Sen nở như không biết người âu sầu/ Hay sen cũng âu sầu mà người không biết/ Cùng sắc trắng trong, cùng đượm hương từ ngàn đời/ Chỉ khác em lên tiếng mà ta lặng im. (Liên bút từ sen - Nguyễn Lương Ngọc)
Gửi thư    Bản in

Truyện thiếu nhi: “Cô bé gan dạ” – Nguyễn Huy Tưởng

07-05-2012 03:53:14 PM

Một buổi chiều thu. Mặt trời đã lặn; gió may thổi rợn người. Cách độ mươi bước về phía đầu làng Thần Quyết, dựa vào một cái hồ rộng ăn thông ra sông, ngôi đền của làng ẩn trong một rừng cây um tùm, âm u, lạnh lẽo trong khói sương.

Bỗng có tiếng ầm ầm ở ngoài hồ theo gió đưa vào trong làng, làm thất sắc các vị kỳ mục đang ngồi trong điếm cổng họp bàn. Tiếp theo có tiếng dữ dội ở ngoài đền và một mùi hôi hám xông ra. Các cụ kỳ mục mặt như chàm đổ, lạnh toát cả người. Dân làng dần dần đến đã đông đủ, nét mặt người nào cũng không giấu nổi vẻ lo sợ nặng nề.

Làng sắp rút thăm để xem người con gái nào phải đem ra hiến cho vị thần ăn thịt. Trước hương án bày ở sân điếm, ông tiên chỉ đã khấn xong. Lễ bái vọng đã hết. Mọi người chờ như những kẻ tội nhân sắp bị đem ra pháp trường.

Đã hai mươi năm nay, cái quang cảnh độc địa này mỗi năm lại diễn lại một lần. Đã hai mươi năm nay, dân làng Thần Quyết lúc nào cũng sống trong khủng bố, kể từ ngày vị thần hung ngược này đến đuổi vị thần cũ, mà tự tiện lên thế chân rồi gieo tai rắc vạ cho nhân dân. Ngày mới đến hung thần đã báo mộng cho vị tiên chỉ, bắt dân mỗi tháng phải nộp một con lợn sống nhớn, và mỗi năm, về mùa thu, một người con gái tân. Nếu không cả làng sẽ bị chết hết, mà chết một cách cay độc. Có một năm, người ta chỉ chậm đem xử nữ dâng thần, mà ông tiên chỉ hộc máu mồm ra chết, ông thứ chỉ mắc bệnh hủi, ông lý trưởng đau mắt rồi mù, và dân làng bị chết dịch kể mất quá nửa. Cái sợ đã thấm thía vào máu, vào tủy mọi người. Tiếng nô đùa trong trẻo của trẻ con cũng mất hẳn. Các cha mẹ có con gái mười bốn mười lăm tuổi đều mất ăn mất ngủ, mong sao cho con gái chóng qua cái tuổi ác nghiệt ấy mà đi lấy chồng cho thoát nạn. Vì nếu chẳng may mà làng rút thăm phải một người con gái nào, người xấu số ấy sẽ phải chịu một cái chết thảm khốc là dùng làm đồ ăn sống cho hung thần. Thật là thương tâm và rùng rợn khi người thiếu nữ khóc lóc từ giã cha mẹ, rồi bị giam vào hậu cung hôi hám, để cho vị thần quái ác, dữ tợn vò xé, nhai nghiến. Có người mẹ vì thương con quá, mạo muội úy quyền thần, lần đến bên đền, rồi chết ngất đi, vì nghe thấy trong hậu cung tiếng con gái kêu gọi, tiếng thần gầm gào, tiếng vật lộn, rồi đến tiếng nhai gau gáu! Người mẹ khốn nạn và dại dột ấy sau sinh ra mất trí khôn, rồi ít lâu thì thành hoàn toàn ngu độn.

Người ta khốn khổ dưới cái uy lực lớn lao nhưng tàn bạo của vị hung thần, nhưng người ta vẫn cúi đầu trước sức mạnh, không dám thở ra một lời oán thán, vì những lời oán thán của dân họ biết chắc chắn sẽ bị hung thần báo thù lại một cách ghê gớm...

Mọi người lúc ấy đều hồi hộp, trống ngực đánh thình thình. Mọi con mắt đều đổ dồn vào ông tiên chỉ. Ông cụ già, tay run cầm cập - cái tay ấy chả sắp giết hại một nhân mạng ư? - cho cái cặp gỗ sơn son xinh xinh vào một cái bình sứ để trên hương án, và rút ra một tờ giấy đỏ. Mọi con mắt đều giương to một cách ngu độn. Quả tim những người bố khốn nạn đập mạnh đến như vỡ ngực. Ai nấy đều khấn thầm cho con gái mình thoát nạn.

