Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Kỷ yếu Hội thảo Thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền miền Trung - P2

(Tham luận Hội thảo thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền Trung)

VanVN.Net - 12-10-2011 05:09:04 PM

VanVN.Net - Văn thơ là gì mà quan trọng vậy? Theo kinh điển, văn là những ngôn từ đã vượt qua thông tin cấp một. Còn thơ thì như văn nhưng cộng thêm vần điệu. Người có văn hóa thì phải biết chấp nhận thước đo chung, khi ta chấp nhận thước đo giành cho người khác, đến lượt ta mới được đo bằng thước ấy. Đấy là một sinh hoạt lành mạnh, không à uôm, không tháu cáy, không cân gian… Chỉ có bằng một sinh hoạt lành mạnh chung thực thì chúng ta mới có trận đấu chung thực để tìm thấy nhà quán quân đích thực. trái lại, nếu chúng ta sinh hoạt đời sống thơ à uôm, nhập nhèm thì chúng ta chỉ tìm ra một giải quán quân nửa vời tranh tối tranh sáng mà thôi. (Nhà thơ Nguyễn Hoàng Đức)

LẠM BÀN VỀ THƠ VIỆT HÔM NAY

Nguyễn Khoa Điềm

Xin dùng chữ “ lạm bàn” vì đã mượn hội thảo thơ miền Trung để nói về thơ Việt. Thêm một lẽ nữa, nói đến thơ Việt thì rất rộng lớn mà bài viết chỉ muốn đề cập một vài khía cạnh được cho là quan trọng.

1. Trước hết là lịch sử. Các nhà sử học hiện đại thường coi lịch sử dân tộc là lịch sử của lòng yêu nước và xem đó là “sợi chỉ đỏ” của hành trình dân tộc. Trong chừng mực nhất định, quan niệm đó không khỏi đơn giản hóa lịch sử, đã và sẽ đẻ ra nhiều hậu quả chưa lường được.

Đành rằng chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc có ý nghĩa to lớn trong dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên trong hàng ngàn, hàng vạn năm không có chiến tranh, trận mạc, lúc đó lòng yêu nước trở thành “viên ngọc quý, được cất giữ trong rương trong hòm”, thì cái mà người Việt vẫn dựa vào để tồn tại vững vàng qua mỗi ngày lại là nhân cách Việt. Đó là tất cả những giá trị giúp con người tồn tại như một nhân cách xứng đáng, trong khuôn khổ cộng đồng Việt, tạm gọi là nhân cách Việt. Theo tôi, nghĩa vụ của sử học, văn hóa học, văn học là làm sáng tỏ nhân cách Việt qua hàng ngàn năm lịch sử và văn hiến nước nhà, như chúng ta từng giải mã chủ nghĩa yêu nước dân tộc. Theo nghĩa đó, có thể xem truyện Trạng Quỳnh là biểu tượng về nhân cách Việt, hơn là tinh thần phản phong và chống ngoại xâm như ta thường giải thích. Và “Hịch tướng sĩ văn” của Trần Hưng Đạo là lời nhắc nhở, cỗ vũ cho nhân cách Việt của một nhà quân sự đồng thời là một nhà chính trị tài ba đã làm bật lên sức mạnh người Việt. Chính sự kết hợp hài hòa chủ nghĩa yêu nước và nhân cách Việt ở đời Trần đã đem lại cho quân dân ta sĩ khí có một không hai, đầy dũng mãnh mà mưu lược, gan góc mà lạc quan, lúc hiểm nguy vẫn ung dung bền chí. Không có thời nào nhiều tấm gương đẹp về nhân cách như thời đó. 

Nhớ lại những năm 30 của thế kỷ trước, ta mất tự do độc lập, đó là nỗi đau lớn của mỗi người Việt. Tuy nhiên lật lại hàng chục tờ báo ngày đó chúng ta không thấy người Việt có vấn đề nhân cách, đạo đức, lối sống gay gắt như bây giờ hoặc nếu có thì cũng bị phê phán không thương tiếc. Phải chăng với nhân cách cứng mạnh đó cộng thêm lòng yêu nước được phát động mà dân ta quật khởi đập tan ách thực dân và bộ máy phong kiến vào năm 1945 ? Ngày đó, có biết bao bậc sĩ phu, những nhà nho yêu nước, những người cộng sản, những trí thức lỗi lạc, những nhà văn, những nghệ sĩ, nhà báo, nhà giáo đã làm việc hết mình vì phẩm chất và nhân cách Việt để có một dân tộc đầy súc mạnh, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” ? Tôi nghĩ đời nào cũng vậy, giáo dục lòng yêu nước và xây dựng nhân cách Việt là vấn đề có ý nghĩa sống còn của dân tộc ta.

2. Ngày nay, nhân cách là vấn đề lớn của thời đại. Do thuận lợi của thời thế, một người bây giờ có thể hiểu biết rất nhiều, nhưng anh ta vẫn có thể không đủ nhân cách để làm điều tốt đẹp, nhiều khi còn làm điều xấu. Vì vậy mệnh lệnh của thời đại là mệnh lệnh về nhân cách. Cái đập mắt mỗi người Việt nam  khi ra đường hôm nay là những vấn đề nhân cách. Nỗi lo âu của mỗi bà mẹ là sợ con hư. Nỗi sợ của người già là không tìm được sự cảm thông giữa các thế hệ. Nỗi sợ của nhà giáo dục là sợ học trò nói hỗn. Những cơ sở chăm lo cho nhân cách con người đều suy yếu, xuống cấp : trường học, sách báo, nhà hát, vườn trẻ , các hội đoàn … Nỗi lo đè lên mọi người. Bảo vệ dân tộc trước hết là bảo vệ con người Việt nam trên biên giới của nhân cách và mất nhân cách. Quả thật, những con người mạnh, một dân tộc mạnh chính là tư tưởng sâu rễ bền gốc của Đức Trần Hưng Đạo.

3. Thơ ca phải lên tiếng, phải đến với vấn đề nhân cách cá nhân, phẩm cách của dân tộc và phải tự mình trở thành nhân cách. Thơ Đường lớn không phải vì nó là đứa con của một thời đại thịnh trị, mà chính vì ở những đại diện lớn nhất của nó đã dám viết : “ Cửa son rượu thịt ôi / Ngoài đường xương chết rét” (Đỗ Phủ). Đó là nền thi ca của những nhân cách và tài năng lớn. Đó là nền thi ca giàu phẩm hạnh.

Tôi tin thơ hiện đại Việt nam nhất định sẽ vươn tới một sự kết tinh mới, bền vững trong sứ mệnh phát huy nhân cách Việt.

