Sen nở như không biết người âu sầu/ Hay sen cũng âu sầu mà người không biết/ Cùng sắc trắng trong, cùng đượm hương từ ngàn đời/ Chỉ khác em lên tiếng mà ta lặng im. (Liên bút từ sen - Nguyễn Lương Ngọc)
Gửi thư    Bản in

Niềm đam mê đọc sách (1)

(Trích trong "Về phía nhà Swann", tập 1 của bộ tiểu thuyết "Đi tìm thời gian đã mất")

Marcel Proust - 27-04-2012 08:36:57 AM

VanVN.Net - ...những tập sách mỏng và những ấn phẩm nhiều kỳ phủ kín hai cánh cửa còn bí hiểm hơn, chi chít tư duy hơn cả một cánh cửa nhà thờ, đó là vì tôi đã nhận ra nó chính là một tác phẩm đặc sắc được viện dẫn bởi một giáo sư hay một người bạn mà đối với tôi hồi đó có vẻ như đang nắm giữ bí mật của chân lý và của cái đẹp, những điều chỉ linh cảm được phần nào, chỉ có thể lĩnh hội được phần nào, tuy nhiên nhận thức được những điều đó lại là mục đích mơ hồ nhưng thường trực của tư duy tôi.

Trong khi cô hầu bếp – vô tình đã làm chói sáng nét ưu việt của Françoise, giống như Sai Lầm, do hiệu ứng tương phản, càng làm rực rỡ thêm chiến thắng của Chân Lý – bưng ra mời một thứ cà phê mà mẹ tôi coi đó chỉ là nước nóng, và sau đó lại mang lên phòng chúng tôi một thứ nước nóng chỉ hơi âm ấm, tôi nằm dài trên giường, tay cầm cuốn sách, trong căn phòng run rẩy bảo vệ sự trong mát và mỏng manh của mình khỏi nắng chiều sau những cánh cửa gần như khép kín mà một ánh ngày tuy nhiên vẫn lách được đôi cánh vàng qua đó để nằm im trong một góc giữa lớp gỗ và kính như một con bướm đậu. Phòng chỉ vừa đủ sáng để đọc, và tôi chỉ có thể cảm thấy cái rực rỡ của ánh sáng thông qua những tiếng động trên phố de la Cure do Camus đập vào những cái thùng bụi bặm (anh được Françoise cho biết bà cô tôi “không ngủ trưa” nên có thể gây tiếng động), nhưng những cú đập ấy, vang trong bầu không khí giàu tính cộng âm, đặc biệt vào tiết trời nóng, dường như làm bắn tung ra những thiên thể đỏ thắm; và thông qua cả đám ruồi đang diễn tấu trước mắt tôi trong cuộc hoà nhạc nhỏ của chúng, như một thứ nhạc thính phòng mùa hè; nó không gợi lên mùa hè theo cách một điệu nhạc của con người mà nếu tình cờ nghe được vào lúc đẹp trời, thì sau đó nó sẽ nhắc ta nhớ đến khúc nhạc thính phòng mùa hè kia; nó gắn với mùa hè bằng một mối liên hệ tất yếu hơn; được sinh ra từ những ngày đẹp trời, chỉ tái sinh cùng những ngày đẹp trời, chứa đựng chút tinh chất của chúng, nó không chỉ đánh thức hình ảnh mùa hè trong kí ức chúng ta, mà còn chứng thực sự trở lại, sự hiện diện thực sự, bao quanh, trực tiếp với tới được của nó.

Sự rợp mát của căn phòng tôi, đối với cái nắng giữa phố, tựa như bóng râm đối với tia sáng, nghĩa là cũng huy hoàng như thế, và nó ban tặng cho trí tưởng tượng tôi một toàn cảnh của mùa hè mà nếu đang đi dạo, cảm quan của tôi ắt chỉ có thể thưởng thức từng mẩu vụn; và như vậy nó hài hoà với khoảnh khắc nghỉ ngơi của tôi, sự nghỉ ngơi này (nhờ những chuyến phiêu lưu được kể trong những cuốn sách và cũng chính chúng lại xáo động việc nghỉ ngơi), giống như sự nghỉ ngơi của một bàn tay bất động giữa một dòng nước chảy, nó chịu sự xung động và náo nhiệt của một dòng thác hoạt động.

