Sen nở như không biết người âu sầu/ Hay sen cũng âu sầu mà người không biết/ Cùng sắc trắng trong, cùng đượm hương từ ngàn đời/ Chỉ khác em lên tiếng mà ta lặng im. (Liên bút từ sen - Nguyễn Lương Ngọc)
Gửi thư    Bản in

Bút ký: “Mùa hoa thủy tiên vàng”

Lê Thị Bích Hồng - 06-05-2012 12:11:29 PM

VanVN.Net - Sau gần 20 tiếng bay từ Nội Bài, transit ở DoHa - thủ đô của Qatar (nằm ở Bán đảo Ả Rập), máy bay mang số hiệu QR 615 của Hãng Hàng không QATAR đã đưa chúng tôi đến Vương Quốc Anh vào giữa những ngày tháng 3 vừa qua, trước thềm chuẩn bị Olimpic Lon Don, để tham gia khóa nghiên cứu, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo về “Quản lý văn hóa và bảo tồn di sản” tại Trường Đại học Oxford Brookes.

Đón chúng tôi ở sân bay Heathrow (Lon Don) là Anna Maria Kotarva xinh đẹp, người Ba Lan theo chồng về Anh quốc. Anh Phan Đăng Long (Phó ban Ban Tuyên Hà Nội) là người may mắn được bắt tay “siêu mẫu” ấy đầu tiên và “hơi bị choáng” trước chiều cao lý tưởng (khoảng gần 1m90) của Anna. Cùng đi với cô là Tiến sĩ Mike - chồng cô và Ash Parton, đều là giảng viên của trường. Xe đưa chúng tôi về khu ký túc xá Trường Đại học Oxford Brookes – một trong 38 trường đại học nổi tiếng của thành phố Oxford, một địa chỉ khá ấn tượng nằm trong “top” đầu của hệ thống giáo dục đại học của Anh quốc.

Trước khi đến “xứ sở sương mù”, ấn tượng về mùa Đông châu Âu lạnh -50C đã khiến những “quân tử phòng thân”, chỉ riêng lượng đồ chống rét đã gần vượt số hàng tiêu chuẩn (>20 kg). Đặt chân xuống sân bay, tôi ngạc nhiên vì thời tiết khá đẹp, không lạnh như vẫn tưởng. Quên mệt mỏi sau hành trình từ Đông sang Tây, tôi thực sự ngỡ ngàng trước bức tranh thiên nhiên sau mùa Đông tan băng. Tôi mê mải ngắm lớp sương mù bao phủ trên những cây cổ thụ xơ xác, trút lá, trơ cành đang nhú dần những mầm non. Tôi dán mắt vào những thảm cỏ xanh non mỡ màng trải dài trên dọc quốc lộ xen giữa những hàng sồi và từng đàn cừu, đàn bò thung thăng gặm cỏ. Tôi tròn mắt khi thấy những loài cây nhằng nhịt bám trên tường như dây trầu không vấn vít cũng đang nảy lá non. Nhưng ấn tượng nhất với tôi là hoa. Ở đâu cũng thấy hoa. Trên cây, hoa nở bung muôn sắc màu, có khi trắng xóa như tuyết, lại khi trắng hồng lung linh, rồi lại vàng tươi rắc từng bông li ti dệt thành tấm thảm bông. Từng giỏ hoa xinh xinh treo trước hiên nhà đu đưa cùng tiếng chuông gió. Dưới mặt đất là những thảm hoa muôn hình vạn trạng sắc màu. Hai bên đường, trước hiên nhà, những luống hoa hồng, tulip, violet, cánh bướm… xen lẫn với hoa dại tạo thành một bức tranh đủ màu sắc thơ mộng. Ngoài những loài hoa như đã thấy ở Đà Lạt, còn nhiều loài hoa khác tôi vẫn chưa biết tên. Trong các loài hoa ấy, tôi đặc biệt ấn tượng với loại hoa thân mềm màu vàng rực rỡ, giống hoa thủy tiên ở Việt Nam. Tên tiếng Anh của hoa là Daffodille (thủy tiên), “biến tấu màu” theo thời gian lúc thì trắng, khi vàng nhạt, nhưng chủ đạo vẫn là sắc vàng rực rỡ. Những bông thủy tiên vàng kiêu sa, tôi gặp trên khắp nẻo đường, trong vườn trường, trước cửa nhà, viền trong những tòa lâu đài cổ, trong siêu thị, ngoài cửa hàng hoa, trên đầu xe… Tôi đã lia máy ảnh chụp bó hoa Daffodille trong các shop ở Lon Don, Mancherter, Oxford có giá thống nhất: £ 2.99 (khoảng 100.000đ Việt Nam).