Nhưng ông tiên chỉ đọc: "Nguyễn Thị Thứ". Một người trong đám dân làng giật nẩy mình lên, giữa những tiếng thở dài khoan khoái, và những nét mặt lộ vẻ vui mừng không giấu nổi. Bao nhiêu cái đau khổ dồn cả vào một người, là cụ Trương Nghiêm. Ông lão hiền lành này khi thấy ông tiên chỉ rút thăm trúng con mình thì điếng người ra, đầu váng như bị sét đánh. Ông cụ ngồi thừ, nỗi tuyệt vọng in trên nét mặt ngây ngô. Các bô lão đã gọi cụ Trương đến gần, trao cho tờ giấy đỏ, để cho biết rằng làng làm việc công minh. Ông liếc mắt nhìn qua, thấy sự đã dĩ nhiên, vừa tức, vừa giận, vừa tủi, vừa ghen, vừa thương, vừa xót, ông run run không đứng vững, hai giọt lệ lăn từ từ trên gò má xám, ông kêu lên mấy tiếng: "Con tôi... Thứ con ơi!... Khổ cho con!...". Rồi ông ngồi sụp xuống thềm, khóc nức nở, khiến cho mọi người ái ngại. Người ta xúm lại để khuyên giải ông già nay phải gánh vác cái nợ tàn khốc cho mọi người.

Mà ông lão chỉ biết làm ăn lương thiện! Mà ông lão chỉ có một mụn con! Cụ Trương gạt tay mọi người ra, hờn dỗi. Cụ ghen với những người kia, trong số đó, có nhiều người phúc đức kém cụ hoặc có nhiều con, đáng nhẽ họ phải chịu thay cụ mới phải. Cụ khóc lóc, hậm hực, đi thất thểu trong bóng tối.

Về đến nhà, cụ thấy vợ, tóc bạc phơ, đứng chờ ngoài cửa, băn khoăn, lo lắng. Bà Trương hỏi:

- Thế nào, ông nó?

Lòng ông lão tan đi, chỉ kịp ngã xuống chiếc giường tre, nức nở khóc, lâu lâu mới nói được:

- Con Thứ đấy, bà nó ạ, có khổ không?

Bà cụ khóc thét lên, ngã gục xuống bên giường, kể lể trong túp lều tranh, ai oán không cùng. Hàng xóm đều ứa nước mắt thương tâm. Nhiều người chạy sang khuyên giải. Họ chỉ thấy cô Thứ ngồi giữa bố mẹ, như một đóa hoa giữa hai cành khô héo. Nàng là một người con gái xinh đẹp, vào khoảng 15, 16 tuổi, trông rất đáng yêu. Nét mặt nàng hơi buồn, vì nàng biết sắp phải vĩnh biệt bố mẹ già yếu, sau này biết nương tựa vào đâu. Nhưng cái chết đau đớn sắp tới. Tuy vậy vị thần ghê tởm không làm cho nàng lo sợ, bối rối, và vẫn giữ được cái thái độ hằng ngày. Nàng chào hỏi khách lễ phép, têm trầu pha nước, khiến cho mọi người vừa thương, vừa lạ, vừa kính. Một lúc thì tuần phiên đến canh bốn phía cái nhà tội nghiệp. Hai cụ lại khóc thét lên, ngất đi. Mọi người xúm lại, cứu cấp; trước tình cảnh ấy, cô Thứ không sao cầm được nước mắt. Những người đến hỏi thăm đã về, nàng vào xoa bóp cho mẹ; bà Trương thương con quá, ôm chặt lấy nàng trong hai cánh tay khô; nước mắt hai người tuôn ra như suối...

Ngày hôm sau, người ta đem nước thơm đến để tắm rửa cho cô Thứ. Người ta may khăn, áo, quần cho nàng. Làng đem cỗ đến thết. Tất cả những sự cung đãi lịch sự ấy không che đậy được nỗi đau đớn của gia đình cô Thứ.

Ông bà Trương Nghiêm chẳng thiết gì, chỉ suốt ngày nhìn con khóc lóc. Cô Thứ vẫn thản nhiên dọn dẹp và như một người sắp đi xa, thu xếp cửa nhà rất chu đáo. Hai cụ thì chỉ muốn trong cái thời gian ngắn ngủi mà nàng còn ở trên trần, nàng được tận hưởng những cái nhàn hạ của đời. Hai cụ quấn lấy nàng, vuốt ve nàng, rồi phút lại mếu máo khóc lóc. Có lúc lại thầm lạy trời, cho có sự gì thay đổi để cho đứa con yếu ớt được thoát nạn.

