Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Hội thảo thơ Mai Văn Phấn & Đồng Đức Bốn

Văn Chinh ghi - 29-07-2011 12:14:30 PM

VanVN.Net - Vẫn còn có thể bàn lại nhiều điều: Viết xa, rất xa đời sống hiện thực, như viết về ngôi sao đã chết cách nay hàng ngàn năm ánh sáng nhưng lại làm xao xuyến hàng triệu con người thì sao lại cứ đòi thơ phải gắn với đời sống? Phải chăng, đã có những đòi hỏi phải giống hệt lối thơ mình của những nhà thơ thời Thơ Mới với các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ trong đời sống văn học hôm nay? Và, vẫn còn thiếu những cắt nghĩa, chẳng hạn như đặc trưng của hậu hiện đại là giải thiêng mà hậu hiện đại ở thơ Mai Văn Phấn lại rất nhiều nghi lễ; có tư trào nào trên thế giới hậu hiện đại như thế nữa không, hay của riêng MVP?

V. v…, nhưng có thể yên tâm nói rằng Hội thảo đã thành công tốt đẹp, đúng như nhà văn Đình Kính, Ủy viên BCH Hội Nhà văn VN, Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng mong mỏi: Với những tri thức uyên bác và kinh nghiệm, bằng sự công bằng của tri thức và thành tâm các tác giả sẽ đưa Hội thảo tới thành công và đó cũng là mong mỏi nhất của Ban Tổ chức…

Nhà văn Đình Kính đọc lời đề dẫn Hội thảo

Hội thảo do Chi hội Nhà văn Hải Phòng (Hội Nhà văn Việt Nam) phối hợp với Hội Nhà văn Hải Phòng (Hội liên hiệp VHNT Hải Phòng) đồng tổ chức. Sau một thời gian chuẩn bị rầm rộ nhưng công phu, Hội thảo đã diễn ra sáng nay, 15 – 5 – 2011 tại Hải Phòng. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch, nhà văn Đình Kính, Ủy viên BCH Hội Nhà văn VN khóa VIII, Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng, các nhà văn nhà thơ, nhà lý luận phê bình  từ mọi miền đất nước đã về dự.

Ông Hồng Vinh, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình VHNT TW, nhạc sỹ Tô Hồng Vũ,  Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng; nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam… cùng đông đảo các quan chức hữu quan đã tham dự. Trong diễn văn chào mừng, Chủ tịch Tô Hồng Vũ nói Hải Phòng có truyền thống thơ và văn học nói chung, thời nào cũng có những tác giả xuất sắc; chẳng những làm sáng đẹp Đất Cảng mà còn đóng góp vào gia tài thi ca của Việt Nam: Thế Lữ, Văn Cao, Thi Hoàng, Thanh Tùng và đến nay là Đồng Đức Bốn, Mai Văn Phấn.

Toàn cảnh Hội trường Hội thảo thơ

Toàn cảnh Hội trường Hội thảo thơ

Ban tổ chức cho biết, đã nhận được 45 bản Tham luận từ trong và ngoài nước gửi về; hôm qua 14 – 5, Ban tổ chức đã đến nhà riêng của nhà thơ Đồng Đức Bốn ở xã An Hồng, huyện An Dương, Hải Phòng thắp hương tưởng niệm nhà thơ.

Nhà văn Đình Kính đọc lời Đề dẫn Hội thảo mặc dù ông không muốn gọi bài viết của mình như vậy. Ông có cách hình dung về thơ khá cởi mở: “Thậm chí mỗi bài thơ mỗi câu thơ là một định nghĩa về nó. Thơ Đồng Đức Bốn là một định nghĩa. Và thơ Mai Văn Phấn lại là một định nghĩa khác biệt.” Đề dẫn nêu rõ: “Nếu Đồng Đức Bốn là nhà thơ lục bát tài ba bẩm sinh, trung thành với thơ truyền thống, bút lực giầu ấn tượng đại diện tiêu biểu cho thi pháp cổ điển; thì, ngược lại, Mai Văn Phấn là nhà thơ tiên phong sáng tạo theo hướng đổi mới, cách tân, định hình một tư duy thẩm mỹ mới và anh đã thành công.” Ông thay mặt Ban tổ chức mong rằng các tham luận sẽ không cảm tính, tôn vinh thiếu trách nhiệm, đề cao những giải mã khách quan; và rằng, với những tri thức uyên bác và kinh nghiệm, bằng sự công bằng của tri thức và thành tâm các tác giả sẽ đưa Hội thảo tới thành công và đó cũng là mong mỏi nhất của Ban Tổ chức.

