Sen nở như không biết người âu sầu/ Hay sen cũng âu sầu mà người không biết/ Cùng sắc trắng trong, cùng đượm hương từ ngàn đời/ Chỉ khác em lên tiếng mà ta lặng im. (Liên bút từ sen - Nguyễn Lương Ngọc)
Gửi thư    Bản in

Huyền thoại tàu không số - một tác phẩm phi hư cấu đậm chất tiểu thuyết

(Đọc tập ký Huyền thoại tàu không số, tác giả Đình Kính, NXB Hội Nhà Văn, quý IV/2011- Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012)

Bão Vũ - 07-04-2012 05:58:39 PM

VanVN.Net - Trong cuộc họp báo ra mắt cuốn sách, nhà văn Đình Kính xúc động nói về những nhân vật trong tập ký của mình: "Một con đường huyền thoại nhưng chỉ có  chưa đầy chục người được phong anh hùng".

Nhà văn Đình Kính và tác phẩm "Huyền thoại tàu không số"

Một nửa thế kỷ không phẳng lặng với vô vàn sự kiện kinh động như lớp lớp phún thạch đã phủ lấp lên những dấu tích. Những hồ sơ mật trong các văn khố của những bên tham chiến đang chờ giải mật và cả chờ bị quên lãng hẳn... Các nhân chứng cũng nhiều người đã nằm dưới đáy biển sâu, yên nghỉ trong lòng đất. Những người còn lại trong câu chuyện đã sống bình thản với những vết thương cũ trên thân thể hoặc trong tâm hồn dường như đã yên lành. Gánh nặng tuổi tác và những cực nhọc của cuộc sống khắc nghiệt hôm nay khiến họ chỉ còn thấy lại trong những giấc mơ hiếm hoi từng mẩu rời rạc của câu chuyện… Cơn bão biển khủng khiếp... Cuộc không kích dữ dội trên đại dương vô tận, không nơi ẩn nấp... trận hải chiến chênh lệch giữa một bên là con tàu thô sơ nhỏ nhoi đơn độc với một bên là những chiến hạm hùng hậu dữ tợn ... Và ánh chớp lửa cùng tiếng nổ quyết tử vỡ toang mặt sóng để rồi tất cả chìm sâu xuống đáy biển đen...  

Với hình thể trải dài hơn hai ngàn cây số bên bờ biển Đông, nước Việt Nam được các nhà thơ ca ngợi bằng những so sánh hoa mỹ, nhưng lại là sự bất lợi về địa lý trong cuộc chiến tranh với một đế quốc hùng hậu về hải quân và không quân.

Vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, sự thiếu thốn về vũ khí của quân Giải phóng đã khiến giới quân sự Mỹ - Việt Nam Cộng hòa rất tự tin, rằng họ có thể đè bẹp bất cứ sự chống đối nào từ phía Việt cộng, những du kích chỉ có vài loại chiến cụ thô sơ tự chế hoặc những vũ khí cũ kỹ còn sót lại từ thời kháng chiến chống Pháp. Và, chỉ cần khống chế chặt chẽ một đoạn eo Trung phần là cuộc truyền máu từ Bắc vào Nam, nếu có, sẽ bị chặn đứng. Đó là việc dễ dàng thực hiện với các thiết bị điện tử, mìn, bom, phi pháo tọa độ, các cứ điểm quân sự chiến lược rải rác, với trực thăng dã chiến và lính biệt kích lưu động. Những người lính Sài Gòn có thể ngủ ngon trong các công sự kiên cố với câu chuyện tiếu lâm: Một dân công Việt cộng vác 3 quả đạn từ Bắc vào Nam. Sau 3 tháng vượt rừng già núi cao vực sâu, ghềnh thác hiểm trở, trải qua bom đạn, thú dữ,  đói khát, nếu còn sống sót, đem 3 quả đạn đến cho anh du kích giải phóng. Anh du kích nạp đạn bắn 3 phát trong 3 giây, rồi bảo anh dân công: “Ra Bắc, lấy đạn tiếp…”. Ba tháng sau, nếu may mắn mỉm cười với người dân công tải đạn kia thì anh du kích mới được bắn tiếp 3 phát nữa.

Chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam bằng đường biển ư? Chuyện hoang đường. Biển Đông khi ấy do hạm đội 7 của Mỹ kiểm soát chặt chẽ, nếu không nói là hải quân Mỹ hoàn toàn làm chủ bầu trời và mặt nước Thái Bình Dương. Ngay một số chỉ huy quân giải phóng cũng cho rằng chỉ có thể chuyển vũ khí vào Nam bằng tàu ngầm. Thì cũng lại là chuyện không tưởng.

Thế nhưng điều không tưởng đã xảy ra. 

