Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Trao đổi về chuyện Lý luận phê bình bị bỏ rơi và rẻ rúng

Nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị - 02-07-2011 12:02:09 PM

VanVN.Net - Báo Văn nghệ Trẻ số 26 trang 5 ra ngày 26-6-2011 giật tít khá “sốc”: Những nguy cơ của lý luận phê bình hiện nay của nhà phê bình văn học Văn Giá với ba mục: 1. Giới làm lý luận phê bình bị bỏ rơi, 2. Các tác phẩm lý luận phê bình bị rẻ rúng, và 3. Hoạt động phê bình hiện nay đang...loạn. Những tiêu đề nhỏ này lập tức gây sự chú ý của người đọc... Ngay sau khi báo ra, VanVN.Net đã nhận được ý kiến phản hồi của nhiều bạn đọc, dưới đây xin giới thiệu bài trao đổi của nhà phê bình văn học Lê Thành  Nghị.

Những gì thuộc quan niệm và nhận thức của Văn Giá về phê bình văn học, về học vấn của một nhà phê bình văn học và học vấn của một nhà văn, nhà thơ, về thực trạng của LLPB hiện nay, về chế độ nhuận bút, về phê bình văn học đích thực và phê bình văn học trên báo chí đều có thể và cần phải bàn thêm với một cách nhìn bao quát, bình tĩnh, thiện chí.

Trên một cách nhìn như thế, tôi thấy chưa bao giờ giới lý luận phê bình được quan tâm như bây giờ, cả trên bình diện tổ chức, hỗ trợ, đầu tư và các hoạt động nghề nghiệp. Nhằm nâng cao vị trí, vai trò và chất lượng của lý luận phê bình, trong hai nhiệm kỳ khoá IX và khoá X của Đảng, Ban Bí thư đã quyết định thành lập Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương và Hội đồng đã có nhiều hoạt động ngày càng khởi sắc. Chỉ tính riêng trong khoá X, Hội đồng lý luận phê bình VHNT Trung ương đã tổ chức 3 cuộc hội thảo thu hút hàng trăm nhà lý luận, phê bình tham gia. Đó là các hội thảo "Văn học nghệ thuật trong cơ chế trị trường", tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội thảo "Về tính dân tộc và hiện đại trong VHNT hiện nay" tổ chức tại Hội An, Hội thảo "VHNT và hiện thực đời sống"  tổ chức tại Đà Lạt. Ngoài ra còn có các cuộc khảo sát làm việc với Viện Văn học, Hội Nhà văn, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam, báo Văn nghệ Công an và các địa phương Nam Định, Thái Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đắc Nông... Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương còn tổ chức 3 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ biên tập các cơ quan văn học nghệ thuật và báo chí các địa phương của ba miền tại Quảng Bình, Huế và Cần Thơ. Để khuyến khích và nâng cao chất lượng các hoạt động lý luận phê bình, gần đây Hội đồng lý luận phê bình VHNT Trung ương đã quyết định ban hành Quy chế xét tặng thưởng các tác phẩm lý luận phê bình VHNT. Sau Trung ương, nhiều địa phương cũng tiến hành thành lập Hội đồng lý luận phê bình và đi vào hoạt động với những cố gắng bước đầu rất đáng biểu dương như thành phố Hồ Chí Minh với Hội thảo "Văn học nghệ thuật là một mặt trận". Rất tiếc những hoạt động lớn, được dư luận đánh giá tốt như vậy không hề được Văn Giá nhắc đến. Từ nhiều năm nay các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành, đều thành lập Hội đồng lý luận phê bình hoặc bộ phận chuyên trách và có rất nhiều Hội thảo dành riêng cho các nhà lý luận phê bình. Được biết, trong quá trình xây dựng Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khoá X) "Tiếp tục xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới", Thường trực Ban Bí thư tổ chức xin ý kiến của các văn nghệ sĩ tiêu biểu, trong đó có nhiều nhà lý luận phê bình nổi tiếng tham gia. Đây cũng là một việc làm rất mới. Chỉ đơn cử một vài dẫn chứng cụ thể như vậy, chúng ta hoàn toàn không thể đồng tình với cái tít "Giới làm lý luận phê bình bị bỏ rơi" của Văn Giá. Về các tác phẩm lý luận phê bình, ngoài quyết định xét tặng thưởng của Hội đồng lý luận phê bình Trung ương đang được triển khai, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm nào cũng trao giải thưởng cho các phẩm lý luận phê bình có chất lượng. Gần đây nhất (năm 2010) người được trao giải thưởng là nhà văn Phong Lê. Riêng ở Hội Nhà văn Việt Nam trong việc trao giải thưởng hàng năm có những năm sáng tác không có tác phẩm nào, chỉ duy nhất một tác phẩm được trao giải là tác phẩm lý luận phê bình. Chỉ riêng những điều đó đã làm cho nhận định của Văn Giá "Các tác phẩm lý luận phê bình bị rẻ rúng" là hoàn toàn không thuyết phục. 