Nước Anh là một quốc gia đa văn hóa có nguồn gốc chủng tộc, tôn giáo và văn hóa khác nhau. Trong nhiều thế kỷ, nhiều cộng đồng đã đến định cư và để lại những di sản văn hóa đậm đặc tại vùng đất này. Trong hàng trăm năm, các chủng tộc và nền văn hóa khác nhau đã có ảnh hưởng lớn tới Anh và đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo dựng nên xã hội mà người Anh đang sinh sống hôm nay. Nước Anh nổi tiếng với các công trình kiến trúc cổ, các làng mạc yên bình, các thị trấn sống động, các điểm du lịch thiên nhiên hấp dẫn. Bức tranh thiên nhiên hùng vĩ của Anh được tạo nên bởi sự đa dạng của cảnh sắc biển, núi non, sông hồ, thung lũng...

Với mô hình: Giá trị + Đe dọa = Bảo tồn, Anh đã đúc rút những kinh nghiệm quý báu trong chính sách bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Khái niệm tính nguyên bản giữa câu Âu và châu Á có nhiều điểm khác biệt. Di sản văn hóa của các triều đại ở châu Âu nói chung và Vương quốc Anh nói riêng thường được giữ nguyên trạng, nhưng ở châu Á lại khác, các triều đại mới thường phá bỏ di sản của triều đại cũ theo phương châm “Tống cựu nghênh tân”. Nước Anh có bề dày kinh nghiệm bảo tồn các loại di sản, đặc biệt là di sản văn hóa lịch sử.

Cách quản lý di sản được phân cấp rõ ràng, phát huy được vai trò của Trung ương - địa phương, nhà nước và các tổ chức phi chính phủ. Nhà nước đóng vai trò hoạch định chính sách. Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và phát triển văn hóa. Nhà nước quản lý các khoản trợ cấp của chính phủ đối với các Hội đồng di sản, bảo tàng quốc gia, Hội đồng Nghệ thuật, Thư viện, di sản... Ngoài ra, Bộ cũng quản lý ngành phim và âm nhạc, phát thanh - truyền hình và báo chí, xổ số quốc gia, đánh bạc, cấp phép xuất khẩu các sản phẩm văn hóa… Cơ quan quản lý nhà nước thành lập các hội đồng vùng và sẽ chuyển giao trách nhiệm của chính phủ Trung ương cho các cơ quan; giao cho các địa phương – nơi sở hữu di sản đó quản lý (trường hợp thành phố Bath, Oxford...); giao cho gia đình quản lý di sản văn hóa của thế giới tại Anh (Lâu đài Blenheim). Có 400 tổ chức phi chính phủ ở lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, khảo cổ… hoạt động khá sôi động, đồng hành cùng Nhà nước. Với cách quản lý đó, Chính phủ đã huy động sự tham gia của các địa phương, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng nhân dân.

Là đất nước của di sản, Anh quốc có chính sách hiệu quả gắn kết di sản với du lịch. Hàng năm, hàng trăm nghìn khách từ khắp nơi trên thế giới đến nước Anh. Cách quản lý di sản là bảo tồn để phát triển, vừa theo quy chế chặt chẽ, nghiêm ngặt, nhưng đồng thời lại theo hướng mở. Trong việc gắn kết du lịch với di sản, nước Anh đã đạt đến tính chuyên nghiệp, hài hòa không quá chạy theo du lịch để phá bỏ di sản, nhưng cũng không quá “giữ khư khư” để di sản biến thành “thứ đồ cổ” xa lạ với con người. Phương châm di sản sống với cuộc sống hiện tại; bảo tồn để phát triển bền vững, nên nước Anh đã có chính sách, kế hoạch đầu tư những điểm du lịch bao quanh di sản, hoặc vùng để đón du khách theo lối phân tán, chia nhỏ không quá tập trung số lượng quá lớn tạo ra áp lực đối với cán bộ làm công tác bảo vệ di sản và người dân địa phương.