 

*****

 

KHÔNG THỂ CÓ THƠ HAY NẾU KHÔNG CÓ SINH HOẠT THƠ LÀNH MẠNH

Nguyễn Hoàng Đức

Câu chuyện làm sao để nền thơ của chúng ta hùng mạnh? Làm sao để chúng ta có những bài thơ và nhà thơ đỉnh cao phải nói tốn không biết bao nhiêu bút mực. Nhưng chúng ta có e ngại sự tốn kém đó không? Chắc là không! Bởi vì, còn sống thì người ta còn phải tốn thức ăn nuôi dưỡng, tốn nước uống, tốn rượu, tốn xăng xe đi lại, và tốn chi tiêu cho các loại hình giải trí. Sáng tạo thơ mà ngại bàn về thơ thì có khác gì ngành ca nhạc ngại hát hò múa may, ngành thể thao ngại chạy đua…

Nhưng bàn về thơ như thế nào? Chúng ta cần phân biệt: bàn về thơ có trách nhiệm, có sở cứ; khác với bàn lung tung vô trách nhiệm – bàn để trưng diện, khoe mẽ, làm sang, bàn để “được ăn, được nói”.

Để bàn về nền thơ của chúng ta nói chung, thiết nghĩ không thừa để chúng ta thừa nhận một sự thật chung, như Hội Nhà văn Việt Nam đã đánh giá không ít hơn một lần cho đến tận bây giờ: chúng ta chưa có tác phẩm lớn, tác phẩm đỉnh cao, tác phẩm ngang tầm thời đại, mới chỉ có tác phẩm bé và vừa.

Làm sao để có tác phẩm đỉnh cao? Chắc chắn là phải có nền móng rộng thì mới có đỉnh núi cao. Đất nếu chỉ rộng bằng miệng thúng thì không cách gì có thể mọc lên một trái núi đùa giỡn cùng mây gió. Đây là tiêu chí chắc chắn nhất. Các chuyên gia bóng đá cho rằng, cầu thủ giỏi, đội tuyển bóng đá mạnh, và các câu lạc bộ đỉnh cao chỉ được sản sinh trong môi trường bóng đá toàn thể của đất nước. Phong trào bóng đá ở Mỹ yếu, dù Mỹ là một cường quốc trên nhiều lĩnh vực, nhưng về bóng đá thì vẫn ở trình độ nhược tiểu. Có một câu hỏi cho nền thơ Việt Nam, thơ của chúng ta èo uột, làng nhàng, thiếu bứt phá, thiếu thăng hoa cực đoan là tại sao dù chúng ta có số đông người làm thơ bậc nhất thế giới đi nữa? Câu trả lời 99% là: vì sinh hoạt thơ của chúng ta quá nghiệp dư yếu ớt, thừa cãi vã lung tung vô sở cứ mà thiếu những ý kiến xác đáng nghiêm túc có trách nhiệm.

Muốn làm thơ hay, thì chúng ta không chỉ có mỗi một việc là viết thơ rồi ngâm vịnh, mà chúng ta phải sống thơ, hành động thơ, sinh hoạt thơ, văn hóa thơ. Về trình độ văn hóa của văn nghệ sĩ Việt Nam ở mức lè tè thế này, một lần ngồi xem ti vi, nhìn cảnh các văn nghệ sĩ Việt mặc quần áo lôm côm, sắn áo dài tay, đi giầy thể thao… một anh bạn có nói, mọi người nhìn đi, những cầu thủ nước ngoài lên lĩnh giải thưởng, họ vận com lê đồng bộ đàng hoàng, vậy mà ở đây chúng ta toàn nghệ sĩ tên tuổi “nhớn” lại ăn mặc ba vạ, lôm côm, tùy tiện như vậy, thử hỏi văn hóa của văn nghệ sĩ chúng ta ở mức nào?

Giờ hãy xét về việc làm thơ. Những người làm thơ xứ ta mang một vinh dự quá lớn vì nó đồng nghĩa với người có học và giới trí thức. Tại sao? Theo truyền thống Hán học ngày xưa, chỉ người có chữ mới múa bút viết câu đối hay tức cảnh sinh tình làm thơ. Vậy thì rõ ràng bây giờ ai làm được thơ, viết được văn thì là người có chữ. Nhưng do đặc điểm bình dân học vụ của tiếng Việt, chỉ sau vài năm tranh thủ học buổi tối, người Việt đã xóa mù gần 90%, đang chỉ vài phần trăm mù chữ hóa thành hơn 90% biết chữ. Tốc độ học chữ đó đã để lại một khoảng trống khổng lồ trong tâm thức của người Việt. Chúng ta thử so sánh một chút với tiếng Nga có sáu cách ngữ pháp, tiếng Pháp chia động từ đặc biệt phải thuộc cả trang mà ngay cả các nhà văn lỗi lạc của họ khi chia động từ cũng phải tra sách, còn tiếng Latin có bảy cách… Triết gia J. Sartre cho rằng: tất cả những người có tri thức cao đều có thể viết văn, chỉ có điều người ta làm nghề khác mà thôi. Tiếng Việt ta do Alexandre de Rhodes chế tác bằng cách ghép những cấu tự Latin đơn giản nhất để truyền đạo cho dân “mọi”. Có chuyên gia đánh giá, người khôn học tiếng Việt thì mất 21 ngày, người ngu lòi tĩ học tiếng Việt mất khoảng ba tháng, có một bằng chứng phổ biến rằng tât cả các lớp một cho dù tận thâm sơn cùng cốc, sau một năm học, các em đều có thể cầm tờ báo đọc vèo vèo.

Như vậy, đặc điểm của dân trí Việt, trí thức Việt hay nhà thơ Việt nói chung có hai điểm chính:

1 - Tiếng Việt là thứ chữ nghĩa dễ dãi.

2 - Tiếng Việt học cấp tốc thời bình dân học vụ là một thứ “bánh xốp” nhiều bột nở gia tốc để lại vô vàn lỗ hổng.

