Phạm Công Trứ: Nhà quê khí chất tràn trề/ Tớ đi rung cả vỉa hè Đồng Xuân
   

Chùm truyện ngắn của Phạm Thanh Thúy
Cập nhật: 11:41:00 7/4/2011

VanVn.Net - Phạm Thanh Thúy - Sinh viên khóa 12, khoa Sáng tác - Lý luận và Phê bình văn học (Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây), trường đại học Văn hóa HN - người rất có duyên với các giải thưởng văn chương (Giải 3 cuộc thi truyện ngắn báo Phụ nữ TP HCM; Giải Khuyến khích truyện ngắn tạp chí Tiếp thị gia đình; Giải 3 cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Tài hoa trẻ...). Trước khi trở thành sinh viên khoa viết văn, Phạm Thanh Thúy đã là một cây bút trẻ gây được sự chú ý với những truyện ngắn trên báo Tiền Phong, Lao động, Văn nghệ Công an, Tạp chí gia đình... Chùm truyện ngắn VanVn.Net giới thiệu với bạn đọc là những sáng tác gần đây nhất của tác giả nhiều triển vọng này.

Dương cầm đêm

Tôi quyết định dọn đến trọ ở nhà Dương. Không phải vì tôi thích, mà vì anh không thích. Tôi muốn nổi loạn, khiêu khích anh bằng cách làm ngược lại những gì anh không thích – Ngay cả khi đó cũng là điều mà chính tôi cũng không muốn - Thế thì đã sao nhỉ? Khi tôi gửi email thông báo cho anh là tôi đã dọn đến rồi, tôi đắc ý cười lớn, hả hê tưởng tượng rằng anh sẽ tức giận biết bao, nhưng dù anh có tức giận đến phát điên, cũng không đến mức vù một hơi từ nửa vòng trái đất về để hét vào mặt tôi được. Trời! Anh chẳng thể nào tin được là tôi mong anh điên đến mức ấy như thế nào đâu. Vì tôi nhớ anh khủng khiếp. Tôi khao khát được nhìn thấy anh, chạm tay vào khuôn mặt anh bằng xương bằng thịt. Trong những giấc mơ chập chờn, hình anh hư ảo, và tôi không có cách nào chạm tay vào anh được. Sau những giấc mơ ấy, tôi tỉnh dậy và hoảng hốt với ý nghĩ: Lỡ một ngày nào đó, ngay cả gương mặt anh tôi cũng không còn nhớ nữa.

Chiếc dương cầm không phải là vật dụng sang trọng nhất trong ngôi nhà có tới ba tầng ấy. Mà hầu như toàn bộ tầng ba chỉ dành cho…muỗi ở, nếu tôi không dọn đến. Đủ thấy, với chủ nhân của nó, tiền không quan trọng đến mức phải cho người thuê. Cũng có thể họ không thích phiền phức. Tôi là một ngoại lệ, bởi tôi là người yêu của anh, còn anh lại là bạn họ. Khi đến xem căn phòng mà tôi sẽ trọ, đi qua chiếc dương cầm bóng loáng ấy, tôi chỉ nghĩ: Chắc là nó chỉ được trưng ở đó cho sang trọng thôi, vì cũng giống như nhiều nhà giàu khác, trong các căn phòng thường bày nhạc cụ. Việc đó cốt cho sang hay thoả mãn một tư duy thẩm mỹ nào đó. Trước đây anh có nói cho tôi nghe nhiều về gia đình Dương, nhưng không nhắc về chiếc dương cầm. Trộm nghĩ, nếu dương cầm ấy đúng chỉ được trưng cho sang thì thật đáng tiếc. Là đàn mà không được ngân lên những giai điệu thì…thà chết đi còn hơn.

Đêm đầu tiên dọn đến, tôi khó ngủ bởi nhiều cảm xúc. Khi mở cửa ra lan can ngắm thành phố đã chìm vào đêm, tôi đã suýt rú lên khi thấy trong vòm cây bằng lăng ở cổng nhà Dương có một đốm sáng màu xanh đang chập chờn, đu đưa. Là ma hay người đây? Định thần lại và suy đoán. Thì ra không phải ma cũng chẳng phải người, đơn giản chỉ là một cái bóng điện. Rồi bỗng có tiếng dương cầm vang lên. Những âm thanh rời rạc, tẻ nhạt, như thể chúng đang kéo nhau lên từ…âm phủ. Những âm thanh khiến tôi cảm thấy hai cánh tay nổi gai ốc. Sáng hôm sau, tôi được biết, chính Dương đã tạo ra những âm thanh đó trong đêm.

Dương nhiều hơn tôi một tuổi, nhưng ngay từ cú chạm mặt đầu tiên, tôi đã bắt Dương gọi tôi là chị. Đó là buổi sáng ngày thứ ba tôi dọn đến. Dương đứng ở cửa, nửa người và gương mặt bên trái nép sau cánh cửa, nửa người và gương mặt bên phải - với con mắt đen trong trẻo, vừa có vẻ sợ sệt, vừa có vẻ thích thú - nhìn tôi đang xoay trái xoay phải trong bộ đồ chẳng giống ai trước gương. Bình thường, khi bị ai đó nhìn trộm như thế, tôi có thể sẽ quát tháo om sòm. Nhưng với Dương thì không hiểu sao tôi lại mỉm cười, vẫy tay ra hiệu cho Dương cứ tự nhiên bước vào. Nhận được tín hiệu ấy, Dương vui như đứa trẻ được phép chơi trò cấm…

Tôi làm việc cho một bà chủ nhà mốt có vẻ lập dị nhất thành phố. Với bà ấy: “Hãy sáng tạo, với mốt, những ý tưởng càng điên rồ càng tốt”. Và khi tôi khoác trên người bộ váy “điên rồ” – mà có lẽ nếu tôi không đến, thì cả đời chắc Dương chẳng trông thấy bao giờ - Dương thích thú, miệng kêu lên: “này…này” tôi tranh thủ làm luật “Từ nay Dương phải gọi chị là chị Đình. Nhớ chưa?”

Tôi không thích cái tên của Dương. Vì sao? Chịu. Giá như lúc nào người ta cũng rạch ròi vì sao mình thích cái này mà không thích cái kia thì tốt biết mấy, vì ít ra người ta cũng đỡ băn khoăn bởi những hành vi kỳ quặc của mình. Tôi không bao giờ hỏi anh “Vì sao anh yêu em?” Vì như thế thì xoàng quá. Con gái trên đời này ai chẳng hỏi những chàng ngốc của mình như vậy. Nhưng tôi nói với anh “Nếu như không còn yêu em nữa, hãy nói với em một lời, em sẽ không hỏi vì sao đâu. Thật đấy!”

Ngày tiễn anh ở phi trường, tôi đã lạnh người bởi ý nghĩ chợt đến “Những ai từng tiễn chân ai cho những chuyến đi dài, ít có ai biết rằng: Tạm biệt nghĩa là không bao giờ gặp lại.”

Một lần Phú đến thăm tôi, đi qua phòng khách nhà Dương và chiếc dương cầm, đi qua tầng hai là căn phòng của vợ chồng Dương với mùi khai khai của tã lót, dù đã được tẩy ngâm bằng nước thơm. Rồi đến tầng ba với cái giá áo treo mẫu và chi chít những bản thiết kế điên khùng của tôi. Phú vừa thở bằng mồm lẫn mũi vừa cười khì khì, rồi lẩm bẩm “Tiếc cho cậu ta. Nhà to, vợ đẹp, tiền đẹp, lại chẳng ra dáng được hưởng. Không biết là phúc hay là hoạ đây.” Lần khác Phú thao thao “Tớ đảm bảo thằng Dương đến giờ phút này vẫn chưa từng biết nói từ đáy lòng “Anh yêu em” với vợ chứ chưa nói là với đứa con gái nào. Hừ, thế mà lại hoá hay, vì giờ nó vẫn chưa đắc tội với ai. Tớ thèm được như nó quá” Tôi gí quả táo tàu có màu nhờ nhờ đỏ vào mồm Phú cho cậu ta câm lại. Khổ thân Phú, mỗi lần nói “I’m sorry” với một em, Phú than “Tớ lại tổn thọ một năm nữa rồi.” Trời ạ, cứ cái đà này, có lẽ Phú chỉ được hưởng 40 năm dương thọ.

Tôi nhớ anh nhiều lắm, nhiều khi nhớ đến phát điên. Nhưng tôi sợ, lỡ có một ngày tôi không thể hình dung lại khuôn mặt anh. Phú cổ vũ “Nhớ thì gọi cho hắn đi, tội gì phải đày đoạ mình” Tôi vểnh mặt “Điên à?” Tôi tỏ ra sĩ diện với Phú, nhưng thực ra tôi đã nghìn lần ôm điện thoại, chầm chậm ấn từng con số quen thuộc để gọi cho anh, để được nghe giọng nói của anh. Nhưng đến con số cuối cùng thì dừng lại. Tôi nghe khoảng lặng đợi chờ trong máy mà chỉ muốn vỡ oà nức nở. Tôi không sợ phá vỡ niềm kiêu hãnh của mình, mà sợ khi đường dây được nối, và đầu dây bên kia không phải anh, mà là một giọng nữ nào đó - có thể chỉ là bạn anh - thì tôi sẽ khóc. Tôi sẽ khóc trong từng đêm dương cầm này mất.

Dương chơi đàn vào mỗi buổi tối, hơi khuya khuya một chút. Khi ông bố bệ vệ của cậu ta đã thơm tho trong bộ pizama kẻ sọc, hoặc hoa hoét, ngỗi ưỡn bụng trên ghế, cái tăm quế hết đu đưa từ mép bên trái lại sang mép bên phải. Mẹ cậu ta với cái đầu uốn xù, chu chu cái miệng để nựng đứa cháu nội đang ra sức ọ ẹ và khua khoắng tay chân trong lòng mẹ nó. Tất cả họ đều đang cố gắng làm một cái gì đó, nhưng cũng cố để lắng nghe, cổ vũ Dương lắm. Nhưng có vẻ như họ đang chịu đựng một sự tra tấn vô hình, bởi những âm thanh phát ra từ dương cầm ấy không phải là âm nhạc, nó chỉ hơi giống âm nhạc thôi. Nhưng tại sao hầu như ngày nào cũng thế? Với những con người ấy, những nét mặt ấy? Chỉ có Dương là khác. Tại sao khác nếu không có những lần vì tò mò, tôi đã lặng lẽ quan sát họ. Vẫn quanh quẩn với những âm thanh ấy, nhưng có khi Dương đàn với vẻ miễn cưỡng, buồn khổ. Nhưng cũng có khi gương mặt gần như vô cảm của Dương như có ai đó thổi hồn, thoắt vui tươi, sống động. Có thể lúc đó Dương thực sự đang chơi một bản nhạc.

