Sen nở như không biết người âu sầu/ Hay sen cũng âu sầu mà người không biết/ Cùng sắc trắng trong, cùng đượm hương từ ngàn đời/ Chỉ khác em lên tiếng mà ta lặng im. (Liên bút từ sen - Nguyễn Lương Ngọc)
Gửi thư    Bản in

Tổ quốc tôi

Thanh Thảo - 30-04-2012 06:52:24 AM

Tổ quốc trong tôi hơn những giấc mơ kỳ diệu nhất

Tôi nhớ cái cảm giác buổi chiều mình đứng trên đỉnh núi Thới Lới - đỉnh cao nhất thuộc “ngũ hành” ở đảo Lý Sơn. Mới vào hạ, gió nồm lên lồng lộng, và khi tôi nhìn xuống lòng thung lũng phía dưới ngọn núi lửa cũ, hình ảnh những con bò vàng đang gặm nửa vạt nắng chiều chợt rưng rưng. Tôi lại nhớ, buổi sáng tôi đứng trước hang Pắc - Bó nhìn xuống lòng hang. Sáng cuối thu lành lạnh, những giọt nước chầm chậm giỏ trong lòng hang đá tối, tự nhiên tôi lại thấy ấm áp như có một bếp lửa nào từ lòng hang lạnh phả ngược hơi ấm lên. Những lúc ấy, tự nhiên cảm nhận được Tổ quốc ở phía trong mình, dù là từ trên đỉnh Thới Lới hay dưới hang sâu Pắc-Bó. Mới hôm qua, tôi lại tình cờ ngồi với hai tài công thuyền đánh cá ở Sa Huỳnh, một người có thâm niên 21 năm cầm lái thuyền, người kia 27 năm, nghĩa là gần nửa đời họ lang thang trên biển. Ngư trường của họ ở biển bắc, và người tài công hai - mươi - bảy - thâm - niên kia chợt tâm sự: anh đã có không dưới 40 bài thơ, những bài thơ được anh viết nhẩm trong đầu rồi cất trong đầu khi lái thuyền giữa biển, những bài thơ được một tờ giấy trắng kỳ lạ là tâm hồn anh lưu ký. Anh tài công xin phép đọc cho chúng tôi nghe hai trong số những bài thơ đẻ ra trên biển ấy: Biển sóng mênh mông thể mái nhà/ Gió lạnh từng cơn gào thét ruột/ Bạn với ta ấm lạnh khổ sầu/ Tới bây giờ bạn hữu còn đâu/ Ta lại ngẩn ngơ nhìn sóng cả.... Anh tài công ấy mới học tới lớp 7 rồi vì nhà nghèo phải nghỉ học đi làm trai bạn, rồi tiến tới làm tài công. Những người như anh, tôi biết, họ có thể nhìn như xuyên lòng biển sâu để biết từng luồng cá, dự đoán từng ngư trường. Nhưng, rồi tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi nghe tiếp Bài thơ về con cò nhỏ của anh - dĩ nhiên tôi đặt tên bài, chứ anh chỉ viết như thế thôi, không đề:

Thảm thương cò nhỏ theo đàn

Thốt kêu từng tiếng

nghe càng thảm thương

Đường xa mưa gió

dặm trường

Theo đàn cò mẹ tìm đường

trú thân

Thu tàn đông đã tới gần

Đường xa sải cánh mệt càng

đuối hơi...

