Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Chùm thơ: "Lễ của lễ hội" của Tuệ Nguyên

04-05-2011 03:58:22 PM

VanVN.Net - Tuệ Nguyên, tên thật: Thạch Trung Tuệ Nguyên, Bút danh khác: Michelia, dân tộc Chăm Sinh: 20/10/1982, tại Caklaing – Ninh Thuận. Hiện sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Thơ in photocopy: Khúc tấu rối bù, 2007; Ch[tr]ào & Những vết bẩn; 7749 (tập thơ in chung), Những giấc mơ đa chiều, NXB Hội Nhà văn, 2009. "Đọc Tuệ Nguyên là đi vào một thế giới vừa tâm linh đến u minh vừa rất thật đến như có thể chạm tay vào để có những cảm giác cụ thể…Là nhà thơ người dân tộc nhưng lại ở thành phố, một mặt anh cháy mình trong cuộc sống đương đại, nhưng vẫn đau đáu: phế tích cha ông bỏ mặc/ linh hồn tộc người bôi bẩn… Ngoài đời, Tuệ Nguyên mang dáng vẻ rất đặc trưng của kẻ tha hương, đang đi tìm bản thể của chính mình. Anh có thể đi khắp nơi, vài tháng, không một xu dính túi."(Lê Anh Hoài)...

Lễ của lễ hội

1.
Đây ngày hội của rác rưởi
thời đại những ống kính đục khoét những gã khổng lồ
moi tìm những kẻ nằm trong ngục tối
và những người được xem là không có mặt của ngày hôm qua

cũng chính đêm đó
có người kể lể về đời sống thế sự
đưa mình vào cổ tích ở nơi chốn
những kẻ chối tội làm nên nghệ thuật sống
những thằng điên trở thành học giả
những kẻ khổng lồ có xu hướng béo phì
những kẻ tầm thường có nguy cơ mất tích
có cả bè lũ ngu ngốc im lìm lắng nghe
khuya lắm rồi tôi còn nghe tiếng vỗ tay rất thanh của đám lâu la

tôi phải nhảy qua bóng đêm để kể thành tích mình.

2.
Đây ngày mặc niệm của những bóng ma
những linh hồn côi cút gặp nạn dưới địa ngục
lẩm bẩm bản kinh đời mơ hồ

cũng chính đêm hôm đó
những khuôn mặt đã chết nổi cộm lên đòi quyền sống
họ ùa đến rất nhiều đến nỗi choáng ngợp tôi
ở đó họ bao phủ tôi
bao phủ khuôn mặt tôi
cái khuôn mặt cứng đơ vì ngỡ ngàng

cũng bằng sức lực bàn tay mình
tôi lột luôn con người tôi
bằng cách làm nở phồng những xác chết gần gũi tôi để chất vấn về đời sống.

3.
Đây ngày lễ của thánh thần
loài người chém giết nhau tranh giành quyền nhân danh
ở trên thiên đàng – những vị thần say rượu đã lẩm cẩm
tuyên thể, một đời sống đã hết phép mầu

cũng chính đêm hôm đó
một tội ác đến từ miền đất mà mọi điều có thể
đổ lên đầu đám vô thần
loan báo cho họ một tia hi vọng cho sự tự do
cái tự do được đi bằng đôi chân mình
mà mọi tiếng động đều được để ý

cũng đến từ miền đất đó
thuật ngữ công bằng chèn ép nhóm thiểu số và buộc chúng phải chịu đựng
tôi phải ví đời sống mình như một đền thờ
để xưng tội và cầu nguyện

Và đây
ngày hội của con người
phố thị nuốt mất đàn bà
đường phố phải tạo ra giống loài như thế để lũ ngợm nghịch
tôi dùng sức mình nâng cao hai bàn tay trắng hoan hô đồng loại.

4.
Xin lỗi,
trong ba lễ hội này bạn không có quyền được cô đơn
nếu là ngoại lễ ta sẽ trở nên cô đơn hơn.

5.
Còn tôi
kẻ tham dự tang lễ của kẻ vô hình
người đã vác mang đủ khuôn mặt các vị khách mời

Phải chăng
cả tôi và (họ) có đủ số lượng để khẳng định người đó là ai?