Dương bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh. Cũng còn may là cậu ta được sinh ra trong một gia đình nhiều tiền. Dương cũng có một anh trai và một chị gái, nhưng vì họ được bình thường, nên đã ra ngoài thực hiện hoài bão của đời họ. Chỉ có Dương, từ bé tới lớn chỉ quanh quẩn sân nhà. Bố mẹ Dương sau nhiều năm thử cách này cách nọ, cuối cùng, họ mang về cho Dương một chiếc dương cầm với mong muốn: Biết đâu âm nhạc sẽ thức tỉnh tri thức ngủ quên trong đầu con trai họ. Nghe nói họ mời nhiều nhạc sư cho Dương hẳn hoi. Nhưng tất thảy họ đều lần lượt bó tay mà chẳng để lại trong đầu Dương cái gì đó gọi là âm nhạc. Cũng chẳng thể nào trách họ được.

Công bằng mà nói, thì nếu chịu khó lắng nghe cũng có thể sắp xếp được Dương đàn những gì. Có đấy những chú ngựa tuyệt đẹp tung vó trên thảo nguyên bất tận…Có đấy tuyết rơi. Tôi mơ hồ nhận thấy Dương đang đàn bản “Tuyết rơi”. Phải chăng người nhạc sư nào đấy đã để đọng lại trong đầu cậu học trò ngốc này vẻ đẹp tuyệt diệu của “Tuyết rơi”?...Nhưng liệu rằng có ai đủ hơi sức sắp xếp để lắng nghe, nên cửa nhà Dương phải lắp cách âm để giảm thiểu làm phiền hàng xóm…

Dương có vẻ thích thú với với những bộ váy áo điên rồ của tôi treo lủng lẳng trên giá áo. Tôi làm ra nó, nhưng không dùng nó. Có cho tôi tiền tôi cũng không dám mặc ra đường. Tuy nhiên, nếu cho cực nhiều tiền thì tôi có thể sẽ nghĩ lại. Vì cực nhiều tiền ấy có thể giúp tôi và người khác khối việc. Người mẫu mặc nó trên sàn catwalk, hình ảnh truyền đi khắp nơi, cõng về cả đống tiền nếu trúng giải, huống chi chỉ mặc chúng đi trên đường phố. Đường phố cực nhiều người đấy, nhưng cũng có cực nhiều kẻ chẳng thời gian và công sức đâu mà quan tâm đến những điều quái lạ. Mẹ tôi vẫn dạy: “Có nhiều tiền cũng tốt, vì có nhiều người nghèo khổ cần được giúp đỡ” Ý mẹ tôi là hãy làm từ thiện và cố mà làm từ thiện, nhưng đừng có kiếm tiền bằng mọi giá. Vì nghĩ đến lời mẹ mà mỗi khi chạm mặt vợ Dương, tôi lại thấy gờn gợn một cái gì đó.

Vì biết Dương thích thú thế giới của mình nên tôi kệ và thậm chí cho phép cậu ta thường xuyên la cà tự do trong căn phòng bừa bộn của tôi. Vì có Dương ở đó, trong lúc làm việc tôi có thể thỏa sức nói chuyện. Nói chuyện với một người mà người đó chẳng hiểu mình nói gì cũng thú vị lắm, vì ít ra mình cũng thoả sức nói ra những suy nghĩ và cả ấm ức trong lòng. Để nếu có ai phát hiện cũng không bảo mình điên. Mà điên thì đã làm sao? Mẹ tôi vẫn bảo, những người điên cũng có cái hạnh phúc mà nhiều người thèm muốn. Ví như tự do làm những gì họ muốn, thích chửi ai thì chửi. Dương không phải người điên, nhưng nghe những bản nhạc của Dương trong đêm thì người ta cũng có cảm giác như vậy. Song giá như tôi dám nói với ai đó rằng đôi khi tôi thích nghe những âm thanh ấy, giống như Dương thích những thiết kế của tôi, như bà chủ nhà mẫu của tôi vậy. Bà chủ của tôi, ở một phương diện nào đó, chẳng phải cũng điên rồ đấy ư?

Một lần, tôi và Phú vào công viên chơi, gặp một người “tự nhiên như người điên trong công viên”, thay vì cười hô hố như nhiều người khác, tôi đã quay đi, lau nước mắt. Thật may là Phú đã không cười khơ khơ khi thấy tôi rơi lệ. Phú còn nhẹ nhàng cầm tay tôi. Ôi ! Giá như khi đó, người cầm tay tôi là anh chứ không phải là Phú. Vì anh làm sao hiểu được, với con gái, cả ngàn lời âu yếm cũng đâu bằng một hơi ấm bàn tay…

Mẹ Dương rất vui khi thấy tôi và Dương thân thiết. Bà ta nói chưa bao giờ thấy Dương được như vậy. Có khi, hai chị em rủ rỉ rù rì nói chuyện cả buổi sáng. Thực ra thì cả hai đều tự mình nói với mình. Bà ta vui đến nỗi nói rằng nếu cháu khiến Dương vui, thì cô sẽ không lấy tiền nhà, tiền điện nước của cháu nữa, coi cháu như người nhà…Một sáng, Phú đến chơi, thấy hai chị em đang rủ rỉ nói chuyện, Phú gật gù “Thằng cha này vô hại thật. có đặt nó bên cạnh tiên nữ, nó cũng vô hại thôi”. Rồi Phú kể : Ở cạnh nhà Phú có một cậu bé “không bình thường”, suốt ngày bị xích chân vào cột nhà. Thế mà nếu được sạch sẽ, ăn mặc, chải chuốt thì cậu ta đẹp trai ác liệt. Mùa hè đó, không biết sao cậu ta không bị xích nữa, bố mẹ cậu ta nói “Đã ổn rồi”. Thế mà, cả xóm nhà Phú bỗng nháo cả lên vì tin: Đàn bà con gái trong xóm ngủ trưa bị cậu bé đó lẻn vào nhà và ngồi…ngắm ngón chân. Sự thật, cậu bé điên ấy chỉ say sưa ngắm và sờ tay vào những ngón chân của những người phụ nữ, dù già hay trẻ. Cậu ta chỉ quan tâm đến những ngón chân chứ không hề quan tâm đến những điều khác. Vậy mà cậu ta đã phải trả giá bằng việc: Từ đó, không bao giờ cái xích sắt dời khỏi bàn chân cậu ta nữa.

Câu chuyện đó làm tôi muốn rơi nước mắt. Nhưng tôi không thể, vì tôi không muốn yếu mềm trước Phú thêm một lần nào nữa. Khi Phú về rồi, tôi lại chỉ muốn gào thật to: Tại sao người ta lại không dám sống thật với cảm xúc của mình. Tại sao?

Dương mới cưới vợ được gần hai năm. Đám cưới ấy hẳn phải gây xôn xao góc phố đó, vì vợ Dương không những hoàn toàn bình thường mà lại còn khá xinh đẹp, ngon lành. Điều làm tôi đau lòng nhất là cô ta xuất thân từ một gia đình nghèo khổ, trong một miền quê cũng nghèo khổ. Phú rên rỉ: “Trời ơi! Chỉ tại cô ta nghèo, mà nhà Dưong lại giàu”. Từ ngày đến trọ ở nhà Dương, dù không muốn, tôi vẫn phải lượm lặt được ối chuyện mà những bà chị hàng xóm thích thời trang đến kể. Họ rỉ tai tôi: Dương không hề biết “yêu” vợ. Đến nỗi bố mẹ nó phải mất cả tuần dạy bảo. Thậm chí, bà mẹ còn cam tâm nhìn ông bố nó làm…làm mẫu. Tai tôi ù đi. Tôi muốn hét vào mặt những cái mỏ son đỏ chóe lắm điều kia. Tại sao họ lại có thể buông những lời xúc xiểm tàn nhẫn ấy? Nhưng tôi không dám, vì cảm xúc và lý trí của một người bình thường chế ngự tôi. Nhưng mỗi khi đi qua tầng hai, nơi có căn phòng của vợ chồng Dương, thấy vợ Dương bế con với nét mặt trơ lì. Đôi khi ông nội đứa bé còn âu yếm hôn cháu chùn chụt khi cháu đang…bú mẹ. Tôi đã lạnh người bởi ý nghĩ: Lẽ nào họ không nói đùa.

Tôi đi qua chiếc dương cầm của Dương, bao lần cồn cào cảm giác được chạm tay vào những phím đàn kia để tạo nên những giai điệu từng làm tôi và anh say mê…Nghe nói, những phím dương cầm ấy được làm từ ngà voi hay xương cá voi gì đấy.Tội nghiệp những con vật khổng lồ. Trong thế giới tự nhiên, nhiều khi cứ tầm thường thì lại được yên ổn…Nhưng dù Dương có mời tôi ngồi vào để đàn thì tôi cũng chịu. Tôi mù tịt về âm nhạc, nhưng âm nhạc lại khiến trái tim tôi rộng mở và khao khát tin yêu. Tôi bỗng hiểu: Có những giới hạn tôi không thể bước lại gần, không thể chạm tay. Ví như anh…

Một ngày kia, khi tôi mệt mỏi lê bước về nhà trọ, đi qua sinh hoạt thường ngày của gia đình Dương, tôi bỗng thấy Dương vui hẳn lên khi thấy tôi. Rồi khi Dương ấn những ngón tay loạn xị lên những phím đàn, nhìn tôi với đôi mắt trong veo lấp lánh. Tôi bủn rủn bởi ý nghĩ: Dương biết yêu thích ư?...Và Dương thích mình thì sao nhỉ?

