Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Bao giờ từ thiện trở thành văn hóa Việt?

Thạch Giản - 05-07-2011 02:48:30 PM

VanVN.Net - Theo định nghĩa, từ thiện là sự giúp đỡ người nghèo khổ xuất phát từ lòng đồng tình. Sở dĩ phải làm từ thiện vì trong xã hội còn có người giàu kẻ nghèo. Nước Mỹ giàu nhất thế giới cũng có hơn 10% dân có thu nhập dưới mức nghèo do nhà nước quy định. Thụy Điển giàu và công bằng nhất thế giới cũng có hơn 6% dân thuộc diện nghèo, dĩ nhiên theo chuẩn nghèo của họ...

Ý nghĩa của từ thiện

Khác biệt giàu nghèo thể hiện sự bất công trong phân phối của cải, gây tâm lý bất mãn trong dân nghèo và do đó là nguồn gốc gây mất ổn định xã hội. Làm từ thiện là để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tăng mức công bằng xã hội, do đó tăng sự đồng thuận trong dân chúng, tăng ổn định xã hội. Chính vì thế làm từ thiện không những chỉ vì người nghèo mà còn vì chính người giàu; bởi lẽ chẳng ai muốn sống trong một xã hội rối ren, người giàu lại càng không muốn.

Nhưng xóa nghèo rất khó, vì trong xã hội luôn tồn tại quần thể người thiếu năng lực lao động (trí óc, chân tay), ốm yếu già lão, không có cơ hội tìm được việc làm v.v... Kinh tế kém phát triển thì càng lắm người nghèo. Các nước thường dùng cách đánh thuế thu nhập để lấy tiền người giàu chia cho người nghèo dưới các hình thức trợ cấp, cứu tế v.v...; ngoài ra còn động viên xã hội giúp người nghèo. Song điều cơ bản nhất là phải giúp người nghèo tự thoát ra khỏi cảnh nghèo, “không phải chỉ cho họ con cá mà tốt nhất mang cho họ cái cần câu cá” – đây là cách làm từ thiện hiệu quả nhất, cần được chú trọng nhất.

Từ thiện góp phần ổn định xã hội trong nước, vì thế nó là vấn đề có tầm quốc gia. Trong thời đại toàn cầu hóa, nó trở thành một công việc quốc tế hệ trọng, được chính phủ các nước và Liên Hợp Quốc quan tâm. Nước giàu cần giúp nước nghèo, không chỉ vì nhân đạo mà còn vì để giữ yên ổn cho chính mình. Dân nước nghèo thường di cư sang nước giàu, gây rắc rối, mất ổn định cho nước giàu. Nghèo đói còn là nguồn gốc dịch bệnh và nạn khủng bố rất khó ngăn chặn.

Hơn thế nữa, từ thiện còn là một loại hình sức mạnh mềm – thứ sức mạnh cần nhất cho mỗi quốc gia trong cuộc cạnh tranh khốc liệt toàn cầu ngày nay. Sức mạnh mềm tức là sức thu hút; rõ ràng quốc gia nào giúp đỡ các nước nghèo càng nhiều thì quốc gia đó càng có sức thu hút nhân loại.

Trong tác phẩm Sức mạnh mềm, Joseph Nye viết: Chính phủ và nhân dân các nước Bắc Âu luôn luôn vui lòng giúp đỡ những người nghèo khổ trên toàn thế giới, nhờ thế các nước này có sức mạnh mềm vượt xa các nước khác.

Các nước Bắc Âu đều rất giàu và nhiệt tình giúp các nước nghèo. Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên viện trợ Việt Nam ngay từ thời chiến tranh chống Mỹ với dự án nhà máy giấy trị giá trên 1 tỷ USD. Đan Mạch với 5 triệu dân hàng chục năm nay kiên trì giúp nước ta cải tiến hoàn thiện ngành thủy sản.

Năm 2008, trong lần đầu tiên về thăm tổ quốc sau ngày nhậm chức Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki-moon đã khuyến cáo đồng bào ông: Để trở thành một quốc gia vĩ đại hơn, Hàn Quốc nên nhiệt tình làm công việc từ thiện giúp đỡ các nước nghèo khổ.

Từ thiện là tiêu chí đánh giá trình độ văn minh của một dân tộc. Nó không chỉ là việc của các tổ chức phi chính phủ, tôn giáo, đoàn thể dân chúng và cá nhân, mà còn được chính quyền coi trọng. Một đất nước phân hóa giàu nghèo rõ rệt thì không thể có hình ảnh quốc tế đẹp. Chỉ khi nào nhận thức đúng tầm mức quan trọng của từ thiện thì mới có thể làm tốt công tác này.