"Sự kiện Vũng Rô" tháng 2 năm 1965 như môt vụ nổ gây kinh hoàng cho những chuyên gia quân sự Mỹ. Trong một bài báo thời đó, đại tá Hải quân Mỹ R. Sollredley nói rằng: "Vụ Vũng Rô khẳng định một điều rất quan trọng mà chúng ta đã ngờ vực suốt một thời gian dài nhưng vẫn chưa có nhiều bằng chứng. Số vũ khí trên chiếc tàu bị đánh chìm và trên bờ Vũng Rô đã cho thấy: Lượng vũ khí nhiều hơn đã được chở bằng tàu thủy từ Bắc Việt vào trước đó...".

Hai năm trước đấy, ngày 2-1-1963, trận Ấp Bắc đã gây tiếng vang trên thế giới. Báo The Washington Post, số ra ngày 7-1-1963 viết:“Việt Cộng đã có những phương tiện kỹ thuật đương đầu được với những công nghệ của Mỹ cung cấp cho Nam Việt Nam.” 

Trong một báo cáo của Tỉnh trưởng An Xuyên (Cà Mau) gửi về Sài Gòn:“Vũ khí của Việt Cộng vượt ra ngoài tất cả các ước tính của chúng ta. Họ đã dùng cối 81, Đại liên 12,7mm, ĐKZ75… là những thứ mà quân đội Việt Nam Cộng hòa chưa có. Đạn của họ rất dồi dào…”.

Nhà văn Đình Kính vốn là một sĩ quan hải quân, từ cảm hứng về những điều phi thường trong cuộc chiến trên biển, đã khởi viết Huyền thoại tàu không số từ lâu. Suốt mấy năm nay anh thực hiện liên tục những cuộc hành trình Bắc - Trung - Nam không mệt mỏi đi tìm tài liệu về Đoàn tàu không số trên biển Đông.

Có lần thấy Đình Kính vất vả với những chuyến vào Nam ra Bắc, tôi bảo anh: “Xin Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức một chuyến đi Mỹ cho các nhà văn, nhà nghiên cứu gặp gỡ các cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam, rồi tìm cách tiếp xúc với các tài liệu đã giải mật của hải quân Mỹ thì tha hồ viết.” Nhưng đó là một ý tưởng khó thực hiện, nếu không nói là bất khả.

Mà, cho dù có được những tài liệu đã được giải mật từ phía quân đội Mỹ, thì vẫn cần giải thích một điều căn cốt: Tại sao việc ngăn chặn cuộc lưu thông huyết mạch Bắc - Nam bằng những phương tiện hiện đại nhất của một cường quốc quân sự lại bị thất bại bởi những con người bình thường với những phương tiện thô sơ?  Hơn ai hết, nhà văn Việt Nam với lợi thế thấu thị tâm hồn và ý chí con người Việt trong chiến tranh đã trả lời được cậu hỏi này.

Từ những trang quân sử sơ lược với những con số thống kê; từ những tài liệu hiếm hoi với hình thức tối giản theo nguyên tắc bảo mật, có cả những mâu thuẫn giữa các tài liệu, và từ những lời kể đứt quãng của các chứng nhân đã ở tuổi “nhớ nhớ quên quên”,... từ những hiện trường đang bị xóa mờ bởi thời gian, Đình Kính đã dựng lại một cách công phu những trang đặc biệt quan trọng của cuộc chiến tranh đã đi vào lịch sử: Đó là cuộc vận chuyển vũ khí bằng đường biển từ miền Bắc tiếp viện cho miền Nam. 

Tập ký Huyền thoại tàu không số dày 390 trang hoàn thành cuối năm 2010, được nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành vào quý IV năm 2011 với số lượng 3000 cuốn đợt đầu, rồi ngay sau đó đã được nhà xuất bản Thời Đại in lại, cũng với số lượng 3000 cuốn. Trước và cùng thời gian cuốn sách này ra mắt, đã có những tác phẩm về đoàn tàu không số trên biển Đông:

5 đường mòn Hồ Chí Minh của Đặng Phong; Những trang đời huyền thoại của Phan Tiến Dũng; Tàu không số trên bến Vũng Rô của Tô Phương; Chân dung các thuyền trưởng tàu không số của Trịnh Dũng và Thu Hương; Đường Hồ Chí Minh trên biển – nhìn từ phía bên kia của Trương Mai Hương, v.v… Có cả câu chuyện rất thú vị về một vị hoàng thân triều Nguyễn trở thành người lãnh đạo tinh thần của những con tàu không số trong tác phẩm Nhiệm vụ đặc biệt của vị “Hoàng thân” trên con tàu Không số của Thu Hà. Các tác giả đã dày công làm sống lại một sự tích phi thường trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại.  

