang bụng, ngủ những giấc ngắn. Chốc chốc, con bé ôsin lại lặng lẽ nhấc đôi chân già nua dúm dó như da quả trám nâu phơi khô ra khỏi chậu, thận trọng đặt vào lòng chiếc khăn bông cũ, thay nước. Vẫn một nhúm bạc hà, nắm muối hột vài lát gừng và nước sôi. Hơi nước trắng bốc lên quấn quýt quanh gương mặt người già, bỗng làm nó giãn ra, dường như ửng hồng, dường như sáng rỡ. Bà hé mở đôi mắt già nhìn con bé con. Không, như không phải của người già, ánh mắt không chút ngái ngủ, minh mẫn và vui vui, khiến con bé ôsin cũng toét miệng cười.

 

Nó nghĩ, bà sẽ còn sống rất lâu. Và bí quyết sống lâu của bà là cái chậu gỗ ngâm chân đã đen bóng vì thời gian.

 

 

2. Người người cứ nườm nượp trên con đường về chợ tình Khau Vai. Ô tô hình như nhiều hơn cả xe máy, đứng chật như nêm từ ngoài xa có dễ đến vài cây số. Xe máy nhiều hơn người đi bộ, xếp lượt lượt quanh thung. Mà người đi bộ thì đã nhiều, xúng xính váy áo... Ngà đứng cạnh cửa xe, lẩm nhẩm đếm xem có bao nhiêu loại váy bao nhiêu loại phục trang. Mấy chục dân tộc anh em thì biết đếm làm sao! Chỉ thấy những gương mặt bắt đầu nhập nhoạng dần, cùng với tốc độ tối rất nhanh của thung lũng nhỏ.

 

Ngà đi cùng Hoàng và một đoàn những người bạn thân thiết của hai người. Sau gần 20 năm không gặp nhau, cô thấy anh không một chút già đi, chỉ đậm người hơn và có vẻ tự tin hơn. Anh cười rất to, sảng khoái. Cô hơi nhăn mặt vì giọng cười thực ra rất lôi cuốn ấy. Giọng anh cũng sang sảng dội những sóng âm day dứt vào ngực cô. Chẳng lẽ ngày xưa cô từng yêu giọng nói này, mà hình như yêu điên cuồng, yêu mê mệt? 

 

Ngà mỉm cười. Thật lẩn thẩn. Giờ người ta đã không là của mình. Mình cũng chẳng là gì của người ta. Thế mà cứ băn khoăn vớ vẩn không đâu! Nhưng sao tự dưng lại rủ nhau cả về một phiên chợ tình thế này? Lũ bạn cùng lớp đại học cứ khúc khích cười, trêu chọc hai người, rằng họ về đây để gặp nhau. Cả Ngà, cả Hoàng đều cười ha hả. Không chút ngượng ngùng. Lúc chụp ảnh dọc đường cứ ôm vai bá cổ nhau thân thiết. Lòng cũng vui vui. Cả hội đều vui vì khai thác được khối chuyện mà nói, lấp chỗ trống khi xe cứ cua đến gần chục lần trên những cung đường quanh co của vùng núi cao này.

 

Đơn giản lắm, chuyện của cô. Yêu nhau bên Nga từ lúc cô học năm thứ hai, Hoàng đã làm nghiên cứu sinh. Cô đủ ngây thơ, Hoàng đủ từng trải. Nhiều lần đợi nhau dưới cổng trường. Hình như những nụ hôn ban đầu rất mê say, cạnh một cánh cổng nhà thờ buổi trưa đã đóng, có hoa vàng, và gió. Thế rồi làm sao mà chia tay, làm sao mà cả hai người đều có người khác, làm sao mà không còn thấy quan tâm gì đến nhau nữa, tin tức bằn bặt... – tất cả trong cô như đám sương mờ ngùn ngụt bốc lên từ những đỉnh núi Hà Giang này, cô hoàn toàn không nhớ.

 

Mới thấy cuộc đời buồn cười nhỉ, cứ đơn giản như một cái phẩy tay. Không còn nhớ ngày đó chia tay, cô có khóc không nữa. Và cũng không hiểu ai, cô hay Hoàng, có người khác trước tiên? Cô quên gần như hết cả rồi. Đàn bà sau khi sinh hai đứa con mà còn nhớ được những chi tiết của chuyện tình đầu tiên thì mới là lạ!

 

Thế rồi bây giờ, cả hội gặp nhau nhân dịp họp lưu học sinh của trường cũ, bỗng dưng muốn đi cùng nhau lên cái nơi heo hút toàn đá núi. Để làm gì không ai biết. Ngà cũng thế. Tự dưng đồng tình mà gửi hai đứa con cho bà ngoại, úy lạo chồng vài câu và xách ba-lô đi. Bước lên xe đã thấy thơ thới như đứa con gái đôi mươi ngày nào.

 

Trời tối hẳn. Cả đoàn ríu rít đi vào đằng sau phía cổng chào. Trên sân khấu, người ta đang chuẩn bị cho các tiết mục văn nghệ. Đằng sau sân khấu, khói bếp bay nhè nhẹ. Rất nhiều người đã chiếm được chỗ ngồi trong những quán bạt. Mấy người lục tục ngồi vào ghế, gọi dê đủ món. Vùng này dê ngon. Đồng bào nuôi dê rồi lại giết dê. Giết rồi nuôi. Ngà từ chối món dê. Cô nhớ lại cảnh buổi trưa đứng ở Mã Pì Lèng trông xuống triền núi toàn thông và ngập hơi sương. Tiếng lục lạc, rồi một đàn dê từ đâu hiện lên, như dâng lên từ dưới lũng. Cảm giác đó không thể để mấy món ăn này giết chết được. Cô gọi cơm, gà rang, nộm susu. Nhìn sang, thấy Hoàng đang vung tay vung chân chém gió. Trong một thoáng, Ngà thấy cái cách anh hạ giọng ở cuối câu cứ quen quen. Hình như ngày xưa anh hay nói thế với cô: “... em ạ...”. Mà cũng có thể cô nhầm. Không biết nữa.

 

Sạp ni-lông bên cạnh bùng bùng hơi lửa. Người ta quây xung quanh chảo thắng cố. Lòng phèo nhào lộn. Mắt người đỏ. Tay người đưa rượu. Rồi những cái bắt tay rõ chặt hài lòng. Mùi mỡ ngựa gây gây.