Di sản thế giới Stonehenge, Avebury và Associated nằm trong số hàng trăm công trình bằng đá mà người Anh kế thừa từ thời tiền sử đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1986. Bãi đá cổ Stonehenge là nhóm tượng đài bằng đá hùng vĩ nổi tiếng nhất thế giới, với những khối đá có kích thước khổng lồ (nặng 45 tấn) mang hình dạng bí hiểm trông như những chiếc nanh lớn, hoặc như chiếc đàn đá. Các cụm di tích Stonehenge và Avebury là nơi thực hành tang lễ và nghi lễ ở Anh thời đại đồ đá mới và thời kỳ đồ đồng. Stonehenge luôn là điều bí ẩn chưa được giải mã về cách thức vận chuyển những khối đá cách xa hơn 20 km để dựng lên một kiệt tác của nhân loại, trở thành một trong những biểu tượng nổi tiếng của nước Anh, mặc dù các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu suốt hơn 8 thế kỷ nay. Vòng tròn đá Stonehenge được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Du khách đi xung quanh chụp ảnh, quay phim thỏa thích, nhưng tuyệt nhiên không được “chạm tới hiện vật”. Nhưng ở “quốc lộ đá” ở Avebury thì lại mở cho du khách đi lại tự do, cho nông dân chăn thả gia súc. Tiến sĩ Peter Walton – giảng viên Đại học Oxford Brookes chỉ đồng cỏ mênh mông trước mặt giải thích: “Nếu không để nhân dân cùng tham gia chăn thả cừu, không để gia súc ăn những thứ cây ngoài cỏ, thì ở đây sẽ nhanh chóng biến thành những cánh rừng lớn, rậm rạp, chứ không thể trở thành những đồng cỏ cho du khách đến thăm như thế này”.

Xe dừng lại Silbury Hill. Anna Maria Kotarva - chỉ lên con đường cũ trên gò “Đây là gò đất cao nhất thời tiền sử ở châu Âu do con người sáng tạo nên. Trước đây, du khách được lên gò, nhưng khi thấy di tích có nguy cơ bị phá, Hội đồng di sản Anh đã yêu cầu địa phương phải bảo vệ khẩn cấp. Nhà nước đề xuất nắn con đường chạy qua xa khu gò để có thể bảo tồn nguyên trạng di sản”. Những làng cổ trong vùng Avebury được bảo tồn trong dân, trở thành điểm du lịch thân thiện. Hệ thống dịch vụ quà lưu niệm phát triển mạnh, nâng cao mức sống của nhân dân khi đến thăm khu di sản. Vai trò xã hội, vai trò của nhân dân được chú trọng với tinh thần trách nhiệm cao trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa.

Trong chương trình thực địa, chúng tôi đến thăm Lâu đài Blenheim - một trong những dinh thự đẹp nhất nước Anh, tọa lạc trên một ngọn đồi ở Woodstoxk cách thành phố Oxfordshire 8 dặm Anh.  Đây là công trình mang tính lịch sử, là món quà của Hoàng hậu Anne tặng cho Công tước Marlborough sau chiến thắng quân Pháp năm 1704 tại Blenheim. Lâu đài đã hơn 300 năm tuổi, nằm trong vườn quốc gia rộng lớn hơn 200 mẫu với khung cảnh lãng mạn hài hòa của vườn cây, vườn hoa, đồng cỏ, cánh rừng, hồ nước… tạo nên một khối kiến trúc quý tộc độc đáo và hoàn mĩ ở thế kỷ XVIII theo trường phái “nghệ thuật cung điện gắn kết với tự nhiên” của Pháp. Tất cả các tác phẩm điêu khắc và vật trang trí nội thất trong lâu đài Blenheim đều rất tinh xảo. Trong mỗi phòng đều có treo tranh sơn dầu, tranh thảm, trần nhà được trang trí bằng nhiều bộ sưu tập gốm sứ, được khảm vàng bạc... Trong lâu đài còn có căn phòng của Winston Churchill - Thủ tướng Anh thời chiến tranh thế giới thứ II đã sinh ra và lớn lên ở đó. Lâu đài còn là bảo tàng nghệ thuật của châu Âu và là bảo tàng lịch sử của nước Anh, do kiến trúc sư John Vanbrugh thiết kế và được công nhận là Di sản thế giới vào năm 1987. Hiện nay, hậu duệ của công tước, gia tộc Churchill vẫn đang sống trong lâu đài Blenheim và đón du khách đến thăm.

