Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Cảnh Trà – đôi dép vẹt mòn thời xuôi ngược

(Đọc tập thơ “Phơi rơm” của Cảnh Trà, NXB Thanh Niên 2011)

Trần Hoàng Vy - 11-07-2011 03:44:06 PM

VanVN.Net - Bây giờ nhà thơ Cảnh Trà có lẽ không còn “xuôi ngược” được nữa, bởi tuổi cao (nhà thơ sinh năm 1937 tại làng Ngang, Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An) và căn bệnh thấp khớp làm tê liệt chân phải, đi lại phải có người “nâng chân, chở rước”, thôi thì đành bám trụ ở khu phố 3, thị trấn Châu Thành, mỗi sáng chống gậy, nhúc nhắc ra cái chợ nho nhỏ gần đấy, ngắm người ngược xuôi để nhớ một thời “xuôi ngược”!

Tập thơ đầy đặn, dày đến 200 trang với 77 bài thơ, 6 bài văn xuôi Cảnh Trà viết cho bè bạn và 7 bài bè bạn viết cho nhà thơ. Cái riêng, cái chung đồng cảm, chan hòa nghĩa tình trong một tập thơ, đề huề, của những người “đồng bệnh” quí mến văn chương, tính cách của nhau. Đó là Thanh Tịnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoài Anh, Anh Chi… Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Đức Thiện, Hoàng Thụy Anh, Trần Hoàng Vy, Nhất Loan…

77 bài thơ, duy nhất một bài có đề ngày sáng tác (Đưa dâu qua cầu Hiền Lương), còn lại không thấy ghi năm tháng gì cả, thế nhưng ta vẫn nhận thấy có những bài nhà thơ Cảnh Trà làm từ những năm 70 của thế kỷ trước, tập thơ còn “tuyển lại” những bài đã đăng trong các tập thơ trước đây của anh như “Những cọng rau tập tàng”, “Những cơn mưa”… nên có thể xem tập thơ lần này như một tuyển tập thơ Cảnh Trà, ghi đậm dấu ấn những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, rồi những khó khăn sau chiến tranh, những vùng đất hằn in dấu chân của nhà thơ xứ Nghệ, xuôi ngược mãi cho đến khi dừng chân ở mảnh đất “phên dậu” của biên giới Tổ quốc phía Tây nam.

Mùa hè năm 1972, Cảnh Trà, một mình một ba lô, lội bộ từ tuyến lửa Vĩnh Linh ra Quảng Bá, Hà Nội để dự lớp viết văn khóa V do Trường Bồi dưỡng của Hội Nhà Văn tổ chức. Đó cũng là lúc máy bay Mỹ đánh phá dữ dội miền Bắc nước ta, và Vĩnh Linh, Quảng Bình là nơi bom pháo ác liệt nhất. Cảnh Trà viết: “Trên đất này/ Chờ bom dứt chỉ là điều mơ mộng/ Tất cả đều là trong báo động!/ Tất cả như là trong báo yên!/ Pháo giặc nổ lay hầm/ Chẳng ai buồn giật thột…” ( Trang 19)

Học xong lớp Viết văn, Cảnh Trà lại quay về vùng đất Bình Trị Thiên khói lửa với vai trò là phóng viên, và từ đó, đưa đẩy anh trở thành phóng viên thường trú của Đài phát thanh truyền hình ở Tây Ninh, cuối cùng chọn Tây Ninh là quê hương thứ hai của mình sau một chặng dài xuôi ngược gần ba mươi năm: “Nhìn đôi dép vẹt mòn thời xuôi ngược/ Thương thuở ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh” (Nhật ký ngày bệnh, trang 136).

Thơ Cảnh Trà giản dị nhưng ý tứ thâm trầm sâu sắc, pha chút hóm hỉnh của người dân miền Trung, dạn dày trong gian khó và trui rèn trong bom đạn chiến tranh: “Những cành bom cắt cụt lại đâm chồi/ Bàng đứng dậy như thể một con người/ Không nghiêng ngửa giữa những ngày ác liệt/ Gốc đợi vẫn chờ em về đón gió/ Lá chao cành lại quạt mát cho em” (Cây bàng Hồ Xá, trang 21). Đó là khung cảnh: “Những bến phà không có phà/ Những ụ pháo không có pháo/ Chỗ giấu xe mà xe không giấu/ Nơi không có ta mà có ta/ Bom ném tan rồi lại cứ hiện ra” (Những bức ảnh người ở lại, trang 31), với một không gian rất đặc biệt của thời chiến: “Vĩnh Linh nuôi gà dưới hầm/ Lót ổ ở trong hốc đất/ Đẻ xong từng trứng cất riêng/ Phòng lúc bom rung khỏi vỡ” (Gà ở Vĩnh Linh, trang 39). Bài thơ “Đưa dâu qua cầu Bến Hải” là bài thơ được giải bài thơ hay nhất của Báo Văn nghệ Quân giải phóng, kỷ niệm số ra 100 với những câu thơ đầy hỉ hả, lạc quan: “Đám cưới hôm nay cũng tự nhiên như là hoa, là lá/ Như là chị lấy chồng, như là tôi lấy vợ/ Mà hay chưa bỡ ngỡ như chiêm bao/ Tôi nhìn sông nghe sóng vỗ rì rào/ Ai hát đó tưởng như lời tôi hát/ Ngắm mây bay tôi thấy trời bát ngát/ Chân người đi rộn rịp quá người ơi!” (trang 61), bài thơ ghi ngày 20 tháng 7 năm 1975, có nghĩa là chỉ sau mấy tháng nước nhà hòa bình, thống nhất. Vẫn còn những khó khăn gian khổ nhưng vẫn không ngăn niềm vui đôi lứa, để “Tiếng nói cười như chim hót sau mưa” ( Đưa dâu…, trang 61).