Đã có lúc, hai cụ ngủ thiếp đi; đứng nhìn bố mẹ, già cả hốc hác, nàng thốt nhiên xúc động, chạy xuống bếp, gục đầu vào đống rạ mà khóc. Tất cả những đồ vật trong nhà, bàn ghế, chăn chiếu, cả những bức tranh con, cả con chó vện, cả con gà đương ấp, đều như nhắc nhở nàng nghĩ đến những ngày sung sướng ở với mẹ cha. Muốn khuây đi, nàng lấy rơm dóm lửa, đun nước. Còn được mấy lần đun nước cho bố mẹ già nữa? Nghĩ thế nàng nức nở khóc một mình trong bếp.

Chợt nàng nín bặt, lấy vạt áo gạt nước mắt. Nhưng mẹ nàng đã chạy tới, ngồi xuống bên cạnh cũng khóc. Cụ Trương ông cũng hấp tấp chạy xuống bếp và nghẹn ngào hỏi:

- Con sợ lắm ư, con?

Cô Thứ mạnh bạo đáp:

- Thưa không. Con đã làm cho thầy u đau phiền. Con không sợ. Con chỉ thương thầy u, con chỉ nhớ thầy u thôi. Nhưng số con đã thế, còn biết làm thế nào? Con xin thầy u cứ coi như không có con thì hơn. Sự thể thế này, thầy u thương con chỉ thêm chua xót, có ích gì thêm đâu! Thầy u đã già rồi, phải nên giữ gìn thân thể mới được. Như thế, thì con có chết mới được yên tâm. Con chết rồi, thế nào con cũng về hầu hạ và phù hộ thầy u.

Lời con thỏ thẻ, hiếu hạnh càng làm cho hai cụ động lòng. Đăm đăm nhìn con, hai cụ lại khóc.

Chợt nàng nhìn bố mẹ, mắt sáng lên, mặt quả quyết. Từ hôm qua, nàng đã ủ cái ý tưởng là giết hung thần, để báo thù cho những chị em xấu số đã đi trước nàng, và nhất là để trừ hẳn một cái ách cho dân. Nàng nói:

- Thưa thầy u. Con sắp phải đi vào chỗ chết. Con chỉ xin thầy u một điều, là thầy u cố giúp con một việc.

- Con muốn gì, thầy u cũng chẳng từ.

Bình tĩnh nàng nói:

- Thưa thầy u. Cứ như ý con thì chẳng có hung thần nào cả. Con đoán chắc chỉ là một con vật to lớn và hung tợn. Chẳng may cho dân ta, các cụ tin nhảm, lại đi thờ phụng nó, làm tai hại cho làng ta. Con vật ấy ăn thịt người chứ hung thần nào?

Hai cụ thất sắc, lấy tay bịt miệng nàng, và cùng nói:

- Con đừng nói nhảm, con.

- Con quyết không chịu chết uổng, xin thầy u giúp con. Chả nhẽ con sắp chết, chỉ nhờ thầy u có một việc ấy mà cũng không được sao?

- Con nói sẽ chứ. Nếu không phải thần thì sao ngày mới đến ngài lại báo mộng bắt dân ta phải tế lễ? Mà con chả xem đấy ư, năm kia làng chỉ chậm chưa dâng lễ, mà dân ta phải chịu bao nhiêu tai nạn! Thầy u có tiếc gì? Thầy u có phải chết để cứu con, thầy u cũng chẳng từ, huống chi là giúp con. Nhưng thầy u sợ rằng việc con định làm sẽ hại cho cả làng ta, vì thế thầy u không dám.

Nàng cười và đáp:

- Việc thần báo mộng, con quyết không tin; người ta ai chả có những giấc mộng lạ lùng? Vả chỉ có cụ tiên chỉ nói là thấy thần báo mộng, chứ thực ra dân làng có ai trông thấy thần đâu? Những lời bàn tán con cho chỉ là những lời bịa đặt. Còn về việc thần gieo tai rắc vạ cho dân thì lại càng không tin được. Bệnh tật trong đời, ai chẳng có, mà ai biết trước mà tránh được? Đến như năm nọ, thì cả vùng ta bị bệnh thời khí, chứ riêng gì làng ta. Xem như năm ngoái, cúng tế hợp lệ, lễ vật đúng ngày, sao bệnh tả vẫn có? Mà không kể rằng năm ngoái làng ta còn mất mùa nữa; đấy thầy u coi, sao không ai bảo rằng tại việc cúng thần có điều sơ suất nên ngài giận mà làm ra thế? Chỉ có giống ác thú mới ăn thịt sống, con nhất định không tin là có thần. Cứ ngửi mùi hôi hám ở hậu cung cũng đủ biết.