Chúng tôi ngỡ ngàng khi đặt chân tới thành phố Bath Spa thanh lịch với đậm đặc những di tích cổ mang đậm phong cách kiến trúc La Mã. Người phụ trách Bảo tàng Roman Baths (bể tắm La Mã) cho biết: Sau khi thôn tính nước Anh vào những năm đầu tiên sau Công nguyên, người La Mã đã xây dựng thành phố này thành một khu nghỉ dưỡng kết hợp spa cho quân lính. Thiên nhiên đã ban tặng cho Bath những suối nước nóng dồi dào. Năm 1987, Bath được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Hằng năm, thành phố tổ chức sự kiện World Heritage Day (Ngày di sản thế giới) với nhiều lễ hội hấp dẫn, trong đó tái hiện doanh trại, cảnh diễu binh và đánh trận của quân lính La Mã, khung cảnh chuẩn bị các bữa ăn cho quý tộc thời vua George thế kỷ XVIII, XIX… Người phụ trách Bảo tàng đưa chúng tôi lên sân thượng. Ông rẽ qua nơi cung cấp điện thoại cầm tay hướng dẫn cho du khách với 8 thứ tiếng (không có tiếng Việt), ¾ khách sử dụng tiếng Anh. Du khách khá đông vây quanh những pho tượng bằng đá của hoàng đế và tướng lĩnh La Mã.

Tôi, anh Trị và chị Hạnh phá đoàn, kéo theo anh phiên dịch lẻn xuống tầng dưới. Anh Thanh chỉ cho 3 anh em tôi những di tích ngàn năm tuổi như chiếc đầu nữ thần Silus Minerva bằng đồng, dụng cụ sinh hoạt của người xưa, chiếc hồ cầu nguyện có hơn 12.000 đồng tiền La Mã linh thiêng… Độc đáo nhất vẫn là hồ nước nóng, nơi spa và những video clip diễn lại cảnh spa của lính La Mã ngày xưa. Hiện Roman Baths không dùng để tắm vì hồ đã bị nhiễm hóa chất. Anh Trị đùa “Nếu như muốn tắm, spa thì đến đâu?”. Anh Thanh dịch ngay từ bảng hướng dẫn “Đến Thermae Bath Spa với hơn 50 gói dịch vụ trị liệu, làm đẹp với giá từ 65 – 175 £ thôi”. Tôi vội nhẩm tính, quy ngay thành tiền Việt “Dịch vụ cao nhất cỡ khoảng 5.800.000 đồng thôi…”. Đi qua bể tắm, thấy có một người mang trang phục lính La Mã cổ đại đang ngồi ăn bánh mỳ, 3 anh em chúng tôi thi nhau đến cùng chụp ảnh. Anh “lính La Mã” phải bỏ dở miếng bánh mỳ.

Ra khỏi Bảo tàng, tôi và chị Hạnh mải chụp ảnh, xem các nghệ sĩ đường phố biểu diễn các tiết mục nghệ thuật, như: đi dây trên không, chơi vĩ cầm, đánh trống Hang, đi xe đạp tung hứng đuốc, song tấu đàn dây, nghe những bài hát cổ điển của một nữ nghệ sĩ opera…và xuýt nữa bị lạc Đoàn.