Ngôn ngữ là trí tuệ! Trí tuệ là ngôn ngữ! Đấy là một đúc rút phổ quát bậc nhất của các nhà khoa học ngôn ngữ từ triết gia Platon trở đi. Và với một chữ nghĩa lỏng lẻo về cấu trúc, về các thành phần của câu nào tính từ, trạng từ, rồi chia động từ, chính thế đã tạo ra một thói quen, một tính cách, một phẩm chất khá hời hợt, dễ dãi, tùy tiện và buông thả, nhiều khi thiếu trách nhiệm của trí thức Việt. Một biểu hiện khá phổ biến của đặc điểm này là, có rất nhiều cây bút Việt nói: viết hay là do thiên bẩm mới có chứ đâu phải do học hành. Đây là cách nói ngụy biện cho việc ít học của họ. Mozart hay Beethoven mà không có thiên bẩm sao, vậy mà họ phải tập đàn hơn mười giờ một ngày mới thành tài. Một phương ngôn rất phổ thông của phương Tây được nói hàng ngày rằng “luyện tập là bí quyết của thành công”. Nhạc sĩ thiên tài Schumann có nói: “Thiên tài chỉ là chút sắt gỉ, nếu không được tinh chế thì không thể thành dây cót đồng hồ”. Chúng ta thử nhìn ra khắp thế giới, nước mênh mông vô tận thật là nhiều nhưng làm gì có giọt nước nào tự hóa rượu nếu không nhờ bàn tay tinh chế của con người? Chính văn hào Victor Hugo đã nói: “Thượng Đế làm ra nước, con người làm ra rượu”. Vậy nếu ta còn ít học thì hãy cố học nhiều lên, chứ đừng yên chí gối cao ngủ kỹ bằng một biện hộ phải có thiên bẩm mới thành tài, và hình như chính ta có thiên bẩm đó. Thiên bẩm cũng là thứ chính đáng, nhưng tiếc thay có rất nhiều người đã bơi cùng cá heo nhưng lúc vào cuộc đua lại không bao giờ chiến thắng. Tại sao? Vì tạo hóa nếu có tạo ra thiên bẩm thì cùng lúc cũng tạo ra sự trái khoáy nghịch lý thậm chí sỉ nhục thiên bẩm. Nếu ta có thiên bẩm, tức vốn tự có, thì có ai lấy mất của ta, cái vốn tự nhiên tất yếu đó không nên bàn, mà cái bàn là: ta sẽ tạo ra “con kênh” đào dài bao nhiêu km?

Sinh hoạt cao nhất của thơ cũng như các ngành khác là đối thoại, phê bình và lý luận. Phê bình lý luận thơ của chúng ta ra sao? Nói thẳng là yếu và rất yếu! Điều này đã được nhiều đại hội các cấp bàn đến và nêu ra một cách đích thực sở thị, cụ thể còn nêu báo Văn Nghệ nên có một trang chuyên môn giành cho lý luận phê bình, nhưng đến giờ này, báo Văn Nghệ vẫn chưa thể thực hiện được. Nhưng lại có một nghịch lý rằng, ở hội nghị nào, người ta đổ mồ hôi xếp chỗ cho các tham luận mà không đủ thời gian, cho dù là hội nghị văn thơ hay lý luận trẻ vẫn chỉ thấy các ông già lên thượng đài, nói đi nói lại vẫn chỉ có từng ấy “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” đã thế lại còn đem rất nhiều nào tượng trưng, nào siêu thực, nào hậu hiện đại, và rất nhiều chuyên gia kỳ cựu ra che chắn. Về việc này, tôi thấy chúng ta còn mang nặng dấu vết tiểu nông theo kiểu đi hội nghị để “được ăn, được nói”. Giờ biện pháp giải quyết việc này sẽ ra sao? Đề nghị báo Văn Nghệ hay tạp chí Văn Nghệ cho đăng nguyên văn những tham luận hay phát biểu của các bác tuổi đã quá đát sáng tạo, sau đó cho mọi người phản biện, nếu có cái hay thì xin học tập phát huy, còn nếu là cái “nói dai, nói dài, nói dại” thì nói và nghe một lần cho đã, xong rồi thôi, nên nhường phần nói cho lớp ít già hơn dù không còn trẻ nữa, chứ cứ tua đi tua lại làm sao có nền thơ tiến bộ được!

Còn về  các chủ nghĩa nào siêu thực, tượng trưng, hậu hiện đại hay gì gì nữa của các bác, qua theo dõi tôi thấy, hầu hết là cách đem nhân vật lớn hay chủ nghĩa lớn ra để bảo hiểm cho nhận thức còi cọc của mình. Tôi chắc đến 99% rằng, ở Việt Nam chưa một ai làm thơ theo lối rạch một đường cày tiền phong ở mức sản sinh chủ thuyết hay trường phái. Việc này không chỉ trong hiện thực mà còn ở mức lý thuyết trên phạm vi toàn cầu. Theo các chuyên gia đại bác học đánh giá: tất cả các chủ nghĩa trên đời như chủ nghĩa nô lệ, chủ nghĩa phong kiến, chủ nghĩa tư bản đều được đúc kết sau hiện thực, nghĩa là khi hiện thực đã qua đi rồi, người ta mới đặt tên gọi cho chủ nghĩa phong kiến, hay chủ nghĩa tư bản. Chỉ có duy nhất chủ nghĩa xã hội là ra đời có mô hình trước…

Cũng vậy, cho dù tượng trưng, siêu thực hay hậu hiện đại, thì người sáng tạo không phải lúc nào cũng nhằm nhằm đi trước hay đi theo nó, mà sáng tạo đích thực là cách người ta hòa đồng cùng nó, cái quan trọng hơn là người ta tạo ra tác phẩm chứ không phải là để tạo ra tên gọi trường phái này hay trường phái khác. Và về hiện thực, nước ta còn hơn 80% tam nông, chúng ta chưa hề có nền tảng rồi thói quen rồi nhu cầu muốn tạo ra các loại trường phái trong sáng tạo. Về việc này, mới đây có một nhà thơ bậc lão niên cho rằng: Người Việt chưa sẵn sàng đón đọc những tác phẩm hiện đại? vậy thì có nên đặt câu hỏi: người Việt đã có đủ tâm thế chín muồi để làm ra thơ trường phái hiện đại chưa? Thử nhìn, như bóng đá là môn cơ bắp mà người Việt mới chỉ có trình độ sân vắng teo vắng ngắt, đó là do thiếu chiến thuật hiện đại hay chỉ lo bán độ, đánh lộn, đánh cả trọng tài? Rồi ngành sản xuất ô tô, gần 20 năm chưa xác định được dòng xe lớn hay nhỏ là chiến lược thì do tư duy trường phái chiến lược nào hay chỉ muốn lắp ráp lấy tiền tươi nhanh? Thơ Việt Nam cũng vậy, nó ưu tư để muốn khai sơn phá thạch những vỉa quặng của bút pháp hay tư tưởng hoặc mấy chục năm chỉ chăm chắm lội lên mặt báo kiếm chút danh tức thì? Và có những ý kiến phản biện rằng, chẳng qua nói bạn đọc Việt chưa đủ nhận thức hiện đại để đọc thơ Việt là để bao biện cho thứ thơ giả cầy hiện đại đọc không vào của mình.