Riêng con, con xin chết, nhưng con không muốn chết uổng. Con xin chết, nhưng con phải giết con ác thú kia để trừ hại cho dân làng, và để tránh cho các chị em gái sau này một cái ách nặng nề. Cứ để nguyên như thế này, không biết bao giờ cái ách mới hết. Xin thầy u thương con và giúp cho.

Hai cụ trố mắt nhìn nàng. Cụ Trương lâu lâu mới nói:

- Con bạo nói quá. Con nên nghĩ chín, kẻo tai vạ cho cả làng, chứ chả bỡn đâu.

Cô Thứ nói:

- Không khó gì. Con chỉ xin thầy u đánh cho con hai con dao nhọn thực sắc. Con quyết một sống một chết với con ác vật. Biết đâu con không sống sót mà về hầu hạ thầy u?

Hai cụ cùng sợ hãi, không tán thành cái ý kiến táo bạo của con gái. Tuy vậy, trong óc ngu độn của hai cụ, đã thấy rọi lờ mờ chút ánh sáng. Một mối hoài nghi đã phảng phất trong trí hai ông bà già.

Hai cụ cùng nhìn con, và thấy nàng đẹp quá thể; trán nàng yên tĩnh, và đôi mắt lóng lánh như sao. Trầm ngâm một lúc, hai cụ cùng có cái cảm tưởng rằng nàng nói phải. Cái hi vọng cô Thứ được khỏi chết thoáng trong óc người cha và người mẹ già, như cơn gió tỉnh người.

Thấy cha mẹ đã thuận, nàng liền nói:

- Con phiền thầy u khó nhọc. Chiều mai con đi, sáng ngày kia con lại về, xin thầy u đừng lo.

Cả ba người cùng thấy chứa chan hi vọng.

Cụ Trương ông, ngay hôm ấy, vào chợ đánh hai con dao bằng thép rất sắc và rất nhọn.

Ngày hôm sau là ngày rước cô Thứ lên đền. Một buổi trưa mùa thu âm thầm và hơi lạnh. Suốt từ nhà cụ Trương Nghiêm đến đền, đường cái quét tước như lau. Một cái kiệu đã đặt trước cửa nhà người con gái khốn nạn. Hương án, bát bửu, cờ quạt đã dàn ra một dãy dài, trông chói lọi và tưng bừng. Mấy bô lão, áo thụng xúng xính, mũ tế ngất ngưởng, kính cẩn bưng một cái mâm sơn son vào gian giữa nhà cô Thứ, trong hòm có để một chiếc quần đỏ, một đôi dép đỏ.

Cô Thứ, khác hẳn những chị em cùng chung số phận đã đi trước nàng, không lộ ra một chút sợ hãi nào. Ông bà Trương Nghiêm thì gào khóc lăn lộn ở trong buồng, nghe rất thảm thiết. Mấy bà cụ già xúm xít lại để sắm sửa cho cô Thứ. Nay với bộ y phục lộng lẫy kia, nàng trông đẹp như một vị tiên nữ. Người ta thì thầm tỏ ý thương tiếc cho cái nhan sắc hơn người kia. Nàng thu hai con dao nhọn vào trong người và ra chào từ giã bố mẹ. Nàng cố cầm nước mắt, kiêu ngạo trong bộ lễ phục mới nguyên, lãnh đạm bước ra, giữa hai hàng nữ quan cầm kiếm. Nỗi buồn, nỗi nhớ, nỗi sợ như xé lòng cô bé, nhưng nàng nhất quyết không lộ ra sắc mặt. Tấm lòng sắt đá ấy khiến người ta nghi nàng là một đứa con gái vô tình.

Mọi người đều lấy làm lạ. Không khóc không kêu, không giãy giụa, không lăn lộn, không chống cự, nàng nghiêm trang bước lên kiệu, không nói một lời nào, giữa sự ngạc nhiên bực tức của mọi người. Thấy bố mẹ đứng trước cổng, ngây ra nhìn nàng, nước mắt chảy ròng ròng, mặt hốc hác, mồm mếu máo, nàng chào lạy một lần cuối cùng, trước khi cánh cửa kiệu đóng lại.