Sau buổi học khá căng thẳng (chỉ có 1 tiếng dành cho ăn trưa), chiều chiều, chúng tôi rủ nhau dạo trên “thành phố đại học” Oxford. Oxford thân thiện không rộng lớn và nhộn nhịp như London, chỉ trong vài buổi đi bộ, chúng tôi đã có thể tham quan những điểm nổi tiếng của Oxford và thỏa sức chiêm ngưỡng những tòa nhà lâu đài được xây dựng từ thế kỷ XI như University Church of St.Mary the Virgin, bảo tàng Oxford, thư viện Bodleian, quảng trường Radcliffe Camera, trường Christ Church, trường Magdalen... Trước khi đi, con trai tôi dặn mẹ “Ở Oxford có Trường Christ Church do vua Henry VIII sáng lập, là một trong những trường “top” của ĐH Oxford và cũng chính là nơi quay bộ phim Harry Potter nổi tiếng. Khu Tom Quadrangle của trường là cảnh thi đấu quitdich, mẹ cố gắng đến đó nhé”. Nghe lời con trai dặn dò, trong buổi chiều tham quan Oxford, tôi đã tranh thủ đến đó ngắm nơi quay phim, chụp ảnh. Được biết Oxford còn là thành phố của công nghiệp xe hơi, với hãng xe Morris từ thế kỷ XX, nhưng tôi lại rất ấn tượng với những chiếc xe đạp dựng ở những bờ tường, đầu đường phố. Chúng tôi gặp ở nước Anh thế hệ trẻ hết sức năng động, tạo ra trào lưu về phong cách quần áo, ngôn ngữ và âm nhạc…trên những chiếc xe đạp kết hợp phong cách dân tộc độc đáo. Cũng buổi chiều đi thăm thành phố Oxford, tình cờ chúng tôi đã gặp Đỗ Minh Việt – sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đại học Oxford.

Vào ngày nghỉ cuối tuần, Minh Việt đã đưa chúng tôi đến thành phố Manchester. Đây là thành phố công nghiệp hóa đầu tiên của thế giới, giữ vai trò trung tâm trong cuộc Cách mạng công nghiệp. Hồng Việt – cán bộ của cơ quan sang học Thạc sĩ theo Đề án 165 đã đón chúng tôi ở đó. Gần 1 năm sống ở đây, Việt nhanh nhẹn, tháo vát hơn.

Chúng tôi đến Bảo tàng và Sân vận động Manchester United (M.U). Giá vé tham quan ở đây là 15 bảng (khoảng 500.000 đồng Việt Nam). Người hướng dẫn đoàn chạc tuổi 60, nhưng khá nhanh nhẹn và vui tính. Chúng tôi được dẫn qua rất nhanh Bảo tàng lưu giữ tất cả các Cúp vô địch, kỷ niệm chương, áo và giầy thi đấu của các danh thủ của CLB. Từ chiếc áo đấu của Cristiano Ronaldo mặc trong trận chung kết FA năm 2004 tới chiếc giày của Bobby Charltons trong trận đấu cuối cùng với Chelsea năm 1973. Với tôi và mọi người ấn tượng nhất là khi thăm vận động của “Những con Quỷ đỏ” có sức chứa khoảng 76.000 người. Ông đưa chúng tôi vào phòng thay đồ cầu thủ. Đi qua đường hầm Munich, ông giới thiệu ngọn lửa bất tử thắp cho các cầu thủ của MU đã thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay năm 1958. Ông đưa đoàn tới đường hầm nơi các cầu thủ chờ trước khi ra sân. Ông chỉ Vân và Hà đứng đầu, không cần phiên dịch, chúng tôi hiểu ông muốn chúng tôi xếp thành 2 hàng. Ông bật nhạc, chúng tôi bước ra sân vận động lớn thứ hai ở Anh Quốc như những cầu thủ trong không khí rạo rực vẫn thường thấy trên ti vi. Ngay sau khi trở lại quầy hàng lưu niệm, chúng tôi được nhận tấm Bằng chứng nhận tham quan Bảo tàng và vận động của M.U khổ A4 đã có tên và chữ ký của Sir Alex mà trước đó cháu Minh Việt đã nhanh nhẹn điền tên cho cả Đoàn. Quả là, công nghệ kinh doanh trên thương hiệu Manchester United ở Old Trafford thật tài tình. Ông cho biết mỗi năm, có khoảng 300.000 lượt khách tới thăm. Tổng doanh thu của hoạt động thăm quan ước đạt 4,5 triệu bảng (khoảng 150 tỉ đồng Việt Nam).