Muốn trở thành nhà thơ lớn cũng như nền thơ lớn hiển nhiên chúng ta phải nhảy vọt qua 2 đặc điểm khiếm khuyết của ngôn ngữ tiếng Việt như đã trình bày ở trên. Tất cả những người có học và tự hào mình là người có học thì như người Việt dạy đều phải “nói có sách mách có chứng”. Trái lại có học mà nói tùy tiện, bạ đâu nói đấy, nói không có sở cứ, không có trách nhiệm thì sẽ bị coi là thứ vô học, tùy tiện, cũng là dạng hạ tiện. Đời sống thơ Việt xuất hiện rất nhiều các lối sinh hoạt, đánh giá, tung hô, và thẩm định tùy tiện. Ngoài đời đã rõ, rõ hơn là trên mạng, đa số lấy các thứ tên nặc danh, nói rằng, tôi chỉ là quê mùa không biết gì, nhưng cuối cùng, tôi thấy thơ của anh A thế này không chấp nhận được, anh B thì đi vào lòng người… Đó là một dạng tháu cáy, nhận mình là quê mùa không biết gì để người ta “tha bổng” ở vòng loại, sau đó đến vòng chung kết thì lại phán xét, anh A thế này, anh B thế khác. Tóm lại đây là cách sinh hoạt thơ không có “hồ sơ” của người mang ý kiến. Cảnh sát Việt Nam cũng như các nước, muốn để họ nâng cao trách nhiệm, người ta phải in số hiệu, rồi tên riêng lên áo. Vậy mà muốn tham gia trao đổi văn chương học thuật lại cứ dùng võ ném đá giấu tay, không chịu trách nhiệm về viên đá mình ném ra, thử hỏi làm sao nền thơ có sinh hoạt lành mạnh? Có người còn bảo “trích thơ thế cũng trích, sao không trích câu hay của tác giả?” Nếu thấy câu nào hay hơn, sao người đó không trích ra để người khác thưởng thức, lại còn bắn “chỉ thiên” như vậy thì làm sao có thể định vị cho trí tuệ của mình?

Nhưng sẽ là ngây thơ khi tin nhiều nhà thơ của chúng ta chỉ sống bằng cảm tính. Cụ thể, khi được in thơ ở các báo văn nghệ, nếu ông nào đứng số 19 mà đăng thụt ông ấy xuống 21, thì có vấn đề ngay. Thậm chí nếu ông ấy đáng đứng ở hàng năm mà cho ông ấy xuống hàng sáu cũng lập tức có phản ứng. Vì thế ở nhiều báo, người ta rất thận trọng khi in ảnh hoa lá cảnh vào trang thơ, thà in một cái ảnh chèn vào, để các ông không thể tăng hay tụt hàng, còn hơn làm sai hàng thì hệ lụy ngay. Điều đó chứng tỏ nhiều nhà thơ không hề xuê xoa cảm tính chút nào. Thậm chí họ còn rất tháu cáy, nếu thấy mình tăng hạng thì không sao, nhưng chỉ cần thấy mình rớt mấy con số thôi thì phản ứng liền. Ở đời, người quân tử thì muốn nâng người khác lên cho bằng mình, còn kẻ tiểu nhân thì muốn kéo mọi người xuống ngang mình. Trong một công ty, người giám đốc muốn phân công việc, anh ta phải phân biệt người này là tổ trưởng, người kia là tổ phó, chỉ có thế dây chuyền mới hoạt động. còn kẻ lười nhác hãm tài lủi việc trong xó tối và muốn mọi người đều bất tài lười nhác như mình để được dung túng ẩn nấp. Đó chính là lý do những kẻ thấp kém đều mong chơi hòa cả làng, chơi hội đồng, và chơi tập thể. Một dàn đồng ca, thì không cần phân biệt kẻ hát hay người hát dở, vì tiền trả được chia đều mỗi người một tẹo. Nhưng hát đơn ca thì không vậy, nếu anh hát dở thì không được hát mà phải nhường cho người hát hay hơn, như vậy người ta phải quyết liệt cạnh tranh loại bỏ nhau. Đó là sự phân biện của loại tuyển.

Để kết thúc bài viết, tôi xin đưa ra hai mình họa:

1 - Về văn xuôi, tôi chọn Nguyễn Huy Thiệp, vì ông là “vua truyện ngắn” đứng rất lâu chưa có người lật đổ ở làng văn. Vừa rồi, tôi nói chuyện với một anh bạn rất xuýt xoa khâm phục tài năng văn chương của N H Thiệp. Tôi hỏi “vậy tại sao ông Thiệp không được đề cử và lĩnh giải Nhà Nước hay Hồ Chí Minh”. Anh ta cười xòa và bảo “ông Thiệp làm sao mà được?” Tôi liền bảo: như vậy nhận thức của anh có vấn đề và không công bằng, anh vừa ca ngợi ông Thiệp như vậy, giờ lại cho rằng ông ta không xứng đáng nhận giải hơn những người tài năng thua hẳn ông ta, là cớ làm sao? “Không được! Không được!” anh ta lại cười xòa như một bằng chứng xuê xoa tất cả. Chỉ có điều giải thưởng lớn kia rơi vào tay ai sẽ là một định hướng mà không thể nào là xuê xoa cả???

2 - Về thơ, tôi chọn Nguyễn Quang Thiều, vì , với tập “Sự mất ngủ của lửa”, cùng với cả hành trình dài, yêu thơ, làm thơ, dằn vặt vì thơ, tôi thấy N Q Thiều đã chạy vượt tới một cái đích khá xa. Nhưng đã rất từ lâu, 20 năm rồi, tôi vẫn gặp những con người thế này, họ tuyên bố ngay “Nguyễn Quang Thiều là dân văn xuôi, chỉ biết viết văn, không biết làm thơ”. Nói xong họ cũng chẳng cần phải đưa ra bất kỳ một sở cứ nào. Và kiểu nói này không chỉ giành cho Nguyễn Quang Thiều mà giành cho rất nhiều tác giả thơ, họ vẫn thường nói, cô A, anh B ư, đấy đâu có phải là thơ? Chỉ cần thao tác một câu đó mọi người liền bị gạt sang lề.

Văn thơ là gì mà quan trọng vậy? Theo kinh điển, văn là những ngôn từ đã vượt qua thông tin cấp một. Còn thơ thì như văn nhưng cộng thêm vần điệu. Người có văn hóa thì phải biết chấp nhận thước đo chung, khi ta chấp nhận thước đo giành cho người khác, đến lượt ta mới được đo bằng thước ấy. Đấy là một sinh hoạt lành mạnh, không à uôm, không tháu cáy, không cân gian… Chỉ có bằng một sinh hoạt lành mạnh chung thực thì chúng ta mới có trận đấu chung thực để tìm thấy nhà quán quân đích thực. trái lại, nếu chúng ta sinh hoạt đời sống thơ à uôm, nhập nhèm thì chúng ta chỉ tìm ra một giải quán quân nửa vời tranh tối tranh sáng mà thôi.