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh: Tham luận đánh giá cao tài năng nhưng thiếu cái hiện thực đời sống của thơ Đồng Đức Bốn. Tác giả có những phát hiện về ba hình tượng nghệ thuật của Đồng Đức Bốn khá độc đáo: Mưa, giông bão và sông. Thi ảnh “bão người” và giông bão nói chung; thi ảnh sông, nước như là nơi chốn trở về là đóng góp mới cho thơ của nhà thơ Đồng Đức Bốn. Không biết đó là vô thức hay ý thức, không biết có liên quan gì không giữa nhà thơ mệnh hỏa với ẩn dụ nước.

Nhà nghiên cứu Đào Duy Hiệp: PGS TS Đào Duy Hiệp đọc bài tham luận khá công phu, mang tính học thuật cao, vanvn.net sẽ giới thiệu toàn văn để bạn tham khảo.

Nhà thơ Bùi Kim Anh: Tôi thích những câu thơ tình của anh. Nó thô mộc như con người anh. Nó mạnh mẽ và thoáng liều lĩnh, thoáng ngang tàng giống anh. Nó được thổ lộ tha thiết mà độc đáo trong cách diễn tả, trong cách vận dụng hình ảnh, ngôn từ cuộc sống quanh anh. Nó bất ngờ với người đọc. Đừng buông giọt mắt xuống sông/ anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm. Cứ mỗi lần qua sông, cứ mỗi khi chia ly, lại thấy giọt mắt sao nặng nề, xa xót thế, lại lẩm nhẩm trong đầu câu thơ của Bốn. Bao nhiêu bạn đọc thích bài thơ Trở về với mẹ ta thôi. Cắt ngang trong mạch tình cảm ấy là những câu thơ về tình mẹ với con, về tình con với mẹ, là thân phận con người, là chiêm nghiệm cuộc đời…Đọc mà buồn mà đau ngậm ngùi. Và rồi một trong những bài thơ cuối của anh để lại cho mẹ, cho đời cúi đầu lạy mẹ con đi về trời…Cho đến lúc này đây, Đồng Đức Bốn đã đi về trời mà câu thơ vẫn như nghẹn lại.

Nhà thơ Đỗ Minh Tuấn: Đọc tham luận mang tên Quyền kiến tạo đám mây, có đoạn: Nàng Thơ của Mai Văn Phấn không chịu ngồi yên trong tọa độ thi ca, mà luôn cưỡi con ngựa liên tưởng bất kham để thực hiện những cuộc phiêu lưu xuyên thế giới, làm nên thi pháp lập lờ biến hình ảo thuật của những đám mây. Và hành trình xuyên thế giới của Phấn luôn luôn đi từ đời thực đến giấc mơ, từ không gian cận kề đến bầu trời vũ trụ, từ đồ vật tầm thường đến những cảnh giới đầy ánh sáng tâm linh.

Nhà thơ Thi Hoàng: Đọc tham luận có tên Cách tân, như là đẩy thơ vượt qua tai nạn. Ông chia cách đọc làm hai: Đọc lý thuyết và đọc hưởng thụ, phải chăng thơ MVP là thơ cho cách đọc thứ nhất và ngày một xa dần cách đọc thứ hai?

Nhà thơ Nhã Thuyên: Tham luận của nhà thơ trẻ này mang tên Khí quyển thơ – sinh thái của Mai Văn Phấn: Thơ, bầu trời và những linh hồn. Từ góc nhìn phê bình sinh thái (Ecocrticism) tham luận có ham muốn đóng góp một cách nhận diện khí quyển thơ – sinh thái đặc trưng trong thơ MVP. “Tôi có cảm giác thơ MVP xanh, sạch và đẹp; nó đóng góp vào hành trình của thế giới con người không chỉ có con người, làm gần lại thế giới ấy.”

