Phạm Công Trứ: Nhà quê khí chất tràn trề/ Tớ đi rung cả vỉa hè Đồng Xuân
   

Viết như để chia sẻ, cảm thông…
Cập nhật: 10:45:00 27/12/2010

Tác giả Chu Thanh Hương

Một trong hai tác phẩm đoạt giải cao trong cuộc thi viết về đề tài "Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an, NXB Công an nhân dân phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức thuộc về một cây bút không chuyên với tiểu thuyết "Hoa bay". Chị là Thiếu úy Chu Thanh Hương, sinh năm 1986, hiện đang công tác tại Phòng Công tác -  Chính trị - Công an tỉnh Lạng Sơn.

Sau ba năm phát động (2007 - 2010), cuộc thi viết về đề tài "Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an, NXB Công an nhân dân phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã kết thúc với 2 giải nhất, 4 giải nhì, 4 giải ba và 6 giải khuyến khích. Cuộc thi đã thu hút được nhiều cây bút trong và ngoài lực lượng tham gia. Đặc biệt, một trong hai tác phẩm đoạt giải cao thuộc về một cây bút không chuyên với tiểu thuyết "Hoa bay". Chị là Thiếu úy Chu Thanh Hương, sinh năm 1986, hiện đang công tác tại Phòng Công tác -  Chính trị - Công an tỉnh Lạng Sơn. Dù chỉ nhận mình là một người viết nghiệp dư, song đến nay, Chu Thanh Hương đã là tác giả của 5 tập sách và chị từng đoạt giải nhì cuộc thi viết truyện ngắn "Tự hào Học viện Cảnh sát nhân dân" năm 2008 với tác phẩm "Hoa mai vàng".

- "Hoa bay" là cái tên rất gợi và nếu chưa đọc nó, người ta sẽ không nghĩ đây là một cuốn sách đậm chất hình sự. Chị đã đặt tên sách trước hay sau khi hoàn thành nội dung?

+ Câu chuyện của tôi viết về cô gái Vương Thị Hoa, sau đổi tên là Hoàng Diệu Hoa, nhan sắc hơn người lại bị chính nhan sắc của mình đẩy vào truân chuyên. Trong trắng, hồn nhiên, cả tin, cô rơi vào hết cạm bẫy này đến mưu mô nọ, muốn sống lương thiện không xong, cô bị vùi dập trở thành người xấu như chính những kẻ gây bất hạnh cho cô. Mang trong tâm hồn mối tình đầu với Phạm Luân, người thanh niên đẹp trai làm công việc đặc biệt, cô càng hận số phận đã không cho cô hưởng hạnh phúc. Ngày cuối cùng của cuộc đời, Hoa được đền đáp khi đứa con gái và chàng trai của ngày xưa đưa tay nắm lấy tay cô, để cô ra đi mà không thấy mình đơn độc.

Thực ra, ban đầu truyện có tên là "Những cánh Hoa bay", gắn với tên của hoa Bồ công anh, vì tôi muốn viết rộng hơn về số phận của những người phụ nữ, kể cả những người bị kẻ xấu lừa bán và những người có cuộc sống bình thường. Nhưng rồi cuối cùng tôi đã tập trung viết về cuộc đời của nhân vật chính nên đã đổi tên thành "Hoa bay" cho đúng nội dung tác phẩm.

- Chị là một trong những người có lợi thế trong mảng đề tài này vì chị đang làm việc trong lực lượng Công an. Trên thực tế thì công việc, nghiệp vụ an ninh… đã giúp chị những gì trong quá trình viết cuốn sách?

+ Tuy học nghiệp vụ trinh sát điều tra, nhưng sau khi ra trường, tôi được phân công công tác tại Đội Tham mưu tổng hợp (thuộc PX15) và kiêm nhiệm thêm công tác tuyên truyền trong Công an tỉnh Lạng Sơn. Tuy không trực tiếp tham gia phá án, nhưng tôi đã được tiếp xúc với các vụ án hình sự nói chung và buôn bán phụ nữ nói riêng một cách đa chiều, khách quan, như được gặp cả nạn nhân, thủ phạm. Từ đó, tôi thấy được rằng, không có vụ phá án nào là dễ dàng nếu không dốc hết sức mình để làm sáng tỏ, đảm bảo quyền lợi cho các nạn nhân và bắt giữ thủ phạm đúng người, đúng tội.

- Thực tế thì "Hoa bay" có bao nhiêu phần trăm sự thật?

+ Các nhân vật và tình tiết trong tiểu thuyết đều là hư cấu, nhưng nỗi khổ mà những người phụ nữ là nạn nhân của tội ác buôn bán người phải chịu như nhân vật Hoa, chị Mân… đều có thật. Thậm chí ngoài đời, họ còn phải chịu những cay đắng, nhọc nhằn hơn nhiều. Trong một vụ án buôn bán phụ nữ, tôi đã gặp cả nạn nhân và thủ phạm. Nạn nhân là một cô gái trẻ khá xinh đẹp làm nghề đồng nát. Sau khi bị lừa bán, cô ấy đã phải chịu rất nhiều đau đớn tủi nhục, thậm chí còn bị chủ chứa người Trung Quốc ép cho sẩy thai. Đến khi cô ấy được giải cứu thì lại bị gia đình chồng hắt hủi, không thừa nhận. Cô đành phải trở về nhà bố mẹ đẻ, sống lầm lũi, cam chịu. Vậy mà khi kể lại cho chúng tôi những ngày tháng đau khổ của mình, cô ấy mặc dầu rất buồn nhưng không hề khóc. Cô tâm sự rằng: "Em đã khóc quá nhiều rồi, khóc không giải quyết được gì cả. Giờ em cứ thế mà sống thôi". Trong khi đó, thủ phạm của vụ việc cũng là một cô gái trẻ, trước đây từng bị bán ra nước ngoài, nay trở về làm tú bà đi lừa bán những cô gái khác. Khi bị bắt, cô ta đã khóc như mưa như gió, kể lể sự tình như thể mình bị oan ức lắm. Đó là vụ án đã để lại ấn tượng sâu sắc cho tôi. Cũng chính từ đây tôi đã chắt lọc đặc điểm của cả cô gái nạn nhân và thủ phạm trong vụ án này để xây dựng nên nhân vật chính Vương Thị Hoa, một người phụ nữ vừa đáng thương, vừa đáng trách, vừa hiền lành cũng vừa độc ác...  