05/9/2011

 

*****

 

XỨ THANH - MIỀN ĐẤT THI CA

TS Hỏa Diệu Thúy

Nhà bác học Phan Huy Chú trong bộ bách khoa thư Lịch triều hiến chương loại chí đã viết về vùng đất xứ Thanh: “Thanh Hóa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông... núi sông rất đẹp, là một chỗ có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Vẻ non sông tươi tốt chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho... Bởi đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường, vượng khí chung đúc, xứng đáng đứng đầu cả nước”.

Danh sĩ Nguyễn Thượng Hiền trong bài hát nói Bản tỉnh phong cảnh ca cũng dành cho xứ Thanh những dòng trác tuyệt:

                          
Nhân trung cảnh, cảnh trung nhân

Nhân với cảnh tứ thời giai sinh sắc

Tam thập lục động thừa tuyên đệ nhất

Thanh Hoa nhân vật tối giai.

Vùng đất ấy nếu có trở thành một miền thơ, một xứ thơ kể cũng không mấy ngạc nhiên. Quả là tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho mảnh đất này những điều kiện để trở thành xứ sở thi ca với cả hai nghĩa: nơi sinh thành, hội tụ các thi nhân, cũng là nơi khơi nguồn cảm hứng thi ca.

1. Xứ sở của thi nhân...

Thích làm thơ và đọc thơ, vận thơ, nếu coi đây là phẩm chất chung của người Việt, thì có lẽ xứ Thanh là một trong những vùng đất có “tố chất” thi ca nổi bật. Vùng đất được coi là “Việt Nam thu nhỏ” này nơi đâu cũng có dấu ấn của nguồn mạch thi ca. Thì đây, cả một vùng miền tây rộng lớn của xứ Thanh chính là quê hương của Mo, của Xường, của những truyện thơ dài nổi tiếng: Nàng Nga – Hai Mối, Sống chụ xôn xao... và những người dân lam lũ chính là tác giả của những “bài thơ cổ” quý hiếm đó. Đây nữa, trên đất nước Việt Nam có rất nhiều kênh rạch này, song chỉ có hai con sông của miền Trung mới sinh ra những điệu hò nổi tiếng. Nếu sông Hương làm cất lên những làn điệu da diết thì sông Mã lại sinh ra những làn điệu hò bộc trực, khỏe khoắn như tính cách, tâm hồn con người xứ này. Khi nhà thơ - nghệ sỹ dân gian cất lên những điệu hò, cũng là lúc trái tim cất tiếng nói thi ca:

Vắng cơm một bữa chẳng sao

Vắng em một bữa lao đao cả ngày

Vắng em chỉ một phiên đò

Trầu ăn chẳng có chuyện đò thì không

(Hò Sông Mã)

Dễ hiểu vì sao mạch đấy này không chỉ vượng “tướng” mà còn giàu “thi nhân”. Hơn thế, hai phẩm chất này hội tụ, sinh ra những hào kiệt từng làm rạng rỡ cho quê hương, đất nước: Đinh Củng Viên, Hồ Quý Ly, Nguyễn Mộng Tuân, Lê Lợi, Lê Thánh Tông, Lê Văn Hưu, Lương Đắc Bằng, Lê Khôi, Lê Quát, Lê Cảnh Tuân, Trịnh Sâm, Trịnh Tráng, Nhữ Bá Sỹ, Tống Duy Tân, Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Trần Xuân Soạn v.v... Những tên tuổi lừng lẫy ấy, dù là đấng quân vương hay bậc sĩ phu, nho sĩ, họ đều có chung những phẩm chất: khí phách và tài hoa.

Đây là bài ngẫu hứng của Thái tổ Lê Lợi, nhân một lần cầm quân đánh dẹp trở về. Tâm hồn thi nhân từ trong cốt cách dũng tướng cất lên thành những vần thơ hào sảng và bay bổng lạ thường:

                                   Kỳ khu hiểm lộ bất từ nan,

                                   Lão ngã do tồn thiết thạch can.

                                   Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ,

                                   Tráng tâm di tận vạn trùng san.

                                   Biên phỏng vị hảo trù phương lược,

                                   Xã tắc ưng tu kế cửu an,

                                   Hư đạo nguy than tam bách khúc,

                                   Như kim chỉ tác thuận lưu khan.

                                                     (Đi đánh Điêu Cát Hãn trở về qua đường đê Long Thủy)

 

                                   (Gian nan nào ngại cách non sông,

                                   Già cả mà ta vẫn vững lòng.

                                   Nghĩa khí dẹp tan mù mấy lớp,

                                   Tráng tâm san phẳng núi muôn trùng.

                                   Phòng ngừa bờ cõi cần ra sức,

                                   Giữ vững cơ đồ phải gắng công.

                                   Thác, suối ba trăm dù hiểm trở,

                                   Nay xem nào khác nước xuôi dòng.)

Phẩm chất ấy truyền lại cho những thế hệ sau và nền thơ Việt Nam tự hào có thêm một bậc minh quân thi sĩ:

                                   Thúy vi hựu địa khả bồi hồi

                                   Vọng viễn đăng cao vũ trụ khôi

                                   Khước nhạ cáo thành phong Ngọc Kiểm

                                   Thù phi thất lộ nhập Thiên Thai

                                   Nhà văn mã địa vô nhân tảo

                                   Hư thất lăng không trấn nhật khai

                                   Yểu điệu giản cùng lâm tận ngoại

                                   Thời yêu hoàng ốc thủy hoa lai.

                                                                      (Đề Long Quang động – Lê Thánh Tông)

 

                                   (Sườn núi xanh xanh đẹp quá chừng

                                   Lên cao vũ trụ rộng không cùng

                                   Cáo thành cứ ngỡ lên non Kiểm

                                   Lạc lối đường như tới chốn Bồng

                                   Không quét mây vương đầy mặt đất

                                   Vút trời động chắn giữa tầng không

                                   Phong quang suốt tận ven rừng suối

                                   Thi thoảng mời vua đến ngắm trông.)

                                                                      (Hải Anh dịch)

Đến giai đoạn hiện đại, lực lượng thi nhân của xứ Thanh ở thời điểm nào cũng có những gương mặt tiêu biểu. Trong công cuộc hiện đại hóa thơ Việt Nam diễn ra vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, xứ Thanh tham gia với hai gương mặt nữ (quả là thú vị!): Vân Đài và T.T.KH. Nữ sĩ Vân Đài sinh ở Hà Nội nhưng gốc Thanh (người làng Hà Mô, huyện Nông Cống). Bà đã sớm có thơ đăng ở các báo Phụ nữ tân văn, Phong hóa, Ngày nay. Chọn giới thiệu Vân Đài bởi tác giả Thi nhân Việt Nam nhận thấy Vân Đài là “một người thơ” với “lời thơ bao giờ cũng nhẹ nhàng, êm ái. Ít khi tiếng Nam có vị ngọt ngào như thế. Ấy vì Vân Đài ưa nói những gì rất mong manh, rất bình yên”.