Từ thành phố Oxfodr chúng tôi đáp xe lửa đến thủ đô London đã hơn 11h trưa. Cả đoàn thống nhất dành thời gian ưu tiên viếng mộ Các Mác trước. Mộ Các Mác và gia đình (5 người nằm chung trong một ngôi mộ) nằm ở nghĩa trang tư Highgate, bên cạnh công viên (thủ đô London). Sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ (năm 1989), những người dân Đức mỗi khi đến viếng mộ Mác đều không yên lòng khi thấy ông nằm trong nghĩa trang Highgate tồi tàn, cùng với những ngôi mộ không tên tuổi khác. Khi biết ý định của ông Helmut Kohl -Thủ tướng Đức lúc đó định gửi 10.000 USD sang Anh để tu sửa mộ, Thủ tướng nước Anh Thatchơ tuyên bố: "Các Mác đã chọn nước Anh là nơi an nghỉ cuối cùng thì việc tu sửa phần mộ Mác là quyền và trách nhiệm của nước Anh…". Sau đó, thể hiện tấm lòng thành kính, trân trọng một nhà khoa học chủ nghĩa cộng sản vĩ đại, mộ của ông và gia đình đã được sang sửa khang trang. Ngày nào trên mộ Các Mác cũng có hoa của những người yêu mến đến thăm viếng.

Trong những bài lên lớp của giảng viên, tôi ấn tượng với đề tài nghiên cứu sinh của Tiến sĩ Tam Sin Barber. Cô gái Anh trẻ trung, duyên dáng vì yêu mến Việt Nam đã nghiên cứu “Vấn đề di cư của người Việt sang Anh”. Cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Anh có trên 40.000 người, hình thành từ đầu thập kỷ 40 thế kỷ XX. 90% sống tập trung tại các thành phố lớn: London, Birmingham, Manchester... Nhìn chung, cộng đồng người Việt sống hoà nhập, ổn định.

Việt Nam và Anh thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ ngày 11/9/1973, tuy nhiên quan hệ hai nước chỉ thực sự phát triển tốt từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Hợp tác đầu tiên giữa hai nước là nhằm giải quyết vấn đề hồi hương người Việt Nam ra đi bất hợp pháp trong các trại tị nạn ở Hồng Kông. Trong những năm qua, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, đoàn nghiên cứu. Kể từ chuyến thăm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1993) cho đến nay, đặc biệt là chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (3/2008) nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã đánh dấu một mốc phát triển quan trọng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Với Tuyên bố chung, hai Thủ tướng đã khẳng định thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả và ổn định theo hướng “Quan hệ Đối tác vì sự phát triểndựa trên 5 trụ cột chính: Chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục-đào tạo và di cư và chống tội phạm có tổ chức. Trên đà đó, tháng 9/2010, hai nước ký Tuyên bố chung chính thức nâng cấp quan hệ Việt Nam - Anh lên Đối tác chiến lược với 7 lĩnh vực hợp tác chủ yếu là: Chính trị-ngoại giao, các vấn đề toàn cầu và khu vực, thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển kinh tế-xã hội, giáo dục-đào tạo, an ninh-quốc phòng và giao lưu nhân dân.

Anh đã ký với ta hầu hết các hiệp định kinh tế khung; trở thành một trong những nhà tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam; ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU; ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Chính phủ Anh đã quyết định miễn thị thực quá cảnh cho cán bộ Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ. Hai bên đang đàm phán khả năng ký kết Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ. Bên cạnh đó, Việt Nam đang xem xét khả năng cấp thị thực tại cửa khẩu cho doanh nhân Anh...