Bây giờ xin nói lại về một số chứng cớ mà anh đưa ra để chứng minh về sự bị bỏ rơi của LLPB, mà anh cam đoan rằng hoàn toàn không nói ngoa.

Văn Giá viết: "Sau Hội nghị những người viết văn trẻ... Hội nhà văn chưa bao giờ ra tuyển tập LLPB, trong khi đó chỉ có các tuyển về sáng tác, hoặc Chưa bao giờ có trại sáng tác dành riêng cho những người viết phê bình. Việc ra các tuyển tập, cần nói rõ, vừa qua các tác giả hoặc một số nhà xuất bản nào đó ra các tuyển tập, là quyền của họ. Còn với danh nghĩa Hội Nhà văn thì nhiều nhiệm kỳ gần đây không chủ trương ra tuyển tập nào cả, kể cả sáng tác và lý luận phê bình để tập trung vào việc Tổng kết văn học thế kỷ XX đang được tiến hành với các tuyển tập lớn gồm văn, thơ và lý luận phê bình. Còn các trại sáng tác hàng năm đều có nhà văn ở các chuyên ngành tham gia. Hội Nhà văn lâu nay không mở trại sáng tác riêng cho chuyên ngành nào cả. Với các trại sáng tác gồm đủ các chuyên ngành tham gia sẽ góp phần làm gần gũi hơn giữa sáng tác và phê bình, không ai cảm thấy bị bỏ rơi cả. Văn Giá viết: Trong số Hội nghị LLPB... số người viết PB trẻ được tham gia rất ít, đã thế khi tham dự hầu như không được phát biểu, không được đối thoại. Thực tế trong những nhiệm kỳ VI và nhiệm kỳ VII của BCH Hội nhà văn vừa qua Hội đã tổ chức được 2 cuộc Hội nghị toàn quốc về LLPB (ở Tam Đảo năm 2001 và ở Đồ Sơn năm 2006) mỗi cuộc với hàng trăm đại biểu, trên 60 bản tham luận, trong đó tất cả Hội viên ngành lý luận phê bình đều được mời tham dự, thậm chí cả những người chưa phải là hội viên Hội nhà văn Việt Nam cũng được mời chính thức và trình bày tham luận. Nhân đây cũng xin nhắc Văn Giá rằng trong lịch sử ra đời và hoạt động của Hội nhà văn, trước đấy chưa hề có những Hội nghị chuyên về lý luận phê bình cỡ quốc gia như vậy. Ngoài hai Hội nghị Lý luận phê bình trên, Hội Nhà văn còn tổ chức nhiều Hội nghị lý luận phê bình khác nữa nhằm bàn sâu về từng vấn đề. Chỉ tính riêng năm 2008, Hội đã tổ chức được 6 cuộc Hội thảo khu vực. Đó là Hội thảo về "Văn học và doanh nhân", tổ chức tại Vĩnh Phúc, Hội thảo "Nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà văn" tổ chức tại Ninh Bình, Hội thảo "Giao lưu và hội nhập" tổ chức tại Thanh Hoá, Hội thảo "Nhà văn và đời sống" tổ chức tại Quảng Nam, Hội thảo "Văn học với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" tổ chức tại Đồng Nai. Hội thảo "Văn học về đề tài Nông nghiệp, nông thôn, nông dân" tổ chức tại An Giang. Rất nhiều nhà phê bình đã tham gia các cuộc hội thảo nói trên. Trong các Hội nghị lý luận, phê bình lớn và vừa như vậy, không thể có thời gian để đọc hết các tham luận. Đó là chuyện bình thường. Có thể Hội nghị còn có chỗ chưa đạt kết quả như mong muốn của nhiều anh chị em hội viên, nhưng không thể phủ nhận những cố gắng của BCH Hội Nhà văn Việt Nam và càng không thể nói lý luận phê bình bị bỏ rơi. Khi nồng nhiệt minh hoạ cho luận điểm LLPB bị bỏ rơi, Văn Giá cũng sai nốt khi anh cho rằng: Trong các cuộc thi về thơ, về văn xuôi, các thành viên Ban giám khảo chưa bao giờ có một nhà LLPB nào tham gia chấm giải. Các giải chỉ do các nhà sáng tác bầu bán, không có giới LLPB phản biện. Đó cũng là một trong những lý do làm cho chất lượng giải thấp. Theo tôi được biết những lần xét giải thưởng hàng năm của Hội, thành phần Ban chung khảo, không phải chưa bao giờ có nhà LLPB tham gia như Văn Giá nói, mà là bao giờ cũng có ít nhất một thành viên là nhà LLPB. Từ những năm trước nhà phê bình văn học Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội đồng LLPB của Hội tham gia Hội đồng chung khảo, năm 2010 là nhà LLPB Nguyễn Ngọc Thiện tham gia. Còn cuộc thi tiểu thuyết 2002-2004 có hai nhà LLPB Phong Lê, Nguyễn Văn Lưu trong Hội đồng chung khảo, Cuộc thi tiểu thuyết 2008-2010 các anh Phong Lê, Phương Lựu, Trần Đình Sử, Lê Thành Nghị cũng tham gia Hội đồng chung khảo. Như vậy Văn Giá cho rằng các giải chỉ do những nhà sáng tác bầu bán... cũng là một trong những lý do làm cho chất lượng giải thấp vừa không chính xác vừa xúc phạm những người sáng tác! Tiếp đến Văn Giá cho rằng: Trong các cuộc tiếp xúc với các tổ chức và cá nhân thuộc văn học nước ngoài do HNV tổ chức, trong số các thành viên được mời, những người làm LLPB thường cũng bị bỏ quên nốt. Văn Giá ở đây cũng sai nốt! Theo tôi được biết khá rõ cuộc tiếp nào cũng có đại diện lý luận, phê bình, trong cuộc tiếp Đoàn nhà văn thuộc Học viện Goorki Liên bang Nga gần đây, có cả anh Văn Giá tham dự. Trách thì trách thế, nhưng mấy năm được sinh hoạt với anh ở Hội đồng LLPB của Hội tôi thấy không mấy khi Văn Giá tham dự đầy đủ những sinh hoạt của Hội đồng. Còn tôi biết ở Hội Nhà văn mỗi lần có khách nước ngoài đến, mối lo nhất của Ban Tổ chức là khách mời thưa vắng.  