Nàng cảm thấy như mình bị giam trong một cái cũi, một cái cũi sơn son thiếp vàng. Sau là ván bịt kín, trước mặt là cánh cửa người ta đã khóa lại, hai bên là chấn song tiện lối con toán.

Rèm kiệu đã rủ xuống hai bên, giam nàng trong một bóng tối âm thầm. Từ từ người ta khênh kiệu lên. Tiếng trống, tiếng chiêng nổi dậy, rồi bát âm bắt đầu tấu bài Ngũ đối.

Chợt bà Trương khóc lóc, nhảy xổ ra, bíu lấy đầu rồng kiệu mà vít xuống, khiến cho chiếc kiệu xiêu lệch hẳn về một bên. Các phu khó nhọc mới giữ được thăng bằng. Người ta phải dùng vũ lực mới đưa được người mẹ già khốn nạn vào trong nhà. Còn nghe thấy cụ gào khóc:

- Con ơi! Con có tội tình gì mà con phải chết độc, chết địa, con ơi!

Tiếng khóc ai oán còn rền rĩ mãi. Mọi người đều thấy lòng thắt lại vì thương tâm. Kiệu đã đi xa, trong dịp trầm bổng của đàn sáo và chiêng trống. Nhưng tiếng khóc thất thanh của bà mẹ già còn vẫn tống tiễn người con.

Trong kiệu âm thầm, cô Thứ âm thầm nức nở khóc; cô hết sức trấn tĩnh, mà không sao cầm được nước mắt. Cái cảnh bố mẹ già, nghèo hèn, không ai giúp đỡ hiện ra trước mắt nàng, rõ rệt vô cùng. Nàng hối hận đã không nghĩ cách mà trốn đi, đem bố mẹ đến một nơi nào rất xa, xa lắm, xa cái làng độc ác này, để được sống và hầu hạ hai người cho đến khi hai người khuất bóng. Nàng có biết đâu rằng có muốn thực hành cái ý tưởng ấy cũng không thể được. Nhà nàng từ mấy hôm nay bị tuần phiên vây kín, thì nàng trốn làm sao? Dần dần cái sợ xanh lè đến như dọa nạt nàng. Cái kiệu như nhắc lại những tấn thảm kịch hãi hùng của những bạn đã đi trước nàng. Cái hình ảnh vị thần mà người ta thường tả cho nàng ngày còn bé, với nét mặt hung ác, nanh to và sắc, thân thể lớn và đầy lông lá, cái hình ảnh ấy chợt sừng sững trước mặt nàng, làm cho nàng sợ chết lặng người đi. Nàng trố mắt, mặt nhợt, vồ bíu lấy cái chấn song kiệu tưởng như bíu lấy mẹ và rú lên một tiếng.

Hồi lâu, nàng định thần lại, thẹn vì đã sợ một cách nhu nhược. Nàng tự nhủ: "Làm gì có thần, ta đoán tất không sai. Ta phải giết chết con quái vật. Ta quyết không sợ". Lần trong mình, hai con dao còn nguyên, nàng thấy vững dạ. Người dần dần nóng lên, lòng can đảm lại trở về với người thiếu nữ.

Mặt nàng sáng lên vì quả quyết, như trời đang sầm sì bỗng trở nên rực rỡ. Lòng nàng kiêu ngạo; nàng thấy mình hơn cả mọi người ngu độn trong làng; và nàng thương hại những chị em đi trước.

Sau đám rước linh đình, sau buổi tế long trọng, người ta đã ấn một cách phũ phàng cô bé con ẻo lả vào trong hậu cung kiên cố. Cửa lim đã khóa trái lại. Chiều thu đã xuống, và chung quanh đền tịch mịch không còn một tiếng người; dân làng đã về cả, và các cụ cho là đã làm tròn bổn phận...

Trong hậu cung, tối mờ mờ. Mùi hôi hám xông lên như làm ngạt người con gái bị tù. Nàng bỗng thấy sợ, tưởng như lòng can đảm mà nàng vừa thu lại, phen này bị tan nát cả. Hai hàng lệ trào ra. Chợt linh tính nàng tỉnh dậy. Nàng tự nhủ:

- Đằng nào cũng chết. Thà chết mà giết được quân thù, còn hơn để nó giết mình.

Định thần nhìn bốn phía, nàng nhận thấy ở phía trong hậu cung có một cái bệ đá, ngay dưới bệ là một cái vòm đen. Nhận kỹ thì thực là miệng một cái hang sâu. Nàng sung sướng quá, mỉm miệng cười, vì sự dự đoán của nàng quả không sai. Nàng phải chống trọi với một con rắn, hay một con vật gì ở hang, chứ không phải với một vị hung thần. Màn bí mật đã dần dần mở. Hai con dao sắc nàng cầm lăm lăm trong tay. Nó như truyền vào người nàng một thứ sinh khí rất mạnh, và tăng thêm lòng can đảm và sức khỏe nàng.