 

                                     Khúc Tấu Rối Bù 49

Gió thổi về báo tin tuổi thơ thất lạc
ngọn Cabbang chồn chân
ân huệ của đời người tu sĩ làm trĩu nặng bước nhân gian
đỉnh núi cao chỉ có thế
gió thổi bay mất nóc
gió còn mãi bào mòn miền đất khô hạn

những thiên thần ở nơi đây nhú dậy
mọc cánh bay

Mùa hạn năm nay gió vẫn thổi
dòng sông rỉ chậm
như lời thì thầm cặp tình nhân hẹn hò bên bến nước hôm nao
kẻ ra đi vác mang cả mầm quên lãng
khối đời nhọc nhằn
người ở lại nghe nhịp tim thổn thức

Đôi lúc nghĩ đời mông lung
trong mọi hư hình đang diễn ảo mộng cũng rã rời đôi cánh


như anh
lầm lạc trong cơn mê hoặc nhân sinh nhầy nhụa
ngã quỵ
lê bước trở về nhận diện từng khuôn mặt thân quen
mọi người xì xào
đất mẹ vẫn lặng thinh
anh nhìn đời như giấc mộng phù du

như em
cô gái út trong gia đình
tuổi đời chưa trọn
đi về hướng xa xăm lo toan cuộc sống
mẹ phải đếm từng mùa hạn trông ngóng
lúc trở về em lạc mình trong từng ngỏ hẻm palei nghèo

như tôi và bạn
khi cơn nhiệt huyết dâng trào
mọi lỗi lầm chỉ thể là thú vui
hôm nay đây
chuyện thế sự chìm trong ly rượu
tôi phải rót đầy ly để tỏ lòng tôn kính
bạn nốc cạn
tôi nốc cạn
hân hoan trong chốn hoan lạc...

gởi tầm nhìn về phía xa xăm
bạn nói về ý nghĩa đời sống
lúc mà cơn đói lay đôi chân run ranh giới đạo lý sống cũng nhoà
trong cơn khốn cùng người đời tự làm nên vận mệnh đời nhau
phế tích cha ông bỏ mặc
linh hồn tộc người bôi bẩn
những cặp mắt to nhìn trừng trừng về phía lợi lọc

nhưng khi bạn dùng đôi bàn tay để sờ chạm vào vết xước đời mình
tản mản về câu chuyện lặt vặt
tôi phải chịu đựng để chia sẻ gì đây
phải chăng đổ thừa vào hư không
khi mà bức tranh cũ phai màu
lũ mối mọt/ đám rêu mốc phân khu tự trị

hạt bụi quê hương dính ngang lưng
những kẻ vượt biên số phận ngoảnh mặt.... khóc


Chiều nay
có người theo gió về nhà trời
nắng tắt
ân tình giá lạnh
ước mơ của những vì sao rơi rụng
xẹt qua bầu trời đêm như bóng ma trơi

những kẻ ra đi không báo ngày về
mai đây nằm trên giàn hoả
nghe đời lửa bộc bạch
về câu chuyện hạt bụi tàn tro bay tìm thiên đường
kẻ về muộn... như người tị nạn đời sống
tư lự nhìn làn khói tản bay

phía xa xa
có kẻ rót chén trà nhìn thế giới qua song cửa sổ
mạn nguyện
vị thánh khuất mặt bấy lâu gục ngã trước rạng đông


Cái đẹp không thuộc về miền bí ẩn nào nữa
những đôi mắt chai sản vẫn tin rằng điều thiêng liêng sẽ quay trở về
vẫn giăng sợi dây thần kinh như mạng nhện

để rồi tự đặt dấu chấm than lên đó
sự thất vọng trở về như thanh lọc mọi cứu cánh

Những mùa lễ lần lượt đi qua cuộc đời
đàn chim vẫn hồn nhiên hát bản nhạc có ánh tinh cầu soi lối
và bóng đêm che mái đầu
ở trong góc tối
loài người khô khan cổ họng
giữa khối người im lìm như thế sự thời nguy kịch

Ừ như lễ Katê luôn là hội của đám dân Chàm làm dáng
tôi cũng cần về để đổi mới mình
mặc chim chơrao chưa bay về kịp
mặc hoa tagalau nở lạc mùa
mặc những bước chân tha phương... đang ru hời bòng hình tháp
mặc ban mai nâng bước em thơ
để rồi của tháp cựa quậy làm run tấm thân trần

tôi đứng trước mọi thứ đang vụt khỏi tầm mắt
còn em... giấu gì giọt nước mắt sau tấm rèm
ném phải canh chua mẹ già với đôi tay gầy hài lá me non
em nói phai lạt khẩu vị
gặp phải lễ nghi cha ông Iu Yang, cầu nguyện
em nói những chuyện tầm phào

Mai đây
chim bay lạc đàn
sông trôi lạc dòng
gió xoáy vèo... mơ màng về chuyện sâu bọ, bướm, chim.

