Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Những suy niệm văn học từ một tập truyện ngắn

(Góp phần thông diễn Ăn trái đào hái hoa hồng đào của Võ Thị Xuân Hà)

Ngô Hương Giang - 10-12-2011 06:32:36 PM

VanVN.Net - Thật khó có ai khởi đầu những suy niệm của mình về một đối tượng rỗng, không ý nghĩa. Cũng khó có ai có thể thực hành tri giác về một hiện tượng mà không đeo đẳng quan niệm cá nhân khi hướng về nó. Vậy là, người ta chỉ có thể suy tư về điều mình quan niệm hợp lý trước đối tượng. Tiểu luận này cũng thế, văn bản là cách mà chủ thể là tôi  bước đầu suy niệm về hiện tượng văn học mang tính quan niệm từ những gì mà văn bản vẫy gọi tôi hướng tới. Nói như vậy, mọi suy niệm đều là sự phá vỡ văn bản gốc của cogito.

Điều ấy sẵn sàng giúp ta mở ra thế giới kinh nghiệm phong phú theo mỗi cá nhân diễn giải. Trong tinh thần mới, mọi diễn giải về văn bản không bao giờ là chân lí bất biến. Nó thúc giục cần phải viết lại một cách tự do dựa trên những gì mà tác giả văn bản gốc gợi mở cho độc giả ngẫm nghĩ và suy tư về thế giới của họ, để ngưởi đọc thực sự bước vào vòng cuốn sáng tạo không ngừng trong kinh nghiệm được khai phóng.

 Đọc Ăn trái đào hái hoa hồng đào của Võ Thị Xuân Hà cũng thế. Một cách khách quan, diễn giải dưới đây đều là những tái diễn, mở cấu trúc văn bản theo suy niệm cá biệt về điều tôi quan niệm, sau khi tác phẩm đứng sừng sững trong tôi như một ám ảnh. Vì vậy, viết lại một cách tự do trên kinh nghiệm tri giác mà mình thâu nạp từ văn bản, được xem như là cách thức khai mở những ẩn dấu tư tưởng nhà văn. Viết lại đồng nghĩa với việc đọc đúng văn bản trên tinh thần giải- cấu trúc đối tượng. Nói như vậy thì, mọi sự đọc về văn bản văn học đều là sự đọc sai so với kinh nghiệm thẩm mỹ thuần tuý của nhà văn. Và viết lại theo ý - chủ đích của người đọc về văn bản gốc, tìm ra nguồn sống vận động trong tính tương liên giữa ý định nhà văn và quan niệm người đọc, chính là cách đọc “đúng” cho một hiện tượng được trải ra trước mắt.

Suy niệm thứ nhất: “Xem mi-mô-za nở”: kết thúc một hành trình tìm kiếm và mở ra một hành trình thức nhận khác.

Xem mi-mô-za nở là truyện ngắn, mà kết thúc của nó là sự khước từ một quan niệm quá vãng của buổi thơ ấu văn bản, mở ra hành trình tìm kiếm đích thực về quan niệm sáng tạo trong thức nhận độc giả, khi văn bản khép lại, để rồi ý nghĩ miên man như hoài niệm ám ảnh lại mở ra, vẫy gọi chuyến hành hương tìm về suy niệm sống trải nơi người tiếp nhận. Đó là cách mà văn bản gốc được sống kí sinh trong văn bản tiềm ẩn nơi độc giả, thông qua những khai mở rộn ràng của văn bản mới- được viết lại, được chủ thể là tôi gọi tên. Có một cô bé và một cậu bé khác cha khác mẹ cùng núp bóng dưới ngôi nhà, mà hiên của nó được che mát bởi dáng Mi-mô-za nhiệt đới buồn. Hai người lớn lên. Suy niệm về hiện thực quanh mình. Cô gái trưởng thành, gửi tấm thân ngọc ngà trinh tiết tới chàng có gương mặt hắt lên vẻ buồn nhạt, trước khi nàng nhập gia thất với một lão già. Sau đêm tình ấy. Họ đi về hai ngả. Thế rồi thời gian trôi đi như con thoi thêu dệt những khúc đoạn tưởng tượng, chàng trai quyết tìm lại bóng Mi-mô-za ấy ở phương trời Tây. Và một mùa Mi-mô-za lại nở nơi đất khách cạnh khu nhà anh ở, khép lại hành trình tìm kiếp mệt mỏi của số phận: “Mi-mô-za chiết giống từ xứ nhiệt đới thản nhiên bừng nở, báo cho gã và vợ gã biết bên nhà mùa xuân đang bắt đầu” (tr. 87), đồng thời lại mở ra hành trình tìm kiếm khác trong hình dung người đọc về tác phẩm. Đó là cách kết thúc của lối tư duy thích gửi gắm điều mình suy niệm tới những cá nhân bên ngoài của nhà văn, để họ hướng về văn bản như bản lược đồ tâm lí cá biệt. Nó ám ảnh, neo bám hình dung của họ về văn bản. Cách khép lại văn bản ấy, tuỳ ở mỗi độc giả với hiện thực sống trải sẽ gợi lại những kết thúc cho văn bản tư tưởng nơi họ.