 

Ngà ăn ngắc ngứ. Hoàng tỏ ra rất ga-lăng (hình như ngày xưa anh vẫn từng ga-lăng thế?) nhanh mắt để ý thấy vẻ uể oải không hào hứng với mấy món ăn của Ngà, bèn rủ Ngà đi tìm mua xôi màu. Những gói xôi nhuộm màu bằng lá cây người ta bán dọc đường từ cổng vào cho đến chỗ dựng sân khấu. Có cả lạc luộc, mận và cháo.

 

Ngà nhẹ nhõm đi bên Hoàng, cứ như thể họ quen biết nhau mới đây thôi. Hơi đất xông lên ngai ngái man mát. Bỗng, trong vòng vài phút, Ngà thấy xung quanh như vắng ngắt. Ngà thấy cảnh này quen quen, chừng như đã diễn ra đâu đó trong quá khứ. Hai vai Ngà lạnh toát. Sương trắng Khau Vai đã hạ xuống từ lúc nào. Ngà thèm một cái chạm tay ấm áp, hơn cả một cái ôm. Đúng lúc cô định đưa tay ra chạm vào chiếc áo khoác da lộn của Hoàng thì xung quanh âm thanh bỗng dậy lên, ồn ào. Tiếng khèn vọng ra từ những đám người túm tụm. Kiễng chân ngó vào, thấy có mấy đôi đang múa khèn, hai chân đeo xà cạp xoay xoay đập vào nhau ngộ nghĩnh. Ngà và Hoàng cùng bật cười. Rất tự nhiên, Hoàng khẽ ôm eo nhấc Ngà lên nhìn cho rõ vào trong. Đôi trai gái người Mông say sưa múa, không cười, không nhìn nhau, chỉ nhìn xuống khèn và xuống chân, cũng không để ý đến đám đông đang hò reo tán thưởng. Nhưng thấy rõ được tình yêu, thế mới lạ! Như thể họ chỉ yêu bằng chân. Bằng điệu múa. Không cần gì hơn. Ngà thở dài ra hiệu cho Hoàng thả mình xuống.

 

Cả hai bỗng cứ thế im lặng, lại đi tìm xôi màu.

 

Bước vào một quán bán xôi, thấy bên trong có bếp lửa, Hoàng tự nhiên kéo Ngà sà xuống ngồi. Bên ngoài trời còn se se, ngồi bếp lửa ám khói vẫn thấy thú vị. Mùi khói khiến người trì xuống, cũ cũ. Ngà nghĩ có thể ngồi như thế đến hết đêm, quên hẳn mình đến đây để làm gì.

 

Phía trên bếp là những dây thịt đã ngả màu xám thõng xuống. Vách nhà dán đầy giấy báo đã ố vàng. Hoàng thì thầm với Ngà: “Nhà này thuộc vào hàng khá giả ở đây đấy”. Chú bé con nhà chủ quãng độ mười hai, mười ba tuổi, ăn mặc kiểu người Kinh, tủm tỉm cười nhìn hai người, không bắt chuyện nhưng gương mặt thân thiện, rạng rỡ. Gương mặt thì lại đặc trưng của người Mông. Mũi hinh hỉnh cao, má nhem nhuốc. Ngà cũng im lặng ngồi hơ tay bên bếp, ngắm cái nọ cái kia vẩn vơ mà như đang trò chuyện cùng cậu bé.

- Cô buồn à?

- Không.

- Sao cô không cười?

- Vì cô không vui.

- Không vui nghĩa là buồn còn gì?

- Không, không phải thế đâu. Không vui chưa chắc đã buồn. Không thích chưa chắc đã ghét. Chà, cháu không hiểu đâu.

 

Cậu bé lắc đầu, đi lấy thêm nắm củi lui hui gá vào bếp. Một tập giấy ăn của khách dùng rồi, bà mẹ vừa mang đến, chú ném ào xuống hốc bếp. Lửa bén lên bùng bùng. Ấm nước sôi sùng sục. Chú bé lấy ra một cái chậu gỗ nhỏ xếp ở góc nhà, lật ngửa nó lên, chế nước sôi vào đó. Nắm lá cây được ném vào. Góc nhà ngay lập tức thơm dậy lên. Bấy giờ, từ phía bóng tối bên chái nhà, nơi ánh sáng nhập nhoạng cũng không chiếu tới, một dáng người lòng khòng nhổm dậy. Một ông lão mặc đồ đen, quàng khăn len, chậm chạp bước đến bên cái chậu, quờ tay với cái ghế gỗ, ngồi xuống, thò hai tay vào chậu, mắt nhắm nghiền, miệng lẩm nhẩm...

- Ông làm gì thế? – Ngà hoảng hốt.

- Ông mơ đấy. – Chú bé cất tiếng, giọng lanh lảnh lơ lớ.

- Là sao?

- Xuỵt! - Chú bé ngăn những câu hỏi của Ngà lại, nghiêm trang xoay lưng che cho người ông đang gà gật trong góc nhà. Chừng 10 phút sau, ông già mặc đồ đen vẩy vẩy tay bước ra gần bếp lửa, ngồi xuống hơ đôi bàn tay gân guốc lên trên những ngọn lửa đỏ. Đôi tay ông chợt hồng rực lên, đến cả những sợi gân thô cũng như đỏ bầm. Ngà thốt hoảng hốt. Ông già chợt cười một mình mà Ngà như thấy đang trò chuyện với ông.

 

- Ông làm sao vậy? Tay ông làm sao vậy?

- Không sao. Ta đang mơ thôi.

- Mơ gì?

- Chuyện cũ.

- Sao ông mơ được? Và sao lại mơ bằng tay?

- Bằng gì mà chẳng được. Cái chậu cho mơ. Gỗ Ngọc Am đấy.

- Gỗ Ngọc Am?

- Gỗ quý và độc. Làm mơ được. Quý thì mơ. Độc thì mất mơ...

- Quý thì sao lại còn độc ạ?

- Độc... Độc mà...

- Cái gì độc hả ông?

 

Ông già hấp him mắt, không đáp.

Cứ bùng nhùng như tỉnh như mơ thế rồi Ngà cũng đứng dậy được, lòng phân vân không hiểu mình vừa nói chuyện với những người kia hay chỉ do trí tưởng tượng kỳ quặc của cô thôi. Bên ngoài gió núi thổi về, tiếng khèn vẫn khe khé trong không gian, lúc gần lúc xa. Bấy giờ có cả tiếng người hát, rất nhiều người hát, cứ xôn xao hết cả lên, chẳng nghe rõ lời. Tiếng ô-tô rùng rùng chuyển bánh, tiếng đá sỏi ràn rạt. Đèn pha loang loáng chiếu ngang qua cửa gỗ. Hình như một số xe đã bắt đầu rời chợ.