Nhưng bà tôi, kể cả trong trường hợp trời đang rất nóng bỗng trở nên u ám, kể cả trong trường hợp một cơn giông hay chỉ một cơn gió bất chợt nổi lên, vẫn cứ đến năn nỉ tôi ra ngoài nhà. Và vì không muốn bỏ dở việc đọc sách, tôi vẫn tiếp tục đọc trong vườn, dưới cây dẻ, trong cái lán nhỏ bằng tấm lợp đan và bằng vải; tôi ngồi tụt vào trong cùng, tin chắc như vậy sẽ khuất tầm mắt những người tới thăm bố mẹ tôi.

Và ý nghĩ của tôi, phải chăng nó cũng như một chỗ náu khác mà trong góc cùng của nó, tôi cảm thấy mình đang ở nơi thật sâu kín, dù chỉ để nhìn những gì đang diễn ra bên ngoài? Khi tôi nhìn thấy một vật ở bên ngoài, cái ý thức rằng tôi nhìn thấy nó nằm ở giữa tôi và sự vật ấy, bao quanh nó bằng một đường viền tinh thần mỏng mảnh ngăn tôi không bao giờ chạm được trực tiếp vào chất liệu của nó; ý thức ấy, bằng cách nào đó, tan biến đi trước khi tôi kịp tiếp xúc với nó, như khi người ta đưa một vật thể nóng đến phát sáng lại gần một vật thể ướt, nó không chạm tới được sự ẩm ướt ấy bởi lẽ đi trước nó, bao giờ cũng là một vùng bay hơi. Trong cái thứ màn hình lấp lánh những trạng thái khác nhau mà ý thức của tôi trải ra đồng thời với lúc tôi đang đọc, những trạng thái ấy đi từ những khát vọng ẩn giấu sâu kín nhất trong tôi đến hình ảnh hoàn toàn ngoại tại của chân trời mà tôi nhìn thấy, ở đầu kia khu vườn, trước mắt tôi, cái điều sâu kín nhất có trong tôi đầu tiên, cái phần nhỏ không ngừng hoạt động điều khiển cả phần còn lại, đó là niềm tin vào sự phong phú triết học, vào vẻ đẹp của quyển sách tôi đang đọc, và là khao khát chiếm hữu chúng, bất kể đó là quyển sách gì. Bởi, sở dĩ tôi đã mua cuốn đó ở Combray khi nhìn thấy nó trước cửa hàng tạp hoá Borange, cách quá xa nhà nên Françoise không thể đến mua hàng như ở nhà Camus, nhưng nhiều hàng hoá hơn về mặt giấy bút hay sách báo, cuốn sách được giữ bằng những sợi dây trong tấm môzaic ghép thành bởi những tập sách mỏng và những ấn phẩm nhiều kỳ phủ kín hai cánh cửa còn bí hiểm hơn, chi chít tư duy hơn cả một cánh cửa nhà thờ, đó là vì tôi đã nhận ra nó chính là một tác phẩm đặc sắc được viện dẫn bởi một giáo sư hay một người bạn mà đối với tôi hồi đó có vẻ như đang nắm giữ bí mật của chân lý và của cái đẹp, những điều chỉ linh cảm được phần nào, chỉ có thể lĩnh hội được phần nào, tuy nhiên nhận thức được những điều đó lại là mục đích mơ hồ nhưng thường trực của tư duy tôi.

