Sen nở như không biết người âu sầu/ Hay sen cũng âu sầu mà người không biết/ Cùng sắc trắng trong, cùng đượm hương từ ngàn đời/ Chỉ khác em lên tiếng mà ta lặng im. (Liên bút từ sen - Nguyễn Lương Ngọc)
Gửi thư    Bản in

Nguyễn Huy Tưởng và nguyên mẫu các nhân vật lịch sử

Nguyễn Huy Thắng - 07-05-2012 02:55:39 PM

VanVN.Net - Mỗi nhà văn đều có một thế giới nhân vật riêng, với thói quen khai thác nhân vật theo một cách riêng. Theo đó, nhân vật có thể là thật hoặc hư cấu, nhưng thường đều dựa trên những nguyên mẫu nhất định, hay mang dấu ấn sự trải nghiệm của chính tác giả.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng chuyên khai thác đề tài lịch sử, nhân vật của ông trước hết là những nhân vật lịch sử, những con người được biết là đã tồn tại bằng xương bằng thịt, nhưng cũng có cả những nhân vật hoàn toàn do tác giả hư cấu nên, để phục vụ cho chủ đề của tác phẩm. Nhưng ngay cả các nhân vật “có thật” thì cũng có rất ít sở cứ để tác giả dựa vào, vì việc chép sử ở ta thường là khá sơ sài, ít khi đi vào chi tiết về ngoại hình, hành tung hay tính cách của nhân vật lịch sử. Ví dụ về nhân vật An Tư, sử Việt chỉ chép đúng một câu: “Khiển nhân tống An Tư công chúa, vu Thoát Hoan, dục thư quốc nan dã” (Sai người đưa công chúa An Tư đến cho Thoát Hoan để giảm nạn nước). Tất cả chỉ có 15 chữ. Nhưng từ 15 chữ ấy, Nguyễn Huy Tưởng đã dựng nên tiểu thuyết An Tư dài hai trăm trang, với nhân vật nàng công chúa An Tư xuyên suốt từ trang đầu đến trang cuối, và không phải là không “chân thực”. Đây chỉ là một ví dụ để đi đến một câu hỏi hi vọng sẽ làm phong phú thêm cho việc tìm hiểu về Nguyễn Huy Tưởng: Ông đã dựa vào những nguyên mẫu như thế nào để xây dựng các nhân vật của mình – các nhân vật lịch sử và kháng chiến, thuộc thời xa xưa và thời đại ngày nay, các nhân vật của tiểu thuyết, của kịch, và cả của điện ảnh…?

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Xin được bắt đầu với nhân vật An Tư đang được nói đến ở trên. Viết về công chúa An Tư, em gái Thượng hoàng Trần Thánh Tông, cô ruột của vua Trần Nhân Tông, người bị đem cống cho Thoát Hoan để đổi lấy năm vạn quân Trần bị giặc bắt trong cuộc chống Nguyên Mông lần thứ hai, đương nhiên Nguyễn Huy Tưởng phải huy động những hiểu biết của mình về triều đại nhà Trần nói chung và cuộc kháng chiến thứ hai này nói riêng. Trên cơ sở đó ông sẽ đặt nhân vật vào bối cảnh lịch sử sao cho phù hợp, để làm nổi bật đức hy sinh của nàng công chúa trong chiến công chung của quân dân nhà Trần. Tuy nhiên, là nhân vật chính của tiểu thuyết, nàng rất cần được đặc tả cả về nội tâm và ngoại hình, nhất là khi nàng được giao thực hiện một sứ mệnh lớn lao nhưng cũng thật ê chề nhục nhã: trao thân xác cho tướng giặc, hay nói theo ngôn ngữ ngày nay, làm nô lệ tình dục cho kẻ thù. Đặc biệt, nàng phải rất đẹp, một cái đẹp cụ thể, sống động, thì mới được đem làm vật đổi và mới được Thoát Hoan chấp nhận. Có thể, ban đầu sắc đẹp ấy chỉ là để thỏa mãn lòng ngạo mạn của y, kẻ chiến thắng được làm chủ nàng An Tư “đẹp nhất trời Nam”; nhưng dần dần, theo sự phát triển của tiểu thuyết, sắc đẹp ấy sẽ khiến cho tướng giặc si mê đến độ sao nhãng cả việc quân, kết cục phải chuốc thất bại trước quân dân Đại Việt. Tuy nhiên, do lịch sử không nói nàng đẹp như thế nào hoặc không giống như thế nào, nên nhà tiểu thuyết sẽ phải viện đến khả năng tưởng tượng của mình để “tạc” nên vẻ đẹp cho nhân vật, miễn sao có sức thuyết phục, gây được hiệu quả thẩm mỹ và tác động tâm lý đến người đọc.