 

Cô nhìn sang Hoàng. Và rùng mình. Cô đã nhận ra anh! Anh chợt là Hoàng của hơn chục năm về trước. Mắt sáng, cái nhìn khôn ngoan. Quá khứ, phải rồi, quá khứ của cô và Hoàng đang dồn dập trở về, băng qua những dãy núi, những triền dốc trồng sa mộc gân guốc, những rừng chẩu nở hoa trắng xóa, những thung sâu đá lẫn ngô, những vạt tam giác mạch yêu kiều bé nhỏ làm bừng sắc nắng. Qua từng ấy thứ kỳ lạ, quá khứ cũng kỳ lạ làm sao! Nó cứ như không phải là quá khứ, mà là hiện tại. Đang diễn ra. Ngay lập tức. Rất gần.

 

3. Sân bay Sherementevo* những năm 90. Mới 12 giờ đêm, người đã chật ních đợi đến chuyến bay 8 giờ sáng. Những gương mặt người căng thẳng bơ phờ vì thức trắng. Đám người nằm ngồi buồn bã trên sàn, thi thoảng lại nhớn nhác đứng lên khi có bóng dáng công an. Công an sân bay không hiểu sao người nào cũng bé nhỏ so với vóc dáng trung bình của “Tây”. Có lẽ những gã to lớn lực lưỡng đã làm cảnh sát giao thông cả rồi. Vả lại ở đây, quát nạt những “chú cộng”** yếu bóng vía đâu cần đến cơ bắp. Một gã cầm dùi cui, đến gần hai người, nhỏ nhẹ:

- Anh chị cho xem giấy tờ.

Giấy tờ đương nhiên là đủ rồi. Gã công an trẻ măng thờ ơ lật trang hộ chiếu đầy những dấu viza, thờ ơ tuyên bố: “Đi theo tôi”

- Có chuyện gì vậy?

- Tên anh trùng với tên một tội phạm mà chúng tôi đang truy nã. Anh cứ theo tôi, ngay dưới tầng một này thôi. Còn lâu mới đến chuyến bay của anh. Yên tâm đi!

Trong một thoáng, mắt anh lóe lên dữ tợn. Nhưng rồi ánh mắt nhanh chóng mềm trở lại. Anh cười, trấn an cô:

- Không sao, trông đồ, anh đi mấy phút thôi.

Chưa đầy 5 phút sau, anh đã lên.

- Mất bao nhiêu, anh?

- 50 đô, rẻ chán!

 

Anh cẩu thả đút cuốn hộ chiếu vào túi áo. Túi áo nông, một đầu cuốn hộ chiếu thò ra, màu xanh lá đậm, có chữ VIP to tướng. Đấy là chữ in trên tấm nilông bọc hộ chiếu, anh được hội dịch vụ bán vé khuyến mại. Anh đọc thấy chữ đó thì khoái lắm, tỉ mẩn lồng vào, bảo: “Nhìn sang trọng chưa? Như cán bộ ấy nhỉ?” Cô nghĩ bụng, anh chỉ là VIP của cô thôi, vậy mà anh không biết.

Trước khi vào trong, anh lôi con búp bê nhỏ có mớ tóc vàng xoăn tít ra, kín đáo bẻ cổ nó, nhét vào đó cuộn tiền đô đã bọc trong giấy bạc, rồi lại ấn cái đầu vào lại. Cô quay mặt đi.

 

Anh về lo việc xây nhà cho bố mẹ, tranh thủ nghỉ ngơi sau một mùa đánh hàng thật lực. Lâu rồi anh có học được chữ nào đâu. Anh bỏ cả việc làm tiếp luận án tiến sĩ. Cô không được về phép vì đã bắt đầu vào học kỳ mới. Đứng nhìn cảnh nhốn nháo ở sân bay, cô thấy may là đã không về. Thấy tội cho anh quá. Vượt qua từng này người để vào đến bàn cân hàng cũng là một vấn đề! Nhưng không, anh giải quyết việc này rất chóng vánh. Một tờ xanh đưa cho mấy người làm “bộ đội sân bay”***, anh đã ung dung vượt qua đám người đang chen lấn xô đẩy nhau. Đến bàn cân, anh đứng trò chuyện hồi lâu với hai người “bộ đội” ấy. Cô thấy họ gật đầu, rồi cầm một cái dây ngoắc vào bàn cân, đặt vali, thùng giấy lên dây chuyền, và kéo.

- Chà, thằng cha kia gớm thật. Cái dây ấy làm cân nhẹ đi đấy.

- Thế à? Vô lý, làm sao thế được! Bọn Tây nó không phát hiện ra à?

- Thật mà, nhìn kỹ kìa! Mánh khóe của đám bộ đội sân bay, không thế ăn tiền làm sao! Chà, tài thật!

Mấy người quanh cô bàn tán, chép miệng lắc đầu, không ra tán thưởng, chẳng ra chê trách.

 

Trong kia, anh bỗng khệ nệ bê ngược cái thùng giấy trở ra.

- Ối cái con Tây kia nó đòi khám hàng của ông này. Sốt ruột, mất thời gian!

Cô thấy anh hì hục tháo dây buộc hàng, người nữ nhân viên sân bay đứng cạu cọ bên cạnh. Bỗng xảy ra một cảnh kỳ lạ. Anh xoài người ôm ngang cái thùng. Từ trong thùng, những thứ gì đó vọt ra ngoài, nhảy lung tung xung quanh. Cô Tây thốt kêu lên, nhảy lùi lại, hoảng hốt. Đám đông lại xôn xao:

- Quái, gì thế nhỉ? Lão này đóng hàng gì mang về vậy?

- Ối giời, há há há…. - Người ta cười rộ lên, người nọ lây cho người kia, cho đến lúc cả góc sân bay rộ lên tiếng cười đồng thanh, đồng nhịp, không chút sợ hãi. Những gã công an thấp bé quay hết cả lại nhìn đám đông, mắt trố ra vì lạ.

- Chết cười, chết mất! Hóa ra tay ấy đóng chút chít về đem bán. Búp bê cao su, kêu chút chít ấy mà! Đóng tham hàng, nén nhiều quá, đến khi mở ra thì cả lũ búp bê nó nhảy hết ra ngoài chứ sao… Ha ha ha ha!

Cô cũng cười theo họ. Cười thắt cả bụng, không thở được.

Nhưng mà mấy ngày sau, cô cứ hay mơ thấy những con chút chit nhảy bổ ra từ mấy cái thùng, từ tất cả những chiếc vali xếp thành hàng dài dặc ở sân bay.