Tiếp sau niềm tin chủ yếu ấy – trong khi tôi đọc, nó thực hiện những chuyển động không ngừng từ trong ra ngoài, hướng tới việc khám phá ra chân lý – là những cảm xúc mà hành động tôi tham gia đem lại cho tôi, vì những buổi chiều ấy chất đầy những sự kiện kịch tính, thường khi nhiều hơn cả những biến cố trong một đời người. Đó là những sự kiện xẩy đến trong cuốn sách tôi đang đọc; đành rằng những nhân vật của những sự kiện ấy không “có thật”, như Françoise thường nói. Nhưng mọi tình cảm do niềm vui hay nỗi bất hạnh của một nhân vật có thật gợi lên cho ta lại chỉ diễn ra trong ta qua trung gian một hình ảnh về niềm vui hay bất hạnh đó; sự tài tình của tiểu thuyết gia đầu tiên là ở chỗ hiểu được rằng trong cơ chế cảm xúc của chúng ta, hình ảnh là yếu tố thiết yếu duy nhất, việc đơn giản hoá bằng cách lược bỏ hẳn những nhân vật thật, ắt là bước hoàn thiện quyết định. Một con người thật, cho dù có được ta cảm thông sâu sắc đến mấy, thường là được cảm nhận một phần lớn bằng giác quan của ta, tức là vẫn còn mờ mịt đối với ta, tạo thành một trọng lượng chết mà cảm quan của ta không nhấc lên được. Nếu anh ta bị một bất hạnh giáng xuống đầu, ta chỉ có thể xúc động bởi chuyện đó trong phạm vi một phần nhỏ của ý niệm tổng thể mà ta nhận biết về anh ta, hơn nữa, chính anh ta cũng chỉ có thể xúc động bởi nỗi bất hạnh đó trong phạm vi một phần nhỏ của ý niệm tổng thể mà anh ta nhận biết về bản thân. Khám phá của tiểu thuyết gia là đã có sáng kiến thay thế những phần không thể thâm nhập vào tâm hồn ấy bằng một lượng tương đương những phần phi vật thể, có nghĩa là tâm hồn chúng ta có thể tự đồng hoá. Vậy thì có quan trọng gì việc những hành động, cảm xúc của những con người thuộc loại mới ấy hiện ra trước ta như thật, bởi vì ta đã biến họ thành của ta, bởi vì những hành động, cảm xúc ấy diễn ra trong chính ta, và, trong khi ta háo hức lật những trang sách, chúng tiếp tục chi phối nhịp thở gấp gáp và cái nhìn đăm đắm của ta. Và khi tiểu thuyết gia đã đặt ta vào trạng thái ấy, - trong đó, cũng giống như trong mọi trạng thái thuần túy nội tại, mọi cảm xúc được tăng lên gấp bội, và trong đó cuốn sách của ông ta làm ta bối rối kiểu như một giấc mơ nhưng là một giấc mơ rõ ràng hơn những giấc mơ khi ta ngủ, mà dư âm của nó còn kéo dài hơn - và, như vậy trong một giờ đồng hồ nó kích thích trong ta mọi hạnh phúc và bất hạnh tiềm tàng, có những cái chúng ta phải bỏ ra hàng năm trong đời để biết đến, có những cái mãnh liệt nhất không bao giờ bộc lộ ngay trước mắt ta vì tính chậm chạp, mà từ đó chúng nảy sinh, cởi bỏ khỏi chúng ta khả năng tri giác; (cũng như thế, trong đời sống thực, trái tim ta thay đổi, và đó là nỗi đau tệ hại nhất; nhưng điều đó, ta chỉ biết khi đọc sách, trong trí tưởng tượng: trên thực tế, nó thay đổi, như một số hiện tượng thiên nhiên xảy ra, khá chậm để cho, nếu ta có thể lần lượt nhận thấy từng trạng thái khác nhau của nó, thì ngược lại chính cảm giác về sự thay đổi lại lẩn tránh ta).