 

                                     Cánh cửa khép

Tôi ra đi và khép cánh cửa lại
mọi cánh cửa nơi tôi đóng hết
đóng hết
không có một khoảng trống nào để nhìn về phía bên kia
cũng không có bảng chỉ dẫn nào cho sự quay lại
cho bất cứ ai
và cho cả tôi nữa

tôi, một nộm hình ẩn mình trong sắc màu tang trắng

ì mình trong đời sống
tôi le lét truy tìm vết tích của cái chết
của cái chết
ở cái chốn mà những thứ thuộc về nó kẻ nặn hình đã lướt qua
đã giẫm đạp qua
ở đó tội ác chưa được hoan nghênh
ở đó tội ác cũng chưa được kết án

tôi, một nộm hình tang trắng

cùng ở phía bên kia của cánh cửa khép
có người đi tìm kẻ đã chết
hắn phải ồn ào đến mức gây ra những tiếng động hoang mang trong đầu
và cả ở cánh cửa tôi vừa khép
hắn cào cấu nó cho đến khi nổi lên dòng chữ:

"Kẻ đã chết đang ở phía bên kia!"

 

                                     Lời bộc bạch của một linh hồn

Tôi là thai nhi
tôi chưa đủ hình hài của một con người
tôi bị tước đi cuộc sống
từ đôi bàn tay của kẻ mặc áo blu trắng
tôi bị cắt bỏ không rõ lý do
tôi bị vứt đi như một cục thịt
cái cục thịt mà mọi người có thể nhìn thấy ở gian hàng của
các bà bán thịt trong chợ

Tôi được vứt đi để người nhẹ nhỏm
tôi được vứt đi để người ngửng cao đầu làm dáng, tiếp tục sống
tôi được vứt đi để người khỏi phải dễ dại trong trò chơi tự do yêu đương
có khi tôi được vứt đi chỉ vì tôi là con gái
trong một cộng đồng nặng vấn nạn “trọng nam khinh nữ”

Thưa,
đó có phải là câu hỏi để người quyết định sự lựa chọn cho câu trả lời đúng/ sai?
thưa,
đó có phải là trách nhiệm của người đang cưu mang – để tôi còn hi vọng hiện hoạt
như một sinh linh khác
được nuôi dạy
được đi học
được ước mơ

Người biết không
trong bụng người
tôi không có gì để tự vệ
chạy trốn cũng không
ẩn núp cũng không
chỉ duy người biết
tôi không có quyền gì hết
cũng như không thể phán xét hay kết án ai là kẻ sát nhân

Khi lúc khai tử đã định
luật lệ người đời cũng không bảo vệ tôi hơn người
người biết không
khi cái cục thịt đó được vứt đi
linh hồn tôi vẫn bám theo bóng người
vì không biết đến một ai khác để mà nương tựu

Và tôi – kẻ vắng mặt trong suốt cuộc đời người
chơi vơi
trong một thế giới khác
ở đó
tôi chờ đợi người để gọi một tiếng “Mẹ”.

 

                                    Xáo trộn trong em

Mọi xáo trộn đã đi qua
em tự nhủ thế
nhưng đôi mắt vẫn ném cái nhìn về phía đời sống một cách ngờ nghệch


Em còn nói: đó là giấc mơ biến trạng trong một đêm tuyệt vọng
cái giấc mơ đã dung túng trong em ảo tưởng về
một cô gái lang thang bước lạc trong cái bóng khổng lồ của một gã say xỉn

ở nơi tình yêu và nỗi sợ hãi đan cuộn nhau
mọi thứ bắt đầu xáo trộn trong em
khi ảo tưởng rớt tan tành chính cái nơi nó được sinh ra
trong cõi lòng em
trong trái tim em
trong ý nghĩ của em
nó khiến em rùng mình và im lặng
nó khiến em xao lãng mọi hành động và ý nghĩa về nó
nó còn khiến em nhìn đời bằng con mắt thương tổn

Ôi! cuộc đời em
xoáy xoay giữa hiện thực và ước mơ
hiện tồn giữa suy đồi và dựng xây
rối tung giữa cô đơn và chung chả
em bước đi
trong hoang mang
trong sợ hãi
và cái thể hiện lầm lạc là việc em bám mình vào cái bóng và đặt niềm tin yêu
nó khiến em mê muội và mất mát
nó khiến em gục ngã và khổ đau
nhưng em vẫn tự nhủ
để bước đi
cái bước lê trong chiều hướng cuồng loạn, rối bời
cái bước đi của điều muốn là trung tâm của sự chú ý
nhưng trong thâm tâm em biết rằng

"Tôi có thể xiêu ngã và tan biến chỉ một ánh nhìn"

em vẫn bước đi
nơi mọi xáo trộn bên ngoài chỉ là bề nổi của tâm thức
khi mà bên trong nó
mọi xúc cảm đều khiến em lạ lẫm
mọi cái nhìn đều khiến em xa lạ

em vẫn bước đi
mơ ảnh về một cô gái trong cuộc hành trình vô định.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...