 

4. Bây giờ, Ngà cũng đang nhìn thấy những con chút chít màu vàng tung tóe bay lên. Tim cô đau nhói một nỗi đau u ám. Cô đã nhớ ra những giọt nước mắt khóc cho đến cạn hàng đêm. Cô đã nhớ ra cô phải nhập viện, và hình như rất lâu mới hồi tỉnh, từ khi cô nhận được thư Hoàng thông báo sẽ ở lại, sẽ lấy vợ, chúc cô hạnh phúc… Cuối thư, anh viết: “Anh chẳng bao giờ quên được em đâu.” Cô đã cười rống lên, lòng ngập tràn cảm giác cay độc. 

 

Cô thốt hiểu, sự căm thù là nọc độc, đã xóa của cô đi một đoạn đời quá khứ. Xóa trắng.

 

Mùi nước sôi từ chiếc chậu gỗ dậy lên thơm ngái. Thằng bé liên tục đổ nước rồi lại chế nước vào đó. Ngà như vừa tỉnh giấc sau cơn mộng dài. Lại không vui không buồn. Lại không yêu không ghét. Cô nhìn sang Hoàng, nghiêm khắc và độ lượng. Bấy giờ cô mới thốt nhận ra, Hoàng đã già rồi. Tóc anh không bạc mà đen nhánh một cách đáng ngờ và lưa thưa phía đỉnh đầu. Trán anh hằn hai nếp nhăn dọc rất buồn cười, cứ như thể mỗi khi nghĩ, anh đã nhăn trán rất mạnh theo chiều dọc! Đôi môi kia cô từng hôn, đã bắt đầu trễ xuống mền mệt. Ánh mắt khôn ngoan lấp lánh sau cặp kính giờ có vẻ điềm tĩnh nhưng đã tắt mọi thứ ánh sáng.

 

Thốt nhiên, Ngà hiểu ra mọi sự. Những lời ông già nói về cái chậu gỗ. Gỗ quý và cũng rất độc. Đây là chỉ là một phần của bộ rễ Ngọc Am thôi. Nó nằm lâu dưới đáy bùn nên quá khứ đã bám chắc vào nó. Ai hợp thì quý, thì sẽ mơ. Chạm da thịt vào đây là quá khứ hiện về... Ai không hợp thì quá khứ bị hủy hoại, không thể thấy lại được. Người mà mất quá khứ thì khác gì không có tương lai...

 

Cô bỗng thấy thèm được sục tay sục chân vào chậu nước nghi ngút hơi trắng kia. Cô muốn tiếp tục đi ngược lại, cô nôn nóng muốn biết trước đó, Hoàng và cô đã yêu nhau thế nào. Cô hồi hộp đến mức lên một cơn choáng nhẹ. Hoàng thì vẫn thế, vô tư nhìn cô. Cười:

- Về lán thôi chứ hả? Cánh kia chắc đợi lâu rồi. Anh gọi điện không được, mất sóng. Lần sau đi phải dùng Viettel mới lại được vùng núi đá này em ạ.

- Vâng.

- Mà em này, cậu chàng này không phải người Mông đâu. Ông nội người Kinh phải lòng một bà người Mông mà ở lại đây sinh sống đấy. Thảo nào, thấy mặt ông ta cứ khôn khôn. “Kinh có mông mà Mông rất... kinh”. – Hoàng cười khà khà.

 

Ngà nhăn mặt. Cô quay lại ngắm gương mặt trong sáng của chú bé chủ nhà, rồi bất ngờ hỏi mua cái chậu Ngọc Am. Chú bé lắc đầu quầy quậy:

- Cô mua làm gì! Của ông cháu đấy. Ngày nào ông cũng ngâm tay ngâm chân...

- Cứ bán cho cô ấy. – Từ góc giường kê trong bóng tối, dưới lớp chăn bông cáu bẩn, ông già nói vọng ra. Rồi lại cất tiếng ngáy. Như mê đi trong giấc ngủ bất tận.

 

Rồi Ngà cũng mua lại được cái chậu cũ, nước gỗ bóng loáng vẫn còn vương hơi nước, hai lớp đai sắt vòng xung quanh hông chậu đã rỉ sét cả. Hoàng không phản đối. Anh kiên nhẫn bê hộ Ngà cái chậu, cho ngay ngắn vào xe, dưới chân ghế, ngay hàng đầu.

 

Những chuyện sau đó cứ trôi qua như thường. Hết những ngày Hà Giang, chợ tình. Đâu lại về đó. Ngà chia tay với Hoàng rất giản dị. Bắt tay nhau như những người bạn cũ, vô tư nhất trên đời. Và rồi lại tất bật trong guồng quay của cuộc sống, chồng, con, đi dạy... Cái chậu Ngọc Am được dúi ở chân cầu thang, đến tận năm sau cô mới nhớ mà moi ra, lau rửa. Bên trong đã lên mốc. Lau cho sạch rồi đổ đầy một chậu nước nóng, hương tỏa ra nồng nàn.

 

Lại một giấc mơ.

Những giấc mơ cứ thế hiện về. Chồng chất. Lớp lớp. Như tuổi trẻ thêm một lần yêu và sống.

 

6. Khi hai cô chú người Kinh lên chơi chợ tình đi rồi, thằng cháu mới hỏi ông:

- Chậu đấy là chậu quý, chậu độc hả ông?

- Không, gỗ pơ-mu thường thôi. Rất thơm. Không độc gì đâu.

- Thế sao ông bảo là Ngọc Am, là quý, làm mơ được, độc thì mất mơ?

- À, ừm... – Ông lão ho khan, ậm ừ. Trước khi bước ra cổng, lết chân chậm rãi về phía bóng tối có những đốm lửa lập lòe và những tiếng hát đều đều vọng lại, ông nói:

- Ai muốn mơ cái gì thì mơ cái ấy. Chỉ cần rất muốn thôi.

 

Đến khi ngủ thiếp đi rồi, thằng bé vẫn thấy ông nói mơ, giọng ngàn ngạt, khê khê:

“Nhưng phải rất muốn.... Phải rất muốn”.