Và đây là cách Nguyễn Huy Tưởng đã làm, theo cách của một hoạ sĩ: ông chọn một người đẹp có thực để làm người mẫu cho nhân vật của mình. Nhà văn Như Phong, trong bài Vài kỷ niệm về Nguyễn Huy Tưởng cho biết, thời gian Nguyễn Huy Tưởng viết An Tư (1943) cũng là lúc Nhà hát Lớn đương diễn vở kịch Kim tiền của Vi Huyền Đắc. Trong vở có một vai do K.D., một cô gái nổi tiếng đẹp của Hà Nội thời ấy đóng. Nguyễn Huy Tưởng đã cố chạy vạy cho được một tấm vé vào xem, để mượn cô làm người mẫu miêu tả sắc đẹp của nàng công chúa!... Trên cơ sở ấy, ông đã có những trang đặc tả con người nàng khá chi tiết và sống động, từ bàn tay, mái tóc đến cả cơ thể nàng lộ ra trong một lúc tắm đêm, khiến ta liên tưởng đến “một tòa thiên nhiên” như trong thơ của cụ Nguyễn Tiên Điền… Kể lại câu chuyện nàng K.D., nhà văn Như Phong hẳn đã phải ấn tượng thế nào mới đi đến nhận xét: “Khi sáng tác, anh [Tưởng] vẫn bỏ công phu như vậy vào các công việc tìm tòi về nghệ thuật”.

Một trường hợp khác. Chúng ta biết rằng Vũ Như Tô là một nhân vật có thật, nhưng thực tế đã được Nguyễn Huy Tưởng phóng đại từ một người thợ làng tài ba, giỏi về tiểu xảo, thành một nhà kiến trúc thiên tài, mang một khát vọng lớn lao là xây một công trình tráng quan, điểm xuyết cho đất nước. Con người ấy, một khi đã tâm niệm điều gì, thì nhất quyết theo đuổi cho bằng được, dù là phải hy sinh bản thân mình cho nghệ thuật. Nói theo nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư, Vũ Như Tô là “một con người quá khổ”, và ta “muốn nhận biết nó thì phải đo nó bằng cái thước của nó, chứ không phải của ta”.

Bìa cuốn sách "Nguyễn Huy Tưởng với người thân" của ông Nguyễn Huy Thắng (con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng) vừa được xuất bản vào tháng 3 năm 2012 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Vậy phải chăng, một nhân vật như thế hoàn toàn là do tưởng tượng của Nguyễn Huy Tưởng, hay dẫu sao cũng có phần thuộc về một nguyên mẫu nào đó mà tác giả đã mượn để làm chất liệu sống cho nhân vật của mình. Theo khảo sát của chúng tôi, Vũ Như Tô chính là “hồi quang” của một người thợ làng mà Nguyễn Huy Tưởng từng nói đến trong tự truyện Cái đời tôi, viết năm 18 tuổi – những trang viết sớm nhất của ông còn giữ được. Trong đó, tác giả có kể câu chuyện thân phụ cho làm một cái chòi gỗ để hóng gió và cũng để trẻ mỏ trong nhà có chỗ chơi. Người được gia đình vời về làm cái chòi ấy – mà dưới con mắt trẻ thơ của tác giả phải là người đặc biệt lắm – là chú phó Cõi, một người thợ mộc “trứ danh” trong vùng, có biệt tài sửa chữa khung cửi. Khung cửi nào cần chữa, chú chỉ cần xem qua loa, rồi cầm cái dùi đục gõ một cái, “thế là khung cửi lại có thể dệt như thường mà có khi lại dễ hơn nữa”. Tài ấy ở người thợ làng, khi được phóng đại, phải chăng sẽ biến thành những nét tài hoa của nhà kiến trúc Vũ Như Tô trong vở kịch cùng tên, được tác giả viết hơn một chục năm sau đó: “Chỉ một vẩy bút là chim hoa đã hiện trên mảnh lụa, thần tình biến hóa như cảnh hóa công”, “sai khiến gạch đá như ông tướng cầm quân, có thể xây những lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ”…