Ngồi để kêu ca về lý luận phê bình yếu kém là câu chuyện không còn mới mẻ gì nữa và cũng không có ích gì cả. Vấn đề là bắt tay vào những việc làm cụ thể. Mà những việc ấy, thì như đã dẫn ở trên, đều là những việc nhất quán từ chủ trương đến nhiệm vụ và giải pháp liên tục diễn ra hàng chục năm nay. Chỉ có những ai cố tình quên hoặc vì lý do các nhân nào đó mới cố tình phủ nhận nó. Hãy lật lại những trang nghị quyết qua những kỳ Đại hội, LLPB bao giờ cũng là nơi thể hiện những trăn trở lớn nhất của BCH Hội. Nhưng không phải chỉ là nghị quyết. Việc gia tăng lực lượng LLPB mà Đại hội nhà văn lần thứ VIII lựa chọn nhà phê bình văn học Lê Quang Trang và nhà lý luận phê bình Phan Trọng Thưởng vào BCH Hội là việc làm thể hiện sự quan tâm của hội viên đối với LLPB. Trong những năm gần đây nhà nước có một khoản kinh phí tài trợ sáng tác, các hội viên Hội đồng LLPB, người nhiều kẻ ít, ai có công trình đều được đầu tư kể cả đầu tư chiều sâu như những hội viên khác không hề có sự phân biệt. Chỉ tính riêng trong khoá VII, nhiệm kỳ 2005-2010 đã có 52 trong tổng số 72 hội viên ngành nhà lý luận phê bình được đầu tư, một tỉ lệ cao nhất so với sáng tác. Riêng anh Văn Giá tại quyết định số 402/QĐ-HNV, ngày 7 tháng 7 năm 2010 đã được hỗ trợ 10 triệu đồng với thời gian từ khi làm đơn đến khi lĩnh tiền không quá một giờ đồng hồ. Anh Văn Giá viết: "Trong kế hoạch bồi dưỡng của Hội Nhà văn thường niên, đã từng có để ý bồi dưỡng đội ngũ người viết LLPB, cách tiến hành còn qua loa, làm cốt để gọi là có, diễn ra khoảng một tuần, với những bài nói chuyện đại ngôn tráng ngữ, không đâu vào đâu..." là hoàn toàn không chính xác. Khoá III của Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du tổ chức có 76 học viên, được tiến hành trong gần 3 tháng, chứ không phải chỉ trong khoảng 1 tuần gọi là có như Văn Giá viết: Trong ba tháng đó có rất nhiều nhà lý luận phê bình đến làm việc với học viên, đi sâu vào nghiệp vụ, được học viên đánh giá tốt chứ không phải như Văn Giá viết "với những bài nói chuyện đại ngôn tráng ngữ, không đâu vào đâu", vừa không đúng vừa xúc phạm đến các nhà lý luận phê bình đã đến giảng ở lớp học.