Trời ạ. Tôi đã cảm thấy xấu hổ và đau lòng khi nghĩ rằng anh sẽ cười tôi vì tôi đã hân hạnh được một người thiểu năng trí tuệ yêu thích…Nhưng lạ quá, cảm giác khiến một người như Dương vui sống lại làm tôi có chút ấm lòng. Và nếu một ngày nào đó tôi chuyển đi, có lẽ không chỉ Dương, mà tôi cũng sẽ rất buồn.

* * *

Phú mang một cây guitar gỗ đến: “Cậu muốn nghe bài gì tớ đàn cậu nghe?” Tôi rệu rạo cười: “Phú ơi, mang đàn đi cưa gái giờ xưa như trái đất rồi.” Mặt Phú không hề biểu lộ một chút xúc cảm, lẳng lặng rê tay lướt cung đô thứ gì đó. “Đình nhầm rồi đấy. Tớ chưa bao giờ cưa những cô gái tầm thường bằng những bản nhạc mà các nhạc sĩ đã vắt kiệt máu trong tim mình để viết nên” “Thế những ai là cô gái tầm thường”…Phú cười, tiếp tục gảy đàn.

Dương cũng có mặt khi Phú vác guitar đến, nhưng Dương không chú ý đến cây guitar của Phú. Với Dương, có lẽ nhạc cụ trên đời chỉ tồn tại một dương cầm. Dương lặng lẽ ngồi ở góc phòng, trông cậu ta giống một manocanh vì khuôn mặt trái xoan với nước da trắng lướt của người chưa bao giờ phải giãi nắng. Gương mặt thì vô cảm, nhưng đôi mắt lại trong veo lấp lánh. Đôi mắt như mượn được của một thiên thần nhân ái. Dương chăm chú nhìn tôi và Phú như là một tín đồ ngưỡng mộ tôn giáo của anh ta. Phú lại phớt lờ sự có mặt của Dương.

“Có một người có tình cảm với một người, tuy đã định rõ hình thù rồi, nhưng chưa chắc lắm nên không dám nói.”

“Phú có biết một cái cây bình thường muốn tồn tại, cần yếu tố gì không?”

“Đất, nước và không khí”

“Đôi khi không cần đất đâu, chỉ cần hoà tan trong nước những dưỡng chất cần cho cây là được. Nhưng với cây sống cạn, cần phải có đất mới phát triển độc lập và vững chãi. Cái cây của cậu đang cần có đất đúng không?”

Phú cười, tiếng đàn thoắt vui như người đánh đàn thuê vừa từ đám ma về đám cưới vậy. Đàn chán, Phú ngồi nhìn theo tôi qua ô cửa sổ. Thành phố nhấp nhô những công trình. Phú bảo : “Cậu rất nhớ người đó đúng không? Sao không chịu gọi cho hắn? Điện thoại đây, tớ vừa nạp 500 nghìn xong.”

Tôi lắc đầu, và lại muốn khóc. Nhưng trước Phú, tôi chỉ để mình rơi lệ một lần duy nhất ở công viên thôi.

Tôi đã quen với việc nghe tiếng dương cầm mỗi đêm của Dương. Dương làm việc ấy đôi khi vì ông bố như kiểm tra bài vở của cậu con cưng. Đôi khi, có thể vì Dương thực lòng thích thú. Hết ngày này sang ngày khác, trật tự y nguyên như một chu trình. Tôi không cảm thấy phẫn nộ bố mẹ Dương nữa, vì người ta cho rằng họ đã đầy đoạ Dương. Tôi từng nghĩ có thể họ đã đúng, chí ít thì tôi cũng tin rằng Dương đã biết bộc lộ cảm xúc khi lướt tay trên những phím đàn, ngay cả khi Dương chẳng hiểu mình đàn những gì…

Rồi cũng đến một hôm tôi ôm điện thoại, lại nhẹ nhàng bấm từng con số quen thuộc để được nghe anh nói. Chỉ còn một con số cuối cùng, mà tại sao nhỉ? Tại sao tôi lại không làm thế trong khi tôi có thể? Tôi sợ gì cơ chứ? Sợ tưởng tượng hoang đường của mình ư? Nhưng trong lúc tôi mải phân vân thì ngón tay tôi đã tự ý làm điều đó mất rồi. Sau những hồi dài chuông đổ. Và đầu dây bên kia, một giọng nữ trong vắt “Hello” Tất cả quanh tôi đều ngừng lặng. “Xin chào…Alô” – Giọng cô gái đầy nghi vấn - “Hi!” – Cô ấy vẫn tiếp tục. Tôi cúp máy từ lúc nào không biết nữa. Sao lại có sự trùng lặp ngẫu nhiên đến thế? Có lẽ tôi chỉ tưởng tượng thôi. Tôi nào dám phá vỡ niềm kiêu hãnh của mình để gọi cho anh đâu. Ngay cả con số cuối cùng tôi còn không vượt qua nổi cơ mà…

Chuông điện thoại của tôi đổ, và giọng nói của anh, giọng nói tôi ngày đêm nhung nhớ “Đình ơi. Đừng cúp máy, nghe anh nói này. Đừng hiểu lầm…Anh…” Ô kìa! Anh thật ngốc. Tôi có nói gì đâu. Có trách móc đâu. Có hiểu lầm đâu. Sao anh lại cuống lên như người mắc lỗi thế?

…Buổi sáng, tôi không thức dậy vì suốt đêm không ngủ. Khi tôi mở cửa căn phòng Dương đã đứng đó tự bao giờ. Trên tay Dương là một bó hoa hồng rất đẹp. Tôi còn chưa kịp ngạc nhiên thì Dương đã đặt bó hoa lên tay tôi. “Dương chúc mừng chị” “Mừng cái gì?” “Mừng ba…ba…” - Dương bắt đầu cuống. Trước nay Dương chưa bao giờ diễn đạt một câu dài, trừ khi được dạy để học thuộc lòng. Tôi chợt hiểu ra: “À, hiểu rồi, mừng ba tháng chị đến đây chứ gì?” Mắt Dương sáng rỡ. “Ừ, chị Đình cảm ơn Dương.” Tôi nói rồi quay người trở vào, nhưng ngay lập tức vai phải của tôi bị bàn tay mềm lạnh của Dương giữ lấy. Tôi chưa kịp hiểu gì thì má tôi nhận được một nụ hôn ướt lạnh. Dương cười rạng rỡ trước khi chầm chậm quay người đi xuống. Còn lại một mình với bó hoa trên tay. Tự dưng tôi muốn được khóc.

Tôi mang từng thứ đồ đạc của mình ra khỏi nhà Dương, trông bộ dạng len lén như kẻ trộm ăn trộm chính đồ đạc của mình vậy. Phú nôn nóng:

“Cậu sao không nói một câu, tớ gọi xe đến khuân vèo một cái là hết, làm gì mà khổ sở thế”. Tôi không đàng hoàng dọn đi như khi tôi dọn đến, vì dù mẹ Dương không yêu cầu “Cô xin cháu, cháu đừng làm thế, Dương sẽ buồn lắm” thì tôi cũng không làm vậy. Tôi không biết trái tim và khối óc Dương đang cần nói lên điều gì, nhưng tôi cũng cảm thấy mình không nên có những hành vi giống như rũ bỏ. Cảm giác của Dương có khác nào cảm giác của tôi khi thấy anh đang trôi khỏi tầm tay mà tôi không có cách nào giữ lại.

Mà nói cho đúng, có khi nào tôi chạm được vào anh.

…Chiều Hồ Tây gió lộng, ly café cũng man mác gió. Phú tưng tửng “Người trên đất khách dễ bị tình cảm và sự cô đơn chi phối lắm. Vợ chồng đầu gối tay ấp mà còn phản bội nhau, nói gì đến người yêu…”

Tôi không khóc, không phải sợ mình ngu ngốc, yếu mềm trước Phú, mà là không sao khóc được. Sao anh không nhớ nhỉ? Rằng đã có lần tôi nói với anh “Nếu như không còn yêu em nữa, hãy nói với em một lời. Em sẽ không hỏi vì sao đâu. Thật đấy.”

* * *

Dương lại chơi đàn vào mỗi buổi tối như bao lần khác. Ở ghế dài, vẫn ông bố phì nộn của cậu ta với cái tăm quế hết đu đưa ở mép bên trái, lại sang mép bên phải. Vẫn khuôn mặt khá đẹp và trơ lì của vợ Dương…

Tôi đến bên dương cầm. Dương ngừng lại, ngước nhìn tôi, rồi tự nhiên, không hề chủ động, tôi đưa một ngón tay ấn một phím đàn. Phím đàn ngân lên một âm thanh lạc lõng. Tôi nhìn Dương, mắt Dương nhìn tôi như đã từng nhìn ngắm say sưa những mẫu thiết kế của tôi vậy. Tôi lại bắt đầu ấn năm ngón tay lên những phím đàn. Lại ngần đó âm thanh vang lên. Và như có một tiếng hô “Một…hai…ba…” vô thanh, cả tôi và Dương đều cùng lúc ấn cả mười ngón tay trên những phím đàn. Từng chuỗi, từng chuỗi những âm thanh lại vang lên. Dương cười vang, tôi cũng cười vang. Hai chị em loạn xị khua những ngón tay trên những phím đàn, say sưa hoà tấu một bản nhạc vô thức, say mê của hai tâm hồn khờ khạo…

Dương cầm lặng tiếng rồi và đêm cũng lặng. Tôi lại một mình trên tầng ba ngắm thành phố trong đêm. Có điều gì băn khoăn trăn trở nhỉ, khi mà đây vốn là nơi tôi không hề muốn đến?

Cái bóng điện màu xanh ma quái cứ đu đưa, đu đưa trong vòm lá bằng lăng. Tôi vẫn không hiểu vì sao cổng nhà Dương lại lắp cái bóng điện màu xanh ấy.

Tôi nhớ lời mẹ tôi vẫn bảo: “Những người điên cũng có cái hạnh phúc mà nhiều người bình thường thèm muốn. Ví như họ có thể tự do làm những gì họ muốn, thích chửi ai thì chửi”

Vì sao có một số người, đã yêu lại cứ phải nói là không yêu? Tại sao quên, lại cứ phải giả vờ rất nhớ?