Đời sống và đời văn vốn đồng thuận và cùng tồn tại trên một dải thời gian hiện hữu. Người ta thật khó có thể kéo dài sự tồn tại của thể xác theo dòng thác lạnh lùng của lịch sử. Mỗi ngày qua đi là mỗi ngày sự chết lại nhích tới. Chủ thể hiện hữu trong cuộc đời chẳng thể kháng cự lại sự cám dỗ bất ngờ của khoảnh khắc. Và rồi, khi tấm thân tàn được trưng ra bởi sự già nua của nó, cũng là lúc người ta nhận thấy phận sống ngắn ngủi biết bao. Trước trạng huống ấy, kẻ thì cuống quýt chạy đua với thời gian bằng đam mê sống vô ích, người thì bình thản đón nhận cái dốc cuộc đời đang tiến về phía mình. Riêng nhà văn lại chọn việc viết như là cách thức nối dài sự sống qua nhiều cuộc đời khác. Văn học không chỉ là phương tiện nối kết những khoảnh khắc sống khác nhau của đời người qua tác phẩm, nó còn gợi mở quá trình nhận thức lại chính mình của người đọc khi tìm về uyên nguyên trong trẻo, thánh thiện nơi các lớp hình tượng nghệ thuật. Tôi sẽ đi tìm bóng Mi-mô-za của mình khi kí ức về một Mi-mô-za của Võ Thị Xuân Hà khép lại. Hành trình ấy là sự nối tiếp giá trị sống mà thân phận là tôi được tồn tại kí sinh trên tư tưởng nhà văn. Một điều đặc biệt, biết đâu trong cõi hư vô thiếu vắng xúc cảm, mà tôi đang phải đối mặt sẽ loé lên tia sáng le lói của hy vọng sống, hy vọng được rọi tiếp tia sáng ấy tới những khoảng cô đơn, lạnh lẽo khác bên ngoài kia đang đón chờ bóng Mi-mô-za của tôi khép lại. và một hành trình nữa, một hành trình nữa, một hành trình nữa…lại mở ra.

Suy niệm thứ hai: “Cát vùi trên tầng đất tổ”: hãy đập vỡ và không ngừng đập vỡ lịch sử một cách tuyệt đối.

Dòng sông Hương buổi chiều ảm đạm như muốn gào thét với dân vạn đò về sự cùng cuẫn của lịch sử, đang ngóc đầu đòi phá vỡ hiện hữu của nó trong thực tại. Nàng tên là Ngọc Vi, dòng dõi nhà Công Nữ Ngọc Vạn. Nàng được lịch sử kiến tạo bằng những lớp huyền thoại về thời gian, và trong mỗi khoảng khắc, người đời đã tin lịch sử như là điển phạm hoá sự nghi hoặc về nó. Cái tên dòng họ Công Nữ mà nàng mang trên mình bị vùi lấp bởi những ảo hoá lịch sử. Nó biến mất một cách lặng lẽ ý nghĩa sự thật. Dòng họ ấy đã bị những pho lịch sử đè bẹp trong ý thức hoài nghi, mà người ta đáng lẽ phải đặt ra. Vậy là, Nàng Ngọc Vi mang theo sự bấp bệnh của lịch sử trên vai, trôi theo dòng Hương Giang về chốn vạn đò như ý niệm bất định của cuộc đời nay đây mai đó. Nàng kể vanh vách về lịch sử của mình như cách các sử gia kể vanh vách về điều họ ghi chép, mặc dù, họ chẳng hiểu hết điều mình ghi chép. Bản chất của lịch sử cũng giống như ngôi mộ tổ và chốn mà nàng sinh ra, nàng chỉ có thể tự sự về nó, nhưng sự thật về nó như thế nào thì nàng lại bất lực như các sử gia từng bất lực về sự thực mà họ có thể hiểu đúng.