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Với tên Đồng Đức Bốn bắc cầu lục bát, tham luận viết “ĐĐB không phải là nhà thơ mang tư tưởng thiền, anh chính là một nhà thơ hiện thực mang bi kịch lãng mạn. Vì vậy mà nhiều khi anh ngơ ngác trước những nghịch lý trớ trêu của cuộc đời. Và anh đã làm thơ, đặc biệt là thơ lục bát, gây được ấn tượng trong lòng bạn đọc. Có thể nói, Đồng Đức Bốn đã “bắc cầu lục bát” để đến với cuộc đời này. “

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng: Hiện sống ở Canada, tham luận được gửi qua email, Phạm Vũ Long đọc tham luận mang tên Mai Văn Phấn : từng ngón đêm lóe sáng: Di động giữa hiện thực và huyền thoại, thơ Mai Văn Phấn là bản tụng ca, gần với lời cầu nguyện cầu kinh cầu hồn; thơ phủ bóng mờ của âu lo chết chóc nhưng phía sau lấp lóe hy vọng. Trong một thời kỳ biến động hỗn loạn như hiện nay, anh không xa lạ gì với bóng tối, chiến tranh, mất mát, nhưng ít khi nói trực tiếp về điều ấy. Tôi cho rằng đó là một chủ định nghệ thuật (…) Và là một cấu trúc của nó: chống lại các quy ước của điều kiện lịch sử, có thể đi trước thời gian, ngoái nhìn, và kể cho chúng ta nghe ký ức về các dự phóng, về việc nó đi xuyên qua như thế nào các bức tường của định kiến xã hội. Tương tự, một số các nhà thơ biết rằng khi sáng tạo, nhạc điệu của bài thơ đi trước ngôn ngữ một khoảng cách, vừa đủ để ý nghĩa của ngôn ngữ trở nên mơ hồ. Sự sinh thành của thơ Mai Văn Phấn, của những bài hay nhất của anh, bắt đầu trong cõi mờ mờ ảo ảo ấy.

Ở đó, thơ chuyển động nhanh hơn bài thơ.

Nhà thơ Vũ Thúy Hồng: Đồng Đức Bốn – thơ và đời giữa cõi hư vô. Đây là bản tham luận đầy cảm xúc, vanvn.net trân trọng giới thiệu toàn văn.

Nhà thơ Vũ Quần Phương:  Chúng ta yêu mến cái đi tìm của MVP, cả cái tìm đã thấy và cả cái chân thực nói rằng tìm chưa thấy của anh. Nhưng khi anh nói thơ ta trì trệ và tụt hậu so với thế giới và khu vực thì hình như không phải và đó là một so sánh khó, không dễ như KHKT công nghệ. MVP và ĐĐB đã nỗ lực đi tìm như thế, thơ VN không trì trệ đâu. Hy vọng thơ MVP từ nay sẽ “thong dong” hơn. Tôi trân trọng MVP ở chỗ dám băng qua sa mạc để tìm nước, nước của bốn phương thế giới, nước của ông cha.

Nhà thơ Nguyễn Chí Hoan: Mai Văn Phấn thơ từ thế giới đến thế giới. Cái đáng quý ở MVP là phong cách nhất quán từ xưa, phát triển ngày càng sâu rộng hơn so với ban đầu. Hành trình thơ của anh, như anh vạch lại trong tập tuyển chọn này, cho thấy Mai Văn Phấn đã đi từ chỗ biểu hiện cái thế giới truyền thống của thơ ca tiếng Việt đến chỗ biểu đạt cái thế giới bên trong còn ẩn giấu của nó mà anh khám phá, và, cho đến chặng đường hiện tại, đến chỗ dường như đã tìm được một sự cân bằng mới, một cách thế hài hoà giữa hai thế giới đó. (…) Tôi tin Mai Văn Phấn không phải là người đầu tiên, không phải là nguời cuối cùng, và không phải người duy nhất từng trải qua những cuộc gặp gỡ với cái siêu nghiệm; nhưng cho đến nay có thể anh là nhà thơ duy nhất trong thơ ca đương thời đã đưa vào thơ một cách có hệ thống và dày đặc đến thế những liên hệ siêu nghiệm, những hình ảnh siêu nghiệm.(…) Mai Văn Phấn cho thấy ở đây cái năng lực rất đặc biệt của anh trong việc mô tả gần như khách quan các cảm giác thực thể của chính bản thân mình, mô tả thông qua cái lăng kính của ấn tượng xúc cảm đi liền với suy nghĩ hay chiêm nghiệm, mô tả bằng các liên tưởng hầu như luôn luôn tươi mới, đa dạng và chân thực, mà không hề làm cho những nét biểu hiện ấy bị mờ nhoè, chung chung, trùng lặp hay sáo mòn bởi các từ ngữ tán thán quen thuộc hay bởi cú pháp thô giản của câu thơ, đoạn thơ.

