Kính thưa các đại biểu quý mến và các bạn đồng nghiệp quý mến!
Tôi vô cùng biết ơn Ban biên tập Tạp chí “Văn nghệ quân đội” đã trao Tặng thưởng văn học dịch năm 2010 cho tôi!
Tôi thật sự vui mừng vì được tạp chí và đông đảo bạn đọc đã thưởng thức, chấp nhận và ưa thích một thể loại văn học mà từ lâu tôi đã chuyên tâm chuyển ngữ và thường xuyên cộng tác với tạp chí: Truyện cực ngắn hay còn gọi là Truyện mini, một trong những cái nhất của nền văn hoá/văn học Trung Quốc trong thời đại bùng nổ thông tin và nhịp sống hối hả hiện nay!
Trong mục từ “Truyện ngắn” (đoản thiên tiểu thuyết), bộ sách quyền uy “Đại từ điển Văn học Trung Quốc” (do Thượng Hải từ thư xuất bản xã ấn hành lần thứ nhất tháng 9 năm 2000, tái bản lần thứ hai tháng 8 năm 2001, gồm 2 tập, dầy 2324 trang, với 4.575.000 chữ Hán), giải thích là:
“Một loại của tiểu thuyết. Đặc điểm là khuôn khổ ngắn gọn, tình tiết giản đơn, nhân vật tập trung, kết cấu chặt, tiết tấu nhanh, đa số chọn lựa những lát cắt giàu ý nghĩa điển hình trong cuộc sống để tăng cường tập trung miêu tả.
Từ sau năm 1958, đã xuất hiện các danh xưng “Truyện cực ngắn” (tiểu tiểu thuyết), “Truyện mini” (vi hình tiểu thuyết), “Truyện bỏ túi” (tụ trân tiểu thuyết), v.v…Song trên thực tế vẫn thuộc thể loại truyện ngắn (đoản thiên tiểu thuyết).”
Theo tôi, thì không phải đến năm 1958, Trung Quốc mới có thể loại văn học truyện cực ngắn, mà từ thời cổ xưa Trung Quốc đã có thể loại văn học cực kỳ ngắn gọn và cô đúc này.
Trong chúng ta, ai mà không biết đến bộ sách ngắn gọn và được lưu hành rộng rãi không chỉ ở trong lãnh thổ Trung Hoa, mà khá phổ biến ở Việt Nam ta, đó là bộ sách mỏng mà không nhẹ “Nhị thập tứ hiếu” (Gương 24 người con có hiếu, do Quách Cư Nghiệp, thời nhà Nguyên biên soạn, nêu gương những người con có hiếu lừng danh từ thời vua Thuấn cho đến đời ông).
Có lẽ đây là một truyện khá điển hình:
Truyện kể rằng: Viên quan lớn nọ khi về nhà vẫn thường bị bố răn dạy bằng roi mây. Lần nào bị bố đánh ông ta vẫn cứ tươi cười, vâng dạ. Nhưng, bỗng có một lần viên quan lớn lại khóc. Bố hỏi vì sao con khóc? Viên quan lớn trả lời thấy lần này bố đánh không đau, nên lo sợ cha đã gìa yếu, rồi còn nô rỡn cho cha già vui vẻ!
Đúng như người đời thường nói “người già là trẻ con nhiều tuổi”, cũng vô tư hiếu kính như thần đồng Trần Đăng Khoa “Rồi con diễn kịch giữa nhà/ Một mình con diễn cả ba vai chèo” trong khi “Mẹ ốm” (Trần Đăng Khoa, năm 1970).
Tôi cứ nghĩ, đó là một trong những áng văn hay, một viên ngọc trong suốt lung linh trong cuốn sách giáo khoa về đạo hiếu này.