Những con đường

Trước đây có một giả thuyết cho rằng con khủng long Sourobod có một cái cổ rõ cao, cao tới 11m, và người ta không hiểu bằng cách nào mà máu có thể luân chuyển đến một cái đầu ở quá xa tim như vậy. Thế là họ đưa ra một giả thuyết khác, rằng: Những chú khủng long này có tới 8 quả tim, phân bố đều ở ngực và cổ.

Nếu giả thuyết kia đúng, thì với 8 quả tim trong một cơ thể có ảnh hưởng gì đến tình yêu của loài vật này không nhỉ? Trong 8 quả tim kia, quả tim nào giữ trọng trách yêu đương?

Tôi từng ước chi mình có hai quả tim. Một quả tim dành trọn vẹn cho tình yêu lớn đích thực của cuộc đời. Quả tim còn lại dùng để khảo sát xem những tình yêu khác có phải là tình yêu đích thực hay không. Nên ở khía cạnh nào đó, tôi ngưỡng mộ những chú khủng long Sourobod cực kì.

…Có lẽ suốt cuộc đời này tôi không thể nào quên được hình ảnh Ngạn nằm trên giường bệnh bên cửa sổ, trước mặt là một quyển lịch mà nó luôn được bỏ đi tờ lịch của ngày hôm nay khi ngày mai còn lâu mới tới. Thi thoảng những cơn gió mạnh ngoài cửa sổ xô vào, những tờ lịch mỏng tang phía ngoài cùng khẽ được lay động. Vẻ nhúc nhích, lay động ấy như một tiếng cười khan, hay như một lời thầm thĩ: “Đừng vội vàng thế cô gái. Chúng tôi chỉ là những tờ lịch, chứ không phải là ngày hôm qua, hôm nay hay ngày mai…” Ôi…chỉ có những ai mải miết chôn vùi ngày tháng một chỗ với những nghĩ suy bất tận mới hiểu được những tờ lịch kia hoặc nói lên ngày dài biết bao, hoặc có khi ngược lại: ngắn khủng khiếp.

Ngạn đã ngắm mỏi mòn những tờ lịch, những quyển lịch trong suốt những năm dài nằm liệt một chỗ, để cuối cùng tìm thấy một điều thú vị: “Tại sao người ta cứ nói “một tháng ba mươi ngày” trong khi có những bảy tháng một năm có ba mươi mốt ngày?”

Ngạn nằm đó, khi tôi đến chơi thời gian đầu thì Ngạn lại nói với tôi về thời gian, thời gian sau đó, Ngạn chỉ hỏi một câu thôi, một câu duy nhất cho nhiều ngày tháng : “Người ta cần có bao nhiêu trái tim để trang trải hết những yêu thương của một đời hả Huệ?”

Một lần, khi Ngạn hỏi tôi câu đó, Phố - chồng của Ngạn đang ngồi thoăn thoắt đưa những mũi kim…Mỗi mũi kim đưa đi đưa lại như thể linh hồn của con bướm đậu trên một bông cúc dại kia đang được đong đầy. Chỉ một chút, một chút nữa thôi nó sẽ đủ đầy và cất cánh bay lên. Nhưng nó không thể bay được, mãi mãi không bay lên được vì chính câu hỏi của Ngạn…Câu hỏi đó dành cho tôi, nhưng nó dội vào khoảng trống bất tận của ngôi nhà…Phố đứng dậy bỏ ra ngoài. Con bướm nhỏ tội nghiệp với đôi cánh dở dang lặng lẽ chết trên khung vải. Đôi mắt Ngạn ầng ậng nước, tôi (không hiểu sao lại luống cuống) lấy khăn lau thấm nước mắt cho Ngạn.

Khi đó tôi không thể hình dung được điều đó quan trọng với họ đến mức nào.

Có một dạo bỗng dưng tôi hay rơi vào những nghĩ suy luẩn quẩn, chẳng hạn như: Vì sao người ta cứ ca tụng về một chốn hưởng lạc nào đó gọi là Thiên Đường. Đó là nơi tuyệt vời nhất trong số những nơi tuyệt vời mà con người luôn mong có được. Thế thì tại sao người ta lại phải tìm mọi cách để tồn tại ở chốn trần gian bụi bặm và đầy rẫy những đau khổ này? Tại sao người ta lại sợ cái chết đến tội nghiệp mà quên mất rằng chỉ khi chết đi người ta mới có thể đến được Thiên Đường?

Có lẽ vì Ngạn là người thân (tôi tự cho là như vậy) đầu tiên của tôi đã chết nên ý nghĩ ấy cứ luẩn quẩn trong đầu. Đôi lúc tôi tự an ủi bằng tưởng tượng: Ngạn đã đến được Thiên Đường bằng trái tim và tâm hồn trong sáng của cô ấy, và Ngạn đang hạnh phúc. Nhưng cũng có những lúc tôi lại tự giày vò bởi ý nghĩ: Làm sao người ta có thể cảm thấy hạnh phúc khi người thân yêu nhất không thể ở bên ta nữa?

Cũng trong thời điểm ấy chồng tôi thường than vãn: “Sao hồi này em nấu ăn không ngon như hồi trước nữa?” Tôi cãi : “Đâu có. Em vẫn nấu như thế đấy chứ. Vẫn những nguyên liệu ấy, vẫn những công thức ấy…” Chồng tôi lại không nói gì nữa, lại lặng lẽ ăn như trước đây, ngay cả khi hài lòng nhất anh cũng không ồn ào tán dương như những người chồng yêu vợ khác. Nhưng cũng từ đó, mỗi khi nấu ăn cho chồng, tôi lại vướng vào những suy nghĩ luẩn quẩn khác, rằng: Tại sao thế nhỉ? Vì những biến động tâm lí khiến tôi xao lãng? Vì tình yêu và lòng nhiệt thành khi chế biến những món ăn cho người yêu dấu nhất trong tôi đã nguội lạnh, hay tình cảm vợ chồng giữa chúng tôi đã bớt đi phần nào thi vị?

Thế là tự dưng tôi lại ngượng ngùng, thiếu tự tin mỗi khi chồng ngồi vào bàn ăn, cứ như những món ăn đang phản bội tôi vậy. Giá như chúng tôi đã có một đứa con để tôi có cớ bân bịu vì nó mà…

…Tôi nhớ như in những ngày tuần của Ngạn. Thậm chí đã có lúc còn nôn nóng mong mau tới ngày đó. Tâm trạng bất thường ấy khiến tôi ngại ngùng xấu hổ khi cắm những nén nhang thơm lên bàn thờ Ngạn. Một hai tuần đầu khi Ngạn mất, người nhà và bè bạn đến thắp hương rất đông, nhưng rồi cứ như là họ bảo nhau đồng loạt lãng ra vậy. Những ngày tuần sau đó người đến thưa dần…Rồi đến ngày tuần thứ sáu, tôi là người duy nhất đến thắp hương cho Ngạn.

Phố để di ảnh của Ngạn hướng ra phía cửa sổ. Cửa sổ nhà Ngạn trông ra con đường nhỏ đi vào Thành Cổ. Ngày tuần thứ sáu của Ngạn rơi vào đúng lúc hoa Bằng Lăng nở rộ. Những cây Bằng Lăng trên con đường ấy và những cây Bằng Lăng trong Thành Cổ trổ hoa tím ngát. Trước khi lâm bệnh, Ngạn hay rủ tôi đi tập thể dục mỗi sớm mai trên những con đường đó. Ngạn bảo tôi : “Ngạn thích nhất hoa Bằng Lăng, còn Huệ?” “Mình à? Mình chẳng thích hoa nào nhất cả” Tôi trả lời thế và Ngạn cười phá lên, cứ như những kẻ không thích hoa gì nhất là những kẻ lạc hậu nhất thế gian.

“Người ta ngoài những thứ yêu quý ra, nên có cái gì đó để yêu quý nhất. Là phụ nữ thì nên chọn loài hoa nào đó để yêu nhất, vì nó nói lên tính cách mà…”

Nói chung, Ngạn nói rất nhiều về hoa…Còn tôi, lòng tôi chỉ hướng về những con đường.

Tôi rất thích con đường vòng quanh Thành Cổ. Đó là một con đường nhỏ với hai hàng cây cổ thụ quanh năm lá lao xao rụng, và quan trọng nhất là vì cuối cùng ta có thể đi hết con đường mà vẫn quay trở lại vạch xuất phát. Tôi nhớ có một câu nói rất hay:“ Khi bạn yêu ai đó, đừng viết tên người ấy vào hình trái tim, mà hãy viết vào một hình tròn, bởi hình tròn không có điểm đầu và điểm cuối, vì bạn không biết tình yêu bắt đầu từ đâu và tốt nhất là không có kết thúc”…Thế là mỗi khi bước chân trên con đường vòng quanh Thành Cổ đó, tôi lại băn khoăn: Tại sao trái tim của chúng ta lại không phải hình tròn? Vì không phải hình tròn nên chăng phần lớn nhân loại không có được một tình yêu trọn vẹn?

Tôi và Phố ngồi bên nhau nhìn ra ngoài ô cửa sổ đó rất lâu. Tôi tự cho rằng khi đến căn phòng của họ, nơi không còn Ngạn nữa, thì tôi chỉ có một chỗ duy nhất để nhìn ra, đó là cửa sổ… Không ai cấm tôi không được để tâm đến nơi khác, dẫu có nhắm mắt lại tôi vẫn có thể lấy được những đồ vật được sắp xếp cố định khi Ngạn còn sống, và tôi biết sau khi Ngạn mất, Phố vẫn chưa thay đổi gì…Có lẽ tôi ngại phải nhìn thấy cái trụ mắc áo của họ. Cái trụ mắc áo luôn đầy nhóc những chiếc áo xinh đẹp của Ngạn. Cái trụ mắc áo mà mùa đông, khi đến chơi nhà họ, tôi lại khoác cái áo khoác dài ngang bắp chân của mình chèn vào đó rồi nghĩ vu vơ như hệt như cái áo là kẻ thứ ba chen vào giữa hai người yêu nhau tha thiết đó. Bây giờ tôi biết cái trụ mắc áo chỉ còn mắc một hai bộ quân phục của Phố, chúng hẳn lẻ loi, cô đơn như chủ nhân của chúng vậy.