 

Hà Giang, 11/2011

----------------

CHÚ THÍCH:

*Sân bay quốc tế ở Matxcơva, LB Nga

** Chỉ người Việt

*** Chỉ những người Việt ở lại sinh sống tại Nga bất hợp pháp

 

Trăng trên Khau Luông

Lục Mạnh Cường

 

Tiếng gà rừng gáy trên đỉnh Khau Luông vọng lại. Dấu trở mình. Cả người mỏi nhừ và lạnh buốt. Cô trở dậy thêm củi vào bếp. Ngọn lửa bùng lên. Hơi ấm làm Dấu cảm thấy dễ chịu hơn đôi chút. Một cơn gió nhỏ ào qua làm khói bay vào mắt cay xè. Mắt Dấu nhoè đi. Trong quầng lửa, nụ cười của Dòng hiện lên lấp loá. Người Dấu nóng bừng, râm ran như lên cơn sốt.

Dấu gặp Dòng trong đêm mùng ba tết ở nhà cô bạn thân. Bên bếp lửa, những chén rượu thơm nồng nàn. ánh mắt Dòng như có lửa. Lời Páo Dung tha thiết. “Thấy bông hoa nở bờ bên. Muốn sang không có bè thuyền để sang”. “Muốn sang thăm hoa dễ thôi. Hái lấy chiếc lá anh ngồi mà sang”. Lời Páo Dung đượm như bếp lửa nồng nàn cả đêm. Giữa bao nhiêu người, lời Páo Dung, ánh mắt, nụ cười của Dòng như chỉ dành riêng cho Dấu. Trong đêm mùa xuân ấy, Dấu biết mình đã yêu một người.

Đêm mười lăm, mặt trăng trốn sau những đám mây nhưng ánh trăng vẫn soi rõ mặt người con trai hát Páo Dung trước cổng nhà Dấu lâu nay. Khuôn mặt đẹp mà Dấu vẫn thấy rõ trong cả những giấc mơ. Khuôn mặt làm cho Dấu quên cái mỏi lưng của những ngày khom người cấy lúa, của cái bỏng rát bàn tay cả ngày cầm cuốc vun ngô. Dòng ôm Dấu thật chặt trong vòng tay rắn chắc.

- Dấu về nhà tôi ở nhé!

Dấu lưỡng lự. ở bản người Dao này, về nhà người mình yêu ở trước đám cưới cũng là chuyện bình thường nhưng Dòng có nghĩ cho Dấu không?

- Dấu đồng ý đi. Tôi muốn được ở cùng Dấu. Tôi muốn lúc nào cũng được ở bên Dấu. Tôi không chịu được những lúc thiếu Dấu. Tôi làm gì cũng chỉ nghĩ đến Dâu thôi… Nhưng giờ nhà tôi nghèo quá chưa xin cưới được. Dấu thương tôi chứ?

Vòng tay Dòng xiết chặt. Dấu như mê đi. Cô không nghĩ được gì nữa. Cô mỉm cười gật đầu hạnh phúc.

Dấu về nhà Dòng vào mùa gặt. Dấu bắt tay vào việc của người con dâu lớn. Sớm dậy trước con gà, đi gánh nước thổi cơm. Cùng mọi người đi gặt, đập lúa. Tối về lại nấu cám cho đàn lợn. Cả nhà Dòng đón nhận Dấu một cách bình thản và lặng lẽ. Dấu không biết cả nhà có đồng ý với việc Dấu làm hay không. Không ai nói gì với Dấu cả. Chỉ mình Dòng an ủi làm Dấu thấy vững lòng hơn. Rồi mùa gặt qua, công việc vẫn ngập mặt: Lấy củi, hái chè, sao chè… Đôi tay Dấu ngày càng thô kệch. Đôi má như nhạt hồng…  Dạo này Dòng lại hay đi chơi, có hôm cả đêm cũng không về. Chỉ còn Dấu với bao công việc không tên buộc chặt chân. Những lúc buồn không ai nói chuyện, lúc mệt không ai động viên. Dấu muốn giữ Dòng ở nhà lại không dám.

Rồi cũng đến lúc bố mẹ Dòng sang nhà Dấu. Dấu nửa mừng, nửa lo. Bố mẹ Dòng sang nhà Dấu hỏi tuổi để rồi đi xem bói. Nếu thầy cúng nói Dòng và Dấu hợp tuổi thì tiếp sau đó sẽ là lễ ăn hỏi, rồi lễ cưới. Nhưng nếu không hợp tuổi thì… Dấu không dám nghĩ nữa. Tục lệ người Dao nơi đây là như vậy. Dấu không muốn mình lại phải ôm quần áo ra khỏi nhà người mình thương.  Một suy nghĩ chợt đến làm Dấu thấy yên lòng. Anh Hì và chị Dim cũng không hợp tuổi nhưng họ vẫn yêu nhau, vẫn ở với nhau đấy thôi!

Buổi chiều, Dấu đang thái chuối cho lợn thì mẹ Dòng gọi Dấu vào nhà nói chuyện. Dấu cảm thấy một điều chẳng lành…

- Dấu à! Mày về nhà tôi đã lâu. Mày chăm làm, ít nói. Chúng tôi muốn mày làm con dâu…

Bà ngừng lại. Dấu cúi đầu im lặng. Một cảm giác hồi hộp dâng ngập lòng.

- Nhưng … thấy cúng bảo mày với Dòng không hợp tuổi. Chúng mày không thành vợ chồng được. Mày phải đi thôi!

Dấu bàng hoàng, hụt hẫng. Cô không ngờ một kết cục đau đớn như vậy lại đến với mình. Gục mặt xuống đầu gối, Dấu khóc. Cô nhớ đến lời mẹ. “Xấu mặt lắm” nếu phải quay về. Chỉ còn một hi vọng duy nhất là Dòng vẫn còn yêu Dấu. Hai người sẽ sống với nhau như anh Hì và chị Dim. Dòng đi lấy củi vẫn chưa về. Chưa lúc nào Dấu mong Dòng đến thế.

Bữa cơm tối chỉ có Dấu và Dòng. Bố mẹ và hai đứa em nhỏ đi đám cưới. Mấy lần Dấu định nói với Dòng lại ngập ngừng rồi thôi. Ăn cơm xong, Dòng với lấy cái áo vắt lên vai đi ra cửa. Dấu vội nói:

- Dòng à. ở nhà đã. Tôi muốn nói chuyện.

Dòng quay lại nhìn Dấu, không nói gì nhưng vẫn quay lại, vắt áo lên dây và ngồi xuống bên bếp lửa. Đã hơn tháng nay, Dòng rất ít khi nói chuyện với Dấu. Chỉ còn một chút hi vọng mỏng manh nhưng Dấu cố níu lấy. Hít một hơi dài. Dấu nói:

- Dòng à! Chiều nay mẹ nói với tôi…

Dòng im lặng.

- Dòng không muốn biết mẹ nói gì với tôi sao?