Ngôi mộ tổ và chốn rừng sâu- nơi nàng sinh ra, nàng biết quá rõ về chúng, nhưng khi nàng đặt bàn chân thiếu nữ của mình trên chiếc bè lịch sử để về nguồn thì nàng lại ngơ ngác, không biết đi về đâu. Nàng biết cái cặp tóc mà Thuận lượm lặt được trêng dòng sông bên làng vạn đò, giống như cách mà con người lượm lặt những sự kiện lịch sử trong các sách giáo khoa bị áp đặt cách hiểu duy nhất về nó. Rằng, chiếc cặp kia là của mẹ Ngọc Vĩnh, giống như sự kiện lịch sử là thuộc về các bộ sách lịch sử. Nhưng sự thực câu chuyện đằng sau chiếc cặp và người mang giữ chiếc cặp kia như thế nào, giống như bản chất chân lí núp bóng sau các sự kiện lịch sử trong sách lịch sử ra sao? Thuận chỉ biết một điều là im lặng, giống như khoảnh khắc các sử gia im lặng khi truy vấn về chân lí của lịch sử vậy.

Thuận và Ngọc Vi đã thoát khỏi sự bế tắc mà người đời gieo vào số phận của nàng Công Nữ Ngọc Vạn, bằng cách ngược dòng thời gian, đập phá những huyền thoại về  các lớp nghĩa bóng bẩy mà lịch sử thêu dệt vô lí, cướp đi tự do một con người “bà được phong hoàng hậu và đã làm nên những kỳ tích không anh hùng đương thời nào sánh nổi: mở rộng bờ cõi nước Việt về phía Nam” (tr.130). Trên dải đất hình chữ S này có biết bao giai nhân như Ngọc Vạn bị lịch sử ù oà gọi tên thành những danh hiệu bóng nhoáng mang sắc màu huyền thoại, còn tâm sự, tình yêu, và khát vọng tình ái thì lịch sử nào ghi chép? Chỉ còn con đường phá huỷ những huyền thoại, tìm về chốn uyên nguyên của tồn tại mới là cách bắt lịch sử phải trả lại chân lí cho nó. Nàng Ngọc Vạn chính chuyên là thế, nhưng hậu thế trên dòng sông Hương lại trục vớt tấm thân loã thể nàng Ngọc Vi như một cách lịch sử kêu gào trả lại chân lí cho khát vọng ái tình của bóng hồng quá khứ. Ngọc Vi là lớp hình hài còn sót lại của thời gian về cuộc tình vụng trộm của Ngọc Vạn với người yêu của Nàng. Vậy là, lịch sử đã chép sai về cuộc đời một hoàng hậu, nó chỉ vớt lấy cái danh dự văn hoá, bỏ rơi sự cuồng nhiệt, khát yêu, khát sống của bóng giai nhân ấy. Vì vậy, cần phải phá huỷ lớp váng huyền thoại đã lu mờ chân lí yêu vĩnh cửu kia, trả lại nó sự tươi rói mơn mởn của tình yêu mà nàng Ngọc Vạn vốn dĩ phải có.

“Con thuyền ngược nước sông Hương chạy về phía thượng nguồn. Đi mãi đi mãi. Ngọc Vi kẹp chiếc cặp lên tóc, soi mình dưới bóng nước đang vỡ oà sau lái. Cô đang tìm lại cội nguồn của mình cùng với người đàn ông mà dường như anh đã chờ cô từ rất lâu” (tr.131). Con thuyền lịch sử đang ngược dòng tìm về chân lí. Mặt nước lịch sử “đang vỡ oà” giống như huyền thoại lịch sử bị đập vỡ để thoả mãn cơn giận của thời gian. Không biết Võ Thị Xuân Hà chủ đích hay ngẫu nhiên trong việc giải thiêng huyền thoại, hay chỉ là chút thoáng mơ hồ nơi tâm thức tôi đã chót trú ngụ một lão già mang tên Heidegger, nên tôi nhìn tác phẩm thành ra vậy? Tôi không biết, duy chỉ có điều, tôi yêu thích sự đập phá và không ngừng đập phá các huyền thoại của lịch sử sự sống.

Suy niệm thứ ba: “Cuộc chuyện với cụ rùa” hay huyền thoại bị quật ngã dưới chân hiện thực. Suy niệm thứ ba này của tôi tiếp nối suy niệm thứ hai về khát vọng “đả phá” huyền thoại, đập vỡ những căn bệnh lịch sử.