     Cái chất miền Trung của những ông đồ Nghệ, có lẽ in đậm trong các bài thơ: Giọng nói trong nhà, Tập phỏng làm theo bài Mười quả trứng…, Về chơi nhà bà ngoại, Những đọi cơm rang v.v... Cảnh Trà tự trào với chính mình “Cha mẹ đẻ ra/ Tôi chẳng làm được việc gì ra trò/ Ngẩn ngẩn, ngơ ngơ/ Còn bày đặt làm thơ/ Nên gần suốt cuộc đời/ lam lũ lắm…” vì “Câu bảy: hư/ Còn ba câu/ Câu tám trật vần/ Câu chín bẻ họng/ Câu mười vừa ngọng vừa điêu!” và nhà thơ “ngộ” ra: “Tôi nghiêng mình trước đền Kiều nguy nga/ Điệp trùng sáu, tám ngọc ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên!” (Trang 64).

Bài thơ đại diện cho tựa đề của cả tập thơ, lại đằm đẵm kín đáo một nỗi niềm thiết tha, cháy bỏng và đầy chất nhân văn: “…Đụng nhau cũng ở ổ rơm/ Khi thành chồng vợ nằm giường rơm không…/ Tiếc em là gái góa chồng/ Nhớ chồng gái góa ra đồng phơi rơm!” (Gái góa phơi rơm, trang 128). Nhưng có lẽ, những bài thơ Cảnh Trà làm trong suốt hành trình “Nam tiến” của mình, chứa đựng nhiều tâm trạng của một con người ngược xuôi, xuôi ngược nhất: “Suối lại kể:Em rời xứ Nghệ/ Vào Tây nguyên lúc còn thiếu hơi người”, hay như “Thành phố Sài Gòn/ Xưa là nơi xa lạ/ Như của ai đâu không phải của mình/ Giờ chốn ấy cháu con đều đến ở/ Từ đại lộ này lộc biếc lại hồi sinh!” (Em Tân, trang 91). Sự “hồi sinh” ấy, là sự khởi đầu, nhận về mình một quê hương thứ hai trong một tâm thế mới, bắt đầu là sự cảm nhận về một vùng đất: “Nơi đây vùng lộng gió/ Ở ngã Ba Tà Lài/ Mùa này sen đã nở/ Cánh hồng như môi ai?” (Sen ở ngã Ba Tà Lài, trang 97), và chắc chắn là vùng đất của mỡ màng, no đủ: “Mùa lúa đẹp no nê/ nồng nàn/ đa tình/ Hương lúa thơm như môi em/ đê mê/ lim dim/ nóng rực/ Mùa lúa chín/ Mùa của tuần trăng mật!” (Mùa lúa chín, trang 98). Để từ đó nhà thơ nhận những đồng cảm, gửi những vi vu cuộc đời vào vi vu của gió mới: “Những buổi trưa vào vụ/ Trên đất miền Đông/ Nắng chang chang/ Tán cây cầy như là nhà của gió/ Tha hồ vi vu!” (Dưới tán cây cầy, trang 123). Thơ Cảnh Trà ở trên quê mới gắn liền với thiên nhiên, cây trái, mùa vụ và những sinh sôi nẩy nở của đất, của người và cả muôn thú. Gần phân nửa tập thơ, anh dành cho nơi chốn anh đã chọn bằng những câu chữ mộc mạc, đồng quê. Sức sống phồn thực cuồn cuộn, nhưng âm thầm qua những hình ảnh hết sức dân dã: “Chuyện đàn bà, đàn ông/ Hồn nhiên như gió đồng..!/ Mấy mệ sồn sồn/ Dăm cô gái trẻ/…/ Chỉ còn đôi mắt/ Long lanh / Mắc cỡ” (Dưới tán cây cầy, trang 123). Còn đây nữa, một không gian hoang sơ cho một tình tự: “…Thỏ nâu liến láu/ Sóc lửa như ánh sáng/ Nhảy qua lưng cặp tình nhân đang hổn hển trên vạt cỏ nhàu/” và cái kết lại chứa nhiều triết lý của nhân sinh: “Đứng xa nhìn bụi rậm na ná hình con người/ Tới gần ngắm bụi rậm có cái gì cũng giống con người/ Vào trong bụi rậm/ tối om/ chứa bao điều chưa biết!” (Bụi rậm, trang 127).