Dòng vẫn im lặng. Dấu thấy nghẹn nơi cổ họng. Cô nói vội:

- Mẹ nói tôi với Dòng không hợp tuổi, không lấy được nhau. Tôi phải đi.

Dòng ngồi im như tảng đá. Tảng đá bên dòng suối, dù mưa to, dù lũ cuốn vẫn im lặng. Dấu oà khóc tức tười. Cô vơ lấy túi quần áo sắp sẵn lao ra ngoài. Dòng vẫn ngồi im không ngước lên. ánh lửa hắt bóng Dòng lên vách, to lớn, lạnh lùng.

“Dòng yêu mình ít thế thôi à? Tại sao tình yêu Dòng dành cho mình ít quá? Mình có làm gì sai đâu?...” Những câu hỏi quay cuồng trong đầu Dấu. Bước chân vội vàng trong đêm mấy lần vấp ngã. Dấu không thấy đau. Lòng Dấu đang tê dại. Có gì đau hơn thế? Dấu muốn gào to lên, hét to lên cho thoả nhưng không được. Rừng đêm im lặng quá. Một con chim giật mình bay lên cao. Đêm nay Dấu cũng đơn độc như con chim kia nhưng Dấu còn khổ hơn con chim. Con chim không biết yêu, không biết nghĩ… Còn Dấu nghĩ nhiều lắm. Dòng đã nói gì với Dấu? Dòng quên hết rồi sao? Dòng nói Dòng yêu Dấu, muốn lấy Dấu làm vợ. Con trai người Dao đã yêu thì lâu quên lắm. Thế mà người con trai đẹp như Dòng lại nhanh quên thế. Để Dấu đêm nay một mình, như con dê lạc đường không biết về đâu. Dấu ngồi xuống tảng đá bên đường. Dấu khóc. Bóng tối xung quanh Dấu dày đặc.

Dấu về nhà bố mẹ đã hơn nửa tháng. Cô nằm cả ngày, không ngủ cũng không hoàn toàn tỉnh táo. Đầu óc cứ nghĩ, cứ nhớ đến Dòng, nhớ những ngày ở bên Dòng. Bố mẹ thương Dấu không nói gì chỉ thở dài. Từ hôm Dấu về, không khí trong nhà trầm hẳn xuống. Nhà ít tiếng cười, tiếng nói. Hai đứa em nhỏ cũng ít nô đùa hơn. Ghều, đứa em gái giáp Dấu thay Dấu làm mọi việc. Đêm đêm, Ghều ôm chị thật chặt như để an ủi và truyền hơi ấm cho Dấu mà chẳng thể làm lòng Dấu ấm lên đôi chút.

Lại một cơn gió lạnh thổi quá khe cửa. Tàn tro bay quẩn khắp nhà. Ngọn lửa vạt về một bên. Bóng Dòng vẫn nhảy nhót trong quầng lửa. Dấu nhắm mắt lại. Nước mắt chảy tràn trên má.

Dấu cứ ngồi như thế đến hết đêm. Có tiếng chim kêu lách chách bên nhà. Tiếng chim báo sáng. Dấu mở cửa. Bố mẹ và hai em vẫn đang ngủ. Đầu Dấu cứ ong ong. Bước chân vô định đưa Dấu đi. Dấu cứ bước theo con đường, con đường về nhà Dòng. Lúc bàn chân đặt xuống dòng nước suối lạnh, Dấu mới bừng tỉnh. “Mình không về nhà Dòng được, không được!...”. Dấu ngẩng mặt nhìn trời. Chợt cô nhìn thấy phía trên cao chiếc cầu treo bắc ngang suối. Dấu đang đi trên con đường cũ. Chỗ này suối nước rộng nhưng nông, có thể lội qua được. ở phía trên có một vực nước sâu nhưng hẹp. Khi làm đường mới, người ta đã bắc một cây cầu treo ngang trên vực nước. Một ý nghĩ chợt chạy ngang qua óc Dấu: “Phải rồi! Mình chẳng còn gì. Mình yêu Dòng, hết lòng với Dòng nhưng Dòng lại bỏ mình. Mình còn sống làm gì nữa?”. Dấu quay lại đi lên cầu. Một ý nghĩ thích thú, dại dột khi tưởng tượng đến sự hối hận của Dòng… Đứng trên cây cầu lộng gió, Dấu chỉ nghĩ đến Dòng. “Dòng ơi! Tôi muốn lúc nào Dòng cũng nhớ đến tôi!...” Dấu bước ra khỏi cầu, người lịm đi. Thế nhưng khi vừa chạm mặt nước lạnh, như có một dòng điện chạy dọc người Dấu khiến Dấu bừng tỉnh. Lúc này đầu óc Dấu thật tỉnh táo. Cô nhớ bố mẹ và hai em. Họ sẽ đau lòng lắm. Dấu vùng vẫy nhưng cô không biết bơi. ý nghĩ cuối cùng xuất hiện trong đầu Dấu: “Mình dại quá! Dòng sẽ không nhớ tới mình đâu!”.

*

Dấu từ từ mở mắt. Cô thấy mình đang nằm trên một tảng đá lớn. Dấu chưa hiểu tại sao mình lại nằm ở đây. Bên cạnh, một anh bộ đội đang nhìn cô. Thấy Dấu tỉnh, anh mừng rỡ:

- Dấu tỉnh lại rồi! Tốt quá!

Dấu nhắm mắt lại. Cô nhớ lại tất cả. “Thì ra mình vẫn chưa chết”. Một cảm giác là lạ lan toả khắp người. Cô không hiểu là mình vui mừng hay tiếc nuối. Cô chống tay ngồi dậy:

- Anh cứu tôi à?

- ừ! Mà dù có chuyện gì thì Dấu cũng không được làm thế…

- Tôi biết rồi. Tôi ngu quá. Tôi phải về!

Dấu gượng đứng đậy. Anh bộ đội đỡ Dấu nhưng cô vùng ra. Loạng choạng đôi chút rồi Dấu cũng đứng vững. Dấu cố bước.

- Để tôi đưa Dấu về!

- Kệ tôi! - Dấu vùng vằng, liêu xiêu bước.

*

Ba ngày sau, Dấu khoẻ hẳn. Bây giờ cô mới nhận ra mình còn rất muốn sống. Dấu còn bố mẹ, còn các em. Cô là ruột thịt, là nguồn vui của họ. Thế mà chút nữa Dấu đã lấy đi niềm vui của những người mà cô thương yêu. Dấu giận mình lắm. Cô chăm chỉ làm việc để bù lại những ngày qua. Chỉ đôi khi Dấu nghĩ đến Dòng nhưng không phải là để nhớ, để yêu mà nghĩ đến để quên. Thỉnh thoảng, Dấu lại nghĩ đến anh bộ đội đã cứu mình. Người ấy biết Dấu mà Dấu không biết gì về người ấy cả. Đôi lúc Dấu cũng băn khoăn: “Tại sao cả bản không ai biết Dấu đã có lần nhảy xuống cầu?”.