Nhưng sao tôi lại có cái cảm giác e ngại vớ vẩn đó nhỉ?

“Sao Phố không đón thằng Hải lên, hai bố con có nhau chứ thế này thì…”

Phố không nhìn tôi mà lặng lẽ lắc đầu :

“Đón nó lên rồi ai lo cho nó? Mình cũng đi vắng suốt mà…”

“Để Huệ lo cho nó” - Thiếu chút nữa tôi đã thốt ra câu nói đó. Mà nếu tôi có lỡ nói ra có lẽ Phố chỉ đơn giản nghĩ đó là một câu nói đùa. Nhưng tôi thì tự biết ý nghĩ vừa chợt loé lên ấy là một ý nghĩ chân thành. Và tôi thương ý nghĩ ấy như thương một hình hài, một giọt máu ấm đã tụ lại trong lòng mình vậy.

Tôi đã đi qua bao ân ái cùng chồng với một so sánh lạ lùng : Anh có yêu em nhiều không? Có yêu nhiều như Hoàng Phố đã yêu Thi Ngạn không?...Rồi tôi tưởng tượng ra thái độ của chồng khi tôi so sánh thế. Nhưng dù trí tưởng tượng có phong phú đến đâu tôi cũng không sao hình dung được thái độ của anh khi nhận được câu hỏi đó. Phải chăng đó là cánh cửa khép kín một góc nào đấy tâm hồn anh mà tôi không có chìa khoá, không có cách nào mở ra được?

Tôi từng ngồi cả giờ đồng hồ trong im lặng để ngắm nhìn đôi tay Phố thoăn thoắt đưa xuống đưa lên những cây kim có đính những sợi chỉ màu. Và với bàn tay ấy, trên tấm vải trắng căng khít, những cây kim, những sợi chỉ màu, có biết bao cánh bướm đã bay lên, có biết bao uyên ương đã hạnh phúc. Phố hẳn phải yêu Ngạn lắm, yêu đến có thể thay thế Ngạn khi thả hồn và tình yêu vào những bức tranh thêu, mà với Ngạn, chúng là lẽ sống.

Tôi không nhớ có bao nhiêu lần lặng im ngắm Phố thêu như thế, quên cả nói chuyện với Ngạn, quên cả nói chuyện với Phố…Và dường như những khi ấy, cả tôi, Ngạn và Phố, cùng cả căn phòng đều đã lãng quên nhau.

Có lẽ, vì một lần không nén lòng được khi thấy tôi mê mải ngắm Phố thêu như thế, Ngạn bảo tôi: “Sao Huệ không học thêu đi, rồi thêu cho Khoa một cái gối thật đẹp…”

Tôi lắc đầu: “Bây giờ người ta thêu tranh nghệ thuật như Ngạn, chứ ai còn thêu gối như thế kỉ 20. Quê chết.”

Thế mà mấy hôm sau tôi lại mang đến nhà họ một vuông vải trắng. “Anh Phố chỉ cho Huệ thêu đi!” - Ngạn như ban mệnh lệnh cho chồng. Phố nhìn tôi cười: “Huệ muốn thêu gì, Phố vẽ mẫu cho.” “Phố vẽ gì Huệ thêu cái đó” Tôi vụng về với đôi Uyên Ương đầu tiên. Ngạn nằm trên giường cổ vũ, Phố đi làm về, kiểm tra sản phẩm. Lại động viên. Tôi dành thời gian ở nhà họ nhiều hơn, có những khi tôi và Phố cùng vào bếp chế biến món ăn và rôm rả chuyện. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi lại hợp chuyện và có nhiều điều muốn nói cùng nhau như thế.

Và…đã bao lần tôi và Phố mê mải chuyện mà quên cả Ngạn…Đã bao lần Ngạn rưng rưng khóc mà không có cách nào tự gạt nước mắt đi được, không có cách nào tự xoay người, quay mặt vào tường để che giấu…

Tôi đã không dám đến nhà họ một thời gian khá dài. Tôi bắt đầu cảm thấy có cái gì đây bất thường và không hề ổn. Tôi cảm thấy tôi không dám nhìn vào mắt Phố nữa, cảm thấy những câu chuyện không còn vô tư nữa, cảm thấy có lỗi với Ngạn “Người ốm thường hay nghĩ ngợi, quá nhạy cảm…” tôi tự bào chữa cho mình như thế.

Nhưng một sáng, gặp tôi ở chợ, Phố chặn xe tôi lại, giọng gấp gấp: “Sao lâu rồi Huệ không đến chơi, Ngạn nhớ Huệ lắm…”

“Có còn ai nhớ Huệ nữa không?” – Câu hỏi đó cuộn lên trong lòng tôi khi nhìn vào mắt Phố…Như thể lần đầu ghé môi hôn, như thể lần đầu ta yêu, yêu người mà ta tự tìm thấy…

Tôi về nhà và mải miết với bức tranh thêu dang dở. Tôi thêu một đôi Uyên Ương theo mẫu Phố vẽ, nhưng tôi không định để làm gối ngủ cho chồng.

“Sao em lại thêu hai con gà xấu thế?” Chồng tôi cười ha ha, giật lấy tấm vải, giơ lên vẫy vẫy như những kẻ vẫy cờ trắng xin hàng. Tôi cau mặt giật lại, chạy vào buồng.

“Ôi. Mới trêu thế mà cũng giận à?” Nhưng tôi không giận, chỉ tủi thân, tủi thân mà lại không khóc được. Rồi như nỗi ấm ức lâu ngày mới có dịp bùng nổ, tôi vò tấm lụa trong tay, như thể bóp nghẹt cái gì đó đầy yêu thương mà vô vọng.

“Lấy nhau năm năm rồi đấy, sao vợ chồng Huệ không sinh con đi? Vợ chồng như hai cái vạt áo, đứa con là khuy áo. Không có con có khác nào mặc áo mà không cài khuy?” Lời của Ngạn cứ lởn vởn trong đầu khi vợ chồng tôi bên nhau.

“Mình sinh con anh nhé?”

“Vội gì hả em? Mình còn trẻ, sinh đẻ sớm làm gì?...”

Người ta bình thường sao lại từ chối sự hiện diện của đứa con cơ chứ? Thế thì chồng tôi có gì không bình thường, có gì đằng sau cánh cửa một góc tâm hồn khép kín kia?

Ngày tuần thứ sáu của Ngạn, lần đầu tiên tôi đã nấu cho Phố bữa cơm chiều.

Tôi đã không hoàn thiện bức tranh thêu đầu tiên của mình vì một lẽ đơn giản: Chồng tôi nói đúng, tôi thêu hai con gà xấu xí.

Tôi cất bức thêu dang dở ấy vào tủ áo, không kín đáo lắm, vừa đủ để những khi nhớ Phố tôi lại lén mang nó ra, ấp vào ngực mình, cảm nhận hơi ấm bàn tay của Phố còn vương lại trên từng nét vẽ mềm mại, tinh tế. Mà mỗi ngày hôm sau tôi lại thấy mình nhớ Phố hơn ngày hôm trước.

…Thế mà…thế mà tôi đã quên ngày giỗ đầu của Ngạn. Thật kinh khủng. Tôi cảm giác như không có gì đầy đủ để khoả lấp nỗi xấu hổ khi giọng Phố trong điện thoại nghẹn lại : “Phố chờ Huệ mãi, sao Huệ không đến?”

Tôi lao vào bóng tối, mặc cả việc chồng tôi vẫn chưa đi làm về và chạy dọc con ngõ dài từ đầu đường hướng về Thành Cổ. Con đường sao hôm đó thưa người đến hoang lạnh…Bằng Lăng đã bắt đầu trổ nụ, thành phố sắp đắm chìm trong màu hoa tím. Mà tôi lại quên ngày giỗ đầu của Ngạn, mà tôi lại quên.

Phố một mình ngồi trên hiên nhà, đầu cúi gục vào đầu gối, ánh điện từ trong nhà hắt lên bộ quân phục của Phố một màu bàng bạc, như tan loãng, như phai phôi.

Tôi chạm tay lên vai Phố, Phố choàng đứng dậy rồi bất ngờ ôm chầm lấy tôi. “Phố chờ Huệ mãi, chờ Huệ mãi…”

…Chị Dung Dung – bác sĩ điều trị cho Ngạn trước đây nhìn tôi cười nụ: “Có em bé rồi hả? Sao đẻ muộn thế, lấy chồng sáu, bảy năm rồi đấy nhỉ?”

“Vâng. Thì…” Tôi chỉ trả lời thế, rồi im lặng bước chân trên con đường nhỏ vòng quanh Thành Cổ.

“Ngạn mất cũng phải hơn năm rồi nhỉ? Tại nó không có chí sống, nếu không…”

“ Nếu muốn sống, Ngạn có thể chống chọi với bệnh tật vài năm nữa phải không chị?”

“Ừ…”

Sao cô đơn thế này? Tôi làm sao gạt đi nỗi cô đơn mỗi ngày thêm mênh mông trong cõi lòng mình? Lẽ nào ta cô đơn giữa biển người? Lẽ nào…

Chồng tôi không nói gì về những món ăn của tôi nữa. Mà có gì để nói khi vẫn những nguyên liệu ấy, vẫn những công thức ấy…

Tôi bắt đầu đếm ngày tháng trôi qua trong đơn điệu, tẻ nhạt. Tôi nhớ nhiều hơn những ngày Ngạn còn sống, tôi đến nhà họ, nói chuyện cho Ngạn nghe, nhìn Phố thêu những con bướm xinh đẹp cho vợ…mà cảm thấy mình trống rỗng kinh khủng. Tôi đã có những ý nghĩ oán giận chồng tôi. Rằng nếu anh không giữ rịt tôi ở nhà, nếu tôi vừa có thể làm vợ và làm công việc mà tôi được đào tạo. Hay giá như anh chịu để tôi sinh một đứa con, có lẽ tôi đã không có cơ hội chạm tay vào bức tranh thêu đôi Uyên Ương dang dở…

Cái đêm giỗ đầu của Ngạn đó, khi tôi lần đầu tiên đứng ngoài gọi cửa nhà mình và chỉ cần giải thích một câu ngắn gọn “Hôm nay giỗ đầu Ngạn.” Và chồng tôi ngẩn ra “Ô, thế mà anh không biết”…Thế là sau đó anh đã không bận tâm gì nữa. Tôi oán giận anh, sao hôm đó anh không nhạy cảm để nhận ra tôi đã không còn là chính tôi nữa.