Người thứ hai từng gây “náo nhiệt” thi đàn những năm cuối của thập kỷ 30 chính là bút danh T.T.KH. Hồi ấy, Tiểu thuyết thứ bảy đã nhận được hai bài thơ cùng “một nét chữ run run”. Đó là “Bài thơ thứ nhất” và “Hai sắc hoa ti gôn”. Tác giả của hai thi phẩm không ghi địa chỉ, nhưng lời kể của nhân vật trữ tình đã hé lộ, đó là người ở “vườn Thanh”:

                                   Ở lại vườn Thanh có một mình

                                   Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh

                                   Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo

                                   Yêu bóng chim xa, nắng lướt mành.

                                                                      (Bài thơ thứ nhất)                                    

Cách mạng tháng Tám, rồi tiếp đến là cuộc kháng chiến chống Pháp, thời đại sử thi với những sự kiện lớn dường như “hợp” với tố chất xứ Thanh, đồng điệu với khí chất xứ Thanh, nên khi thi đàn của nền văn học mới cách mạng đang thưa thớt bởi các “chiến tướng” của thơ mới chưa kịp nhập cuộc bỗng xuất hiện những cái tên gắn với những thi phẩm chói sáng: Trần Mai Ninh với Tình sống núi, Nhớ máu; Hữu Loan với Đèo cả, Màu tím hoa sim, Yên Mô, Hoa lúa, Những làng đi qua; Hồng Nguyên với Nhớ, Thôi Hữu với Lên Cấm Sơn... Qua sàng lọc của thời gian, đến bây giờ, những thi phẩm ấy vẫn là những tác phẩm tiêu biểu của nền thơ kháng chiến.

Trong lớp thế hệ thơ thời chống Mỹ, xứ Thanh góp những cái tên: Nguyễn Duy, Cẩm Giang, Lê Đình Cánh, Lê Văn Vọng, Lữ Giang, Nguyễn Bao, Xuân Sách, Trần Vũ Mai, Mã Giang Lân, Trịnh Thanh Sơn, Anh Chi, Mai Văn Hai, v.v...

Tham gia vào diễn đàn thơ thời kỳ đất nước đổi mới có cả những người lính từ chiến trường ra như: Mai Ngọc Thanh, Lã Hoan, Huy Trụ, Nguyễn Ngọc Quế, Trịnh Anh Đạt, v.v... và những cây bút do đam mê thơ, nặng lòng với thơ cho dù có lúc nhà thơ lâm vào tình cảnh: Thơ ơi ta bảo thơ này/ Để ta đi cấy đi cày nuôi em (Nguyễn Duy), như: Văn Đắc, Mạnh Lê, Đào Phụng, Mai Ngọc Thanh, Vũ Thị Khương, Lê Thị Kim, Phạm Khang, Nguyễn Minh Khiêm v.v... Và gần đây là những cái tên mới: Nguyễn Anh Nông, Lâm Bằng, Phạm Văn Dũng, Trương Thị Mầu, Bùi Nhị Lê v.v...

Thế hệ nối tiếp thế hệ, mạch đất xứ Thanh đã dâng hiến và góp phần làm cho thảm rừng thi ca dân tộc thêm phong phú, tốt tươi và giàu bản sắc.                      

2. Bản sắc xứ Thanh trong thơ

Nếu không tìm tới điều này thì khó thuyết phục rằng nơi đây là miền thơ, là xứ thơ. Bởi đã một “xứ”, thường phải gắn liền với bản sắc, tạo nên bản sắc. Vậy bản sắc “miền thơ xứ Thanh ” là gì? Nhận ra được điều này quả không dễ, tuy nhiên, người viết vốn có cội rễ xứ Thanh nên cứ thử đưa ra những phán đoán, coi như để học hỏi và tìm sự tri âm vậy.

Những“ám ảnh về dải đất miền trung”. Có thể coi đây là biểu hiện đầu tiên của bản sắc xứ Thanh trong thơ. Ấn tượng này không chỉ bộc lộ trong thơ xứ Thanh mà cũng sẽ có trong thơ của các “xứ” khác cùng dải đất giống như chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước này. Dễ hiểu thôi, rẻo đất miền Trung, tự nó đã là một ấn tượng mạnh khiến cho ai từ trong cái nôi ấy đi ra đều thấm thía:

                                   - Sông Chu chớp bể mưa nguồn

                                   Trời quê bão giật mây cuồn cuộn mây

                                   Trăm năm cây lúa vẫn gầy...

                                                                                      (Lê Đình Cánh)

                                   - Đi dọc miền Trung

                                   Mới thấy dải đất này không thể nào hẹp hơn được nữa

                                   Tôi đi mà nghe lòng nao nao

                                   Thương mảnh đất miền Trung mảnh mai, gầy guộc

                                                                                      (Phạm Đình Ân)

                                   - Người miền Trung đi đâu cũng nhớ

                                   Quê nhà cát trắng núi xa xanh

                                   Có lúc mồi ngon, ly rượu mạnh

                                   Vẫn thèm ăn một chén cơm cà

                                                                                      (Trần Hoàng Vy)

                                   - Lâu lắm rồi chẳng về lại miền Trung

                                   Mảnh đất cằn, cuốc lên toàn sỏi đá

                                   Những cơn gió Lào thổi khô tất cả

                                   Ngoảnh bên nào cũng thấy khô rang

                                                                                      (Võ Mai Anh Kiệt)

Thơ thời trung đại ít nói đến điều này mà phải đến thời hiện đại khi cái bản ngã có chỗ đứng, những cảm xúc riêng tư có dịp bộc lộ. Người miền Trung khi đi ra có dịp nhìn lại, mới thấy thương quê hương và tự thương mình. Có lẽ chỉ người miền Trung mới có tình cảm gắn bó đặc biệt với quê hương đến vậy. Xứ Thanh nói riêng, người miền Trung nói chung, khi nói chuyện mình thường “gói” cả quê hương vào đó. Trong mỗi người xứ Thanh luôn có hồn cốt “miền Trung”:

- Thiên tai xô vẹt đất người

Dòng sông co lại. Môi cười rộp lên

                                                                         (Đào Phụng)

                                   - Con dấu chìm chạm trổ tận trong xương

                                   Thời thơ ấu không thể nào đánh đổi

                                   Trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội

                                   Có một miền quê trong đi đứng nói cười

                                                                         (Tuổi thơ - Nguyễn Duy)

Cái miền quê “in dấu chìm” vào “tận trong xương” ấy của thơ Nguyễn Duy là làng Quảng, là Bố Vệ, là xứ Thanh:

                                   Ai qua Thanh Hóa về Quảng Xá

                                   Men rượu là hương vị của làng tôi

                                   Nhắc Cầu Bố chắc nhiều người còn nhớ

                                   Đình nhà Lê rêu phủ đã bao đời.

tác giả nhận thấy trong cha mình có “dân làng tôi”, và “xứ Thanh”:

                                   Cha tôi đó... dân làng tôi vậy đó

                                   Xả hết mình khi nước gặp tai ương

                                   Rồi thanh thản trở về với ruộng

                                   Sống lặng yên như cây cỏ sau vườn.