 

Truyền thống từ thiện của người Việt

Thương người là một trong các phẩm chất quý giá của người Việt. Từ xưa dân ta đã có câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Dẫu rằng khác giống nhưng chung một giàn” “Lá lành đùm lá rách”... nói lên truyền thống từ thiện của người Việt. Truyền thống đó gắn liền với quá khứ đau thương của dân tộc: kinh tế rất lạc hậu kéo dài hàng nghìn năm, lại thêm thiên tai địch họa không ngừng, đời sống đa số dân ta rất thấp, số người giàu cực ít. Trong chế độ thực dân, phong kiến, kẻ thống trị chỉ lo vơ vét, không lo cứu giúp dân nghèo. Nhưng nhiều cá nhân và tổ chức từ thiện xuất phát từ tình thương đồng bào tự đứng ra tổ chức công tác quyên góp cứu giúp dân nghèo và nạn nhân của các thiên tai. Lịch sử mãi mãi ghi nhận tấm gương xả thân làm từ thiện của cư sĩ Phật Giáo Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha và bà Cả Mọc (bà Hoàng Thị Uyển) trong hai đợt cứu tế nạn lụt năm Đinh Sửu và nạn đói năm 1945. Các tôn giáo, nhất là Phật Giáo, đã có nhiều đóng góp trong công việc từ thiện.

Hoạt động từ thiện tại Mường Phăng

Thời gian qua, nhiều nhà chùa tổ chức trao tận tay hàng tỷ đồng hàng cứu trợ cho nạn nhân các đợt lũ lụt. Đó chủ yếu là những đồng tiền do các thiện nam tín nữ biếu tặng nhà chùa hoặc trả công cho một dịch vụ tôn giáo nào đó, thực chất là tiền của dân chúng, nhà chùa đem giúp người nghèo là rất đúng hợp lý. Đồng bào cả nước đã tự nguyện quyên góp hàng trăm tỷ đồng cho các quỹ từ thiện. Báo chí và các đài truyền hình tổ chức nhiều hình thức quyên góp, như Quỹ Tấm Lòng Vàng. Mặt khác, Nhà nước tiến hành nhiều dự án xóa đói giảm nghèo có hiệu quả.

Nhìn chung công tác từ thiện ở ta chủ yếu mới dựa vào sự quyên góp từ nhân dân, trong khi đa số dân ta còn chưa giàu; phần đóng góp của giới người giàu chưa đáng kể, chưa thành phong trào; cá biệt còn có người giàu hứa mà không làm. Quy mô công tác từ thiện ở ta còn rất nhỏ, chủ yếu rộ lên khi có thiên tai, còn bình thường ít có biểu hiện. Khi ấy từ thiện chỉ nặng tính chất “phát chẩn” chứ chưa giải quyết được vấn đề gốc rễ của sự nghèo. Nói cách khác, ta còn chưa có văn hóa từ thiện.

 

Khi từ thiện trở thành văn hóa

Trong xã hội văn minh, từ thiện trở thành một thứ văn hoá; người ta quyên góp từ thiện như một thói quen không cần suy tính, nhưng mặt khác lại có những tổ chức (thí dụ các quỹ từ thiện) chuyên trách nghiên cứu sử dụng tiền từ thiện một cách có hiệu quả nhất. Đây là sự thể hiện độ chín của xã hội công dân, tức xã hội trong đó người dân thông qua hoạt động tự nguyện trong các Nhóm công dân (như tổ chức từ thiện, think tank ...) để cùng chính quyền quản lý xã hội một cách hợp lý nhất.

Người phương Tây, đặc biệt người Mỹ, có truyền thống làm từ thiện quy mô lớn, nhất là những người giàu. Truyền thống này bắt nguồn từ nguyện vọng sâu xa của tổ tiên người Mỹ – những người châu Âu đầu tiên vượt đại dương di cư tới Bắc châu Mỹ để tìm kiếm cuộc sống dân chủ tự do bình đẳng, – và từ đạo Tin Lành dạy mọi người phải thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

Ở nước Mỹ tồn tại một nền kinh tế không kiếm lời (non-profit economy) chuyên làm từ thiện, có giá trị khoảng 8% GDP, sử dụng hơn 10 triệu người, tức gần 7% lực lượng lao động, hơn cả tổng số công chức Mỹ. Năm 2009 Mỹ có 1.238.201 tổ chức từ thiện hoạt động ở trong và ngoài nước. Tổng số vốn của 100 quỹ từ thiện lớn nhất lên tới hơn 120 tỷ USD, một số quỹ trên 10 tỷ USD. Có quỹ còn lập các viện nghiên cứu y học, môi trường để giúp nước nghèo. Nhiều tỷ phú lập quỹ từ thiện riêng để quản lý việc đưa đồng tiền của mình đến tận tay người nghèo một cách hiệu quả nhất, và để quyên góp từ xã hội.