Từ cuộc hành trình chở vũ khí đầu tiên dò đường thất bại vào năm 1960, thủy thủ đoàn tan tác, để rồi những chuyến sau đấy, vũ khí, khí tài đã được vận chuyển không ngưng nghỉ vào miền Nam theo diễn tiến của chiến sự, khiến cục diện chiến trường thay đổi bất ngờ.

Quân đội cách mạng ở Nam Bộ đã được cung cấp tiểu liên AK, súng chống tăng B41, ĐKZ 57, ĐKZ 75, cối 81, cối 120… Việc bắn hạ máy bay, đánh đắm tàu chiến, hủy diệt các chiến xa, công phá đồn bốt diễn ra liên tục khiến đối phương vốn hung hăng kiêu ngạo đã phải kinh hoàng, khiếp sợ.

Trong cuốn sách Sự lừa dối hào nhoáng (The bright shining lie) của tác giả người Mỹ Nell Sheehan, đoạn viết về trận Ấp Bắc với cách nhìn nhận của thiếu tá John Paul Vann, cố vấn cho một sư đoàn Việt Nam Cộng hòa tại châu thổ đồng bằng sông Cửu Long: Cộng quân đã giết 86 lính Sài Gòn và Mỹ, làm bị thương 108, bắn rơi 5  trực thăng. Những “sinh vật nhỏ bé rách rưới” đã bắt người Mỹ phải chấp nhận thất bại. 3 đại đội Việt Cộng đã giữ vững trận địa và hạ nhục một quân đội hiện đại với quân số lớn gấp bốn lần, được trang bị xe bọc thép, trọng pháo, trực thăng và máy bay ném bom…Viên thiếu tá Mỹ cố ý miệt thị những du kích Việt Cộng nhưng đó lại chính là cách nhục mạ gấp bội cái liên quân hùng mạnh mà y tham gia. 

Huyền thoại tàu không số mang tính sử ký mà vẫn đậm chất văn chương. Đình Kính đã với khả năng của một phóng viên thông tấn khám phá những điều bí ẩn tưởng chừng bất khả tín trong chiến tranh, kết hợp sự tinh tế của một nhà văn để thực hiện tác phẩm này. Huyền thoại tàu không số đã thể hiện không chỉ những sự thật thuyết phục mà còn cho người đọc thấy chất tiểu thuyết của chính những sự kiện phi thường và của những nhân vật với nội tâm sâu sắc mà tác giả đã bảo lưu nguyên vẹn trong những trang sách.

“… Tôi lân la trong các ngõ lưới, hỏi chuyện những người có tuổi về một đơn vị có tên Tập đoàn đánh cá Sông Gianh. Các cụ nhìn nhau, gõ lên trán, lục lại trí nhớ, nhưng hết thảy đều lắc đầu. Tôi lần đến Hội Văn nghệ, nhờ đồng nghiệp giúp. Các anh nhún vai. Nếu có ai đó sốt sắng, cũng chỉ là: “Ờ, hình như có nghe nói tới… Nhưng lâu quá rồi”. Tôi đành lại ra sông cầu cứu. Cửa sông về sáng ngái ngủ, sương giăng đầy mặt nước… những con sóng thức giấc liếm vào chân vỗ về, an ủi…Đâu là nơi tiểu đoàn 603 mai danh ẩn tích? Và đâu nữa là vị trí con thuyền gỗ mỏng manh nặng đằm súng đạn cùng sáu con người lặng lẽ ra đi trong mưa phùn gió lạnh đêm 30 Tết? Hơn 40 năm… lâu quá rồi, các anh đang ở đâu, đã về cõi vĩnh hằng hay vẫn tá túc trên trần thế?... Thôi thì đành đưa máy ảnh hướng ra nơi con sông gặp biển, nơi có những con thuyền vô tâm căng buồm lách mù đi về phía mặt trời mọc, ghi lấy một khuôn hình…” (trang 11- HTTKS)

Cuộc tìm kiếm tưởng như vô vọng của Đình Kính đã bắt đầu như vậy. Và rồi, với sự mách bảo của linh cảm, cùng với cả sự run rủi, dẫn dắt linh thiêng nào đó, Đình Kính đã gặp được những nhân vật chính để nghe họ kể lại câu chuyện. Những người làm nên điều phi thường đã hiện diện với ngoại hình bình dị, không mang dáng vẻ gì của những “anh hùng”. Giữa cuộc sống hiện tại, trong số họ có người mang thương tật suốt quãng đời còn lại, có cả những vết thương dai dẳng trong tâm hồn. Có người bị sa vào tay đối phương, bị tra tấn tù đày, nhưng rồi sau này lại phải chịu đựng sự nghi ngờ của đồng đội về lòng trung thành. Có người may mắn được hưởng sự đùm bọc của bạn chiến đấu cũ, của xã hội. Nhưng cũng có người chịu thiệt thòi về vật chất, chịu day dứt về tinh thần cho đến cuối đời, bởi những quy định thủ tục quan liêu hành chính. Trong khuôn khổ bài viết này tôi không muốn nêu những tên người cụ thể vốn có khá nhiều trong gần 400 trang sách, để độc giả sẽ có cảm giác trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, những người anh hùng đó như là vô danh, và vô tận, mà chúng ta vẫn luôn biết có họ, và không thể quên được họ. 

Trên đường lần theo những dấu tích của Đoàn tàu Không số, tác giả Đình Kính đã gặp những câu chuyện đau lòng, và anh đã kể lại không phải tất cả những chuyện đó. Có những chuyến đi không còn ai trở lại, cuộc tiễn đưa được hiểu như là cuộc truy điệu sống. Có cái chết bất đắc dĩ nhưng bắt buộc phải có như một sự hy sinh để giữ bí mật cho con đường huyền thoại. Và, một con tàu không số bị lộ, bị địch phong tỏa, buộc phải hủy tàu để phi tang tích. Các thủy thủ đặt mìn hẹn giờ rồi rời tàu vào bờ. Đúng hạn 30 phút, tàu không nổ, 15 phút nữa vẫn yên lặng. Hai chiến sĩ bơi ra chỉnh lại mìn. Vừa đến gần thì tàu phát nổ, thân thể họ tan nát trong lòng biển. Đồng đội tìm kiếm thi hài chỉ thấy còn lại một cái chân, không biết của người nào. Ở nghĩa trang Đức Phổ ngày nay có một ngôi mộ ghi tên 2 liệt sĩ, nhưng dưới nấm mồ chỉ có một cái chân…

Lữ đoàn 125 – Đoàn tàu Không Số, đã thực hiện hàng trăm chuyến đi trong những ngày động biển, giữa cơn giông bão siêu cấp, dưới những làn bom, pháo ác liệt để vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, khí tài, đạn dược cho các đơn vị quân giải phóng trên các chiến trường miền Nam. Vào thời gian đó, những người ngoại cuộc, kể cả thân nhân, không ai được biết đến những chuyến đi cảm tử của họ, xuất trận là đi vào cõi chết.

Số đông các nhà văn bắt đầu vào nghề thường hăm hở với những tác phẩm hư cấu dưới hình thức truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết và coi đó mới là những tác phẩm văn học thực sự. Không ít nhà văn coi tác phẩm phi hư cấu chỉ là sự ghi chép sự kiện của người làm báo, những sử gia, khó có thể gọi là tác phẩm văn học. Ngày nay nhà văn và độc giả đều hiểu giá trị và sức cuốn hút của những tác phẩm thể loại phi hư cấu. Có không ít những tác phẩm loại này là sách best - seller.

Năm 2011 vừa qua, tờ nhật báo uy tín New York Times tuyển chọn 10 cuốn sách xuất sắc nhất năm, trong số đó có 5 tác phẩm phi hư cấu thuộc các đề tài tiểu luận, hồi ký, chính trị và du ký.

Nước Anh có riêng một giải thưởng trị giá 20.000 bảng mang tên Samuel Johnson, nhà tiểu luận, nhà từ điển học, nhà tiểu sử học, nhà thơ Anh sống vào cuối thế kỷ 18, trao cho các tác phẩm không hư cấu xuất bản hằng năm tại nước này. Năm 2011, tác phẩm Great Famine (Tạm dịch: Nạn đói vĩ đại ) của Frank Dikotter, tác giả người Hà Lan viết về nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông đã giành giải thưởng này.

Trong cuộc họp báo ra mắt cuốn sách, nhà văn Đình Kính xúc động nói về những nhân vật trong tập ký của mình: “Một con đường huyền thoại nhưng chỉ có  chưa đầy chục người được phong anh hùng. Với tôi, họ tất cả đều là anh hùng.” Từ sách sử cổ kim và từ những nhân vật của cuốn sách này, ta sẽ phải tự hỏi: Phải chăng đó là số phận của những anh hùng, những người sinh ra để hy sinh cho hạnh phúc của nhân loại?

(Bài viết có tham khảo Từ điển Wikipedia và một số tác giả qua Interrnet)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhà văn đọc sách  

Mai Văn Phấn “giấu mặt” trong “hoa”

VanVN.Net - Từ xưa đến nay, bài thơ viết ngắn nhất là bài thơ chỉ có một câu. Kỷ lục vẫn thuộc về R. Tagore (nhà thơ ấn Độ, người đã đoạt giải Nô-ben văn chương cách nay trên 30 năm). ...