Trong những năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Anh trong lĩnh vực giáo dục đào tạo phát triển tích cực. Hàng năm, Chính phủ Anh dành từ 25-30 suất học bổng cho học sinh Việt Nam. Số người Việt Nam nhận học bổng của Chính phủ Anh cho đến nay là trên 600. Hiện có khoảng hơn 7000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường của Anh. Hai nước đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động quảng bá văn hoá, du lịch trên kênh truyền hình BBC và trên hệ thống taxi London; Tuần lễ Văn hoá Việt Nam tại Anh...

Đại sứ quán Việt Nam tại Anh rất quan tâm tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa; tổ chức đón Tết cổ truyền cho bà con Việt kiều, cán bộ, lưu học sinh đang sinh sống, làm việc và học tập tại Anh; trao giấy khen cho những sinh viên ưu tú đã có thành tích học tập xuất sắc đã có nhiều đóng góp cho hoạt động sinh viên Việt Nam tại Anh... Gần đây, Đại sứ quán phối hợp với Hội người Việt Nam tại Anh, Hội Sinh viên và các tổ Đảng để giới thiệu đại biểu về nước tham dự đoàn đi thăm Trường Sa nhân dịp kỷ niệm 37 năm giải phóng miền Nam. Cộng đồng người Việt tại Anh có nhiều hoạt động thiết thực hướng về cội nguồn như ủng hộ các chiến sĩ Trường Sa, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/điôxin, người nghèo, trẻ em bệnh tật, và nhân dân vùng thiên tai... Nhiều đại diện tiêu biểu của cộng đồng người Việt ở Anh đã được nhận những phần thưởng cao quý của Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vì đã có những đóng góp trong kháng chiến trước đây và xây dựng tăng cường khối đoàn kết cộng đồng người Việt Nam tại Anh.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Tamsin bộc lộ sự lo ngại việc mất dần bản sắc văn hóa và ngôn ngữ Việt đối với thế hệ thứ 2. Và đây cũng là mối quan tâm chung của các thế hệ người Việt sinh sống ở Anh Quốc cũng như các nước trên thế giới. Cải thiện tình hình đó tùy thuộc rất lớn vào cộng đồng người Việt sinh sống ở Anh nói riêng và trên thế giới nói chung.

Qua kinh nghiệm của Anh, cùng những hướng tiếp cận di sản văn hóa của cả các quốc gia, như: Pháp, Ý, Trung Quốc… và Việt Nam, chúng tôi được cung cấp những kiến thức cơ bản về việc quản lý và bảo tồn di sản văn hóa của một quốc gia đa văn hóa, vốn đang sở hữu một tài nguyên di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Trong thời kỳ hội nhập, học tập kinh nghiệm quản lý văn hóa ở các nước trên thế giới rất cần thiết và bổ ích. Vấn đề đặt ra là việc áp dụng kinh nghiệm quản lý của Anh vào nước ta phải tính đến hoàn cảnh thực tiễn và văn hóa. Những di sản văn hóa lịch sử ở nước ta như ở Hà Nội, Huế, Thanh Hóa, Ninh Bình…sẽ áp dụng rất tốt kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Anh. Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao của Anh đã có chương trình hợp tác, giúp đỡ Hà Nội trong việc bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa...

Thế kỷ XXI là thế kỷ của văn hóa, sự hợp tác, giao lưu, đối thoại văn hóa sẽ góp phần tôn vinh giá trị của các nền văn hóa, đưa các dân tộc xích lại gần nhau. Trong xu thế hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng và thời đại toàn cầu hóa hiện nay, cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa được xác định là một trong ba trụ cột của ngoại giao hiện đại. Ngoại giao văn hóa được ví như “quyền lực mềm” vừa có khả năng lan tỏa bền bỉ, vừa có tác dụng thẩm thấu lâu dài như Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Kết hợp chặt chẽ đối ngoại của Đảng với ngoại giao của Nhà nước và ngoại giao nhân dân, giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa”.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhà văn đọc sách  

Mai Văn Phấn “giấu mặt” trong “hoa”

VanVN.Net - Từ xưa đến nay, bài thơ viết ngắn nhất là bài thơ chỉ có một câu. Kỷ lục vẫn thuộc về R. Tagore (nhà thơ ấn Độ, người đã đoạt giải Nô-ben văn chương cách nay trên 30 năm). ...