Nhà thơ Bằng Việt: Tôi đánh giá cao cuộc Hội thảo rất hay, rất kịp thời vì khoảng mươi năm trước, chúng ta còn phải băn khoăn với việc thơ bị ghẻ lạnh, bị trì trệ nhưng hôm nay, Hải Phòng đã làm người ta phải nghĩ khác về thơ. Đây đang là bắt đầu sự trở lại và hy vọng đó là sự trở lại huy hoàng của thi ca của thế kỷ này như nó đã từng trong thế kỷ trước. Thơ Mai Văn Phấn hay dùng từ vong thân (thoát ra khỏi mình, khỏi các khái niệm cũ) và vượt thoát là dấu hiệu đáng mừng của thế hệ - với tư duy ấy, chúng ta có thể mang thơ đi xa, là chìa khóa để sáng tạo trong thong dong và nhẹ nhõm sau khi đã vứt bỏ cái gánh nặng của quá khứ. Quan niệm của Mai Văn Phấn mà tôi rất thích, đó là hậu hiện đại chỉ là cái sẽ đi qua mà thôi, để trở lại với tân cổ điển (nó chỉ là chỗ giải thoát bế tắc.)

Đồng Đức Bốn lại là một hướng hiện đại khác, đưa thơ lục bát đến giá trị mới, đến tân cổ điển.

Nhưng tôi không tán thành với quan niệm của Mai Văn Phấn cho rằng thơ là bột phát của tự nhiên. Thiên nhiên là quan trọng nhưng con người với xã hội cũng rất quan trọng.

Gộp lại, hai nhà thơ hội thảo hôm nay vừa có tâm vừa có tài; từ đó thơ thăng hoa. Với Mai Văn Phấn thì tôi hy vọng rằng, anh sẽ còn cầm ngọn cờ thơ đi xa.

Nhà thơ Vân Long: Một nhà thơ dễ bằng lòng với mình, sẽ kéo dài giai đoạn thành công trước 1995 có thể MVP vẫn là một tên tuổi sáng giá. Nhưng Mai Văn Phấn, ngược với vẻ ngoài thư sinh, anh là người say mê leo núi, vượt biển không biết mỏi, mục tiêu luôn ở phía chân trời…Xuất phát từ một tầm cao mỹ học, những bài thơ trong sáng trước 1995 không ngờ lại là thứ vàng bảo đảm cho thơ anh ở những giai đoạn thể    nghiệm sau, khi thơ anh có những tìm tòi khúc mắc, khó hiểu. Trường ca Người cùng thời  tránh được những nhược điểm miên man và lan man, bởi tính biên niên và khái quát một giai đoạn lịch sử dân tộc, có những điều trải nghiệm  để có thể gợi cho độc giả cùng suy ngẫm với mình, về nỗi đau, về điều nhân ái. Viết về người nông dân, anh vận dụng ca  dao: “Đời cua cua máy…” đã đành/ Mà đời cáy cũng loanh quanh hết chiều!  Chương Đằm thắm mặt người có những câu thơ thấm đẫm tình cảm vợ chồng, cha con, vừa khái quát niềm vui thân thương của truyền thống gia đình: Bên nhau bịn rịn trăng cười/ Tóc em xanh mát một thời xa nhau/ Thoáng đâu vại nước hoa cau/ Nơi cha mẹ đã tin nhau một đời…

………………………………………..

Tiếng em rồi tiếng con cười/ Rộng thêm căn phòng ta ở/ Anh hồi sinh tuổi ngây thơ/ Đùa vui hồn nhiên tở mở.

Con đang khai hoa đậu quả/ Ngự trên ngực mẹ ngực cha? /Cây bám vững vào mặt đất/ Rễ sâu cành lá la đà.

Đằm thắm mặt người gần xa/ Cho con hiện thân da thịt/ Ra đi từ muôn năm trước/ Bàn chân mới tới bây giờ.  