Không lắng sâu vào cơ thể tôi bằng đời sống các nhân vật nọ, tiếp đến, được phóng chiếu phần nào trước mặt tôi, là cái quang cảnh trong đó diễn ra hành động tác động đến suy nghĩ của tôi mạnh hơn, rõ nét hơn cả cái quang cảnh hiện ra trước mắt khi tôi ngước lên khỏi quyển sách. Cũng vì thế mà trong hai mùa hè ấy, dưới cái nóng trong khu vườn Combray, tôi đã mang trong mình, do bởi quyển sách tôi đọc hồi đó, nỗi nhớ về một vùng có núi có sông, ở đó tôi có thể thấy rất nhiều xưởng cưa, ở đó, tận đáy làn nước trong veo, những mẩu gỗ mục rữa dưới những khóm cải xoong; không xa đó những cụm hoa tím và đỏ nhạt leo dọc theo những bờ tường thấp. Và vì giấc mơ về một người phụ nữ sẽ yêu tôi luôn hiện diện trong suy nghĩ của tôi, những mùa hè ấy, giấc mơ này thấm đẫm cái mát rượi của những dòng nước chảy; và dù người phụ nữ mà tôi gợi lên có như thế nào, những cụm hoa tím và đỏ nhạt vẫn mọc lên ngay tức khắc ở hai bên nàng như những màu sắc phụ hoạ.

Không chỉ vì một hình ảnh mà ta mơ tới luôn nổi bật, tươi đẹp hơn và hưởng ánh phản quang của những màu sắc dị ngoại tình cờ bao quanh nó trong cơn mơ mộng của ta; vì những phong cảnh trong những cuốn sách tôi đọc đối với tôi không phải chỉ là những phong cảnh được thể hiện trong trí tưởng tượng của tôi một cách sống động hơn những phong cảnh mà Combray bày ra trước mắt tôi, mà là chúng tương tự như nhau. Bởi sự lựa chọn của tác giả, bởi niềm tin trong suy nghĩ của tôi khi đón lấy lời của tác giả như một thần khải, chúng dường như là một phần thật sự của chính Thiên Nhiên, đáng để được nghiên cứu và đào sâu – cảm giác này được tạo cho tôi đâu phải bởi cái vùng tôi đang lưu trú, càng không phải bởi khu vườn của chúng tôi, sản phẩm chẳng mấy kỳ diệu của óc tưởng tượng chỉn chu của người làm vườn mà bà tôi vẫn coi khinh.

Nếu được bố mẹ cho phép đi thăm vùng đất được miêu tả trong cuốn sách tôi đang đọc, có lẽ tôi sẽ tin là đã làm được một bước vô giá trong công cuộc chinh phục chân lý. Vì nếu ta có cảm giác luôn bị bao quanh bởi tâm hồn mình, thì đó không phải là một nhà tù bất động; đúng hơn, ta như đang được cuốn theo cùng với tâm hồn mình trong đà phóng triền miên để vượt qua nó, để tới được bên ngoài, với một dạng nản chí, luôn nghe thấy xung quanh mình cái độ âm vang y hệt như cũ, vốn không phải là tiếng vọng từ bên ngoài mà là tiếng vang của một rung động bên trong. Ta cố tìm lại trong những sự vật đã trở nên quý giá vì điều này, sự phản chiếu mà tâm hồn ta đã tỏa lên những sự vật đó, ta thất vọng khi nhận ra rằng dường như trong tự nhiên chúng thiếu cái vẻ quyến rũ mà chúng có được trong suy nghĩ của ta, nhờ tương tự với một vài ý nghĩ; đôi khi người ta chuyển hóa tất cả những sức mạnh của tâm hồn ấy thành sự khéo léo và thành sự huy hoàng, để tác động lên những thực thể mà chúng ta cảm nhận rõ rằng chúng nằm ngoài chúng ta và rằng chúng ta sẽ không bao giờ đạt tới chúng. Bởi vậy, nếu tôi luôn tưởng tượng bao quanh người phụ nữ tôi yêu, những nơi tôi ao ước nhất, nếu tôi muốn rằng chính nàng sẽ đưa tôi đi thăm những nơi đó, sẽ mở ra cho tôi lối vào một thế giới xa lạ, thì không phải bởi sự ngẫu nhiên của một kết hợp giản đơn của ý nghĩ; không, mà bởi vì những giấc mơ du ngoạn và luyến ái của tôi chỉ là những khoảnh khắc – mà hôm nay đây tôi chia cách một cách giả tạo như thể tôi tiến hành việc cắt ra ở các độ cao khác nhau một tia nước ngũ sắc và với vẻ ngoài bất động – trong cùng một sự tuôn trào không gì cản nổi của mọi sức mạnh trong đời tôi.