- Chị từng nói rằng, mình không có ý thức tìm hiểu thực tế để viết văn, song có lẽ chị cũng đã âm thầm "thai nghén" tác phẩm này từ rất lâu rồi?

+ Tôi đã biết đến cuộc thi từ năm 2008 và xây dựng 3 đề tài để dự thi, trong đó có "Hoa bay". Nhưng sau đó tôi cảm thấy mình chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm sống để viết tiểu thuyết nên đã quyết định dừng lại. Đến năm 2009, trong quá trình công tác, tôi đã gặp và tiếp xúc với rất nhiều vụ án buôn bán phụ nữ do Công an tỉnh khám phá, cũng như được nghe các nạn nhân chia sẻ về cuộc đời và nỗi đau của mình. Tôi cũng không biết miêu tả chính xác cảm xúc khi đó của mình là gì, có lẽ là sự chấn động, rung cảm mãnh liệt và tôi đã quyết tâm xây dựng tiểu thuyết từ đây. Trong vòng ba tháng, tôi đã hoàn thành xong tiểu thuyết như một lời chia sẻ, cảm thông và cũng là mong muốn độc giả có thể hiểu, chia sẻ với các nạn nhân, tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em.

- Trong thời gian viết và hoàn thiện cuốn tiểu thuyết, có kỷ niệm vui buồn nào mà chị thấy tâm đắc?

- Khi bắt tay vào viết "Hoa bay" cũng là lúc tôi nhận lời yêu chồng tôi bây giờ. Khi đó, tôi cứ nghĩ rằng cuộc thi sắp hết thời hạn, cần tập trung thời gian viết nên rất... ngại với anh ấy, vì mới yêu ai chẳng muốn được đi chơi, được ở cạnh người mình yêu. May mà anh ấy đã hiểu và cảm thông cho tôi. Anh bảo, thôi thì em cứ tập trung cho tác phẩm, hôm nào… bí, không viết được nữa thì mình đi chơi cũng được. Đến bây giờ, chồng tôi và gia đình vẫn là những người luôn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để tôi có thể tiếp tục niềm đam mê viết văn của mình.

- Trong 22 chương của cuốn sách, chị tâm huyết nhất chương nào, nhân vật nào và liệu có hình ảnh của một Thiếu úy Chu Thanh Hương trong những nhân vật ấy?

+ Mỗi chương, mỗi nhân vật đều là những trang viết mà tôi tâm huyết, nhưng tôi thích nhất là chương cuối. Khi xây dựng nhân vật chính Vương Thị Hoa, dù sau này trở thành một tú bà ghê gớm, nhưng nói cho cùng Hoa cũng chỉ là nạn nhân của tội ác buôn bán người và vòng xoáy cuộc đời. Hoa đáng bị trừng trị về lỗi lầm gây ra nhưng ở góc độ nào đó cũng đáng được cảm thông, thương xót. Và không chỉ riêng Hoa mà tất cả các nhân vật trong câu chuyện đều tìm được câu trả lời mà họ luôn trăn trở tìm kiếm trong chương cuối cùng. Vì thế đây là chương mà tôi thích nhất trong cuốn tiểu thuyết này.

-         Xin cảm ơn chị!   

 Nhà phê bình Lê Thanh Nghị (thành viên Hội đồng giám khảo): Trong suốt thời gian tham gia chấm tác phẩm cho cuộc thi viết về đề tài "Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống", tôi nhận thấy các tác phẩm tham gia đã phản ánh được một cách sâu sắc hiện thực cuộc sống cũng như khắc họa được một cách trung thực hình ảnh của người chiến sĩ Công an  trong một đề tài phong phú. Đặc biệt, nữ tác giả Chu Thanh Hương, tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có nội lực để viết một tác phẩm khá hấp dẫn, lãng mạn về một đề tài khốc liệt. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Tôi tin rằng, cuộc thi này sẽ góp phần vào dòng chảy chung của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.

Nhà văn Lê Minh Khuê (thành viên Hội đồng giám khảo): Chu Thanh Hương, tác giả nữ trẻ tuổi lần đầu tiên viết tiểu thuyết đã hấp dẫn độc giả trong suốt 576 trang sách. Tiểu thuyết "Hoa bay" kể theo trình tự thời gian - tính đơn tuyến là bố cục chính, hành động tiểu thuyết triển khai trên một tuyến nhưng không đơn điệu vì tình tiết được cài đặt chặt chẽ, giọng kể say sưa nồng nhiệt, cảm xúc chân thực. Tiểu thuyết mở cho ta hiện thực phong phú về một vùng đất, trong đó con người, cả tốt và xấu đang phải đấu tranh gay gắt để tồn tại. Tiểu thuyết cũng ca ngợi nghị lực sống của con người đơn lẻ trong hoàn cảnh ngặt nghèo.

 


VNCA

1
2
3
4
5
6
Tin mới