Vậy là ở giai đoạn “thong dong” của người đã thấu hiểu đường đời       này, ý muốn của anh khi thực hiện vẫn còn “xôi đỗ”, chưa hẳn đã thong dong, anh đang tới chứ chưa phải là đã tới . Và đó cũng là cái hay, là Mai Văn Phấn đang chuyển động…                     

Nhà phê bình Phạm Quang Trung: Tôi ấn tượng nhất với cách chọn chủ đề của hội thảo, nó là song đề của đời sống văn học, của chính văn học vì ngay cả Đồng Đức Bốn cũng là người rất nỗ lực đổi mới thơ. Tôi đặc biệt lưu tâm tới tập thứ 5 có ý nghĩa như tấm bản lề của thơ anh mang tựa đề Nghi lễ nhận tên. Dẫu xuất hiện trong cùng một thời gian - vào năm 1999, với trường ca Người cùng thời, nhưng tập thơ này mang một phẩm chất khác hẳn, cả hồn lẫn xác, đánh dấu bước chuyển rõ rệt trong thơ Mai Văn Phấn từ lãnh địa thân thuộc của cái đẹp bước hẳn sang khoảng không diệu vợi của cái cao cả. Cai đẹp dễ tiếp nhận, cái cao cả khó hơn, đòi hỏi nhiều tri thức, ý chí và tài năng; nó cũng khó được bạn đọc tiếp nhận. Có thể thấy trong quá trình đổi thay kéo dài mà quyết liệt ấy, cái cũ dần dần biến mất một cách tự nhiên: Con đò cũ không nặng mà vẫn chìm/ Biệt tăm tích bóng người chết yểu/ Đã tắt hẳn ngọn đèn leo lét/ Dường như chẳng còn vương vấn điều gì. Và, cái mới bắt đầu hé nở: Tất cả đang dần trở lại/ Nụ hôn, nắng mới, tiếng gà/ Nước sông sẽ liền mạch/ Khát vọng sẽ liền mạch...Thời vụ mới trong thơ Mai Văn Phấn đã thật sự bắt đầu: Cánh đồng trên đầu vừa mở cho tiếng vọng/ Cởi bỏ những phiền/ Cởi bỏ hoàng hôn. Để từ đó Mạch nước chảy về trong sự hồi sinh trong trẻo: Mỗi giọt đều được lau chùi từ thăm thẳm, với hướng vận động khác hẳn: Nhằm nơi ta bay ngược cánh cò, cùng lời ca và những âm thanh khác hẳn: Lại vỡ bài ca gieo hạt/ Tiếng trầm hùng qua thanh đới tổ tiên.../ Lời ca chống những cặp môi lên làm ẩm ướt cả không gian. Bạn đọc có cơ sở để hiểu thêm câu kết của bài Thời vụ: Có ai đặt vào tay ta khoảng lặng im vụn rời như nắm thóc. Hiểu để tin hơn vào mùa gặt bội thu sắp tới của thơ anh.

Nhà phê bình Khánh Phương:

Thơ Mai Văn Phấn, ngay từ những bài của thời kỳ đầu tiên, đã bộc lộ khuynh hướng mộng tưởng và lãng mạn. Cùng với suy tưởng, thậm chí còn mở đường cho suy tưởng nghệ thuật, mộng tưởng là cốt cách đầu tiên của thi ca, để tạo hoá những không gian khác, ranh giới khác, tồn tại và sự sống khác.

Mộng tưởng của Mai Văn Phấn (MVP) dịu dàng, hướng về những gì tinh tuý, vốn bị khuất lấp sau cái vẻ ngoài dù bằng an hay bất an, hài hoà hay lộn xộn, đơn sơ tiểu tiết hay đa tạp… cũng đều do võ đoán của lý trí mà nên:

Thôi đừng dỗ cỏ lên trời/ Khi tan mộng mị biết ngồi với ai/ Dấu chân đừng hoá chông gai/ Nép vào bóng xế dũa mài hoàng hôn/ Ta về đổ bóng xuống vườn/ Cho xanh tươi lại từng cơn úa vàng/ Ghé môi vào miệng thời gian/ Cho hơi thở mọc muôn vàn cỏ non…

Cái tinh tế hiện ra bằng những tâm trạng chông chênh:

Em thở êm như biển lặng tờ/ Hay đâu có bão ở trong mơ/ Tay em anh khẽ nâng trên ngực/ Như kéo con thuyền lên cát khô…

Thôi em! Đừng vặn! đừng khêu!/ Đáy thu thắp sáng trên nhiều ngọn cây/ Anh vừa đọng xuống thu gầy/ Đã đông thành đá phủ đầy rêu xanh…

Mộng tưởng của MVP có khi chất phác, rụt dè:

Không gian như phủ Chúa/ Hoa cười vang cung mê…

MVP là nhà thơ không tin tưởng vào lý trí. Ông không tin cái thực tại do ngũ quan và lý trí thông thường tạo nên, mà có nhu cầu hồ nghi, xao xuyến, đảo lộn tất thảy thực tại ấy.