Các tổ chức từ thiện dân lập xây dựng nhiều nhà ở hoặc nhà tạm trú và cung cấp bữa ăn miễn phí cho người nghèo, người vô gia cư; mở cửa hiệu cung cấp thực phẩm hàng hóa cho người nghèo, mở lớp dạy nghề miễn phí cho người thất nghiệp.

Viện trợ quốc tế do chính phủ Mỹ cung cấp tuy đứng đầu thế giới về số lượng (khoảng 20 tỷ USD/năm) song tỷ lệ so với GDP thì chưa đến 0,3%, mức thấp nhất trong các nước phát triển. Bù lại, dân chúng Mỹ viện trợ rất nhiều cho các nước nghèo; năm 2007 họ đã giúp 115,9 tỷ USD (tương đương GDP Việt Nam hiện nay); nếu kể cả tiền góp làm từ thiện trong nước thì rất lớn. Năm 2009 người Mỹ góp được 304 tỷ USD tiền từ thiện (tương đương 2,1% GDP Mỹ), trong đó 75% do các cá nhân góp, 8% là tài sản do những người già trước khi chết hiến tặng, 4% do các công ty góp. 65% gia đình Mỹ góp tiền từ thiện, mỗi gia đình mỗi năm bình quân góp 2213 USD.

Vua sắt thép Andrew Carnegie (1835-1919) từ 30 tuổi trở đi đã thực hiện lời hứa từ thuở hàn vi là bao giờ kiếm được mỗi năm 50 nghìn đô-la thì phần thu nhập cao hơn sẽ tặng hết cho xã hội. Vua dầu lửa J. D. Rockefeller Jr. (1874-1960) từng nói Chết trong giàu sang là ô nhục. Câu này được hiểu theo nghĩa người giàu trước khi chết phải biếu hết tài sản cho xã hội, có như vậy chết mới thanh thản. Họ cho rằng để tài sản cho con cháu hưởng chỉ làm hư chúng. Rất nhiều người Mỹ đã làm như vậy, kể cả người không giàu.

Tháng 6/2010, hai người Mỹ giàu nhất Bill Gates và Warren Buffett phát động phong trào Cam kết Hiến tặng (Giving Pledge campain) kêu gọi các nhà giàu cam kết trong quãng đời còn lại, hoặc sau khi chết, sẽ hiến tặng một nửa tài sản cho xã hội. Riêng Buffett đã hứa tặng 99%. Trước mắt họ kêu gọi 400 người Mỹ giàu nhất tham gia cam kết và về sau sẽ mở rộng ra toàn thế giới. Hiện đã có 57 người ký cam kết này. Nếu 400 nhà giàu Mỹ đều làm như vậy thì tổng số tiền từ thiện của họ ít nhất sẽ là 600 tỷ USD, tương đương GDP của Saudi Arabia, nước sản xuất nhiều dầu mỏ nhất thế giới.

 

Bao giờ ta sẽ có văn hóa từ thiện?

Cuối tháng 9/2010, Gates và Buffett đến tìm hiểu tình hình từ thiện ở Trung Quốc, là nước hiện có nhiều tỷ phú đô-la nhất thế giới (189). Một tháng trước đó họ gửi thiếp mời 50 nhà giàu Trung Quốc dự bữa tiệc gặp mặt thân mật họ sẽ tổ chức tại Bắc Kinh. Nhưng một số người đã gửi trả thiếp mời, hoặc gọi điện hỏi xem đây có phải là dịp sẽ bị mời tham gia phong trào cam kết hiến tặng hay không.

Vợ chồng tỷ phú Bill Gates tham gia hoạt động từ thiện tại Châu Phi.

Tin ấy làm dư luận Trung Quốc dấy lên một đợt bàn cãi sôi nổi về vấn đề công tác từ thiện nước này còn lạc hậu nghiêm trọng so với nhu cầu phát triển của chính mình, tới mức phải để nhà từ thiện nước ngoài đến “lên lớp”. Dư luận nhấn mạnh: để chứng tỏ là một cường quốc, Trung Quốc không những phải trở thành nền kinh tế lớn mà còn phải chủ động giúp các nước nghèo, nếu không thì chỉ chuốc lấy tiếng “Vi phú bất nhân” (Giàu mà không thương người).

Khi bàn luận nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, đa số cho rằng đó là do tư duy người phương Đông nói chung còn hẹp hòi thiển cận, người giàu chỉ nghĩ tới mình, chưa nghĩ tới lợi ích quốc gia hoặc quốc tế. Tâm lý trọng gia đình khiến họ còn lo để tài sản thừa kế cho con cháu, vì thế giàu bao nhiêu vẫn chưa đủ, chết đến nơi vẫn lo làm giàu, và ngại giúp kẻ nghèo.