Hay là một bộ sách khác, tuy đa phần nói về truyện ma quỷ quái dị, song cũng là những truyện có nội dung sâu sắc, nghệ thuật cao siêu, đó là bộ sách “Liêu Trai chí dị”. Tập truyện cực ngắn này gồm 431 thiên, ra đời từ đầu triều Thanh, do nhà văn nổi tiếng Bồ Tùng Linh biên soạn. Nhiều dịch giả Nguyễn Huệ Chi, Cao Xuân Hạo, Phạm Tú Châu, Đỗ Ngọc Toại, Nguyễn Đức Lân, Trần Thị Băng Thanh, v.v… đã dịch nhiều truyện sang tiếng Việt và lưu hành rộng rãi ở Việt Nam.
Phải chăng, có thể nói Quách Cư Nghiệp và Bồ Tùng Linh là hai trong những vị thuỷ tổ sáng tạo ra thể loại truyện cực ngắn-truyện mini trong lịch sử Trung Quốc.
Sách báo Trung Quốc cũng cho hay, một trong những người khởi xướng và trực tiếp tham gia viết nhiều truyện cực ngắn có nội dung tư tưởng sâu với nghệ thuật biểu đạt cao và được trao giải Chim sẻ vàng lần thứ nhất là nhà văn Vương Mông, Cựu Phó chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc, cựu Bộ trưởng Bộ Văn hoá nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
Từ đó đã mở ra và tạo nền móng cho phong trào sáng tác truyện cực ngắn-truyện mini, với hàng ngàn tờ báo mở chuyên mục thường xuyên “Truyện cực ngắn”, mà ngay cả tờ “Nhân Dân nhật báo”, Cơ quan Ngôn luận Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng ra ấn phẩm định kỳ tuần 2 số “Châm biếm và hài hước” giành riêng cho thể loại văn học truyện cực ngắn, số nào cũng có truyện tranh mini rất hấp dẫn.
Có lẽ cũng từ phong trào sâu rộng sáng tác và thưởng thức truyện cực ngắn-truyện mini như vậy, mà từ năm 1984, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Trịnh Châu, là một trong 8 cổ đô nổi tiếng nhất của Trung Hoa cổ đại, hiện nay là Tỉnh lị - Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh Hà Nam, đã cho ra đời tạp chí “Truyện cực ngắn chọn lọc” (tiểu tiểu thuyết tuyển san) do nhà văn Dương Hiểu Mẫn làm TBT đầu tiên, xuất bản từ song nguyệt san, nguyệt san đến bán nguyệt san, với số lượng phát hành trên 7 vạn bản/kỳ. Với tạp chí “Truyện cực ngắn chọn lọc” với ba cuộc Liên hoan tác giả truyện cực ngắn toàn quốc, đồng thời trao “Giải thưởng Chim sẻ vàng” cho thể loại văn học truyện cực ngắn-truyện mini, thành phố Trịnh Châu đã được mệnh danh là “Quê hương của truyện cực ngắn - truyện mini Trung Quốc”!
Đến năm 1990, lại xuất hiện tạp chí “Truyện mini chọc lọc” (vi hình tiểu thuyết tuyển san), một ấn phẩm song nguyệt san của Nhà xuất bản Văn nghệ Bách Hoa Châu, tỉnh Giang Tây biên tập và phát hành. Từ năm 1993, tạp chí do nhà văn Trịnh Doãn Khâm làm TBT đầu tiên này, bắt đầu hạch toán độc lập, tìm con đường thị trường hoá, và chuyển thành nguyệt san (năm 1994), rồi bán nguyệt san (năm 1996). Số lượng phát hành liên tục tăng trưởng vững chắc, số lượng phát hành mỗi kỳ từ 9 vạn bản/năm 1992 tăng vọt lên 35 vạn bản/năm 2002. Đặc biệt bước vào thiên niên kỷ mới, trước tình hình cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt, lượng phát hành 2 năm đầu tăng trưởng trên 20%, bình quân lượng phát hành tháng là 70 vạn bản, đứng đầu làng tạp chí cùng loại trong toàn quốc. Lượng phát hành năm 2001 tăng 50 lần so với năm 1992, lợi nhuận tăng trưởng 70 lần, từ một tạp chí nhỏ không bắt mắt đã nhảy vào thế trận 200 tạp chí mạnh của toàn quốc, thu được hiệu quả xã hội và hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Tạp chí “Truyện mini chọn lọc” đã giành được thành tích như vây, là do bốn nguyên nhân: Một là định vị chuẩn xác, xác định phương châm làm tạp chí “Lấy độc giả làm trung tâm”. Hai là khắc sâu tôn chỉ làm tạp chí, nắm chắc chất lượng tạp chí, không ngừng tăng cường mạnh mẽ nét đặc sắc của tạp chí. Ba là tích cực huy động ý thức tham gia của độc giả, làm cho tạp chí sinh động hoạt bát, giầu chất trẻ trung tươi mới. Bốn là tiến cùng thời đại, thường xuyên cải tiến, luôn luôn sáng tạo.