Với cái “lá giang” loại lá có nhiều ở rừng miền đông Nam bộ, dùng nấu canh chua, xào thịt bò, cũng được thi vị hóa trong thơ Cảnh Trà, như những bài ca dao, giao duyên, tình tứ: “Cây giang bứng tự rừng về/ Bây giờ lá đã xum xuê đầy giàn/ Chàng trai bên xóm thường sang/ Hỏi xin vài nắm lá giang… má cười/ Xin lá hay là xin người?/ Hay là mượn lá đưa người dùm cho?/…Con gái má đứng trong buồng/ Người ta thương lá ai thương đến mình.” (Lá giang, trang 129). Hình ảnh quả điều lộn hột, cũng là một đặc sản của vùng miền Đông, trong thơ anh có một cái gì rất ý vị: “Cây nào hột cũng nằm trong/ Riêng điều trồi ra khỏi vỏ/ Kẻ chê: vô duyên, tồng ngồng/ Người khen: lòng dạ cởi mở/…Tốt khoe, xấu che…Không màng!” (Điều lộn hột, trang 121).

Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới nói nghệ thuật, hình như cái ý này là của Beilinxki, dường như vận dụng vào thơ Cảnh Trà rất đúng? Bởi lẽ quãng đời xuôi ngược của anh, luôn gắn bó với thơ, thi ảnh trong thơ của nhà thơ Cảnh Trà không lung linh màu sắc, cũng không là những thi từ trác tuyệt hay diễm lệ, phải gia công gọt đẽo. Thơ Cảnh Trà bình dị như chính cuộc đời anh, đó là lối thơ thô mộc, mang phong cách dân gian đồng quê. Nó cụ thể rạch ròi: “Gặp cô Hà - con ông Năm Huệ/ Kể cho nghe các giống bưởi đường/ Đường thanh, đường lá, đường da láng…/ Trên chục tên nghe thật dễ thương” (Nhật ký, trang 102), và “Ăn trái chùm đuông/ Nhả hạt chùm đuông/ Con trống mớm mồi con mái/ Mắt chấp chới…” (Mùa chùm đuông chín, trang 116).

Song những thế sự cuộc đời cũng làm anh trăn trở, bởi “Cô gái nhà bên về làm dâu Đài Loan/ Người nói lên hương, kẻ nói đời tàn/ Làn mây mỏng tấm lụa điều phơ phất/ Đất đồng làng xao xác gió đông sang!” (Cõi lạnh, trang 132), nhà thơ cũng cảm nhận qua từng cái bắt tay: “Ngày mới/ mong/ không phải chịu những cái bắt tay/ khô/ và/ lơi!/ lỏng/ và/ lạnh” (trang 119), cũng như “cười thầm” từng tiếng vỗ tay gượng gạo, vô vị của nghi thức xã giao hình thức “Xin giới thiệu/ Rộp…rộp/ Tiếng vỗ tay thưa dần/ nhỏ dần/ nhạt dần/ nhàm chán!” (Tiếng vỗ tay, trang 115). Cái tâm, cái tình của nhà thơ thì rộng mở, trùm lấp, sẵn sàng chia sẻ và cho đi, nhưng thực tế có khi lại lắm nỗi lòng đau: “Con người/ ai đó/ vô tâm/ vô tình/ quá lắm/ Đeo ơi!” (Con Đeo, trang 138).

Tôi không có cái tham vọng “bình” thơ của anh, nhà thơ Cảnh Trà, người bạn vong niên mà tôi yêu mến, vì đấy là công việc của những nhà lý luận, phê bình. Mà có lẽ, khi bài viết này đến anh, hoặc anh đọc thấy. Nếu khỏe, anh sẽ: “Tôi tới nhà rủ Nguyễn Đức Thiện/ Ra quán cháo lòng của bà Năm Bún đầu hẻm/ Kêu hai tô/ lít đế/ lai rai…” (Vào đền thiêng, trang 125). Và anh sẽ cười khề khà nói: “Tiếng miền Trung/ Ai hiểu răng thì hiểu…” ( Anh và chú, trang 139). Vâng. Ai hiểu răng thì hiểu!?

Bờ Vàm Cỏ Đông, 7/7/2011

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Vi Thuỳ Linh – Tôi hẳn nhiên thừa nữ tính!

VanVN.Net - Chúng tôi bắt đầu cuộc phỏng vấn với một thoả thuận nho nhỏ: sẽ chỉ nói chuyện về Linh - Đàn bà, còn nhà thơ Vi Thuỳ Linh - đừng "động" đến cô ấy! Nhưng khi vào chuyện, cuối ...

Nhà văn đọc sách  

Cảnh Trà – đôi dép vẹt mòn thời xuôi ngược

VanVN.Net - Bây giờ nhà thơ Cảnh Trà có lẽ không còn “xuôi ngược” được nữa, bởi tuổi cao (nhà thơ sinh năm 1937 tại làng Ngang, Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An) và căn bệnh thấp khớp làm tê liệt ...

Tư liệu  

Việt Nam với chiến lược biển (1)

VanVN.Net - (Trích phát biểu của ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam 2011 - Nha Trang ngày 08 tháng 6 năm 2011)…