Nàng đến ngồi trên chiếc bệ đá, giữ thế thủ. Bấy giờ nàng đã hoàn toàn tự chủ được mình. Tất cả tinh thần của nàng chỉ chuyên chú vào một việc: giết con quái vật để trừ hại cho dân.

Cô Thứ đợi đã lâu. Không động tĩnh gì. Trống làng đã điểm canh ba, nàng thấy lạnh. Chân nàng đã tê, và mắt nàng đã mỏi. Dần dần người con gái nhỏ vô tội ấy mệt quá; mắt nàng nhíu lại. Cố gượng không được, nàng thiếp đi.

Nàng đã ngủ say, không còn biết gì nữa, cô bé khốn nạn của chúng ta!

Đã quá nửa đêm. Bốn bề tịch mịch. Chợt từ dưới đáy hang ở hậu cung, có tiếng động. Lắng tai nghe, có tiếng thở phì phò. Có tiếng lách trong hang, và tiếng đất rơi lả tả. Một thứ hơi mạnh và hôi hám xông lên làm cho cô Thứ choàng tỉnh dậy. Nàng bàng hoàng, nhưng trong chớp mắt, nàng đã hiểu rằng nguy hiểm đã đến và nàng phải hết sức mà nhất là không có một phút nào sợ hãi cả.

Tiếng lách đã gần. Người thiếu nữ đã gọi về được hết can đảm; chí chiến đấu giữ mình làm cho sức khỏe nàng gấp đôi. Không sợ - vì sợ trước nguy hiểm là một cái hại - nàng sắp sẵn ngay thế công. Nàng ngồi vững trên bệ, đầu gối phải tì mạnh xuống đá, đầu gối trái gập lại, hai con dao lăm lăm trong hai tay. Con quái vật bò dưới đất mỗi lúc một rõ. Nó đã lên tới miệng hang. Trong hậu cung tối mò mò, nhưng định thần thiếu nữ cũng trông rõ một vết đen chui ra, hai mắt sáng long sòng sọc, dữ dội như thôi miên nàng. Chưa phải lúc hạ thủ. Nàng chờ, trống ngực đánh mạnh, và người lạnh buốt. Cả cái đầu con quái vật đã nhô hẳn ra, như đầu một con tắc kè, to như một cái mấm, sần sùi, tanh hôi. Hơi thở nó rất mạnh. Quen với bóng tối, cô Thứ trông rõ hai hàm răng nhe ra, trắng và sắc nhọn, tưởng như đớp một cái thì người nàng sẽ dập nát cả. Mắt nó đang tìm tòi, thì vụt một cái, giữa lúc cổ nó vừa ra khỏi miệng hang, một chiếc dao nhọn của cô bé can đảm đã đâm thẳng vào chỗ hiểm ấy. Con vật bị đánh bất thình lình kêu rít lên; nó định quay đầu lại để cắn kẻ thù nhưng không được vì con dao đã cắm ngập cổ nó, mà mình nó còn bị giam hãm trong hang nên nó thiếu đà. Nó đành cố sức nhoi lên, nhưng cô Thứ không để lỡ một phút nào, vì nếu để thân nó thoát ra khỏi hang thì cái thua tất về bên nàng. Nhanh như cắt, cô thuận tay trái, giáng thẳng con dao thứ hai vào giữa đầu con quái vật. Lần này con dao cũng cắm ngập đến chuôi. Vì nàng tự chủ được mình, và vì thế điều khiển được tay, nên hai lưỡi dao đâm trúng chỗ nàng nhằm, mà trúng rất mạnh. Nàng đã thấy chồn tay, nhưng vẫn còn đủ sức giữ ghì lấy hai con dao cứu mệnh. Tay nàng xát đến một thứ da sần sùi, ướt át, lạnh lẽo; nàng cố không ghê tởm. Mặt nàng, tay nàng đã be bét những máu. Con quái vật vẫn gầm gừ, vùng vẫy. Cô Thứ thất sắc, vì nàng thấy sức của kẻ thù đã không giảm đi một chút nào mà lại có ý như tăng lên. Đầu nó cựa mạnh khiến cho cô nao núng, như sức gió mạnh lay cây non. Nàng đã hơi thất vọng, sợ rằng đã đâm không trúng chỗ phạm. Mắt cô hoa lên, hơi thở nghẹn ngào. Nhưng cô vẫn không nản, cố giữ. Con quái vật thở hồng hộc, nó giẫy giụa, rống lên những tiếng đau đớn nhưng dữ dội. Đầu nó bị dúi xuống, răng nó nghiến vào nhau nghe rợn tóc gáy. Miệng hang đã lở ra nhiều chỗ, và cái bệ nhường như bị lung lay. Sức người con gái mười phần chỉ còn ba bốn, mồ hôi nàng toát ra như tắm. Hai tay nàng như gắn lại không sao mở ra được nữa; hai cánh tay nàng đã rã rề như lìa ra mất. Cô Thứ cảm thấy mình không điều khiển nổi hai con dao, mà đầu con quái vật đã lay được một cách dễ dàng. Sức nàng đã kiệt. Hai hàng lệ trào ra, lăn trên hai má đẫm máu của cô bé.