 Có một cụ rùa thiêng nơi đáy hồ gươm, buông mình theo dòng lũ xã hội, ngược trôi về hiện tại để đối thoại với con người. Ngài ngơ ngác trước dòng lũ xã hội, với những váng nổi u ám đang trôi lềnh bềnh trên giá trị thiêng liêng, huyền thoại. Sự “u ám” ấy của lớp bầy nhầy cứ trôi nổi, ứ đọng, vẩn quấn vẻ tanh tưởi lên đời người, đắng cay hơn, nó lại nổi ngay trên đầu một huyển thoại của lịch sử. Lịch sử bị giải thiêng hay chính sự bầy nhầy, tha hoá của xã hội bị giải thiêng, khiến Taboo của dân tộc Việt phải lặn ngụp trong cơn biến loạn lịch sử, tìm về hiện tại để than thở? Lịch sử, do đó, là cơn mộng tưởng mà con người thường mơ về qua các khúc ngoặt cuộc đời.Lịch sử, huyền thoại được giễu nhại trong hiện tại như muốn hạ bệ bản chất mặt nạ mờ ảo, run rẩy mà xã hội đang cố sử dụng nhằm che đậy bản chất của nó. Mượn huyền thoại để phê phán sự kiện, làm khuynh đảo lịch sử trong hiện tại là cách nhà văn đang giải- xã hội nghiêm túc: “Dạo này lắm đứa mông má, áo ngắn tũn một dây hai dây nhong nhong ngoài đường quá. Thuỷ Tinh nào chẳng ghen. Ta ở dưới hồ còn nóng hết cả tiết nữa” (tr.53), “Xã hội dân chủ công bằng văn minh tự do, ai thích bán mình cứ bán” (tr.51). Xã hội được giải thiêng thông qua và bằng thủ pháp lẩy huyền thoại, lẩy lịch sử để đả phá giai đoạn bất toàn, vô cảm của đời sống đương đại. Đó là cách nhà văn làm mới văn bản.

Nhà văn cần thiết phải xem mình là nhà khảo cổ, đặt nghi vấn vào những giá trị vốn bị lịch sử găm đầy ý nghĩa điển phạm. Một lịch sử bất biến trong cách hiểu, giờ đây chỉ còn là ý nghĩa đã chết trong diễn giải của người đọc, vì vậy biết nghi ngờ và sẵn sàng đập phá thần tượng bị huyền thoại làm biến dạng nguyên uỷ để truy tìm chân lí, thì đó là cách nhà văn đang sống trải với đối tượng mình hướng đến, là trở về với chính nguồn sống sự vật. Nếu nhà văn chỉ nhăm nhăm tìm về đối tượng của sự viết như cái máy diễn giải điều đã có, để “thuật nhi bất tác” thì đó là cái chết của sáng tạo, cái chết của nghệ thuật, cái chết của cá tính văn học. Sẵn sàng phá vỡ những quy phạm trong sáng tạo, hạ bệ những thành trì thi pháp, các quy ước thẩm mỹ để tìm kiếm chân trời sáng lạn của sự nghiệp sáng tạo lại thế giới, là cách nhà văn ghì giữ, níu kéo phẩm tính nhân bản của mình ở lại với cuộc đời, đồng thời cũng là kéo dài sự hiện hữu của mình trong nhân thế.

Chỉ có đập vỡ những thành trì huyền thoại, những yếu tính lịch sử từng bị xem là vĩnh cửu để tái thiết lập một thế giới mới bằng nghệ thuật, bằng ẩn dụ sống thiết tha, nhà văn mới có thể làm mới cuộc đời trong việc dụng công kiến lập tân thế giới thông qua hình tượng nghệ thuật. Ý thức được điều đó, nghệ thuật mới thực sự sống cuộc đời của nó, sẽ không còn những vạ lây chính trị, những ngông cuồng ý thức xã hội đè nặng lên đôi vai yếu ớt, dễ mủi lòng của nhà văn. Nghệ thuật thực sự cần phải thoát khỏi cơn biến loạn của thời đại đang tìm cách găm vào nó ý thức kiểm soát, bắt đầu và luôn phải bắt đầu bằng ý nghĩ tốt đẹp: cần phải phá vỡ sự vô cảm của con người, phá vỡ ý thức trì trệ bị vật chất hoá, khơi dậy ý nghĩa sống đích thực – một đời sống có tình người, kéo lại giá trị nhân tính và phẩm giá nhân bản, để nó không bị tuột trôi theo dòng thác lịch sử đương đại….Cám ơn Y, nhà văn – người chứng của chân lí tinh thần!

Suy niệm thứ tư: “Ăn trái đào hái hoa hồng đào” hay là, chủ thể tìm về căn nhà xưa.