…Tôi và Phố chìm lút trong nhau như chìm lút vào một niềm đam mê vô tận. Để rồi sau những đam mê ấy lòng chúng tôi hoang hoải vô bờ…Chúng tôi khóc. Khóc vì tất cả những gì chúng tôi muốn khóc. Và điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là không hiểu sao chúng tôi lại dễ khóc khi ở bên nhau đến thế.

“Người ta cần có bao nhiêu trái tim để trang trải hết những yêu thương trong đời hả Huệ?”

Có phải ngày trước Ngạn đã rất nhiều lần hỏi tôi câu đó không? Có phải ngày xưa tôi đã vô cùng ngưỡng mộ loài khủng long Sourobod vì chúng có những 8 quả tim không?

Tôi nhớ lại cái lần khi Ngạn hỏi tôi câu đó, Phố đã đứng dậy bỏ ra ngoài. Con bướm nhỏ với linh hồn chưa tụ đủ trên khung thêu đã mãi không thể nào bay lên được. Sao rất lâu, rất lâu sau tôi mới hiểu vì sao Phố đã bỏ đi, vì sao Ngạn khóc?

… “Chị đây là…?”

Cô gái đi cùng chồng tôi đã hỏi chồng tôi câu đó khi nét mặt anh ta tái dại vì cuộc gặp bất ngờ giữa chúng tôi ở trong một nhà hàng sang trọng .

“Mình là bạn của anh Khoa đây.”

Tôi đã thay chồng trả lời cô gái. Lập tức nét mặt cô ta giãn ra, và nhìn chồng tôi bằng ánh mắt đầy sở hữu.

“Mình là bạn của anh Khoa đây” Ôi… Làm sao tôi hình dung được tôi đã bình thản như thế nào khi nói với kẻ phản bội và bồ của anh ta câu nói đó? Khi một người vợ bình thản trước chồng và bồ của chồng thì điều gì đã xảy ra với cô ta? Với gia đình của họ?

…Tôi như người mộng du vào chợ. Lướt qua những quầy thực phẩm và miên man nghĩ: Vẫn những nguyên liệu ấy,vẫn những công thức ấy, lẽ ra tôi sẽ tiếp tục nấu cho chồng những món ăn như một nàng Ôsin chu đáo.

“Rồi cô ta sẽ mau chóng bị nhàm chán như ta thôi” – Tôi hả hê nghĩ vậy khi dời chợ mà chẳng mua gì.

Rồi đột nhiên tôi dừng lại trên hè phố, đứng dưới một gốc Bằng Lăng rụng hoa tím, khẽ chạm tay lên bụng mình, nghe như đứa trẻ đang thổn thức.

Lẽ nào, một lúc nào đó tôi và Phố sẽ không còn những đam mê, không còn chìm lút trong yêu đương như tôi và chồng tôi, những kẻ đã lẳng lặng nguội lòng với nhau như vậy?

“Thời buổi bây giờ chán nhỉ? Gừng với ớt thì không cay, còn mướp đắng thì chẳng đắng. Nấu ăn chẳng như ý nữa”

Những bà nội trợ đi qua tôi nói với nhau như vậy.

Tôi đứng dưới gốc Bằng Lăng nhìn phố.

Có rất nhiều người trên đường đã bình thản bước qua nhau.



Trái tim xanh

... “Đàn ông chỉ thích những cô gái biết dựa vào họ. Nhưng khi cưới rồi thì họ lại chỉ muốn chạy đến với những người không biết dựa vào họ. Đến với những người không biết dựa vào họ rồi thì họ lại chỉ muốn chạy về với những cô nàng biết dựa vào họ...”

Dì Thuý diễn đạt một vòng luẩn quẩn mà dì tin là tôi không bao giờ có đủ khả năng để hiểu. Cuối cùng dì kết luận:

“Đàn ông kinh khủng lắm, chẳng nên tin họ điều gì.”

Ba mẹ tôi đều xinh đẹp, nhưng tôi lại xấu xí. Dì Thuý cứ chẹp miệng tiếc rẻ: “Tại mày chịu di chứng từ mẹ đây mà. Hồi mang thai mày bà ấy đã bị bệnh và uống bao nhiêu là thuốc.”

Tôi không chỉ xấu xí mà còn rất ngốc, ai cũng bảo thế. Nhớ có lần tôi khoe với dì Thuý khi tôi đi Hà Nội hai năm trở về:

“Người yêu cháu làm ở khách sạn Daewoo. Anh ấy đã tặng cháu 1000 bông hồng, mỗi ngày một bông.”

Dì Thuý lạnh tanh hỏi:

“Thế mày và nó yêu nhau được bao lâu rồi?”

“Một năm ạ.” – Tôi vô tư trả lời. Dì Thuý cười he he:

“Trùi ui. Một năm 365 ngày, mỗi ngày một bông, yêu nhau một năm, vị chi là 365 bông. Thế những bông còn lại mày bới ở đâu ra?”

Tôi không ngốc, tôi thề thế. Tôi chỉ muốn cho mọi người thấy là tôi đã lớn lên thành một cô gái. Đã biết yêu và khao khát được yêu như bao nguời con gái khác. Chỉ vì tôi lỡ nói dối và nhầm phép cộng sang một phép tính mà chưa ai trên đời này nghĩ ra. Nhưng tôi càng cố gắng thì kết quả là tôi càng giống một con ngốc trong con mắt của mọi người. Thêm nữa, gì chứ tôi được ai đó yêu, dì Thuý không biết mới là chuyện lạ.

Ba và mẹ kế tôi sắp sửa li dị. Một năm trời họ như ở hai thế giới và chĩa miệng sang cãi nhau. Dì Thuý bảo những cuộc cãi nhau đó giống như một chất xúc tác, thúc đẩy tiến độ xảy ra phản ứng nhanh hơn. Để lòi ra kết quả cuối cùng là cưa đôi ngôi nhà. Cứ cãi nhau là mẹ kế tôi lại gào lên:

“Anh huỷ hoại đời tôi.”

Còn ba tôi lại gân cổ:

“Cô tự huỷ hoại đời mình vì ham tiền, ham đất của tôi đấy chứ...”

Mẹ kế tôi lại chạy sang chỗ dì Thuý khóc lóc và kể lể. Dì Thuý bĩu môi:

“Ông anh hâm bỏ mẹ. Đời người ta không tiếc thì thôi, tiếc quái gì đất với cát. Chẳng phải mai này chết đi thì hư vinh sẽ thành hư vô sao?”

Nhưng dì lại ghé tai tôi thì thào: “Ờ, mà ở đời sống đáng bao năm, giá có vinh hoa phú quý mà hưởng cũng sướng đã đời.”

Đối với dì Thuý, ba tôi là người đàn ông đau khổ, lúc nào cũng nhăn nhăn nhó nhó, khuôn mặt cứ như bị ai vò nát. Thế mà mẹ tôi đã dám cãi lời ông ngoại tôi, và họ đã cưới nhau cho bằng được. Ông ngoại tôi khi đó còn là một quan chức được người ta trọng vọng. Cái nhục bị một anh chàng lái xe có số sát vợ qua mặt, đã khiến ông cụ uất hận từ con. Dì Thuý bảo đến một bức ảnh của mẹ tôi ông ngoại cũng không cho để trong nhà. Nghiệp chướng làm sao, ba tôi lại được đơn vị cấp cho mảnh đất ngay sát bên cửa sổ nhà bố vợ. Ông ngoại tôi không bao giờ thèm đếm xỉa đến con gái, con rể, cho đến khi mẹ tôi phát bệnh khi mang thai tôi.

Mẹ qua đời khi tôi còn rất nhỏ.

Tôi không có nhiều hình dung về mẹ. Tất cả những bức ảnh của mẹ, ba tôi đều cất kín đâu đó. Mẹ kế tôi nói đi đâu thì chớ, chứ về đến nhà, thấy ảnh vợ cũ là đau lòng, nên cất đi. Ba tôi lại nói vì nể mặt vợ kế nên cất ảnh vợ cả đi cho vợ kế khỏi tủi thân. Bà nội thì bảo mẹ kế tôi ngày đêm đay nghiến, chì chiết vì ghen tuông nên ba tôi không thể để ảnh mẹ tôi lại...

Cuối cùng, chính tôi cũng không biết đâu là sự thật.

Tôi chỉ được nhìn mẹ trong bức ảnh duy nhất bà ngoại tôi còn giữ. Bức ảnh chụp khi mẹ tôi còn nhỏ, nên trong hình dung của tôi, lúc nào mẹ cũng chỉ hiện ra với gương mặt của một đứa trẻ. Khi tôi đi trong ngôi nhà sắp vỡ của ba và mẹ kế, tôi đã nhìn thấy mẹ dang tay ôm tôi. Mẹ vẫn là một cô bé, còn tôi đã mang vóc dáng của một thiếu nữ.

Ba tôi nói khi nào tôi lớn khôn, ba lìa đời, ba sẽ giao cho tôi tất cả những bức ảnh của mẹ.

Ba ơi! Con đã lớn rồi đây – Tôi nói thế. Ba chỉ cười: “Con ngốc thế, bao giờ lớn được.”

***

Người đàn ông đầu tiên muốn bước vào đời tôi là Thoại. Gã lùn tịt, da sần sùi đầy mụn trứng cá.

“Cái mồm nó như đít vịt ấy.”

Dì Thuý nói thế vì gã nói nhiều, nói liên tục, không cần biết ai hiểu gã nói gì hay không. Gã mở hiệu hàn xì ở ngay cạnh nhà và gã mê tôi, cũng tặng hoa và buông lời ve vãn. Cả nhà mừng húm. Ba tôi thở phào vì cô con gái hai mươi tuổi của ba cuối cùng cũng có người chịu để ý. Mẹ kế an ủi:

“Thôi. Nó tuy xấu người, hơi xấu nết, nhưng cũng được rồi, cũng là cái thằng người mà...”