Thực ra người giàu Trung Quốc vẫn có làm từ thiện, song ít người nói ra, có lẽ vì họ muốn giấu địa vị nhà giàu của mình. “Nhà từ thiện số một Trung Quốc” là ông Trần Quang Tiêu, Chủ tịch công ty Tận dụng tài nguyên tái sinh Hoàng Phố, từ năm 1998 tới nay đã góp 1,34 tỷ Nhân Dân Tệ (1Tệ = 0,15 USD) cho xã hội, hơn 700 nghìn người được hưởng lợi từ sự quyên góp ấy. Hôm 3/9/2010 ông công bố thư gửi hai tỷ phú Gates và Buffett, trong có viết: “Hôm nay, khi hai ông đến Trung Quốc, đất nước nổi tiếng thế giới bởi phẩm chất cần lao, trí tuệ và lương thiện này, tại đây tôi xin trịnh trọng tuyên bố: tôi sẽ là doanh nhân Trung Quốc đầu tiên hưởng ứng và ủng hộ hành động của hai ông. Khi rời thế giới này, tôi sẽ tặng xã hội toàn bộ tài sản của mình.”

Xã hội Việt Nam ngày nay khuyến khích mọi người làm giàu chính đáng. Làm giàu chân chính là một việc gian khổ, đòi hỏi nhiều phẩm chất quý. Ngày nay người giàu được vinh danh, vì họ góp phần làm đất nước giàu mạnh. Nhưng họ chỉ thực sự được tôn trọng nếu biết sử dụng đúng tài sản của mình, biết giúp đỡ đồng bào nghèo. Người giàu chỉ lo ăn chơi thường bị gọi là trọc phú, tức người giàu kém hiểu biết.

Cần hiểu rằng tài sản xã hội là do toàn dân làm ra nhưng phân phối không đều; một số ít người do có năng lực và có cơ hội nên chiếm phần hơn, trở thành người giàu, trong khi đa số dân vẫn nghèo hơn. San sẻ tài sản của mình cho người nghèo là một nghĩa vụ đạo đức. Con người khi chết thì thể xác về với đất, còn tài sản thì nên trở về với người làm ra nó – nhân dân; đây là một hành động hợp “lẽ trời”. Để con cháu thừa kế tài sản lớn là không hợp lẽ trời; vì không làm ra của cải nên chúng sẽ không biết sử dụng tài sản đó, chỉ ăn chơi phung phí. Như vậy sẽ có hại cho chúng và cho đất nước.

Đáng mừng là nước ta hiện nay có khá nhiều người giàu, kể cả tỷ phú đô-la. Nhưng họ đóng góp cho xã hội còn rất ít, kể cả đóng góp qua thuế và đóng góp từ thiện. Nhiều người giàu giấu mặt. Tình trạng này có phần do nhà nước chưa thi hành chế độ công khai tài sản cũng như chế độ thuế tài sản hợp lý. Nếu cứ để tình trạng “đi đêm” này kéo dài thì chẳng những nhà nước mất nguồn thu mà phân hóa giàu nghèo sẽ ngày càng sâu sắc, xã hội sớm muộn sẽ mất ổn định. Sự minh bạch hóa, công khai, trong suốt về tài sản và thu nhập của mọi công dân, trước hết là công chức và doanh nhân, người giàu, cần được nhà nước thể chế hóa bằng luật pháp, không được để các nhóm lợi ích ngăn cản việc này.

Nhà nước và xã hội cần đẩy mạnh công tác từ thiện, đưa lên thành công việc hàng ngày chứ không nên như hiện nay, chỉ rộ lên mỗi khi có thiên tai. Cần thành lập các quỹ từ thiện, vận động quyên góp tiền thường xuyên từ các doanh nghiệp và doanh nhân, nhà giàu, và tổ chức công tác này một cách quy mô, có chiến lược lâu dài nhằm đạt mục tiêu “Không chỉ giúp người nghèo con cá mà quan trọng nhất phải giúp họ cái cần câu cá”.

Bản thân người giàu cần thấy làm từ thiện không chỉ thể hiện đạo đức thương người của mình mà còn là một công việc có tầm quan trọng quốc gia, có ý nghĩa với dân tộc; vì thế phải lập kế hoạch làm từ thiện suốt đời và dành thời gian tiến hành công tác này sao cho hiệu quả nhất, không phải chỉ góp một số tiền là xong.

Muốn làm tốt công tác từ thiện, cần tạo điều kiện để xã hội ta dần dần tiến lên thành xã hội công dân, sao cho từng người dân thực sự làm chủ đất nước bằng hành động tham gia cùng chính quyền tổ chức đời sống mọi mặt của xã hội. Chừng nào từ thiện chưa trở thành một dạng văn hoá thì xã hội ta còn chưa thể được coi là xã hội văn minh.

(Nguồn Văn hóa Nghệ An)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...