Nhà phê bình Văn Giá: Thẩm mỹ của Mai Văn Phấn là phồn sinh, hóa sinh, miên viễn

Hiện ra ba hình tượng: Đất đai, Ánh sáng và Em. Cả ba hình ảnh này đều nằm trong sự quy chiếu của lẽ phồn sinh và hóa sinh bất định với tất cả sự sống động của chúng.

Xin nói trước về hình ảnh đất đai. Trong thơ Phấn, không một hình ảnh nào lại có mặt với một mật độ dầy đặc như hình ảnh đất đai. Vốn trong tâm thức dân gian, đất được hình dung như là Mẹ, mang tính Mẫu (Cha trời, mẹ đất) gắn liền với sự bình yên, che chở, sinh sôi (khác với nước, vừa dung dưỡng vừa hủy diệt). Nhưng trong thi cảm nhà thơ Mai Văn Phấn, thì đất lại được ví với người đàn ông, nhất thể hóa với người đàn ông: Đất đai- người đàn ông nằm ngủ/( …)Trên ngực còn vương tro than của mùa đốt đồng (Sau mùa gặt); Anh mơ được em gieo trồng trên ngực/( …)Anh cựa mình nồng nàn tươi xốp (Bài ca buổi sớm). Hẳn phải có lý do gì đó. Tôi cho rằng, do tôn thờ tột bậc sự phồn sinh và hóa sinh bất định, nên nhà thơ đã nhất thể hóa bản thân và hóa sinh bất định đó. Một khía cạnh nữa về hình ảnh đất: đất luôn luôn trong trạng thái che chở, dung dưỡng, sinh sôi; và chỉ có như vậy đất mới hiện lên như một biểu hiện thuộc về Cái Đẹp.

Tiếp đến là hình ảnh Ánh sáng. Tương tự như đất, hình ảnh ánh sáng cũng có mặt tràn lan trong thơ Phấn. Ở nơi nào có ánh sáng, ở nơi đó có giã từ bóng tối, chết chóc, hủy diệt. Và hơn thế nữa, nơi nào có ánh sáng, nơi đó đồng nghĩa với sự phì nhiêu, sinh nở, hóa sinh. Thật nhất quán trong thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn.

Đó là những thời khắc tạo sinh lộng lẫy và màu nhiệm của vũ trụ trong hào quang ánh sáng, mà chủ yếu là ánh sáng ban mai: Như vừa mở được chiếc hũ nút/ Bóng tối tràn tím rạng đông (Tự thú trước cánh đồng); Lá sen và ngó sen/ Tỉnh dậy trong vòng tay của nước (Sáng mùa hè);  Sông rất sáng/Một ngày dài rất đẹp (Ngày đẹp trời); Có giọt sương đêm qua đang cựa mình thăng hoa dưới ánh mặt trời (Hải Phòng trước năm 2000); Ấy là dấu hiệu tái sinh/ Hay bắt đầu những điều trọng đại/Chưa kịp xúc động/ Mới mơ hồ nhận ra/ Ban mai đã cuốn lấy ta những vòng tã lót (Khúc dạo đầu)… Đó còn là ánh sáng trong những phút giây chan chứa tình yêu tuổi trẻ: Anh bước lên vạt nắng/ Một con thuyền ban mai/ Em bảo hãy chờ để khóa chặt cổng (Vườn em). Bài thơ Dấu vết bình minh “căng mọng” một bầu trời sắc dục ái ân: Da thịt anh rộn ràng mang dấu chân em/ Làm những móng tay trên đất càng vang vọng/ Mỗi đốt xương muốn rời ra ngân lên bộ hơi/ Ngỡ có đôi môi trên đỉnh đầu đang thổi. Mai Văn Phấn cũng là người công khai sử dụng các yếu tố dục tính. Tuy nhiên ở Phấn, dục tính hiện lên trong sự hướng đạo của ánh sáng tình yêu và tính thiêng liêng, nên về cơ bản là mang tính duy mỹ. Vượt lên nhục cảm để trở thành Cái Đẹp.