Nàng Xuân, cứ thế, chiều chiều lại về với chốn xưa kỉ niệm bên bờ sông Thiên Đức thanh vắng. Mùi hoa đào, màu hoa đào in dáng hồng nhạt hai bên sông như hy vọng thấp thỏm vẫn chờ đợi hương nghệ theo tiếng sáo xưa phả lại, hắt lên vẻ thuỷ chung. Tôi đứng trên cao nhìn dáng vẻ người phụ nữ với giấc mơ tưởng về màu vàng của nghệ, nhưng trên tay nàng lại đang nâng niu bóng đào của tôi, giọt máu mà tôi đã hoà vào dáng nghệ mọng ứa sức căng hy vọng. Đôi mắt mẹ tôi lã trã những “giọt châu” hạnh phúc, trong cái dáng nghệ vàng kia còn có màu hồng lạt của hoa đào trong nhà. Còn tôi sau cái đêm thổi sáo, lùa thanh âm từ giấc mơ hoa đào vào bản nhạc trong trẻo của bóng nghệ đã hoà phối những sắc tưởng miên man mang giữ hơi thở sự sống. Những kí ức, những vọng âm đang đùa trêu tôi bên chén nước quên cạnh dải Ngân Hà. Nhưng chẳng thể có thứ nước nào làm lu mờ được bóng đào ấy, màu hồng lạt ấy mỗi khi xuân về bên bờ Thiên Đức. Và tôi, kẻ mang xúc cảm mơ về chốn xưa vĩnh cửu của mình, như khúc đoạn trêu ngươi trước thời gian, tìm lại cảm giác lịch sử về sự sống. Truyện khép lại bằng biến tấu ngẫu hứng như thế, dọn chỗ cho những suy niệm sáng tạo hiện sinh của con người.

Tìm về chốn xưa, không phải là sự khai mở điều nghi hoặc quá khứ, mà là ý thức tìm lại chính mình, với những ấn tượng được trải ra trước sự vật. Tìm về, tìm về, ấy chính là nguồn sống của sáng tạo. Khi nhà văn có ý thức tìm về “ngôi nhà xưa” của sự sống trải trong mình, thì chẳng phải hiện thực chỉ là thứ gia vị cho văn bản thăng hoa sao? Vậy hiển nhiên, chẳng thể nào có chiếc gương tự nhiên vẩn quấn đến ý thức nghệ thuật nhà văn. Chiếc gương tự nhiên là đồ trang sức cho văn bản nghệ thuật tìm đến ý nghĩa nhân văn đích thực của nó. Vậy là, tìm về chính là nghệ thuật. Hình ảnh về điều mình quan niệm trước hiện thực như là bản chất của ngôi đền văn học, mà nhà văn tạo dựng trong tính chủ đích về nó, nhằm cải tạo hiện thực sống trơ lì. Cái ý thức gạt chiếc cốc chứa nước quên của tôi, như là khúc đoạn để tôi trở về bên bờ sông Thiên Đức trong xúc cảm sáng tạo lại hình ảnh người con gái ấy trong tôi…và cả những nụ đào nữa, sẽ có rất nhiều những nụ đào khác được người phụ nữ kia nâng niu trong căn nhà kỷ niệm…Tìm về như là khởi điểm của sáng tạo nghệ thuật, khi những hoài niệm dẫn dắt con người lặn sâu vào sự sống trải của mình trong cõi lặng tâm hồn, đánh thức nó và làm mới nó bằng liên tưởng, ẩn dụ sống vô tận… Nhà văn- đúng là Y, kẻ sáng tạo hình ảnh và huyền thoại sống của chính mình!

Suy niệm, đơn giản là, suy tư tiếp về những điều đã xảy đến. Một sự suy tư được mở ra, đồng nghĩa với một văn bản mới được sáng tạo, dù sự sáng tạo ấy đang ứ đọng trong tâm thức dưới dạng tiềm ẩn, hay là đã được tạc khắc bởi kí hiệu trước lịch sử đọc của nó. Những suy niệm trên đây không phải là suy niệm về tập truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà, đúng hơn là, truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà làm nền để suy niệm của chủ thể là Tôi vọng tưởng tới bến bờ nghệ thuật. Nói như vậy có nghĩa, những suy niệm trên đều khởi phát từ nguồn mạch nghệ thuật là: văn bản truyện ngắn của nhà văn. Khi suy tưởng này khép lại thì những suy tưởng khác lại nối tiếp, và nó sẽ nối tiếp cho đến khi nào văn bản được khép lại trong vô số tâm hồn đồng điệu ngoài kia. Cứ thế, nó lại mở ra khi tìm kiếm những tâm hồn đồng điệu ở nhiều nơi khác….phi- giới hạn tính!

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn