Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Dịch giả Lê Bá Thự: Cảm hứng là chất ma túy vô hình

PV - 04-05-2011 03:08:32 PM

PV: Là một dịch giả thì lý do nào để ông lựa chọn và bắt tay vào triển khai tác phẩm này mà không phải tác phẩm kia?

Dịch giả Lê Bá Thự: Tôi có tiêu chí dịch thuật của tôi. Tác phẩm tôi chọn dịch trước hết phải là tác phẩm tôi cho là hay, tôi thích, tôi mà không thích thì đừng hòng tôi địch. Tiếp nữa, tôi cảm nhận tác phẩm này sẽ được độc giả Việt Nam mến mộ. Chẳng hạn, vừa rồi có người hỏi, tại sao tôi lại chọn dịch tiểu thuyết Quà của Chúa (Được Hội Nhà văn Việt Nam tặng bằng khen năm 2010)? Tôi đã trả lời thế này: “Vì đây là tác phẩm tôi thích, tôi thích vì tôi thấy nó độc đáo, nó độc đáo vì đề tài lạ và khó viết, khó viết mà viết rất hay, rất hay vì miêu tả nội tâm nhân vật và khai thác cái đẹp ẩn giấu bên trong cái xấu bề ngoài rất tài tình, tài tình đến độ làm chúng ta xúc động trào nước mắt, ngạc nhiên và khâm phục”. Đấy, lí do đấy, thưa chị.

PV: Sự lựa chọn đó có bị tác động hay chi phối bởi độc giả, tính thời sự của văn bản không?

Dịch giả Lê Bá Thự: Câu trả lời vừa rồi của tôi cho thấy, độc giả là một nhân tố quan trọng tác động, chi phối sự lựa chọn của tôi. Bởi vì độc giả chính là đối tượng phục vụ của dịch phẩm, là “đầu ra” của tác phẩm dịch. Đầu ra mà không suôn sẻ, không thuận buồm xuôi gió thì người dịch chẳng vui tí nào. Cho nên tôi thường chọn tác phẩm tôi cho là vừa thỏa mãn chính tôi, vừa thỏa mãn độc giả của tôi. Cũng cần phải thấy rằng, có những tác phẩm văn học hay, nhưng lại rất kén người đọc. Trong trường hợp như vậy thì người dịch phải cân nhắc giữa cái được và cái mất, và nhất là cuốn sách sắp dịch định nhằm vào đối tượng nào, để đưa ra quyết định chuẩn xác. Lại nữa, người đọc vốn rất đa dạng, về giới tính, về tuổi tác, về nghề nghiệp, về khả năng và trình độ cảm thụ tác phẩm vv…, cho nên cùng một tác phẩm, có thể người này thích, nhưng người kia không thích, đó là chuyện thường tình. Trước khi chọn một tác phẩm để dịch tôi thường phải tìm đọc hàng chục tác phẩm nguyên bản. Nói “nghề dịch lắm công phu” cũng còn là như vậy nữa đó. Tôi coi tác phẩm tôi phát hiện được để dịch sang tiếng Việt là một khám phá của riêng tôi trong cánh rừng văn học Ba Lan. Các tiểu thuyết Ba Lan đương đại tôi dịch trong mấy năm gần đây, như “Hoang thai”, “Xin cạch đàn ông!”, “ Quà của Chúa”, “Các người khắc biết tay tôi!”... chính là những khám phá này. Nhiều khi tôi lấy làm thích thú, thậm chí tâm đắc, về khám phá của mình.

Còn tính thời sự của văn bản ư? Nếu là tác phẩm cổ điển thì tiêu chí này không cần thiết. Tuy nhiên, với các tác phẩm đương đại thì càng có tính thời sự, càng cặp nhật càng tốt. Bởi sức lôi cuốn bạn đọc sẽ cao hơn, khi những vấn đề được đề cập trong tác phẩm còn đang nóng hổi. Nhưng thực ra tôi không bận tâm nhiều lắm đến tính thời sự của tác phẩm. Tiêu chí của tôi là hay, cứ hay là tôi OK.

PV: Trong quá trình làm việc thì một dịch giả có cần đến cảm hứng không? (Nếu có, nó thường đến lúc nào, trước khi làm, trong khi làm hay khi đã làm xong?)

Dịch giả Lê Bá Thự: Tôi phải nói ngay, dịch giả văn học mà không cần cảm hứng, hay không có cảm hứng thì đó có lẽ không phải là dịch giả, càng không phải là dịch thật. Chẳng phải nếu có mà là phải cảm hứng. Cảm hứng khi đi tìm nguyên tác, cảm hứng khi dịch, còn khi đã dịch xong xuôi, sách đã ấn hành, thì khỏi cần cảm hứng, mà cần sung sướng, lắm khi tôi đã không thể hoãn lại cái sự sung sướng này.

PV: So với nhà văn, nhà thơ thì công việc của một dịch giả có thiên về lý trí hơn so với cảm hứng sáng tạo là yếu tố vô thức không? Vì sao?

Dịch giả Lê Bá Thự:  Tác giả, hay nhà văn, nhà thơ viết  (sáng tác) những gì họ biết, còn dịch giả phải biết tất cả những gì tác giả viết. Nếu không biết thì làm sao dịch nổi. Tác giả là những người sáng tạo thật sự, họ chủ động sáng tạo, còn dịch giả luôn luôn ở vị thế thụ động, thụ động theo tác giả, dịch giả không thể làm theo ý muốn chủ quan của mình, chẳng lẽ dịch giả lại yêu cầu tác giả phải viết những gì anh ta biết để anh ta còn dịch hay sao. Dịch giả khổ hơn tác giả là ở chỗ đó, dịch giả phải biết tuốt tuồn tuột mọi thứ, không biết thì phải đọc, phải học, phải tra cứu. Cho nên dịch giả nặng về sự hiểu biết, thông thái và sáng suốt. Muốn làm một dịch giả văn học thì điều kiện cần là người dịch phải giỏi ngoại ngữ, giỏi tiếng Việt, phải đọc nhiều, biết lắm, phông văn hóa rộng. Có người nói, dịch giả là người đồng sáng tạo, là đồng tác giả của tác phẩm. Theo tôi, phải nói rạch ròi như thế này: Bản gốc là sáng tạo của riêng tác giả, dịch giả không liên quan gì, nhưng tác phẩm dịch thì khác. Phần nội dung, hình thức của tác phẩm dịch vẫn là của tác giả, còn bản dịch tiếng Việt với văn phong và “cái tôi” sáng tạo trong Việt hóa là của dịch giả, và trong trường hợp một bản dịch cụ thể như vậy ta có thể gọi tác giả và dịch giả là đồng tác giả của dịch phẩm mà không sợ lấn sân, vì ai có phần của người ấy.

PV: Một số nhà văn, nhà thơ tiết lộ rằng, muốn làm việc nghiêm túc thì không chỉ trông chờ vào cảm hứng sáng tạo mà phải viết thường xuyên, thậm chí không có cảm hứng cũng cứ …viết!. Vậy ông có làm việc theo cách đó không?

Dịch giả Lê Bá Thự: Tôi khâm phục các nhà văn, nhà thơ, các dịch giả văn học (nếu có) không có cảm hứng mà vẫn viết. Tôi không làm việc theo cách đó và cũng không thể làm việc theo cách đó. Đã ngồi vào bàn để sáng tác hay dịch là tôi phải có cảm hứng. Không có cảm hứng thì tôi chịu, vì sản phẩm dịch của tôi sẽ vô hồn, khô không khốc, bạn đọc sẽ chê tôi. Tôi đã từng ngồi chơi xơi nước cả tháng trời vì cảm hứng chưa về với tôi.

PV: Cảm hứng hữu ích với công việc của ông như thế nào?

Dịch giả Lê Bá Thự: Có thể gọi cảm hứng là chất ma túy vô hình, hay siêu hình cũng được, của bất kì ai làm công việc sáng tạo. Ma lực của loại ma túy này có khi mạnh hơn cả ma túy “hữu hình” . Nó khiến nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, dịch giả, lắm khi như kẻ mất hồn, quên ăn, quên ngủ, thậm chí quên cả tắm giặt và làm “chuyện ấy”…Tại cảm hứng mà lắm khi tôi bị vợ “mắng”, vì đã đến giờ ăn, bữa ăn nóng sốt đã bày sẵn trên bàn mà ông chồng bị “cảm hứng” vẫn gan lì như cóc tía, ngồi cặm cụi viết lách, để cơm nguội, canh nguội. Lắm khi vợ tôi bảo: “Anh định làm việc để chết hay sao?”. Tôi trộm nghĩ (không dám cãi vợ), tôi làm việc là để sống, không làm việc là tôi chết. Nói vậy chắc chị hiểu, cảm hứng hữu ích với tôi như thế nào. Có thể nói không ngoa rằng, cảm hứng cho tôi năng lượng và sức lực, cho tôi trí tuệ, cho tôi những phút thăng hoa, xuất thần trong sáng tạo và dịch thuật. Nhưng cũng vì thiếu “ma túy cảm hứng” mà lắm khi tôi nghỉ dài dài, chẳng chịu làm gì. Chẳng hạn, tôi định sau Tết Tân Mão bắt tay ngay vào dịch cuốn tiểu thuyết “Dưới Thiên thần Sức mạnh” mà tôi vừa tìm được, thế mà tôi cứ bình chân như vại, rong chơi đến hết tháng giêng âm lịch mà vẫn không “khai mào” được, vì cảm hứng chưa về. May thay, từ đầu tháng hai âm lịch, cảm hứng đến với tôi rồi, tôi đã ngồi vào dịch và đã dịch xong ba chương của tiểu thuyết này. Một thí dụ cho chị thấy, cảm hứng cần và hữu ích với tôi như thế nào.

PV: Với ông yếu tố nào sẽ làm triệt tiêu cảm hứng? Có thể nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo được không? (Nếu có bằng cách nào?).

Dịch giả Lê Bá Thự: Theo tôi, hiệu quả lao động thấp, thái độ dửng dưng như bánh chưng ngày tết của người đọc sẽ làm triệt tiêu cảm hứng. Chẳng hạn, một tác phẩm dịch mà không được người đọc mến mộ, họ không mua, không đọc, sách ế ẩm, bị chê bai, thì người dịch dễ bị nhụt chí, dễ bị cụt hứng. Ngoài ra, sức khỏe, tuổi tác cũng có thể làm triệt tiêu cảm hứng. Người tuổi cao, sức yếu, thường xuyên đau ốm, lực bất tòng tâm, thì cảm hứng cùn mòn dần. Cảm hứng chẳng còn khi người ta thấy mình vô dụng. Biết làm sao!

Để nuôi dưỡng cảm hứng thì người dịch phải phấn đấu, không ngừng nâng cao chất lượng bản dịch, càng ngày càng có nhiều tác phẩm dịch hay, được bạn đọc mến mộ và tìm đọc. Bạn đọc sẽ cho ta cảm hứng. Để được như vậy thì ngoài những điều như tôi đã nói ở trên, dịch giả phải chọn đúng và chọn trúng tác phẩm để dịch. Vì có dịch giả tuy tay nghề vững, nhưng tác phẩm chọn dịch không hay, không trúng, thì người đọc sẽ không đón đọc. Sẽ rất uổng công nếu bỏ ra nhiều tháng trời để dịch một cuốn tiểu thuyết mà rốt cuộc hiệu quả chẳng là bao. Ngoài ra ta phải khỏe, phải lạc quan yêu đời, yêu người và nhất là yêu nghề thì cảm hứng mới thích đến với ta.

Cảm ơn dịch giả Lê Bá Thự!

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Sự kiện  

Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam

VanVN.Net - Sáng nay, 10/8/2011 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm nửa thế kỷ thảm họa da cam gieo rắc trên đất nước ta. Đúng ...

Nhân vật  

Công chức Nga thời nào tốt hơn

VanVN.Net - Nhà văn I. M. Poliakov, Tổng biên tập Văn báo, ủy viên ủy ban Văn hóa phủ Tổng thống, ủy viên Đoàn chủ tịch Hội nhà báo Matxcơva, tác giả nhiều tiểu thuyết chống quan liêu như Tình trạng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...

Nhà văn đọc sách  

Mấy ai đã đến tận cùng chiều sâu của biển

VanVN.Net - Đỗ Kim Cuông vừa cho xuất bản “Sau rừng là biển” - cuốn tiểu thuyết thứ 12. Đọc những trang đầu, tưởng chỉ là một câu chuyện đơn giản và quen thuộc: ba người lính quê một tỉnh đồng ...