Nhà văn Cao Năm: Sau khi đánh giá cao thơ MVP giai đoạn đầu, ông nói: Nhưng nếu không có cuộc lột xác đầy chông gai để chui ra khỏi cái vỏ truyền thống vấn điệu, giảng giải nói thay bạn đọc thì thi đàn hôm nay liệu có nổi một giọng thơ MVP riêng biệt và độc đáo như hiện nay?

Nhà thơ Mai Văn Phấn: Trước hết tôi xin cảm ơn Hội Nhà văn Hải Phòng. Xin cảm ơn các nhà phê bình, nhà văn đã có tham luận công phu, khoa học. Chúng bổ ích, gợi cho tôi nhiều cảm xúc và gợi hướng, giúp yên tâm đi tiếp trên con đường sáng tạo.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đây là hội thảo thành công, thật khó nói lời tổng kết, vì đời sống văn học là không ngừng, tổng kết hôm nay xong, mai đã lại nẩy sinh ra vô vàn những vấn đề mới; chúng tôi chỉ có thể nói rằng hội thảo thành công. Trước hết, đó là sự lựa chọn khoa học về hai nhà thơ, như anh Phạm Quang Trung nói, là một song đề tiêu biểu của đời sống văn học không chỉ của Hải Phòng. Sau nữa và đặc biệt quan trọng là các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình viết tham luận rất hay, rất công phu, đầy tri thức và phát hiện nhiều vấn đề học thuật, nhiều vẻ đẹp thi ca hết sức khác nhau. Công cuộc tổ chức chu đáo và nhiệt tình nó còn chứng tỏ giá trị thơ ca của hai nhà thơ, đã đóng góp rất nhiều cho thanh công. Xin trân trọng cảm ơn tất cả.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng phát biểu với tư cách nhà thơ. Đây là một tập hợp những trí tuệ nếu không nói là cao nhất của nền văn học. Tôi nhất trí với đánh giá của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, hội thảo thành công, chỉ về hai tác giả nhưng nó mở ra hai vấn đề, hai chân trời thi ca; nó đã mang chứa những vấn đề của đời sống văn học: nội dung và hình thức, truyền thống và cách tân. Hóa ra đi đến tận cùng dân tộc lại gặp thế giới, gặp hiện đại. Từ hội thảo mà anh Thiều kết luận (mở) chúng ta liền nghĩ ngay tới biết bao những vấn đề của đời sống văn học. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, mục đích của mỗi nhà thơ là thơ hay; nhưng thơ hay lại có mục đích là phải phục vụ nhân sinh, nhân văn; đó là mục đích của mục đích, mục đích kép.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại Hội thảo

Sau khi nhắc lại những kỷ niệm sinh hoạt với Đồng Đức Bốn, ông nói về không gian thơ của nhà thơ này. Thành thị là xác, làng quê là linh hồn, của ta, của tất cả chúng ta và trở về với linh hồn Bốn đã thành công. Mai Văn Phấn tài hoa, sau thành tựu vinh quang đã có, Phấn lại bỏ tất để có gan đi tìm những chân trời mới. Phấn đã sốt ruột một cách bình tĩnh. Bởi có sốt ruột một cách bình tĩnh nên đến nay Phấn đã có khá nhiều bài hay trọn vẹn, khá nhiều câu thơ hay; đã tạo ra được những vùng tiểu khí hậu trong thơ, đó là thế giới của riêng anh. Nhưng hình như anh mới thành công ở tầm chiến thuật, chứ nếu là chiến lược thì anh phải tạo ra trường cảm của công chúng; nhiều bài thơ của Phấn dây cháy chậm còn xa ngòi nổ, độ khái quát còn ít. Tôi cảm thấy sau thời kỳ chảy xiết, thơ Phấn sẽ đến chỗ trong lại.

Từ cuộc hội thảo này, tôi thấy:

Có nhất thiết thơ ta phải trải qua tất cả các khuynh hướng của thế giới không? Thế giới có hai trung tâm: Dĩ Âu và dĩ Á, nhưng có những cây nó cứng cổ không chịu nép vào dĩ Âu, dĩ Á như châu Mỹ Latin có hiện thực huyền ảo và Nhật Bản có Hai ku. Trường phái không phải là mục đích, nó là phương tiện.

Hội thảo này đánh dấu mốc phát triển của lý luận phê bình, đó cũng là thành công của Hội thảo này.

------------------

Ảnh: Phan Hữu Đố

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...