Người dân chài ấy thương một con cò con lạc mẹ lạc đàn rơi trên biển. Anh đã vớt nó lên, và chợt cảm thấy thân phận con cò trên biển có gì giống với thân phận mình, nên xúc cảm thành thơ. Không chỉ cứu một con cò, trong suốt 27 năm xông pha trên biển, thuyền anh đã biết bao lần cứu những ngư dân lâm nạn, bất kể họ thuộc quốc tịch nào. Anh kể tôi nghe, những năm trước khi đánh cá ở ngư trường biển bắc, thuyền các anh thường gặp và trao đổi trên tình thân hữu giữa những người đánh cá với các thuyền đánh cá nước ngoài. Những người lao động trên biển thì ở đâu cũng vậy, cũng hào sảng, tình cảm và biết sẻ chia. Tôi chợt thấy gương mặt đen đúa của người tài công ấy bừng sáng khi đọc bài thơ kể chuyện anh cứu một con cò nhỏ, và trong giây phút ấy, anh là người Việt Nam nhân ái nhất mà tôi được gặp. Khi Tổ quốc cư trú trong tâm hồn những ngư dân lương thiện và giàu tình thương như thế, Tổ quốc sẽ không bao giờ mất! Theo những con thuyền đánh cá hòa bình của các anh, Tổ quốc cũng lênh đênh qua những ngọn sóng bạc đầu, qua những đe dọa hung hiểm của những “tàu lạ” và “kẻ quen”. Nhưng ngày nào những con thuyền các anh còn đi khơi thì ngày đó Tổ quốc còn hiện diện ngay trên những vùng biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam dù đang bị người ngoài chiếm giữ. Cha ông các anh xưa cũng đã từng có bao chuyến hải hành như vậy, gắn việc kiếm sống với trách nhiệm thể hiện chủ quyền của đất nước. Những ngôi mộ gió trên đảo Lý Sơn và biết bao những ngôi mộ vô hình trong lòng biển Đông từ bao đời nay đã minh chứng cho lòng yêu nước một cách hồn nhiên của ngư dân chúng ta. Thử nghĩ xem, nếu những con thuyền đánh cá hòa bình của họ không còn xuất hiện trên vùng biển Hoàng Sa nữa, thì lấy gì để chứng minh chủ quyền bằng sự hiện diện của những người dân Việt yêu Tổ quốc, yêu hòa bình? Chính vì thế Tổ quốc không chỉ sống trong họ, mà còn phải đứng sau lưng họ, đồng hành cùng họ nơi biển khơi muôn trùng sóng gió, nơi họ phải hằng ngày hằng đêm đối mặt với những nguy cơ từ nhiều hướng. Vũ khí duy nhất của những ngư dân ấy là ý chí lao động, là tình yêu vợ con làng xóm quê hương Tổ quốc mình, là sự chịu đựng nhiều khi vô bờ bến của họ. Không ai được quyền bỏ rơi họ những lúc hiểm nghèo, vì chính họ đang giữ gìn từng thước biển thuộc chủ quyền quốc gia. Tôi lại nhớ hai câu thơ trong bài thơ viết về con cò nhỏ của người tài công: Một mình chẳng ngại đường xa/ Lê chân sải bước bôn ba tới bờ... Hai câu thơ lành hiền đôn hậu nhưng lại nói được ý chí vượt thoát mọi hiểm nguy của những - con - cò - ngư - dân trên biển. Người nông dân Việt gắn bó bao đời với hình ảnh con cò đã đành một nhẽ. Nhưng với người ngư dân thường xuyên “cày” trên biển, thì hình ảnh con cò là một hình ảnh rất ít khi họ gặp. Nhưng khi nó xuất hiện, dù rất tình cờ, thì lòng nhân ái Việt Nam, dù trên đất hay trên biển, lại sáng bừng lên qua cử chỉ và những dòng thơ mộc mạc của người ngư dân. Lúc ấy, con cò trở thành hình ảnh thân thương nhất của đất liền, của quê hương, của thân phận. Tổ quốc trong ta nhiều khi chỉ giản đơn như thế. Giản đơn thế mà Tổ quốc, mà ngấm vào máu ta, mà cư trú trong tâm hồn ta mãi mãi.

 

 (Nguồn: Văn nghệ)

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhà văn đọc sách  

Mai Văn Phấn “giấu mặt” trong “hoa”

VanVN.Net - Từ xưa đến nay, bài thơ viết ngắn nhất là bài thơ chỉ có một câu. Kỷ lục vẫn thuộc về R. Tagore (nhà thơ ấn Độ, người đã đoạt giải Nô-ben văn chương cách nay trên 30 năm). ...