Gà gáy đã rục ở trong làng. Thiếu nữ thấy mênh mang nhớ tiếc cuộc đời. Con vật đã nhô được một phần mình ra, và đã thò được hai chân lên miệng hang. Người con gái yếu ớt, lại cố sức một lần cuối cùng, giữ chặt lấy hai con dao. Rồi nàng lả đi, như một chiếc hoa đã héo.

Con quái vật dùng tận lực để thoát ra khỏi sự kìm cặp của người thiếu nữ, nhưng đó chỉ là cái bùng lên của một ngọn đèn sắp tắt. Sức nó tan đi, đầu nó gục xuống, đôi mắt dại, ngắc ngoải một hồi lâu, rồi run run, rồi chết.

Cái tai vạ của làng Thần Quyết đã trừ. Ánh sáng ban ngày đã rọi vào hậu cung như để chiếu rõ cuộc thắng vẻ vang của người thiếu nữ anh hùng, và đồng thời, chim chóc chung quanh đều như ca tụng sự giải thoát của một làng mê muội.

Suốt đêm hôm ấy, hai vợ chồng cụ Trương Nghiêm khóc lóc, đi đi lại lại trước cửa đền, nóng ruột vô cùng. Hậu cung thì xa, ở đầu mỏm đất nhô ra hồ nên các cụ không đến gần được. Chung quanh đền, tường quây kín mít, và cửa đền thì khóa chặt. Cụ Trương ông đã bao nhiêu lần cố sức trèo vào mà không được.

Buổi sáng, hai cụ còn ngồi trước cửa đền nhìn nhau mà khóc.

Chợt có tiếng thét hỏi. Hai người già khốn nạn nhìn ra, thì thấy một đoàn lính tráng theo hầu một người sang trọng cưỡi ngựa đeo gươm đã tiến đến gần. Hai cụ sợ quá, tưởng như thần hiện lên để bắt mình vì đã phạm đến uy quyền ngài. Vợ chồng định chạy, thì một người lính giữ lại; hai người khóc thét lên:

- Tấu lạy linh thần.

Một người lính quát:

- Đây là quan đi tuần. Sao hai người lại ngồi đây mà khóc?

Người sang trọng, như đoán có một uẩn khúc gì, vội xuống ngựa, tiến lại gần hai người già ôn tồn nói:

- Ta là quan huyện vùng này. Thấy hai cụ đã già, ngồi đây mà khóc ta đoán có một sự gì oan khổ. Có việc gì hai cụ cứ nói, ta minh xét cho.

- Tấu lạy linh thần!

- Ta là quan huyện, không phải linh thần nào cả.

Hai cụ vẫn nửa tin nửa ngờ. Quan huyện an ủi, vồn vã hỏi. Hai người trù trừ không dám nói, vì lệ trong làng cấm ngặt việc ấy. Những kẻ nói ra sẽ bị coi là kẻ thù của cả làng, và sẽ bị tống vào hậu cung cho thần ăn thịt.

Nhưng quan huyện dỗ dành khéo, vả lòng đang uất ức, lại cũng không tin là có thần nữa, nên hai cụ, sau một hồi do dự, bèn thổ lộ hết khúc nhôi, không còn giấu giếm một điều gì.

Quan huyện nghe hết câu chuyện, kinh ngạc vô cùng. Ngài nói:

- Ta đến nhậm đây hơn hai năm, mà cái ác tục này ta không biết, lỗi ấy tại ta cả.

Quay lại ngài bảo lính:

- Việc cấp bách, một đứa chúng bay chạy mau vào trong làng gọi các kỳ mục ra đây. Nhớ bảo họ đem thìa khóa ra, mở cửa cho ta vào trong đền. Đi mau, nghe.