Có lẽ đó cũng là những bài học kinh nghiệm làm tạp chí văn học thành công của bạn mà chúng ta nên tham khảo học tập.
Trên đây là hai tạp chí thuần tuý văn học, làm rạng rỡ thương hiệu “Truyện cực ngắn-Truyện mini” có tiếng vang, đạt cả hiệu quả xã hội và hiệu quả kinh tế, có chỗ đứng vững vàng trên văn đàn Trung Quốc đương đại.
Hằng năm, hai tạp chí này còn duy trì có chất lượng hoạt động tổ chức bạn đọc bình chọn giới thiệu truyện mini hay trong toàn quốc gửi về cho tạp chí (truyện được chọn đăng đều có nhuận bút đàng hoàng!). Cuối năm lại tổ chức trưng cầu bạn đọc cả nước bình chọn Mười truyện mini ưa thích nhất trong năm, tổ chức Liên hoan những cây bút sáng tác truyện cực ngắn-truyện mini toàn quốc và trao giải thưởng Chim sẻ vàng. Các nhà xuất bản Trung Quốc đã xuất bản khá nhiều những tuyển tập truyện cực ngắn-truyện mini xuất sắc, truyện được giải thưởng, được đông đảo bạn đọc đón nhận nhiệt tình.
Phủ sóng phạm vi toàn quốc, giới văn học và học thuật đã thành lập Hội Khoa học Truyện cực ngắn-truyện mini Trung Quốc.
Vươn ra hải ngoại, giới văn học người Hoa trên toàn cầu đã thành lập Hội Khoa học Truyện cực ngắn-truyện mini Hoa văn thế giới.
Và đến năm 2009, sau trên 50 năm phát động sáng tác, thể loại văn học Truyện cực ngắn-truyện mini Trung quốc đã được đưa vào phạm vi bình xét Giải thưởng Văn học Lỗ Tấn - Một trong những Giải thưởng cao quý nhất của văn đàn Trung Quốc đương đại.
Thế là đại gia tộc tiểu thuyết ở Trung Quốc đã có thêm thành viên mới “Truyện cực ngắn-truyện mini”.
Kính thưa các đại biểu và các bạn đồng nghiệp!
Thông qua con đường nhập khẩu chính thức của nhà nước - Công ty Xuất nhập khẩu Sách báo XUNHASABA (32-Hai Bà Trưng-Hà Nội), tôi đã có cơ hội đàng hoàng tiếp xúc “chính ngạch” với nhiều báo và tạp chí Trung Quốc có đăng tải truyện cực ngắn-truyện mini, nhất là hai tạp chí nửa tháng ra một kỳ “Truyện cực ngắn chọn lọc”, “Truyện mini chọn lọc” và Bán tuần san “Châm biếm và hài hước” của “Nhân Dân nhật báo”.
Với máu nghề nghiệp đã từng làm tạp chí “Văn nghệ Quân giải phóng” ở chiến trường Quân khu 5 thời chống Mỹ, được hai nhà văn bậc thày Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung; Các nhà văn chiến hữu Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Hà Giao, Lương Tử Miên, Vũ Thị Hồng, Ngân Vịnh, Thái Bá Lợi, v.v…khuyến khích, từ khi nghỉ hưu (năm 1988), tôi đã thường xuyên đọc và chuyển ngữ Truyện cực ngắn-truyện mini, thường xuyên gửi bài cộng tác với tạp chí Văn nghệ quân đội, Văn nghệ Công nhân, Văn học nước ngoài, Sách và Đời sống, các báo Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Văn nghệ công an, Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân, Phụ nữ Thủ đô, Đại biểu nhân dân, Người cao tuổi; Chương trình Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam, v.v…Nói chung là được bạn đọc hoan nghênh, viết thư, gọi điện thoại thăm hỏi động viên mỗi khi truyện dịch của tôi được sử dụng trên báo, đài và in thành sách.