Cuối cùng khi tiếp tục theo dõi từ trong ra ngoài những trạng thái đồng thời kề nhau trong ý thức, và trước khi đi đến chân trời thực bao bọc chúng, tôi tìm thấy những lạc thú thuộc một loại khác, lạc thú được ngồi yên, được cảm nhận mùi hương của không khí, không bị làm phiền bởi một cuộc viếng thăm; và, khi một giờ điểm trên gác chuông Saint-Hilaire, được nhìn thấy rơi xuống từng mẩu từng mẩu những gì của buổi chiều đã hoàn tất rồi, cho đến khi tôi nghe thấy tiếng chuông cuối cùng cho phép tôi tổng cộng lại và theo sau nó là một sự im lặng dài có vẻ như làm bắt đầu trên nền trời xanh toàn bộ phần buổi chiều hãy còn được chấp thuận cho tôi để đọc cho đến bữa tối mà Françoise sửa soạn và làm tôi khoẻ lại sau những mệt mỏi, trong khi đọc cuốn sách, theo dõi nhân vật của cuốn sách ấy. Và cứ mỗi giờ, tôi lại thấy dường như giờ trước chỉ mới vang lên vài khoảnh khắc trước đó; giờ gần nhất đến ghi tên sát cạnh giờ kia trên nền trời và tôi không sao tin được rằng sáu mươi phút lại có thể ở được trong cái vòng cung nho nhỏ xanh lơ nằm trọn giữa hai dấu vàng của sáu mươi phút đó. Thậm chí đôi khi cái giờ đến quá sớm ấy điểm thêm hai tiếng so với giờ trước; tức là đã có một tiếng mà tôi đã không nghe thấy; cái gì đó đã diễn ra nhưng lại không diễn ra với tôi; hứng thú đọc sách, diệu kì như một giấc ngủ sâu, đã lừa gạt đôi tai bị ảo giác của tôi và xoá đi cái chuông vàng trên bề mặt xanh xanh của sự lặng yên. Hỡi những chiều chủ nhật đẹp trời dưới cây dẻ trong vườn Combray, được tôi cẩn trọng trút bỏ hết những rối ren tầm thường của sự tồn tại cá nhân mà tôi đã thay thế bằng một cuộc sống của những phiêu lưu và khát vọng lạ kì trong lòng một xứ sở được tưới tắm bằng những dòng chảy, bạn vẫn còn gợi lên trong tôi cuộc sống ấy khi tôi nghĩ đến bạn và quả vậy bạn mang trong mình cuộc sống ấy do đã dần dần đi vòng quanh nó và vây kín nó – trong khi tôi tiếp tục đọc và trong khi cái nóng ban ngày dịu xuống – trong cái trong trẻo liên tiếp, thay đổi chậm rãi và có những tán lá cây xuyên qua, của những giờ phút im lặng, âm vang, thơm hương và trong vắt của bạn.

-----------------------------

[1] Đầu đề do dịch giả đặt

 

Người dịch: Nguyễn Giáng Hương

Hiệu đính: Dương TườngLê Hồng Sâm

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhà văn đọc sách  

Mai Văn Phấn “giấu mặt” trong “hoa”

VanVN.Net - Từ xưa đến nay, bài thơ viết ngắn nhất là bài thơ chỉ có một câu. Kỷ lục vẫn thuộc về R. Tagore (nhà thơ ấn Độ, người đã đoạt giải Nô-ben văn chương cách nay trên 30 năm). ...