Chỉ có dì Thuý là nghi ngờ, dì dặn tôi:

“Phải cẩn thận nghe chưa? Ai chứ thằng này dám ăn sống nuốt tươi mày lắm đó.”

Trong mắt mọi người, tôi và Thoại thực xứng đôi vừa lứa.

Nhưng tôi không yêu Thoại. Tôi yêu anh cơ mà. Cái đầu tôi có thể ngốc, song trái tim tôi không ngốc. Tôi yêu anh. Yêu đến nỗi quên mất mình là ai. Nhưng anh đời nào yêu tôi? Anh là một chàng trai có nhiều ưu điểm, luôn nhìn tôi như muốn ban phát một điều thông cảm. Người ta bảo tôi chịu di chứng từ mẹ. Khi mang thai tôi, mẹ mắc bệnh và phải uống bao nhiêu là thuốc.

...Dì Thuý nói không bao giờ thích nhạc trẻ vì chúng rất sến và rất chuối. Nhưng có câu này thì nghe được: “Vì sao yêu nhau không đến được với nhau?”

Hồi cuối năm ngoái dì Thuý khoe với mẹ kế tôi:

“Chị ơi, em đã cắt được cái đuôi đó rồi.”

Rồi để trả lời thắc mắc của mẹ kế tôi, dì cười toe:

“Dễ thôi. Để khỏi mất thì giờ, em hỏi thẳng hắn: Anh thích em đấy à? Thế là hắn gật đầu: Anh thích em, thích em nhiều lắm. Em bảo: Anh đừng có thích em nữa, vì em không thích anh đâu.”

Dì Thuý cười khoái trá: “Mình không thích lại người ta thì thôi, cũng đừng nên làm mất thời gian của người ta làm gì. Đàn bà chỉ thích những thứ lấp lánh, còn đàn ông lại thích những thứ dịu dàng. Nên cứ phải choảng như vậy cu cậu mới hãi, mới sớm để mình yên.”

Bà ngoại tôi không hài lòng về dì Thuý. Từ nhỏ dì ấy đã là một cô bé độc lập, có thể tự sửa sang đồ dùng cá nhân, đi đêm không cần phiền ai đưa đón và luôn không ngần ngại nói toạc ra những điều mình nghĩ. Mẹ kế tôi bảo dì Thuý là người thông minh, đôi khi còn rất thông minh. Nhưng cũng vì thông minh mà dì ấy khổ. Vấn đề của dì ấy là không thông minh đến mức có thể làm nên kỳ tích.

Hằng ngày dì đi trong xưởng vẽ. Trước những giá vẽ là những gương mặt nam nữ không đối diện với nhau. Vì sao trong những bức tranh của dì tình yêu lại thường không trọn vẹn? Dì Thuý bảo dì vẽ sự tan vỡ rất có duyên. Nên chăng dì cũng không phải loại người được hưởng phúc?

Người ta ai chẳng có một người yêu cũ. Dì Thuý có tới vài người yêu cũ. Một vài trong số họ kiêu ngạo tưởng rằng vì thế mà dì dễ bị chinh phục. Họ thường nhầm to và tiu nghỉu ra về. Dì Thuý kiêu hãnh đi bên nỗi cô đơn của mình bởi một người nào đó, không phải cái người mà dì thẳng toẹt: “Anh đừng có thích em, vì em không thích anh đâu.”

Người mà dì thẳng toẹt ấy là anh.

Anh đau khổ. Anh tuyệt vọng. Thế đấy! Con người luôn mang hận những người làm trái tim mình tan vỡ, song cũng không ngại ngần làm tan vỡ trái tim người khác.

“Sao Thuý lại không yêu anh hả Diệu?”

Anh hỏi tôi ư? Tôi hỏi ai bây giờ. Tôi cũng yêu anh đấy, sao anh không yêu tôi, lại đi yêu dì Thuý, người mà một giây yêu anh cũng không.

Thoại tuyên bố với xóm giềng rằng sẽ chinh phục tôi bằng mọi giá.

“Tưởng con Diệu ngốc thế, đần thế dễ xơi, ai dè rắn khiếp.”

Ba và mẹ kế luôn muốn tôi mau chóng lấy Thoại, ngay cả khi hắn láo xược, huênh hoang thế. Ba nói :

“Con lớn rồi. Bây giờ ai muốn lấy thì lấy. Vài tuổi nữa là ế, là ở vậy cả đời. Khổ lắm.”

Dì Thuý ba mươi tuổi, các bà trong xóm cứ gặp bà ngoại tôi là khuyên:

“Thôi. Bảo cô Thuý bớt vẽ vời đi mà lấy chồng. Xem thằng nào tàm tạm thì lấy, không thì lấy lẽ người ta...”

Dì Thuý gào lên:

“Các bà làm sao thế nhỉ? Tôi đau khổ các bà có cho tôi tiền đâu mà khi tôi ba mươi các bà lại giãy lên như phải bỏng? Tại sao cứ ba mươi tuổi là phải lấy lẽ?”

Nhưng ba ơi! Con không thể yêu Thoại chỉ vì hắn cũng xấu xí như con. Tôi muốn nói với ba như thế. Ba thi thoảng nhìn tôi mà thở than:

“Con ngốc quá. Thế này thì khi lấy chồng sẽ khổ lắm đây. Nhưng không lấy thì ế, ba biết nói với mẹ con sao nếu gặp dưới suối vàng?”

***

Dì Thuý là em ruột mẹ tôi. Khi mẹ kế về với ba tôi thì hai người khá là thân thiết. Mẹ kế trẻ hơn ba tôi tới hai mươi tuổi. Dì Thuý trêu: “Khai thật đi. Lí do gì bà quyết lấy anh rể tôi vậy?”

“Vì yêu.”

“Yêu á? Kinh nhỉ?”.

Lúc đó dì Thuý mới yêu lần đầu, và dì sái cổ tin: Tình đầu là bất tử.

Khi vợ chồng ba rục rịch li dị, mẹ kế tôi đã thông báo cho dì Thuý hay toàn bộ kế hoạch sau khi li dị của mình. Dì Thuý cười nhạt: “Ông bà dở hơi bỏ mẹ, lại chẳng văn minh tí nào. Yêu nhau thì nằng nặc đòi cưới nhau cho bằng được. Nay không yên ấm thì làm ầm ĩ cho nhức đầu thiên hạ. Muốn làm gì thì làm, đừng để các cháu tôi khổ.”

Kế hoạch của mẹ kế tôi là: Sau khi li hôn sẽ đưa bồ về mây mưa trước mắt ba tôi cho ông phát điên mà tự tử. Dì Thuý cười ha ha: “Nhưng rút cuộc chị sẽ được gì? Làm thế để làm gì khi cuối cùng đó vẫn không phải là thứ chị cần. Khi mà cuối cùng chính chị cũng bị tổn thương?”

Mẹ kế tôi oà khóc. Và đã rất nhiều đêm khóc. Khóc xong, lại hỏi dì Thuý:

“Nếu....Chị chỉ nói là nếu thôi nhé. Nếu bốn mươi tuổi mà em vẫn không tìm thấy người đàn ông của đời em, thì em dám có con một mình và phiêu lưu tình ái không?”

Dì Thuý trân trân nhìn mẹ kế tôi, rồi dì thở dài:

“Nếu phải nuôi con một mình, thì em chỉ có con mà bố nó là người em yêu thương. Thật đấy.”

Câu nói của dì Thuý giống như trận mưa rào tưới thẫm trái tim yêu đến khô cháy của tôi. Phải rồi. Nếu chỉ có một tôi đang tồn tại trên đời. Nếu tôi phải hi sinh tôi duy nhất ấy...Thì tại sao tôi không làm như kế hoạch của dì?

Tôi chủ động gặp anh:

“Em yêu anh.”

“Gì cơ?”

“Em yêu anh.”

“Trời ơi! Cô bé này...”

Anh kinh ngạc. Anh ngỡ ngàng. Anh nhìn tôi như nhìn một quái vật. Anh cũng nhìn tôi như nhìn một vở bi hài. Lạ thật. Nếu trong mắt anh tôi chỉ là một con ngốc thì việc gì anh phải ngạc nhiên đến thế?

Anh đưa tôi về nhà, giám sát như một quản giáo đối với một tù nhân nguy hiểm.

Tôi không ngốc đâu, tôi thề thế. Nên tôi biết anh không phải không tin tôi yêu anh, mà không thể tin một người như anh lại bị tôi yêu.

Trao tôi cho dì Thuý, giọng anh buồn mênh mang:

“Thuý hãy để tâm chăm sóc cô bé nhé!”

“Trời ơi! Đồ khốn. Anh đã làm gì cháu tôi? Anh dám dùng cháu tôi để trả thù à?”

Dì Thuý nhảy choi choi. Trông dì lúc này không giống một chú dê non hiền lành gặm cỏ nữa, mà giống một bà sư tử đang gầm lên đòi vồ lấy anh ăn thịt.

Ô hay! Bà dì này...rõ là thông minh một đời, mơ hồ một thời. Sao chỉ có mấy từ để tâm chăm sóc đã khiến dì hoang tưởng đến thế. Và thế là chuyện đến tai ba tôi. Với uy lực của một người cha khi nghe tin con mình bị xâm hại, ông ầm ầm lao đến và giáng thẳng cho anh một cú thôi sơn.

Anh ngã xuống, bê bết đất:

“Em...em có làm gì Diệu đâu.”

“Mày tránh xa con tao ra. Tránh xa ra...Được chưa?”

Tôi khóc nấc. Sao mọi người lại nháo cả lên? Sao mọi người lại không quan tâm đến kẻ đau khổ vì bị từ chối tình yêu là tôi đây?

Khi tôi thôi khóc thì gió đã lặng, sóng đã yên và anh đã ra về.

Ba cấm tôi tuyệt đối không được gặp anh. Lần này thì tôi đã hại anh rồi. Vì tôi mà dì Thuý càng có cớ tạnh, không thèm đếm xỉa đến anh. Tôi đau khổ âm thầm hay ra mặt thì ba, mẹ kế và dì Thuý cũng gạt đi. Ba còn thúc tôi yêu Thoại như người ta thúc thuế. Ba cứ làm như càng mau chóng yêu Thoại thì tôi càng có cơ hội tránh xa anh. Vì sao ư? Vì tôi vừa xấu xí vừa ngốc nên tôi cũng chỉ nên yêu những người cũng vừa xấu vừa ngốc. Có như thế mới được an toàn...