Còn một số hiện tượng phê bình văn học mà Văn Giá cho rằng LLPB đang bị rẻ rúng, đang bị loạn, chẳng hạn như căn bệnh hư văn, căn bệnh súng sính khái niệm, căn bệnh không hiểu đâu là văn thật, văn giả, bệnh thông thái rởm, bệnh chạy theo mốt, rồi thì các nhà văn chỉ thích đọc bài phê bình về chính mình chứ không thích đọc bài phê bình về người khác... anh không dẫn chứng cụ thể ai? Bài nào? Nên xin phép không nói thêm ở đây! Chỉ xin bình luận thêm rằng, nếu lý luận phê bình có những bất cập, yếu kém thì với cái nhìn khách quan, phục thiện, thực sự cầu thị nên bắt đầu nhìn từ mỗi nhà lý luận phê bình, không nên đổ hết cho Hội.

Nhìn thẳng và nói thẳng là tốt, thậm chí rất tốt về bất cứ hiện tượng nào của đời sống. Nhưng tốt hơn nếu trên tinh thần trách nhiệm cao và hiểu biết sâu chứ không phải chỉ trên những bức xúc cá nhân. Xây dựng một nền LLPB như mong muốn là cả một sự nghiệp lớn có công sức của tất cả mọi người. Tách mình ra, cho mình đứng trên và đứng ngoài để phê phán không phải là thái độ thành tâm xây dựng. Tổ chức cố gắng, mỗi một nhà văn cố gắng, để phê bình theo kịp sáng tác đã là một kỳ vọng của nền văn học nước ta lúc này. Muốn thế, mọi người, các nhà văn ai cũng là người trong cuộc, chứ không phải tự tách mình khỏi dòng chảy chung của đời sống văn học.

(Những chữ in nghiêng trong bài là trích từ bài báo trên của nhà phê bình văn học Văn Giá)

                                                Ngày 29-6-2011

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhà văn đọc sách  

Cảnh Trà – đôi dép vẹt mòn thời xuôi ngược

VanVN.Net - Bây giờ nhà thơ Cảnh Trà có lẽ không còn “xuôi ngược” được nữa, bởi tuổi cao (nhà thơ sinh năm 1937 tại làng Ngang, Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An) và căn bệnh thấp khớp làm tê liệt ...

Tư liệu  

Việt Nam với chiến lược biển (1)

VanVN.Net - (Trích phát biểu của ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam 2011 - Nha Trang ngày 08 tháng 6 năm 2011)…