Các kỳ mục được tin quan đòi sợ hãi thất sắc. Người nào người ấy khăn áo chỉnh tề vội vã chạy ra. Thấy vợ chồng cụ Trương Nghiêm cũng có đấy, họ đã hiểu được bảy, tám phần câu chuyện. Họ đều nhìn hai cụ một cách giận dữ. Dân làng cũng kéo ra rất đông.

Quan nói, hách dịch:

- Mở cửa mau cho ta vào hậu cung.

Người ta răm rắp theo lệnh. Quan huyện cầm kiếm đi trước, lính và tuần phiên đều cầm giáo mác theo hầu. Qua ba lần cửa khóa, người ta đã vào đến hậu cung. Các bô lão, kỳ mục sợ sệt đi vào, vừa đi vừa lầm rầm khấn. Cụ Trương ông và cụ Trương bà cũng theo sau.

Cánh cửa lim đã mở. Những người làng Thần Quyết đều một loạt quỳ xuống, không dám trông lên.

Quan huyện vén chiếc màn điều ở trước cửa hậu cung, và tiến vào với bọn lính. Hồi lâu, ông quay ra, trông mặt cảm động còn đầy vẻ giận dữ. Mọi người cúi đầu không dám nhìn lên; quan huyện quát:

- Các thầy ra ngu muội thực! Hãy vào đây mà trông!

Bọn chức dịch sợ hãi len lét đến gần cửa sẽ nghiêng đầu liếc mắt nhìn vào. Trong hậu cung, cô Thứ, mặc bộ lễ phục đỏ, vẫn ngồi quỳ trên chiếc bệ đá, đầu ngả về bên trái, hai tay vẫn nắm chặt lấy hai con dao cắm đến hết lưỡi trên cổ và đầu một con cá sấu khổng lồ nhe hai hàm răng to và nhọn, nằm giữa một vũng máu.

Bọn lính đến đỡ cô Thứ dậy ẵm lên. Mới mang ra đến cửa cung, vợ chồng cụ Trương Nghiêm đã rẽ mọi người nhảy bổ đến, ôm lấy con gái. Ai cũng tưởng chỉ còn là cái xác, nhưng một người lính lên tiếng:

- May ra còn cứu được vì người còn nóng. Có lẽ cô ta chỉ ngất đi vì sức đuối và sợ thôi.

Trong lúc vài người chạy đi lấy dầu, rượu, củi, một bọn xúm quây lấy vợ chồng ông già và cô con gái nhỏ thì tuần đinh kéo con cá sấu ra. Mình nó dài hơn một trượng. Nhìn con vật không làm hại được nữa, người ta vẫn còn không giấu nổi vẻ sợ sệt, hãi hùng.

Mọi người còn đương cố chen nhau để được xem con quái vật thì bỗng có tiếng reo mừng ở góc sân đền. Tiếng người truyền đi:

- Phúc quá, cô Thứ đã tỉnh!

Ông huyện rẽ đám đông đi lại. Ông cảm động nhìn cô bé mặc áo đỏ, mặt xanh nhợt ẻo lả nằm trong lòng bà mẹ, mở đôi mắt ngơ ngác.

Câu chuyện người con gái anh hùng bay đi khắp các vùng lân cận. Dân sự lũ lượt kéo nhau đến làng Thần Quyết để hỏi thăm và xem mặt cô Thứ. Làng sợ sự tấp nập có hại cho sức khỏe của cô bé còn đương mệt nặng nên sai tuần tráng đứng gác ở ngoài cổng nhà. Tuy vậy quanh túp lều tranh của cụ Trương lúc nào cũng có hàng trăm người đứng túm lại thành nhiều bọn để hỏi thăm tin tức và bàn tán.

Mấy hôm sau, dân làng làm cỗ linh đình đem đến nhà cụ Trương Nghiêm. Lần này không phải là lễ mua cô Thứ để đem dâng cho vị thần hung tợn như bận trước nhưng là một tiệc mừng cô bé gan dạ đã trừ cho làng cái ách muôn đời.

N.H.T (In trong tủ sách Hoa Xuân của Đoàn Hướng đạo Việt Nam, 1940)

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhà văn đọc sách  

Mai Văn Phấn “giấu mặt” trong “hoa”

VanVN.Net - Từ xưa đến nay, bài thơ viết ngắn nhất là bài thơ chỉ có một câu. Kỷ lục vẫn thuộc về R. Tagore (nhà thơ ấn Độ, người đã đoạt giải Nô-ben văn chương cách nay trên 30 năm). ...