...Nhận được thiệp mời cưới của anh, dì Thuý sướng như vớ được vàng:

“Hay quá! Cuối cùng thì mình cũng được yên.”

Tôi cũng nhận được thiệp hồng của anh. Dì Thuý ái ngại:

“Dì nghĩ cháu không nên đến đó.”

***

Dì Thuý nói có lẽ nên vẽ chân dung mình. Ở đời có những người lạ lắm: Cả đời xây nhà cao cửa rộng cho người ta mà sống và chết đi trong mái tranh nghèo. Có người cả đời may áo cưới cho thiên hạ mà sống và chết đi trong cô đơn. Có người cả đời vẽ chân dung cho người khác mà chẳng có lấy một bức cho mình. Hoạ sĩ khác người ở chỗ khó có thể vừa soi gương vừa tạo ra kiệt tác là gương mặt của mình được.

Và dì bắt đầu vẽ chân dung chính mình.

Tôi hay kiếm cớ lang thang trong xưởng vẽ của dì. Người ta bảo yêu nhau là hoặc nhìn nhau, hoặc là hai người cùng nhìn về một hướng. Trong những bức tranh của dì Thuý, tình yêu giống như trò chơi đứng xếp hàng. Người này chỉ nhìn thấy sau lưng người kia. Người kia lại chỉ thấy sau lưng người khác...

Khi bức chân dung của dì Thuý dần dần rõ nét, tôi đã ngỡ ngàng như thể nhìn thấy mẹ tôi. Người mẹ mà theo thời gian, trong trí tưởng tượng của tôi là trẻ mãi không già. Mẹ trong giấc mơ của tôi đã hát khi tôi khóc: “Nín đi con. Nín đi...đừng khóc nữa! Ta sẽ cho con một bầu trời sao, một điều ước lớn. Nín đi con. Nín đi đừng khóc nữa. Ta sẽ cho con tuổi trẻ mãi không già...”

Nếu như tôi không ngốc, có lẽ tôi sẽ nói với ai đó rằng: Trái tim của một kẻ ngốc và một người bình thường có khác gì nhau?

“Dì vẽ cháu đi. Vẽ cho cháu một bức chân dung.”

Dì Thuý trố mắt: “Mày có cả một đống ảnh rồi mà.”

Một bức ảnh khác xa một bức hoạ. Dì Thuý dư sức hiểu điều đó. Nhưng vì tôi quên rằng trong mắt dì, với tôi, một bức ảnh hay một bức hoạ thì có khác gì nhau? Thế mà dì lại ngẩn ra:

“Nếu cháu thực sự tồn tại thì lo gì người ta không nhìn thấy cháu.”

...Ngày anh cưới vợ, dì Thuý đi dự cùng bạn bè dì từ sớm, không quên dặn ba tôi:

“Anh đừng có để nó đi, nhỡ nó lại làm điều gì dại dột thì phiền lắm.”

Ba tôi gật đầu. Ông ngồi ở phòng khách như thể ngăn không cho tôi bước ra ngoài.

...Tôi mặc bộ quần áo đẹp nhất và say sưa ngắm mình trong gương. Dì Thuý vẫn cứ ghen tị: Mày có thân hình trẻ trung, giàu sức sống làm sao. Phải tội cái mặt mày...Hừ....Sao hồi mẹ mày chưa phát bệnh, ba mẹ mày không cưới nhau sớm hơn đi, có phải đã đẻ ra mày sớm hơn không. Có phải...

Dì Thuý không bao giờ sợ tôi tổn thương khi nói tôi đần ngốc, xấu xí. Nhưng dì lại thường ca cẩm: Nhiều khi tao hâm mộ mày quá. Giá như tao cũng được như mày, bình thản với những vui buồn.

Những người thông minh thực sự chẳng bao giờ nói giá như.

Tôi khao khát mẹ. Mẹ không chỉ là người thai nghén, sinh thành, mà còn là người đầu tiên ta cần đến khi ta chạm tay vào đau khổ trong đời. Nhưng mẹ ơi, con đã lớn rồi, con đã lớn...con không còn khóc nữa, nhưng con không thể với tay đến bầu trời sao và những điều ước lớn...

Ba đứng nhìn tôi ở ngưỡng cửa khi tôi vụng về xoá đi những hình dung về khuôn mặt mẹ.

Ba tôi. Người đàn ông cả cuộc đời luôn đánh rơi hạnh phúc. Người đàn ông với gương mặt nhàu nhĩ, đau khổ, cứ chênh vênh bước đi bên cuộc đời của những người phụ nữ cũng không hạnh phúc là mẹ tôi, mẹ kế và tôi.

“Con có muốn đi không, ba đưa con đi?”

Tôi nhìn ba và im lặng. Mắt ba buồn tê tái. Dì Thuý bảo ngày mẹ tôi mất ba đã khóc ghê lắm. Hiếm thấy trên đời có người đàn ông thương vợ đến thế. Giờ thì tình thương ấy lại dồn hết cho con. Con người mà, hầu như ai trên đời chẳng vậy. Trái tim nuôi dưỡng những yêu thương để hiến dâng cho người khác, dù có thể người khác ấy lại đem tình thương ấy hiến dâng cho người khác nữa.

...Dì Thuý sững sờ khi thấy ba tôi đưa tôi đến đám cưới của anh. Những người bạn của dì cũng sững sờ. Tất cả họ đều ngốc đến mức cùng trố mắt và cùng lặng đi để đợi chờ một bi kịch. Nhưng chẳng có bi kịch nào diễn ra. Tôi đến đám cưới của anh và trở về bình yên như khi đến.

...Đêm ấy dì Thuý ôm tôi ngủ. Dì thì thầm: Khi tình cảm con người đi qua thời gian, có thể nó sẽ phai phôi, có thể sẽ càng sâu đậm. Mà thường thì nó sẽ phai phôi.

Tôi lặng yên ngắm dì Thuý ngủ. Dì đã đi qua bao nhiêu tình yêu trong đời, có tình yêu nào cũng khổ đau như tình yêu thứ nhất?

***

Tôi vẫn đi bên dì Thuý, lặng lẽ như lớp màu nền cho bức tranh cũng lặng lẽ của dì. Tôi là một cô bé xấu xí và rất ngốc. Một cô bé vừa xấu, vừa ngốc thì được ở yên trong một ngôi nhà đã là hạnh phúc vĩ đại nhất trên đời.

Nhưng tôi không ngốc đâu. Tôi thề thế.

Tôi không ngốc đến mức không biết có một mầm sống đang cựa mình trong cơ thể khi tôi biết lắng nghe bằng những bàn tay.

...Dì Thuý có lẽ đã điên cuồng đập tan cái cửa hiệu hàn xì của Thoại nếu như người ta không ra sức ngăn dì. Dì muốn rửa hận cho tôi? Nhưng dì làm thế để làm gì? Khi mà tôi cần có ai đó cứu tôi khỏi móng vuốt của Thoại thì mọi người đã ở đâu? Mọi người đã biến mất.

Thoại không cưới tôi như gã từng muốn cưới, và tôi cũng không muốn về với gã.

“Cô! Chính cô đã tạo điều kiện cho thằng khốn ấy hại đời con gái tôi.” – Ba tôi chỉ mặt mẹ kế tôi gào lên.

“Tôi có cần phải làm như thế không? Có nhất thiết phải làm như thế không?” - Mẹ kế tôi cũng gào lên. Chỉ có dì Thuý ôm tôi đau xót:

“Cháu nghe dì, cháu còn trẻ, đời còn dài...Cháu ơi! Khổ thân cháu!”

***

Bây giờ phải làm côvăc – Bà bác sĩ sản khoa lạnh lùng – Sao để to thế mới lo giải quyết?

“Dạ...tại vì ...không biết ạ.” – Dì Thuý ấp úng.

“Cô nói lạ nhỉ? Cả nhà cô mắt có vấn đề à mà không thấy?”

Dì Thuý im lặng, mắt dì ngấn nước. Dì khóc vì thương tôi chăng? Vì ba và mẹ kế tôi chỉ lo cãi nhau để đẩy tiến độ li hôn nhanh hơn? Vì dì thì chỉ mải mê với những bức tranh vẽ những cuộc tình không hạnh phúc? Cả nhà cứ nhìn thấy tôi sáng hôm sau vẫn sống như ngày hôm trước là yên tâm, là ổn thoả.

“Trời! Trông con bé thế này mà thằng khốn nạn nào cũng...”

Có vài người nhìn tôi thương hại.

...Thành phố cuồn cuộn người xuôi ngược. Gương mặt mãi mãi trẻ thơ của mẹ tôi thấp thoáng trong những gương mặt kia. Tôi muốn chạm tay vào mẹ.

“Đồ ngu! Đi đứng thế hả?” – Có vài kẻ cáu kỉnh quát tôi như thế. Mẹ tôi đứng ở bên kia đường. Mẹ bảo: Con đừng đến gần đây. nguy hiểm lắm.

Đường càng lúc càng đông hơn, nhưng chẳng còn ai quát tôi nữa. Có thể vì tôi đang đi trên con đường của mình. Có thể là tôi thực sự không tồn tại nên chẳng có ai nhìn thấy tôi đâu.

Dì Thuý túm được tay tôi giật lại. Tất cả những ngọn đèn trên phố như cùng lúc bật sáng.

“Dì ơi! Dì cho con cháu sống dì ơi.”

Gương mặt dì Thuý nhoà ướt như vừa vã nước.

“Không...không. Dì đưa cháu về nhà.”

Chiếc xe của dì Thuý đưa tôi chầm chậm đi qua ngôi nhà anh và vợ anh đang sống. Đi qua con đường anh đã rước dâu. Đi qua con ngõ nhỏ anh đã từng đến để đem lòng yêu dì Thuý...

Ba và mẹ kế lặng đón tôi ở ngưỡng cửa.

Rồi không hiểu sao cả nhà tôi đều khóc.

Suốt quãng đường đã qua – Tôi tự hỏi lòng – có ai nhìn thấy tôi không nhỉ?


Tin bài mới

Pre
3
4
5
6
7
8
9
Tin mới