Ngoài những truyện cực ngắn-truyện mini đăng trên các báo, tạp chí, các nhà xuất bản và tạp chí Văn học ngước ngoài đã ấn hành cho tôi những cuốn sách hoặc đăng trong số chuyên đề về thể loại văn học truyện cực ngắn-truyện mini Trung Quốc.
Đó là những ấn phẩm:
Truyện cực ngắn Trung Quốc tuyển chọn (Chọn dịch, 2 tập, nxb Phụ nữ, 2006);
Mười truyện mini được người đọc Trung Quốc ưa thích nhất năm 2004 (Tạp chí Văn học nước ngoài, số 2-2006);
Bức thư tình thứ 99 (Chọn dịch, tập truyện cực ngắn Trung Quốc, nxb Phụ nữ, 2007);
Mời tình địch ăn cơm (Dịch chung, tập truyện cực ngắn Trung Quốc, nxb Văn học, 2008);
Gõ cửa ba lần anh yêu em (Dịch chung, tập truyện cực ngắn Trung Quốc, nxb Văn học, 2008);
Mười truyện mini được người đọc Trung Quốc ưa thích nhất năm 2007 (Tạp chí Văn học nước ngoài, số 1-2009);
Lặng lẽ yêu cô suốt đời (Chọn dịch, tập truyện mini được người đọc Trung Quốc ưa thích nhất, nxb Văn học, 2009);
12 truyện cực ngắn ASEAN đặc sắc (Tạp chí Văn học nước ngoài, số 7-2010);
59 truyện mini nổi tiếng Trung Quốc (Chọn dịch, nxb Công an nhân dân, 2010).
Đó là 9 lần trong 21 dịp tôi vui mừng đón nhận những đứa con tinh thần - những cuốn sách dịch văn hoá và văn học nước ngoài, qua tiếng Trung Quốc của mình.
Song lần này, được Tạp chí Văn nghệ quân đội trao Tặng thưởng Văn học dịch năm 2010 là một niềm vui lớn của tôi. Bởi vì, nó đã góp phần tôn vinh một thể loại mới của văn học, Truyện mini-Truyện cực ngắn ; Tiếp tục khẳng định và kiên định phương hướng và quan điểm về dịch thuật của tôi.
Quan điểm và phương hướng dịch thuật của tôi là:
“Dịch thuật nói chung, dịch tác phẩm văn học nói riêng, là hoạt động tái sáng tạo. Muốn chuyển tải một tác phẩm văn học hay của nước ngoài sang tiếng Việt, để người đọc Việt Nam đồng cảm được cái hay cái đẹp của nó, thì cần có nhiều điều kiện, nhưng cốt yếu nhất phải “hai giỏi, một rộng”, tức là giỏi tiếng Việt, giỏi ngoại ngữ và hiểu biết rộng.
Người dịch cần trở thành một nhịp cầu hữu nghị giữa các nền văn hoá, giữa các dân tộc trên thế giới. Trong biển cả mênh mông của một nền văn hoá, của một nền văn học một quốc gia, mỗi người dịch nên chọn lựa cho mình một mảnh đất, một chỗ đứng, một lĩnh vực nhất định nào đó, với tôi, phải chăng chủ yếu là mảng truyện ngắn, nhất là truyện cực ngắn - truyện mini đặc sắc Trung Quốc.”
***
Cảm ơn các đại biểu và các bạn đồng nghiệp đã chú ý nghe những điều cảm tưởng tản mạn dông dài “nói dai, nói dài, nói dại” của tôi!
Vũ Phong Tạo (Dịch)