Mùa xuân đến. Hoa mận, hoa mơ nở trắng thung lũng. Con trai, con gái dưới chân núi Khau Luông lại rủ nhau đi uống rượu và hát Páo Dung. Dấu cũng len lén ngắm mình trong gương. Đôi má trắng hồng và đôi mắt đen lay láy. Cô còn trẻ lắm, mới qua mười chín mùa cây đào trước ngõ nở hoa. Ghều soi gương, vấn khăn. Cô vụng về bôi chút son lên môi. Cô với chiếc áo thổ cẩm sặc sỡ sắc đỏ và lấp lánh hai hàng cúc bạc:

- Chị Dấu à! Mặc quần áo nhanh lên. Sáng nay mọi người thi đẩy gậy, đánh cù ở bãi Mây Keo đấy...

- Mày đi đi. Tôi còn nấu cám lợn. Bố mẹ đi chơi tết hết rồi...

- Không lo. Đi chơi đi rồi chiều về nấu. Hôm nay vui lắm. Con trai, con gái ở bản Khuổi Luông cũng sang đấy!

- Không! Tôi không đi đâu!

Dấu đứng dậy bỏ xuống gian bếp nhỏ. Cô cho thêm củi, mặc ấm nước trên bếp đang sôi. Tiếng trống thùng thùng từ xa vọng đến. ở phía xa kia đang là ngày hội. Mọi người đang chơi đánh cù, đẩy gậy. Những người con trai thi tài bắn nỏ, những người con gái thi tài thêu hoa văn trên áo. Lời “Páo Dung” say hơn men rượu. Dấu gục mặt kệ cho nước mắt chảy ra thấm ướt cánh tay áo...

  Dấu chờ mãi mà không thấy Ghều về. Ngoài kia, sương rơi đã ướt đẫm đám cỏ ngoài sân chuồng vịt, ướt sũng tảng đá cạnh chuồng trâu. Tiếng sáo từ xa vẳng lại. Dấu mở cửa bước ra sân. Đêm tối mịt mùng. Con trai, con gái người Dao không sợ đêm tối. Đôi chân như có mắt. Lời Páo Dung như ánh đèn dẫn đường cho họ tìm gặp nhau. Qua mùa xuân năm trước, những người bạn gái của Dấu đã đi lấy chồng hết. Mùa xuân năm nay, là mùa yêu của Ghều và những người con gái tầm tuổi ấy. Dấu ngồi xuống tựa lưng vào cửa. Có thật là Dấu đã già không? Nếu Dấu vẫn ở nhà Dòng chắc mùa xuân này Dấu cũng ngồi tựa cửa đợi Dòng về. Có những người con trai chẳng bao giờ biết yêu vợ. Có những người con gái một đời ngồi đợi cửa và chờ trời sáng, chờ bước chân chồng như con chó ngồi giữ cổng nhà và đợi bước chân của chủ. Có tiếng bước chân lạo xạo trên con đường đá nhỏ. Hai người. Bước chân dừng trước cổng. Có tiếng thì thầm và tiếng cười khúc khích. Có mùi thơm của một loài hoa nở về đêm. Dấu đứng dậy và khẽ khàng quay vào nhà, lén đưa tay lau một giọt sương vừa bám lên mi mắt.

- Chị Dấu à! Tôi có người yêu rồi...

Ghều quay sang ôm Dấu. Hơi nóng rực từ Ghều phả sang làm Dấu lo lắng. Cô quay lại nắm lấy tay em gái:

- Thật à! Ai vậy?

- Anh Thàn, người bên Khuổi Luông.

- Ghều à. Tôi muốn mày suy nghĩ kĩ. Đừng vội vã nghe miệng người con trai đổ nước đường vào lỗ tai!

- Anh Thàn khác. Anh ấy tốt lắm mà...

- Thì tôi nói thế! Biết mặt, biết người nhưng không biết được cái bụng của họ đâu! Không phải người con trai đẹp nào cũng tốt đâu...

- Tôi biết mà. Anh Thàn không như Dòng đâu!

Dấu thấy tai mình ù đi. Hình như ngoài kia vừa có một tiếng sét. Cái tên Dòng làm tim Dấu đau nhói. Dấu nằm im mặc cho nước mắt mình chảy xuống gối.

Mùa trăng non đầu tiên của năm, Dấu nghe thấy tiếng sáo. Đêm đầu, Dấu không để ý. ở bản người Dao này, tiếng sáo thay lời tỏ tình của những chàng trai. Chắc một chàng trai nó đang để ý đến Ghều. Đêm thứ hai, tiếng sáo lại vọng đến. Ghều đã đi chơi. Dấu cười thầm chàng trai ngơ ngẩn nào đó nhưng Dấu cũng thầm khâm phục chàng trai. Tiếng sáo thật mượt mà. Nó làm Dấu nhớ những đêm trăng hò hẹn cùng các bạn trên những mỏm đá phía sau cánh đồng Mây Keo. Cả bọn trèo lên những mỏm đá cao nhất nhìn lên đỉnh Khau Luông. Đỉnh núi in vào nền trời thăm thắm. Có lúc tiếng sáo làm Dấu thấy mình đang loay hoay giữa rừng thảo quả hái từng chùm quả thơm nồng, nặng trĩu...

Vào lúc trăng già, khi gà đã lên chuồng lâu lắm, ông trăng mệt mỏi mới leo qua được đỉnh Khau Luông thì Dấu thấy mình nhớ tiếng sáo. Đêm hôm ấy, trăng lên rồi mà vẫn chưa nghe tiếng sáo. Dấu thấy người bồn chồn. Cô đi ra, đi vào như người khát đang chờ ngụm nước ngon chảy mãi mà chưa về đến đầu máng. Nồi cám lợn bắc xuống sắp nguội mà Dấu vẫn chưa muốn lên giường. Mẹ trở mình mãi rồi cũng nói vọng ra:

- Dấu à! Tiếng sáo không dành cho mày đâu...

Dấu thấy da mặt mình tê dại đi. Nước mắt cô chực trào ra. Cô làm gì dám mơ có người con trai nào đó thổi sáo vì cô chứ. Chẳng qua cô chỉ muốn nghe tiếng sáo như người ta ngắm mảnh ruộng tốt của người khác mà thôi!