Tài thường đi với tật. Dưới con mắt của tác giả, chú phó Cõi là một người đại gàn, lại thêm tật rượu chè, bài bạc, khi đã ngồi vào chiếu thì “chẳng còn thiết gì đến sự đời nữa”. Nhưng mặt khác, chú lại rất mê việc. “Giao cho chú làm việc gì, thì chú cắm đầu cắm cổ mà làm, không nghỉ một lúc nào, có khi mê mà quên cả ăn uống”. Đối chiếu với Vũ Như Tô, ta có thể thấy không ít những điều tương tự trong tính cách nhân vật: “Sao bác lại gàn thế?” – “Có chú gàn” là những lời thoại giữa Vũ Như Tô và một bạn thợ ở một lớp kịch. Còn: “ông quá say sưa về công việc, suốt ngày lao lực, xem xét, tính toán, đêm khuya còn thao thức bên ngọn đèn…” là lời Đan Thiềm khuyên Vũ Như Tô phải giữ gìn sức khỏe và làm việc có điều độ ở những trang tiếp theo, khi thấy họ Vũ quá lao tâm khổ tứ về việc xây Cửu trùng đài. Rõ ràng, tuy cấp độ có khác nhau giữa chú phó Cõi thợ làng và Vũ Như Tô, nhà kiến trúc cung đình trong tiến trình sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng, nhưng về tính cách thì hai người quả là có nhiều nét tương đồng. Nhân đây cũng xin được nói thêm. Nguyễn Huy Tưởng không chỉ gán cho Vũ Như Tô nhiều “chất liệu” từ nguyên mẫu phó Cõi ở quê ông, mà ông còn lấy chính tên chú đặt cho nhân vật phó mộc, người bạn nghề thân thiết, người trợ thủ đắc lực của bác cả Vũ Như Tô trong vở kịch tâm huyết của mình. Và nếu như trong tự truyện Cái đời tôi, phó Cõi chỉ là những nét phác họa sơ khởi của một người viết mới vào nghề, thì ở Vũ Như Tô, bác ta đã được nâng lên thành một nhân vật kịch có nhiều tính biểu tượng: phó Cõi nghiện rượu, thích mần tuồng, nhưng là một người thợ yêu nghề, một người bạn trung hậu, có thể nói là người duy nhất không “nhị tâm” trong đám bạn thợ của Vũ Như Tô.

*

Sẽ là thú vị nếu chúng ta biết được về nguyên mẫu một nhân vật khác của kịch Vũ Như Tô – nàng cung nữ Đan Thiềm có cặp mắt thâm quầng “thức khi người ngủ, khóc khi người cười, thương khi người ghét”, người đã khuyên Vũ Như Tô “xây lấy một tòa đài cao cả” để làm cho “đất Thăng Long thành nơi kinh kỳ lộng lẫy nhất trần gian”… Đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất ở một điểm: Đan Thiềm, chứ không phải Vũ Như Tô, mới chính là nhân vật trung tâm của vở kịch. Theo tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Văn Tùng, tác giả một trong những bài viết gần đây nhất về trước tác này của Nguyễn Huy Tưởng, thì “Đam Thiềm chính là nhân vật quy tụ mọi xung đột của tác phẩm. Không có Đan Thiềm sẽ không có Vũ Như Tô, không có chuyện xây Cửu trùng đài… Đây chính là một chìa khóa để người đọc đi vào vấn đề trung tâm, tư tưởng nghệ thuất cốt lõi của tác phẩm” (Góp phần định hướng tiếp nhận kịch “Vũ Như Tô” trong nhà trường, tạp chí Văn học và tuổi trẻ, tháng 11-2010). Vấn đề là, vậy Đan Thiềm có thể là ai trong lịch sử (hoặc dã sử), Nguyễn Huy Tưởng đã dựa vào chất liệu nào hay lấy cảm hứng từ đâu để xây dựng nhân vật này, liệu đã từng có một nguyên mẫu trong đời để tác giả nhào nặn nên nàng cung nữ của mình, hay nàng chỉ là một sản phẩm “thuần tuý” tưởng tượng của ông, một kiểu “Nàng Thơ” trong mộng mà ông từng ước ao cho đời văn sĩ của mình…? Xin thú thực, đấy mới chỉ là những câu hỏi tôi tự đặt ra trong quá trình tìm hiểu về cha mình mà chưa có trả lời, nhưng cũng xin được nêu ra đây như một sự chia sẻ, ngõ hầu gây được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và bạn đọc trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Huy Tưởng, người mà tôi tin chắc rằng đang còn để lại những di sản văn chương đáng được quan tâm, khai thác…

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhà văn đọc sách  

Mai Văn Phấn “giấu mặt” trong “hoa”

VanVN.Net - Từ xưa đến nay, bài thơ viết ngắn nhất là bài thơ chỉ có một câu. Kỷ lục vẫn thuộc về R. Tagore (nhà thơ ấn Độ, người đã đoạt giải Nô-ben văn chương cách nay trên 30 năm). ...