                                                                          (Cầu Bố- Nguyễn Duy)

Bám trụ cùng xứ Thanh, Huy Trụ có lẽ là nhà thơ có nhiều dịp “suy ngẫm” về xứ Thanh nhiều hơn cả. Thi sỹ cảm nhận quê mình là “vùng đất bão”, tự hào biết mấy và cũng thương biết mấy:

                                   Quê hương tôi

                                   Một vùng đất lắm đền đài vua chúa

                                   Gió trở mặt thành cơn bão dữ

                                   Sông cũng thành sông ngựa

                                   Chảy ngang tàng qua bãi mía nương dâu

                                                                          (Vùng đất bão)

Thi sỹ còn nhận thấy biểu tượng cho “phẩm chất Thanh” ở dòng sông “ngang tàng” mà cũng trữ tình vời vợi:  

                                   Riêng một điều em nhận ở đất Thanh

                                   Cái giàu có ẩn trong từng con sóng

                                   Nên dòng sông trước khi ra biển rộng

                                   Hắt lên tay người bão lũ với phù sa

                                                                          (Sông Mã – Huy Trụ)

Dường như không hẹn mà gặp, các nhà thơ miền Trung, trong đó có xứ Thanh đều có chung cảm nhận, miền Trung giống “mẹ”, giống “bà” từ dáng hình đến phẩm chất. Và các thi sỹ khi làm thơ về mẹ, về bà của mình mà người đọc thì cảm nhận thấy cả miền Trung:

- Mẹ ta không có yếm đào

Nón mê thay nón quai thao đội đầu

Rối ren tay bí tay bầu

Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa

                                                                          (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa- Nguyễn Duy)

- Áo nâu còn đẫm mưa phùn

Còn hoai vị cỏ sục bùn lúa non

                                                                          (Mẹ ra Hà Nội – Lê Đình Cánh)

                                   - Những ngón tay của mẹ như những củ nghệ,

                                   củ dong mọc xuyên qua tổ kiến lửa,

                                   chai xạm, sần sùi, vàng như rễ có.

                                   Nắng mưa không còn chỗ nào thấm sâu hơn.

                                   Những vết sẹo không còn chỗ để dày thêm được nữa.

                                                                  (Những ngón tay của mẹ - Nguyễn Minh Khiêm)

- Lành nhường con, ấm dụm chồng

Áo dăm mụn vá...nỗi lòng đâu yên

                                                                          (Mẹ - Trịnh Anh Đạt)

                                   - Trong giấc mơ tôi ẩn hiện bóng Bà

                                   Cắp rổ khoai dọc bờ sông vắng

                                   Bước chầm chậm, thời gian trĩu nặng

                                   Đã làm cong lưng Bà!

                                                                  (Bà tôi – Trịnh Thanh Sơn)

                                   - Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế

                                   Bà mò cua bắt tép ở Đồng Quan

                                   Bà đi gánh chè xanh Ba Trại

                                   Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn.

                                                                  (Đò Lèn – Nguyễn Duy)

                                                          v.v...

Biểu hiện thứ hai cho bản sắc xứ Thanh trong thơ có lẽ là nét “rắn rỏi, bộc trực”: Nếu thử xếp thơ của các cây bút xứ Thanh lại với nhau, người đọc sẽ nhận ra thơ họ có điểm chung thú vị: cứng cỏi, gai góc, bộc trực, “vuông chành chạnh”. Liệu, đó có phải là “tính cách Thanh”, phẩm chất đặc trưng của người xứ Thanh chăng? Không biết có phải những “đỉnh núi cao vót”, những dòng sông lắm thác ghềnh, gió Lào cát trắng, biển một bên và rừng núi một bên đã tạo ra sự rắn rỏi, lắm khi đến quyết liệt của “tố chất” người xứ Thanh: Yêu thích nói đùa ghét ưa nói thật/ răng, rứa, mô, tê, cũng vào dân ca (Dô tả dô tà). Bên trong tính cách đó nhất định sẽ là một trái tim nồng nhiệt. Trái tim ấy luôn có xu hướng đạt đến ngưỡng tuyệt đối của tình cảm. Chỉ có ở tính cách “Thanh” mới có nỗi buồn ghê gớm như thế này:

                                   Một cộng với một thành đôi

                                   Anh cộng cô đơn thành biển

                                   Nắng tắt mà người không đến

                                   Anh ngồi rót biển vào chai

                                                                      (Biển vắng – Trịnh Thanh Sơn)

Và một tình yêu lạ thường như thế này:

                                   Tôi người vệ quốc quân

                                   xa gia đình

                                   yêu nàng như tình yêu em gái

                                   Ngày hợp hôn

                                   nàng không đòi may áo mới

                                   Tôi mặc đồ quân nhân

                                   Đôi giày đinh

                                   bết bùn đất hành quân

                                   Nàng cười xinh xinh

                                   bên anh chồng độc đáo.

                                                                      (Màu tím hoa sim – Hữu Loan)

Rạch ròi, dứt khoát, tin mình và tin người, sẵn sàng xả thân, sẵn sàng hy sinh vì tình yêu, vì niềm tin, đó là phẩm chất xứ Thanh, là người Thanh. Xin cúi đầu trước những bà mẹ Việt Nam anh hùng, song cũng xin giành sự ngưỡng mộ cho những bà mẹ miền Trung – xứ Thanh trong hai cuộc kháng chiến:

                                   Bao nhiêu bà mẹ chờ chồng

                                   Núi

                                          Không đủ đá

                                                     Để

                                                            Trồng vọng phu

                                                                            (Mẹ miền Trung – Trịnh Anh Đạt)

Rạch ròi và quyết liệt trong mọi chuyện, kể cả chuyện làm thơ:

Thơ là rượu của thế gian

Phải đâu nước lọc rót tràn mời nhau

                                                                   (Gửi bạn làm thơ – Huy Trụ)

Tính cách rắn rỏi của người xứ Thanh tạo nên sự xui khiến: các nhà thơ xứ Thanh thích lối thơ bậc thang và “thơ – văn xuôi”. Ở lối thơ này, các cây bút xứ Thanh sử dụng thành công hơn cả. Đó là trường hợp của Trần Mai Ninh với Nhớ máu; Hữu Loan với Đèo cả, Hoa lúa; Hồng Nguyên với Nhớ; Nguyễn Duy với Tre Việt Nam, Đánh thức tiềm lực v.v...