- Tôi biết rồi. Tôi chỉ muốn đợi để nói cho người ta biết Ghều không ở nhà thôi mà. Để họ đừng đến thổi sáo nữa. Khổ thân họ!

Tiếng sáo cất lên khi trăng đã cao hơn đỉnh Khau Luông năm cái với tay. Dấu mở của bước ra sân. Cái dáng người cao lớn và vững chãi ấy hằng đêm ngồi trên tảng đá lớn, dưới gốc cây mận già nở hoa trắng muốt, Dấu nhìn đã quen. Vậy mà hôm nay, đứng trước người ấy, Dấu thấy đôi chân mình run, mồ hôi rịn ra dưới tấm khăn che đầu:

- Ai đấy? Đi về thôi! Ghều đi chơi rồi! Không ở nhà đâu!

Tiếng sáo ngưng lại. Người con trai bước đến trước mặt Dấu. Thật gần. Trăng không sáng lắm nhưng đủ để Dấu nhìn rõ mặt người trai ấy. Khuôn mặt vuông vức, lông mày rậm và đôi mắt sáng. Dấu giật mình. Đôi mắt này, quen lắm:

- Dấu à! Tôi không đến thổi sáo vì Ghều. Tôi đến... vì Dấu!

Dấu bước giật lùi. Cô không ngờ người con trai đêm đêm thổi sáo trước nhà chỉ để gặp được cô. Người trai ấy có ngốc không khi định nhặt lại miếng giẻ lau chân người ta đã bỏ đi. Dấu chạy vội vào nhà, để mặc người con trai ngẩn ngơ trước cổng.

Khi ông trăng sắp leo đến giữa trời, Ghều mới về. Dấu vẫn đợi Ghều, một phần vì lo lắng và phần khác vì ánh mắt người trai ấy. Dấu kéo tay Ghều ra trước sân:

- Ghều à! Mày yêu người ấy đến thế sao?

- Anh Thàn là người tốt mà, lại rất yêu tôi! Tôi không được yêu anh ấy sao?

- Không phải thế! Mày yêu nhưng mày phải giữ. Không được ngu như tôi rồi khổ. Con gái lỡ dại bước theo chân con trai mà không cưới hỏi, rồi một đời như con chó rúc trong bếp nhà họ thôi...

- Kệ tôi. Tôi yêu anh Thàn. Chị không cần lo cho tôi.

Ghều bỏ mặc Dấu đứng đó đi vào nhà. Nước mắt Dấu tràn trên má. Cô lo sợ cho Ghều. Nó còn trẻ quá! Nếu nó giẫm vào vết chân Dấu thì sao?

Những ngày không có trăng, tiếng sáo vẫn réo rắt trước cổng. Mẹ không còn phàn nàn khi Dấu bồn chồn đứng ngồi đợi tiếng sáo. Vào một đêm trăng đầy của mùa trăng mới, bố Dấu đi hộ người trong bản lợp nhà về. Ông đứng trước cổng nghe tiếng sáo thật lâu rồi bước đến trước mặt người trai ấy. Người trai theo ông vào nhà. Ông cho thêm củi vào bếp lửa để đun sôi ấm nước và khêu to ngọn đèn để thêm sáng. Ông gọi Dấu lấy cho ông bình rượu ngâm mật ong ra. Ông rót hai bát thật đầy.

- Mày cũng là người Dao?

- Vâng!

Ông già cười sảng khoái, giơ bát chạm bát rồi ngửa cổ uống.

- Mày tên gì? ở đâu?

- Cháu tên Giàng, ở bên Khuổi Luông!

- Tôi đi khắp đất Khuổi Luông rồi! Một thằng con trai đẹp và thổi sáo giỏi như mày sao tôi không biết?

- Cháu đi học nội trú từ nhỏ rồi cháu đi bộ đội. Cháu vừa xuất ngũ.

Dấu thấy một cơn lạnh chạy dọc sống lưng. “Bộ đội!” - Có phải là người ấy? Dấu ngẩng lên. Người trai ấy đang mỉm cười nhìn Dấu. Hàng răng trắng và đều. Đôi mắt sáng như hai vì sao. Đúng rồi! Đôi mắt ấy. Dấu không nhầm được!

- Mày đến thổi sáo trước nhà tôi vì con Dấu! Mày có biết gì về nó không?

- Cháu biết Dấu từ hai năm trước nhưng Dấu không biết cháu!

- Thế mày có biết nó...

Ông già buông bát rượu thẫn thờ nhìn đống lửa.

- Cháu biết ạ. Tuổi trẻ ai cũng có sai lầm. Cháu cũng từng mắc sai lầm. Quan trọng là đừng để sai lầm kéo mình ngã xuống. Như con rùa hôi bên khe suối, cứ nghe tiếng sét là rụt đầu vào mai...

- Được! Tôi uống với mày hết bát rượu này. Dấu! Mày có muốn uống không?

Dấu bưng bát rượu lên. Ngọt và đắng. Cô nghe rượu như hơi lửa đang sưởi ấm khắp thân mình. Chợt cô nghe thấy tiếng hát. Lời Páo Dung của người trai ấy là lạ nhưng vẫn nồng nàn.

Trăng lặng lẽ rắc đầy ánh sáng lên dãy Khau Luông. Dấu ngồi tựa lưng vào cột nhà. Ngoài kia, tiếng sáo lại réo rắt. Tiếng sáo nghe ăm ắp niềm vui như ánh trăng chảy tràn trên con suối róc rách vào một ngày thu đẹp. Dấu mỉm cười. Cô không biết đêm nay Ghều cũng vui lắm. Ghều đang nắm tay người con trai của mình đi về Khuổi Luông. Chỉ có điều, cả hai chị em đều không biết, ngày mai trăng có còn đẹp như đêm nay...

Lên đầu trang

Tiêu đề

  • Tiến lúc 16-05-2012 05:07:47 PM

    có khả năng, chú đầu tiên và chú cuối cùng viết khá rõ ràng, có cốt truyện, nội dung ý nghĩa. từ ngữ sắc sảo. cô thứ 2 thì hơi lan man

    Trả lời

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhà văn đọc sách  

Mai Văn Phấn “giấu mặt” trong “hoa”

VanVN.Net - Từ xưa đến nay, bài thơ viết ngắn nhất là bài thơ chỉ có một câu. Kỷ lục vẫn thuộc về R. Tagore (nhà thơ ấn Độ, người đã đoạt giải Nô-ben văn chương cách nay trên 30 năm). ...