Sự rắn rỏi rất dễ đưa thơ gần với “duy lý”, dù trữ tình mấy đi chăng nữa vẫn có cốt lõi duy lý: hay suy tư, triết lý, thích khái quát, thích đưa những vấn đề chính trị, xã hội vào thơ. Thử lắng lại một lần nữa bài Màu tím hoa sim của Hữu Loan, một bài thơ được coi là trữ tình bậc nhất của thơ hiện đại Việt Nam bởi chiều sâu nhân bản mà bài thơ đề cập tới: nỗi đau của tình yêu và khát vọng hạnh phúc:

                                   Tôi ở đơn vị về

                                   Cưới nhau xong là đi

                                   Từ chiến khu xa

                                   Nhớ về ái ngại

                                   lấy chồng thời chiến chinh

                                   mấy người đi trở lại

                                   Nhỡ may mình không về

                                   thì thương

                                   người vợ chờ

                                   bé bỏng chiều quê...

Nhưng khác với nỗi đau và khát khao hạnh phúc trong bài Khóc Thị Bàng Phi của vua Tự Đức, nỗi đau và khát vọng của Màu tím hoa sim được đặt trong lòng một cuộc chiến tranh. Vì vậy, tuy không là hệ quả trực tiếp của hoàn cảnh xã hội, song, “dư chấn” của hoàn cảnh xã hội vẫn dội vào khiến cho bài thơ một thời phải “chịu trách nhiệm” liên đới do không phù hợp với tinh thần và yêu cầu của cách mạng lúc bấy giờ.

Biểu hiện thứ ba, thích quảng bá “đặc sản”xứ Thanh: Quảng bá quê hương, đó không chỉ là điểm riêng của các cây bút xứ Thanh. Nhưng với người xứ Thanh, nhu cầu này dường như rất mãnh liệt. Thêm nữa, không chỉ quảng bá những nét đẹp mà còn quảng bá cả những thứ bị cho “kém cạnh” hơn người. Tôi cho rằng, đó là bản lĩnh của tính cách “Thanh”. Càng thương quê, thương mình lại càng muốn khẳng định những gì chỉ riêng mình có, những cái riêng ấy không hẳn có ý nghĩa với người khác, nơi khác nhưng với đất mình, quê mình thì đó là máu thịt, là nguồn mạch, là tuổi thơ, là kỷ niệm v.v... nuôi mình không lớn, trưởng thành. “Đặc sản” xứ Thanh hữu hình và vô hình thì nhiều vô kể, nhưng các nhà thơ thời hiện đại lại thú vị nhất với những điều này:

                                   Dô tả dô tà, sông Mã quê ta

                                   Ngày nắng ngày mưa xanh bờ rau má

                                   Múa thì đội đền, hát như trống vỗ

                                   Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng

                                                                           (Dô tả dô tà- Mạnh Lê)          

Nếu xứ Thanh định chọn một thứ cây làm biểu tượng thì đồ rằng gần như một trăm phần trăm người xứ Thanh sẽ bỏ phiếu cho cây “rau má”(!). Xứ Thanh có lẽ là nơi phát hiện ra giá trị của thứ rau đồng quê này nên người xứ Thanh truyền dạy cho con cháu: “Đói thì ăn rau má/ Chớ ăn quấy quá mà chết”. Từ thành ngữ xưa đến thành ngữ thời hiện đại: “Ăn rau má, phá đường tàu”, xứ Thanh bỗng trở thành quê hương của rau má. Người xứ Thanh một ngày nào đó cũng nhận thấy, ừ nhỉ, cây rau má quả là gần gũi với mình, và không ngần ngại xác nhận: dân Thanh Hóa là dân rau má. Chẳng ai bảo ai, lần lượt đưa rau má vào thơ: Ngược dòng rau má tìm tôi/ Xứ Thanh thương cảnh núi Nhồi vọng phu (Người về Bảo Lộc – Lê Đình Cánh). Văn Đắc cũng mau mắn xác nhận: Rau má là tôi, là anh/ Cứ xanh mắt lá hiền lành là ta (Tôi người Thanh Hóa). Huy Trụ thì “luận” về rau má: Thân mềm lá mỏng như không/ Cây rau ấy mọc lẫn cùng cỏ hoang/ Nào ai chăm chút sớm hôm/ Tự mình sống, tự mình vươn giữa đời... và ý nghĩa của cây: Khi thất bát, lúc nhỡ nhàng/ Người bới đất, ngỡ tìm vàng trong cây. Rất yêu thương và trân trọng, nhà thơ tha thiết khẳng định: Ơi cây rau má đất này/ Nói điều chi với tháng ngày mà xanh (Cây rau ấy). Trịnh Anh Đạt thì gọi hẳn “cây rau má – “sâm” của người xứ Thanh” và thú nhận: Vị riêng rau má, em ơi/ Vẫn còn ngai ngái trong người xứ Thanh. Suy ngẫm này đâu chỉ dành riêng cho người xứ Thanh, nhưng có lẽ người xứ Thanh thì thấm thía nhất:

Bao giờ em về quê anh

Mà xem dấu vết kinh thành xa xưa

Vĩ nhân và các đời vua

Cũng từ rau má, ốc cua nên người

(Rau má)

Hình như, các cây bút xứ Thanh ngày càng có xu hướng khẳng định bản sắc quê hương. Nói đúng hơn, cha ông đã tạo ra nền móng văn hóa vững chãi và thế hệ cháu con tự hào về điều đó nên muốn đúc kết, muốn xưng tụng như một sự biết ơn. Mỗi người một cách, những cây bút ấy, họ đã tạo nên một “xứ thơ”, một miền thơ xứ Thanh.

Miền thơ ấy tạo ra dòng chảy thi ca giàu bản sắc. Thơ hay phải giàu bản sắc. Thơ xứ Thanh đã và đang hòa vào dòng sông thi ca dân tộc, góp phần làm nên sự đa dạng, phong phú của thơ ca Việt Nam, của bản sắc văn hóa Việt Nam.

Bản sắc xứ Thanh đã tạo nên một nguồn mạch thơ giàu sắc điệu và ngược lại, thể loại mẫn cảm này cũng đã góp phần lưu giữ và tỏa sáng bản sắc xứ Thanh.

Xứ Thanh, tháng 9 năm 2011

----------

Ảnh: Đỗ Văn Hiếu

Phần 1

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...